T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Bà Thụy Khuê với những…chấm hỏi (?), chấm than (!) (5)

Kỳ 5

Tiếp Theo (kỳ 1 ) (kỳ 2) (kỳ 3) (kỳ 4)

*Chú Thích: Những phần chữ in màu tím xen kẽ trong các trích đọan của bài bút ký “Quê hương ngày trở lại” là của tác giả Ngộ Không Phí Ngọc Hùng (tức Người Góp Nhặt – NGN). Để tránh bài quá dài, bất tiện cho độc giả, NGN không trích trọn bài bút ký của Thụy Khê mà chỉ trích những đoạn có liên quan đến đề tài được NGN “lưu ý”. Link trọn mỗi bài bút ký được đặt ở đầu bài, độc giả có nhu cầu có thể sử dụng link để xem trọn bài bút ký được trích đoạn (bởi NGN) trong mỗi kỳ. NGN.

 

Dòng họ Nguyễn Tường ở Hội An

……………..

Từ đường Nguyễn Tường nằm trong một ngõ khuất, bạn phải chú ý lắm mới nhìn thấy chiếc bảng nhỏ có kèm mũi tên. Nếu bạn yêu văn chương, thì nơi này quả là điểm quý giá nhất của Hội An. Ngôi từ đường này, thờ quan Binh Bộ Thượng Thư Nguyễn Tường Vân và cũng là nhân vật nổi tiếng đầu tiên của dòng họ Nguyễn Tường, dòng họ phát sinh ra Tự Lực Văn Đoàn. Tôi đến đây, cũng chỉ vì muốn tìm lại gốc gác gia đình Nguyễn Tường cho cuốn sách đang soạn về Tự Lực Văn Đoàn, và đầu tiên hết là Nguyễn Tường Vân.

Liệt truyện ghi về Nguyễn Tường Vân như sau: “Người huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, trước ngụ ở Gia Định”, câu này không rõ nghiã, trước là lúc nào, chưa biết, nhưng chắc chắn gia đình ông đã vào Gia Định sinh sống. Nhưng Liệt Truyện viết rất kỹ về đời ông: “Năm Bính Thìn (1796) đi thi, trúng cách nhị trường, được bổ lễ sinh ở phủ, nhắc lên viện thị thư”.

Năm Bính Thìn 1796: Nguyễn Huệ mất đã ba năm; Nguyễn Ánh đã tạm yên ở Gia Định, và chính năm này ông tổ chức lại việc học hành thi cử, theo Thực Lục, tháng 12 năm Ất Mão (tháng 1-2/1796) lập [thêm] Hàn Lâm Viện Thị Học, tháng 3 năm Bính Thìn mở khoa thi, lấy 273 người đỗ. Nguyễn Tường Vân đỗ năm 1796, tức là đỗ khoá này. Vậy đỗ theo quy luật nào?

………………….

Nhân dịp này, chúng ta cũng nên dò lại việc thi cử, vì gia phả họ Nguyễn Tường ghi Nguyễn Tường Vân đỗ tiến sĩ, chắc là không đúng. Như ta đã biết, năm 1674, chúa Hiền Nguyễn Phước Tần quy định lại việc thi cử, lấy tên mới  Chính đồ và Hoa văn (tương đương với thi Hương và thi Hội). Sau khi thống nhất đất nước, năm Gia Long thứ 6 (1807) và đến Minh Mạng thứ 2 (1821), mới có kỳ thi Đình đầu tiên, do Trịnh Hoài Đức làm Chủ khảo, và thời Minh Mạng là thời mở rộng việc học, việc thi cử trên toàn thể đất nước chưa từng thấy (sic). (1)

 

Ghi chú của người góp nhặt:

(1) Khoa cử đời Nguyễn kỳ thị Bắc Nam, chuyện…chưa từng thấy là năm 1825, sĩ tử Thừa Thiên, Quảng Nam không một ai đỗ. Minh Mạng sai Lục bộ lấy thêm Cao Xuân Dục ở Thừa Thiên lúc này chỉ là Hương cống. Cao Xuân Dục sau là chánh chủ khảo trường thi Nam Định (đánh rớt cụ Tú Xương…8 lần). Năm 1826 thi Hội, sĩ tử trên 200 người, quan trường lấy đỗ 9, Minh Mạng bảo 9 người đỗ đều là người Bắc là sao thế? Nên cho người Thừa Thiên để cổ lễ sĩ phong mới phải? Thế là quan trường lấy thêm cụ Phan Thanh Giản.

