T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Bà Thụy Khuê với những…chấm hỏi (?), chấm than (!) (2)

Kỳ 2

(Tiếp theo kỳ 1)

*Chú Thích: Những phần chữ in màu tím xen kẽ trong các trích đọan của bài bút ký “Quê hương ngày trở lại” là của tác giả Ngộ Không Phí Ngọc Hùng (tức Người Góp Nhặt – NGN). Để tránh bài quá dài, bất tiện cho độc giả, NGN không trích trọn bài bút ký của Thụy Khê mà chỉ trích những đoạn có liên quan đến đề tài được NGN “lưu ý”. Link trọn mỗi bài bút ký được đặt ở đầu bài, độc giả có nhu cầu có thể sử dụng link để xem trọn bài bút ký được trích đoạn (bởi NGN) trong mỗi kỳ. NGN.

 

Côn Đảo

 

Từ Sài Gòn, chúng tôi lấy máy bay ra Côn Đảo. Chiếc máy bay nhỏ chở đầy hành khách. Tôi để ý: hầu như không có người Nam, máy bay chở toàn người Bắc. (…) Ra khỏi sân bay, hai chúng tôi đi cùng xe ca lớn với họ về khách sạn, trên con đường duy nhất, dọc bờ biển, quanh co đồi núi, phong cảnh tuyệt vời.. .

………..

Di tích này gắn bó với thời điểm lịch sử khi quân Anh xâm lấn nước ta đầu thế kỷ mười tám. Theo sử thì tháng 10 năm 1702, Allen Catchpoole đem tám chiến thuyền và hơn 200 quân đến chiếm Côn Lôn, lập đồn trại, gọi là thương điếm. Y tự phong cho mình chức Toàn quyền, hùng cứ, ra vào buôn bán như ở trên đất Anh vậy. Thời đó Anh nhất thế giới, chiếm xong Ấn Độ, họ lập công Ty Anh-Ấn, buôn bán khắp vùng (…) Chuyện ông Allen Catchpoole đại khái là sau khi ghé Tầu, không làm ăn gì được, ông bèn xuôi Nam, đến Côn Đảo thấy phong cảnh hữu tình, dân cư thưa thớt, bèn đổ bộ vào tháng tám năm Nhâm Ngọ tức tháng 10 năm 1702. . .

………..

Trước một lực lượng hùng hậu như thế, các cụ phải chịu thua lúc đầu, vả lại lúc đó Quốc Chúa mới chiếm xong Thuỷ Chân Lạp, còn đang lo bình định. Hơn một năm sau các cụ mới “phản công” và dùng mưu Khổng Minh Gia Cát: Chúa Nguyễn Phước Chu, tức Quốc Chúa, thấy bọn giặc biển bấy giờ đã đã lập xong sự nghiệp thành trì, bèn sai Trương Phước Phan (cha Trương Phước Loan) xử lý vụ này. Phước Phan mộ 15 người Mã Lai cảm tử làm kế trá hàng, vào thành Catchpoole, đến đêm nổi lửa đốt thành, đâm chết quan một, quan hai, mở cửa cho quân Việt vào. Quan ba, quan tư trốn thoát. Bắt sống quan năm, tức Catchpoole, giải về kinh, dọc đường chẳng may ông ta bị chết. Quân Anh từ đó không dám bén mảng tới Côn Lôn nữa. Một nhân chứng người Anh, là Finlayson, đến Côn Lôn 120 năm sau (1822) còn tìm thấy vết tích: “Cách bờ biển độ nửa dặm [800m], chúng tôi thấy tàn tích của công ty thương mại ngày xưa đã xây dựng trên đảo này“. Đi khỏi phi trường một lúc, chúng tôi nhìn thấy một tường thành dài chạy dọc theo đường xe đi, tôi không dám chắc đây là một phần tường thành Catchpoole, nhưng cứ chụp ảnh và ghi lại đây, may ra xác định, hoặc tìm lại được dấu vết ở chỗ khác chăng? Điều này khả thể bởi vì Côn Đảo không bị chiến tranh tàn phá, các dấu tích đã còn lại từ 1822, có thể tiếp tục tồn tại đến bây giờ.

