T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Người về từ Cù lao Phố

Cái Bóng – Tranh: Thanh Châu

Cố lý thốn thổ tôi là Bắc kỳ đặc, bởi cố lý nên bay về Hà Nội rồi vù vào Sài Gòn…

Lúc này đang ngồi ở quán cóc uống cà phê ở Hồ con rùa tại công trường Duy Tân. Với bút một túi, giấy một túi, cố lý thốn thổ tôi ngồi…vẽ chuyện chữ nghĩa thì “cố lý” có nghĩa nhớ quê, “thổ” là đất, với thổ ngơi có gốc tích, tích này tích nọ, rồi động mồ động mả tới cụ Tả Ao. Chưa kể thổ thần, thổ địa, thổ âm, thổ ngữ sẽ…thổ lộ sau.

Bèn lây dây tới đồng môn kiến trúc tên LTS, bạn ta viết bài địa lý Tả Ao chữ nghiã rất hàn lâm có tựa đề: Phong thủy Sài Gòn – Rồng chầu hổ phục. Phần “Dẫn” bạn viết:

“…Chuỗi đô thị theo trật tự tứ linh: Long (Hà Nội), Lân (Huế), Quy & Phụng (Sài Gòn) đều được thiết kế bởi các nhà đô thị học người Việt. Xa hơn nữa vào thế kỷ III, Loa thành 3 lớp xóay hình tròn của An Dương Vương có thể xem như nguyên mẫu với thành hình vuông Trường An của Trung Quốc. Riêng thành hình trôn ốc của nước ta có cả về mặt lý luận, cả về mặt triết học (hòa đồng/nhất thể) …”.

Nghe khiếp quá thể gì mà nguyên mẫu (chữ của nhà văn Tô Hòai) là…giống nhau giữa ‘’hình tròn’’ và ‘’hình vuông’’. Thêm nữa đô thị học có ‘’lý luận’’ với ’’triết học’’ hòa đồng/nhất thể nghe hãi thật. Ấy là chưa kể đọc lòi mắt bài phong thủy của bạn ta, chả thấy Sài Gòn long chầu hổ phục, quy phụng đâu. Chỉ thấy bạn tả con rồng với tiêu đề: Long thân (đầu chim, đuôi rùa), tôi bèn tâm phục khẩu phục bạn ta quá lắm:

“…Núi Bà (Sơn Long) và hồ Dầu Tiếng (Thủy Long) ở Tây Ninh cách Sài Gòn gần 100km. Ngược lên cao nguyên MơNông và cao nguyên Di Linh (cao nguyên Lâm Viên #+2400m), Thái Tông Sơn (cao nguyên Daklak #+2500m), Thiếu Tổ Sơn (cao nguyên KonTum #+2600m), Thái Tổ Sơn (Trường Sơn #+2700m. Khởi mạch từ vùng núi cao, hạ dần cấp cao độ, vượt qua vùng trung du, về phía đồng bằng….”

Đến đây, tôi đồ chừng: về đồng bằng, đầu rồng núi ngóc đầu lên ở Sài Gòn

Từ đầu rồng ở Sài Gòn, tôi lọ mọ tới đồng môn kiến trúc tên NK qua ai đấy viết…

clip_image002clip_image004

(Rùa đồng nay không còn nữa)

“…Kiến trúc kỳ lạ là cột bêtông cao với 5 cánh hoa đón đỡ một nhụy hoa. Có 2 cầu thang đi lên, và con rùa đội trên lưng bia đá lớn, vì vậy dân gian gọi là Hồ con rùa. Hồ được Huỳnh Bá Thành trong cuốn Vụ án Hồ con rùa bịa tạc: Năm 1967 ông Thiệu cho mời một thầy phong thủy người Tàu nổi tiếng đến coi thế đất.

Với long mạch, thầy phong thủy nhìn thấy đầu rồng nằm ở dinh Độc Lập, đuôi rồng nằm tại công trường Duy Tân. Vì đuôi rồng hay vùng vẫy nên sự nghiệp không bền, cần phải trấn yểm bằng cách đúc một con rùa lớn để trấn đuôi rồng không cho cục cựa. Ông Thiệu nghe theo cho xây một hồ nước và cho đặt một con rùa lớn đúc bằng đồng ngay chính giữa hồ. Cũng vì thế, nhiều người cho rằng kiến trúc tháp cao giống như hình một thanh gươm hay một cây đinh khổng lồ đóng xuống lưng con rùa (xem Cù lao Rùa tr 5) để giữ chặt đuôi rồng….”.

