T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khải Triều: Mấy mùa xuân chết!

 

Tiếng chó sủa đêm – Tranh: Thanh Châu

Xưa nay chỉ nghe nói mùa thu chết, mà không nghe nói mùa xuân chết bao giờ. Bởi vì, trời đất có những hiện tượng để chỉ mùa thu chết: như gió heo may bỗng từ đâu thổi về, làm cho khi trời dịu, mát, lại có “mưa thu” gợi nhớ cố nhân hay người xa vắng, lá trên cành đổi từ mầu xanh sang mầu vàng rồi rụng đầy mặt đất dưới gốc cây, tạo nên một thảm lá vàng diệu kỳ trong những khu rừng, một cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt vời. Từ xa xưa cho đến hiện tại, có biết bao tâm hồn nghệ sĩ ngẩn ngơ, bâng khuâng, say đắm trước những cảnh trí thiên nhiên của mùa thu như thế. Họ đã để lại cho đời biết bao nhiêu là họa phẩm, nhạc phẩm, bao nhiêu vần thơ, bao nhiêu áng văn tuyệt tác về mùa thu.

Mùa thu đẹp thật, lãng mạn quá! Còn mùa xuân thì lại tươi thắm quá, tượng trưng cho người đàn bà, con gái đang độ “xuân thì” và cho người thanh niên trai tráng “đương độ”, như Quang Trung Nguyễn Huệ cưỡi voi, áo bào nhuộm khói súng, cát bụi sa trường dẫn đoàn quân áo vải uy dũng vào Thăng Long, tướng Tàu phải vội vã trốn chạy. Thiên hạ nói thế. Lịch sử nói thế. Cũng đúng. Khi trời đất chuyển sang mùa xuân, thì cây cối đổi thay. Lá trên cành trổ sinh màu xanh tươi dịu dàng, mơn mởn. Rồi hoa nở. Có những bông hoa đẹp rực rỡ khiến khách ngỡ ngàng, mà cũng có những hoa đẹp dịu dàng, e ấp như cô thôn nữ. Mùa xuân là mùa của hy vọng, mùa của tình yêu trong trắng, mùa của những ý tưởng cao cả, nhân ái, nhân bản. Đối với người Việt Nam, mùa xuân bắt đầu cũng là dịp đón một cái tết mới, một tuổi mới; nó còn là mùa của gặp gỡ giữa người sống và người đã khuất. Ngày “Ông Táo”, 23 tháng Chạp, là ngày bắt đầu cho những ngày sau đó, người ta đi viếng các phần mộ người thân, làm cỏ và làm sạch sẽ chung quanh mộ, thắp nhang, cúng vái, tùy theo tín ngưỡng của người ta. Ngày Đầu Mùa Xuân cũng là dịp đoàn tụ, sum họp giữa ông bà, cha mẹ và con cháu, đặc biệt giữa những người “ở nhà” với người đi xa học tập hay làm ăn trở về. Còn một điểm nữa là, ngày xuân còn là dịp của thăm viếng giữa những người trong cùng một dòng họ hay giữa bằng hữu với nhau. Đây cũng là dịp người ta chào hỏi, chúc tuổi, chúc năm mới cho nhau; làm ăn phát đạt, thăng quan tiến chức; con gái chưa chồng thì kiếm được chồng sang, giầu có; con trai chưa vợ thì kiếm được vợ hiền, con nhà gia giáo, ngoan hiền. Mấy ngày đầu năm, người ta rất hiếm nhìn thấy một khuôn mặt nào nhăn nhó, khó chịu. Nếu muốn nói một vài lời khó nghe đối với ai trong nhà, thì cũng cố mà chịu đựng. Vì, như vậy là “xui lắm”! Những ngày đầu xuân “đẹp” như thế, nên trong nhà vợ chồng, anh em không hề xảy ra chuyện cãi vã nhau; hàng xóm hay ngoài ngõ cũng không xảy ra đánh lộn chửi thề, văng tục.