…………

Côn Đảo dân cư thưa thớt, chắc không khác quang cảnh những thế kỷ trước là bao. Chúng tôi ở khách sạn nhà nước, giá rẻ, đó là một resort nằm trên bãi biển, đầy đủ tiện nghi, nhân viên tiếp đãi lịch sự, trong phòng khách nhìn ra biển (…). Biển xanh ngọc bích, bãi cát mênh mông hệt như những nơi được gọi là thiên đường hạ giới như Tahiti, Madagascar…Côn Đảo nước tôi cũng là một thiên đường hạ giới. Bây giờ tôi đang ở đây, trước cảnh trời nước bao la, cát trắng mịn, biển biếc, nước trong vắt nhìn thấy đáy. Khách sạn có cả phái đoàn đi cùng trên máy bay buổi sáng, nhưng không ai tắm, chỉ có hai chúng tôi. Không cảm tưởng nào êm dịu bằng. Trưa hôm đó chúng tôi ăn đồ biển lần đầu ở Côn Đảo. Ghẹ Hà Tiên đã kinh hồn rồi, đến Côn Đảo ghẹ còn ghê hơn, mà còn thêm bao nhiêu thứ khác, tôm, cá, sò, ốc, tôm hùm, mực, rùa biển… bạn không thể nhớ hết tên… bạn chỉ cần chỉ tay vào hồ nước, bất cứ chủng loại nào, đều tươi, nhẩy, đầu bếp vớt ra xào nấu theo thực đơn.

……………..

Chiều hôm đó chúng tôi lên xe điện đi một vòng thành phố, bé tí, nhưng cảnh đẹp vô cùng, lô nhô đầy quần đảo vây quanh. Nắng gió, như món quà đến từ trời thổi về an ủi những linh hồn chỉ tìm được tự do sau khi chết. Chúng tôi định nghỉ ngơi hôm trước và sáng sau đến nghiã trang Hàng Dương thăm mộ Nguyễn An Ninh, nhưng cậu guide bảo: Ấy, cô đến đây mà không đi Hàng Dương ban đêm thì kể như chưa đi Côn Đảo. Có gì vậy em? Bí mật, cô phải đến mới biết được. Mà phải mười hai giờ đêm mới linh. Tôi giãy nảy: cô sợ ma không đi đêm đâu và giờ ấy cô ngủ từ khuya rồi. Cậu trẻ nhất định: Thôi cháu đến đón cô chú 9 giờ tối vậy, sớm quá, ít người không vui. Tò mò thúc giục, tôi gật đầu.

…………………

Đúng chín giờ, xe điện đón chúng tôi chở đến cửa nghiã trang. Chúng tôi theo chân cậu guide, một cảnh tượng âm u hoành tráng hiện ra trước mắt: hai hàng dương liễu sừng sững trong bóng tối chập chờn dẫn vào nghĩa địa, một điệu nhạc đông tây giao hưởng giữa Requiem Mozart và bát âm cầu hồn, mời gọi người sống giao lưu cùng người chết. Tôi vốn tính sợ ma từ nhỏ, bấy giờ lạnh người, nổi da gà, chân tay rã rời không muốn bước, nhưng cũng không dám lui. Cậu guide đi trước, chúng tôi bám sát theo, được một lúc, cậu dẫn chúng tôi rẽ sang một con đường nhỏ, còn rùng rợn hơn: chúng tôi đi giữa hai hàng mộ, mộ áp sát chân, vừa áp đảo, vừa quyến rũ, tôi sợ dẫm lên mả, nhạc vẫn đi theo như mời gọi, kéo mình vào sâu hơn, sâu hơn… Tôi đi như người lên đồng, như kẻ bị ma làm.

………………

Cậu guide quyết giữ bí mật đến phút chót, cuối cùng, một ngôi mộ rất lớn hiện ra: Mộ cô Võ Thị Sáu (1), lần thứ hai tên cô trở lại, từ hôm tôi về nước. Lần này cô không bị xỉ vả là người vô học mà cô được sùng bái như một nữ thần. Tôi chụp vội vài cái ảnh vì trời chưa tối mịt, họ bận rộn sắp đồ lễ, đốt nhang; quang cảnh vừa âm u vừa lạ lùng mà thân thuộc: trong đám đồ lễ có rất nhiều nón, chừng họ thương cô ở dưới ấy trời nắng gắt. Tôi nhận ra phái đoàn đồng hành trên máy bay. Nhiều người vào lễ, chen nhau khấn vái, có người khấn lâm râm, có người khấn rất to, tuồng như sợ kẻ bên cạnh lấn lướt, khiến cô Sáu không nghe được giọng mình. Đại khái họ cầu cô Sáu phù hộ cho họ lên quan tiến chức, khấn xong họ hể hả đốt vàng mã như để bảo cô: đấy nhá có tiền tiêu rồi nhá, nhớ mà phù hộ đi, đừng có quên đấy. Đêm càng khuya, người đến lễ càng đông, khói nhang vàng mã ngộp thở mặc dù trời cao đất dầy và những ngôi mộ bạt ngàn trong nghiã trang nằm im, vô chủ, không nói, không hương, không khói, không thở. Tôi thương cô Sáu. Tôi cầu cô sống khôn chết thiêng, cô còn trẻ quá, cô chả biết những dàn cảnh âm u, nhạc cầu hồn, chẳng dành cho cô đâu, mà chỉ để lôi cuốn đám khách mê tín dị đoan, bay từ Hà Nội vào Sài Gòn rồi ra Côn Đảo, ở đúng một đêm, sáng sau lại bay về Bắc.

