T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Thằng Bắc kỳ Hà Nội ở thị xã Schwenningen

         

Mê Cung – Tranh: Thanh Châu

       Ở hãng dầu khí, tôi làm việc với nhóm “nghiên cứu sinh” sang đây tu nghiệp. Khi giải lao nói chuyện tầm phào, họ giữ một khoảng cách nào đấy vì lý do “nhậy cảm và tế nhị” nào đó. Họ có bài bản in hịt nhau ít thậtrất nhiều giả mà ông bạn cũ tôi tu hú rằng chỉ có bia mới hiểu bụng…mênh mông nhường nào, chỉ có bụng mới biết…bia đi về đâu.

Vì vậy tôi mang ông bạn bia bọt vào đây để có chuyện kể lể…

Chả là tôi đưa tiện nội qua Đức chơi, lạc tới thị xã Duchkholyz bên đường, đang muốn nếm “xúc-xích” thịt lợn của Đức lại dẫn xác vào tiệm…Việt. Quán sâu thun thút chỉ có vài bộ bàn ghế kê dọc theo một bên tường. Tường bên kia bày trên kệ một hàng chai không gồm bia 33, la de trái thơm và cái chõ. Vì dốt chuyện bếp núc, tôi hỏi tiện nội cái chõ ngòai nấu xôi còn để nấu gì nữa. (xem khúc kết)

Vừa lúc chủ nhà hàng bước ra, nghe hơi hám đồng hương, đồng khói mừng kể gì. Chủ quán giới thiệu quán có “bia của bổn tiệm” nấu bằng cái chõ kia ngon nhất thị xã Duchkholyz, nhì nước Đức. Nghe vậy, tôi bèn giới thiệu tên và họ Tàu tàu, Lưu Bị chẳng ra Lưu Bị, Tào Tháo chẳng ra Tào Tháo, tào lao thì có. Thế là ngay sau đó có mục nhận ra bạn cũ trường xưa. Ăn xong, tôi ới cậu tiếp viêncái nồi ngồi trên cái cốc, cậu ta quay ngoắt vào trong bếp. Bạn đồng môn cười nhín cho biết cậu là tuyển du học sinh. Vì cá mè một lứa cả nên tôi lây dây với bạn thật giả ở trên. Nghe thủng rồi, bạn cũ nhìn hàng “đồ cổ” trên tường và triết lý củ khoai thảng như chai bia sứt miệng kia, có người nhìn khiếm khuyết ấy như một vết sẹo nhớ đời. Như…tôi đây chẳng hạn, thưa ông.

Bạn thưa gửi rồi ậm ào chuyện của bạn qua “cái tôi” thế này…

“Tôi” là một người di tản buồn nẫu người vì đến đây để…ngụ cư, bởi số ruồi được tầu Đức vớt. Vì dân tộc này từng nổi tiếng với câu: Người Đức như viên gạch…nung. Ai chẳng biết giống dân vốn dĩ…khô sặc gạch. Ngôn ngữ cũng vậy, phụ âm nhiều hơn nguyên âm nghe ì ộp như ếch nhái kêu mưa. Năm đầu, thằng hàng xóm như viên gạch nung qua mời thằng “Vietnamesiche” chơi mục “Hanukkah” (ăn lễ Giáng Sinh). Tôi nghe hụt hơi mới vồ được chữ…essen. Bố khỉ, đời thưở nhà ai động từ chúng nhét tuốt luốt ở cuối câu nên tôi mới hiểu ra “essen” là…“ăn”, nói chung khó nhai lắm.

Nghe vậy tôi chép miệng: “Vô tư thôi”. Bạn hoắng lên vô tư thế quái nào được, bởi nơi chốn…tạm dung tên thị xã Schwenningen, tôi gọi là “Thị trấn bên đàng buồn hiu”. Vì đường phố chỉ có một ngã tư đèn xanh đèn đỏ đã tắt ngúm từ Đệ nhất thế chiến. Cái rạp ciné chẳng sáng sủa gì hơn, vì nó đã được…“phẹc mê bu tích” từ cuối Đệ nhị thế chiến. Và cây xăng chết tiệt phải khom lưng bơm bằng tay mệt nghỉ.