Dòm Hồ con rùa, tôi chắc như đinh đóng cột người đồng môn NK dựng cái cột trên lưng con rùa chả dính dáng đến địa lý gì sất. Cũng vậy, chuyện cách đây hơn 200 năm chẳng lâu dây đến phong thủy ở một nơi chốn vào thuở sơ khai…

Nguyễn Hữu Cảnh (1) được chúa Nguyễn Phúc Chu bổ là kinh lược sứ để cai quản vùng đất mới Cù lao Phố. Ông biến vùng đất hoang sơ thành một thương cảng vào bậc nhất ở phương Nam vào thời bấy giờ. Khúc sông Đồng Nai ở Cù Lao Phố từ đó được biết với tên mới: Sông Phố. Ông định cương giới, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình. Vì vậy có thể nói ông là người khởi đầu gián tiếp lập lên Sài Gòn sau này. Tết Đoan ngọ ông bị thổ tả rồi mất ở Rạch Gầm (Mỹ Tho), quan tài mang về quàn ở dinh Trấn Biên ở Cù lao Rùa, sau đấy đưa về miền Trung, đất quê ông. Trên Cù lao Rùa cư dân dựng tấm bia cao ghi công ơn ông và sắc phong chúa Nguyễn phong ông là Thượng đẳng thần Lễ Tài Hầu. Tôi hình dung tấm bia cao nghệu trên cái mộ u lên như con rùa, nào khác gì thanh gươm cắm trên lưng con rùa ngay trước mặt tôi ở đàng kia.

Đang vật lộn với thần hòang bản thổ đến đây, tôi ớ ra vì có ông quan văn, đeo gươm như quan võ, ông rách giời rơi xuống ngồi ngay trước mặt..Tôi lập bập:

– Quan…quan…

Ông cười cái bép:

– Bản chức đã là…thần rồi còn quan quách gì nữa.

Nói rồi ông nhòm tựa đề bài văn khảo đang viết của cố lý thốn thổ tôi: Người về từ Cù lao Phố. Ông cười vu vơ: ”Cậu viết ký à” và dềnh dàng như quan viên đi tế…

– Cậu Ngộ Không trong Chữ nghĩa làng văn học mót theo nhà văn Nguyễn Tuân với ngẫu sự muốn viết ký phải biết lịch sử và địa lý. Một ngày bỗng khi không cậu ta hóa kiếp là…thầy tướng số xem…tướng đất với động mồ, động mả thì Sài Gòn có thế đất “hoàng xà thính cáp” tức rắn vàng rình con cóc. Qua lịch sử của ông Tây và các cụ ta xưa với thế đât này, mai kia Sài Gòn sẽ bị con rắn nuốt chửng cho mà xem.

Ông rấm rẳn ‘’Qua lịch sử ông Tây’’ (xem tr 3) lập ra Sài Gòn thì thằng Tây biết khỉ gì địa lý với phong thủy. Bỗng không ông gật đầu tắp lự đây đó: nghĩ cho ngay cái cậu Ngộ Không trẻ người non dạ cũng hay hớm ra phết. Ông gật đầu đó đây:

– Tên Sài Gòn đã đi vào …cổ sử, cũng…lịch sử vậy.

