T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: Nụ Cười Xuân

Mai Đêm – Tranh: Mai Tâm

 Tôi ngồi bó gối, nhìn những đốm lửa li ti, tí tách, tỏa ra từ những khúc củi đang cháy rực. Cái cảm giác chưng hửng, ngỡ ngàng làm tôi chếch choáng như say rượu. Không biết từ bao giờ, tôi gần như chấp nhận việc Phúc hủy bỏ những buổi tiệc tùng hoặc những cuộc rong chơi đã tính trước, để đi đâu đó hoặc làm việc gì cho Gia Chinh. Nhưng lần này thì khác, buổi họp mặt với lũ bạn thời trung học ngày hôm nay rất quan trọng, vì đây là lần đầu tiên mấy đứa con gái xí xọn của thuở áo trắng học trò, mang đức lang quân đến để ra mắt nhóm bạn bè cũ, có đến tám năm không gặp nhau. Sau “lễ ra mắt” trang trọng tại một nhà hàng nổi tiếng, các anh chồng sẽ được thả về, còn bọn tôi sẽ kéo đến nhà một đứa bạn trong nhóm, và tại đây, “ngũ long công chúa” tha hồ quậy. Điều thú vị hơn nữa là cuộc họp mặt này lại rơi vào tuần lễ cuối năm, nên chúng tôi sẽ có dịp thưởng thức bánh mứt và các món đặc sản của ngày tết trong lúc tía lia chuyện xửa, chuyện xưa một cách thoải mái mà không cần giữ gìn ý tứ, y như thuở mười tám, đôi mươi. Cả tuần nay, tôi đã bỏ thì giờ đi hết tiệm này, đến tiệm khác để chọn cho mình một chiếc áo đầm thật vừa ý, không quá lộng lẫy cũng không quá đơn sơ, mà phải quý phái một cách kín đáo. Phúc cũng vậy, tôi chọn cho anh một chiếc áo sơ mi phơn phớt màu lá mạ và chiếc cà vạt màu bạc với những sọc chéo mỏng, màu xanh đậm. Tất cả đã được chuẩn bị thật kỹ lưỡng  -chắc tụi bạn cũng không khác gì tôi, vì đứa nào mà chẳng muốn chồng mình điển trai, phong cách và lịch sự nhất. Vậy mà khi tôi đã sẵn sàng để ra xe thì Phúc nhận được điện thoại của Gia Chinh. Không biết chuyện gì đã xảy ra mà con bé khóc nức nở và Phúc chỉ kịp ôm lấy bờ vai tôi, hôn lên má một cái thật ấm với câu nói ngọt lịm:

-Xin lỗi em, con gái đang cần bố. Anh phải đi ngay, sẽ đền cho em vào dịp khác. Xin lỗi em. Ðừng giận anh nghe cưng!

Còn có dịp khác nữa sao? Tôi thảy chiếc ví lóng lánh những hạt thủy tinh lên sofa, ngồi bệt xuống bệ lò sưởi, nước mắt như chực trào ra “Má ơi! chỉ vì cãi lời má mà bây giờ con phải ngậm đắng, nuốt cay!”. Có bao giờ Phúc nhận ra nỗi tủi thân cũng như sự ganh tỵ đang ẩn giấu trong lòng tôi không? Má thường an ủi mỗi khi nghe tôi than thở như thế bằng câu nói vô thưởng, vô phạt:

-Ðàn ông mà!

Đang giận Phúc, nên tôi muốn má phải lên án, kết tội Phúc. Cái tội làm cho cô con gái cưng của má thỉnh thoảng lại phải rơi nước mắt. Nhưng không, ngày trước, má chống đối quyết liệt cuộc hôn nhân của Phúc và tôi bao nhiêu, thì bây giờ lại ngấm ngầm bênh vực anh bấy nhiêu. Những ai đã từng chứng kiến cảnh cô dâu khóc nức nở trong tiệc cưới, vì mẹ mình nhất quyết không tham dự cái đám cưới mà bà cho rằng làm mất thể diện gia đình, sẽ không tin những điều trái ngược đang xảy ra. Ðã một lần tôi hỏi má:

-Ðàn ông thì sao?

