T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Bà Thụy Khuê với những…chấm hỏi (?), chấm than (!) (1)

Đôi lời bộc bạch

Một ngày, tôi thửa được bài Thụy Khuê trở lại quê hương để làm gì? của… ”cụ” Khuất Đẩu, trong đó, cụ viết “Tôi xin nói ngay rằng, đó không phải là một bài viết ca ngợi quê hương, như tôi lầm tưởng, mà chỉ để chửi và dạy khôn người dân Việt Nam (trong đó có tôi)“. Tôi cũng nghĩ như vậy nên giấy một túi, bút một túi lọ mọ theo bà từ Nam ra Bắc, hóa ra bà ”Đem tâm tình viết lịch sử” bằng cách khuân nguyên quyển Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long viết năm 2015, bà rải từ thành phố này qua thành phố khác…từ Nam ra Bắc nối liền nắm tay, ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi…

Có đầu có đũa bà cho là Bá Đa Lộc không giúp Gia Long gì sất, với bà “…lịch sử không phải là đánh giá, miệt thị, mà là sự trung thực và sự thực…” vì vậy ai không theo bà, thì bà Thụy Khuê ”trung thực” để ”miệt thị” tuốt. Vì thế từ Trương Vĩnh Ký đến Trần Trọng Kim rồi Phan Khoang, Nguyễn Thế Anh, Tạ Chí Đại Trường, Nguyễn Khắc Ngữ. Bà kết án những vị này đều sử dụng tài liệu của Pháp nên bà xếp họ vào loại…“sử gia thuộc địa”.

Trong bút ký của bà, tôi góp nhóp được ít nhất 16 chữ: ”sâu sắc, cực kỳ, giao lưu, hồ hỡi, xử lý, triệt để, hoành tráng, quần thể, thông tin, phản quốc, cách mạng vùng lên, công tác du kích, quân cảm tử, quân đội chính quy, bộ đội, Mỹ-Ngụy”. Ngòai ra trong bài Về quê Bắc, bà viết: ”…Tôi có ông bác, lúc còn sống ông luôn luôn giơ tay lên trời thề: Khi nào còn cộng sản là tao không về. Tôi thầm nghĩ cộng sản là một lý thuyết, nào có đầu mình chân tay gì đâu…”.

Bèn nghĩ dại bà…”đổi mới tư duy” chăng. Đầu trỏ xuống, cuống trỏ lên bà về Việt Nam lần cuối năm 1997, sau đó suốt 10 năm bị cấm cửa, có thể vì bà viết Nhân văn Giai phẩm hay Vấn đề Nguyễn Ái Quốc. Rồi không biết lý do nào đó (bà dấu kín như bưng), bà được về lại năm 2017 để viết bút ký với những gì ở Việt Nam cũng nhất: ”…xa lộ Nha Trang rất đẹp, không kém gì những đại lộ nổi danh trên thế giới mà tôi đã đi qua…”. Tới đâu, bà cũng đội cán bộ tỉnh lên đầu vái lấy vái để: “…Nghiã trang Côn Đảo đẹp hùng vĩ, xứng đáng là nơi an nghỉ của hàng ngàn người đã ngã xuống. Cảm ơn ban quản lý Côn Đảo đã xây dựng nghiã trang này…”.

Thế là tôi một ngón tay mổ chữ như cò mổ ruồi trên bàn gõ, mõ sớm chuông chiều bài phiếm khảo: Bà Thụy Khuê với những…chấm hỏi (?), chấm than (!). Bám như cua cắp theo bà từ Sài Gòn ra Hà Nội, tôi len chân vào chuyện 16 đọan những gì bà rải chữ trên đường đi để đưa vào bài phiếm. Với phiếm gồm chữ thủy và chữ phạt, thủy là nổi trôi, phạt là vô định. Với nổi trôi, vô định nên những gì tôi góp nhặt qua chữ nghĩa với cái nhìn chủ quan, không có sai hay đúng, vì sai hay đúng chỉ cách nhau một sợi tóc. Bởi dựa cửa thiền: Cái sai của tôi hôm nay có thể là cái đúng của…100 năm sau.