Thế là tôi biết ngay bóc ông là ngài Khâm sứ đại thần Nguyễn Hữu Cảnh. Trộm thấy ông biết cụ Ngộ Không mà tôi lại…không biết, qua cách nói chuyện về cụ Ngộ Không, dường như ông đây còn biết cả địa lý phong thủy nữa. Vì vậy tôi hỏi về ‘’người Tàu đến dinh Độc Lập coi thế đất’’ là ai. Ông cho hay bịa tất, ấy là cụ tướng số và địa lý Ngô Hùng Diễn. Ông Thiệu mới cụ vào dinh hỏi chuyện đất nước. Vì mặt tiền dinh Độc Lập gắn cả ngàn tấm ‘’phù diêu’’ như những khúc xương. Cụ dậy nước nhà sẽ mât rất nhanh qua cuộc binh đao người chết như rạ. Nhưng đất nước sẽ trở lại cũng không ngờ. Nói rồi ông mắng tôi té tát vì cái đáng hỏi lại không hỏi, vì theo ông: anh chàng LTS viết đô thị Ta là nguyên mẫu của Tàu thì anh ta bị Hán hóa đứt đuôi con nòng nọc rồi chứ còn gì nữa. Ông khẽ khọt dám anh ta là hình nhân thế mạng của ông địa lý Tàu lắm ạ. Vì anh ta nho táo, nho chùm với Thái Tông Sơn, Thiếu Tổ Sơn, Thái Tổ Sơn, với bản sao cao độ từ #+2400m đến #+2700m, vì sách vở địa lý, phong thủy ta không có dạng viết này nên ông nghi nghi. Như cậu Ngộ Không với đại nghi đại ngộ, tiểu nghi tiểu ngộ, bất nghi bất ngộ cũng có cái lý sự của cậu ta chứ.

Ông hục hặc họ dựng chuyện con rùa bị đặt chất nổ để anh em nghệ sĩ đi tù chơi. Thì sao mình không hư cấu họ cũng tin phong thủy, họ sợ đuôi rồng quậy tầm bậy quạt trúng cái lăng Ba Đình đổ lăn kềnh ra thì…đổ nợ, vì vậy họ là người đặt chất nổ chứ còn ai trồng khoai đất này. Nói rồi người về từ Cù lao Phố dựa cửa thiền với sai hay đúng chỉ cách nhau một sợ tóc, cái sai của ông lỡ…100 năm sau đúng thì sao.

Thề cá trê chui ống: Bỗng con tì con vị nó quậy như đuôi rông. Tôi bật ra ý nghĩ đưa ông vào…Chợ Lớn, tới phố Tản Đà ăn bò viên gân bò chấm với tương đen, tương đỏ thì chỉ có nước quên chết, quên luôn chuyện non nước mình. Móc cái ‘’cùi bắp’’ ới ‘’xe con’’ con cóc, tôi đưa ông tới thẳng…nơi chốn thờ cúng ông, là đình Minh Hương Gia Thạnh ở đường Trần Hưng Đạo. Làng Gia Thạnh của người Minh Hương có ngôi đình cổ nhất Sài Gòn, xây năm 1789. Trong đình, bên phải thờ Trần Thượng Xuyên, bên trái thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Người Hoa thờ hai ông vì sau khi Trần Thượng Xuyên được chúa Nguyễn đưa vào Cù lao Phố, tiếp đến ông vào kinh lược, nhờ vậy người Hoa mới có làng Minh Hương và Chợ Lớn. Năm 1775, tức sau 90 năm có mặt của hai ông, Cù lao Phố suy thóai để nhường cho Chợ Lớn, và Bến Nghé (tên của Sài Gòn) sau này.

Bởi Bến Nghé xưa ở Chợ Quán, từ đình Minh Hương ra đường Trần Hưng Đạo, tới đường Trần Bình Trọng, tôi lưỡi đá miệng: Nhà thờ Chợ Quán ở 20 Trần Bình Trọng xây năm 1674 (sic) (1874?) là nhà thờ cổ nhất tại Sài Gòn và cổ nhất ở miền Nam. Ngôi thánh đường Chợ Quán có kiến trúc Gothic của Tây, nhưng lợp ngói đỏ của Ta.

Xe con…con cóc Renault 4CV ậm ạch như trâu vào Sài Gòn…

Ông dẽ dàng vùng đất Chợ Quán thuở sơ khai nằm bên con rạch, theo Trịnh Hòai Đức, bến nước đây người Miên gọi là Kompong Krabey với Kompongbến, Krabey là…trâu. Khởi thủy Sài Gòn chỉ là một làng Khmer nhỏ, trong Promenade dans Saigon của bà Hinda Arnold ghi vùng Chợ Quán là khu đầm ao (des Mares), có vết tích của một làng cổ người Miên (làng Nhơn Giang). Qua dân làng bà ghi chép tại đây đêm đêm cá sấu, chúng kêu văng vẳng như nghé nên được gọi là “nghé”, kết hợp với “bến” nước thành…Bến Nghé. Năm ngày bảy tật của tôi là tật nói leo nên nói leo tôi nghiêng về bà Hinda Arnold: Vì cá sấu ăn hết…trâu của người Miên nên nó đói, nó há mõm kêu đói ngọ nghẹ nghe như nghé vì vậy có ai trông thấy trâu, hay nghé đâu.

