T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Bà Thụy Khuê với những…chấm hỏi (?), chấm than (!) (4)

Kỳ 4

Tiếp Theo (kỳ 1 ) (kỳ 2) (kỳ 3)

*Chú Thích: Những phần chữ in màu tím xen kẽ trong các trích đọan của bài bút ký “Quê hương ngày trở lại” là của tác giả Ngộ Không Phí Ngọc Hùng (tức Người Góp Nhặt – NGN). Để tránh bài quá dài, bất tiện cho độc giả, NGN không trích trọn bài bút ký của Thụy Khê mà chỉ trích những đoạn có liên quan đến đề tài được NGN “lưu ý”. Link trọn mỗi bài bút ký được đặt ở đầu bài, độc giả có nhu cầu có thể sử dụng link để xem trọn bài bút ký được trích đoạn (bởi NGN) trong mỗi kỳ. NGN.

 

Phú Yên

(Xin quý độc giả bấm vào link Phú Yên để đọc đoạn viết về Phú Yên của Thụy Khê. Ở phần này, NGN không có ý kiến gì)

Quy Nhơn

 

Quy Nhơn có bề dầy trọng đại của lịch sử. Khách sạn của chúng tôi nhìn chéo vào cửa đầm Thị Nại. Điều thật bất ngờ. Bởi đầm Thị Nại là nơi tôi ao ước được đến ít nhất một lần trong đời, để xem bề thế của nó, nơi đã xẩy ra bao nhiêu cuộc chiến ác liệt trong lịch sử, do vị trí hiểm yếu nhất vùng Bình Định tức Quy Nhơn.

Từ balcon của phòng chúng tôi, nhìn ra cửa đầm Thị Nại, một cảm tưởng không thể diễn tả giữa khâm phục và kinh hoàng của kẻ hậu duệ “nhìn về” trận địa lịch sử đẫm máu.

Tháng 3/1773, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ khởi binh ở ấp Tây Sơn, chiếm Quy Nhơn, mưu đồ diệt nhà Nguyễn. Năm năm sau, Quy Nhơn trở thành kinh đô của Nguyễn Nhạc: Tháng 6/1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng Đế, lấy hiệu là Thái Đức, xây cung điện trên vùng đất cũ của thành Đồ Bàn, tức thành Quy Nhơn.

Sau khi Quang Trung băng hà (16/9/1792), từ năm 1793 đến 1799, Nguyễn Vương tiến đánh Quy Nhơn ba lần. Lần đầu, Nguyễn Nhạc cầu cứu cháu là Cảnh Thịnh đóng ở Phú Xuân, nhưng tướng của Cảnh Thịnh sau khi thắng trận, uy hiếp Nguyễn Nhạc, khiến ông uất ức mà chết năm 1793. Đến lần thứ ba, Võ Tánh chiếm được Quy Nhơn. Nguyễn Ánh vào thành, đổi tên là Bình Định, để Võ Tánh và Ngô Tòng Châu ở lại trấn giữ và cai trị.

…………..

Từ khách sạn, tôi nhìn thấy cửa biển mở vào đầm Thị Nại xa xa, bên phía trái: Đấy là chỗ đại quân Nguyễn Ánh tiến vào đầm để tiêu diệt toàn bộ hạm đội Tây Sơn đêm 27 rạng ngày 28/2/1801. Về phía Tây Sơn, để chắn địch, Võ Văn Dũng dùng ba chiến hạm đại hiệu, có giàn đại bác nòng lớn và hơn trăm thuyền chiến đóng chặn cửa biển Thị Nại. Cửa đầm còn được canh giữ bằng bãi Nhạn Châu bên trái và núi Tam Toà bên phải, đều đặt giàn đại bác và nhiều súng lớn. Bên trong đầm, hải quân Tây Sơn do Võ Văn Dũng làm tư lệnh. Trên bờ là bộ binh, bao vây thành Bình Định. Tất cả thuỷ bộ dưới quyền của Trần Quang Diệu.

…………….

