T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Hữu: Nghệ sĩ không phân biệt tuổi tác?

Khách mời đến với show truyền hình là các ca sĩ cũ, mới, nổi tiếng hoặc chưa nổi tiếng lắm. Người dẫn chương trình là một nam ca sĩ quen thuộc, khá lớn tuổi, từng sinh hoạt trên các sân khấu văn nghệ ở trong nước trước năm 1975.

Ca sĩ trả lời ít câu hỏi từ người dẫn, vài lời tâm tình cùng khán giả, nói về các show diễn sắp tới, các dĩa nhạc sắp phát hành… Sau đó là hát cho khán giả nghe một hai bài.

Người dẫn chương trình hoạt bát, vui tính, thỉnh thoảng kể vài chuyện cười, tiếu lâm, nhận được những tràng pháo tay từ phía khán giả. Nói chung thì cũng là giải trí lành mạnh, hào hứng, tuy đôi lúc có hơi sường sượng.

Khách mời hôm ấy là vài ca sĩ trẻ, ra đời nhiều năm sau cuộc chiến tranh Việt Nam. Chàng ca sĩ, khoảng dưới 30 tuổi, bước ra sân khấu cúi chào khán giả rồi quay chào người dẫn chương trình.

“Xin chào chú.”

“Gọi ‘Anh’ đi! Ở đây chỉ có anh em thôi. Ngồi xuống đây đi em.”

Cứ so về tuổi tác thì chàng ca sĩ này có gọi người dẫn chương trình là “Bác” cũng chẳng làm ai ngạc nhiên.

Cho dù đã được cấp phép để xưng hô “anh, em”, chàng ca sĩ vẫn tỏ vẻ rụt rè. Trả lời ít câu hỏi của người dẫn chàng chỉ “Dạ… dạ” và nói trống không chứ không dám xưng hô “anh, em”, cũng không dám “chú, cháu”, vì chú ấy đã dặn như vậy mà.

Lát sau, một cô ca sĩ trẻ bước ra chào khán giả, cũng quay chào “chú” ca sĩ dẫn chương trình và cũng nhận được lời đề nghị thân mật, “Gọi ‘anh, em’ đi. Anh chị em nghệ sĩ không có phân biệt tuổi tác.”

Cô ca sĩ chỉ líu ríu “Dạ, dạ…” Không có phân biệt tuổi tác được hiểu là không có “bác cháu”, “chú cháu” gì ở đây mà chỉ có “anh em” thôi. Trả lời các câu hỏi, đôi lúc cô vẫn quen miệng “chú, cháu” do chưa có thói quen… không phân biệt tuổi tác trong cách xưng hô. Cũng có lúc cô tỏ thiện chí đổi từ “Thưa chú” sang “Thưa anh” với đôi chút ngượng ngập.

Lát sau nữa, cô ca sĩ trẻ đẹp khác bước ra sân khấu với vẻ dạn dĩ, tự nhiên. Cô được săn đón kỹ.

“Chào em. Lâu ngày không gặp, dạo này khỏe không?”

“Khỏe ru, cám ơn anh.”

Cô ca sĩ thoải mái “anh anh, em em” ngọt xớt với ông ca sĩ thuộc thế hệ bố mẹ mình, có lẽ đã quen lắm với lối xưng hô này để vượt qua được rào cản ngăn cách đôi bờ giữa hai thế hệ. Cả hai đối đáp qua lại, châm chọc nhau, kẻ tung người hứng rất nhịp nhàng, ăn ý để gây cười cho khán giả trong lúc hai ca sĩ kia chỉ biết ngồi nhìn, cười cười.

Những hoạt cảnh đại loại như thế khá quen thuộc với khán giả, trên sân khấu hay trong các show truyền hình. Người dẫn chương trình thì cứ một điều, hai điều “anh chị em nghệ sĩ”, ra vẻ các anh chị em này đoàn kết một lòng và thương yêu nhau lắm như trong một đại gia đình vậy. Có điều, cho dù là đại gia đình đi nữa thì cũng có ông bà cha mẹ, có chú bác cô dì cậu mợ rồi mới đến anh chị em, nghĩa là có thứ bậc trước sau, trên dưới chứ khó mà già trẻ lớn bé đều đồng hạng là anh em một nhà. Hoặc giả, cách nói này ngụ ý nghệ sĩ thì lúc nào cũng yêu người yêu đời, cũng trẻ trung tươi tắn cho nên làm gì có tuổi và tuổi nào cũng là tuổi… anh em.

