T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 173)

Chữ nghĩa làng văn

Khác với các loại hình nghệ thuật khác, hầu như người biết chữ nào cũng có thể viết văn được, hoặc ít nhất, cũng tưởng mình viết văn được. Nhưng chỉ có một số ít thực sự được xem là nhà văn.

Trong số những người được xem là nhà văn, chỉ có một số ít, cực ít, những người thực sự nổi lên như một giọng điệu riêng, với một bản sắc riêng, trụ lại được với thời gian và lưu lại được một dấu ấn nào đó trong ký ức người đọc. Bí quyết nào làm cho những người ấy đạt được những thành tựu như thế?

(Cần có hình tượng mạnh – Nguyễn Hưng Quốc)

 

Chữ và nghĩa

Lâu nay bố nó vắng nhà

Muốn ấy một cái la cà sang đây!

 

Phở Việt (14)

 Tô Hoài nói đến phở ở đầu thế kỷ XX. Ngưu nhục phấn và Phở của người Việt khác nhau. Người Tàu bày ra Ngưu Nhục phấn nhưng người Việt sửa đổi đi nên Phở Việt ngon hơn. Ông viết:

Hồi ấy chưa có những hàng phở bán đêm. Người Tàu làm ra phở, nhưng phở của người Tàu không ngon. Cũng tàn như trong đêm vừa qua. Ngưu nhục phần… nhục phần… nhục phần… Tiếng rao xưa cũ chẳng mấy ai còn nhớ. Phải đến tay người ta làm lại cái “ngưu nhục phần” thành phở bò chín, món quà sáng và ăn cả ngày. Những tiếng “phơ, phớ” của bác phở gánh ở Gầm Cầu bước ra, cất tiếng chào cao cao, ấy là trời đã sáng hẳn. Những bóng phố nhỏ, những ngõ phố ướt nhợt nhạt loãng ra.(9)

 (9) Tô Hoài. Chuyện Cũ Hà Nội. NXB Hà Nội, 1986, số14. Tiếng rao đêm.

(Sơn Trung – Lịch sử Phở)

Chữ nghĩa làng văn

 Bí quyết nào để đạt được những thành tựu như thế?

Chắc chắn không phải là chữ. Cũng không phải là chuyện. Cũng không phải là kiến thức. Không phải là tư tưởng. Tư tưởng, ngay cả khi được hệ thống hoá và có tầm khái quát cực cao, chỉ tạo nên những triết gia. Chứ không phải là nhà văn.

Văn chương không phải là những gì được viết ra. Văn chương là những gì còn lại. Chỉ có bài viết hay những câu văn nổi bật lên giữa vô số những bài viết hay những câu văn khác, có khả năng đánh động được vào tâm thức của người đọc và trở thành một ám ảnh trong một thời gian dài mới thực sự là văn chương.

Bởi vậy, nghệ thuật viết văn thực chất, hay, nếu không, trước hết, là nghệ thuật gây ấn tượng. Người ta có thể gây ấn tượng bằng cách chính: dùng từ, đặt câu và hình tượng.

(Cần có hình tượng mạnh – Nguyễn Hưng Quốc)

 

Tiếng lóng hiện thực

Xinh như con tinh tinh

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Cải táng 1

Chúng tôi xin trích “Việt Nam Phong tục” của Phan Kế Bính trang 39: “…Người mất, sau ba năm đoạn tang rồi hoặc một vài năm nữa thì con cái lo việc cải tang.

Trước hôm cải táng làm lễ cáo từ đường. Đến hôm cải táng, lại làm lễ khấn thổ công chỗ để mả mới táng.

Trước hết khai mả, nhặt lấy xương xếp vào một cái tiếu sành, rẩy nước vang vào rồi che đậy thật kín, không cho ánh sáng mặt trời lọt vào được. Nhà phú quý thì dùng quan quách liệm như khi hung táng.