-Thì hời hợt, vô tâm, không để ý những chuyện nhỏ nhặt.

Tôi lắc đầu phản đối:

-Nhưng ba đâu có như thế. Con thấy, chỉ cần má nhăn mặt là ba đã ríu rít hỏi han, chuyện gì vậy em? em có sao không?

Cái lườm mắt của má không giấu hết nỗi sung sướng:

-Ôi chao! đâu có ai mà tẵn mẵn như ba mày.

Tôi phụng phịu:

-Má có biết con thèm cái tẵn mẵn đó biết chừng nào không?

Má vuốt tóc tôi, mắt đỏ hoe:

-Con biết tại sao má không đồng ý cuộc hôn nhân của con và Phúc không? Vì má đã nhìn thấy những khó khăn mà con phải đón nhận. Con gái của má lại là người yếu đuối từ thể chất đến tinh thần, má sợ con không chịu đựng nổi. Con thử nghĩ, làm sao má có thể chấp nhận đứa con yêu quý, xinh đẹp của má lấy người chồng lớn hơn cả chục tuổi đã một lần ly dị, lại còn có con riêng. Tim má đau như cắt khi thấy con bước chân vào con đường đầy chông gai. Hơn nữa, có đứa con nào lại không xót xa khi nhìn thấy mẹ mình buồn bã, héo hắt trong khi bố thì đang sung sướng, hạnh phúc bên người đàn bà khác.Và rồi, chính đứa con đó sẽ tạo ra sóng gió. Những cơn sóng đó nhiều khi chỉ làm chao đảo mặt nước, nhưng đôi khi, sức cuồng nộ của nó có thể cuốn trôi tất cả.

Tôi vội vàng lên tiếng bênh vực Gia Chinh một cách rất nhiệt tâm và thành thật:

-Nhưng Gia Chinh không như thế. Nó rất ngoan và rất thương con.

Một nụ cười hài lòng điểm trên môi má:

-Ðó là cái phước của con. Bởi vậy, má thương Gia Chinh như thương đứa cháu ngoại ruột thịt của má. Nhưng nếu con đã nhìn thấy điều đó, sao cứ giận hờn mỗi khi Phúc lo lắng chăm sóc nó.

Tôi bối rối bào chữa:

-Tại… tại vì Phúc không nghĩ đến cảm giác của con. Lúc nào Phúc cũng đặt đứa con riêng của mình lên hàng đầu, thì trách sao con không nổi giận.

-Nhưng nhờ sự chứng tỏ mình là một người cha có trách nhiệm đối với đứa con bất hạnh mà Phúc chinh phục được cảm tình của ba má. Lần con trở về nhà khóc bù lu bù loa sau đám cưới chỉ có vài tháng, má đã tìm Phúc mắng một trận. Phúc im lặng ngồi nghe với thái độ nhẫn nhịn, trên khuôn mặt không lộ chút khó chịu hay bất mãn. Khi má đứng lên, chuẩn bị ra về, Phúc đã lễ phép thưa “Xin má tha lỗi và hiểu dùm con. Nếu như con chỉ biết tìm hạnh phúc cho bản thân mình, thì vô tình con lại rạch thêm một cắt vào trái tim bé nhỏ của đứa con vô tội. Con yêu Hạnh Duyên bằng tất cả tấm lòng của con và nguyện sẽ mang đến cho Duyên một cuộc sống sung sướng, từ vật chất đến tinh thần. Nhưng xin cho con được làm tròn bổn phận người cha. Một người cha có lỗi với con gái của mình, vì đã tạo ra nó mà không cho nó một mái ấm gia đình”. Câu nói đó đã đánh trúng vết thương sâu hoắm mà ông ngoại đã để lại trong lòng má, lúc má dắt hai cậu tìm ông, sau khi bà ngoại qua đời. “Lớn rồi, tự lo thân đi, mấy đứa nhỏ ở nhà này tao lo còn không nổi, làm sao gánh thêm ba miệng ăn”. Mười lăm tuổi, nhưng má cũng đủ già dặn và gai góc để trả lời “Không lẽ, chỉ có những đứa do bà vợ trẻ của ba sinh ra mới là con của ba, còn tụi con là thứ dư thừa, rác rưởi sao?”. Vừa giận, vừa tủi thân, má về quê, tìm bà dì Tư, chị của bà ngoại và nương náu nơi đó cho đến lúc trưởng thành. Suốt quãng đời thơ ấu, má đã sống với mặc cảm mình là đứa con bị bỏ rơi và luôn cảm thấy lạc lõng bơ vơ, thiếu hẳn tình thương của cha, dù cha vẫn còn hiện diện trên cõi đời. Sau cuộc gặp gỡ không ai biết giữa má vợ và con rể, má đã có cái nhìn khác về Phúc, và trong sự cảm mến có cả lòng khâm phục. Phúc rất thương yêu và nâng niu con, điều đó ai cũng nhìn thấy. Vì thế, con hãy cố gắng vượt qua sự ích kỷ thường tình, để xóa đi cái ranh giới luôn có giữa mẹ ghẻ và con chồng. Ðiều này sẽ giúp cho gánh nặng trong lòng Phúc được nhẹ đi phần nào và càng làm cho Phúc quý con hơn, Gia Chinh cũng sẽ thương con hơn.

