T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (93) – NHẠC PHIM – Memory (Kỷ Niệm), Andrew Lloyd Webber – Trevor Nunn & T. S. Eliot

Những bài cuối cùng trong phần viết về những ca khúc trong phim, kịch, hoặc từ nhạc phim, nhạc kịch được đặt lời Việt, chúng tôi sẽ giới thiệu một số ca khúc điển hình trong những cuốn phim, những vở ca nhạc kịch nổi tiếng sau năm 1975. Ca khúc thứ nhất là bản Memory, trích từ vở ca kịch Cats (1981) do Andrew Lloyd Webber soạn nhạc và Trevor Nunn đặt lời dựa trên ý thơ của T. S. Eliot.

Trước khi viết về ca khúc Memory, chúng tôi xin được điểm qua các ca khúc trong phim, hoặc nhạc phim được đặt lời hát từ năm 1975 trở về sau.

Theo đa số tác giả, nếu tính theo đơn vị “thập niên” (decade) thì những năm 1960s là thời gian có nhiều ca khúc hay nhất, trong đó có những ca khúc trong phim, hoặc nhạc phim được đặt lời hát, mà chúng tôi đã giới thiệu một số bản.

Bước sang thập niên 1970, những ca khúc trong phim, hoặc có gốc gác nhạc phim được yêu chuộng nhất đều là của 5 năm đầu, như For All We Know (phim Lovers and Other Strangers), Where Do I Begin (phim Love Story), The Summer Knows (phim Summer of ’42), Speak Softly, Love (phim The Godfather), The Way We Were (phim The Way We Were)…

Trong số các ca khúc nói trên, có một bản rất nổi tiếng nhưng chúng tôi chưa có dịp đề cập tới là For All We Know trong cuốn phim Lovers and Other Strangers (1970).

Theo ký ức của chúng tôi, ngày ấy cuốn phim Lovers and Other Strangers chưa được chiếu tại miền Nam VN, cho nên ca khúc For All We Know do Larry Meredith hát trong cuốn phim này lẽ ra cũng đã chẳng được người yêu nhạc biết tới nếu như không có đôi song ca Carpenters.

Carpenters gồm hai anh em Richard Carpenter (sinh năm 1946) và Karen Carpenter (sinh năm 1950), được xem là một hiện tượng ca nhạc trong thập niên 1970. Gọi là “hiện tượng” bởi vì vào thời cực thịnh của rock-n-roll, của phản kháng văn hóa, họ hát nhạc êm, nội dung rất ư “nhà lành” mà lại đạt thành công rực rỡ. Những yếu tố chính đem lại thành công cho Carpenters là: “tiếng hát thiên thần” (giọng nữ trung) và tài đánh trống của Karen, nội dung các sáng tác, hòa âm và lối chơi nhạc độc đáo của Richard.

Trong 14 năm tồn tại (Karen qua đời vì đau tim năm 32 tuổi) Carpenters đã có tới ba bản đứng No.1 và năm bản đứng No.2 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 (tính tất cả mọi thể loại), 15 bản đứng No.1 trên bảng Easy Listening tại Hoa Kỳ, bán ra gần 100 triệu đĩa, và hiện nay vẫn nằm trong danh sách ca nhạc sĩ đã qua đời tiếp tục có số đĩa bán chạy nhất.

Tại Hòn Ngọc Viễn Đông ngày ấy, giới trẻ yêu nhạc ngoại quốc đã dành cho Carpenters một vị trí đặc biệt qua những ca khúc được yêu chuộng như Close to You (1970), We Only Just Begin (1970), Superstar (1971), Goodbye to Love (1972), Sing (1973), Yesterday Once More (1973), Please, Mr Postman (1974)…

VIDEO:

Carpenters – Superstar (Official Video)

Yesterday Once More with Lyric

Trong số những ca khúc được yêu chuộng nói trên, có ít nhất ba bản đã được đặt lời Việt, gồm:

Close to You, LV: Buồn chợt đến, Nam Lộc

Yesterday Once More, LV: Ngày xưa yêu dấu, Phạm Duy

Sing, LV: Hát lên đi, Lê Hựu Hà

Phụ lục 1: Yesterday Once More (Ngày xưa yêu dấu), Kiều Nga

Phụ lục 2: Sing (Hát lên đi), Thúy Hà Tú (pre 1975)

Xin trở lại với ca khúc For All We Know trong cuốn phim hài kịch Lovers and Other Strangers (1970).