Thêm quán cà phê, dọc theo hành lang là dãy ghế ngựa gật gù (rocking chair), khách bóng xế chiều hôm không ngoài ông già bà cả. Hôm nào ông thấy có ghế không…gật gù nữa, là mới có một con chiên vừa được vui vẻ gọi về chầu nước Chúa. Bởi thế dân cư ở đây thưa thớt dần, tôi nhẩm chừng khỏang 2.000 người là hết đất. Vì thị xã tòan người già cả nên họ rước bốn đứa tôi về đây để gây giống…”Nhật nhĩ man” (giống dân thông minh, thuần Đức). Khổ nỗi ở chỗ tôi…gây giống lại không có bia bọt và sách Playboy. Muốn có bia, báo Playboy phải lái xe sang tỉnh bên cạnh khuân về.

Tôi biết thế nào ông cũng hỏi có gì vui chăng…

Chuyện ở xứ tôi buồn nhiều hơn vui, chuyện để cười được khí…hơi bị hiếm. Vì lũ chúng tôi như trạch bỏ giỏ cua, mắt trắng dã như phường mù dở với quần sắn móng lợn, kẻ lột da, người lóc xương, làm thợ mổ bụng, xẻ thịt cho cái lò…lợn gần nhà. Chiều về mệt lử cò bợ, ngủ vùi. Cuối tuần ngủ nướng cho béo mắt, nên ít khi gặp nhau. Ngắn gọn, buồn vui bất chợt cho đến ngày tôi gặp…hắn.

Ông nheo mắt hỏi: “Còn mục gì nữa chăng?”. Ấy là ông hỏi ấy nhá…

Nhá nhem ra khỏi nhà gặp ruộng vườn của thị xã Schwenningen hoang vắng, nỏ mắt bảy ngày không mò ra bò với trâu, chỉ thấy…máy cầy, xe ủi đất. Đi ba, bốn cây số có một làng Việt Nam tên là Ulm. Số là năm 1939, người Việt ta gia nhập lực lượng lính thợ theo lời kêu gọi của Bảo Đại: “Không phải đánh giặc, mà làm việc trong công binh xưởng”. Số con rệp, sau khi Pháp thất trận, họ lại tiếp tục làm việc trong các nhà máy hóa học, nhà máy làm đồ hộp ở miền nam nước Đức, gần biên giới Pháp. Chiến tranh chấm dứt, họ bị đưa qua hạt Villingen và họ đành ở lại lập gia đình với người Đức vì vậy mới có làng Ulm còn tồn tại cho đến ngày tôi qua đây.

Tôi muốn thưa với ông cái lò lợn nằm giữa ruộng nước, thủ lợn, móng lợn ối ra cả đấy. Cuối tuần tôi xách tới làng Ulm để bán buôn, để đàn đúm ăn uống. Nói chung có được món thịt nướng của cụ Neugen là ngậy mùi. Riêng món phở của hai bà vợ người Đức béo nục của cụ Nouyen thì lõng bõng nước. Ông cứ mặc tình tưởng tượng đó bánh canh gìò heo hay bún bò Huế cũng chẳng chết thằng Tây đen nào, thưa ông.

Ông hỏi cái gì như cái hộp trông to thế…À, ấy là chiếc máy ảnh Rolleiflex nhờ ba mớ ruột non, ruột già lò lợn vất đi, tôi gom lại mang về. Bắt chước tụi Đức hạt Braufels làm “xúc-xích”, tôi làm dồi tiết, dồi xả để bán cho dân làng Việt Nam nên tậu được chiếc máy Đức cổ lỗ xĩ, vật gia bảo của cụ đội Neugen.

Ngòai lợn, thêm mục vào một ngày, dòm khúc quanh con đường thị xã thấy xe bị ùn tắc, có ông bố hí hửng dẫn con xuống chỉ trỏ gì đó. Tôi mò ra lõ mắt dòm hóa ra…đàn vịt đang nhởn nhơ qua đường đi về bãi đất hoang có vũng nước to bằng…cái chiếu. Thế là lâu lâu tôi nhúm một con để chiêu hiền đãi sĩ vì tôi mót…bạn. Một thằng bạn đúng nghĩa. “Hắn” sắp xuất hiện để sơi tiết canh, tôi biết ông sẽ chịu đèn hắn như tôi.