Làm như không nghe, ông dàng dênh tiếp…

Sử ta lần đầu tiên nói đến Sài Gòn năm 1674 khi Nặc Ông anh đuổi vua Nặc Ông em tiến xuống chiếm lũy Sài Gòn. Ông em cầu cứu chúa Nguyễn đem binh đánh. Ông anh tử trận. Chúa Nguyễn phong cho ông em làm phó vương ở Sài Gòn. Doanh trại ông em ở vùng từ chùa Cây Mai tới trường đua Phú Thọ. Nhà khảo cổ Malleret cho biết cung điện này ta gọi là “Tây cung” để phân biệt với thành Sài GònBến Nghé.

Năm 1767, Nguyễn Cư Trinh trình lên chúa Nguyễn Phúc Khoát một bài sớ rằng:

Năm xưa mở mang Gia Định, trước hết mở đất đến Đồng Nai, quân dân đông đủ rồi sau đó mới mở đến Sài Gòn. Đó là kế tằm ăn dâu (tàm thực). Sài Gòn địa thế rộng rãi, dân số đến vạn người, đóng quân giữ sợ chưa đủ. Vậy xin cho Chân Lạp chuộc tội, lấy đất hai phủ ấy uỷ cho phiên quan đặt thành đóng quân, chia cắt ruộng đất cho lính và dân, vạch rõ biên giới, cho lộ vào đất mới để thu lấy toàn khu.

Lại vẫn cái tật đánh chết không chừa của tôi là tật nói leo…

Cũng năm 1674, theo Phủ Biên Tạp Lục của cụ Lê Quý Đôn ghi: Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vỡ “Luỹ Sài Gòn”. Cụ chú thích vì chữ “gòn” Tàu không có, nên các cụ nhà Nho ta vì bí chữ nên dịch là “côn”. Vậy mà ông Vương Hồng Sển cứ rối rắm với tên…Sài Gòn. Tôi trộm nghĩ ông họ Vương không viết những gì đáng viết như: Năm 1861, người Pháp đặt tên: Thành phố Sài Gòn. Năm 1954, Bảo Đại đặt tên: Đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn.

Làm như lãng tai không nghe, ông đùm đậu…

Năm 1790, Gia Long ra lệnh xây cất “Thành Sài Gòn”. Người Pháp vẽ kiểu tên Oliver de Puymanuel, ông này có tên Việt là Ông Tín, xây theo kiểu Vauban: thành xây tám góc theo Bát Quái, tên chữ gọi Quy Thành. Vách cao 4m80, toàn bằng đá ong Biên Hòa kiểu “lục lăng”.

Thành Sài Gòn nắm trong 4 đướng hình chữ nhật:

Phía bắc là Phan Đình Phùng (Rue Richaud) nay tên là Nguyễn Đình Chiểu.

Phía nam là đường Lê Thánh Tôn (Rue d’Espagne)

chính gữa là đường Thống Nhất (Boulevard Norodom)

Phía tây là đường Công Lý (Rue Mac Mahon)

Phía đông là đường Cường Để (Rue Rouseau)

Trong thành đặt nhà Thái miếu về bên tả, bên hữu là hành cung. Vòng ngoài thành, Gia Long ra lệnh xây nhà cho giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc hay cha Cả) để trả ơn sự giúp đỡ của ông này khi có chiến tranh với Tây Sơn.

Cấu vào mắt là đường…cụ Nguyễn Đình Chiểu, tôi khoe mẽ với ông xưa kia người Pháp đặt tên là đường Mọi (Rue des Mois). “Mọi’’ đây là người bản xứ là người Mạ, người Stieng sống ở thung lũng Donai ở trên Biên Hoà (người Thượng). Thế kỷ 17, người Chàm, Khmer, lưu dân Việt, người Minh Hương sống lẫn lộn với họ để có giọng nói đặc thù người Sài Gòn ngày nay. Nghe rồi ông nói tôi bất thức chi vô, là chẳng biết quái gì sất: vì đường Mọi cắt ngang đường Công Lý gần cầu Thị Nghè.