Cuốn phim này được đề cử ba giải Oscar và đoạt một giải cho ca khúc viết riêng cho phim: For All We Know, do Fred Karlin soạn nhạc, Robb Royer và Jimmy Griffin viết lời hát, Larry Meredith thu âm.

For All We Know

Love, look at the two of us
Strangers in many ways
We’ve got a lifetime to share
So much to say and as we go on from day to day
I’ll feel you close to me
But time alone will tell
Let’s take a lifetime to say
I knew you well
For only time will tell us so
And love may grow for all we know


Love, look at the two of us
Strangers in many ways
Let’s take a lifetime to say
I know you well
But only time will tell us so
And love may grow for all we know

 

VIDEO:

For All We Know – Larry Meredith

Trong một buổi tối rảnh rỗi hiếm hoi trong chuyến lưu diễn, Richard và Karen đi xem cuốn phim Lovers and Other Strangers; tới khi nghe ca khúc trong phim (For All We Know) Richard nhận thấy đây là một ca khúc lý tưởng để soạn lại hòa âm phối khí cho hai anh em thu đĩa.

Qua đầu năm 1971, For All We Know của Carpenters đã lên tới No. 3 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 và No. 1 cho thể loại Easy Listening trong suốt ba tuần lễ.

VIDEO:

The Carpenters – For All We Know (INCLUDES LYRICS)

Vào khoảng thời gian này, For All We Know được đề cử giải Oscar cho ca khúc viết cho phim. Thông thường, ban tổ chức sẽ chọn một ca khúc viết cho phim (trong số những ca khúc được đề cử) để đưa vào chương trình văn nghệ phụ diễn của buổi lễ phát giải, và kỳ này họ chọn For All We Know vì ca khúc này (do Carpenters thu đĩa) đang làm mưa gió trên các bảng xếp hạng.

Tuy nhiên Larry Meredith, người thu âm ca khúc này trong phim, vì một nguyên nhân nào đó không thể tới dự, trong khi ban tổ chức lại không thể mời Carpenters trình diễn thế vì bị một điều lệ của giải điện ảnh Oscar ngăn cản: từ trước tới nay, Carpenters chưa từng xuất hiện trên màn bạc và cũng chưa hề hát trong một cuốn phim nào!

Vì thế ban tổ chức đã phải hỏi ý kiến của Carpenters muốn mời ai trong số những ca sĩ “hợp lệ” để hát For All We Know trong buổi lễ, và hai anh em đã chấm Petula Clark. Mười hai năm sau, hai ngày sau khi Karen Carpenter qua đời (4 tháng 2 năm 1983), Petula Clark đã hát lại ca khúc này trong buổi tưởng niệm.

* * *

Trái với thời gian 5 năm đầu, 5 năm cuối của thập niên 1970 chỉ có một ca khúc đoạt giải Oscar được nhiều người biết tới – đa số là những người ái mộ tiếng hát của Barbra Streisand – là bản Evergreen trong cuốn phim tình cảm ca nhạc A Star Is Born, do Barbra Streisand thủ vai chính bên cạnh nam diễn viên kiêm ca sĩ Kris Kristofferson.