Trên đây chỉ là cảm nghĩ của một người, một thành phần trong xã hội. Ngày nay có mạng lưới Internet, với nó, người ta có rất nhiều những hình ảnh phong phú, mầu sắc của mùa xuân, mùa thu đa chiều cuốn hút sự chú tâm của rất nhiều người.

Vậy mà, tôi lại chọn một cái tựa đề cho bài này xem ra nghịch lý: Mấy mùa xuân chết !

Mấy mùa xuân chết này xảy ra tại đâu, tại sao mùa xuân lại chết !?

-Nó chết do bọn lãnh chúa thờ thần ngoại bang, hay là thờ chính cái lòng dục của chúng về danh-lợi-quyền và, phản bội tín ngưỡng của người dân dưới sự cai trị của họ. Bọn này rất độc ác, không còn tính người.Người dân sống trong lãnh địa của bọn này quảng bá rộng rãi một lời nói về chúng rằng: “Hèn với giặc-Ác với dân”.Đây là một thái độ phản ảnh tinh thần phản kháng chính xác của người dânđối với chúng.

Mùa xuân thứ nhất chết là năm Mậu Thân (1968).

Lúc này nước đang có chiến tranh giữa hai miền trong cùng một nhà. Bọn giặc nội địa câu bè kết đảng với ngoại nhân gây ra cuộc chiến tranh này từ hơn mười năm về trước (tức năm 1955), sau khi cũng nhờ có ngoại nhân mà chúng có được miền Bắc kể từ năm 1954, nhưng tham vọng lãnh thổ quá mức của bọn đầu sỏ quốc tế mà những kẻ giặc nội chỉ là bộ hạ, là tay sai lại nuôi ý đồ chiếm cả miền Nam hầu cai trị toàn vẹn mảnh đất hình chữ S Tổ tiên để lại.Tết Nguyên Đán theo truyền thống của Tổ tiên Việt tộc, mừng vào ngày đầu xuân, nó trở nên một biểu tượng rất thiêng liêng, mọi người trân trọng bảo tồn nét tinh túy của giống nòi, có từ mấy ngàn năm rồi.Có lẽ vì thế mà trước kia, tháng Giêng được dành riêng ra cho việc nghỉ ngơi bồi bổ sức khỏe, cả thể xác lẫn tinh thần. Mặt khác hình thức này còn là cách tổ tiên chúng ta biết bảo vệ thiên nhiên.

Thiên – Nhân tương dữ

Thiên sanh nhơn – Hà nhơn vô lộc. Địa sanh thảo – Hà thảo vô căn? Nghĩa: Trời sanh ra loài người, có ai là chẳng có miếng ăn. Đất sanh ra cỏ,có loài cỏ nào mà không rễ? (Theo Lê Văn Đức – Lê Ngọc Trụ trong Tự điển Việt Nam, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn 1970)

Cho nên, trước Tết, hai bên tham chiến ký một thỏa thuận “ngưng bắn”, để người dân cũng như lính tráng của hai bên sum vầy, đoàn tụ “Ăn Tết” với gia đình.Thế nhưng, lịch sử còn đó ghi nhận rằng: lực lượng của những kẻ nội thù bất ngờ tung ra cuộc tấn công sân bay Nha Trang vào lúc 0 giờ ngày 29 tháng 01 năm 1968, là giờ Giao thừa theo lịch của miền Bắc. Từ0 giờ 30 phút đến 1 giờ 15 phút ngày 30 tháng 1 năm 1968, là đêm Giao thừa Tết Mậu Thân theo lịch miền Nam, tấn công Kontum, Gia Lai, Bình Định, Đà Nẵng.

Có 3 đợt tấn công năm 1968 trên khắp các tỉnh thành của Miền Nam. Kinh hoàng nhất là đợt một (từ 30 tháng 1 đến 28 tháng 3), với các trận đánh tại Sài Gòn và Huế. Trận chiến ở Huế kéo dài 25 ngày đêm, từ 31 tháng 1 đến 24 tháng 1 năm 1968.

