T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: NGHĨ VẨN VƠ, CUỐI ĐỜI (bài 24) – KHỔ VÌ SÁCH

Gã Biết Chữ – Tranh: Thanh Châu

Từ những chữ tượng hình, những mẫu tự la tinh, đến những nét loằng ngoằng giống như sợi mì gói, rồi tìm cách làm ra giấy để in thành sách, con người quả đã làm nên những điều kỳ diệu mà ngay cả thượng đế cũng không thể ngờ được.

Sách là cái dấu ấn rõ nét nhất của nhân loại trên tinh cầu này. Kinh Phật, kinh Thánh, rồi kinh Coran, từ lâu đã là những ngọn hải đăng cho những con tàu mất phương hướng vì bão tố của cuộc đời. Sách là tiếng vọng từ ngàn xưa còn vang dội mãi ngàn sau. Sách còn là bệ đỡ cho những tượng đài tư tưởng hùng tráng.

Cũng chính vì vậy, mà sách là lời nguyền không thể vượt qua được đối với những chế độ toàn trị. Cho nên, Tần Thủy hoàng đã đốt sách chôn học trò, và gần đây cộng sản miền bắc đã thiêu hủy tất tần tật những gì được in trên giấy và giam cầm những nhà tư tưởng, nhà văn nhà thơ miền nam.

Trong muôn ngàn tội ác, thì cái tội lớn nhất chính là tội đốt sách.

Nhưng sách báo miền nam quá nhiều và thực ra những kẻ được coi là những hồng vệ binh mới tập tễnh ấy, cũng chỉ a dua chứ chưa thực lòng tin theo đảng, nên chỉ ít lâu sau lại thấy sách nằm phơi lõa thể ở các vỉa hè và được những người mặc đồ bộ đội nhưng không phải bộ đội từ miền bắc, lấy cớ vào thăm miền nam để tìm mua, rồi thoải mái mang về như bộ đội mang búp bê bằng nhựa hay khung xe đạp. Có lẽ, đảng tin rằng họ được miễn nhiễm trước các nọc độc của văn hóa đồi trụy, vì đã được tiêm chủng nhiều đợt bằng thơ của Bác và thơ Tố Hữu.

Nhờ vậy mà sách miền nam thay vì bị thiêu rụi, lại làm một cuộc di cư thầm lặng từ nam ra bắc, âm thầm thế chỗ cho những Hồ Chí Minh, Lê Duẫn, Lênin toàn tập để giải phóng nhiều người đang bị giam giữ trong ngục tù tư tưởng.

Nhưng giờ đây, sau bốn mươi năm hơn, sách lại tràn ngập khắp nơi với những nhà sách khổng lồ, những con phố sách xinh xắn. Sách in trên giấy trắng thơm tho, bìa đủ màu đẹp lộng lẫy, giá cả nhiều lúc giảm đến 50%. Chỉ có điều, sách hay thì ít mà sách dở, sách bậy bạ thì nhiều vô số kể.

Ngày trước, nhiều người khổ vì bị cầm nhầm hay mượn rồi cố tình quên trả. Giờ thì ngược lại, khổ vì được tặng và bị tặng quá nhiều.

Và, bởi Việt Nam là vương quốc thơ, nên gần như nhà nhà đều in thơ. Các quán cà phê muốn có đông khách, nhất định phải thiết kế một sân khấu hoành tráng, để các nhà thơ đưa bạn bè đến ra mắt sách.

Thiệt là vui mà cũng thiệt là cực, nhất là những ai nổi tiếng (hay mang tiếng) là nhà văn, nhà thơ, thế nào cũng được (bị) mời cho bằng được. Khi ra về không có phong bì nhưng có cả một chồng sách được (bị) tặng nhiều đến nỗi phải thuê xích lô chở về nhà.

Khổ nỗi phòng văn của các vị đều nhỏ như cái lỗ mũi, giờ trở nên ngạt thở vì mùi mực in và mùi giấy mới. Sách chất cao đụng trần, nhét chật cứng dưới gậm giường, đi tới đi lui đều đụng sách. Có người xệnh xạng bị té gãy răng, u đầu. Có người, vợ ở dưới nhà bỗng nghe một cái rầm, hốt hoảng chạy lên, chỉ thấy sách và sách, mếu máo gọi anh ơi anh hỡi, mãi môt lúc sau mới thấy chồng mình lóp ngóp bò ra. Cứ như sau một trận động đất.

