T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nói chuyện với nhà văn Lại Thanhhà, tác giả cuốn tiểu thuyết Butterfly Yellow/ Bướm Vàng

clip_image002

Nhà văn Lại Thanhhà

(Nguồn: Văn Việt)

Trịnh Y Thư

Trịnh Y Thư: Trong cuốn tiểu thuyết Butterfly Yellow/ Bướm Vàng, chị thuật một câu chuyện buồn bằng một ngôn ngữ có tính hài, chủ ý của chị ở đây là gì ? Nó có liên quan gì đến tính cách trái ngược đến buồn cười của hai nhân vật chính, Hằng và LeeRoy?

Lại Thanhhà: Xin cảm ơn anh đã hỏi một câu hỏi sâu sắc. Tôi luôn luôn tìm cách hòa nhập tính hài vào những câu chuyện buồn thảm về những con người Việt Nam tị nạn. Tính hài mở ra cánh cửa sau, một phương cách êm ái hơn để tiếp cận những cảnh huống thật sự bi thảm. Và cuốn tiểu thuyết Butterfly Yellow/ Bướm Vàng là một câu chuyện về sự hàn gắn và phục sinh, không hẳn chỉ là những điều khiếp hãi của chuyến vượt biên trên biển của Hằng. Tôi muốn cho người đọc thấy rằng, một cô gái vượt biên tị nạn vẫn có thể trải nghiệm những giây phút nhẹ nhàng, vui tươi, cũng như một anh chàng tập tễnh làm cao-bồi cũng có lúc suy tư, trầm lắng. Đôi bạn ấy xem có vẻ chẳng giống nhau tí nào nhưng lại biết đỡ đần nhau, điều đó nhắc nhở chúng ta rằng đời sống luôn luôn chuyển biến – niềm vui giữa cơn hỗn loạn, và bạo hành giữa một môi trường tưởng là an toàn.

Trịnh Y Thư: Cuốn tiểu thuyết này của chị chẳng những được giới phê bình văn học Mỹ hết lời ca ngợi, mà còn được độc giả Việt nhiệt tình đón nhận. Phản ứng của chị ra sao trước sự kiện hiếm hoi nhưng rất vui này?

Lại Thanhhà: Tôi rất vui. Tôi đã viết lách một mình và vô phương hướng suốt 20 năm trời, bởi thế, tôi đã vô cùng sung sướng khi cuối cùng có độc giả đọc sách của tôi. Tôi đã nhắm tới độc giả người Việt khi viết cuốn tiểu thuyết Butterfly Yellow/ Bướm Vàng, bởi vì tiếng Anh của Hằng được phiên âm thành tiếng Việt. Đó là cách tôi tự học phát âm tiếng Anh. Dĩ nhiên, chẳng ai hiểu tôi muốn nói gì. Tính hài cũng nằm ở đó đối với những ai hiểu tiếng Việt.

Trịnh Y Thư: Vâng, chính xác. Lúc đọc, tôi không giấu được nụ cười thích thú, nhất là những câu tiếng Anh của Hằng được phiên âm thành tiếng Việt…

Cuốn tiểu thuyết của chị không trực tiếp nhắc về cuộc chiến, nhưng nó nâng cao ý thức về những thảm cảnh hậu chiến, về những đau khổ và bất hạnh mà người dân Việt phải gánh chịu sau khi chiến tranh chấm dứt. Theo chị thì tiểu thuyết, như một hình thức nghệ thuật, có thể nói lên những điều này tốt hơn là một cuốn sách sử học, một cuốn hồi ký, hay những sách thể loại tương tự?