Bởi tôi thiên bất đáo địa bất chi nên ông cho biết thêm…

Hồi trước bến sông Sài Gòn có chợ Vải là nơi buôn bán vải vóc  của  chợ Bến Thành để khách thương hồ theo kênh chợ Vải vào thành Sài Gòn buôn bán (chợ Bến Thành thay chợ Vải. Chợ Vải trở thành Chợ Cũ sau dọn về khu Tôn Thất Đạm). Con kênh chợ Vải được lấp đi thành đường Nguyễn Huệ. Chợ Bến Thành cũ sau khi bị phá người Pháp xây kho bạc, dưới tháp đồng hồ kho bạc là pháp trường.

Về Sài Gòn khi là thành Sài Gòn, ông xa xăm: Giống Thăng Long thành mà ngọai thành là làng mạc, phố phường. Từ cổng thành Sài Gòn xuống bến sông Sài Gòn tức từ đường Lê Thánh Tôn xuống bến Bạch Đằng là phố phường của người Việt gồm cửa tiệm, hàng quán nằm trong bốn làng Hòa Mỹ, Tân Khai, Long Điền và Trường Hòa.

Có làng có xóm, ông thu vén: đừng quên phía sau Sài Gòn phố còn là Sài Gòn xóm. Những con xóm một thời ẩn chứa nhiều dấu tích, một phần không thể thiếu trong ký ức của người Sài Gòn xưa cỡ ông già Ba Tri như xóm Cải, xóm Đất, những cái tên nôm na, mang đầy dấu ấn xóm làng dọc sông rạch trước khi chuyển sang phố thị. Từ đó, dần dần ra đời những phố sá, ngõ ngách, nhà cửa, mồ mả ẩn khuất đâu đấy.

Khi không ông dẫn tôi ngược lên phố Trần Quang Khải và mưa nắng hai mùa…

Nơi đây là xóm Vạn Chài. Dân câu lấy thuyền làm nhà, ăn ngủ trên sông gọi là Vạn Chài. Thuở ấy khúc sông cầu Bông nhỏ lắm vì vậy dân câu kéo lên mảnh đất (Trần Quang Khải) còn hoang dã họp thành xóm, làng. Tôi định bộc bạch ông chả biết sông rạch gì sất. Vì một là sông Sài Gòn từ xưởng Ba son chẩy lòng vòng vào Sài Gòn, qua sở thú có cầu Thị Nghè 1 bắc ngang gọi là…rạch Thị Nghe. Đến đoạn cầu Bông gọi là sông cầu Bông. Rồi chẩy tới cầu Kiệu vẫn là…sông cầu Kiệu. Nhưng từ cầu Công Lý tới cầu Trương Minh Giảng lại gọi là…kinh Nhiêu Lộc. Hai là ở cầu Thị Nghè 2 từ bờ rạch Thị Nghè (sông cầu Bông) có con lộ dẫn tới đường Trần Quang Khải. Thời Pháp con đường này là một hẻm nhỏ ngang 7m, có miếu Vạn Chài. Năm 1954 được mở rộng và kéo dài 200m với tên là đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ấy vậy mà tại Tân Định có đường mang tên ông mà ông chả hay. Nhưng tôi chợt nghĩ đến Mai Thảo có câu thơ: “Ta thấy tên ta những bảng đường – Nhìn hình ta khuất bóng ta xa” nên thôi.

Với phố sá Sài Gòn thập niên 20, ông ngắn hai dài một, ít có phố nào tráng nhựa, thường trải đá xanh. Nghe vậy, tôi đành dẫn dắt ông về…nhà tôi có đường Đề Thám. Thập niên 50 vỉa hè rộng độ tám tấc, nhưng đã lì xuống bằng với mặt đường, ô tô tha hồ leo lên, người đi bộ lắm khi phải nhẩy bổ vào nhà người ta. Vì vậy qua đoạn đường đó y xì như qua cầu đoạn trường, lên lề thì đoạn tâm, còn xuống thì đoạn cẳng.