Số là ngồi không đến dột người, tôi liên lạc với nhóm Cánh Én gửi báo để đọc…

Đọc rồi tôi mới hiểu đời sống cùng cực của nhóm người mà trong nước gọi là “hợp tác lao động”, tức nhân công xuất khẩu từ miền Bắc qua Nga Sô, Đông Âu. Họ là dân cửu vạn, từ sáng tinh mơ, họ nhét mấy tút thuốc lá quấn dưới ống quần, dầu thơm lẩn trong nịt vú đến tối mịt mới về nên ít khi gặp nhau. Họ chỉ gặp nhau cuối tuần, uống Wodka rôi lăn quay ra ngủ. Đàn bà con gái sống khó khăn hơn đàn ông, con trai nhiều, như chuyện họ viết trên báo: Đàn bà con gái trong cảnh sống “chật hẹp” đến độ cả năm lông nách không cạo. Đến ngày…mưa sa trên mầu cờ đỏ, không có băng vệ sinh, họ phải lấy giấy đi cầu nhét vào mồm lão…Fidel Catro. Vì sống ở Nga Sô không khá, sau họ trốn qua Ba Lan, Đông Đức. Họ len lỏi qua đường mòn, họ đi ban đêm vào mùa đông. Vì vây đã có người bỏ xác lại trong rừng vì đi lạc hay bị bão tuyết không phải là ít.

Một ngày cuối tuần đọc báo và tôi không tin ở mắt mình….

Tôi đọc mẩu chuyện cậu bé 12 tuổi theo gia đình tản cư một thời gian rồi hồi cư về Hà Nội sau năm 54. Nhà bị chiếm nên tạm trú ở căn nhà số 7A ngõ Phan Huy Chú. Ở đây, chiều chiều cậu nhìn qua bên kia vườn căn nhà số 7B. Cậu “phải lòng” cô hàng xóm đứng thẩn thơ dưới gốc cây. Chuyện chỉ có vậy, nhưng đọc xong tim tôi thắt lại, pha lẫn những bồi hồi. Vì ngẫu nhiên đến không tin được là…là…căn nhà số 7B chính là căn nhà ông cụ tôi để lại người chị cùng cha khác mẹ của tôi khi di cư vào Nam.

Tôi gửi thư cho nhóm Cánh Én. Một ngày tác giả bài viết Hà Nội có mặt trước cửa nhà tôi. Đập chát vào mắt tôi là chiếc Volkswagen, nếu như xe con bọ (beetle) chẳng có gì lạ, nhưng đây là “Volkswagen thùng” màu vàng tróc sơn và rỉ sét. Điều tôi ngạc nhiên hắn có dáng dấp của người Hà Nội trước 54 còn rơi rớt lại trong tôi. Vì vậy tôi có cảm tình với hắn ngay cái buổi đầu gặp gỡ ấy. Sau những hỏi han xa gần về căn nhà của tuổi ấu thời. Riêng chuyện bà chị tôi, hắn có vẻ trốn mây nấp gió thì phải. Rồi bữa rượu tẩy trần được bày ra với tiết canh vịt, và chẳng thể thiếu “va li” bia Kruerger. Làm như gặp kẻ đồng điệu, hắn cầm chai bia dốc ngược và tu cả chai ngon ơ. Xong, hắn vỗ vai tôi thân mật ra cái điều từ nhỏ tới lớn giờ mới gặp bạn bia bọt…như tôi.

Thế nhưng tôi chững người khi hắn khoe mẽ tốt nghiêp “Cấp I khoa văn Nga ngữ” nên tôi bỡn hắn…“cửu vạn” Nga qua đây để xổ…tiếng Đức sao. Hắn dông dài.

Để xuất ngọai du học lấy tiến sĩ tòan là con cháu bần cố nông, nên trong giảng phải có thông dịch viên của “chú sứ” (cách gọi của sinh viên với cán bộ sứ quán) đi kèm, vì vậy “thu họach” chẳng là bao nên đều đi tướt cả lũ, nhưng mỗi người đều được cấp một chứng chỉ “thông suốt giáo trình”. Về nước, với mảnh giấy lộn này, đương nhiên được bốc là…“phó tiến sĩ”. Sau mấy ông kễnh Nga Sô đòi tụi “ấy ái uông” phải có cơ sở văn hóa cao, nên con cháu tiểu tư sản mới chen chân vào được, trong đó có hắn.