Cốt truyện A Star Is Born nói về một nam ca sĩ đang ở trên đỉnh cao danh vọng gặp gỡ một nữ ca sĩ không tên tuổi, tìm cách giúp nàng vươn lên rồi tình yêu nảy sinh giữa hai người. Nhưng sau đó, trong khi nàng đạt thành công rực rỡ thì sự nghiệp của chàng lại đi xuống…

A Star Is Born đã được đưa lên màn bạc bốn lần:

– A Star Is Born (1937) với Janet Gaynor và Fredric March, được đề cử 7 giải Oscar, đoạt 1 cho cốt truyện; trang mạng phê bình Rotten Tomatoes cho phim này điểm 100%

– A Star Is Born (1954) với Judy Garland và James Mason, được đề cử 6 giải Oscar, không đoạt giải nào; Rotten Tomatoes cho điểm 97%

– A Star Is Born (1976) với Barbra Streisand và Kris Kristofferson,  được đề cử 4 giải Oscar, đoạt 1 giải cho ca khúc trong phim; Rotten Tomatoes cho điểm 36%

– A Star Is Born (2018) với Lady Gaga và Bradley Cooper, được đề cử 8 giải Oscar, đoạt 1 giải cho ca khúc trong phim; Rotten Tomatoes cho điểm 90%

Thế nhưng trong khi A Star Is Born năm 1976 bị các nhà bình phim cho đứng hạng chót trong số bốn cuốn phim, thì ca khúc trong cuốn phim này lại làm nên “lịch sử”: lần đầu tiên một nhà soạn nhạc thuộc giới quần hồng đoạt giải Oscar cho ca khúc trong phim: Barbra Streisand, với bản Evergreen, ca khúc chủ đề tình yêu trong phim (Love Theme).

Tên tuổi và sự nghiệp của Barbra Streisand (sinh năm 1942) đã được chúng tôi nhắc tới khá nhiều lần trong loạt bài này, ở đây chỉ xin ghi ra một cái “duy nhất” và hai cái “đầu tiên” của nàng ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim tài ba này:

– Là ca nhạc sĩ duy nhất, tính tới nay, trong sáu thập niên liên tục đều có album đứng No.1.

– Là phụ nữ đầu tiên vừa viết kịch bản, sản xuất, đạo diễn và thủ vai chính trong một cuốn phim chính mạch (phim Yentl, 1983).

– Là phụ nữ đầu tiên đoạt giải Oscar qua việc soạn nhạc cho một ca khúc trong phim, tức bản Evergreen trong phim A Star Is Born (1976).

Evergreen do Paul Williams đặt lời hát.

Paul Wlliams sinh năm 1940, là nhà soạn nhạc, nhà viết ca khúc, ca sĩ và diễn viên nổi tiếng của Mỹ. Từ thập niên 1970 trở về sau, ông chuyên về việc soạn ca từ, trong số này có hai bản đứng No.1 của ban Carpenters là We’ve Only Just Begun Rainy Days and Mondays.

Với Evergreen, Barbra Streisand và Paul Wlliams không chỉ đoạt giải Oscar cho ca khúc trong phim mà còn đoạt giải Trái Cầu Vàng (Golden Globe) cho ca khúc trong phim, và giải âm nhạc Grammy cho ca khúc trong năm.

Trên các bảng xếp hạng, Evergreen đã trở thành ca khúc thứ nhì của Barbra Streisand lên No.1; ca khúc trước đó là The Way We Were (1974).

Evergreen đứng No.1 trên Billboard Hot 100 (ba tuần) và Easy Listening (sáu tuần), và đứng hạng tư cho cả năm 1977. Hiện nay, Evergreen đang đứng hạng 16 trong danh sách “100 years… 100 songs” của Viện Phim Ảnh Hoa Kỳ.