Tôi -đứa con gái ngoan của má- đã răm rắp làm theo lời má dạy. Nhưng lần này thì ngoại lệ. Bởi vì tôi là người khởi xướng chương trình hội ngộ, kêu gọi, tập họp bạn bè, cuối cùng lại biến mất. Ðể rồi xem, mấy đứa bạn chanh chua của tôi sẽ mặc sức mắng nhiếc, rủa xả tôi cho đã cơn giận. Phúc ơi! em sẽ giận anh, sẽ ghét anh cho đến hết cuộc đời này!!!

 

***

Gia Chinh gối đầu lên đùi tôi, say sưa chìm vào giấc ngủ. Những giọt nước mắt còn đọng ướt trên đôi mắt một mí với hàng lông mi dày đen nhánh. Tôi vuốt nhẹ những sợi tóc lòa xòa trên vầng trán thông minh của đứa con gái mười hai tuổi, đang co rúm người trong nỗi sợ hãi trước căn bệnh thập tử, nhất sinh của mẹ mình.Và đó cũng là lý do để tôi không còn giận hờn Phúc nữa, khi biết vì sao anh thất hứa với tôi, để tất tả chạy đến với con gái. Lần đầu tiên, sau hai năm làm vợ Phúc, tôi mới nghe anh kể về cuộc hôn nhân tan vỡ của anh và người vợ cũ.