Nay xin thưa –

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Kỳ 1

*Chú Thích: Những phần chữ in màu tím xen kẽ trong các trích đọan của bài bút ký “Quê hương ngày trở lại” là của tác giả Ngộ Không Phí Ngọc Hùng (tức Người Góp Nhặt – NGN). Để tránh bài quá dài, bất tiện cho độc giả, NGN không trích trọn bài bút ký của Thụy Khê mà chỉ trích những đoạn có liên quan đến đề tài được NGN “lưu ý”. Link trọn mỗi bài bút ký được đặt ở đầu bài, độc giả có nhu cầu có thể sử dụng link để xem trọn bài bút ký được trích đoạn (bởi NGN) trong mỗi kỳ. NGN.

Sài Gòn-Châu Đốc-Hà Tiên

 

Về Sài Gòn tôi bị lạc. Tình trạng lạc kéo dài trên taxi, xe ôm, đi một mình hay cùng gia đình, bè bạn, tôi thường lẩm nhẩm trong đầu: đường này Gia Long (1), Tự Do đây, chắc là Lê Văn Duyệt (1). Nhưng khi ra Hà Nội, lại tịnh không có sự lẩm nhẩm nào. Hôm tới Lê Văn Hưu ăn phở, dù phố này nay đã hoàn toàn khác với trí nhớ, tôi vẫn nhận ra: đây là Lê Văn Hưu (1)., tới chút nữa rẽ ngang là phố Huế. Đèn phố Huế bẩy mươi năm qua chưa bao giờ tắt trong tôi…

 

(1) Ghi chú của người góp nhặt: đuờng Gia Long nay là Lý Tự Trọng, trường Gia Long của bà Thụy Khuê bị đổi tên là Nguyễn Thị Minh Khai, vậy mà chả thấy bà nắng không ưa mưa không chịu gì sất. Tiếp đến, đường Lê Văn Duyệt nay là đường Cách mạng tháng 8.

Ông Ngô Văn Phát, trưởng phòng họa đồ Tòa đô chính Sài Gòn đặt tên phố có sự sắp xếp hòm hõm của ông: Nguyễn Huệ, Lê Lợi hai anh hùng áo vải, hai đường lớn nằm trong trung tâm thành phố Sài Gòn. Đường Gia Long song song với Lê Lợi, nằm trên đường có…”khám lớn”, người đọc sử lại đau chân há miệng đến Gia Long giam…”đầu lâu” Nguyễn Huệ trong khám. Đường Minh Mạng cắt ngang đường Nguyễn Tri Phương ngập những nghêu, sò, ốc, hến tuốt trong phố Tàu Chợ Lớn. Nay Minh Mạng bị ông Tàu Vân Nam cầm súng Mút-cơ-tông hộ tống ông Hồ về Việt Bắc, ông Tàu Vân Nam theo…“cách mạng“ tên Ngô Gia Tự được thể truất ngôi Minh Mạng. Tự Đức ở một nơi hẻo lánh gần Đa Kao ít ai biết tới.

Phố Lê Văn Hưu theo người góp nhặt là phố mới nhưng không chắc lắm. Lạ một nhẽ, bà…“sử gia“ Thụy Khuê chả lẽ không hay biết Lê Văn Hưu là tên một sử gia đời Trần, sau khi ông đỗ trạng nguyên, được giữ chức Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử Viện giám tu, năm 1272, ông hoàn thành việc biên soạn Đại Việt sử ký, bộ quốc sử đầu tiên của nước ta.

Năm 2016, trước bà Thụy Khuê một năm. Tôi tới quán bún chả Hương Liên mà tổng thống Obama đã tới ăn ở phố Lê Văn Hưu. Leo lên gác, tôi được bà chủ quán kể chuyện bún riêu nhà, cà hàng xóm là bà chủ quán được điện thoại đặt cọc giữ chỗ cả tháng trước với danh sách đồ ăn thức uống, chủ quán ngỡ có…đám cưới. Bà kể lể ngày đó, tầng trên tầng dưới đông nghẹt những khách là…bò xanh. Dưới con phố Lê Văn Hưu, đàn ông đàn bà thong dong nhàn tản đi lại làm như không có gì xảy ra và không ai biết các ông các bà đều là… bò xanh.

