T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Từ tháng 4 của một thanh niên Cuba đến tháng 4 của tuổi trẻ Việt nam

1.

10 năm trước, tháng 4 năm 2000, câu chuyện cậu bé người Cuba vượt biển đến nước Mỹ cùng với mẹ, sau đó bị sở Di Trú Hoa Kỳ trả về Cuba, đã là câu chuyện được cả nước Mỹ và thế giới chú ý đến, nhất là công đồng tỵ nạn người Cuba. Tháng 11 năm 1999, Elian Gonzalez (lúc ấy mới 6 tuổi) cùng với mẹ vượt thóat Cuba của Fidel Castro bằng đường biển để hy vọng tìm cuộc sống tự do ở nước Mỹ, nơi cậu cũng có một vài thân nhân sinh sống. Chẳng may, sóng biển đã vùi dập thân xác người mẹ. Riêng cậu bé sống sót, được thân nhân định cư ở Miami đem về nuôi dưỡng.

Câu chuyện tương tự với rất nhiều những câu chuyện vượt biển của người tị nạn Việt Nam. Nhưng sự khác biệt khiến cả thế giới chú ý đến là câu chuyện của cậu bé vượt biển người Cuba không dừng lại ở chỗ cậu đã đặt chân được đến bến bờ của Tự Do.

Người cha của cậu bé, vẫn còn ở Cuba, được sự “giúp đỡ” của chính quyền Fidel Castro, đã cương quyết yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ trả Elian về lại Cuba với lý do mẹ của cậu đã tự ý dẫn cậu vượt biên mà không có sự chấp thuận của mình. Phía thân nhân gồm những ông chú (Great Uncles) của cậu, với sự hỗ trợ của cộng đồng người tị nạn Cuba ở Mỹ, tìm mọi cách để giữ cậu ở lại. Sau 5 tháng của những tranh cãi nóng bỏng lôi kéo nhiều giới họat động của công luận Hoa Kỳ, ngày 22 tháng 4 năm 2000, Thứ bảy trước lễ Phục Sinh, chính phủ Clinton đã quyết định trả Elian về cho cha cậu ở Cuba. Những hình ảnh của các viên chức FBI với súng ống đầy đủ đến tận căn nhà số 2319 NW 2nd Street ở Little Havana, Miami để giải giao cậu bé ra phi trường trực chỉ Cuba đã được truyền hình trực tiếp đi khắp thế giới. Chính phủ Fidel Castro coi đây là một chiến thắng vĩ đại của mình. Cộng đồng người Cuba sau đó đã bầy tỏ sự bất mãn của mình với quyết định của chính phủ Clinton bằng lá phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm 2000. Al Gore, người của đảng Dân Chủ, đã mất chức Tổng Thống trước Bush chỉ với 537 phiếu (1).

10 năm sau. Ngày 4 tháng 4 năm 2010, cũng dịp lễ Phục Sinh, chính phủ Cuba, một lần nữa trình với thế giới một thủ thuật tuyên truyền quen thuộc của những người cộng sản: Cậu bé Elian Gonzalez, bây giờ đã là một thanh niên 16 tuổi, đòan viên đòan thanh niên cộng sản Cuba. Hình ảnh cậu được báo chí Cuba gởi đi khắp nơi trong bộ đồng phục rất giống với quân phục, cũng cầu vai đỏ, cũng huy hiệu đòan trên tay áo, tóc hớt cao và hàng tít lớn đầy tính tuyên truyền:”Elian Gonzalez bảo vệ cách mạng tại đại hội thanh niên “.

Hình cậu bé Elian bị FBI bắt dẫn ra phi truờng ngày 22 tháng 4 năm 2000/Elian trong bộ đồng phục thanh niên cộng sản ngày 4 tháng 4 năm 2010.

Một nước Cuba nghèo đói, chậm tiến, phải đi xin ăn khắp thế giới, với ước mong lớn nhất là được chính phủ Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận kéo dài gần 50 năm nay, vẫn cứ tiếp tục bị nhóm cầm quyền cha truyền con nối (Fidel Castro do bệnh tật đã nhường quyền lãnh đạo đất nước lại cho người em ruột của mình, cũng ở độ tuổi gần đất xa trời, là Raul Castro Ruz), nhận chìm trong bóng tối của chủ nghĩa cộng sản lỗi thời.