Lại Thanhhà: Tôi luôn luôn cảm thấy gắn bó với tiểu thuyết lịch sử nhiều hơn là loại sách sử học. Trong tư cách một người đọc, tôi muốn tìm tòi những điều sâu xa hơn một sự kiện lịch sử, tôi muốn sử dụng giác quan mình để ngửi, nhìn, sờ mó, nếm tất cả những gì các nhân vật trải nghiệm trực tiếp. Thí dụ, thời gian tôi làm phóng viên cho tờ Orange County Register, tôi từng gặp những người có cùng cảnh ngộ với Hằng. Nhưng báo chí không thể là một thể loại đúng đắn để thuật câu chuyện của cô Hằng bởi vì nó lột trần một khuôn mặt thật, một cái tên thật về một câu chuyện riêng tư cực kỳ thương tâm và đau đớn. Thêm nữa, báo chí (hay sách sử học) không cho phép tôi sống bên trong tâm trí cô gái, nó không giúp tôi làm thế nào cho độc giả thấy cô gái đã chiến đấu mãnh liệt với chính ký ức cô như thế nào. Để thể hiện điều mong ước, tôi phải sử dụng thể loại hư cấu. Và tôi đã mất 30 năm, cuối cùng cô gái hiện ra trên trang sách.

Trịnh Y Thư: Chị viết văn do những cảm xúc hay xung lực nội tại thúc đẩy hay vì chị muốn nói về thân phận con người mà chị chứng kiến, nói chung?

Lại Thanhhà: Tôi mở to đôi mắt nhìn vào tất cả những bi hài kịch trong thế giới này và ghi khắc chúng vào tâm khảm. Nhưng tôi làm gì với những quan sát, những cảm xúc nội tại đó? Tôi chuyển hóa chúng thành những câu chuyện với những nhân vật mà độc giả có thể cảm nhận dễ dàng.

Trịnh Y Thư: Được một nhà xuất bản lớn như nhà HarperCollins in sách, điều đó chẳng tầm thường tí nào, một ước mơ của không ít người. Chị có lời khuyên gì cho những nhà văn trẻ đang tìm nguồn hứng khởi cho sự nghiệp văn chương của mình không?

Lại Thanhhà: Hãy kiên nhẫn và tốt lành với ý tưởng và chữ nghĩa của bạn. Viết là ngồi một mình hàng giờ vật lộn với cái vô minh. Sách bạn sẽ được xuất bản? Bạn sẽ có độc giả? Bạn sẽ có tiền trả tiền thuê nhà? Tôi từng làm hầu bàn phục vụ trong tiệm ăn, từng ngồi đọc và sửa bản thảo ca đêm, từng đi gõ cửa từng nhà một để quyên tiền giúp bảo vệ môi trường.

Trong lúc viết văn, bạn hãy tìm cho mình một công việc gì mà nó không lấy đi hết của mình các tế bào óc và sức lực. Hãy sinh sống và sinh hoạt trong một cộng đồng mà trong đó bạn và các bằng hữu có cùng một đam mê hỗ trợ lẫn nhau. Hãy ghi tên theo học những lớp dạy viết văn để thử chữ nghĩa của bạn với đời. Và hãy đọc sách, đọc thật nhiều. Hãy chú ý đến những gì đã có ngoài kia và tìm hiểu làm thế nào bạn có thể đóng góp dấu ấn của bạn vào đấy. Tất cả những điều này đòi hỏi thời gian nhiều năm tháng đầu tư, nhưng cũng tốt thôi. Chẳng bao giờ nghe có kẻ sách được xuất bản ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Nhưng bạn cũng nên biết là sau khi cuốn tiểu thuyết được xuất bản, nhà văn sẽ phải bắt đầu lại từ đầu với một trang giấy trắng. Bạn cũng thế. Không ai bảo đảm được điều gì, nhưng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Tôi đang bắt rễ cho bạn đây.

Trịnh Y Thư: Xin cảm ơn chị nhà văn Lại Thanhhà.

Lại Thanhhà: Cảm ơn anh Trịnh Y Thư rất nhiều.

(TYT phỏng vấn bằng email, 4/11/2019.)