“Mười bốn năm trước, anh và Gia Minh vừa gặp nhau đã bị cú sét ái tình giáng trúng. Lúc đó, cả hai còn trẻ, nên chỉ sống theo cảm tính với tất cả sự đam mê cuồng nhiệt. Sáu tháng quen biết chưa đủ để hiểu nhau một cách tường tận, đã vội vàng kết hôn. Về sống với nhau không đầy năm thì đã nhận ra sự khác biệt quá to lớn giữa hai vợ chồng. Gia Minh mồ côi từ nhỏ, phải nương tựa vào gia đình chú ruột. Người thím dâu và các con đối xử với Gia Minh rất lạnh lùng, có phần khắc nghiệt, nên với bản năng tự vệ của một đứa trẻ cô thế, tính tình Gia Minh trở nên ngang bướng và tự ái ngất trời. Bởi tính nết đó mà khi sống với nhau, Minh cứ ngông nghênh làm mọi việc theo ý mình, không cần biết đến cảm giác của chồng. Khi bé Chinh được ba tháng thì Minh gia nhập vào nhóm bạn mới, đi chơi khắp nơi, bất kể giờ giấc, dù ban ngày hay ban đêm. Gia Minh không hề băn khoăn, thắc mắc, bé Chinh còn quá bé, nó sẽ ra sao khi ở nhà với một ông bố không hề có kinh nghiệm trong việc chăm sóc con cái. Nhưng nếu anh lên tiếng phàn nàn thì chiến tranh ùn ùn kéo đến. Nỗi thất vọng trong anh ngày càng lớn, vì anh không tìm thấy một Gia Minh của ngày đầu yêu nhau. Sự dịu dàng, tế nhị của Minh hình như hoàn toàn biến mất sau tuần trăng mật. Mới đầu, vì bé Chinh nên anh cố gắng nhường nhịn, nhưng khi sự chịu đựng đã vượt qua giới hạn thì tất cả nổ tung. Anh quyết định ly dị. Gia Minh phản đối kịch liệt. Anh không hiểu suy nghĩ của Minh. Sống với nhau không có được một ngày hạnh phúc, chỉ cãi vã, kình chống, dày xéo nhau bằng những lời nặng nề, cay nghiệt thì cuộc sống còn có ý nghĩa gì mà phải níu kéo. Giằng co mãi, cuối cùng mỗi người một con đường. Trong gia đình, anh là người chăm sóc bé Chinh, nhưng Gia Minh quyết liệt tranh giành quyền nuôi con, chỉ với mục đích làm cho anh điêu đứng. Em nhớ không, sau khi mình kết hôn, Gia Minh không cho anh gặp bé Chinh. Thật ra, anh có quyền khiếu nại lên tòa án, nhưng anh không làm như vậy, mà chỉ tìm gặp và tha thiết yêu cầu Minh đừng chia cách tình phụ tử, hãy cho anh cơ hội làm tròn trách nhiệm của một người cha. Gia Minh lạnh lùng trả lời “về mà hưởng hạnh phúc đi, rồi anh sẽ có hàng đống con, và lúc đó anh sẽ cảm thấy đứa con bây giờ là một gánh nặng cho anh”. Anh biết Gia Minh cay đắng vì cái hạnh phúc anh đang có nên muốn trả thù, muốn làm khổ anh, vì hơn ai hết, Gia Minh biết rằng anh rất thương yêu bé Chinh. Nhưng thật ra, người khổ nhất chính là đứa con gái vô phúc ra đời không đúng nơi, đúng chỗ”.

Chỉ sau một ngày Phúc kể cho tôi nghe những gì đã xảy ra trong quá khứ đau buồn của anh, chị Gia Minh đã hẹn gặp tôi vào buổi trưa trong một quán ăn nơi góc phố. Với tôi, cuộc gặp gỡ này không thoải mái chút nào. Khi nghe Gia Chinh nói trên phone “Cô Duyên ơi! Mẹ muốn gặp cô”, dĩ nhiên tôi phải nhận lời, không phải vì người vợ cũ của chồng tôi, mà vì Gia Chinh, nhưng trong lòng cứ phập phồng, lo lắng, không biết mục đích của cuộc gặp gỡ này là gì. Từ lâu, chị vốn rất lạnh lùng mỗi khi vô tình chạm mặt nhau, dù tôi luôn chào hỏi vui vẻ. Chính Gia Chinh cũng nhận ra điều này, nên khi nào có mặt mẹ, Gia Chinh luôn giữ khoảng cách với tôi -nhưng nếu có một mình, nó sẽ nhảy cỡn, reo lên “Cô Duyên! Cô Duyên” và ôm xiết lấy tôi. Những lúc phải làm mặt lạ với tôi, Gia Chinh thường cảm thấy có lỗi, nên sau đó, thế nào cũng gọi điện thoại, giọng buồn rầu “Con xin lỗi cô Duyên”.  Tôi thương Gia Chinh vô cùng, vì mới chừng ấy tuổi mà nó phải cân phân, đắn đo trong cách cư xử, để không chạm vào nỗi đau của mẹ, mặt khác lại muốn làm vui lòng Phúc và tôi. Ai cũng nói “Con bé này lạ, chứ nhằm đứa khác, nó chẳng ưa gì mẹ ghẻ đâu”. Phúc rất vui về điều này. Anh nói “Vì Gia Chinh biết em thương nó thật lòng”. Ðúng thế, tôi vốn mê trẻ con từ hồi còn bé, lại còn có khả năng chinh phục bọn nhóc, mà Gia Chinh thì rất dễ thương, nó luôn dành cho tôi tình cảm ngọt ngào qua những món quà nho nhỏ tự tay làm lấy và lén mẹ để “tặng cô Duyên”.