 

(1) Ghi chú của người góp nhặt:

Lẽo đẽo theo bà Thụy Khuê trên đường Quê hương ngày trở lại của bà, hành trang của người góp nhặt không quên cõng theo…cụ Khuất Đẩu. Cụ tên thật là Trương Đẩu, người Bình Đinh, cụ viết Những tháng năm cuồng nộ nên bây giờ vẫn còn sống nhăn răng ở… Bình Định, đất của Nguyễn Huệ Quang Trung. Cụ giục giặc: “…Bà Thụy Khuê là một nhà nghiên cứu và phê bình, tôi nghĩ bà không nên viết những thứ vớ vẩn ấy mới phải…”

 

Sáng hôm sau chúng tôi quay lại Hàng Dương thăm mộ Nguyễn An Ninh. Nghiã trang đẹp hùng vĩ, xứng đáng là nơi an nghỉ của hàng ngàn người tù đã ngã xuống. Ông mất đã hơn bẩy mươi năm, nhưng vẫn trẻ như ngày nào. Tôi thích ông vì ông là nhà cách mạng trẻ, chịu chơi nhất, để tóc dài từ năm 1920. Đẹp trai, sang Pháp làm tốp-mô-đen kiếm tiến để học và hoạt động chống Pháp. Ông còn biết tạo kiểu mẫu áo nữa: Loại cổ cao, ông thiết kế từ năm 1920, không biết năm nào thì bị Mao cóp. Khoảng 1980, Karl Lagerfeld, cái ông người Đức, thiết kế hàng đầu của Pháp, giám đốc mỹ thuật nhà Chanel, chế biến chút đỉnh, được cả thế giới khâm phục. Nhưng không như cổ áo Nguyễn An Ninh sáng tạo cách đây một thế kỷ.

………………..

Lại thêm một chuyện này nữa, tôi có trong tay một tài liệu quan trọng là lá thư của viên bác sĩ Pháp phụ trách trại giam nơi Nguyễn An Ninh ở (là trại Phú Sơn, trại này lúc tôi đến thăm đang đóng cửa trùng tu) gửi cho Toàn quyền Pháp ở Sài Gòn yêu cầu chuyển ngay Nguyễn An Ninh về Khám lớn để điều trị vì ông bị bệnh phù thũng trầm trọng. Nhưng khi thư đến phủ Toàn quyền thì Pháp đã bị Nhật đảo chính, không còn quyền hành gì nữa, do đó lá thư không ai trả lời, và Nguyễn An Ninh đã chết oan vì hoàn cảnh chiến tranh, không phải vì thực dân tàn ác, bỏ đói khát, bệnh tật, như ta thường viết ở khắp nơi. Nguyễn An Ninh khi ở tù khám lớn, được Tây một điều Monsieur hai điều Monsieur tức là Thưa ông theo lời Phan Văn Hùm kể.

Và ở Côn Đảo ông có phòng riêng trong trại Phú Sơn vừa xây xong. Nhà tù là phần chính của thành phố, cũng gần biển, bây giờ không giam ai nữa.

………………….

Tôi đến Bảo tàng Côn Đảo để hỏi xem họ còn giữ di tích tài liệu gì về Nguyễn An Ninh không, cho cuốn sách sẽ viết. Nhưng đã không tìm được gì. Một người nhiều tuổi, khẽ bảo tôi: Còn gì đâu cô, hồi giải phóng, người ta đốt ba ngày không hết tài liệu. Tôi ngỡ ngàng buồn bã: Tại sao đốt tài liệu Côn Đảo, nếu đốt hết thì còn gì để chứng minh tội ác Thực Dân-Mỹ Ngụy. (2)

 

(2)  Ghi chú của người góp nhặt: Hành trang trong bút ký Quê hương ngày trở lại, bà Thụy Khuê mang theo những từ : hồ hỡi, xử lý, v…v…Nay thêm “nếu đốt hết thì còn gì để chứng minh tội ác Thực Dân-Mỹ Ngụy”. Người góp nhặt với đại nghi đại ngộ, tiểu nghi tiểu ngộ, bất nghi bất ngộ thì bà…”đổi mới tư duy” chăng? Ai biết đó là đâu!