Điểm sách Butterfly Yellow/ Bướm Vàng Lại Thanh Hà

Trịnh Y Thư

clip_image002

Nhà văn Mỹ gốc Việt Lại Thanh Hà (Thanhhà Lại) – từng đoạt giải thưởng National Book và giải Newbery-Danh dự, thể loại Thiếu niên, với tác phẩm thơ xuôi Inside Out & Back Again/ Trong ra ngoài & Ngược trở lại – mới đây đã được nhà xuất bản HarperCollins xuất bản một cuốn tiểu thuyết mới nhan đề Butterfly Yellow/ Bướm Vàng (284 trang, giá bán $17.99) và đã được giới phê bình đánh giá là một tác phẩm tiểu thuyết xuất sắc. Phụ trang Văn Học của tờ nhật báo lớn nhất Hoa Kỳ, New York Times, có bài phê bình và đã gọi đây là một tác phẩm “đẹp nhức nhối.” (Searingly beautiful.)

Hiển nhiên, một tác phẩm tiểu thuyết lọt vào mắt xanh của NXB HarperCollins thì không phải tầm thường và đọc cuốn sách này, tôi đã bị cuốn hút từ đầu đến cuối. Cuốn hút bởi cốt truyện đã đành mà còn thú vị với văn phong độc đáo thấm đẫm tính hài, và chữ nghĩa phong phú, khác thường của tác giả.

Cuốn tiểu thuyết thuật chuyện một cô gái tên Hằng thất lạc đứa em trai nhỏ tuổi lúc chiến tranh Việt Nam đang đến hồi kết thúc, ai nấy giày xéo lên nhau để tìm đường thoát thân. Lại Thanhhà không miêu tả tỉ mỉ cuộc chạy thoát khỏi Sài Gòn khi miền Nam thất thủ vào tay quân đội cộng sản năm 1975, nhưng chúng ta hiểu ngầm đó là những giây phút cực kỳ hoang mang, hỗn loạn khi Hằng bị bỏ rơi trong khi cậu em thì được bốc lên phi cơ bay ra khỏi thành phố. Sáu năm sau cô một mình vượt biên sang Mỹ, bằng mọi giá và mọi cách tìm cho bằng được cậu em trai.

Với mảnh giấy duy nhất có trong tay lúc thất lạc, Hằng có địa chỉ cậu em và việc làm đầu tiên khi đặt chân đến nước Mỹ là thực hiện một cuộc phiêu lưu đi tìm chỗ ở em mình tại vùng “cán chảo” tiểu bang Texas nóng đổ lửa. Một cuộc phiêu lưu đúng nghĩa vì Hằng mới chân ướt chân ráo đến nơi, tiếng Anh ú ớ, phát âm ngọng nghịu chẳng ai hiểu, nhưng hình như được ông bà phù hộ, Hằng gặp LeeRoy, một anh chàng sống nơi tỉnh thành nhưng lại có ước mơ trở thành một anh cao-bồi Texas, và Hằng được anh chàng này tận tình giúp đỡ đi tìm em. Hằng và LeeRoy là một cặp bạn trái ngoe vì hai người chẳng có tí gì tương đồng, chưa kể hàng rào ngôn ngữ, nhưng sự thú vị khi đọc cuốn sách này là ở đó. Hai người, hai thế giới trái ngược, hai cá tính đối chọi đến buồn cười, nhưng do lòng tử tế và hiểu hoàn cảnh nhau, hai người đã giúp nhau tìm kiếm được điều mong ước.

Sự thật là khi mới gặp lại Linh (tên Mỹ là David), Hằng đã bị cậu em tránh mặt. Cậu lớn rồi, chẳng còn nhớ một câu tiếng Việt nào nữa, và đang sống êm ấm bên trong ngôi nhà người mẹ nuôi người Mỹ. Cậu chẳng hề muốn nhận Hằng làm chị mình. Cậu cũng chẳng nhớ gì về tuổi thơ ấu mình ở mảnh đất nhiễu nhương kia. Hằng chưng hửng khi nhìn ra thế, nhưng với lòng thương em vô tận, cô đã khắc phục tất cả những khó khăn, chướng ngại để đánh thức tiềm thức của cậu trai.

