T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trần Yên Hạ: Hạnh Phúc Trong Tay (Những câu chuyện từ đời sống)

Xin Bấm Vào Đây Để Mở Hoặc Tải Về Máy

Trần Yên Hạ: Hạnh Phúc Trong Tay

(Những câu chuyện từ đời sống)

Giới Thiệu:

TỰA

Trần Yên Hạ viết không nhiều. Đơn giản vì chàng không phải là nhà văn, nhà thơ, dù đã từng là chủ nhiệm tạp chí Ca Dao hơn 10 năm trời ở khu vực Dallas – FtWorth, dù đã từng lăn lộn với những người viết văn, làm thơ ở khắp nơi, dù đã, đang và sẽ (cho đến ngày nhắm mắt) chia chung một mái nhà với nhà văn nữ Ngân Bình. Người thích đọc (sách, báo), kể cả nhiều người viết (văn, thơ, truyện) biết đến nhà văn Ngân Bình (lẽ dĩ nhiên rồi). Những nhà họat động xã hội, giới sinh họat văn hóa, sinh họat cộng đồng ở vùng Dallas – Fort Worth) hẳn nhiều người quen thuộc – thậm chí rất quen thuộc – với cái tên Đặng Hiếu Sinh – ông chồng nhà văn Ngân Bình -, nhưng ít ai biết chàng ta cũng chính là Trần Yên Hạ, tác giả lọat bài viết về gia đình, bài phóng sự cộng đồng v…v.

Gia tài chữ nghĩa của Trần Yên Hạ (Đặng Hiếu Sinh, “ông Ngân Bình”) cũng khá  bộn bề nhưng ở đây tác giả chỉ cố gắng lọc lựa, sao cho đủ gói gọn trong một tập sách cầm ít nặng tay (và ít mỏi tay) mà quý độc giả đang sắp sửa lần giở.

Không phải là nhà văn, không phải là nhà thơ, vậy Trần Yên Hạ viết những gì?

Câu trả lời rất đơn giản: chàng kể lại những câu chuyện, những cảnh đời có thực, mà nhờ đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người nhiều giới nhiều lứa tuổi khác nhau, chàng đã có dịp nghe, thấy, cảm, nghĩ và bằng cái tâm của một nhà họat động xã hội, chàng trăn trở.

Khác với nhà văn, khi kể lại một câu chuyện (có thật hay tưởng tượng), thường ông (bà) ta khái quát hóa nhân vật, đôi khi hư cấu thêm một số tình tiết trước khi gởi đến độc giả câu chuyện mình kể, để vừa đáp ứng đòi hỏi văn chương vừa chuyển tải ý đồ của tác giả gói ghém trong tác phẩm (văn chương). Với Trần Yên Hạ, vốn không phải nhà văn, cầm bút không phải để làm văn chương, nên những câu chuyện trong tập sách này được chàng kể lại như nó đã xẩy ra, không thêm thắt hư cấu cho tình tiết, không “nhào nặn” vẽ râu vẽ nốt ruồi cho nhân vật, không lái hướng đi đến kết cục của câu chuyện theo ý mình (ý đồ của người kể chuyện).

Không ngừng lại ở đó, chàng còn “lợi dụng” lúc tình cảm của người đọc đang khóc cười với câu chuyện (thật), đang để cảm xúc thương yêu giận ghét dâng trào, chàng buộc người đọc phải đối diện với thực tế ấy bằng những lời bàn (kiểu Mao Tôn Cương – người có những lời bình sau mỗi chương sách của bộ Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa). Đôi khi, những lời bình cuối mỗi câu chuyện ấy của Trần Yên Hạ khiến độc gỉa có cảm tưởng chàng ta “dậy đời”, hoặc “thừa thãi”. Là một người gần gủi với Trần Yên Hạ, từ thuở chàng còn ở tuổi đôi mươi, mắt sáng môi tươi tóc bời lộng gió, tôi tin bạn mình sống thật những điều mình viết, từng kinh qua một cuộc đời nhiều thăng trầm, nhiều sóng gio, nhưng trái tim sôi nổi luôn hướng đến những điều tốt đẹp chung quanh mình, vì trái tim ấy hằng tin ở sự tử tế, ở sự hiểu biết, ở lòng vị tha quên mình.

Nói cách khác, Trần Yên Hạ viết những gì mình sống, nghĩ, cảm.

Ở phần Hai của tập sách nhỏ là tập hợp vài truyện ngắn chọn lọc của Trần Yên Hạ. Người đọc tinh ý, nếu đã từng quen, biết, nghe nói đến Đặng Hiếu Sinh – sẽ nhận ra ngay đó là những “tự truyện” của tác giả, ở những đoạn đời khác nhau. Dù là tự truyện, không hề có những tình tiết thêm thắt hư cấu gây “cao trào” theo thủ pháp kể truyện, nhưng chính sự chân thật trong cách kể của Trần Yên Hạ đã lôi cuốn người đọc từ đầu chí cuối.

Tác phẩm nhỏ này trên tay độc giả, như con người tác giả tự phơi bày chính mình một cách mộc mạc, thật thà.

Hãy mở ra, đọc và cảm nhận, để cùng với tác giả, chúng ta thêm vững tin vào sự tốt đẹp của cuộc đời.

T.Vấn

Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search