Nhưng ít ai biết “Người đặt tên phố Sài Gòn” là Ngô Văn Phát, ông có bằng cán sự Điền địa, như tôi làm ở Ty Điền địa Gia Định thập niên 70, ông còn là trưởng phòng họa đồ. Năm 1956, sau hơn ba tháng, ông trình lên Hội đồng Đô thành toàn bộ danh sách 300 tên đường phố. Những tên đường nhân vật lịch sử ở một nơi chốn gắn bó với nhau. Thảng như gần nhà tôi, thời 1 đồng 2 điếu Ruby, tôi đã thấy ông Nguyễn Thái Học gắn liền với Cô Giang, Cô Bắc ở…chợ Cầu Muối. Khi 2 đồng 1 điếu Ruby, con đường tình ta đi là đại lộ Lê Lợi cận kề với đường Lê Lai, người chết yểu thay cho Lê Lợi thì nhỏ và ngắn hơn. Lạng quạng đưa người tình bát phố tới con đường này, thì một sớm hai sương, chém chết cuộc tình cũng ngắn ngủn và vắn số như ông…Lê Lai vậy.

Với việc khai phá miền Nam, chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần, đóng góp nhiều công sức trong việc chinh phục vùng đất Gia Định. Ấy là chưa nói tới hai vị tướng đã mở mang đất đai nước ta tới tận biên giới. Hai con đường hướng về Bà Quẹo sang thẳng đất Miên qua ngả Gò Dầu mang tên hai vị tướng này: đó là đường Trương Minh Giảng và Lê Văn Duyệt. Sau 75, người miên Bắc vào…khai phá miền Nam, những công thần nhà Nguyễn mất tên trên bảng đường phố. Như Sài Gòn đã mất tên.

Đến đây ông đay tôi đến rát mặt vì tôi làm ở Ty Điền địa Gia Định mà chả hay biết

Gia Định xưa lớn lắm: phía tây lan tới Cao Miên (Lộc Ninh), phía nam bao trùm cả Vũng Tàu vậy mà chỉ có 40 làng. Tôi lại bị ông phay thêm một phát vào mặt vì tôi viết hư cấu về Cù lao Phố, Cù lao Rùa cứ như…thật ấy. Nhưng tôi lại không cho người đọc biết Cù lao Phố nằm ở phía nam Biên Hòa, có nhiều làng người Minh Hương. Ông nói tôi chả biết quái gì về Cù lao Rùa, ông cắp nắp nhờ ông và người Tàu dựng lên Cù lao Rùa như một thành phố thu nhỏ, có hai, ba phố, dăm ba tiệm mì, tiệm ăn. Tôi nghĩ ông nói cũng đúng thôi, vì cái mà tôi không biết trước 75, ngồi ở đường Hiền Vương…ăn phở gà, vậy mà tôi không biết Hiền Vương là…ai? Thế nên tôi đánh trống lảng.

Tôi lấy ngắn nuôi dài về người Việt đầu tiên vẽ địa lý và bản đồ Sài Gòn-Gia Định. Đó là ông Trần Văn Học, người Bình Dương, giỏi Quốc ngữ, La tinh và tiếng Tây, ông được giới thiệu làm thông ngôn cho Nguyễn Ánh.

Ngòai ra ông có tài vẽ địa đồ như trắc địa, tỷ lệ xích. Năm 1790, Nguyễn Ánh xây thành Bát Quái. Ông phụ trách “phác họa đường sá và phân khu phố phường” như ông Ngô Văn Phát ở trên. Ông Học được thăng chức Cai cơ, rồi thêm chức Khâm sai Chưởng cơ, là chức lớn trong hàng tướng lãnh của thời bấy giờ.

Chợt nhớ người về từ Cù lao Phố ‘’lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình’’ mà ở Tân Bình có Gò Vấp. Tôi lọ mọ theo bản đồ Sài Gòn-Gia Định của Trần Văn Học lập năm 1815. Gò Vấp thuộc địa phận xã Hanh Thông Tây, phủ Gia Định. Bởi Gò Vấp là thánh địa của cố lý thốn thổ tôi vào thập niên 60, tôi có tí tiền còm là đi hành hương ở…ngã ba Chú ía. Theo cụ Ngộ Không trong Chữ nghĩa làng văn, đúng ra là ngã ba chó ỉa. Với tích dân gian, từ chữ “chú”, Sài Gòn mới có thổ âm, thổ ngữ “một tiếng kêu cha, hai tiếng kêu chú”. Gò Vấp có tên trong sổ bộ từ thời Gia Long 1815, vậy mà người sau mắn chuyện: “Ở đây có gò đất cao, trồng cây vấp nên mới có tên Gò Vấp. Nay cây vấp không còn, trừ một cây ở trong…sở thú, thế nên cây vấp chỉ là huyền tích, huyền thọai. Ấy là chưa kể…“cây vắp” chứ chả phải…cây vấp.

