T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 170)

 

clip_image002

 

Ca trù

clip_image004

Hát ca trù hay nhà trò, hát ả đào, hát cô đầu, hát nhà tơ, theo văn bia, thư tịch cổ xuất hiện ở nước ta từ thời Lý. Năm Thuận Thiên thứ 16 (1025), vua Lý Thái Tổ đặt chức quản cho giới con hát. Tuy nhiên phải đến thời Hồng Đức (1470–1479), nghệ thuật hát ca trù mới chính thức được hoàn thiện về nhiều mặt từ tổ chức giáo phường, đến không gian trình diễn.

Theo đó, hát ca trù có năm không gian trình diễn chính: Ca trù cửa đình (hát ở cửa đình tế thần); ca trù cửa quyền (thưởng thức ca trù của các nhà quyền chức); ca trù tại gia; ca trù hát thi; hát ca quán. Những hát nói, hát ru, hát sẩm…cũng từ hát ca trù mà có.

(Nghệ thuật ca trù – Bùi Đẹp)

 

Giai thoại làng văn xóm chữ

Tối linh từ

Ông ích Khiêm, được cử giữ chức Tiễu phủ sứ, vâng lệnh cầm quân ra Bắc dẹp giặc Lý dương Tài, ở hồ Ba bể, khi trở về qua Hà thành cho lập một ngôi đền thờ những tướng sĩ trận vong. Ông sai người đến xin Yên Đổ mấy chữ để đề ngoài cổng đền, người này kể lể “quan Tiễu muốn làm đền cho lính tôi”, ra vẻ tự đắc mình cũng là hàng tướng tá. Yên Đổ cho ba chữ: Tối linh từ
Ông Tiễu cho là chữ quá ư tầm thường, có biết đâu Yên Đổ đã nói lái: “tối linh là lính tôi” cho bõ ghét cái anh tay sai hách xằng!

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Chơi chữ 1960)

Chữ nghĩa với ca dao dân gian

Đi đâu mà chẳng lấy chồng

Người ta lấy hết chổng mông mà gào

Gào rằng đất thấp trời cao

Sao không thí bỏ cho tao tấm chồng

Ông trời ngoảnh lại ông trông

“Mày hay kén chọn ông không cho mày”

 

Chữ lót

Chữ lót hoặc tên đệm thường được sử-dụng nhất là “văn” và “thị” phân biệt phái nam với phái nữ. “Văn” nghĩa là “người có học”, “nhà nho”. “Thị” có nghĩa là “đàn bà”. Có thuyết lịch sử cho rằng “thị” phát sinh ra gốc họ hàng (thị tộc), có ý ám chỉ nhờ người đàn bà mà tộc họ được tồn tại và kéo dài. Theo một số nhà ngữ học, “văn” và “thị” có nghĩa là “con trai của…”, “con gái của…” và là dấu vết ảnh hưởng văn hóa Mã Lai.

(Văn hóa người Việt qua tên họ – Nguyễn Vy Khanh)

 

Bút danh

Làm thơ, viết văn thì có bút danh, tùy ý lựa chọn nên rất đa dạng. Đơn giản nhất là dùng tên thật, để nguyên (Nguyễn Hiến Lê, Ngô Tất Tố …) hoặc bỏ bớt họ (Ngô) Xuân Diệu, (Cù) Huy Cận … , bỏ chữ lót: Đỗ (Đình) Tốn, Đoàn (Đức) Chuẩn …. Người thì chơi kiểu nói lái: Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ), Vương Đức Lệ (Lê Đức Vượng); người thì lấy tên thật, đảo thứ tự chữ cái (anagram) để thành bút danh: Khái Hưng (Trần KHÁNH GIƯ), Ưu Thức (Đặng THƯ CƯU), Ân Ngũ Tuyên (Nguyễn Tuân). Ưa bí hiểm thì dùng chữ viết tắt: T.T. KH, TCHYA, mặc cho thiên hạ đoán già đoán non để giải mã (TCHYA: Tôi Chưa Hề Yêu Ai? Tưởng Chừng Hết Yêu Anh? Tôi Chỉ Yêu Annie? Tố Chân! Hãy Yêu Anh!…). Muốn cho có vẻ “Tây” một chút thì chọn J. Leiba (Lê Văn Bái, kiểu đảo chữ cái), B. Blan (Bàng Bá Lân, viết tắt). Còn bút danh Hồ Dzếnh là do phát âm tên thật Hà (Triệu) Anh theo giọng Quảng Đông. Dạt dào tình cảm quê hương thì chọn Thông Ngự Bình, Sương Đà Lạt, Tràm Cà Mâu… Nôm na thì có Mõ Làng Văn, Thợ Rèn, Bút Tre, Trạng Đớp … Nhắc đến các học vị một thời là Tú Duyên, Tú Cận, Cử Tương, Đồ Phồn, Đồ Nam Tử, Học Phi…. Cũng Cử, cũng Tú nhưng muốn chơi chữ thì lấy Cử Tạ, Tú Xơn ( tiếng Pháp: Tout Seul )… Có khi độc đáo chỉ một chữ: Rừng, Chóe, Ớt… Mỗi người một vẻ, không kể hết được.