Kể từ khoa 1829 Minh Mạng định lệ sĩ tử ứng thí phải khai tên họ, lý lịch ông cha ba đời trên mặt quyển. Những ai có ông cha ba đời làm nghề xướng ca, hay can trộm cắp hoặc làm giặc đều không được đi thi, làm quan với nhà Tây Sơn hay với nhà Lê cũng bị coi là làm giặc mặc dù nhà Nguyễn áp dụng thi cử của nhà Lê. Năm 1831, trường thi Thừa Thiên, Lê Đức Quang, Phạm Huy có cha làm quan đời Nguyễn ghi lầm quan nhà Lê nên bị xóa tên trên bảng cử nhân. Chữ đẹp được tăng điểm, chữ xấu có thể bị đánh hỏng như trường hợp Nguyễn Văn Siêu người Hà Nội. Thi Hương đỗ đầu, bị xếp xuống hàng thứ hai. Thi Hội đỗ tiến sĩ bị xếp xuống hàng phó bảng chỉ vì chữ “như gà bới”. Năm 1834, khoa thi hai trường Nam Định và Hà Nội, Minh Mạng ra dụ: “Mỗi trường không được lấy quá 50 tú tài”. Trong khi 4 trường Thừa Thiên, Nghệ An, Bình Định, Thanh Hóa sĩ số chuẩn định là 100.

Gia Long bỏ chữ Nôm của Quang Trung trở về với Tống nho như đời Lê. Tống nho nguyên từ Tần Thủy Hoàng dựa vào học thuyết của phái Pháp gia để cai trị, ra lệnh tiêu hủy sách vở của Nho giáo. Vì vậy Gia Long, Minh Mang cho người đi tìm sách vở nhà Tây Sơn để tiêu hủy, ai dấu diếm bị trị tội theo pháp gia (Thực Lục). Nhẽ này bà Thụy Khuê không động đậy gì sất cả Cũng vì vậy sử gia Hà Nội, khi viết về nhà Tây Sơn phải dựa vào Hòang Lê nhất thống chí.

Minh Mạng lệ thuộc vào Tàu để cải tổ hành chánh, từ đó mới có quận, tỉnh. Cũng lây dây vào Tàu nên có giai thọai: Tự Đức vừa là thi nhân còn là nhà học giả uyên thâm hơn cả các quan văn đã từng khoa trường xuất thân, trước mặt các quần thần, một lần vua nói: “Trẫm bất ứng thí, nhược ứng thí, tất trúng trạng nguyên”. Bởi thế, vua cùng hai bảng nhãn, hai thám hoa, mỗi người làm một bài luận phú rồi rọc phách nhờ vua Tàu chấm giùm. Khi ống quyển trả lại, bài của Tự Đức có chữ son phê: “Bài này tỏ ra là người học rộng, khí phách không phải là một người thường, nhưng lại là môt người…không có tài chi mấy”. Tự Đức đứng…đội bảng.

 

Năm Kỷ Mùi [1799], ông theo Nguyễn Vương đi đánh Qui Nhơn, được thăng Tham luận vệ Túc Trực [chỉ huy quân cảm tử], rồi chuyển về làm Tri bạ Chánh doanh [tòng ngũ phẩm] cai quản nội đồ gia [quản trị tài sản vật dụng cho nhà vua và hoàng gia tại nội cung]. Năm Tân Dậu [1801] ông theo vua đi đánh Phú Xuân. Rồi được cử đi theo sứ bộ Trịnh Hoài Đức sang Quảng Đông mua bán, trở về lại tiếp tục cai quản nội đồ gia. Sau thăng Cai bạ Quảng Nam.

…………………….

Nguyễn Tường Vân có con thứ là Nguyễn Tường Phổ, đậu cử nhân năm Thiệu Trị thứ nhất [1841], đậu tiến sĩ  khoá Nhâm Dần (1842), làm trong Hàn Lâm viện biên tu (quan viết sử) ở Nội Các, có tiếng là thanh liêm, nhưng tính tình cao thượng, nhiều người không thích. Nguyễn Tường Phổ sinh Nguyễn Tường Tiếp. Nguyễn Tường Tiếp có người con trai là Nguyễn Tường Chiếu (húy Nhu) làm thông phán, là cha của Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam. Nguyễn Tường Tiếp là người đầu tiên đã đem gia đình ra Bắc khi ông làm Đồng tri phủ huyện Thủy Nguyên [huyện này ở gần Hải Phòng]. Ông đã chọn huyện Cẩm Giàng (gần Hải Dương) để lập trại, do đó con cháu ông, nhóm Nguyễn Tường ở Bắc, sẽ xây dựng nên Tự Lực Văn Đoàn.

…………………………….

Nhìn lại nguồn gốc dòng họ này, ta thấy rõ hai yếu tính: làm chính trị và làm văn. Nguyễn Tường Vân, xuất thân quan văn, nhưng lúc cần có thể trở thành quan võ (Tham luận vệ Túc Trực), giúp vua cai trị nước, coi việc hành chánh, thi cử. Nguyễn Tường Phổ có những đặc điểm khác: văn chương, nghệ sĩ, và là người đẹp. Trong một dịp nói chuyện với anh Nguyễn Tường Thiết, con trai út Nhất Linh, chúng tôi có đề cập tới “nhan sắc” của gia đình Nguyễn Tường (phần lớn là con trai). Anh Thiết kể trong gia đình, anh và anh Nguyễn Tường Giang, con Thạch Lam thường nói với nhau: hay nhà mình có dòng máu lai (vì mũi cao giống Tây).