Vì thế, không ngạc nhiên khi có cô MC gọi một nam ca sĩ gần bằng tuổi bố mình là “anh”, rồi quay sang xưng “chị. em” với các con của ông này chứ không chịu “cô, cháu” vì nghe “già” quá. Hoặc, có ông MC xưng hô “anh, em” với cô ca sĩ trong lúc là bạn của mẹ cô, nghĩa là quanh đi quẩn lại chỉ có anh chị em với nhau thôi chứ chẳng có thứ bậc nào khác.

Vì thế, cũng không ngạc nhiên khi khán giả được thưởng thức những màn song ca khá tình tứ giữa hai thế hệ “anh chị em nghệ sĩ”, cách nhau cũng vài chục năm. Cũng liếc mắt đong đưa, cũng nắm tay nắm chân, cũng anh anh, em em ngọt ngào theo từng lời ca tiếng hát.

“Anh chị em nghệ sĩ”, cách nói này khá… chung chung và dễ đánh đồng với những giới nghệ sĩ khác. Nghệ sĩ là nghệ sĩ nào? Có biết bao nhiêu nghệ sĩ hoạt động trong nhiều loại hình, bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, văn chương, sân khấu, nhiếp ảnh, điện ảnh, điêu khắc… và chẳng có dây mơ rễ má gì với những “anh chị em nghệ sĩ” này. Nhiều lắm chỉ có thể gọi là “anh chị em nghệ sĩ sân khấu”, và hẳn cách xưng hô “không phân biệt tuổi tác” ấy cũng chỉ là cách xưng hô của nghệ sĩ sân khấu.

Nói rằng xưng hô cách ấy để tạo sự thân mật, gần gũi, thế thì xưng “bác, cháu”, “chú, cháu”, “cô, cháu” lại không gần gũi, thân mật sao? Nói rằng xưng hô cách ấy cho được thoải mái, tự nhiên, nhưng lại thấy ngượng ngập, kém tự nhiên vì trái với phép tắc thông thường.

Nói rằng “Gọi thế cho dễ, cho tiện,” dễ đâu chẳng thấy, tiện đâu cũng chẳng thấy, chỉ thấy các em, các cháu ngại ngùng, lúng ta lúng túng, đến khán giả đôi lúc cũng nhăn mặt.

Liệu có phải cứ là giới nghệ sĩ sân khấu thì được phép xưng hô thoải mái, tùy tiện? Cái “ngoại lệ” này không thấy có ở miền Nam trước đây, hoặc có mà tôi không được biết. Các nghệ sĩ tân nhạc, cổ nhạc, các danh hài… ngày trước vẫn giữ phép tắc xưng hô theo đúng phong tục, tập quán người Việt mình. Đặc biệt, các nghệ sĩ trong giới cổ nhạc đến nay vẫn giữ được nề nếp, tôn ti trật tự. Nghệ sĩ thế hệ đàn em vẫn một mực tôn kính, quý trọng các bậc tiền bối, các đàn anh đàn chị. Những nghệ sĩ cải lương mà tôi được biết, từ trước đến nay vẫn xưng hô đứng đắn theo thứ bậc, có trước có sau, có trên có dưới.

Tôi biết có ông MC lớn tuổi vẫn gọi các ca sĩ thuộc thế hệ con cháu mình là “cháu”, xưng mình là “chú” và các ca sĩ cũng xưng hô “chú, cháu “ với ông rất tự nhiên, thân mật và vẫn cảm thấy gần gũi chứ không hề xa cách.

Tôi cũng biết có những nghệ sĩ, ca sĩ trẻ trung vẫn giữ được lối chào hỏi, cách xưng hô có nề nếp mà các em học được từ bố mẹ, thầy cô đối với các bậc đàn anh đàn chị, cho dù có được “cấp phép” là “nghệ sĩ không phân biệt tuổi tác”.