Mùa xuân và cái Tết Canh Tý năm 2020 này là đúng 52 năm kể từ đó. Nhưng người dân Việt, còn gọi được là như thế, vẫn không thể quên Huế đau thương, Huế bi thảm, Huế trầm uất, Huế hãi hùng đến rợn người. Máu người dân Huế ngập ngụa như bùn dưới chân. Huế với những hố chôn tập thể của hàng ngàn người vô tội. Huế là chứng cứ tội ác chiến tranh hãi hùng nhất của kẻ nội thù trong dân tộc Việt.

Cuộc tổng tấn công Tết và mùa xuân năm Mậu Thân trên khắp các tỉnh thành miền Nam của các lực lượng quân sự của miền Bắc Cộng sản, là chứng cứ còn ghi dấu trong lịch sử ngàn năm của dân tộc Việt, về hành động hủy diệt Văn hóa truyền thống của giống nòi được mệnh danh là Văn hiến chi bang. Vì họ không có trời cũng không có đất làm nền móng cho cuộc nhân sinh của họ. Cho nên họ hành động như thể một loài dã thú khát máu.

Mùa xuân thứ hai chết, là Vườn rau Lộc Hưng, Tết Quý Hợi (2019)

Khu vực Vườn rau Lộc Hưng, thuộc Phường 6 Quận Tân Bình thành Hồ, với hàng trăm gia đình bị tan cửa nát nhà, thành bãi đất hoang. Giờ đây họ thành những kẻ không nhà. Họ chống đối thì mất việc. Đây là hậu quả của cái luật phi luật hay là luật của những kẻ coi dân như con sâu cái kiến, không có tiếng nói: “đất đai thuộc toàn dân” ! Nhưng cũng chẳng là của ai cả, trừ những kẻ ở bậc cao trong quan trường và những kẻ cơ hội !

Đêm ngày 03-01-2019, nhà cầm quyền thành Hồ, đã hoàn thành việc cướp đoạt khu đất Vườn rau Lộc Hưng, bất chấp đạo lý truyền thống của dân tộc về ngày Tết cổ truyền đang đến gần, bất chấp lẽ phải, pháp lý về chủ quyền khu đất từ năm 1945, do Hội Thừa Sai Paris giao, tổng cộng 60.000m2, đài phát tín xây trên diện tích 12.000m2. Phần đất còn lại là 48.000m2 (4,8ha), giao cho dân di cư làm vườn rau, tới nay cũng đã 65 năm! Việc cướp đoạt này sẽ có 3 đợt, xong trước tết âm lịch. Nhưng không tới đợt 3 mà việc đã xong, ấy là vì lực lượng tung vào “cuộc cướp đoạt” quá hùng hậu với những hành động ngông cuồng, ngạo mạn. Ngay sáng ngày 04-01-2019, những tên chỉ huy vụ cưỡng chiếm, đã bắt đem đi những người dân có đất, nhà ở vườn rau này bị phá sập tan hoang, vì đã lên án mạnh mẽ nhất những kẻ gây bao đau thương cho họ và người dân lành đã sống tại đây hơn nửa thế kỷ. Trong những người bị đem đi, có người là giáo viên, người là công nhân, người là nhân viên…Từng thành phần bị đe dọa riêng biệt, như: Suy nghĩ đi, có làm được gì thì làm, không thì về làm đơn xin nghỉ dạy…

Mùa xuân thứ ba chết, là thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Tết Canh Tý (2020)

Thôn Hoành thuộc xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Tp. Hà Nội. Sự việc xảy ra đã  hơn mười ngày, trước khi tôi viết bài này. Vì sự việc quá nghiêm trọng đối với người dân thôn Hoành xã Đồng Tâm và đối với chính quyền Cộng sản Việt Nam hiện tại, nên các bài viết của nhiều thành phần xã hội đã làm cho cả cái Bộ Thông tin-Truyền thông và cái Tuyên giáo Trung ương hầu như chống đỡ không nổi. Càng lý sự thì càng phơi bày sự gian trá và sai lầm trong việc tấn công người dân thôn Hoành xã Đồng Tâm. Trước hết là:

-Thời gian hành động: 3 giờ sáng ngày 9-01-2020 lực lượng tấn công tiến vào thôn Hoành, 4 giờ bắt đầu nổ súng.