Evergreen

Love soft as an easy chair
Love fresh as the morning air
One love that is shared by two
I have found with you
Like a rose under the April snow
I was always certain love would grow
Love ageless and evergreen
Seldom seen by two
You and I will
Make each night the first
Everyday a beginning
Spirits rise and their dance is unrehearsed
They warm and excite us
‘Cause we have the brightest love
Two lights that shine as one
Morning glory and midnight sun
Time, we’ve learned to sail above
Time, won’t change the meaning of one love
Ageless and ever, evergreen

 

Phụ lục 3: Evergreen, Barbra Streisand

VIDEO:

 BARBRA STREISAND & KRIS KRISTOFFERSON – EVERGREEN

Tới đây chúng tôi viết về ca khúc Memory trong vở ca kịch Cats (1981) của Andrew Lloyd Webber.

Trong một bài trước, giới thiệu ca khúc I Don’t Know How to Love Him trong vở ca kịch & cuốn phim Jesus Christ Superstar, chúng tôi đã viết về tiểu sử và những bước đầu sự nghiệp của (Sir) Andrew Lloyd Webber (1948 – ), nhà soạn nhạc, nhạc kịch tài ba bậc nhất của Anh quốc, trong bài này xin được viết tiếp.

Sau thành công của hai vở Jesus Christ Superstar (1970) với ca khúc I Don’t Know How to Love Him và Evita (1976) với ca khúc Don’t Cry for Me, Argentina, tới năm 1981, Andrew Lloyd Webber đã trình làng vở Cats, trong đó có ca khúc Memory chúng tôi giới thiệu trong bài này.

* * *

Cốt truyện của Cats được dựa trên tập thơ “Old Possum’s Book of Practical Cats” của thi sĩ Anh gốc Mỹ T.S. Eliot (Thomas Stearns Eliot, 1888 – 1965).

T.S. Eliot (Thomas Stearns Eliot, 1888 – 1965)

Ra chào đời tại St. Louis, Missouri, năm 25 tuổi, T.S. Eliot sang Anh quốc sinh sống và làm việc tại đây. Năm 1927, vào tuổi 39, T. S. Eliot trở thành công dân Anh.

Là một nhà thơ thuộc trường phái hiện đại, T. S. Eliot được trao tặng giải Nobel Văn học năm 1948.

Ngoài thơ, T. S. Eliot còn được biết tới qua vai trò một nhà văn, kịch tác gia và nhà phê bình văn học.

“Old Possum’s Book of Practical Cats” (“Old Possum” – Con chuột sóc già – là một biệt hiệu của T. S. Eliot) xuất bản năm 1939, nói về một “bộ lạc” của giống mèo Jellicle. Cũng giống như con người, loài mèo  Jellicle cũng tìm kiếm một hạnh phúc dài lâu, cũng mơ tới một chốn thiên đường mà chúng gọi là Heaviside Layer. Mỗi năm, bộ lạc mèo Jellicle lại tề tựu tại ca vũ hội Jellicle Ball để cùng nhau ca hát, phô trương tài nghệ, và vị Trưởng tộc “Old Deuteronomy” sẽ chọn lấy một con để hưởng hạnh phúc nơi cõi thiên đường và đầu thai trong một kiếp Jellicle mới (trong tổng số 9 kiếp của loài mèo).

Năm ấy, Grizabella, con mèo già một thời nổi tiếng “thanh sắc”, nay đã bị gạt sang bên lề, qua những cố gắng tuyệt vọng của mình đã đánh động được lương tâm, thu phục được tình cảm của tập thể… và cuối cùng được chọn lên thiên đường đi đầu thai!

“Old Possum’s Book of Practical Cats” được T. S. Eliot viết cho các cháu của ông, và Andrew Lloyd Webber cho biết đây cũng là cuốn sách ông yêu thích nhất trong tuổi ấu thơ của mình.

Năm 1977, Andrew Lloyd Webber bắt đầu công việc phổ nhạc tập thơ của T. S. Eliot chỉ với mục đích “thực tập” và thử khả năng của mình trong việc soạn nhạc cho một nội dung có sẵn.

Mãi tới năm 1980, sau khi một tập hợp ca khúc của ông mang tựa đề Tell Me on a Sunday chiếu trên đài truyền hình BBC được nồng nhiệt đón nhận, Andrew Lloyd Webber mới nghĩ tới việc đem tập thơ của J. S. Eliot mà mình đã phổ nhạc lên truyền hình qua hình thức tương tự.