Phía quân Nguyễn, Nguyễn Vương đích thân làm Tổng tư lệnh, Lê Văn Duyệt và Võ Di Nguy, điều động quân cảm tử. Quân của Nguyễn Vương từ Cù Mông tiến về Thị Nại chiều 27/2/1801, sau khi tập trận, lần này Vương không dùng thuyền đại hiệu, chỉ dùng ga-le và thuyền nhỏ. Đến chiều tối, Nguyễn Vương ra lệnh cho Lê Văn Duyệt, Võ Di Nguy đổ bộ lên bãi cát, ngang tầm đảo Hòn Đất, đến chiếm giàn đại bác ở bãi Nhạn Châu. Đại bác Tây Sơn từ đồn Tam Toà nã xuống như mưai. Quân cảm tử của Lê Văn Duyệt xông trận, trèo lên thuyền Tây Sơn đốt phá, tấn công. Võ Di Nguy trúng đạn, mất đầu. Quân Nguyễn hoảng sợ. Nguyễn Vương thấy quân sĩ chết nhiều, ra lệnh tạm lui, nhưng Duyệt thề chết chứ không lùi. Trận Thị Nại kéo dài 12 tiếng từ 10 giờ đêm 27/2 đến 10 giờ sáng 28/2/1801. Có ba người Pháp tham dự cuộc chiến là Chaigneau, Vannier, và de Forçant, họ lái ga-le hộ vệ Nguyễn Ánh, đậu ở cửa biển. Nhưng người Pháp (thuộc điạ) sẽ viết lại lịch sử rằng trận Thị Nại là chiến công của Pháp.

…………….

Thị Nại là nơi xẩy ra hai trận đánh lịch sử, giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn: Thị Nại 1792 và Thị Nại 1802. Trận 1802 là trận quyết liệt, có thể coi là trận Xích Bích (sic) của Gia Long. Sự mênh mông và vị trí kín đáo của đầm Thị Nại giải thích tại sao, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng, chỉ huy quân Tây Sơn, lại chọn nơi này đóng đại bản doanh để tiến đánh thành Bình Định (thành Quy Nhơn) nơi Võ Tánh và Ngô Tòng Châu cố thủ năm 1799. (1)

 

(1) Ghi chú của người góp nhặt: “sử gia” Thụy Khuê…thuật sử có 2 trận thủy chiến Thị Nại 17921802 (trận Xích Bích của Gia Long). Rồi bà ngẫn ngẫn tả trận Thị Nại 1801 (kéo dài 12 tiếng) khiến người góp nhặt rối như canh hẹ…

Người góp nhặt rối ren hơn nữa qua tiểu sử của Bá Đa Lộc:

“Giám mục Bá Đa Lộc chết ngày 9-10-1799 trong cuộc bao vây pháo đài Quy Nhơn”. Người góp nhặt không biết Bá Đa Lộc mất như thế nào. Chỉ biết chiến trận đang diễn ra tại Quy Nhơn, chúa Nguyễn Phúc Ánh thực hiện chuyến xuôi nam vào Gia Định dự tang lễ, trong khi thái tử Cảnh được giao phó sắp xếp chi tiết cho lễ tang.

Trương Vĩnh Ký tả đám tang:

“Một thánh giá lớn, làm từ những chiếc đèn lồng khéo léo sắp xếp ở đầu đám rước, theo sau là một kiệu điêu khắc công phu màu đỏ và vàng. Thứ hai chứa một hình ảnh của St Paul và một hình ảnh thứ ba của St Peter, người bảo trợ của các giám mục Adran. Thứ ba chứa đựng hình ảnh của các thiên thần hộ mệnh và thứ tư là một hình ảnh của Đức Trinh Nữ Maria. Sau đến các phù hiệu của các vị giám mục, thập giá được đặt ở phía trước của chiếc xe tang. Ở hai bên của kiệu là những người Kitô giáo và giáo sĩ từ mọi nhà thờ ở Nam Kỳ. Xe tang chở thi thể giám mục là dài khoảng 20 feet chiều dài, chở 80 người đàn ông tuyển chọn, và được bao phủ bởi một mái vòm vàng thêu. Trên đó đặt quan tài tráng lệ phủ bằng vải gấm” 

Đó là lý do bà Thụy Khuê cứ ngay đơ gọi cụ Trương Vĩnh Ký là…sử gia thuộc địa.