Lạ thêm nhẽ nữa, phố Lê Văn Hưu ngắn tũn có tiệm phở nào ra hồn. Sao bà không ghé phở Thìn ở 13 phố Lò Đúc, hay phở Bát Đàn ở số 42 phố Bát Đàn gần hồ Hồ Kiếm. Nhưng ấy chả phải chuyện của người góp nhặt tôi.

 

Hôm nay, từ phố Huế, đứa nhỏ bẩy mươi ba, bước trở lại Lê Văn Hưu, đi thêm chút nữa sẽ tới phố nhà nó: Thi Sách, số 7. Sài Gòn, hồi ấy tôi sống ở đường Phan Đình Phùng từ 10 đến 18 tuổi, đã lớn, ngoài giờ học, đạp xe đi chơi suốt, thuộc lòng hầu hết các con đường, thế mà sao bây giờ lại lạc? Từ khi rời nước năm 1962, tôi về lại cả thảy bốn lần: 74, 84, 93 và 97. Trừ lần 74 không lạc, còn ba lần sau, lần nào cũng lạc. Điều nhỏ nhặt này cứ luẩn quẩn trong đầu bao nhiêu năm, bây giờ ra Hà Nội tôi mới hiểu: Tại việc đổi tên đường. Hà Nội và Sài Gòn đều của tôi, chúng đã tham dự vào mảnh đời thời thơ ấu và niên thiếu, vậy mà tôi không lạc Hà Nội thời bé, lại lạc Sài Gòn thời lớn, bởi vì đường phố Hà Nội không hề bị đổi tên (2) : phố Huế vẫn là phố Huế, Hàng Bài vẫn là Hàng Bài, Trần Hưng Đạo vẫn là Trần Hưng Đạo. Nhờ vậy, những ai trở lại Hà Nội, dù bẩy, tám mươi năm sau, vẫn nhận diện được ba mươi sáu phố phường, nhờ quyết định hợp lý và cận nhân tình của những người tiếp thu Hà Nội sau 1954. . .

 

(2) Ghi chú của người góp nhặt:

Năm 1954, sau khi tiếp thu Hà Nội, “Ủy ban phố” lọai bỏ tên phố có…“liên” hệ đến vua, quan nhà Nguyễn. Như phố mang tên Nguyễn Hữu Huân. Vì các sử gia miền Bắc bài bác Phan Thanh Giản… “đầu hàng“ Pháp nên đưa Nguyễn Hữu Huân thay thế. Phố Nguyễn Hữu Huân tên xưa là phố Bè Thượng (người Pháp đặt tên là Rue de la Digue). Sau đặt tên lại là Rue Bắc Ninh, sau là Rue Maréchal Pétain (1940), thời 1948-1954 là phố Phan Thanh Giản.

Nguyễn Hữu Huân (1830-1875), quê Chợ Gạo, tỉnh Định Tường, ông dự thi Hương (học vị Cử nhân) và đỗ đầu, nên được gọi là Thủ khoa Huân. Ông khởi nghĩa chống Pháp ở các tỉnh miền đông Nam kỳ, ông bị Pháp xử chém năm 1875 tại Định Tường. !0 Năm sau, năm 1964, tên phố có…“liên hệ” đến vua, quan  nhà Nguyễn mới được…“phục hồi” lại (kể cả sử nhà Nguyễn).

 

Quang Trung (3) sau khi diệt Trịnh, cũng chỉ dám đổi Thăng Long ra Bắc Thành, vậy mà Thanh Quan cũng đã giận lắm, nhiều năm sau, bà còn viết Thăng Long thành hoài cổ để lại như một chúc thư. Bởi vì con người luôn luôn gắn bó với đất nước, và đất nước của mỗi người không chỉ là nơi sinh và nơi lớn, mà còn là tiếng nói, là tên gọi những chốn thân yêu ấy nữa. Sự đổi tên một con đường, một thành phố, vô tình đụng đến ký ức xương thịt, ký ức tâm hồn của một người, của nhiều người, của một vùng, một phương, kéo theo những bi thương, phẫn nộ, vô ích. Tại sao không tránh?. . .