Cái sự gọi là về thu xếp lại mà thu xếp hoài vẫn chưa xong, ấy là những sách được tặng và bị tặng. Bỏ đi ư, không được, vì đây là tâm huyết của cả một đời người. Anh ta không đủ sức và đủ tiền để ra mắt sách, nhưng dù nằm thoi thóp trên giường bệnh vẫn cố sức ký tặng, thì sao nỡ bỏ đi. Tội lắm, thương lắm!

Ngay cả bị tặng cũng không nỡ lòng nào. Đem cho bà bán bán ve chai, bà ta liền nhét vào giỏ cùng với bịch ni lon và đủ thứ hầm bà lằng, thấy nó tội tội làm sao. Đành phải xếp qua một bên rồi sẽ tính.

Có nhà nhạc sĩ nổi tiếng bảo khi chết hãy chôn theo tôi cây đàn. Thì mình cũng sẽ chôn theo vậy. Nhưng chôn cây đàn hay cây bút thì được, chứ chôn cả một kho sách thì hòm nào chứa nổi. Đó là chưa kể, khi xuống âm phủ, không chừng bị Diêm vương sai quỷ lấy chỉa ba xóc đem đi nướng vì cái tội chết mà còn mang theo sách.

Nhưng bắt chước người xưa, để lại cho con cháu, cũng không được nữa rồi. Đám con cháu bây giờ, chúng nó đâu còn thèm ngó ngàng gì tới sách. Muốn tìm kiếm thứ gì, chỉ việc gõ vào đầu thằng Gù (gồ), là tìm ra ngay.

Thế nên, trước khi xuôi tay nhắm mắt, nhìn đám con cháu đang sùi sụt hay giả bộ sụt sùi, mà thều thào rằng, ta để lại cho chúng mày mỗi đứa một căn phố mặt tiền. Còn tiền mặt gửi ở ngân hàng, mỗi đứa nhận thêm một tỷ nữa, thì chúng lại khóc rống lên như còi xe chữa lửa, rằng ba ơi (hay má ơi) sao nỡ bỏ chúng con mà đi.

Nhưng nếu đem hết sức tàn ra mà bảo, ba để lại cho các con cả một gia tài tinh thần đồ sộ là hàng ngàn quyển sách kia, thì chúng chỉ ngước mắt lên trần nhà, làm như không nghe không thấy, để rồi sau khi an táng xong, đứa nọ lại đùn đẩy cho đứa kia, ráng mà lãnh cái của nợ to đùng ấy.

Khổ vì mất sách và rồi khổ vì nhiều sách, trong một đời người mà chịu đến những hai cái khổ to như thế, kể cũng đáng thương thật.

Khuất Đẩu

10/2019

*Lời cuối của Khuất Đẩu trước khi tạm chấm dứt loạt bài “Nghĩ vẩn vơ cuối đời”:

Bạn thân mến
Có nhiều chuyện muốn khóc mà không khóc được. Như chuyện Trà My và 38 người chết trong xe đông lạnh. Còn buồn hơn “em bé Napan”, bé Sirya và bé Phi châu.
Cả thế giới xúc động, nhưng thằng lú thằng ngoẹo không hề lên tiếng. Chỉ muốn chửi thôi, mà tôi chửi không bằng ai, nên đành thôi vậy.
Tôi rất biết ơn bạn đã đưa những “nghĩ vẩn vơ cuối đời” lên mạng,
Tôi cũng xin cảm ơn bạn đọc đã vẩn vơ suy nghĩ cùng tôi. Tôi thấy mình vẫn còn nợ bạn đọc rất nhiều. Tiếc rằng, tuổi già lại thêm bệnh tật, nên không dám hứa một điều gì.
Tôi đang ấp ủ về một truyện của những lưu dân ở Bình Định. Trở về xưa và nghĩ tới mai sau, tôi thấy dân tộc mình đâu có khác gì dân Do Thái. Nỗi buồn cố xứ vẫn còn mãi mãi.
Xin tạm biệt với tất cả lòng yêu mến.

Khuất Đẩu

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

 

Bài Mới Nhất
Search