Suốt mùa hè, Hằng và LeeRoy vào làm công trong trang trại của ông Morgan để được gần David. Dưới cái nóng cháy da cháy thịt của miền đồng cỏ Texas, Hằng quên mình lao động quần quật suốt ngày nhưng đêm đêm vẫn thức khuya cố tìm ra cách gì đó để chinh phục lại cậu em. Nói tiếng Việt với cậu chưa đủ, cô còn dùng lời ca, thủ thỉ tâm tình, hình ảnh do chính tay cô vẽ vời… để trí óc cậu trai có lúc hồi nhớ lại quá khứ xa xăm.

Và cuối cùng Hằng thành công.

Trong một buổi đi chơi hội chợ đồng quê, Hằng, LeeRoy và David đều vui tươi, tinh thần phấn chấn. Đó cũng là lúc sắp xong công việc đồng áng trong trang trại ông Morgan. Đang vui chơi, bỗng có một con bướm vàng từ đâu bay đến đậu trên bàn tay David. Thấy vậy Hằng cất tiếng hát bài Kìa con bướm vàng bằng tiếng Việt. Hằng hát đi hát lại và David cuối cùng hát theo cô, cũng bằng tiếng Việt. Cuối cùng ký ức cậu trai như bung mở, cậu thấy Hằng chính là chị mình, chứ chẳng ai khác. Cậu sung sướng hát vang. Với LeeRoy thì đó là bài “Frère Jacques” quen thuộc từ thuở ấu thơ. Thế là cả ba người vừa đi vừa hát. Các em bé khác tuy chẳng biết lý do tại sao ba người này hát cái bài ấy, nhưng chẳng ai bảo ai, đồng thanh hát vang theo, đứa hát tiếng Anh, đứa tiếng Tây Ban Nha, và thậm chí cả tiếng Pháp.

Đó là đoạn văn sống động và cảm động nhất trong cuốn Butterfly Yellow của Lại Thanhhà. Đọc, chúng ta có thể hiểu chị như muốn gửi gắm người đọc một thông điệp: Tất cả con người chúng ta – người may mắn, kẻ bất hạnh, người thành đạt, kẻ khốn cùng, người kiên cường, kẻ yếu đuối, người cao sang, kẻ thấp hèn – phải chăng có lúc đều đồng ca bài ca hy vọng, tìm lại lòng can đảm, ca bài ca của cứu chuộc và ơn nghĩa để tìm thấy tận cùng trong lòng mỗi con người chúng ta là lòng yêu thương không thù hận. Một thông điệp hiền lành, nhỏ nhoi, thậm chí bình dị chẳng có chi ghê gớm, nhưng hình như chúng ta có xu hướng quên bẵng nó trong một kỷ nguyên hỗn loạn, đầy rẫy thù hận và thù ghét.

Cuốn tiểu thuyết có lẽ được viết nhắm vào giới trẻ nhiều hơn là người lớn trí thức. (Tuyệt đối không có những băn khoăn siêu hình trong tác phẩm.) Chủ đích của nó là “nâng tâm hồn lên,” và nếu quả vậy thì nó đã thành công vượt bực. Hằng là một cô gái bất hạnh, quá khứ cô, lớn lên trong một xã hội không có tương lai sau khi cộng sản cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam. Cuộc vượt biên kinh hoàng, đầy bất trắc đã để lại vết thương đớn đau chất ngất không biết bao giờ mới phai nhạt trong lòng cô. Nhưng cô không ngả chí mà luôn luôn lạc quan loay hoay xoay trở con tạo tìm cho mình lối thoát, đạt được ước nguyện, ước nguyện tìm được người mình thương yêu.