 

Sau trận Thị Nại là trận Quy Nhơn: Võ Tánh và Ngô Tòng Châu, bị bao vây trong một năm rưỡi, lương thực đã cạn, phải giết ngựa, voi, để ăn dần. Ngoài thành, quân Trần Quang Diệu vây ba vòng, không lối thoát. Trận Quy Nhơn chính là sự phục thù của Tây Sơn sau chiến bại Thị Nại: Tất cả xẩy ra trong thành Hoàng Đế của Nguyễn Nhạc, tức Quy Nhơn hay Bình Định. Năm 1814, vua Gia Long dọn thủ phủ sang thành mới gần Quy Nhơn bây giờ, nay thành này không còn lại gì, ngoài chiếc cổng tượng trưng, mới được dựng lại.

Rời Thị Nại, chúng tôi đi tìm thành cổ Quy Nhơn, cách Quy Nhơn khoảng 27 cây số về phía tây bắc, chính là thành Hoàng Đế. Thành dựng trên nền Đồ Bàn mà ngày trước Lê Thánh Tông đã san bằng, nay chỉ còn lại hai con nghê chầu, và gần đó là tháp Cánh Tiên, di tích duy nhất còn lại của Đồ Bàn xưa. Thành Hoàng Đế nằm khuất trong một làng nhỏ (huyện An Nhơn), không mấy ai biết đến. Nhưng khi đến nơi, tính cách vừa đế vương vừa khiêm tốn của phần hoàng thành còn lại, khiến ta không khỏi khâm phục và ngậm ngùi. Quy Nhơn (2) chính là Đồ Bàn  (2), kinh đô Chiêm Thành từ thế kỷ XII, dính liền với Đại Việt lúc thịnh lúc suy:

 

(2) Ghi chú của người góp nhặt

Bình Định vốn đất cũ của Chiêm Thành. Theo sách Đồ Bàn ký : sau khi bị Lê Đại Hành đánh lấy thành Địa Rí (982), vua Chiêm chạy vào đây đóng đô đặt tên kinh đô là Đồ Bàn. Vì Đồ Bàn (Chô Pan) là hiệu của vua. Sau chúa Nguyễn Hoàng có mặt ở vùng đất mới. Đồ Bàn được Nguyễn Hoàng đổi thành Qui Nhơn. Tới thời Gia Long đổi tên là Bình Định mang ý nghĩa đã thắng nhà Tây Sơn và Gia Long ngay thòng thõng…”bình định” được đất này. 

 

Năm 1301, Trần Nhân Tông gả Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Mân dâng hai châu Ô và Rí làm sính lễ, nước ta có thêm đất Thuận Hoá (Huế) từ đấy.

Vua Chiêm Chế Bồng Nga, làm ta khốn đốn mười ba năm. Năm 1377, Duệ Tông tiến xuống cửa Thị Nại, tiến đánh Đồ Bàn. Chế Bồng Nga phục quân đánh úp. Duệ Tông tử trận. Thừa thắng Chế Bổng Nga đem quân ra đánh Thăng Long, thế mạnh không ai cự nổi. Trần Nghệ Tông phải bỏ kinh đô chạy trốn. Trần Khát Chân ở lại đem binh ra chống cự ở sông Hải Triều. Một tên hầu của Chế Bồng Nga có tội, sợ bị giết, chỉ cho Khát Chân thuyền Chế Bồng Nga. Khát Chân cho lệnh bắn vào thuyền, Bồng Nga trúng đạn chết.

………..

Hồ Quý Ly đảo chính lập nhà Hồ đem quân vào đánh Chiêm Thành, vua Chiêm dâng đất Chiêm Động (Quảng Nam), đất Cổ Lụy (Quãng Ngãi). Năm 1403, Quý Ly lại vào vây thành Đồ Bàn, nhưng quân Chiêm giữ vững không đánh nổi phải rút về. Năm 1470, Lê Thánh Tông đem 20 vạn quân thân chinh đi đánh chiếm cửa Thị Nại, san bằng Đồ Bàn.