Ông mời nhà sản xuất kịch nghệ Cameron Mackintosh hợp tác, và “lịch sử của Cats” bắt đầu.

              Cameron Mackintosh

(Sir) Cameron Mackintosh, sinh năm 1946, là sản xuất ca nhạc kịch tài ba kiêm chủ nhân nhà hát giàu có bậc nhất Anh quốc. Xuất thân là một tay phụ việc trên sân khấu (stagehand) Cameron Mackintosh đã từng bước tiến thân trong nghề và trở thành nhà sản xuất ca nhạc kịch nổi tiếng bậc nhất thế giới, với những vở để đời như Les Misérables, The Phantom of the Opera, Mary Poppins, Oliver!, Miss Saigon, Cats, v.v…

Tới thập niên 1990, Cameron Mackintosh đã được tờ Nữu Ước Thời Báo xưng tụng là “nhà sản xuất kịch nghệ thành công nhất, tạo ảnh hưởng mạnh nhất, và thế lực nhất thế giới”.

Năm 2008, tờ The Daily Telegraph của Anh xếp ông đứng hạng 7 trong danh sách những nhân vật có thế lực nhất trong lĩnh vực văn hóa tại Anh quốc. Trong danh sách Rich List of 2019 của tờ Sunday Times, tài sản của Cameron Mackintosh được ước đoán khoảng 1.28 tỷ bảng Anh (1.65 tỷ Mỹ kim).

 

* * *

Mùa hè năm 1980, tập thơ của T. S. Eliot do Andrew Lloyd Webber phổ nhạc được Cameron Mackintosh giới thiệu dưới hình thức một tập hợp ca khúc với tựa đề Practical Cats, trình diễn tại Sydmonton Festival – một sinh hoạt có mục đích giới thiệu những tác phẩm mới – kịch nghệ, điện ảnh, truyền hình – tới một thành phần khán giả chọn lọc (private audience) để thăm dò mức độ thành công…

Nhưng bên cạnh phản ứng thuận lợi của đa số, cũng có những người cho rằng “nội dung Practical Cats quá buồn thảm đối với nhi đồng” (nhắc lại: Old Possum’s Book of Practical Cats được T. S. Eliot viết cho các cháu của ông).

Chính nhận xét này đã khiến Andrew Lloyd Webber quyết định triển khai Practical Cats thành một vở ca kịch với quy mô lớn dành cho mọi thành phần khán giả.

Cameron Mackintosh liền mời hai tên tuổi hàng đầu của nền kịch nghệ Anh quốc cộng tác: đạo diễn Trevor Nunn và nhà biên đạo vũ (choreographer) Gillian Lynne.

(Sir) Trevor Nunn, sinh năm 1940, là đạo diễn sân khấu nổi tiếng của Anh quốc, Giám đốc Nghệ thuật của đoàn Royal Shakespeare Company; ông cũng đạo diễn cả opera và ca nhạc kịch hiện đại, trong số đó có Cats (1981) và Les Misérables (1985). Ngoài ra ông làm công việc đặt ca từ theo ý thơ nguyên tác cho một số ca khúc trong các vở ca nhạc kịch.

(Dame) Gillian Lynne (1926 – 2018) là một tên tuổi hàng đầu trong làng nghệ thuật Anh quốc; bà vừa là vũ công ballet, vũ công hiện đại, biên đạo vũ, diễn viên, và đạo diễn sân khấu, truyền hình. Trong vai trò biên đạo vũ, bà nổi tiếng với hai vở Cats và The Phantom of the Opera.

Tại Anh quốc, Cats được mở màn tại hí viện New London Theatre ở trung tâm kịch nghệ West End ngày 11/5/1981, và tại Hoa Kỳ, tại hí viện Winter Garden Theatre ở Broadway ngày 7/10/1982.