Lại Thanhhà đã chọn một văn phong dí dỏm cho cuốn tiểu thuyết của chị. Đây là điểm mạnh đáng lưu ý của tác phẩm: Dùng tính hài để thuật một câu chuyện buồn. Về điểm này chính tác giả đã thố lộ như sau:

Tôi luôn luôn tìm cách hòa nhập tính hài vào những câu chuyện buồn thảm về những con người Việt Nam tị nạn. Tính hài mở ra cánh cửa sau, một phương cách êm ái hơn để tiếp cận những cảnh huống thật sự bi thảm.”

Đoạn kết, Hằng chia tay LeeRoy, nhưng đấy là cuộc chia tay trong niềm vui, có hậu. Gấp cuốn sách, tôi muốn nghĩ biết đâu Hằng sẽ gặp lại LeeRoy và biết đâu sẽ nảy nở một mối tình, một mối tình đẹp trong sáng giữa hai con người tốt lành, tuy suốt ngày ngủng ngoẳng nhau nhưng thật ra trong lòng yêu thương nhau rất mực, và đó chính là chất keo gắn chặt những quan hệ tình người.

Tôi thích những cuốn sách có hậu như thế. Nó khiến tôi cảm nhận được một điều, cuộc sống này tuy bất trắc nhưng vẫn là đáng sống.

Trả lời câu hỏi về sự nghiệp khởi đầu viết sách thiếu niên của mình, Thanhhà cho biết:

Tôi tốt nghiệp Cử Nhân Báo Chí từ trường đại học University of Texas ở Austin. Tôi cũng đã dọn về phía Tây và làm việc cho tờ Orange County Register từ năm 1988 đến 1990. Sau đó, tôi ngứa tay thèm viết tiểu thuyết nên tôi dời về lại miền Đông đến Boston, và sau đó dọn về New York City, nơi tôi tốt nghiệp cao học MFA chuyên về Văn Chương Sáng Tạo từ Đại Học New York University. Tôi bỏ ra 15 năm để viết truyện cho người lớn mà chẳng đi đến đâu. Bỗng một ngày tôi ôn lại các hình ảnh những ngày cuối ở Sài Gòn, và những hình ảnh này chuyển biến trở thành hình thể thực thụ của chúng, thành một thể thức thật đẹp mà người ta gọi là thơ. Tôi không phải là một nhà thơ, nhưng tôi biết rằng văn bản chặt chẽ, hình ảnh nhanh gọn có sức phát nổ thành những nguyên liệu, cảm xúc thật sự là cách duy nhất để có thể bước vào tâm trí một bé gái 10 tuổi có suy nghĩ bằng tiếng Việt, không suy nghĩ bằng tiếng Anh.”

TYT

Đảo Hoang

Thanhhà Lại

(Trích đoạn tiểu thuyết Butterfly Yellow/ Bướm Vàng)

Lá phổi của tôi nhận ra không khí. Một cái bình đựng dầu rỗng nhưng có nắp đậy trôi bập bềnh bên cạnh. Chụp lấy nó, trồi lặn, những làn sóng có tác dụng như bàn đạp. Xa xa, những chiếc bóng lần lượt nhảy xuống biển trong khi chiếc tàu đánh cá của chúng tôi đang hừng hực bốc cháy. Tiếng cười của bọn hải tặc rộ lên giữa tiếng máy tàu rồ mạnh cùng tiếng la ó hỗn loạn t những cô gái bị bắt đi. Một cái bóng tóc dài nhảy vọt xuống biển. Tôi đếm thấy tám cái đầu bập bềnh trên mặt đại dương.

Bàn chân tôi cảm nhận được cát. Rắn chắc, sần sùi, nhột. Cảm giác vui mừng đặt chân lảo đảo vào đất liền, rồi bò xuống, và cuối cùng nhấc toàn thân ra khỏi biển. Toàn bộ trọng lượng đặt lên hai lòng bàn tay, hai đầu gối. Tôi trườn vào bờ và bắt đầu ói.