Đoạn, đem cải táng sang đất khác. Còn quan tài cũ nát thì bỏ đi, tốt thì đem về dùng hoặc làm cầu, hoặc làm chuồng trâu chuồng ngựa, để trâu ngựa đứng cho khỏi sâu chân.

Tục lại tin rằng: Hễ ai đau tức thì lấy mảnh ván thộ (mảnh ván quan tài nát) đốt lên, để gầm giường mà nằm thì khỏi đau tức.

Cải táng có nhiều cớ.

Một là vì nhà nghèo, khi cha mẹ mất, không tiền lo liệu, mua tạm một cỗ ván xấu, đợi xong ba năm thì cải táng, kẻo sợ ván hư nát thì hại đến di hài.

Hai là vì chỗ đất mối kiến, nước lụt thì cải táng.

Ba là vì, các nhà địa lý, thấy chỗ mả vô cớ sụt đất hoặc cây cối ở trên mả tự nhiên khô héo, hoặc trong nhà có kẻ dâm loạn điên, hoặc trong nhà đau ốm lủng củng, hoặc trong nhà có kẻ nghịch ngợm, sinh ra kiện tụng lôi thôi, thì cho là tại đất mà cải táng.

Bốn là, những người muốn cầu công danh phú quý, nhờ thầy địa lý tìm chỗ cát địa mà cải táng. Lại có người thầy nhà khác phát đạt, đem mả nhà mình táng gần vào chỗ mả nhà kia, để cầu được hưởng dư huệ.

Trong khi cải táng, tục lại có ba điều là tường thuỵ (tức là mả phát tốt đẹp) mà không cải táng.

Một là, khi đào đất thấy có con rắn vàng thì cho là long xà khí vật. Hai là, khi mở quan tài ra thấy có dây tơ hồng quấn quýt thì cho là đất kết. Ba là, hơi đất chỗ đó ấm áp, trong huyệt khô ráo không có nước hay là nước đóng giọt lại như sữa đều là tốt. Khi nào gặp như thế thì phải lập tức lấp lại ngay.

 

Ngo

Ngo: thuyền độc mộc

(ghe ngo)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Giai thoại làng văn xóm chữ

Câu đối

 Lê Thánh Tông, lúc còn là hoàng tử, một hôm dạo chơi trên bờ sông đào vùng Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tình cờ gặp một cô con gái xinh đẹp đang vo gạo ở dưới bến, liền đọc bỡn một câu:
Gạo trắng nước trong, mến cảnh lại càng thêm mến cả …
Cô gái tiếp tục vo gạo, khi xong, cắp rá ra về, ngoái cổ lại đọc:
Cát lầm gió bụi, lo đời đâu đấy hãy lo cho …

Hoàng tử khâm phục lời khuyên, vì bấy giờ đương buổi loạn ly, làm thân nam tử hãy lo việc lớn xong đâu đấy, rồi hãy nghĩ tới việc …kia khác.

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Chơi chữ 1960)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Tu chùa chẳng bằng tu nhà

Ăn ở thật thà mới thật là tu

(thật thà là…tu bia)

(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao, thành ngữ)

 

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ (5)

Theo Hoàng Cầm, Lá diêu bông lại phản ánh mối tình đầu của nhà thơ. Lúc đó, Hoàng Cầm mới lên 8 mà yêu chị Vinh hơn mình những 8 tuổi. Không chỉ chị Vinh, “gã trai lơ Kinh Bắc” còn yêu một số phụ nữ lớn tuổi, chẳng hạn chị Nghĩa, tên thân mật là Bống, và chị Tuyết. Bởi thế, gặp cơ hội thuận tiện, tình yêu kiểu “nhất gái hơn… 8” vẫn được tái hiện dặt dìu nhiều cung bậc trong lời ăn tiếng nói, trong văn xuôi, và trong thơ Hoàng Cầm – chẳng hạn những bài Cây tam cúc, Quả vườn ổi, Cỏ bồng thi, Đếm nắng, Đếm giờ, Gọi đôi, Đợi mùa, Tắm đêm, Chị em xanh.