Cats đã đoạt cả hai giải thưởng kịch nghệ cao quý nhất ở hai bên bờ  Đại Tây Dương: giải Laurence Olivier của Anh quốc và giải Tony của Hoa Kỳ. Ngoài ra, Cats còn đoạt bảy giải âm nhạc Hoa Kỳ Grammy trong đó có giải album Nhạc kịch xuất sắc nhất.

Bên cạnh vô số giải thưởng và những lời ca tụng của các nhà phê bình, Cats còn đạt thành công rực rỡ (và bất ngờ) về tài chính. Viết là “bất ngờ” bởi khi Andrew Lloyd Webber bắt tay vào việc thực hiện vở Cats, ông đã không tìm được một nguồn đầu tư nào, vì ai cũng tỏ ra nghi ngại trước hình thức và nội dung mới lạ của vở ca kịch này. Vì thế Andrew Lloyd Webber đã phải đem cả sản nghiệp của mình ra để “đánh bạc”: Cats thất bại thì ông cũng trắng tay!

Nhưng, như thực tế cho thấy, Andrew Lloyd Webber đã… hốt bạc!

Tính tới năm 2012, số thu của vở Cats trên toàn thế giới đã lên tới 3.5 tỷ Mỹ kim!

Tại trung tâm kịch nghệ West End của Anh quốc, Cats tạo kỷ lục với 8,949 buổi diễn trong 21 năm liên tục, và tại thủ đô kịch nghệ Broadway của Hoa Kỳ, với 7,485 buổi diễn trong 18 năm, Cats chỉ đứng sau vở The Phantom of the Opera.

Tại các quốc gia khác ngoài Anh quốc và Hoa Kỳ, thành công đáng kể nhất là ở Đức quốc, nơi Cats được diễn trên 6,100 buổi tại hí viện Operettenhaus ở Hamburg. Nhưng độc đáo nhất phải là tại Nhật Bản, nơi Cats được diễn trong 15 năm liên tục tại một hí viện được xây dựng và thiết kế riêng cho vở ca nhạc kịch này, và hiện nay vẫn tiếp tục diễn (không liên tục hàng năm). Tính từ năm 1983, Cats đã được diễn trên 10,000 buổi tại hí viện này.

Theo các nhà phê bình, Cats được ghi nhận là vở đầu tiên của thể loại “đại ca nhạc kịch” (megamusical), nghĩa là với hình thức đại quy mô và nhắm vào khán giả trên toàn thế giới. Cats đã mở đường cho những “megamusical” kế tiếp như Les Misérables (1985), The Phantom of the Opera (1986) và Miss Saigon (1989).

Năm 1998, Cats đã được người Anh thực hiện thành phim và phát hành qua video. Gần đây nhất, năm 2018, Cats được hãng Universal Pictures thực hiện thành phim điện ảnh dưới một hình thức quy mô hơn, do Tom Hooper đạo diễn, với thành phần diễn viên hỗn hợp Anh – Mỹ tên tuổi: James Corden, Judi Dench, Jason Derulo, Idris  Elba, Jennifer Hudson, Ian McKellen, Taylor Swift, Rebel Wilson, Francesca Hayward…, sẽ được trình chiếu vào dịp lễ Giáng Sinh 2019.

 

* * *

Trở lại với Cats của năm 1981, vở này hoàn toàn không có đối thoại, gồm 24 ca khúc, nhạc khúc, vũ khúc (ballet và hiện đại), mà đỉnh cao là ca khúc Memory.

Giai điệu của Memory nguyên là một nhạc khúc trước đó được Andrew Lloyd Webber soạn cho một tác phẩm dự trù về Giacomo Puccini, nhưng về sau bỏ ý định.