Những tấm thân nát bấy khác bò vào đất liền. Những sinh thể màu nâu rần rần chạy về phía chúng tôi. Tôi cuộn mình lại như một con bọ, đưa hai tay che lấy đầu.

“Không sao, không ai làm gì cháu đâu.” Một giọng nói nữ, giọng miền nam, thốt ra có vẻ nhân từ, lặp lại: “Đừng sợ, không ai làm gì cháu đâu.”

Vẫn trong tư thế cuộn tròn, tôi hé mắt nhìn. Người đàn bà, từ đầu tới chân phủ ngập bùn, ngay cả trên mí mắt, kéo tay tôi dậy. Ngay từ đầu tôi đã biết bà là người Việt trước cả khi bà cất tiếng nói. Vầng trán cao, cặp mắt màu hạt dẻ, gò má sắc nét, đôi môi đầy đặn. Hai cánh tay sắt và bàn tay cứng như đá của bà làm tôi ngạc nhiên. Hẳn bà đã quen làm việc nặng nhọc, quen với xung đột.

Khác hẳn với Mẹ, người chuyên đọc thơ và chú ý chăm sóc sắc đẹp và dựa vào Bố khi cần đến sức mạnh. Bà cào mặt hải tặc bằng móng tay của mình, cổ bà bị cứa vì tôi.

Người đàn bà và một người cũng phủ đầy bùn giúp bà kéo tôi vào bóng mát. Như một phép lạ, một trái dừa non có đục hai lỗ thủng hiện ra trong không trung. Nước dừa tươi ngọt với hương vị béo ngậy. Tôi đã quên mất sự tồn tại của thứ cảm giác sung sướng này. Đường thay thế muối, cho đến khi mọi vị giác thăng hoa. Tôi nhắm chặt mắt.

Tôi tỉnh dậy với đôi tay và toàn thân chìm ngập trong vũng bùn mát rượi. Trời đã chạng vạng tối, thời điểm đàn muỗi, con nào con nấy to như ruồi, bắt đầu cuộc săn lùng kiếm ăn. Chúng vo ve giận dữ, đi tìm mâm cỗ, nhưng bàn tay đã nhanh chóng cung cấp áo giáp bảo vệ sau khi tôi đã uống đủ chất ngọt.

Tám người sống sót kia, cũng phủ ngập trong bùn, bắt đầu ơi ới gọi tìm người thân. Một người đàn ông phủi từng khuôn mặt bùn, hốt hoảng tìm vợ và hai đứa con. Ông ta nhảy trở lại xuống biển, ngụp lặn tìm kiếm giữa những đám bùn xoáy tròn. Đã không có ai đủ nhanh hay đủ mạnh để ngăn ông ta lại. Một người mẹ tru tréo gọi con. Một thằng bé hướng ra biển tìm cha. Đứa con gái tóc dài sát bên cạnh tôi tỉ tê khóc bà ngoại. Thuyền trưởng tàu đánh cá của chúng tôi kêu than, “Xin mọi người tha thứ cho tôi.” Ông ta biến mất vào rừng xanh.

Những khuôn mặt ẩm ướt đầy bùn đọc tên những người đã trôi vào lòng đại dương, hay tệ hơn nữa, những người đã lọt vào tay hải tặc. Có tới năm mươi bảy người trên một chiếc thuyền nhỏ lẽ ra chỉ chứa mười người. Đêm kéo dài chậm chạp. Tôi đọc tên Mẹ, Đỗ thị Mỹ Thu. Khi tôi vừa cất tiếng, những tiếng thì thầm nhận ra tôi là con gái. Cũng có thể mọi người trên tàu đã biết điều này từ trước nhưng không muốn đụng tới ảo tưởng an toàn qua sự giả dạng của chúng tôi.