Đích thân Hoàng Cầm còn tuôn thêm liên khúc Bao giờ nói hết gồm 5 phần, mà đây là mấy dòng đầu:

Dẫu anh biết diêu bông không thực

Sao diêu bông cứ thức hồn em

Cứ sao băng mãi đường đêm

Cứ trăng lên đậu cành mềm xuân quê

Cứ lơi áo giữa trưa hè

Ngực trần vỗ yếm gọi về tuổi hoa

Một số người cho rằng nếu so với Bên kia sông Đuống thì Lá diêu bông hay bằng hoặc vượt trội.

(Lại Nguyên Ân – Trích Hoàng Cầm tác phẩm – Thơ)

 

Chữ và nghĩa

Chẳng thà chịu lạnh nằm không,
Còn hơn có vợ lẹm cằm, răng hô.

 

Hát cô đầu (3)

 Thời xưa ấy các ông chơi trò hát cô đầu mà không có mặc cảm tội lỗi. Thi sĩ Tú Xương công khai tuyên dương thú hát cô đầu của ông trong bốn câu:
Có phải rằng ta chẳng học đâu,
Mỗi năm ta học một vài câu.
Ví dù vua mở khoa thi trống,
Lạc nhạn, xuyên tâm, đủ ngón chầu.

Lời thơ vừa ngông, vừa hài hước, nhưng cũng có nhiều thực tế. Nếu như Vua mở khoa thi đánh trống cô đầu thật, biết đâu Ông Tú Xương đã chẳng đỗ ông Nghè – Nghè Trống cũng là Nghè – đường công danh của ông đã không lận đận như với khoa thi chữ. Chúng ta hãy nghe ông Tú diễn tả nhân sinh quan của ông qua bài: Hát cô đầu

Nhân sinh quí thích chí
Chẳng gì hơn hú hí với cô đầu.
Khi vui chơi năm ba ả ngồi hầu,
Chén rượu cúc, đánh chầu năm ba tiếng.
Tửu hậu khán hoa nhàn bất yếm,
Hoa tiền chước tửu hứng vô nhai.
Hỡi ai ơi..Chơi lấy kẻo hoài,
Chơi cũng thế mà không chơi cũng thế.
Của trời đất xiết chi mà kể,
Nợ công danh thôi thế cũng xong.
Chơi cho thủng trống tầm bông.

Nhân sinh quí thích chí: người ta ở đời cốt thỏa thích ý mình. Uống rượu, xem hoa mãi chẳng chán, trước hoa, uống rượu thú không biết ngần nào. Trống tầm bông: trống hai mặt, thắt lại ở giữa, đánh lên tiếng kêu nhẹ là tầm, tiếng kêu nặng là bông.

(Hình ảnh đàn bà trong thơ xưa – Hoàng Hải Thủy)

 

Tên của Whisky

Từ Whisky được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1736 xuất phát từ usisge beatha trong tiếng Gaelic tại Scotland hay từ uisce beatha trong tiếng Gaelic tại Ireland và có nghĩa là “nước của cuộc sống” (uisge/uisce: “nước”, beatha: “sống”).

 

Rượu trong văn học (6)

Chu Thần Cao Bá Quát, đất Bắc Ninh, làm Giáo thụ ở Quốc Oai (Sơn Tây), sinh thời Ông  vì bất mãn cuộc đời, yếm thế nên ông mượn thơ, uống rượu mà ca tụng cảnh nhàn:
Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy,
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười
Thôi công đâu chuốc lấy sự đời
Tiêu khiển một vài chung lếu láo.
Đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu,
Trầm tư bách kế bất như nhàn
(Khuyết danh – Tết nói chuyện rượu)

Vừa trắng vừa tròn (3)

Năm 75 quê hương như trong ca dao coi như thôi rồi. May mắn, khá nhiều “lời quê” đã được kịp thời chép xuống. Sau đây là ít lời ngẫu nhiên nhặt ra từ một số “cảo thơm”, với nhan đề tạm đặt. Khi nào có điều kiện, lại xin nhặt nữa.