Sau khi đọc tiểu sử Nguyễn Tường Phổ trong Liệt Truyện tôi đoán sự “xinh đẹp” của con trai nhà Nguyễn Tường chắc không phải do lai Tây, mà đến từ Nguyễn Tường Phổ: “Tường Phổ lúc nhỏ kháu khỉnh lạ lùng, khảng khái, có khí thức, học rộng nghe nhiều, ngoài chính Kinh ra, về kiếm thư cầm phả [văn, võ, đàn, nhạc] không nghề gì là không kiêm thông”.

Câu văn ngắn ngủi mà hàm súc, bao gồm cả những “tính chất chung” của anh em Nhất Linh: thông minh, thường học nhẩy, học lấy, và thi đỗ dễ dàng. Khá tài hoa, cầm kỳ thi họa đủ cả. Gia đình này có những lựa chọn. Hoặc ra làm quan “thuần tuý” như Nguyễn Tường Thụy, anh cả, làm Giám Đốc Bưu Điện Sài Gòn, Nguyễn Tường Cẩm, anh hai, công chức, rồi làm Giám Đốc báo Ngày Nay trong một thời gian ngắn, nên sau này bị (thủ tiêu) mất tích. Hoặc làm văn chương và chính trị như Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, làm chính trị và văn chương cùng một lúc: Việt Nam Quốc Dân Đảng và Tự Lực Văn Đoàn. Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long với đầu óc cải tổ xã hội, luật pháp, vừa phò anh và vừa lập chính. Thạch Lam Nguyễn Tường Lân, vì lý do sức khoẻ, hoàn toàn theo nghiệp văn.

……………………………

Thành phố Hội An giữ gìn từ đường Nguyễn Tường khá tốt. Còn nguyên không khí cổ xưa với những văn bản cổ được gia đình giao phó, rất tiếc là chúng tôi không biết chữ nho để đọc. Điều đáng quý thứ hai là việc trưng bầy những đầu sách của Tự Lực Văn Đoàn với nhiều bản in khác nhau, từ thời kỳ đổi mới đến ngày nay. Công phu gìn giữ và trưng bầy sách của Tự Lực Văn Đoàn ở đây, liên hệ với sự “mở cửa” về TLVĐ. Và sự mở cửa này đến từ đâu? Ai cũng biết tác phẩm của TLVĐ bị xoá sổ trong một thời gian dài ở Bắc, kể cả sau khi thống nhất đất nước, không mấy ai dám dính vào “bọn Quốc Dân Đảng” làm gì.Khi đả động đến họ thì những tê-no phê bình và nhà văn cùng thời với TLVĐ, đều tìm đủ mọi chữ hiểm để phê phán thật nặng, càng nặng càng tốt. Xuân Diệu tồi tệ không nói làm gì, Tú Mỡ cũng viết nhảm nhí, bậy bạ.

…………………………….

Nhưng có một người không.

Người đó là nhà phê bình và nghiên cứu Trương Chính (1916-2004). Trong hơn nửa thế kỷ ông đã giữ được ngòi bút trong sạch. Và còn hơn nữa, ông cam đảm đi ngược lại tiếng hú của đám đông. Ngay từ năm 1939, ông đã cho xuất bản cuốn Dưới mắt tôi phê bình 13 tác giả, trong số đó có Khái Hưng, Nhất Linh, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan…ông đã có những nhận định sâu sắc về những tác giả này, đặc biệt ông nhìn ra tính cách tranh đấu xã hội trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn và ông nhìn thấy cái hời hợt rất hề trong tiểu thuyết xã hội của Nguyễn Công Hoan.

Nhưng điều đáng chú ý là trong thời kỳ TLVĐ bị phê phán nặng nề nhất, Trương Chính vẫn không thay đổi lập trường, ông cho in lại bài Nhất Linh, trong Dưới mắt tôi, viết năm 1939, trong tập Lược Thảo Lịch sử Văn Học Việt Nam tập III, (Xây Dựng, 1957). Đây là bộ sách tham khảo chính thống, in 1957 là năm gay gắt nhất về vấn đề Nhân Văn Giai Phẩm. Đến thời kỳ đổi mới, ông viết thêm hai bài khác: Tự Lực Văn Đoàn (1989) và Nhìn lại vấn đề giải phóng phụ nữ trong tiểu thuyết Tự Lực Văn đoàn (1990) sau này in lại trong Trương Chính Toàn Tập (Văn Học, 1997), vẫn với lập trường kiên định về TLVĐ. Và cũng trong năm 1997, ông cho in lại tất cả những bài ông viết về TLVĐ trong cuốn Dưới mắt tôi trong bộ Tổng Tập Văn Học Việt Nam (NXB  Khoa Học xã Hội, 1997).