Jimmy Thái Nhựt & nhà thơ Du Tử Lê (ảnh Việt Báo)

Tôi cũng được nghe, được biết về “The Jimmy Show”, một show truyền hình được người xem yêu thích và dành nhiều thiện cảm. Thái Nhựt, người phụ trách chương trình này, là chàng trai trẻ trạc 25 tuổi trong lúc khách mời phần lớn là văn nghệ sĩ, ca nhạc sĩ thuộc thế hệ trước. Người xem thán phục và yêu mến chàng trai không chỉ vì sự chuẩn bị chu đáo cho chương trình, từ việc tìm hiểu, sưu tầm hình ảnh, tài liệu cho đến lối đặt câu hỏi và dẫn dắt câu chuyện mà còn vì cách xưng hô thưa gửi, cách nói năng lễ độ tỏ sự quý trọng các bác, các cô chú lớn tuổi, thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt.

Nhân nói chuyện xưng hô, xin ghi lại mẩu chuyện được nhà văn Võ Hồng kể lại như một hoạt cảnh “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” sau cuộc bể dâu năm 1975. Cậu học trò bỏ trường bỏ lớp biền biệt đi theo kháng chiến, nay trở về có tí chức quyền trong “chính quyền cách mạng”, ghé thăm người thầy cũ. Cuộc đổi đời cũng làm… đổi thay cách xưng hô:

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, vậy mà tôi gặp trường hợp có người học trò cũ xưng hô với tôi bằng “Anh”. Tôi hoàn toàn không cảm thấy bị xúc phạm mà chỉ thấy thương hại cho anh ta. Rõ ràng là anh ta có tỏ ra lúng túng khi sắp phải chọn giữa hai tiếng “thầy” và “anh”. Tôi muốn vỗ vai anh thân mật an ủi: “Sao em khổ chi vậy?”  Tiếng “thầy” có gì là cao giá đâu mà em phải đắn đo, cân nhắc? Xung quanh ta thiên hạ dùng tiếng “thầy” khỏe ru mà: thầy thuốc, thầy cúng, thầy võ, thầy phù thủy, thầy địa!…  (“Nửa chữ cũng là Thầy”, Võ Hồng).

Trong lúc người thầy giáo già vẫn thần thái ung dung thì cậu học trò lại lấn ca lấn cấn. Một mặt anh ta muốn “lên gân” với ông thầy, một mặt vẫn cứ “gờm” ông thầy cũ. Anh ghé thăm ông thầy chỉ để tỏ ra rằng anh ta nay đã khác xưa, đã “trên chân” ông thầy chứ không còn là học trò của ông nữa. Anh chẳng thèm nhớ gì những bài học về đạo lý làm người của ông thầy giáo quèn. Anh không dám thốt ra tiếng “Thầy”, sợ mất thể diện trước mặt các “đồng chí” và mất cả “khí thế cách mạng”.

Không rõ nhà văn, nhà giáo Võ Hồng còn phải đối đầu với bao nhiêu học trò vội vàng trả hết chữ nghĩa cho thầy sau cuộc đổi đời đảo điên ấy.

Lâu nay chúng ta vẫn lấy làm tự hào rằng được thừa hưởng nền văn hóa, giáo dục của miền Nam tự do, trong đó có phép tắc xưng hô trong gia đình, ngoài xã hội. Học cách xưng hô là học cách cư xử, học phép lễ độ, khiêm tốn và tôn trọng người khác như ông cha ta vẫn dạy, “Xưng phải khiêm, hô phải tốn.”

Trong các trường dạy Việt ngữ mà mục tiêu là “bảo tồn và phát huy ngôn ngữ, văn hóa Việt”, hẳn các thầy cô cũng dạy các em về phép tắc lễ nghĩa trong cách xưng hô với các bậc trưởng thượng, vốn là nét đẹp văn hóa và phong tục tập quán của người Việt mình.

Như vậy, nếu có những “anh chị em nghệ sĩ” nào đó lại muốn các em, các cháu bỏ ngoài tai những lời dạy bảo của bố mẹ, thầy cô về phép tắc lễ nghĩa ấy thì cũng chỉ là số ít nào đó thôi.

Tôi tin là như vậy, chứ làm gì có chuyện… nghệ sĩ không phân biệt tuổi tác.

Lê Hữu

 

 

 

©T.Vấn 209

Bài Mới Nhất
Search