Đến khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hoá (1558), năm 1611, ông lấy thêm đất Phú Yên. Biên giới phía Nam của nước ta lúc ấy dừng ở đèo Cả. Chúa Hiền Nguyễn Phước Tần (1648-1687), vị chúa lớn nhất triều Nguyễn, tiếp tục đánh chiếm hết nước Chiêm Thành rồi chiếm xuống Thuỷ Chân Lạp (sic) (3). Đến đời Võ Vương Nguyễn Phước Khoát (1738-1765) ta chiếm xong Thủy Chân Lạp (sic) (3), lập nên 6 tỉnh Nam kỳ (4). Cuộc chinh phạt chiếm Chiêm Thành và Thủy Chân Lạp kéo dài từ Lê Đại Hành đến Nguyễn Phước Khoát, trải tám thế kỷ, nước ta đã mở rộng thêm diện tích từ Quảng Bình đến Hà Tiên. .

 

(3) Ghi chú của người góp nhặt : Nói cho ngay qua nhiều, rất nhà biên khảo, nhà sử học với những bài viết công phu, nhờ vậy người góp nhặt bòn mót được chúa Nguyễn Hòang, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã có công trong cuộc Nam tiến và có những…“dự kiến lịch sử” (từ của Gs Trần Quốc Vượng) trong cuộc khai khẩn đất hoang miền Nam sau này. Người góp nhặt vần câu như vần cơm, lùi chữ như lùi khoai không hề thấy chúa Nguyễn Phước Tần là “vị chúa lớn nhất trong 9 đời chúa” lại “đánh chiếm hết nước Chiêm Thành rồi chiếm xuống Thuỷ Chân Lạp”. Mà chỉ biết chúa Nguyễn Phúc Tần (vị chúa thứ 4), đánh chiếm Phan Rang của vua Chiêm là Bà Tấm. (Nguyễn Phúc Tần chiếm Phan Rang lập thêm Khánh Hòa và Ninh Thuận), và chúa Nguyễn Phúc Tần chưa hề bao giờ đặt chân tới miền Nam.

Tiếp đến qua…”sử gia” Thụy Khuê: “chúa Nguyễn Phước Khoát chiếm…xong Thủy Chân Lạp”, người góp nhặt dựa dẫm vào sử gia Phan Khoang, chúa Nguyễn Phúc Chu (chúa thứ 5) lấy cớ Bà Tranh không tiến cống nên sát nhập Bình Thuận vào lãnh thổ mình. Sau đó chúa Nguyễn Phúc Chu đưa Chiêm hậu Bà Tranh và 5.000 quan binh ra Bắc giam giữ làm tù binh. Nhà chúa tập trung người Chàm còn lại ở phía nam Thuận Thành. Một số đông người Chàm chạy sang Cao Miên (con số sinh sản tới thế kỷ 20 khỏang 250.000 người). Một số chạy lên miền cao nguyên (con số sinh sản tới thế kỷ 20 khoảng 140.000 người) thế nên mới có truyện ngắn Bà Mọi hú của Bình Nguyên Lộc ở trang dưới. Còn chúa Nguyễn Phước Khoát của…”sử gia” Thụy Khuê không lặn lội vào Thủy Chân Lạp. Mà chỉ tiếp tục sách lược chúa Nguyễn Phúc Chu tập trung người Chàm tại ở Thủy Xá và Hỏa Xá để….cải tạo.

Từ nhà tiền Lê (Lê Đại Hành) chiếm được Quảng Bình đến Đèo Ngang, rồi rút quân về. Nhà Lý (Lý Thường Kiệt) mang quân vào sâu tới tận Quảng Trị và ngừng chân ở đây để vẽ…đồ chí. Và cũng như nhà tiền Lê, nhà Lý cũng không nghĩ đến việc mở mang bờ cõi.                                                      

Nhà Hồ (Hồ Hán Thương) lấy được đất Quảng Nam. Người Việt đã mở rộng lãnh thổ của mình xuống 3/5 đất đai Chiêm Thành. Chính sách di dân của người Việt ta chỉ thật sự bắt đầu với họ Hồ. Hồ Hán Thương cho đào kinh dẫn thủy nhập điền ở đây, (Thuận Hóa) như thế đủ thấy về sự khai khẩn quốc thổ của nhà Hồ.