……………………………..

Năm 1989, Trương Chính viết bài Tự Lực Văn Đoàn, đưa ra nhiều thông tin khác về thời kỳ mới thành lập văn đoàn chung quanh năm 1930. Ông mở đầu bài viết bằng câu:

“Có thể nói trong vòng tám năm, từ 1932 đến 1940, Tự Lực Văn Đoàn chiếm ưu thế tuyệt đối trên văn đàn công khai; sách báo của họ in đẹp nhất, bán chạy nhất, có một ảnh hưởng nhất định trong giới trí thức tiểu tư sản và tiểu tư sản thành thị. Điều đó không ai phủ nhận được. Người đứng đầu là Nhất Linh, tức Nguyễn Tường Tam, viết văn hay đã đành mà lại có óc tổ chức, có nhiều sáng kiến: những người ghét ông cũng phải phục, muốn bắt chước cũng không bắt chước được. Nói gì thì nói, nhóm TLVĐ của ông có một vai trò rất lớn trong sự phát triển văn học của ta những năm 30”.

………………………………

Sau khi kể lại tiểu sử của Nhất Linh và việc thành lập Phong Hoá và Ngày Nay… Trương Chính công phá những lập luận chống Tự Lực Văn Đoàn (khủng hoảng tư tưởng, vô luân, chống lại nhân dân, chủ nghiã cá nhân tư sản, cực đoan, ích kỷ, bệnh hoạn,cải lương, phù phiếm, giả dối, trưởng giả, phản động, sa đọa, trụy lạc, phi luân, độc ác… Nguyễn Hoành Khung, trong ba mục từ: Khái Hưng, Nhất Linh và Tự Lực Văn Đoàn, Từ Điển Văn Học, 1984), bằng những luận điểm sau đây (xin tóm tắt):

– Văn chương lãng mạn trước 1930, tức là trước khi TLVĐ ra đời, là một thứ lãng mạn đầy giọng bi quan, giận đời, chán đời, của những người thất bại, những người yếu hèn trước thời cuộc. Đa sầu đa cảm trở thành cái mốt. Người ta không ốm mà rên. Hoàng Ngọc Phách trong bài Văn chương và nữ giới kể lại: vào những năm 1920, các nữ sinh trường Nữ Lưu học sinh, sáng tác toàn một giọng văn thơ sầu thảm rồi dán lên tường ở khắp các phòng, vậy mà khi viết Tố Tâm, Hoàng Ngọc Phách cũng rơi vào loại văn chương ấy nốt.

– Văn chương TLVĐ “không có tính cách trưởng giả”. Nhân vật chính trong tiểu thuyết TLVĐ, từ buổi đầu đã là những người thuộc thành phần trung lưu: Mai, Loan, đều là những cô gái “bình dân”. Chính TLVĐ là những người đầu tiên viết những cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn bình dân: Gành hàng hoa, Tối tăm, Anh phải sống, Hai vẻ đẹp…

– TLVĐ “tôn trọng tự do cá nhân, làm cho người ta biết đạo Khổng không còn hợp thời nữa”. Tác phẩm của TLVĐ đều chiã mũi nhọn đả kích lễ giáo và nếp sống đại gia đình phong kiến: Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Đôi bạn, Gia đình, Thoát ly, Thừa tự. Họ hô hào giải phóng cảnh mẹ chồng nàng dâu, mẹ ghẻ con chổng, cảnh thủ tiết của những người đàn bà trẻ goá bụa. Họ đòi cho nam nữ có quyền được hưởng hạnh phúc riêng.

– Ở đây cần nói thêm về cái “chủ nghiã cá nhân tư sản” mà người ta phê phán. Nên nhớ rằng chủ nghiã cá nhân tư sản là một bước tiến bộ, trong quá trình con người giành quyền sống. Xã hội Việt Nam thời phong kiến chưa hề có quan niệm về cá nhân.

…………………………………..

Trương Chính là nhà phê bình duy nhất ở miền Bắc đã viết những điều trung thực về Tự Lực Văn Đoàn trong suốt giai đoạn khó khăn nhất. Tôi nghĩ đó là động lực chính khiến cho sách của Tự Lực Văn Đoàn được in lại ở trong nước, ngay từ thời kỳ đổi mới thập niên 1990: Công đầu là Trương Chính, ngòi bút can đảm và chính trực của nhà phê bình Trương Chính.