Ngồi trong quán ăn, chị Gia Minh nhìn tôi bằng ánh mắt dịu dàng, thân thiện:

-Xin lỗi em vì cuộc hẹn đường đột ngày hôm nay. Tôi suy nghĩ rất nhiều với chút ngần ngại và hổ thẹn khi nhớ lại những thái độ không đẹp đối với em trong thời gian qua.

Tôi tròn mắt ngạc nhiên trước thái độ mềm mỏng bất ngờ của chị Gia Minh. Vì từ trước đến giờ, dưới mắt tôi, chị là một người đàn bà lạnh lùng, cao ngạo. Những khi tôi cùng Phúc đến đón hoặc đưa Gia Chinh về nhà, chị luôn nghênh mặt nhìn chúng tôi bằng đôi mắt, nửa như thách thức, nửa như oán giận. Tôi nghĩ, mình hoàn toàn không có lỗi trong việc chia tay của vợ chồng chị, vì tôi và Phúc kết hôn sau khi hai người ly dị được hai năm. Hơn nữa, nhìn cảnh lẻ loi, đơn độc của chị mỗi khi Gia Chinh về ở với chúng tôi trong hai ngày cuối tuần, tôi cũng cảm thấy chạnh lòng, nên không trách chị.

-Nói thật, tôi rất hận Phúc, nhất là khi anh cưới vợ. Rồi đôi lúc, chính mắt tôi nhìn thấy Phúc nâng niu, quý trọng em, lòng ganh tỵ của tôi lại nổi lên. Từ ganh tỵ đi đến ghen ghét không xa, nhất là khi tôi nhìn thấy tình cảm sâu đậm mà Gia Chinh dành cho em. Chắc em cũng thông cảm được khi tôi xác nhận rằng, tôi không thể chấp nhận việc bé Chinh quấn quýt bên người đàn bà đang thay thế vị trí của tôi… vì thế, tôi đã tìm đủ mọi cách để tách rời nó khỏi vòng tay của em. Nhưng khi nhìn sự buồn bã của con, tôi mới chợt nhận ra mình quá ích kỷ, vì nó chỉ thật sự vui mỗi khi đến với bố. Dù Gia Chinh cố tình giấu giếm, nhưng tôi biết con bé rất thương yêu em. Ngày trước, tôi thật đau lòng khi nghĩ đến điều này, nhưng bây giờ tôi có thể an tâm… Chắc em có nghe Phúc nói về bệnh tình của tôi.

Tôi cúi đầu đáp khẽ:

-Dạ! em mới biết tối qua.

-Cũng vì chuyện này mà tôi gặp em ngày hôm nay. Thứ nhất, tôi muốn được nói lời xin lỗi với em và Phúc, vì thật sự tôi đã tự đánh mất hạnh phúc của mình, chứ không phải Phúc phụ bạc tôi. Thứ hai, xin em ban cho tôi một ân huệ.

Chị dừng lại, nước mắt ứa ra, đôi môi mím chặt như để kìm nén nỗi xúc động. Phải khá lâu chị mới khẽ khàng cất giọng:

-Nếu lỡ như ca mổ ngày mai thất bại và tôi có mệnh hệ nào… Xin em đừng nhớ những gì không phải tôi đã từng đối xử với em, mà hãy nghĩ đến một đứa trẻ mồ côi mẹ, đã có một quãng đời thơ ấu thật buồn thảm bên cạnh người mẹ tâm tính bất thường, chỉ biết sống trong sự oán hận. Oán hận cuộc đời, oán hận số phận và oán hận ngay chính cả bản thân mình, đến nỗi quên mất đứa con bé bỏng bên cạnh rất khao khát được yêu thương, quan tâm và chăm sóc bởi bàn tay người mẹ. Xin em thương Gia Chinh như đứa con do chính em sinh ra. Niềm ao ước lớn nhất của tôi bây giờ là được tiếp tục sống để đền bù cho đứa con gái tội nghiệp những gì tôi đã thiếu sót đối với nó. Tôi thật có lỗi với Gia Chinh.