(Tản mạn về cái tên – Thân Trọng An)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Nghề nghiệp. Người miền Nam thường không định nghĩa chữ “nghiệp” trong nghề nghiệp như chữ “nghiệp” trong chức nghiệp. Mà định nghĩa chữ nghiệp trong nghề nghiệp như chữ nghiệp trong nghiệp chướng, nghiệp căn, nghiệp báo. Nghề đi liền với nghiệp. Anh làm nghề đồ tể thì anh tạo cái nghiệp ác. Anh làm nghề thuốc, nghề y thì anh gieo cái nghiệp thiện. Hành nghề y nhưng anh coi trọng đồng tiền hơn sanh mạng, sức khoẻ con người, thì anh tự tạo cái ác nghiệp cho mình sau nầy. Làm quan nhưng không thanh liêm, không công chánh, tham ô, bốc lột, hà hiếp dân, không làm đúng chức trách, không làm tròn chức nghiệp của mình, thì anh tự tạo cho mình cái nghiệp ác vậy. Tư tưởng đó có là do người miền Nam chuộng đạo lý, thờ trời phật, tin luật trả vay, luân hồi, “tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác”, “thiện ác đáo đầu chung hữu báo”.

(Tiếng nói miền Nạm văn hoá Lục tỉnh – Trịnh Quốc Thuận)

Những cái cũ & xưa nhất của Saigon

Tờ báo đầu tiên của Phụ nữ Việt Nam

clip_image006

Ngày 1/2/1918 tờ báo chuyên về Phụ nữ đầu tiên ra đời là tờ “Nữ Giới Chung” nhằm nâng cao trí thức, khuyến khích công nông thương, đề cao người Phụ nữ trong xã hội, chú trọng đến việc dạy đức hạnh, nữ công, phê phán những ràng buộc đối với Phụ nữ, đánh đổ mê tính dị đoan, động viên Phụ nữ quan tâm đến việc “Nữ quyền”. Muốn có vị trí ngang hàng với nam giới ngoài việc tề gia nôi trợ phải am hiểu “tình trong thế ngoài”. Chủ bút tờ báo là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, con gái nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, vốn có lòng yêu nước, yêu thương đồng bào như thân phụ nên khi làm báo Bà có ý muốn làm diễn đàn để tỉnh thức lòng yêu nước trong dân chúng. Tuy chỉ tồn tại được hơn 6 tháng nhưng “Nữ Giới Chung” cũng đã gióng lên một hồi chuông nữ quyền còn vang mãi đến ngày nay.

Phong Hóa và Ngày Nay

Phong Hóa và Ngày Nay là hai tuần báo xuất hiện ở Hà Nội từ năm 1932 tới 1940, dưới chế độ Bảo Hộ, thuộc Pháp. Thoạt đầu tuần báo Phong Hóa do ông Phạm Hữu Ninh làm chủ, đã ra 13 số báo không có độc giả, sắp sửa phải đình bản (Khái Hưng và Đông Sơn Nhất Linh, có viết và vẽ cho tờ báo này). Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã mua lại và làm chủ bút, vẫn giữ trên mặt báo Phạm Hữu Ninh, Nguyễn Xuân Mai. Ông cùng một nhóm anh em bạn hữu gồm có Khái Hưng Trần Khánh Giư, Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, Tứ Ly Nguyễn Tường Long, Thạch Lam Nguyễn Tường Lân, tạo thành một ban biên tập hoàn toàn mới.

Năm 1933, Phong Hóa có thêm Thế Lữ Nguyễn Đình Lễ, một nhà thơ, nhà văn mới. Tới giữa năm 1934, văn đoàn Tự Lực được thành lập với sáu thành viên: Nhất Linh, Tứ Ly, Thạch Lam, Khái Hưng, Tú Mỡ và Thế Lữ.

clip_image008

Sau này Tự Lực Văn Đoàn thêm thành viên thứ bảy: Xuân Diệu.

(Phạm Thảo Nguyên – Giới thiệu Phong Hóa-Ngày Nay)

Chơi chữ

Chơi chữ là các hiện tượng đồng âm, đa nghĩa,… trong ngôn ngữ nhằm gây một tác dụng bóng gió, châm biếm trong lời nói, trong đó ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cách,.. nhằm đem lại những liên tưởng bất ngờ, ly thú.
Như từ kinh điển cổ, một bức trướng mừng thọ nọ ghi bốn chữ: “tử tôn thằng thằng” (con đàn cháu đống, ý khen là người có phúc). Nhưng người được chúc thọ vốn là một kép hề trên sân khấu, và nguyên văn lời Hán có chứa “tử tôn thằng thằng” là “chung tư vũ, hoăng hoăng hề, nghi nhĩ tử tôn thằng thằng hề” (đại ý là: loài cào cào gắn bó nhau, con cháu đông đúc).

Lời ấy không lấy gì làm tử tế (khi chuyển từ chuyện một loài sâu bọ có hại mà lắm con sang chuyện người lắm tử tôn) đã đành, lại thêm chuyện cùng âm với “thằng hề” thuần Việt, mà không ai có quen biết với chủ nhân (người được chúc thọ) lại không biết.

Nhưng đấy là lời trong Kinh thi, và nó hoàn toàn không mang ý như bức trướng nọ đã xuyên tạc. Khi đặt lời Kinh thi kia ra khỏi bức trướng, thì bốn chữ “tử tôn thằng thằng” rất trọn nghĩa; có điều, dữ liệu văn học, văn hóa được mặc nhiên thừa nhận trong sinh hoạt văn hoc, văn hóa nghệ thuật, nên cái nghĩa trái ngược của lời Kinh thi ấy vẫn luôn xuất hiện sóng kèm (theo đúng ý đồ của người viết nên bức trướng). Ở đây, hiện tượng chơi chữ đã xảy ra.

(Chơi chữ là gì? – Triều Nguyễn)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search