Đồ chừng hắn là tiến sĩ, tôi chõ mồm hỏi về mấy ông…tiến sĩ hàng nội ở chốn Ba Đình. Hắn thật thà như đếm đại khái như: Chán lắm, lùn trí tuệ, thiếu nhân đức. Đức ít ân sủng nhiều, tài thấp mà địa vị cao, công nhỏ mà bổng lộc lớn là tam đại họa. Để rồi đi đến hiền tài…như hắn bỏ nước mà đi, cơ đồ đã đến hồi mạt vận vì bây giờ trộm cắp như rươi. Hắn hặm hụi chúa ghét lừa loc hay ăn cắp vặt, nhưng vì thế thời phải thế nên hắn phải buôn đầu chợ bán cuối sông ở chợ Đồng Xuân tại Đông Đức.

Càng lúc tôi càng gần gũi với hắn hơn, dẫu gì hắn cũng là nhà văn với sự hiểu biết rộng như trời biển. Nói xa chẳng qua nói gần, hắn là một…nhân tài, với địa linh nhân kiệt như Thăng Long nghìn năm văn vật nhân tài thời nào chẳng có. Nay tôi đã gặp. Chính hắn. Qua hắn, tôi gặp lại cái cốt cách lịch lãm và tinh tế. Tuy nhiên xin thưa với ông, cứt người thì thối, cứt đầu gối thì thơm, vì hắn có đôi lúc…háu ăn quá lắm, thiếu hẳn cái cái khách sáo của người Hà Thành trước kia. Trộm vía sau lưng hắn vậy, tuy nhiên hắn đúng là một kỳ nhân dị sĩ mà tôi ít gặp, đúng là duyên kỳ ngộ ít thấy, thưa ông.

Sau cuộc tình câm chẳng đâu vào đâu với cô hàng xóm hắn lấy vợ là con của một thứ trưởng thân Nga, nhờ ông bố vợ “nhất phe, nhì đảng”, hắn được cử sang làm “chú sứ” ở tòa sứ Đông Đức. Hắn gọ gạy, hắn tự biết là đồ tể, chơi với dao có ngày chết vì dao. Nghe đến đây, tôi dòm trộm hắn, vì như ông đã biết đấy: Lúc đó, tôi đang là…đồ tể. Bỗng dưng phải gió cắn răng gì đâu chả biết nữa, hắn…luận về mề vịt với tâm người khó rờ, mề vịt khó lột. Nói xong hắn gắp miếng mề vịt nhai ngon lành. Đang giang giang chuyện, hắn vắt qua thằng con hắn được…“trúng tuyển nghĩa vụ quân sự” hiện đang làm lính thú chém tre đắn gỗ trên ngàn, hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai. Buồn tình hắn chơi nguyên chai bia còn lại và vật ra…bất tỉnh luôn.

Sáng hôm sau hắn ra xe ôm vào một đống đồ nghề…

Giời ạ, hắn dậy tôi…“nấu” bia. Đồ nghề hắn có hai cái thùng nhôm chồng lên nhau như hai cái chõ hấp xôi mà hắn kêu là…cái gầu. “Gầu” trên gắn cái nõ ngắn cũn như cái khăng con dài cỡ gang tay. Bèn hỏi. Hắn cười toe ấy là cái “chọt gổ”, đun lửa để nước bốc hơi thành bia chảy…ra ngoài để uống, dễ hiểu vây thôi.

Vung gầu có ống thóat hơi như ống khói nhà máy lọc dầu mà ông đang làm việc trông rất hiện đại. Nhìn ống khói có cái “nắp”, hắn cho hay rượu khác bia. Vì bia cần không khí qua “ống khói” để cho bia có…”gaz”. Cái nắp mở ra đóng vào theo thời gian đủ cho CO2 vào để bia…”sủi bọt”. Tôi ngộ ra sao bia có gaz và bia bọt lại có…bọt lại…đắng nữa. Hắn đắng đãi: Lúa mạch ngâm nước đợi lên mầm thành mạch nha tạo…màu vàng cho bia. Để nấu bia cần hoa houblon. Khi sôi, bỏ hoa houblon khô tạo vịđắng cho bia.