(3) Ghi chú của người góp nhặt:

Trong sớ tấu lên Quang Trung, Ngô Thời Nhiệm gọi Thăng Long là Bắc Thành, từ đấy trong sử học có tên…”Bắc Thành”.  Quang Trung không đổi tên Thăng Long ra Bắc Thành. Chẳng thấy bà Thụy Khuê nhắc tới Minh Mạng đổi tên kinh đô Thăng Long là…tỉnh Hà Nội.

Nhiều nhà biên khảo cho rằng Minh Mạng vay mượn chữ Hà Nội lấy từ câu sách Mạnh Tử (Thiên Lương Huệ Vương): “Hà Nội hung tắc di kỳ dân ư Hà Đông, chuyển kỳ túc ư Hà Nội” (Hà Nội bị tai họa thì đưa dân về Hà Đông, đưa thóc từ Hà Đông về Hà Nội).

Như tên Hồ Tây: Quang Trung ra Bắc Hà, có ông tiến sĩ họ Đỗ, để lấy lòng vua mới, xin đổi hồ ra tên khác, ngài trả lời: “…Tây Hồ là thắng cảnh của người Thăng Long, người Thăng Long vẫn yêu mến và lưu luyến Tây Hồ, lẽ nào nay vì trẫm lại đổi tên đươc. Khách Tây Sơn, cảnh Tây Hồ, cũng là duyên kỳ ngộ, cảnh chẳng phụ người, làm sao người phụ cảnh…”.

Ngắn hai dài một thì Minh Mạng năm 1832 hết đổi tên Hà Nội đến Tây Hồ thành…Hồ Tây.

 

Chúng tôi về tới Sài Gòn sáng sớm ngày 2/11/2017. Vậy là hơn 20 năm xa cách, lần chót tôi rời Sài Gòn cuối tháng 9 năm 1997 (4). . .

 

(4) Ghi chú của người góp nhặt:

‘’ …Đến nỗi một bài viết trong đó của nhà văn Thụy khuê (Việt kiều tại Pháp, cũng là tác giả “có vấn đề” cũng phải bịa ra một cái tên là Yên Cơ (xem tr 43). Sau này tôi (Nguyễn Đăng Mạnh) biết đấy là cái mẹo nghề của một biên tập viên, để qua mắt kiểm duyệt…’’

(trích lược Thương nhớ mãi thầy Nguyễn Đăng Mạnh – Đào Tiến Thi)

 

Cảm tưởng lạc đưa đến sự từ chối thành phố trong mấy hôm đầu, khiến tôi không nhận được quê hương ngày trở lại, đã từng có thứ nắng thật lãng mạn, nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông. Tôi thực thụ gặp lại quê hương qua chuyến đi Sài Gòn-Châu Đốc-Hà Tiên, do một công ty du lịch tổ chức riêng cho hai Việt kiều: Cái Bè là điểm hẹn đầu tiên với sông nước Tiền Giang. Phải đến đây mới cảm được Cửu Long Giang bát ngát của Phạm Duy, tiếng hát Thái Thanh bốc khói trên chiều về bên sông như giọng thuỷ thần cất lên từ đáy nước. Chúng tôi lên thuyền nhỏ đi vào sông lạch, ở đây cách Rạch Gầm Xoài Mút không xa, nhưng tôi không dám hỏi cô lái đò “điạ chỉ” vì chắc cô cũng chẳng biết việc Nguyễn Huệ phá quân Xiêm (1785 quá xa vời), hỏi thêm lẩn thẩn. Sông lạch miền Nam vô cùng quyến rũ, tôi nghĩ chắc hai chị em Hàn Mặc Tử đi thuyền trên sông trăng Sa Huỳnh ngày trước cũng chỉ tương tự thế này, ta thay ánh trăng bằng dừa nước, bằng tất cả những thứ cây sà xuống nước mà tôi không biết tên; lòng tôi chĩu trong đáy nước. Nước tôi. Chúng tôi ăn bữa cơm trưa đầy thi vị bên con cá chiên xù, trong khung cảnh thơ mộng của ngôi nhà cổ Anh Kiệt, không xa Rạch Gầm Xoài Mút của Nguyễn Huệ.