-Chị hãy an tâm, từ ngày đầu tiên gặp Gia Chinh cho đến giờ, lúc nào em cũng thương và xem nó như con của em.  Em và anh Phúc cùng Gia Chinh sẽ luôn cầu nguyện cho chị sớm được bình phục.  Với sự tiến bộ của y học ngày nay, căn bệnh của chị sẽ được chữa lành. Chị hãy tin như thế.

Chị Gia Minh gượng cười sau bàn tay vừa đưa lên quệt nước mắt.

-Nhưng trải qua tám tiếng đồng hồ chịu đựng dao kéo, không biết trái tim tôi còn có thể tiếp tục đập nữa hay không.

Tôi vỗ nhẹ bàn tay chị Minh như lời an ủi rất chân thành mà trong lòng cũng trĩu nặng nỗi âu lo khi nghĩ đến bé Chinh và câu nói “đứa trẻ mồ côi mẹ” mà chị vừa nói.

Cách đây vài mươi phút, khi vừa đến nơi phải có mặt để dự một buổi họp quan trọng của công ty, Phúc đã gọi tôi:

-Cám ơn sự độ lượng của em. Em đã vì anh mà làm tất cả.

Tôi trêu ghẹo Phúc trong niềm hạnh phúc:

-Không phải vì anh đâu, mà vì Gia Chinh đó. Sao có người lại tưởng mình quan trọng nhất vậy ta. Mắc cở quá đi.

Giọng Phúc nhỏ xuống như tiếng thì thầm:

-Vì ai cũng được, nhưng anh muốn nói với em rằng, anh luôn cảm tạ thượng đế đã gửi đến cho anh một người vợ hiền hậu, dịu dàng, quảng đại, lúc nào cũng biết nghĩ đến người khác. Anh yêu em nhiều, nhiều lắm.

-Trời ơi! cái mũi em sắp nổ tung rồi nè ông xã! Thôi, em không nói nữa để giữ im lặng cho con gái cưng ngủ.

Tiếng cười của tôi làm Gia Chinh thức giấc.  Con bé bật dậy hỏi tôi bằng giọng lo âu:

-Mẹ con sao rồi?

-Bác sĩ đã cho mẹ ra phòng ngoài. Cơn nguy hiểm đã qua, mình tiếp tục cầu nguyện cho mẹ sớm bình phục và tiếp tục vào đây mỗi ngày để săn sóc mẹ. Gia Chinh chịu không?

Gia Chinh ôm hôn tôi một cái thật dài để bày tỏ sự vui mừng. Tôi nghĩ, từ nay bé Chinh mới thật sự được đón nhận tình thương đậm đà của người mẹ vừa từ cõi chết sống lại, cùng với sự thức tỉnh sau những năm dài triền miên đắm mình trong nỗi bi hận do chính mình tạo ra.

Con bé đăm chiêu nhìn lên quyển lịch trên tường rồi nghiêng đầu hỏi tôi:

-Không biết mẹ có kịp về nhà ăn Tết không?  con muốn cô Duyên giúp con sửa soạn lại nhà cho thật là Tết để đón mẹ. Con nhớ hồi còn ở chung với bố, năm nào mẹ cũng mua hoa cúc, hoa Lan, mứt và nhiều thứ nữa mà con không nhớ hết, rồi chưng bày thật đẹp. Những lúc đó mẹ vui lắm, mẹ còn dạy con hát mấy bài nhạc xuân nữa.  Năm nay con muốn dành cho mẹ một bất ngờ.

-Ừ! cô sẽ giúp đứa con gái ngoan của cô.

Tôi bật máy, tìm kiếm một lúc rồi dí cái  “earplugs” vào tai Gia Chinh một khúc nhạc xuân rộn rã.
Gia Chinh rùng vai cười  khúc khích. Cả mùa xuân như gói trọn trong tiếng cười hồn nhiên của đứa con gái sẽ bắt đầu những ngày hạnh phúc thật sự []

Ngân Bình

 

 

©T.Vấn 2020

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search