 

Còn một chuyện này nữa: đây là chuyện trong nhà: chuyện bà Phi Yến ghi trên tấm bia đặt ngoài cửa An Sơn Miếu ở Côn Đảo: Bà Phi Yến tên thật là Lê Thị Răm, là thứ phi của Nguyễn Ánh. Năm 1783, Nguyễn Ánh chạy ra Côn Đảo, có ý định giao hoàng tử Cải, con bà Phi Yến, cho Bá Đa Lộc đưa sang Pháp làm con tin, bà khuyên Ánh không nên cầu cứu ngoại bang. Ánh bắt giam bà trong một cái hang ở đảo xađem hoàng tử Cải xuống thuyền chạy. Cậu bé khóc lóc đòi mẹ, bị Ánh ném xuống biển…Còn bà Phi Yến được hai thần vật là Vượn Bạch và Hắc Hổ cứu sống, sau bà bị một tên vô lại cưỡng bách, bà nhẩy xuống biển để giữ tròn trinh tiết.

Chuyện Nguyễn Ánh gửi hoàng tử Cải cho Bá Đa Lộc xẩy ra cùng năm (1783) với gửi hoàng tử Cảnh cho Bá Đa Lộc đem đi trốn. Vậy năm 1783, Ánh gửi tới hai con, hai lần, cho Bá Đa Lộc? Năm 1783, Ánh 21 tuổi. Vợ chính thức là Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, con gái Tống Phước Khuông, cưới năm Mậu Tuất (1778, lúc 16 tuổi) sinh hai con trai: Chiêu, chết sớm, và Cảnh sinh năm 1780.  Liệt truyện (3) ghi rõ tên các bà hoàng, bà phi và các con của vua: Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu (3), có hai con, Chiêu, chết sớm và Cảnh, sinh năm 1780.

 

(3) Ghi chú của người góp nhặt: Liệt truyện ghi không chính sử chút nào, vì với danh bất chính, ngôn bất thuận vì khi Gia Long lên ngôi bỏ chức…hòang hậu, (như Minh Mạng bỏ hàm vị trạng nguyên trong thi cử). Lại nữa, Nguyễn Ánh chưa làm vua sao có hòang hậu.

Người góp nhặt lấy ngắn nuôi dài vào thời Nguyễn Ánh: Hoàng tử Cảnh mất năm 1801, 22 tuổi, vì bệnh đậu mùa, có hai con trai là Mỹ Đường và Mỹ Thùy. Năm 1824, Tống Thị Quyên, vợ goá hoàng tử Cảnh tư thông với Mỹ Đường, bị Lê Văn Duyệt biết, tâu vua. Tống Thị phải tội: Lê Văn Duyệt dìm nước cho chết. Mỹ Đường tội nặng bị giáng xuống hàng thứ nhân, mất năm 1848, đời Tự Đức. Mỹ Thùy bị bệnh chết năm 1826, không có con. Các con của Mỹ Đường được giữ tôn thất, Lệ Chung trông nom việc thờ phụng dòng hoàng tử Cảnh. Những việc này ghi rõ trong Thực Lục và Liệt Truyện. Chuyện này không thấy bà Thụy Khuê đả động đến. Và cũng như chuyện  “Chúa Minh vương (Quốc chúa Minh Mạng) có đến 146 con“.

Bởi chưng bà Thụy Khuê thửa được từ Hà Nội hai bộ: Hội Điển và Thực Lục. Bộ Hội Điển víết về những thói tục, lệ tục dân cũng như quan phải theo, thảng như. “Phàm quan văn võ ở đêm với con hát, hay đem con hát vào tiệc rượu, phạt 60 trượng”, tức giải ra công đường đánh 60 gậy rồi lột mũ áo, đuổi về vườn”. (do Tùng Nhiên Phạm Đình Hổ sọan vào thời Gia Long)