Buổi trưa hôm ấy mưa như trút nước, khiến tôi nhớ mưa miền Nam, mưa rồi tạnh ngay, trời lại nắng, như lời chào thân ái của vùng đất miệt vườn với đứa nhỏ di cư, mười tuổi, năm 54. Trời lại mưa. Mưa theo chân chúng tôi đến tận vùng đất cũ, tôi biết tên nhưng chưa bao giờ đến: Châu Đốc. Chúng tôi ở một khách sạn trên đồi cao, nằm cheo leo sườn núi Sam. Nhìn những tia nắng cuối cùng của hoàng hôn Châu Đốc chiếu lên khung cảnh tuyệt vời, đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy hãnh diện vì quê hương,một cảm tưởng gần như đã biến mất trong tôi từ nhiều năm tháng: bởi đây là lần đầu tiên tôi được ở một khách sạn tại vùng đèo heo gió hút, do người mình xây, có kiến trúc đẹp, những căn nhà nhỏ thơ mộng lẩn trong bụi cây, có mỹ thuật và tôn trọng môi trường, đầy đủ tiện nghi, khó tìm thấy trên đất Pháp cái gì tương tự. Tôi không khỏi bồi hồi cảm động, trong bụng nẩy lên một niềm tự hào dân tộc sâu xa: hai mươi bốn năm trước, tôi cũng tá túc tại một khách sạn sang ở Huế, nhưng phòng tắm đầy gián, chuột; đêm ấy, tôi không sao ngủ được, nghĩ bụng không biết khi nào dân mình mới thoát vòng nhược tiểu, mới có khả năng xây dựng một căn nhà. Thế mà nay, những người Âu đến đây, cũng như chúng tôi, họ ngạc nhiên và trầm trồ khen ngợi: từ kiến trúc, bài trí, đến cách tiếp đãi lịch sự, nồng hậu, món ăn, tất cả đều top, giá lại phải chăng, chỉ bằng 1/4 giá một khách sạn tương đương như thế ở Pháp. Khó tìm thấy khung cảnh nào thần tiên hơn.

Sự tiếp xúc với Châu Đốc sâu hơn, ngày hôm sau, nhờ thiếu nữ hướng dẫn thật sự yêu nghề, yêu đất nước. Em rành từ tên cây, tên cỏ, đến tên đất của vùng quê em, ngõ nào em cũng biết, em kể về quá khứ xa, gần: nội em xưa làm công chức cao cấp trong chính quyền cũ, bị án tử hình. Ôi quê hương yêu quý, đâu đâu cũng thấy dấu vết tương tàn, nỗi buồn làm tắt niềm vui. Em dẫn chúng tôi đi thăm Trà Sư, điểm lạ của miền đất có âm thanh Châu Đốc gióng lên như tiếng trống, thúc giục ta tiến sâu vào vùng sông nước, cây cỏ, hòa một, độc nhất vô nhị này. Trà Sư là rừng tràm bí mật và thơ mộng mà tôi đã nghe tiếng từ lâu, vì không hiểu rõ, nên vẫn đồng hoá với Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc. Nhưng không phải: Trà Sư là rừng tràm mọc trên nước, mênh mông, bất tận, mở ra, mở ra mãi… Thuyền đi, thuyền đi, rẽ lối trên bèo, đi sâu, sâu hơn, sâu mãi, thuyền đến đâu bèo mở ra đến đấy rồi vội vàng khép lại sau lưng thành một cánh thảm xanh tuyệt vời, có lẽ vì vậy mà người miền Nam gọi bèo tây là lục bình.

Châu Đốc còn là quê hương của Thoại Ngọc Hầu, vì Hầu mà chúng tôi đến đây: Thoại Ngọc Hầu hôm nay nằm trong dinh bên cạnh những ngôi mộ đá hình trái soan trắng, là mộ của gia nhân, tùy tướng. Hầu vẫn nhăm nhăm tay thương, tay kiếm, oai phong trấn giữ mảnh đất quan ải. Tôi giật mình, vừa yên tâm, vừa sợ. Châu Đốc trong trí tôi ngày trước là vùng địa đầu, rắn rít, nước độc, bây giờ là đất Trà Sư mênh mông đẹp rộng như rừng mắm của Bình Nguyên Lộc, có Thoại Ngọc Hầu sừng sững bảo vệ. Muôn đời.