Hình ảnh của Elian trong bộ đồng phục đòan viên thanh niên cộng sản, được những người trẻ phương Tây nhìn đó như là một biểu hiện của tâm thức rất quen thuộc của những người cầm quyền các nước Cộng sản hiện nay (Cuba, Việt Nam, Bắc hàn và Trung quốc): Cà cuống chết đến đít còn cay.

Hơn ai hết, những người cộng sản đã nhìn thấy sự tuyệt vọng của những nỗ lực cộng sản. Nhưng quyền lợi, danh vọng cá nhân và lòng tự ái bệnh họan, đã ngăn chặn họ thú nhận sự thực ấy. Với họ, những thứ ấy lớn hơn sự sống còn của đất nước, lớn hơn phúc lợi của quần chúng nhân dân.

Giả sử như, Elian không bị trục xuất về Cuba 10 năm trước, và được sinh sống ở nước Mỹ, có lẽ đến nay cậu đang sẵn sàng để chuẩn bị con đường vào đại học thênh thang, như hàng triệu những thanh niên tị nạn khác cùng lứa tuổi, đến từ Cuba, đến từ Việt Nam, đang được thụ hưởng. Họ không phải bị ép buộc gia nhập những đòan thể thanh niên (như đoàn thanh niên cộng sản), thực chất chỉ là làm tay chân cho chính quyền, không phải bị nhồi nhét những tư tưởng ngọai lai, bảo vệ một cuộc cách mạng mà trong đó, cuộc sống của gia đình họ và tương lai của chính họ không hề được coi trọng. Cuộc cách mạng ấy chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi cho một thiểu số ăn trên ngồi trốc, bất kể sự nghèo đói của quần chúng nhân dân.

10 năm trước, Elian không có sự lựa chọn giữa một bên là nước Mỹ tự do và một bên là quê hương nghèo khổ. 10 năm sau, cậu cũng không có tự do lựa chọn cho những gì cậu đang làm. Những phóng viên nước ngòai, dù đã dùng đủ mọi phương cách, cũng không một ai được đến gần Elian để trò chuyện, chứ đừng nói đến phỏng vấn. Chính quyền Cuba sợ rằng, Elian sẽ nói lên trung thực những gì cậu nghĩ, và như thế có nghĩa là sự phá sản của guồng máy tuyên truyền của họ. Những người cộng sản, dù là ở Âu, hay Á, đều xây dựng sự nghiệp của mình trên nền tảng sự lừa dối. Vì thế , những quyền tự do mà con người ở những nước không cộng sản đang tận hưởng, không thể nào chấp nhận được trong những nước cộng sản. Khi họ chấp nhận những quyền tự do cơ bản ấy của con người, chính là lúc họ cầm súng tự bắn vào đầu mình.

2.

Sử gia Mỹ Stanley Karnow, tác giả nhiều quyển sách viết về chiến tranh Việt Nam, trong một dịp hiếm hoi gặp gỡ nhà báo Phạm Xuân Ẩn (cựu thiếu tướng tình báo của Cộng sản Bắc Việt) tại Sài Gòn năm 1990, có hỏi ông Ẩn về quyết định đưa vợ con của ông này trở lại Việt Nam sau khi họ đã được chính phủ Hoa Kỳ di tản thành công qua Mỹ tháng 4, 1975, ông Ẩn buồn rầu trả lời:”Đó là hành động ngu ngốc nhất mà tôi đã phạm phải !”.(2)

Ông Phạm Xuấn Ẩn đã qua đời trong sự thất vọng của chính bản thân mình.

Tháng 4 của cậu thanh niên Elian Gonzalez cũng là tháng 4 của nhiều người trẻ Việt Nam. Cuộc chiến Việt Nam với kết thúc thật bất ngờ tháng 4 năm 1975 đã là một cơ hội lịch sử mà không phải giai đọan lịch sử nào của đất nước cũng có thể tạo ra những cơ hội ấy.