Bà Thụy Khuê chỉ viết khơi khơi, không nói rõ Thực Lục nào vì nhà Nguyễn có tới 4 bộ: Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam thống chí, Đại Nam chính biên liệt truyện. Có bộ chia thành ”kỷ” (chương, mục) chép từng một đời vua, như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, v…v…Riêng Đại Nam chính biên liệt truyện viết về các bà phi, công chúa hay các quan là công thần nhà Nguyễn

 

Không thấy ghi tên bà Phi Yến và hoàng tử Cải ở đâu. Từ lúc lên ngôi Vương, Ánh chạy Huệ suốt. Không thấy chỗ nào nói Ánh ra Côn Lôn nghỉ mát để lập phòng nhì. Đến lúc chạy ra Côn Lôn năm 1783 (4), cũng không chắc Ánh có ghé vào đảo. Mà nếu Ánh có ra Côn Lôn để cứu con rơi đi nữa, thì chắc cũng phải có vú nuôi hoàng tử, chứ đâu đến lượt vua phải tã lót, ru dỗ không nổi thằng bé, khiến nó khóc toáng lên, phải vứt nó xuống biển! Chưa kể bà Phi Yến vì khuyên Nguyễn Ánh đừng cầu viện Pháp mà bị Ánh giam trong hang tối. Rồi bà Phi Yến lại được khỉ trắng và hổ đen cứu. Rồi bà lại xém bị tên vô lại hiếp. Rồi bà lại dại dột nhẩy xuống biển tự tử, thành ra ta không thể biết dấu tích bà đâu mà điều tra. Tôi đọc đi đọc lại tấm bia sừng sững trước cổng Miếu, không tin được mắt mình: Một chuyện phong thần (4) như vậy được dựng thành bia. Ở Côn Đảo hiện nay, vẫn còn tồn tại việc thờ bà thánh Phi Yến, cả mẹ lẫn con bị giết bởi bàn tay vị vua xây dựng triều Nguyễn, ban Quản Lý Di Tích Côn Đảo, khi ký tên dưới những dòng chữ này, lại không nghi ngờ gì cả.

 

(4) Ghi chú của người góp nhặt: Theo…”sử gia” Thụy Khuê, Thực Lụccuốn sử ít sai lầm nhất, đến độ cụ Trần Trọng Kim gần như hoàn toàn dùng nó để làm tài liệu để viết Việt Nam sử lược. Thi đây: Cuốn sách gối đầu giường của bà viết về Nguyễn Ánh chạy trốn ra Côn Sơn.

Theo Thực Lục quyển I, trang 205: …Mùa xuân năm Đinh Dậu [1777], giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ vào đánh cướp Sài Gòn (thuộc tỉnh Gia Định), Duệ Tông (chúa Nguyễn Phúc Thuần) đi Đăng Giang (sông Chanh, thuộc tỉnh Định Tường). Vua [Nguyễn Ánh] đem binh Đông Sơn đến ứng viện, đón Duệ Tông đến đạo Trấn Giang (An Giang), rồi đến Long Xuyên (thuộc tỉnh Hà Tiên). “Tháng 9 [ÂL, 10/1777] mùa thu, quân giặc theo ngặt, Duệ Tông bị nạn băng. Một mình vua được thoát, lên thuyền đậu ở sông Khoa (thuộc Long Xuyên), định nhân ban đêm vượt biển để lánh giặc. Bỗng có con cá sấu cản ngang mũi thuyền ba lần, bèn thôi. Sớm mai dò biết đêm ấy có thuyền giặc ở phiá trước. Vua dời sang đóng ở đảo Thổ Châu…”.

Vì những người đi theo Nguyễn Ánh đều bị giết chết nên không còn ai biết rõ để thuật lại? Phải chăng vì đã có huyền thoại (hay phong thần) chính thống “cá sấu cản thuyền”, nên không ai dám hỏi Nguyễn Ánh sự việc ra sao, để ghi lại? Các huyền thoại về việc Nguyễn Ánh chạy thoát Nguyễn Huệ nhiều lần, được các sử gia triều Nguyễn viết vào bài Biểu, ghi ở đầu bộ Thực Lục phần viết về Gia Long, với những câu: “Sông Khoa có ngạc ngư [cá sấu] cản mũi“. “Trâu thần hộ giá ở Đăng Giang”, “Rắn thiêng nọ cõng thuyền nơi Phú Quốc”. Đó là những lời viết trong…Biểu, với ý thần thánh hoá vua. Những huyền thoại này, sau được viết thành truyện, vẽ lại trên các bình sứ, điã bát sứ cổ, kể các giai thoại Gia Long tẩu quốc.

(Còn Tiếp)

Bài Mới Nhất
Search