T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 168)

clip_image002 

 

Giai thoại nhà thơ

Nguyễn Nhược Pháp tác giả bài thơ Chùa hương, ông là con cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Cụ là bạn thân của bố cô Thanh Tú. Cô Thanh Tú mê Nguyễn Nhược Pháp nhưng là mối tình một chiều. Nguyễn Vỹ là bạn nên hỏi sao không yêu Nguyễn Nhược Pháp trả lời:

– Cô ấy không có ngực thì làm sao tôi yêu được!

– Thế tình yêu ở ngực à.

– Nhưng chính ở bộ ngực ấy ta mới sờ được tình yêu.

(Trà Lũ – Văn Nghệ Tiền Phong)

 

Địa danh miền Nam

Mỏ Cày: Hồi lưu dân người Việt mới vào đất Gia Định lập nghiệp, đất đai ở đây rộng rãi, hoang vu, khắp nơi là rừng rậm, dày rịt với nhiều thú dữ, rắt rết, chim muông. Trong các loài thú dữ, người ta hãi nhất là cọp. Một hôm, chàng trai nọ đi cày, sau khi xong buổi cày, chàng thả trâu ăn cỏ. Đến chiều chàng đánh mõ lên để gọi trâu về chuồng. Không ngờ, lúc ấy có một con cọp đang rình. Nhưng rất may, chàng trai này nhìn thấy nó, trong lúc hoảng sợ, chàng không biết làm gì hơn là đánh mõ lớn lên và liên tục. Tiếng mõ làm cho con cọp hoảng hồn, cong đuôi chạy vào rừng. Những người đi đốn củi nghe tiếng mõ, rồi thấy cọp chạy như loạn rừng, kinh ngạc vì cọp sợ tiếng mõ. Từ đó về sau, dân ở đây khi đi cày thường mang theo mõ để đuổi cọp và vùng này cũng được gọi là vùng Mõ Cày. Mõ Cày, nhưng người Nam Bộ vẫn nói là Mỏ Cày lâu ngày thành quen. Nay Mỏ Cày là một huyện của tỉnh Bến Tre.

Bài thơ Chùa Hương Tích

Trong cuốn Thi văn bình chú của Trúc Khê xuất bản thời thập niên 1940 có bài Chùa Hương Tích mà khi bình giải ông ghi tác giả bài thơ là vua Lê Thánh Tông.

Thực ra căn cứ theo thần phả của nhà chùa thì chùa được xây dựng thời Chính Hòa (1680 – 1705) và vua Lê Thánh Tông mất từ năm 1497 không thể là tác giả bài thơ được. Trần Văn Tích đã nêu lên sự sai lầm này và rất nhiều sai lầm khác của nhiều tác phẩm đáng tin cậy của ông cha chúng ta trong cuốn Sự muôn năm cũ do Nxb Làng Văn in năm 1992.

(Đặng Trần Huân – Cái khó khăn của người biên khảo)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Bắc ngồi bia bọt, Nam nhậu lade

Bắc bùi bùi lạc rang, Nam thơm thơm đậu phụng

 

Chữ Việt gốc Thái

Con chuột có thể từ tiếng Thái là “chuat”?

 

Địa danh miền Nam

Bà Rịa: Khoảng năm 1680, dưới thời chúa Hiền Vương Nguyễn Phước Tần, một số nông dân ở Phú Yên vào Nam, trong đó có gia đình một nông dân nghèo có cô con gái tên là Rịa, lúc ấy 15 tuổi. Điểm dừng chân đầu tiên của nhóm lưu dân này là vùng Mỹ Khê (khu vực Tam Phước ngày nay). Thủa ấy, núi non rừng rậm, nước mặn và nhiều nguy nan, nên việc khai hoang lập địa rất vất vả, không ít người kiệt sức và bỏ cuộc. Bà Rịa là người ở lai cố gắng làm việc để tạo nên một vùng đất như hiện nay.

Chúa Nguyễn đã ra lệnh sắc phong cho bà “hàm Nghè” và cho ăn theo họ Nguyễn. Từ đó, bà trở thành bà Nghè Nguyễn Thị Rịa. Bà Rịa mất vào khoảng năm 1759 (thời chúa Võ Vương Nguyễn Phước Khoát) thọ 94 tuổi. Để nhớ công ơn bà, người đời sau dùng tên bà đặt cho vùng đất rộng lớn – tỉnh Bà Rịa ngày nay.

 

Bỉ sắc tư phong

Bỉ : cái kia. Sắc : ít. Tư : cái này. Phong : nhiều.