Với cậu thanh niên người Cuba Elian Gonzalez, đó là một cơ hội bị đánh mất, chưa kể nỗi chua chát mình bị đem ra làm con rối lịch sử. Với những đứa con của ông Phạm Xuân Ẩn, đó là thứ định mệnh mà họ không thể thay đổi, có nguồn gốc từ chính lòng yêu nước của người cha tài hoa nhưng lại là nạn nhân của một sự phản bội có hệ thống đáng nguyền rủa.

Nhưng với những người trẻ Việt Nam khác, tháng 4 năm 1975 là một cơ hội để họ vượt ra ngòai đất nước, để được đứng ở một vị trí nhìn rõ đất nước hơn. Cùng với lớp người may mắn theo cha mẹ vượt thóat từ tháng 4 năm 1975, nhiều lớp người trẻ vượt biên sau này hay chính thức rời khỏi đất nước , hoặc những người trẻ sinh ra ở ngòai đất nước, đã hình thành một thế hệ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử đất nước 4,000 năm.

35 năm sau ngày chiến tranh chấm dứt, không như những thế hệ cha anh dính líu trực tiếp đến cuộc chiến dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến, họ đã – ít nhất về mặt lịch sử – ở bên ngòai những hệ lụy của cuộc chiến. Vì thế, cái nhìn của họ về đất nước từ vị trí kẻ ở ngòai tổ quốc, dễ dàng được những người cùng trang lứa trong nước chấp nhận hơn.

Với sự mỉm cười của số phận, họ nhìn về những ngày tháng 4 của 35 năm trước như là một cơ hội để chứng minh tính bất lực của những đối đầu ý thức hệ. Lịch sử là lịch sử của những tiến hóa mang đến sự tốt đẹp hơn trong đời sống tinh thần lẫn vật chất của nhân lọai, chứ không phải sự ưu thắng của bất cứ ý thức hệ nào, dù chúng nhân danh sự thịnh vượng của dân tộc. 35 năm qua , dân tộc Việt Nam đã quá khốn khổ vì thứ ý thức hệ không tưởng cộng sản, cho nên mọi nỗ lực phải nhằm lọai trừ ý thức hệ ấy. Những người trẻ may mắn sống ngòai đất nước, đã từng được hưởng những quyền tự do căn bản nhất, sẽ không bao giờ từ bỏ chúng. Những người trẻ sống trong nước, qua những giao lưu cùng thế giới, đã mong bao cơ hội để được cùng hưởng thứ không khí trong lành ấy, chắc chắn sẽ không cam chịu như những thế hệ trước đã cam chịu. Bất kể những dị biệt có nguồn gốc từ những thế hệ cha anh, lớp người trẻ trong và ngòai nước đang có nhiều mẫu số chung trong những ưu tư về tương lai của đất nước. Và khi nhìn về dấu mốc lịch sử 30 tháng 4 năm 75, họ chỉ quan tâm đến những gốc rễ của các vấn nạn hiện tại của đất nước, hơn là tình cảm yêu ghét hay sự buồn vui bên thắng bên thua. Tuy tình cảm yêu ghét, niềm vui hay nỗi buồn của ngày 30 tháng 4 đều có những nguyên nhân chính đáng của riêng chúng để tiếp tục tồn tại, nhưng chúng không góp được phần tích cực trong việc thay đổi diện mạo đất nước, liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân, nên có lẽ, một thái độ công bằng là hãy để chúng qua một bên (3).

3.

Người cha của chàng thanh niên Cuba Elian Gonzalez, cho đến nay, vẫn sống và nuôi gia đình bằng nghề hầu bàn (waiter) tại một nhà hàng đông khách. Nhưng, với chiến thắng “đem Elian về với tổ quốc Cuba“, ông ta được Fidel Castro cất nhắc, cho “ra ứng cử và đắc cử” vào quốc hội Cuba năm 2003. Sẽ đến lúc, như ông Phạm Xuấn Ẩn ở Việt Nam, ông bố Cuba Gonzalez này sẽ phải thú nhận rằng mình đã phạm phải một lỗi lầm ngu xuẩn nhất đời khi quyết đòi cho được đứa con trai trở lại Cuba. Tuy đã là đại biểu quốc hội, nhưng bên cạnh nhà của ông, luôn luôn có một tóan công an canh gác ngày đêm, ngăn ngừa mọi tiếp xúc với các phóng viên ngọai quốc.