 

Trận Đà Nẵng 1847 và 1858

 

Trước khi liên quân Pháp-Y tấn công Đà Nẵng năm 1858, mười năm trước đã có biến cố vịnh Đà Nẵng ngày 15/4/1847, gây ra cái chết của vua Thiệu Trị. Jean-Louis de Lanessan, toàn quyền Đông Dương (1891-1894), Bộ trưởng hải quân Pháp (1899-1902), phản ảnh biến cố vịnh Đà Nẵng 1847: “Năm 1847, dưới triều Thiệu Trị, xẩy ra cuộc xung đột đầu tiên giữa Annam và Pháp; năm chiến thuyền An Nam đe dọa tấn công hai tầu chiến do Lapierre và Rigault de Genouilly điều khiển, bị tiêu diệt ở vịnh Đà Nẵng. Thiệu Trị chết vì phiền muộn”.

Biến cố Đà Nẵng 1847, tóm tắt như sau:
Tháng 3/1847, hai chiến hạm La Victorieuse, do thiếu tá hải quân Rigault de Genouilly trách nhiệm và La Gloire, do trung tá hải quân Lapierre điều khiển, nhận lệnh của Đô đốc Cécille, Tư lệnh hải quân Pháp ở Thái Bình Dương đến Đà Nẵng để “giải thoát Giám mục Lefèbvre”.
Giám mục Lefèbvre là ai?
Giám mục Lefèbvre (1810-1865), đến miền Bắc sau khi vua Minh Mạng đã chính thức ra lệnh cấm giáo sĩ ngoại quốc vào Việt Nam, năm 1825, ông sống lẩn lút trong Nam. Năm 1844, dưới thời Thiệu Trị, có người tố giác, ông bị bắt, bị xử tử. Nhưng vua Thiệu Trị chỉ kết án rồi để đấy, đợi dịp trao cho tầu ngoại quốc. Lefèbvre được tha ngày 11/6/1845, vua cho đi cáng từ Huế vào Đà Nẵng để lên tầu Alcmène đi Singapore.

Ngày 23/5/1846, Lefèbvre lại lên tầu ở Singapore lẻn vào Nam, bị bắt ở cửa sông Sài Gòn ngày 8/6/1846. Bị giải ra Huế. Bị kết án tử hình, nhưng vua Thiệu Trị vẫn tha và ngày 9/2/1847 vua sai Nguyễn Tri Phương dẫn độ ông sang Singapore. Lefèbvre lại rời Singapore để trở về VN ngày 3/5/1847, đúng 18 ngày sau khi hai tầu la Gloire và la Victorieuse gây hấn ở Đà Nẵng.

Đô đốc Cécille lần này, năm 1847, lại sai Lapierre chỉ huy tầu La Gloire đến “để giải cứu Lefèbvre” và điều đình việc tự do giảng đạo. Như vậy, sau khi đến vịnh Đà Nẵng một tuần, Lapierre đã bất thình lình đánh trước, bao vây 5 thuyền đồng (xem tr 47), và hạ lệnh nếu không giả lời thì không trả. Jurien de Gravière, người kế vị Lapierre phê bình việc này: “Lapierre đã ép các quan nhận thư ông đem đến bằng cách: tịch thu buồm 5 tầu nước Nam đậu trong vịnh”.
Thực Lục viết: “Chúng đưa ra một lá thư của nước chúng bằng chữ Hán, lời lẽ phần nhiều ngông càn. Phức không chịu tiếp nhận, đầu mục Tây phương quát to để doạ nạt, đặt lá thư lên trên ghế rồi đi. Phức và Đình Tân bàn với nhau rằng: “Nhận thư [vô lễ] là có tội, mà đốt thư đi cũng có tội, không gì bằng cho chạy trạm về để tâu lên. Phức cũng về kinh để đợi tội. Vua giận là làm mất quốc thể, sai vệ cẩm y đóng gông đem giam ở Tả đãi lậu, bắt giải chức, giao cho đình thần bàn” (Thực Lục, tập sáu, trang 975).

Vua sai Mai Công Ngôn và Đào Trí Phú chuẩn bị, nếu quân Pháp đánh trước thì mới đánh lại, còn không thì ta không động tĩnh gì. Ngày 14/4/1847, trong lúc hai bên tiếp xúc để tổ chức làm lễ nhận thư trả lời của vua Thiệu Trị ngày 15/4/1847, thì biến cố xẩy ra.
Thình lình, Lapierre hạ lệnh cho hai chiến hạm Pháp câu đại bác tiêu diệt 5 chiếc thuyền đồng: Kim Ưng, Phấn Bằng, Linh Phụng, Thọ Hạc, Vân Bằng, của vua đang đậu ở vịnh Trà Sơn (vịnh Đà Nẵng) rồi bỏ đi. Những thuyền đồng này (1) không hề có ý định “tấn công” gì cả, vì như trên đã nói, đã bị quân Pháp giật dây và cướp buồm trước rồi, nhưng trong các tài liệu của Pháp hẩu hết đều nói những thuyền này tiến về phiá chiến hạm Pháp để tấn công!