Công cuộc Nam tiến được tiếp nối với các chúa Nguyễn, tuy nhiên từ nhà Lê với Bình Định, người Việt đã chiếm được 4/5 đất đai của Chiêm Thành. Chúa Nguyễn tiến quân xuống Phan Rang chỉ chiếm phần 1/5 lãnh thổ còn lại của họ. Với chuyện gì của lịch sử hãy trả lại cho lịch sử: Một là ở Thuận Hóa (gồm Quảng Trị và Huế), nhà Hồ cho đào kinh lập dinh điền sẵn …cho Nguyễn Hòang, sau đấy nhà Hồ chiêm Qủang Nam cho Nguyễn Phúc Nguyên. Nguyễn Ánh sau khi lên ngôi tức Gia Long đổi tên Dinh Chàm là Quảng Nam với nghĩa Quảng là rộng lớn, Nam là đất đai phát triển về phía nam…của nhà Nguyễn.

Theo…”sử gia” Thụy Khuê: chúa Nguyễn Phước Khóat có công lập nên Nam kỳ lục tỉnh gồm 3 tỉnh miền đông và 3 tỉnh miền tây Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên. Thế nhưng Mạc Cửu (và con là Mạc Thiên Tứ) dâng Hà Tiên và Châu Đốc cho chúa Nguyễn, nào có khác gì họ Mạc…làm cỗ cho ma sơi. Bởi chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả công nương Ngọc Vạn cho vua Chey Chetta II để giao hảo với Chân Lạp. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu (đời chúa thứ 6) mới đưa dân vào Mỏ Xòai (Bà Rịa năm1698) khai khẩn đất hoang, lập làng xã ruộg vườn để thu thuế.

 

(4) Những gì của lịch sử hãy trả lại cho lịch sử:

Người dựng lên địa danh Nam kỳ lục tỉnh là Minh Mạng. Năm 1832, Minh Mạng thứ 12 dùng 6 chữ cuối trong một bài cổ thi 8 chữ để đặt tên cho 6 tỉnh miền Nam ngày nay: Sáu chữ trong câu thơ “Khoái mã gia biên vĩnh định an hà“ nghĩa là “phóng ngựa vung roi giữ yên bờ cõi”. Vì vậy mới có Gia Định, Biên Hoà, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Tiên.

Năm 1859 Pháp đánh chiếm Gia Định. Năm 1862, sứ thần Phan Thanh Giản ký hoà ước với thiếu tướng Bonard nhường 3 tỉnh miền đông Biên Hoa, Gia định, Định Tường cho Pháp. Năm 1867, Pháp định ngày lấy 3 tỉnh miền tây Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, cụ Phan Thanh Giản liệu không giữ nổi, nên bảo các quan nộp thành trì rồi uống thuốc độc tự tử.

Vì vậy mới chuyện sử gia Hà Nội kết tội cụ Phan Thanh Giản đầu hàng Pháp.

Quay quả trở lại với Quê hương ngày trở lại:

Quy Nhơn, với bề dầy lịch sử của cuộc Nam tiến, đối với tôi là một vinh dự và ân hận vì tội ác diệt chủng dân Chàm (xem khúc dướ). Bà Mọi hú của Bình Nguyên Lộc chính là lương tâm đầu tiên của người Việt về sự xám hối đã sát hại người Chàm. Ông mô tả một trái núi bé con đi lạc, xưa nó vốn thuộc dãy Trường Sơn, nhưng dân tộc nó bị dồn mãi, dồn mãi, nó phải ty nạn xuống phía nam, đến Biên Hoà nó dừng lại, người ta gọi nó là núi bà Mọi. Chữ Mọi (5) là từ chữ M.O.I (Main d’Œuvre Indochinoise), chỉ mới có từ thời thực dân, với ý miệt thị người thợ Đông Dương sang làm việc cho Pháp.