Nghe “vừa trắng vừa tròn”, nghĩ ngay đến “thân em” (thơ Hồ Xuân Hương)! Nhờ không phải “thân” mà “cổ tay em” không bị ai “nặn”, chỉ bị “gối” thôi, gối nhiều đến nỗi “đã mòn một bên”…

Cổ tay như thể “miếng trầu”, vì cùng “là đầu câu chuyện”…

Cổ tay có khi thường được nhắc đến hơn cổ thật đấy nhỉ!

Bài 1:

Cổ tay em trắng lại tròn,
Để cho ai gối, đã mòn một bên.
Gối chăn, gối chiếu không êm,
Gối lụa không mềm bằng gối tay em!

 

Bài 2:

Cổ tay em trắng như ngà,
Con mắt em liếc như là dao cau.
Miệng cười như thể hoa ngâu,
Cái khăn đội đầu, như thể hoa sen!

 

Bài 3:

Cổ tay em vừa trắng vừa tròn,
Răng đen rưng rức, chồng con kém người.
Khốn nạn thay! nhạn ở với ruồi,
Tiên ở với cú, người cười với ma!

(Thu Tứ – Ca dao tuyển 1)

 

Tiếng lóng hiện thực

Buồn như con chuồn chuồn

 

Mười thương, mười thương (4)

Năm 75 quê hương như trong ca dao coi như thôi rồi. May mắn, khá nhiều “lời quê” đã được kịp thời chép xuống. Sau đây là ít lời ngẫu nhiên nhặt ra từ một số “cảo thơm”, với nhan đề tạm đặt. Khi nào có điều kiện, lại xin nhặt nữa.

Có phải bài Mười Thương thứ nhất tả “em” Đàng Ngoài? Dù sao, nó cũng được hát lên theo cùng một điệu dân ca Đàng Trong.

Bài 1:

Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
Năm thương cổ yếm đeo bùa
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng
Bảy thương nết ở khôn ngoan
Tám thương má phấn lại càng thêm xinh
Chín thương em ngủ một mình
Mười thương con mắt có tình với ai.

 

Bài 2:

Một thương tóc xõa ngang vai
Hai thương đi đứng vẻ người đoan trang
Ba thương ăn nói có duyên
Bốn thương mơ mộng mắt huyền thêm xinh
Năm thương dáng điệu thanh thanh
Sáu thương nón Huế nửa vành nên thơ
Bảy thương những phút mong chờ
Tám thương thơ thẩn bên bờ Hương Giang
Chín thương bến Ngự sang ngang
Mười thương tà áo nhẹ nhàng gió bay.

(Thu Tứ – Ca dao tuyển 1)

 

Ăn cơm trước kẻng (1)

Chữ nghĩa cũng có một đời sống. Tức là có sinh: Sinh ngữ và có tử: Tử ngữ. Ngày nay không ai nói Blợ mà thay vào đó, nói vợ như vợ chồng. Blợ là tử ngữ diễn tả sự bợ đỡ ở phía dưới để cho một vật thể chồng chất lên trên, hiện chẳng còn thông dụng.

Ăn cơm trước kẻng là sinh ngữ mới mẻ. Thuở trước người ta chưa phát sinh cách nói vậy, mà gọi là chửa hoang, chửa buộm!
Chửa buộm chỉ là kết quả của ăn cơm trước kẻng. Ăn cơm trước kẻng mô tả hiện tượng quan hệ nam nữ như vợ chồng trước khi thực sự trở thành vợ chồng.

(Nguồn: Nguyễn Phú Long)

 

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search