Theo điểm b, khoản 1, điều 70 Luật đất đai năm 2013 về cưỡng chế quy đinh: “Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính”.Dư luận xã hội coi việc tấn công người dân Đồng Tâm vào nửa đêm như vậy là hành động bất minh, mờ ám không phải của một nhà nước pháp quyền, một nhà nướcvì dân cho dân.

-Lực lượng tấn công khoảng 3.000 người, một trung đoàn tác chiến, gồm Cảnh sát cơ dộng, Công an, Đặc công quân đội với võ khí đầy đủ hơn gấp ngàn lần những người lính trên đảo Gạc Ma khi đối đầu với lính Trung Quốc trước đây, lại còn có lệnh “Không nổ súng!” khiến 64 lính Hải quân phải nắm tay nhau thành một vòng tròn chịu để cho lính của giặc Tàu Cộng thảm sát!

Tại sao một nhà nước, một chính quyền có một quyền lực vô địch như nhà nước Cộng sản Việt Nam này lại dùng một lực lượng quân sự đông đảo như thế để tấn công MỘT THÔN hay MỘT GIA ĐÌNH không có võ khí trong tay, không thành lũy, không  giao thông hào, nhất là gia đình cụ Lê Đình Kình, một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam có gần 60 tuổi đảng, chưa bị truất quyền đảng viên ? Càng nghĩ người ta càng không hiểu sự phi lý của nó, sự cuồng động của nó. Nó chỉ có thể nẩy sinh từ những con người không lý trí, để lộn cứt lên đầu, giống như loài tôm, muốn trở thành rồng như cá chép trong cuộc thi vượt vũ môn. Ví dùng quá sức mà không được nên cứt mới lộn ngược lên đầu tôm. Những kẻ ra lệnh cho binh lính “xuống tay” một cách tàn bạo trong vụ Đồng Tâm cũng từ chỗ quá cao ngạo, khinh thường người dân, chẳng những người dân ở thôn Hoành mà cả 90 triệu dân trong cả nước.

Nhà văn Võ Văn Tạo (trên Internet) đã giải thích lý do này. Ông nhớ lại ngày 15-4-2017, lực lượng vũ trang vào đàn áp người dân thôn Hoành (xã Đồng Tâm), người dân đã chịu nhiều áp lực quá, nên họ đã vùng lên bắt 38 cán bộ, chiến sĩ, cảnh sát cơ động, trong đó có cả cán bộ huyện, làm con tin. Họ đòi ông chủ tịch Hà Nội hoặc cấp trên nữa phải về để đối thoại với họ, để giải quyết dứt điểm chuyện đồng Sênh.Theo ông, đây là một trong những lý do Cộng sản Hà Nội tấn công vào thôn Hoành, bắn chết cụ Lê Đình Kình đêm 9/1/2020. Vì theo sự kiêu ngạo của họ, họ không thể chấp nhận được việc người dân bắt giữ cán bộ của chế độ làm con tin.

Nhưng chế độ hành xử vô pháp thì người dân có quyền tự bảo vệ mình.