Bỉ sắc tư phong có nghĩa là khi cái kia kém-ít, thì cái này hơn-nhiều, được cái nọ thì hỏng cái kia, không ai được hoàn toàn.

Trong câu thơ thứ 5 và 6 của Truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết :

Lạ gì Bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen

Trời xanh để đối với má hồng, do vậy má hồng ở đây không chỉ nói riêng về đàn bà, mà nói chung là người có một điều gì đó nổi bật như là tài, sắc…. Ông Trời sẽ đi theo đánh ghen và đày đọa người có tài có sắc.

(Phiếm luận về Bỉ sắc tư phong – Võ Hữu Nghĩa)

 

Văn học miền Nam nhìn từ miền Bắc

Tôi (Hoàng Ngọc Hiến) đọc văn học Việt Nam hải ngoại, không có thời gian để nghiên cứu. Có lần gặp nhà văn Tô Hoài, ông đưa tôi xem một cuốn sách và nói: “Tôi mới mượn được bộ tiểu thuyết này, lời giới thiệu viết rất hay”. Lần sau gặp lại ông nói với tôi: “Hoá ra nguời viết bài giới thiệu chưa đọc tác phẩm”. Như vậy nghiên cứu mất thì giờ hơn nhưng có khi dễ hơn đọc, vì có thể chưa đọc mà vẫn có thể viết được một bài nghiên cứu…“rất hay”.

(Hoàng Ngọc Hiến – Đọc văn học Việt Nam hải ngoại)

 

Ca dao tình yêu miền Nam

Sự mộc mạc hồn nhiên ở từ ngữ, cách thể hiện dung dị, hóm hỉnh thường thấy trong ca dao tình yêu miền Nam. Đó cũng là biểu hiện tính cách đặc trưng của người dân nơi đây. Trước hết là không cố tình, qua những từ ngữ mộc mạc, chân thật hết sức ngộ nghĩnh, dí dỏm:

“Con ếch ngồi dựa gốc bưng

Nó kêu cái “quệt”, biểu ưng cho rồi”

(Đoàn thị Thu Vân – Chất hóm hỉnh trong ca dao miền Nam)

 

Địa danh miền Nam

Gò Vấp: Vùng đất xưa kia trồng cây vấp (Kraik: vấp), được coi như thần mộc của người Chàm.

Vì trồng cây vấp trên những gò đất nên vùng đất xưa này được gọi là Gò Vấp.

(Hồ Đình Vũ – Nguồn gốc một số địa danh miền Nam)

 

Chữ nghĩa trên mạng lưới

Thời nhà văn cầm bút ở Việt Nam, những tiếng vọng liên tục từ phía độc giả có khả năng tạo nên những dư âm kỳ thú đưa cả tác giả lẫn tác phẩm vào một cuộc phiêu lưu mới.

Còn ở trên mạng lưới điện tử thì làm gì có những tiếng vọng như thế? Nhiều lúc ngỡ chừng như nói vào ống điện thoại chưa nối đường dây. Lặng ngắt. Không nghe gì cả, kể cả một lời chê, một tiếng chửi, cũng không có. Hoàn toàn lặng ngắt. Tội.

(…phỏng theo Nguyễn Hưng Quốc – Sống và viết…)

 

Tiếng Việt…rầy rà

Hỏi: Heo với lợn con nào ăn ngon hơn?

Đáp: Thiệt tình hổng hay!

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Yêu anh mấy núi cũng leo,
Mấy sông cũng lội, thấy anh nghèo… lại thôi.

 

Tiếng Tầu tiếng Việt

Theo Hồ Hữu tường cung cấp thêm bằng chứng rằng người Việt Nam không thể di cư từ Trung Quốc theo hướng Nam tiến bằng việc đối sánh “tư tưởng” (the thought patterns) của người Tàu và người Việt Nam.

Nếu một người Trung Quốc nhìn một con ngựa trắng, ý nghĩ đầu tiên mà người Trung Quốc có là nó màu trắng, và sau đó ý nghĩa tiếp theo đến mới là nó là một con ngựa. Vì thế, họ gọi nó là một “bạch mã” (tức yếu tố “trắng” [bạch] đứng trước rồi mới đến yếu tố “ngựa” [mã]). Ông giải thích diễn trình này là sự dịch chuyển từ ý nghĩ chủ quan (trắng) đến một vật thể khách quan (ngựa).

Ngược lại, người Việt Nam sẽ nhận thức đối tượng trên theo chiều ngược lại. Trước hết ta sẽ chú ý đến một ý nghĩ khách quan, đó là có một con ngựa, và sau đó theo sau mới đến một quan sát mang tính chủ quan, tức là nó màu trắng.