Từ Châu Đốc, chúng tôi theo con kinh Vĩnh Tế của Hầu để về Hà Tiên. Anh lái xe cho đi con đường dọc sát biên giới Miên Việt, bên kia núi là đất Miên, bên này đất Việt, anh guide bảo: mạ bên mình lá xanh hơn mạ bên kia, cô ạ. Ý anh muốn nói, mạ mình xanh hơn mạ Miên, tôi mỉm cười thầm nghĩ: Người mình chủ quan thật. Con đường đi dọc kinh Vĩnh Tế, mộc mạc, không trang điểm, còn làđường mộchôn bao nhiêu nhân công đào kinh mở nước, họ đã nằm xuống đây. Phải đến mới cảm thấy thấm thía công lao của người trước: vừa chống trả với “quân xâm lăng” (xâm lăng hay đòi đất? Vì mình chiếm đất của người ta!), vừa làm công việc dẫn thuỷ nhập điền cho dân cư cả một vùng đèo heo gió hút.

Đến Hà Tiên, quang cảnh khác hẳn, như thể ta bước sang một “nước” khác. Nước của họ Mạc. Gia trang Đông Hồ-Mộng Tuyết tựa ở cửa ngoài. Thi sĩ Đông Hồ bị lạc lõng trong vùng đất này, dù đó là quê hương ông. Bởi ông đã “phản bội” quê hương, văn chương Đông Hồ quá chải chuốt, quá Hà Nội, quá tỉnh thành, không hợp với đất Hà Tiên, có lẽ vì thế mà ông chỉ ở ngoại thành. Hà Tiên là của dòng họ Mạc, cha con người Triều Châu. Mạc Cửu phá hoang, xây dựng, rồi dâng chúa Nguyễn. Mạc Thiên Tích, con trai ông, nhà thơ tướng quân, đã mở rộng Hà Tiên thành đất văn học. Tôi biết Hà Tiên qua vài truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc trong Nhốt gió, nói về người Triều Châu lưu lạc sang ta. Đặc biệt chú Yều, mẹ Việt, có ông cố lưu lạc sang đây, lập làng đồ gốm Chòm Sao, nhưng chú ương bướng chủ trương “bất cộng tác” không chịu “hội nhập”, cứ nói, hát tiếng Triều. Nhưng rồi dần dần, chú Yều cũng “đầu hàng”, chú trở thành… người Việt. Tôi không biết trong số những người Triều Châu này, có bao nhiêu Trịnh Hoài Đức? Bao nhiêu Hồ Dzếnh? Di tích còn lại của họ Mạc ở Hà Tiên là những nấm mồ trên núi Bình San: cả dòng họ Mạc đã sống, chết, bảo vệ mảnh đất này, cả dòng họ Mạc nằm đó, nhìn xuống vịnh Hà Tiên, vẫn một lòng trung với Chúa, đã ba trăm năm.

Anh guide và anh tài dẫn chúng tôi ra tận biên giới Miên-Việt. Đứng bên cột mốc phân chia lãnh địa, bình an, một mối xúc động không tên dấy lên như thể qua bao nhiêu trận chiến tàn khốc, hồn người nằm xuống đã bảo an cho thời hiện tại trong không gian đầy nắng này. Tối đó anh guide dẫn chúng tôi tới một quán nhậu, ăn ghẹ luộc Hà Tiên, bất hủ.

Sáng sớm hôm sau đi mũi Hòn Chông, phía nam Hà Tiên, thăm Hòn Phụ Tử. Tiếc thay núi cha đã bị gẫy đôi vì một trận bão, nhưng phong cảnh vùng ráng tiên vẫn tuyệt vời. Chẳng biết có phải Mạc Cửu chọn tên Hà Tiên vì khu này có người tiên hay ra vào trên sông nước? Với tôi, ông đã chọn nghiã ráng tiên, bởi khi đứng trên Hòn Chông buổi sớm, mặt trời vừa mọc, dưới biển nhấp nhô bao đảo nhỏ chen chúc, trên trời ráng tiên múa hát vạn sắc màu, cho nên Mạc Cửu đã bình trị vùng đất hoang sơ tuyệt đẹp này rồi dâng chúa Nguyễn với tên Hà Tiên.
Hà Tiên gói trọn lịch sử về tình người, về lòng chung thuỷ, vượt trên mọi tranh chấp quốc gia, kỳ thị chủng tộc. Hà Tiên nhắc nhở thời điểm lịch sử mà hai dân tộc Việt-Hoa chung sống yên bình, chia nhau, không chỉ một mảnh đất, mà cả linh hồn mảnh đất ấy.