(1) Ghi chú của người góp nhặt: thuyền đồng là từ do Thực Lục viết. Theo Nguyễn Trường Tộ thì Minh Mạng không có thuyền đồng. (xem tr 47)

Giám mục Forcade viết: “Các thuyền buồm cứ tiến mãi. Tầu La Gloire bắn trước. Phía Việt đã phòng bị sẵn, có lẽ các quan đã triệt hạ tất cả mọi phương tiện tẩu thoát của lính, nên họ chiến đấu mạnh mẽ hơn chúng tôi tưởng. Tầu của họ, làm bằng thứ gỗ rất cứng, có độ bền bỉ lạ lùng; bị 800 viên đại bác tàn phá trong 70 phút; một chiếc nổ tung, một chiếc bùng cháy, chiếc thứ ba chìm, hai chiếc khác ra hàng, sau bị đốt cháy; người bị thương được bác sĩ phẫu thuật của chúng tôi chăm sóc, họ không chờ đợi việc ấy… Tầu La Gloire không có ai chết hay bị thương; đạn bắn qua đầu chúng tôi, cắt vài dây chão. Tầu La Victorieuse, gần tầm đạn hơn, chỉ bị chết một người, mà tôi đã giải tội, và một người bị thương mất một bàn tay và ba bốn nốt bầm nhẹ…

Một tháng sau biến cố, tháng 5/1847, vua Thiệu Trị sai đặt thêm 7 đồn Trấn Dương [chống quân Tây Dương] ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Giám Mục Cuénot viết: “Chúng tôi tưởng như đang ở trước thềm hoà bình”. Thiệu Trị đã có ý định gửi thẳng tầu trực tiếp sang buôn bán với Âu Châu. Biến cố Tourane đã dứt khoát và tàn nhẫn đảo ngược khuynh hướng này […] Ngay sau khi trận chiến chấm dứt, Lapierre đã vội vã thái quá rút lui, chẳng cần đếm xiả đến số phận của Đức Giám Mục Lefèbvre.”(Thư ngày 3/5/1847). Jurien de Gravière viết: Trận Tourane đã có hậu quả là hầu như toàn diện mối giao thương giữa Pháp và nước Nam trong nhiều năm bị gián đoạn hẳn”.(Jurien de la Gravière, Chuyến đi của tiểu hạm La Bayonnais ở biển Đông).

Ngày 27/9/1847, vua Thiệu Trị mất.
Lanessan cho rằng vua Thiệu Trị chết vì phiền muộn. Không đúng.Vua Thiệu Trị có phiền muộn, nhưng ông tức giận mà chết. Có thể vua bị bệnh cao huyết áp, nhân việc này bị chấn thương não, năm tháng sau biến cố Đà Nẵng, vua qua đời, ở tuổi 40.

…………………………….

Mười năm sau, ngày 31/8/1858, liên quân Pháp-Y Pha Nho tấn công Đà Nẵng lần thứ nhì, vẫn lấy lý do “trị tội hoàng đế An Nam giết giáo dân và giáo sĩ hai nước”.
Tình hình như thế, cho nên Minh Mạng phải có chính sách quân sự chặt chẽ.
Ông tăng cường phòng thủ. Năm 1823, ông dời đồn Điện Hải vào trong đất liền về phiá nam, xây bằng gạch vững chắc hơn và gọi là thành, bên trong có chỗ cho quân lính đóng và có kho đạn. Ông xây thêm pháo đài Định Hải trên núi nhỏ Định Hải (gần núi Hải Vân). Năm 1830, ông cho xây lại thành An Hải. Năm 1840, ông cho xây thêm pháo đài Phòng Hải trên bán đảo Sơn Trà. Đặt các đội tuần phòng ở các tấn biển (cửa sông chảy ra biển): Cu Đê, Đại Chiêm (cửa Đại), Đại Áp… Đặt các nhà trạm từ Đà Nẵng về Kinh đô để thông tin nhanh chóng cho vua biết khi có biến. Vua Minh Mạng còn cho xây thêm loạt đồn trên đèo Hải Vân, đặt đội binh phòng thủ không cho quân xâm lăng vượt Hải Vân để đánh vào Huế. Nhưng dưới triều Minh Mạng, nước ta là cường quốc ở Á Châu nên quân Anh, Pháp không (dám) xâm chiếm. (sic)
……………………………………………..