Gia dĩ là người về từ trăm năm cũ nên ông chỉ thích đào xới thổ địa…

Nhà thương Từ Dũ cất trên bãi tha ma có hằng trăm nấm mộ. Mồ mã ở Sài Gòn thân mật lắm. Người ta sinh hoạt giữa mồ mã như quen biết với ma dữ lắm (theo Bình Nguyên Lộc). Bên hông nhà thương Từ Dũ có hai ngôi mộ song hồn khá to. Trên mộ có cây mọc. Người ta treo võng dưới tàng cây và những trưa hè, người ta đong đưa kẻo kẹt trông rất an nhàn. Ngộ nghĩnh nhất là tấm bảng hiệu “hớt tóc” cắm trên mộ, cạnh chiếc võng. Khách hớt tóc cứ ra vào cái tiệm lộ thiên ấy mà không chút sợ sệt e dè.

Làm như bị ma hành sao ấy, bỗng không người trăm năm cũ ngâm nga: “Này ai ơi. Thử trèo bức tường đổ, trông quãng đồng xa, mả con mả lớn, chỗ năm chỗ bạ, chẳng quan thời dân, chẳng trẻ thời già, trước cũng người cả bây giờ đã ma. Nào tiền nào của, nào cửa nào nhà, nào con nào vợ, nào lợn nào gà, nào câu đối đỏ, nào đâu đâu cả mà nay chỉ thấy sương mù nắng rãi với mưa sa”. Nghe thảm sầu gì đâu, tôi dẫu mồm hỏi ai làm thể văn biền ngẫu nay không còn nữa, nghe quá hay? Ông rề rà vậy mà tôi bày đặt dẫn ông đến đường ông…Tản Đà làm văn biền ngẫu để ăn bò viên.

Xe con đang trên đường rời Gò Vấp, đang lang thang như thành hòang làng khó, ông tha ma mộ địa ở Sài Gòn có nghĩa trang nào cổ lỗ không. Tôi ba điều bốn chuyện nghĩa địa Tây ở đường Mạc Đĩnh Chi dựng năm 1859. Người đã khuất kể lại một khúc lịch sử, địa lý qua bia mộ như Trung úy Francis Garnier (1873) bị quân Cờ Đen giết ở ô Cầu Giấy. Cũng bị giết bằng dao như anh em ông Ngô Đình Diệm (1963). Nghĩa trang bị phá bỏ, người ta phát hiện tấm bia mộ tên Barbé, tên ông Phạm Đăng Hưng được khắc phía sau. Với kỳ tích: Phạm Đăng Hưng, thân sinh bà Từ Dũ, khi ông mất, bia đá chở trên thuyền bị chìm. Người Pháp vớt lên khắc tên Đại úy Barbé bị chém bay đầu trong trận đánh thành Gia Định năm 1859. Nghe nghĩa địa Tây không còn nữa, ông thở ra, thêm lăng Cha Cả ở gần Tân Sơn Nhất bị rời đi, ông thở ra như tiếng thở dài vì ấy là di tích cả mấy trăn năm, người sau đi qua và nhớ lại một giai đọan của lịch sử.

Bỗng trong một thóang mây bay ông hỏi ở đâu có Nghĩa trang Sài Gòn? Tôi chưa kịp u ơ thì chuyện cứ như bịa vì từ cổng nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi đi ra là ông già Tàu. Nếu như ông này bán ve chai hay chè chí mè phủ chả nói làm gi. Ông ta lại bán…đậu phọng rang. Tôi bèn bật ra bài thơ Hoa trái mùa năm 1943…

Quần chằm khiếu, áo lang thang

Trên đầu đội cái nón rách

Đi khắp quanh đường tắt

Làng trên xóm dưới reo vang

Tàu phọng rang

Liền một khi, trong đầu tôi bật ra câu rao hàng: “Phá xa, húng lìu nóng ròn đây”….” của ông Tàu già ở tháp Hoà Phong gần hồ Gươm, Hà Nội. Vì đang quanh quẩn ở lăng Cha Cả, tôi nói “lái xe” lái tới phi trường….Tân Sơn Nhất.