Vì thế, ta gọi là “ngựa trắng.”

 

Địa danh miền Nam

Lái Thiêu: Truyền thuyết  bắt nguồn từ chuyện ông lái gốm họ Huỳnh đã thiêu nhà vì say rượu.

(Hồ Đình Vũ – Nguồn gốc một số địa danh miền Nam)

 

Viết hoa tu từNgười ta tỏ ra phân vân, chẳng biết nên viết Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn hay viết chúa Trịnh, chúa Nguyễn. Nếu viết hoa chữ “Chúa”, thì phải viết Vua Lê, Vua Nguyễn. Nếu viết thường chữ “chúa”, chữ “vua” ắt phải viết trạng Quỳnh, nghè Tân, đồ Chiểu…

(Nguồn : e-cadao.com)

 

Khởi đầu nan

Phàm việc gì mới đầu cũng thấy khó khăn, vất vả như “vạn sự khởi đầu nan”. Người Tầu đọc là “khỉ đầu nan”. Như câu “Lời rằng: vạn sự khỉ đầu nan”.

 

Bồ đào tửu

Về rượu nho, người Tàu chỉ biết đến khi người từ Tây Vực đem tới trung nguyên. Sách Hậu Hán Thư có chép là “Nước Lật Dặc (Arab) có loại trái cây, vắt nước có vị ngon, làm rượu gọi là rượu bồ đào”. Người phương Tây đã biết làm rượu bằng trái nho (wine) từ thời cổ. Sách Cựu Ước (Old Testtament) đề cập đến rượu tới 155 lần và người Hebrews đã từng tiếc rẻ không mang được rượu Ai Cập khi họ đi di cư. Người Hi Lạp thời cổ cũng uống rượu – và chính những thần minh trong huyền sử cũng đều thích uống rượu và ưa gái đẹp. Tuy đã biết đến rượu bồ đào từ đời Hán, mãi tới đời Đường (640 sau TL), khi Đường Thái Tông đem quân đánh nước Cao Xương (nay thuộc Tân Cương) người Trung Hoa mới học được phép làm rượu nho.

 

Địa danh miền Nam

Thủ Đức: Thủ xưa kia là chức vụ của quan văn như thủ bạ, thủ hộ lo việc thuế má và nhơn thế bộ.

Do đó một số địa danh được gọi để nhớ đến chức phận và tên những ông thủ bạ, thủ hộ này.

Như Thủ Đức, Thủ Thiêm, Thử Thừa, Thủ Ngữ, ..v..v..

(Hồ Đình Vũ – Nguồn gốc một số địa danh miền Nam)

Giai thoại làng văn

Tôi nhớ ông thầy dậy triết học này (Nguyên Sa) có một câu để đời khi có người phê bình báo ông dạo này hơi xuống. Ông trả lời:

– “Tao” đi xuống hoài mà chả gặp đứa nào đi lên!

(Tạp chí Tân Văn)

 

Chữ và nghĩa

Anh thư, nữ anh hùng – Nhiều người dùng chữ anh thư khi nói về đàn bà con gái, thay cho chữ anh hùng dùng cho đàn ông con trai. Thực ra trong từ “anh hùng” có đủ yếu tố nam và nữ. Chữ Anh nghĩa là cái nhụy hoa, tượng trưng cho vẻ đẹp đẽ, cao quý. Hùng là con chim đực, là mạnh mẽ (cũng có chữ hùng viết cách khác nghĩa là con gấu nhưng không dùng trong từ này), thư là con chim mái, con gà mái. Cụ Nông Sơn Nguyễn Can Mộng (1880 – 1954) khuyên tránh dùng chữ anh thư, vì theo cụ chữ Thư không có nghĩa mạnh mẽ; cụ khuyên dùng chữ “nữ anh hùng,” trong đó chữ Hùng chỉ có ý nghĩa tượng trưng là sự mạnh mẽ. Tuy nhiên trong cuốn Việt Hán Thành Ngữ cụ vẫn để hai chữ anh thư và giải thích dùng nó cho phụ nữ, như chữ anh hùng.

(Ngô Nhân Dụng – Phiếm khảo)

 

Địa danh miền Nam

Biên Hòa

Đất này xưa kia được gọi là Đông Phố. Nhưng đúng ra là Giãn Phố, vì hai chữ Đông Giãn viết theo Tầu hơi giống nhau.

Biên Hòa có nghĩa là “hòa” bình ở “biên” cương (với Chân Lạp).

Trên Biên Hòa là Hố Nai (hố sập nai).

(Hồ Đình Vũ – Nguồn gốc một số địa danh miền Nam)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search