 

(5) Ghi chú của người góp nhặt: chữ ”Mọi” đã có trước Thế chiến thư hai, theo tài liệu của Pháp: cuối thế kỷ 19, người Mạ, người Stiêng sống ở thung lũng Donai gần Biên Hoà, người Pháp gọi là “mọi”. Người Viêt kêu là người Thượng, người Sơn cước, người trong nước kêu là…người dân tộc, còn người Việt ta là…người Kinh. Thời Pháp, Sài Gòn xưa có con đường nhỏ cắt ngang đường Công Lý, người Pháp đặt  tên là: Moi. (Rue Le Moi – tiếng Tây tiếng u người góp nhặt nhớ mài mại vậy thôi) sau đổi tên là cụ đồ…Nguyễn Đình Chiểu.

 

Người Việt chiếm dần đất Chiêm, họ đốt rừng, làm rẫy, dồn người Chiêm vào sâu, lên núi. Mới đầu người Chiêm còn chống lại, sau sức yếu dần, chết hết, chỉ còn lại độc một mình “mụ Mọi già, tóc tai bồm xồm, trông rất ghê sợ” ở lại giữ công tác du kích (sic) tuyệt vọng. “Rừng già bị gặm ngày một, chậm mà chắc chắn, mãi cho đến ngày kia thì vòng vây đã siết chặt quanh hòn núi như ở nhà quê người ta cạo trọc đầu con trẻ, chừa lại chiếc bánh bèo”.Nhưng rồi một ngày kia, bọn di dân chiếm đất bỗng thấy sáu con suối phát xuất từ đỉnh núi, chẩy xuống miền khẩn hoang dần dần bớt nước, rồi cạn hẳn. Thủ phạm là mụ Mọi già. Mụ đút nút nguồn của sáu ngọn suối bằng thịt cây gồ, một thứ gỗ khi thấm nước, nó cứ nở mãi, nở mãi… Không bắt được mụ, bọn di dân bèn đốt rừng, đốt mụ: “Lửa leo núi được vài giờ thì người ta nghe tiếng hú dài ghê rợn trên đỉnh núi nổi lên. Tiếng hú như kêu gọi một cách tuyệt vọng đồng bào sơn dã của mụ đến giải thoát mụ…tiếng kêu của mụ mất hút trong không khí, không có lấy một tiếng vang nào vẳng lại. Tiếng hú vang rền từng hồi, hấp hối, rồi lại nấc lên và rốt cuộc chết lần, tắt hẳn, trong ngọn lửa cao ngất trời đã bò lên tới đỉnh”. Tác phẩm của Bình Nguyên Lộc (6) gây ấn tượng kinh hồn trong lòng người đọc (sic) về tội ác của tổ tiên mình.

 

(6) Ghi chú của người góp nhặt:

Ở khúc trên, Chế Bồng Nga đánh Thăng Long, vua Trần phải chạy trốn, may Chế Bồng Nga bị làm phản nên bị giết. Tuy nhiên… “sử gia” Thụy Khuê không cho người đọc hay Chế Bồng Nga đánh Thăng Long tất cả 3 lần, có lần đốt cháy thành Thăng Long cả tháng trời mới tắt. Nếu họ Chế đánh Thăng Long lần thứ ba, không bị giết thì Chiêm Thành sẽ chiếm được Đại Việt. Với sinh tồn được mạnh yếu thua thì…Thì bõng không chợt nhớ bà Thụy Khuê nói…nhỏ với cô phỏng vấn Thủy Nguyên: “người viết sử không ba hoa, không gian dối, không loè bịp…”. Lạc đường nắm đuôi chó, người góp nhặt vồ được ở đọan khác bà viết: “không nên tin các nhà văn, họ nói vậy mà không phải vậy”. Người góp nhặt bèn tìm đọc…Bà Mọi hú của ông Bình Nguyên Lộc xem ông viết khác thế nào, lạc ngõ nắm đuôi trâu thấy ông nhà văn viết khác thật: Vì chả thấy người Chàm phải chạy trốn lên rừng để bà…ân hận vì tội ác diệt chủng dân Chàm.