Tôi thêm hai dài một: Năm 1883, Pháp cần nhiều người Sài Gòn làm thông ngôn vì người Hà Nội nói tiếng Pháp rất ít. Họ kéo theo một số người bán buôn, mở quán cà phê, quán rượu ở phố Paul Bert, quán bán “nem rán Sài Gòn” quanh hồ Gươm. Năm 1898, một số người mất vì bệnh tật không thể đưa về quê an táng. Họ lấn chiếm mảnh đất hoang ở ô cầu Giấy, tại đây chỉ có một tấm đồng dầy, tròn như cái mâm bị xích vào tấm bê tông và khóa lại, trên khắc tên Francis Garnier. Người Hà Nội ngày đó nghe ai nói tiếng Nam kỳ đều gọi là người Sài Gòn, họ gọi mảnh đất ở ô cầu Giấy là Nghĩa trang Sài Gòn. Năm 1962, vì để làm bến xe, các hài cốt bị dời lên Yên Kỳ, chấm dứt 64 năm tồn tại của Nghĩa trang Sài Gòn.

Vừa lúc máy bay đáp xuống phi trường Nội Bài.

Số ruồi, phong thủy, địa lý Tả Ao lại bám như cua cắp ông và tôi ở tháp Rùa…

Ngồi bên bờ hồ Gươm ăn nem rán Sài Gòn, uống bia Trúc Bạch, tôi bớt một dài hai hồ Gươm Hà Nội không có cái gươm đóng xuống như Hồ con rùa Sài Gòn. Tôi chỉ gò rùa giữa hồ Gươm, và dẫu chuyện trong tiểu thuyết lịch sử Bóng nước Hồ Gươm viết về Hà Nội cuối thế kỷ 19, nhà Nho, nhà văn Chu Thiên (tác phẩm Bút nghiên, Nhà nho) kể chuyện có một nhân vật là ông tú Nam kỳ người Biên Hòa, làm tri phủ một huyện ở Hưng Yên lấy cô Xuyến con gái ông bá hộ Kim, người xây Tháp Rùa ở hồ Hoàn Kiếm theo phong thủy để táng bố ông ở trên đảo rùa nhưng không thành. Hai vợ chồng ông tú giúp đỡ nghĩa quân Bãi Sậy, quân Pháp bắt hai người đem xử tử. Nhà văn Chu Thiên cho rằng: “Ông tú Nam kỳ là người đầu tiên lấy vợ Hà Nội”. Đó là cô Tư Hồng.

Nghe thủng rồi ông thích quá thể vì có người Cù lao Phố lấy vợ Hà Nội. Đang uống bia Trúc Bạch, ăn nem rán Sài Gòn, tôi đơm chuyện theo cụ Ngộ Không trong Chữ nghĩa làng văn ghi tích kỳ cổ: Năm 54, người Hà Nội mang nem rán Sài Gòn di cư vào Nam thì ngã ngửa ra món này, gốc tích của người Sài Gòn. Bởi ngược dòng vào năm 1883, người Sài Gòn theo chân những người làm thông ngôn ra Hà Nội mang món ăn Nam kỳ mở quán ở quanh hồ Gươm, mà người Hà Nội gọi là nem rán Sài Gòn. Hơn 60 năm sau, món này ngược về cố quốc Sài Gòn với tên cố lý thốn thổ của nó là chả giò.

Dòm cù lao rùa của Hà Nội hôm nay, tôi lụng bụng với người về từ Cù lao Phố nghĩ gì về hồ con rùa ở Sài Gòn với phong thủy, địa lý Tả Ao? Thì rõ cơ khổ, ông cười khục khục mà rằng Sài Gòn mưa đấy, nắng đấy còn gì nữa chăng…

Thạch trúc gia trang

Canh Tý 2020

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

(1) Có thể vì kỵ húy với hòang tử Cảnh, con của Nguyễn Ánh

nên Gia Định thông chíThự lục tiền biên của nhà Nguyễn

đổi tên Nguyễn Hữu Cảnh thành Nguyễn Hữu Kính.

 

Nguồn: Lý Thái Sơn, Nguyễn Kỳ, Tung Sơn, Nguyễn Đức Hiệp

Xuân Phương, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Văn Luận, Vũ Linh Châu

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search