Nhân dịp giáo sĩ Y Pha Nho Diaz bị hành hình, Pháp rủ thêm Y Pha Nho cùng đánh.
Rigault de Genouilly, nay đã lên chức Đô đốc, được giao chỉ huy liên quân Pháp-Y Pha Nho gồm 14 tầu chiến với khoảng từ 2.000 đến 3.000 quân, đánh vào Đà Nẵng. Vùng chiến tranh nằm hai bên bờ sông Hàn, ở bán đảo Sơn Trà, hữu ngạn và quận Hải Châu, tả ngạn (là trung tâm thành phố hiện nay). Ngày 31/8/1958, liên quân Pháp-Y Pha Nho tiến vào vịnh Đà Nẵng.

Sáng hôm sau, 1/9/1858 họ tấn công. Tài liệu sử Pháp Việt viết khác nhau: Thực Lục ghi hai thành An Hải và Điện Hải không giữ được.  Thomazi trong cuốn Cuộc Chinh PhụcNước Nam (La conquête de l’Indochine) có lẽ viết đúng hơn, với bản đồ kèm theo: ngày 1/9/1858, liên quân Pháp-Y tiến đánh bốn pháo đài ở bán đảo Sơn Trà. Nhìn bản đồ của Thomazi, thì ta thấy đó là: Pháo đài Phòng Hải, do Minh Mạng xây năm 1840 và ba đồn Trấn Dương do Thiệu Trị xây năm 1847. Ngoài ra, ta còn biết: quân Tây Dương đóng bản doanh ở chân núi Sơn Trà, điều đó chứng tỏ họ đã chiếm Sơn Trà.

Đà Nẵng lúc đó do Tổng Đốc Nam-Ngãi Trần Hoằng trấn giữ với khoảng 2.000 binh. Vua sai Chưởng dinh Hổ oai Đào Trí cấp tốc hội cùng Án sát Lê Văn Phổ và Bố chính Thân Văn Nhiếp, đem quân vào trợ lực. Đào Trí đến nơi, thì bốn đồn ở Sơn Trà đã mất, Trần Hoằng bị cách chức Tổng đốc, Đào Trí lên thay. Vua lại sai Hữu quan Đô Thống Lê Đình Lý làm Tổng Thống (Tổng tư lệnh) cùng Tham tri bộ Hộ Phan Khắc Thận làm Tham tán, đem thêm 2000 cấm binh vào họp cùng bọn Đào Trí. Nhiệm vụ: bảo vệ toàn bờ biển từ Cửa Hàn (tấn biển Đà Nẵng) vòng lên cửa Cu Đê đến núi Hải Vân, không cho quân địch lên bờ. Lê Đình Lý đóng ở Hoa Vinh, Đào Trí đóng ở Thị An. Quân Tây dương đổ bộ lên tả ngạn sông Hàn, chiếm làng Mỹ thị, Lê Đình Lý giao tranh một trận quyết liệt ở xã Cẩm Lệ, bị thương nặng, Hồ Đức Tú đóng ở Hoá Khuê không đến cứu. Vua sai bắt Hồ Đức Tú kiềng lại để điều tra. Lê Đình Lý được đưa về quê Bình Định điều trị, ít lâu sau mất. Các tướng thua trận bị giáng chức. Vua sai lấy xích sắt và dây sắt chắn ngang các cửa biển Thuận An và Tư Hiền.

Tình hình khẩn cấp, vua gọi Nguyễn Tri Phương đang làm Kinh lược sứ ở Nam Kỳ về, trao chức Tổng Thống (Tổng tư lệnh). Nguyễn Tri Phương sửa sang lại đồn lũy, đặt thêm lầu canh, thêm quân do thám, để các đồn có thể cứu ứng lẫn nhau. Quân Tây dương nhiều lấn tấn công các đồn Hoá Khuê, Nại Hiên, Thạc Giản, đều bị Chu Phước Minh, Phan Khắc Thận, Nguyễn Duy, đẩy lui, nhưng họ chiếm được thành An Hải. Nguyễn Tri Phương duyệt mặt trận để xem xét tình hình, tâu vua: “Giặc lấy chiến làm lợi, ta lấy thủ làm lợi. Xin lấy thủ làm chiến, đắp thêm đồn luỹ, để dần dần tiến đến gần giặc” (TL t. 583). Chiến lược này của Nguyễn Tri Phương sẽ làm cho liên quân Pháp-Y thất bại: đợi quân ta đến đánh mà ta không đến, nếu họ tiến đánh, thì họ thua. Tháng 1/1859, Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển đắp đồn Liên trì, quân Pháp lại tiến đánh đồn Thạc Giản, đồn Nại Hiên, sa vào phục binh của quân ta, thua trận. Nguyễn Tri Phương đắp lũy dài từ bãi Hải Châu đến các xã Phước Ninh, Thạc Giản, bên ngoài lũy đào hố hình chữ Phẩm, cắm chông, che cỏ và đổ cát lên trên, đặt quân mai phục sát đến thành Điện Hải. Quân Tây dương chia làm ba đạo tiến đánh, phục quân của ta đổ ra, quân địch phần rơi xuống hầm, phần bị trúng đạn, thua to. (2)