Tôi hình dung nay mai với ”củi lửa” dám phất lên với bia ở đây lắm ạ. Giờ nghĩ lại, nhờ mở hàng ăn với “bia của bổn tiệm” tôi mới gặp ông ở Duchkholyz này đây. Tôi nói với hắn, cũng như tôi đã thưa với ông ở thị trấn tôi ở không có bia. Nghe thủng rồi, hắn tống táng cho tôi với giá…“hữu nghị” bộ nồi…“nấu” bia với giá cả không…“bèo” lắm. Tiếp đến, tôi dẫu mồm Tết tới này, mang theo mươi cái “gầu” nữa, tôi sẽ dẫn hắn đến làng Ulm, chém chết cũng quại được một mớ. Nhòm tôi vác chiếc Rolleiflex bấm chí chát cái gầu hiện đại để ít nữa mang tới làng Việt Nam để rao hàng, mặt hắn nở rộ như hoa houblon khô, thế là tôi chắc như cua đinh hắn sẽ trở lại.

Mới 23 ông Táo, hắn trở lại thật với cái xe thùng đầy gầu to gầu nhỏ…

Tôi hấm húi với hắn gặp lão tiên chỉ Neugen, cụ lý Nougen, hắn sẽ hốt bậm.       Ngày Tết ở làng Ulm, nhờ có “anh nhiêu”, “anh khóa” đi lính thợ cho Tây thời Đệ nhị thế chiến, nay cũng thành cụ như cụ Neugen, cụ Nougen. Vì vậy Tết nhất cũng có cây nêu treo…cái bánh tét, phướn là lá cờ Đức cắt đôi bay lất phất như cờ đuôi nheo. Tôi và hắn len lỏi trong cánh đàn ông lên khung với “com-lê”, “ca-vát”, cánh đàn bà Đức áo đầm hoa hòe hoa sói, rộng thùng thình phủ xuống tận chân như đầm hái nho. Tết ở làng Ulm có thêm người Việt tị nạn ở mấy tỉnh lân cận kéo tới đây sắm Tết nên hắn tống khứ được một mớ chõ, vì họ ngỡ chõ để hấp…bánh ú, bánh tét.

Trên chiếc Volkswagen thùng chỉ còn vỏn vẹn đúng…ba cái gầu.

Thời gian này, hắn tạm trú ở nhà tôi, hết bầu dục luộc tái hồng đào chấm muối chanh tiêu, đến dồi trường quệt với “Mostaza” đậm đà, bùi nình nịch. Tình nghĩa “mù-tạc” Đức Mostaza giữa hắn và tôi đậm đặc vàng khè thế đấy, thưa ông. Bởi họ nhà khoai không ngứa cũng lăn tăn, tôi…lăn tăn với hắn trên tỉnh Duchkholyz có nhà hàng “xúc-xích” thịt lợn của Đức, đi với bia Kronenbourg mả lắm. Cạnh nhà hàng lại có tiệm trưng bày chai lọ lạ lẫm lắm từ thời Đệ nhất thế chiến như bia Carlsberg trong hộp thiếc vuông, bia Heineken trong lọ sứ. Hoặc thời đệ nhất VNCH với bia 33, la de trái thơm.

Nghe bia trái thơm ắt…thơm râu, hắn gạ tôi đi “tham quan” nay mai…

Trong khi chờ đợi một ngày mai sắp đến, tôi tung tẩy với hắn, nhằm vào cái tuổi tập tành làm người nhớn, ở Sài Gòn tôi cũng một đồng hai điếu Ruby với…bia 33. Tôi tung hê với hắn bia đá, bia ôm, bia nào cũng vậy, làm sao em biết bia đá không say. Hốt nhiên hắn vun chuyện khi xưa hắn là…công nhân nấu bia cho nhà máy bia Hommel Hà Nội. Nhờ làm công nhân nấu bia nên hắn mới biết…nấu bia nồi, bia gầu. Nghe…huếch gì đâu nhưng tôi quên ngay vì cái máu sĩ phu Bắc Hà hươu vượn vốn thế. Lại nữa, bỗng dưng hắn vạy vọ cùng một lứa bên trời lận đận, gặp gỡ nhau lọ đã quen nhau, với…lọ với chai nên tôi cảm khái quá lắm, hơn nữa hắn hỏi tôi còn uống bia 33 chăng? Tôi bèn xưa cũ với trăm năm sông núi vẫn còn, nghìn năm bia rượu vẫn còn như xưa với… “cảm giác” kinh khoái du đời mình vào những cơn say ngậm ngùi như…say bia 33.