Mùi khói thơm bốc lên và bụng tôi cồn cào đói. Trên một tấm lá chuối là một con cá nướng cỡ lòng bàn tay được đưa cho tôi. Tôi được dặn phải nhai chậm rãi, từng chút từng chút một, nghe ngóng xem dạ dày của mình liệu có chịu nổi những miếng cá bóng bảy, vảy giòn, tròng mắt dai, và cái đuôi cá xòe ra như bông pháo. Tôi cảm thấy mình may mắn khi được thêm một trái dừa, được nằm xuống trên chiếc chiếu cọ.

Dạ dày của tôi từ chối từng miếng cá, từng giọt nước ngọt, cùng lúc thải ra bất kỳ dấu tích đại dương nào. Không nản lòng, nhiều bàn tay bùn tiếp tục trao cho tôi thêm cá nướng, thêm những trái dừa. Và lần này tôi đi ngủ với cái bụng bình thản hơn.

Cái bụng đánh trống và cái lưỡi không ngừng liếm mép của Hằng khiến cho Ly-Roi bật dậy và kéo Hằng đứng lên, hắn liệt ra đủ loại món ăn mà lẽ ra họ có thể ăn vào lúc này.

“Du gô.” Hằng nói hắn đi đi, mà trong lòng không thực sự muốn hắn đi. Hơi ấm bên trong vòng tay của hắn, nhịp thở của hắn, đã trở nên cần thiết thân thuộc như làn da của chính mình.

Hằng đẩy hắn ngồi xuống trở lại. Hắn càu nhàu và thở dài. Có nhằm nhò gì đâu những điều hắn nói. Chỉ cần hắn ở lại và tiếp tục nói.

Sáng hôm sau tôi tỉnh dậy với những tiếng thét hải tặc, hải tặc. Những ngón tay chỉ trỏ, những âm thanh hốt hoảng trong lúc chúng tôi chạy về phía ngọn đồi và tự hỏi tại sao lại có hải tặc ám hại chúng tôi trên đất liền. Đàn bà và con gái được nhét vào những khe đá. Tôi trốn cùng với một đứa con gái đã nhảy xuống biển từ chiếc tàu hải tặc. Bà của nó đã trông chừng Mẹ và tôi. Những bức tường đá, nhầy nhụa và ẩm ướt, tanh nồng mùi cua thối rữa. Ở phía đối diện lối vào cuối đường hầm, những đợt sóng dữ dằn gầm rú, mở đường trở lại biển.

Ai đó ném vào hang hai cây sậy dài, rỗng, cùng với hướng dẫn hãy nhảy thoát thân nếu bị phát hiện. Cố gắng ở bên dưới và thở và trôi cho đến khi được cứu bởi những cây gậy chọc trên mặt nước. Đừng để bọn hải tặc nhìn thấy. Cảnh báo cuối cùng được lặp đi lặp lại cho đến khi nó khoanh tròn chúng tôi như những con trăn.

Nằm xuống, Hằng cố gắng đè xuống những ký ức như căn nhà sừng sững trong lồng ngực. Tay thắt chặt nút áo, Hằng thở từng hơi thở đều đặn, tập trung nghĩ đến một điều gì đó vui hơn.

Liệu Hằng sẽ khao khát điều gì nếu cuộc đời đã ban cho mình một quá khứ êm dịu, ngọt ngào? Điều gì sẽ xảy ra nếu sáu năm qua chỉ là đơn thuần là một sự tiếp nối của gia đình, trường học, bạn bè, vẽ vời và học hành? Điều gì còn lại để khao khát?

Trống rỗng. Hằng cố gắng tưởng tượng đến điều gì đó đơn giản hơn, một tô cháo ngào ngạt mùi xương hầm và hành lá. Rồi ngủ.

Ngay khi Hằng vừa nhắm mắt, lời ru đều đặn của LeeRoy ngừng lại. Cô ngồi bật trở dậy trong lúc Ly-Roi cựa quậy tới lui. Kéo tay hắn một lần nữa, mắt cô mở to cầu xin anh tiếp tục nói.

Và cô không quên cộng thêm vào đó nụ cười.

Bài Mới Nhất
Search