 

(2) Ghi chú của người góp nhặt: Theo bà Thụy Khuê, Minh Mạng vẫn giữ lại Vannier, Chaigneau từ thời Gia Long và bà không cho biết gì hơn. Từ “quân Tây Dương” thua to, người góp nhặt đào sâu chôn chặt qua Đại Nam sử ký  vào thời Gia Long: Olivier de Paymanel giữ việc trấn thủ, còn Dayot thì giữ việc đi mua thuốc đạn ở Ma Ní và mua tàu bè ở Ma Cao. Ngoài ra lại có Lebrun, Vannier, Chaigneau, Forsant, Guillon, Guilloux, Magon de Médine, Barisy, Girard de l’Isle Sellé, người thì coi về bộ binh, người thì coi về thủy binh”.

Thuyền quân Tây dương đổ bộ vào bãi Hải Châu, các tướng Hồ Oai, Tôn Thất Thi, Nguyễn Nghiã bắn chìm được ba chiếc thuyền. Nhưng ngày hôm sau, quân Pháp-Y xung kích: vây đồn Hải Châu, Chu Phước Minh thua chạy về giữ đồn Phước Ninh, Nguyễn Duy đến cứu đẩy lui được quân địch, trận này quân ta bị thương và chết nhiều và cũng là trận sau cùng. Bởi vì liên quân Pháp-Y đánh đã sáu tháng mà không chiếm được Đà Nẵng, cũng không thể đánh ra Huế, vì đèo Hải Vân bị chặn, nên phải bỏ Đà Nẵng, đánh vào Sài Gòn.

Vì không đánh được nên nội bộ của họ có vấn đề: Rigault de Genouilly đổ tội cho Giám mục Pellerin “báo cáo láo”. Giám mục Pellerin muốn đánh thẳng vào Huế. Cuối cùng Giám mục Pellerin giận, bỏ đi Penang. Sử gia Pháp hầu như không viết gì về giai đoạn này, vì họ không thích nói đếnnhững chiến bại. Thomazi chỉ mô tả ngày đầu tiên 1/9/1858, khi liên quan Pháp Y,bất thình lình câu đại bác vào bốn đồn ở bán đảo Sơn Trà, rồi “oai hùng đổ bộ, hô to khẩu hiệu “Hoàng đế [Napoléon III] muôn năm” trướckhi công phá và chiếm các đồn luỹ. Còn các trận đánh sau, ông chỉ “phân tích tình hình”, rồi chuyển qua mô tả những chiến thắng của Pháp ở Sài Gòn. Ông phân tích tình hình qua lời than của Đô đốc Rigault de Genouilly: đổ tội cho các giáo sĩ [ám chỉ Pellerin] đưa tin sai lầm về nước Nam: Sau khi chiếm được các đồn trên bán đảo Sơn Trà, Đô đốc chờ đợi sự nổi dậy của giáo dân, nhưng không thấy. Vịnh Đà Nẵng được bảo vệ bằng nhiều thành trì, một số xây từ thời Pigneau de Béhaine và Olivier de Puymanel”.

Không thể chiếm được Đà Nẵng, cũng không thể leo lên đèo Hải Vân để tiến đánh Huế vì đội ngũ phòng thủ và đại bác trên đèo không nhân nhượng. Rigault de Genouilly muốn đánh nơi khác. Giám Mục Pellerin khuyên ông nên đánh ra Bắc, vì ở đây có khoảng 400.000 giáo dân muốn giúp, chưa kể dư đảng nhà Lê [Lê Duy Cự] sẵn sàng tiếp tay với Pháp lật đổ triều Nguyễn, ông không tin. Rút cục ông để lại một lực lượng nhỏ giữ các thành đã chiếm ở Sơn Trà, rồi đem đại quân vào đánh Sài Gòn và ông đã thắng. Sau đó,Rigault de Genouilly trở ra Đà Nẵng, lại thất bại trước sự phòng thủ của Nguyễn Tri Phương, ông xin chính phủ Pháp cho viện binh hoặc chỉ giữ Sài Gòn Gia Định, không được, ông bèn từ chức. Phó đề đốc Page lên thay. Lại thua Nguyễn Tri Phương. Page rất mừng khi được lệnh vào giữ Sài Gòn, bao nhiêu binh thuyền phải dồn cho Charner hợp với quân Anh sang đánh Tầu. Ngày 23/3/1860, Page phá huỷ tất cả các đồn trại đã chiếm được ở Sơn Trà, trước khi vào Sài Gòn.

Nguyễn Tri Phương được chuyển vào Sài Gòn để đối đầu với địch. Trong suốt thời kỳ từ 1858 đến 1873, khi Hà Nội thất thủ, quyết định tuyệt thực mà chết.

(Còn Tiếp)

 

Bài Mới Nhất
Search