Trên đường lên tỉnh Duchkholyz, hắn nhắc nhớ chuyến này để hắn đi chợ vì mới đẩy mại được chục cái gầu. Tôi nhủ thầm, thằng này đúng là dân chơi cầu ba cẳng nên chơi được. Vào tiệm bia, cái thằng mắt bò hay sao ấy, theo kiểu Đức nó chơi nguyên “Một mét bia” Kronenbourg. Ông hỏi một mét bia là giống gì ấy hả? Ấy là khay bia gỗ dài một mét, hai hàng bia dựng đứng từ đầu này đến đầu kia, uống mêt nghỉ. Còn “xúc-xích”, hắn ăn bằng thích, no căng rốn rồi, hắn vào chuồng xí. Đợi mãi không thấy ra, nhà hàng tới tính tiền, tôi móc túi trả. Chả phải một tấc tận giời vì gặp người chơi với bạn hiểu biết như hắn là…nhất. Nhất hắn đấy, thưa ông. Ấy quên khoe với ông sau tôi sang lại cái nhà hàng này, vì lão chủ tiệm bỏ tỉnh Duchkholyz về thị trấn Schwenningen bên đàng buồn hiu của tôi, lão chui đầu vào viện dưỡng lão. Bởi thế ông dòm thấy cái ghế ở hàng hiên quán cà phê, cái “rocking chair” không…gật gù nữa là của….lão cựu chủ tiệm đấy.

Tối hôm ấy, hắn trong một cõi đi về hãy uống cho say trời sắp sáng, mai này hai đứa đã hai phương khiến tôi cứ nẫu người ra. Ngày về, hắn dặn dò tôi đẩy ba cái gầu còn lại cho ba ông tướng làng giềng láng tỏi của tôi, còn tiền cứ để đó khi nào hắn trở lại tính sau. Hắn ra cửa, tôi bịn rịn một hồi lâu vì có một thằng tin…tôi như hắn thời buổi này hiếm lắm, thưa ông. Lát sau ắn bước xuống, mặt mày như đĩa tiết canh sũng nước nói xe gần hết xăng và hỏi tôi “cấn” cho hắn ít tiền của ba cái gầu được chăng. Cái thằng rõ đỏang chả để tâm địa vào cái đồng hồ xăng. Nghĩ cũng tội cho hắn, như ông biết đấy cả thị xã chỉ có cột xăng chết tiệt phải khom lưng bơm bằng tay mệt nghỉ.

Hắn đi rồi, hòai cố nhân, tôi hồi nhớ lại câu nho táo của hắn tuế bất hàn vô dĩ tri tùng bách, sự bất nan vô dĩ tri bằng hữu, mà hắn diễn nghĩa là trong cơn họan nạn, mới biết thế nào là bạn. Hắn nhành mồm ra rằng câu ấy của hắn và kể lể hắn một thời là quan cách của “sứ”, được thể hắn nho chùm thêm với hắn bất thị quan trường, vi đạo tặc, bất tri tửu đạo, bất hiền nhân mà hắn luận là có thể không làm quan mà vẫn là kẻ cướp, nhưng nếu không hiểu đạo lý của rượu, thì không phải bậc hiền nhân. Hắn ngay đơ hắn là tửu đồ nên không có chuyện…vi đạo tặc vì hắn là…hiền nhân. Để rồi cái đầu đất tôi tối như đêm, dày như đất đưa đẩy người như hắn, trên đời dễ có mấy tay. Thầy tôi đấy ông ơi. Thoáng như ông lụi đụi: “Cũng tốt thôi”. Tôi không nghĩ như ông, hình như cuộc sống có những cơn bão lạc, để qua cơn bão, tìm nơi trú ẩn để tránh mưa. Hắn đang cần một mái hiên trong mưa bão sập sùi, mà tôi là…cái mái hiên của hắn, thưa ông.

Vì vậy hắn ghé tôi nữa, trong bữa tửu lạc vong bần, hắn trở lại chuyện hắn đang tìm cách mang thằng con qua đây, nhưng phải qua thủ tục…đầu tiên tức…“tiền đâu”. Sáng hôm sau, tôi đang tính đi chôm con vịt, hắn tới nói nhỏ hắn…mất cái ví. Vì rõ ràng để trong túi xách bây giờ không thấy đâu. Hắn tiếp là có mất cũng không sao, của đi thay người ấy thôi. Nghe lạ, ai lại của đau con xót mà vẫn tỉnh như ruồi vậy. Để hắn đứng đó, tôi vào phòng tìm khắp nơi, bò vào cả gầm giường vẫn không thấy gì thật. Đi ra, đang rối tinh, lại nghe hắn nói cho hắn lên tỉnh ngắm…mấy chai lọ kỳ cổ. Tôi chịu không hiểu nổi, ve lọ gì trong cái lúc đang ngùng ngoằng như thế, cuối cùng tôi cũng phải cõng hắn đi. Ngồi trên xe, tôi chẳng mấy vui, và cũng đã nghĩ đến chuyện phải bù đắp cho cái thằng bụng để ngòai da để đâu quên đó, vì dù sao tôi cũng là chủ nhà. Ông thấy tôi xử sự như vậy có phải nhẽ cái đạo nho gia của hắn chăng?