[Giacomo Puccini (1858 – 1924) là nhà soạn nhạc kịch cổ điển (opera) của Ý thường được xưng tụng là “chỉ đứng sau Verdi”. Trong số tác phẩm nổi tiếng của ông có La bohème (1896), Tosca (1900), Madama Butterfly (1904), và Turandot (1924)]

Mặc dù không có chủ ý, giai điệu của nhạc khúc này đã mang nặng âm hưởng Puccini. Nhận ra điều này, trước khi quyết định đưa vào vở Cats, để tránh mang tiếng đạo nhạc, Andrew Lloyd Webber đã cẩn thận hỏi cha ông, một “chuyên gia” về  Puccini, xem nghe nó có giống một sáng tác nào đó của bậc thầy opera này không, cha ông trả lời:

“Nghe nó giống một triệu đô-la!” (It sounds like a million dollars!)

Sau đó, nhạc khúc này đã trở thành ca khúc bất hủ Memory, với lời hát của Trevor Nunn dựa trên ý thơ của T. S. Eliot, nói lên tâm sự của “nàng” mèo già hết thời Grizabella, hoài niệm một thưở huy hoàng nay chỉ còn trong trí tưởng…

 

Memory

 

Midnight
Not a sound from the pavement
Has the moon lost her memory
She is smiling alone
In the lamplight
The withered leaves collect at my feet
And the wind begins to moan

 

Memory
All alone in the moonlight
I can smile happy your days (I can dream of the old days)
Life was beautiful then
I remember the time I knew what happiness was
Let the memory live again
Every street lamp seems to beat
A fatalistic warning
Someone mutters and the street lamp gutters
And soon it will be morning

 

Daylight
I must wait for the sunrise
I must think of a new life
And I mustn’t give in
When the dawn comes
Tonight will be a memory too
And a new day will begin

Memory đã được nữ diễn viên ca kịch Elaine Paige, người đầu tiên thủ vai Grizabella, hát trên sân khấu West End, Luân-đôn, vào năm 1981.

VIDEO:

 CATS Memory Elaine Paige

Elaine Paige

 

Memory đã đoạt cả hai giải Ivor Novello Awards năm 1982 cho Nhạc và Ca từ (Ivor Novello Awards là tên gọi giải thưởng của BASCA: British Academy of Songwriters, Composers and Authors).

Memory cũng được nhiều nhà phê bình xưng tụng là “ca khúc hay nhất xưa nay trong một vở ca nhạc kịch”, và về sau trở nên phổ biến tới mức nhiều người thưởng ngoạn đã không hề biết tới nguồn gốc ca nhạc kịch của nó.

Cho tới nay, không kể những nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp, đã có trên 150 ca sĩ nổi tiếng thu đĩa Memory, trong số đó thành công nhất phải là phiên bản của Barbra Streisand, do đích thân Andrew Lloyd Webber thực hiện để đưa vào album “Memories” (1981) của cô.

Phụ lục 4: Memory, Barbra Streisand

VIDEO:

Streisand – Memory

Trong số những ban nhạc, ca sĩ hiện đại thu âm ca khúc Memory, chúng tôi xin giới thiệu một điển hình “hiện đại” nhất, đó là phiên bản của Epica, một ban “symphonic metal” nổi tiếng của Hòa-lan.

VIDEO:

 Epica – Memory (HD)

Về Memory lời Việt, từ nhiều năm qua chúng tôi đã được thưởng thức một phiên bản tựa đề “Kỷ niệm” qua tiếng hát Khánh Hà. Rất tiếc, dù đã bỏ công tìm hiểu qua nhiều nguồn tài liệu, tới nay chúng tôi cũng chưa biết ai là tác giả ca từ.

Gần đây, qua theo dõi báo chí Việt ngữ xuất bản tại Hoa Kỳ, chúng tôi được biết Bích Vân, một nữ ca sĩ opera gốc Việt, đã trình bày (live) Memory – Kỷ Niệm rất thành công trong các chương trình nhạc thính phòng, tuy nhiên không (hoặc chưa) được phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Phụ lục 5: Memory (Kỷ niệm), Khánh Hà

HOÀI NAM

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search