Chính những người trẻ Việt Nam có cơ hội sống ở trong nước dưới chế độ cộng sản và sau đó định cư ở nước ngòai phải nhìn nhận rằng, nỗi bất hạnh của họ là đã không thể sống ở đất nước mình chỉ vì những người cầm quyền là người cộng sản.

Từ bên ngòai đất nước, những người Cuba lưu vong và những người Việt Nam lưu vong đã góp phần đẩy mạnh sự phá sản của những tàn dư cộng sản còn sót lại.

Đã đến lúc, đối với người Việt Nam, từ góc độ của những thế hệ tương lai, ngày 30 tháng 4 năm 1975 không nên được coi là ngày chiến thắng của bên thắng trận, cũng không nên được coi như ngày quốc hận của bên thua trận.

Hãy cứ xem đó là ngày khởi đầu cho sự phá sản của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam.

T.Vấn

Tháng 4-2010

___________________________________________________________________________

Chú thích:

1.Cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000 được quyết định bởi chiến thắng ở tiểu bang Florida giữa Bush và Gore. Kết quả tái kiểm phiếu ở Florida cho thấy Bush chỉ thắng khít khao Gore 537 phiếu. Chính Bob Shrum, nguyên cố vấn ủy ban tranh cử của Gore phải thú nhận “nếu Clinton không trả Elian về Cuba, hẳn sẽ có đủ phiếu của cử tri Mỹ gốc Cuba ở Florida mở cửa Tòa Bạch Ốc cho Al Gore “.

2.Stanley Karnow là một trong những phóng viên ngọai quốc có mặt ở Việt nam từ khi khởi đầu cho đến khi chiến tranh kết thúc. Trong thời gian ở Việt Nam, ông và Phạm Xuân Ẩn, là bạn nhà báo với nhau. Lúc ấy, ông Phạm Xuân Ẩn là phóng viên cho hãng thông tấn Anh Reuter, rồi trở thành phóng viên người Việt nam duy nhất của tổ hợp Time của Mỹ. Năm 1981, Karnow quay lại Sài Gòn, tìm cách gặp ông Ẩn, nhưng Công An đã không cho ông gặp. Năm 1990, lần này do không khí Việt Nam bớt ngột ngạt hơn, ông đã tìm cách gặp ông Ẩn mà không bị cản trở. Đến lúc này, Karnow mới biết ông Ẩn là người của Bắc Việt do chính miệng ông Ẩn xác nhận. Nhưng ông Ẩn tỏ vẻ thất vọng, vì ông làm tình báo cho Bắc Việt do lòng yêu nước, không muốn nhìn thấy người ngọai quốc can thiệp vào các công việc của đất nước mình, chứ ông không hề tin vào ý thức hệ. Karnow hỏi ông Ẩn về những năm tháng ông này du học ở Mỹ, ông Ẩn nói “đó là những năm tháng hạnh phúc nhất đời tôi “. Tuy ông Ẩn được nhà nước Cộng sản phong Thiếu tướng, nhưng ông phải nuôi chó thêm để sinh sống qua ngày. (Theo Stanley Karnow, trong ” Vietnam: A History”).

Ông qua đời lặng lẽ tại Sài Gòn ngày 20 tháng 9 năm 2006.

3.Những chi tiết về nội dung suy nghĩ của giới trẻ Việt Nam ở hải ngọai và trong nước được căn cứ vào những cuộc phỏng vấn của đài VOA, RFA từ vài năm trước, cộng với những bài viết của những người trẻ Việt Nam tản mác qua các diễn đàn chính trị mà người viết thu thập được. Vì có rất nhiều nguồn nên người viết không thể dẫn chứng một cách cụ thể. Mong thứ lỗi. T.Vấn

©T.Vấn 2010

Bài Mới Nhất
Search