Đến tiệm đồ cổ của lão Đức già ở tỉnh Duchkholyz, hắn sờ mó mấy cái chai mốc meo không biết chán. Vì chai lọ ở đây thuộc dạng cổ lỗ như dàn bia của mình với bia 33, la de trái dứa. Ra về, hắn ngỏ ý muốn mượn chiếc Rolleiflex để chụp mấy thứ cổ lỗ ấy. Vì ít nữa trở lại chợ Đồng Xuân, hắn…“khuyến mãi” với khách hàng về…“bia ngoại” để lo cho thằng con. Đột dưng tôi ngu cũng ngu vừa phải thôi để…người khác ngu với chứ bằng cách rị mọ ra màn hắn…“bắt địa” tôi tiền cấn ba cái gầu vì …hết xăng. Tiếp, hắn làm nguyên cái dồi lợn rồi vào…cầu tiêu trốn…mất tiêu, trong khi túi hắn ních tiền bán gầu. Lại nữa, hắn ám quẻ tôi quá lắm, tôi hình dung đến một ngày chẳng mấy sáng sủa thằng ôn vật này ăn vạ ở nhà tôi cả tháng nữa thì…Thì về nhà, vừa khi tôi lôi trong ngăn kéo ra cái Rolleiflex, hắn lọ mọ tới, và cười bét là vừa tìm thấy…cái ví rồi. Mừng quá đỗi. Hỏi thấy ở đâu. Hắn nói ở trong…gầm giường. Tôi mài óc nghĩ không ra. Như đà thưa với ông, tôi đã bò như kiến bò gầm giường hai ba phùa rồi. Hay là nhà có ma.

Trở lại tỉnh, sau khi chụp hình mấy cái chai, giá cả xong rồi. Tôi dòm thấy ở góc tiệm, quay lưng lại phía tôi. Hắn móc ví sau lưng quần. Đầu quay vội đằng sau, dáng dấp không tự nhiên cho lắm. Diễn tả cho thật, mặt hắn không…thật chút nào. Chiều hôm ấy về nhà, tôi không dấu được nỗi ngán ngẩm của tôi với hắn. Sáng hôm sau muốn tống tiễn hắn cho khuất mắt. Rồi cái xe cũng khuất bóng ở khúc quanh đàn vịt hay đi qua nay chỉ còn…hai phần ba, ắt ít nữa sẽ không thiếu…một con.

Tôi thở phào như trút được gánh nặng và thầm nhủ: Cánh cửa đã đóng lại. Cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa kia mở ra. Với…“mở ra”, bỗng dưng tôi khựng lại, linh tính ào tới tôi đến thốn người. Bèn nhẩy bổ vào trong phòng…

Thôi rồi, chiếc máy ảnh không còn trong ngăn kéo nữa.

***

Ông biết không với chiếc máy hình chỉ là chuyện tái ông thất mã thôi, mất cái này được cái kia, được…cái gì ông biết đấy. Nói rồi, bạn nhìn…hai cái nồi chồng lên nhau và rề rà hỏi tôi thấy sao. Tôi định ăn ngay nói thật nào khác gì…cái nồi ngồi trên cái cốc. Vừa lúc cậu du học sinh mang cà phê ra nên nghĩ sao lại thôi.

Tiện nội ngồi không nãy giờ. Tôi nói chữa bằng vào hỏi cái chõ ngòai thổi xôi còn hấp…bánh ú được chăng? Tiện nội lườm tôi dài cả…thước bia Kronenbourg.

 

Thạch trúc gia trang

     Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Chú thích: Chuyện được hư cấu không ít thì nhiều vì thằng Bắc kỳ còn sống nhăn bên trời Âu hay…ở Hà Nội.

 

©T.Vấn 2019

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search