Đã hai tuần lễ trôi qua kể từ sáng sớm ngày 9/1/2020 đến nay, đã có nhiều ý kiến nhiều cái nhìn nói lên nỗi bất nhẫn của dư luận xã hội, về nỗi đau của người dân Đồng Tâm và những tiếng nói ấy cũng xỉ vả nhà cầm quyền nhiều vô kể. Nên có lẽ chưa bao giờ chế độ CSVN lại chịu nhiều lời nguyền rủa như vậy. Nếu họ biết liêm sỉ là thế nào thì họ nên im lặng mà nghe thiên hạ chửi, chứ cố cãi, cố giảng giải, cố mang hình con ngáo ộp “lực lượng thù địch” ra dọa thiên hạ, thì càng đổ thêm dầu vào lửa, như ngăn chặn đồng tiền người dân gửi về phúng điếu trong đám tang cụ Kình, bảo đó là tiền của nhóm “khủng bố”. Việc truy tặng huân chương cho ba công an chết vì chính họ hoặc đồng đội của họ trong lúc tấn công nhà cụ Kình, càng làm cho dư luận cuồng nộ. Có nhà văn viết trên trang mạng báo Tiếng Dân đã đưa ra những bằng chứng cụ thể về “kịch bản” hoàn toàn dối trá từ mọi chi tiết của cuộc tấn công. Trong vụ việc này, hơn 800 tờ báo của nhà nước đã thua những tiếng nói của lương tâm, của trí tuệ Việt Nam, của Lẽ Phải.

Dối trá ngay từ bản thông cáo đầu tiên trong ngày 9-1-2020 của Bộ công an, như thể sự việc đã xảy ra ở khu vực cánh đồng Sênh, đang xây tường ngăn cách khu đất sân bay Miếu Môn, thì người dân Đồng Tâm đến ngăn cản. Đụng độ xảy ra, dẫn đến cái chết của cụ Kình và ba công an…

09/01/2020

Bộ Công an ngày 9/1 có thông báo về vụ việc gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, từ ngày 31/12/2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn, thành phố Hà Nội theo kế hoạch.

Trong quá trình xây dựng, sáng ngày 9/1/2020, một số người có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ công an hy sinh, 1 người chống đối chết, 1 người bị thương.

Thông báo của Bộ Công an

Các đơn vị chức năng đã khống chế và bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện các đơn vị liên quan đang xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn theo kế hoạch.

Đoạn văn chữ nghiêng này là nguyên văn thông cáo của Bộ Công an. Bây giờ, sau cái thông cáo này, thì mọi người đã biết cuộc tấn công của các lực lượng võ trang của nhà cầm quyền Cộng sản đã hoàn toàn khác. Người dân thôn Hoành đang ngủ tại nhà ở thôn Hoành chứ không điên như cái thông cáo kia nói họ tấn công các lực lượng chức năng đang xây tường rào ở khu đất của sân bay Miếu Môn (thông cáo của Bộ CA “ám chỉ” như vậy). Việc ba công an chết cũng vậy. Cho đến nay cũng chỉ biết họ ngã xuống “giếng trời” vì trời tối: người thứ nhất, rồi người thứ hai và chết cháy thành than là do chất nổ họ quấn vào người. Người thứ ba chết do đạn đồng đội.

Dối trá như thế, lừa gạt nhân dân như thế mà mấy ông cai trị ngồi cao lại ban ra những cái huân chương chiến công hạng nhất cho ba công an chết tức tưởi và lãng nhách như thế, lại còn bắt người khác học tập “cái gương” không có thật này, thì quả là một “trò hề !”

Tôi không tin TẤT CẢ mấy triệu đảng viên đảng Cộng Sản VN đều tin và nghe theo những gì Trung ương Đảng và guồng máy tuyên truyền của chế độ nói ra. Cụ thể là những tiếng nói phản biện do chính các đảng viên trong đảng đã và đang lên tiếng trong nhiều vấn đề, như sự ngông cuồng của Tàu Cộng ở Biển Đông, ở Formosa, ở các khu vực như một làng, một thị trấn của riêng người Tàu sinh sống hiện nay và đặc biệt vụ Đồng Tâm hôm 9/1/2020. Chính họ sẽ lật đổ chế độ hiện hành ở Việt Nam, điều mà ngay Tổng Trọng lo sợ, ông gọi đó là “tự diễn biến”, vì đó là cái lo thuộc nội bộ, không do bên ngoài, cũng khôngdo “lực lượng thù nghịch” nào, như gần đây ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, người có thế ngồi vào ghế TBT Đảng trong kỳ Đại hội Đảng thứ XIII vào đầu năm 2013, đã nói công khai và không chút dè dặt gì. Dư luận các trang báo mạng đã ghi nhận điều này. Và coi đây như một dấu hiệu tích cực để gỡ rối nhiều vấn đề hiện bế tắc do sự “không minh bạch” trong lãnh đạo.