Trong khi truyện Bà Mọi hú của ông nhà văn viết về một ông sư đầu để tóc, sư dựng chùa trên núi Chứa Chan. Từ Hố Nai, đi về hướng tây, trước khi đến sông Ðồng Nai phải qua rừng rậm, đồng bào di cư khai phá để làm củi. Người đi rừng thường bị người mọi phục kích bằng tên tẩm thuốc độc. Họ rình mò mãi mới biết được kẻ phá hoại là một mụ Mọi già vừa đốt rừng vừa hú, vì vậy ông sư phải dựng miếu thờ và đặt tên núi là núi Bà Mọi. Người đi rừng đốn củi quanh hòn núi chạy về lại trại di cư Hố Nai. Đám người lên rừng là người Bắc vì chạy trốn CS di cư vào Nam, họ lên rừng đốn củi để sinh nhai lại bị bà Mọi…đội lốt du kích phá phách tiếp.

Đó chuyện ông nhà văn…ẩn dụ người cộng sản là…Mọi. Truyện này ông viết trước 75, là chuyện giả tưởng, ngỡ giả hóa thật, sau 75, ông bị bà Mọi…hú, ông chạy quáng quàng qua đất tạm dung, ít lâu sau ồng để thân xác lại nơi xứ người.

Với công tác du kích, người góp nhặt lại sa đà với sử kiện mà…’’sử gia’’ Thụy Khuê dấu biến:

Để xây dựng chế độ, người cộng sản ’’bài bản’’ in hịt như triều đại phong kiến nhà Nguyễn cũng đốt sách tàn dư của Ngụy quyền: ’’Nào có khác gì nguyên mẫu của bản sao Gia Long, Minh Mạng vì nhà Nguyễn có tha gì mà không đốt sạch dấu vết nhà Tây Sơn còn sót lại được gọi là Nguỵ tây”. Ngoài ra theo Đại Nam chính biên liệt truyện, chúa Nguyễn Phúc Khoát dành vùng Thủy Xá và Hỏa Xá để ‘’cải cách’’ và ‘’tạo dựng’’ nơi ăn chố cho người Chàm. Hai chữ ‘’cải tạo’’ (hay Ngụy) họ cũng vay mựợn từ thời…’’phong kiến’’. Lịch sử là chuỗi móc xích tiếp nối, để không khỏi không nhắc đến sử kiện Minh Mạng sai Trương Minh Giảng đánh Cao Miên. Minh Mạng (học theo chúa Nguyễn Phúc Chu) bắt nữ vương Ang Mey đưa về Gia Định quản thúc, sau đó bầu đoàn thê tử cận thần quan lại của Cao Miên bị đưa ra Bắc ‘’cải tạo’’ ở cạnh Hồ Tây mới có chùa bà Đanh, chùa bà Banh (theo Tạ Chí Đại Trường) cho tuyệt hậu hoạn.  

      Lịch sử là những gì lập lại 210 sau (tính từ Nguyễn Phúc Khóat 1765), đoàn người thất trận từ phương Nam ngược về phương Bắc, nơi sơn lam chướng khí bên dẫy núi Hoàng Liên Sơn để ‘’cải tạo’’. Nơi mà thân bằng quyến thuộc của Nặc Ông anh, Nặc Ông em đã bị tập trung ở đấy gần 200 năm trước (tính từ thời Minh Mạng). Trở lại lịch sử sang trang với cuộc chiến Nam Bắc, cũng ở nơi đây tù binh là Ngụy quân, Ngụy quyền bỏ xác bên sườn núi đìu hiu hút gió.

       Theo dòng lịch sử, bà Thụy Khuê cũng…‘’cải tao’’ chữ nghĩa của mình để phù thịnh chứ ai dại phù suy với: ”sâu sắc, cực kỳ, giao lưu, hồ hỡi, xử lý, triệt để, hoành tráng, quần thể, thông tin, phản quốc, cách mạng vùng lên, công tác du kích, quân cảm tử, quân đội chính quy, bộ đội, Mỹ-Ngụy” và còn nhiều nữa như sau này trong Quê hương ngày trở lai.

(Còn Tiếp)

Bài Mới Nhất
Search