Trên đường trở lại Sài Gòn, chúng tôi ngủ đêm tại một khách sạn ở Cần Thơ, trên bến Ninh Kiều: dòng Hậu Giang hiện ra trước mắt, vẫn Cửu Long Giang và Phạm Duy cùng trổi dậy, cuồn cuộn, dưới chân cầu Cần Thơ, uyển chuyển, thanh nhã, nổi lên trong ráng chiều. Một lần nữa tôi cảm thấy hãnh diện vì những kỹ sư, kiến trúc sư trẻ của quê hương (sic) (5), đã dựng lên một kiến trúc hiện đại xứng đáng bắc ngang Sông Hậu. (Cái gì đẹp thì lại có người bảo Đại Hàn hay Nhật xây đấy, nhưng tôi chắc họ không đem “thợ” sang đâu!). Từ Cần Thơ, chúng tôi trở lên Vĩnh Long, rồi xuôi xuống Mỏ Cầy gần Bến Tre thăm gia đình trước khi về lại Sài Gòn. . .

 

(5) Ghi chú của người góp nhặt: “những kỹ sư, kiến trúc sư trẻ của quê hương”, lý sự gì bà Thụy Khuê… “ca” quá thể!. Ắt có ý gì đây? Ngòai ra trên đường Quê hương ngày trở lại, hành trang trong bút ký, bà còn mang những từ : hồ hỡi, xử lý, v…v…và rất nhiều như sau này.

 

Trở lại Sài Gòn, tôi bắt đầu để ý đến ngôn ngữ của người miền Nam, đặc biệt những người lái taxi. Chỉ cần một câu hỏi: cô chú ở đâu về? là biết chắc chúng tôi Việt kiều, họ bắt đầu tâm sự. Một cái tên được nhắc nhở khá nhiều trong những câu chuyện taxi là Võ Thị Sáu; có lẽ vì cô này chết trẻ. Sau này tôi còn gặp lại cô ở Côn Đảo. Người taxi phân trần: Cô coi, mấy đứa nhỏ phải học trường Võ Thị Sáu (xem tr 12), thiếu gì tên hổng xài, lấy tên con nhỏ vô học đặt cho trường học, tui hổng cho đi, tui cho chúng học tư, tốn kém mấy thây kệ.

Taxi vào vùng Thủ Thiêm, sự khác biệt còn dữ dội hơn: một quần thể biệt thự sang trọng, đường phố toàn tên cách mạng mà vắng tanh, hiềm gì bác tài không dọa: Tui chở cô zô đây, chớ đây đâu phải đất “người mình”. Tôi lạnh gáy. Việc hòa hợp dân tộc xem chừng không dễ dàng. Về phiá người Bắc vào Nam, từ Hà Nội vào Sài Gòn lập nghiệp, cũng than: Lúc đầu đi mua hàng họ không bán bác ạ, họ bảo hết rồi, họ đuổi đi. Bây giờ khá hơn nhiều.

Tôi nhớ lại những ngày năm tư, lũ lỏi Bắc kỳ di cư chúng tôi, chín mười tuổi học chung trường với lũ lỏi Nam kỳ. Bọn di cư học buổi trưa, khi trường trống, còn sáng và chiều dành cho học trò Nam. Ngày nào hai bên cũng viết thư “gây chiến” để lại hộc bàn, lời lẽ con nít Bắc Kỳ ăn cá rô cây; cuộc chiến âm ỷ tới hết thời tiểu học. Lên trung học, mấy con người đẹp Bình Dương chủ trương hoà hoãn với đứa di cư lạc lõng một mình trong trường nữ học Gia Long, chúng đình chiến, chúng thương xót, xử huề. Thế là tôi trở thành gián điệp nằm vùng, nhiệm vụ dò thám tình hình địch Trưng Vương (của mấy bà chị): năm nay lễ Hai Bà bên đó ai cưỡi voi, ai đóng Trưng Trắc? Tình hình “nội chiến” những năm xa xôi ấy trở lại trong tôi, lúc này; nhưng hôm nay, bây giờ, không phải là lũ trẻ ranh mà là người lớn với nhau, âm thầm, đáng ngại.