Trong một livestream chúng tôi nghe được, phát đi tối ngày 23-01-2020 tiết lộ từ cựu đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang, người có 45 năm công tác trong ngành, cho biết vì sao Nguyễn Phú Trọng đồng ý ra lệnh bắn cụ Lê Đình Kình. Đại tá Quang nêu ra 4 lý do:

1-Tiêu diệt bằng được cụ Lê Đình Kình

2-Tịch thu hết hồ sơ tài liệu chứng cứ mà cụ Kình đang cất giữ

3-Bắt bằng hết nhóm “Đồng Thuận” Đồng Tâm

4-Phá hủy 3 ngôi nhà liền kề của gia đình cụ Kình.

Cựu đại tá Nguyễn Đăng Quang cho biết tiếp: “lực lượng tấn công đã hủy hoại tan hoang nhà cụ Kình và tư gia của hai người con trai, mang đi mọi tài sản có giá trị trong 3 căn nhà này như tivi, tủ lạnh, máy vi tính và nhiều thứ khác cho đến chiếc ôtô mới mua của cháu Lê Đình Uy. Đặc biệt là chiếc tủ gỗ cất giữ một số tiền lớn ở bên trong, cùng mọi hồ sơ, tài liệu văn bản, chứng cứ của cụ Kình lưu giữ hàng chục năm nay liên quan đến đất đai.”

Bằng chiến tranh và bạo lực giết chết mùa xuân. Đó là “tội ác Văn hóa !”

Kết

Tựa đề của bài này là nói về mấy mùa xuân chết. Chủ ý của tác giả là đề cập đến Văn hóa truyền thống của Tổ tiên trong dịp Tết cổ truyền. Người Cộng sản Việt Nam từ khi xuất hiện, đã gần 100 năm qua, trên đất cổ của Lạc Việt hiện nay, nền văn hóa truyền thống đã và đang phai nhạt, có cái đã biến mất hoàn toàn, có cái thì rất mờ nhạt, không còn nét đặc thù nữa. Như Tết Ông Bà, Tết Gia Tiên. Thay vào đó, người ta đi đến những nơi tổ chức lễ hội, có “phát ấn giải oan”. Việc này đã xảy ra nhiều năm nay, gây nên những xáo trộn rất phức tạp.

Vì thế, liên quan đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2020, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, lãnh đạo Bộ đề nghị các địa phương ngăn chặn, xử lý nghiêm những vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực; không tổ chức phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử của di tích, lễ hội.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng có công văn số 016/CV-HĐTS hướng dẫn tổ chức nghi lễ nguyện cầu bình an trong dịp Tết cổ truyền Xuân Canh Tý 2020.

Đáng chú ý, tại văn bản này Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu không dùng thuật ngữ như “giải hạn”, “cắt giải oan gia trái chủ”…(Theo báo Hà Nội Mới,thứ ba ngày 21/01/2020)

Ba mùa Xuân  đã chết và những mùa xuân với những lễ hội mở ra để “phát ấn” “giải hạn” như thế này thì trong lòng nhiều người Việt Nam, những mùa xuân ấy cũng đã chết !

 

KHẢI TRIỀU

(Tháng 1/2020)

 

 

 

©T.Vấn 2020

 

 

Bài Mới Nhất
Search