Điểm văn hoá cuốn hút tôi ở Sài Gòn là Đường Sách, một con đường rất ngắn nằm ngang hông nhà thờ Đức Bà, ít ai nhớ tên thật (6), thường gọi Đường Sách. . .

 

(6) Ghi chú của người góp nhặt:

Tên Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình (1910-1995)

Đường Sách do ông Lê Hoàng, giám đốc Nxb Trẻ lập nên.

(nguồn: Con đường sách Sài Gòn và câu chuyện đốt sách của Ngô Thế Vinh)

 

Tôi chưa thấy ở đâu có quang cảnh như thế, từ thời phồn vinh của Sài Gòn ngày trước với hai nhà sách lớn Khai Trí, Xuân Thu, hay Paris ngày nay, với nhà sách Joseph Gilbert trên đại lộ Saint Michel và siêu thị Sách-Vidéo Fnac ở Montparnasse. Đường Sách, chen lẫn giữa những cửa hàng sách là những quán cà phê, bạn mua sách. Hay bạn là tác giả, ra đó ký sách cho người đọc. Hoặc chỉ đơn thuần bạn thích ngồi cà phê, nhìn ngắm những cặp vợ chồng trẻ, tung tăng dẫn con đi chơi, mua sách hình… tất cả gợi lên một không khí thanh bình, một sức sống mãnh liệt đang lên của dân tộc, tôi không biết ở dưới có giấu những ngu dốt, tham ô, tham nhũng nào không, nhưng tôi tin vào sức sống và sự an nhiên tự tại của những người trẻ đang làm sách và đọc sách ở đây, phần lớn họ đều sinh sau bẩy lăm cả.

Đường sách chứng tỏ Sài Gòn ngày nay đã khác nhiều với Sài Gòn hôm qua, không chỉ với những cao ốc, những tiện nghi, tân tiến của một thành phố thế kỷ XXI, mà Sài Gòn còn đang phục hồi phần linh hồn, tức là phần chữ nghiã, tư tưởng, đã một thời bị dập xoá. (7) . . .

 

(7) Ghi chú của người góp nhặt:

Có thể vì…“kỵ húy “ với người trong nước nên không thấy bà Thụy Khuê nhắc tới chuyện đốt sách hay tấm bảng to bằng cái đình :

“…Tấm bảng hiệu uy nghi cao hơn đầu người với hàng chữ: “Không cần phải đốt sách để phá huỷ một nền văn hoá. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi.”. Tác giả câu nói ấy được ghi là của Mahatma Gandhi. Thực ra câu này của nhà văn Ray Douglas Bradbury…”.

(nguồn: Con đường sách Sài Gòn và câu chuyện đốt sách của Ngô Thế Vinh)

 

Không chỉ những sách miền Nam cũ dần dần được in lại, như những sách về tư tưởng, triết học của Nghiêm Xuân Hồng, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Văn Trung… mà còn có cả sách in chui, mà còn có cả những sách hiện đại của Tây phương dịch sang tiếng Việt. . .

Duy Cường dẫn chúng tôi đi thăm mộ cha. Ông ở Bình Dương, trong Vườn Phạm Duy, thực hiện theo ý tưởng của Duy Cường, bên cạnh ông là mộ Thái Hằng và bia Duy Quang. Trên tượng bán thân bằng đồng đen, ông sừng sững như còn tại thế. Ông đã vĩnh viễn trở về với đất nước với tiếng nói và con người. Khi tôi ra đời cách đây 75 năm. năm tôi lên bốn, Phạm Duy về làng với những tiếng quân hành bộ đội tràn vào sân nhà những đêm trăng sáng một mùa thu năm qua cách mạng tiến ra đất Việt, bừng ngàn tiếng thanh niên tung gông phá xiềng.  Tôi “theo” kháng chiến từ giây phút ấy, trong vô thức chưa định hình của đứa bé lên bốn, với Đường Lạng Sơn, với Việt Bắc, với Ngọn trào quay súng, với Tiếng hát trên sông Lô.. . .

(Còn Tiếp)

Bài Mới Nhất
Search