T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: Ngày Bỗng Dưng Buồn

Ảnh (HKL)

 

-Chào bác con về.

Tôi đứng lên, tiễn chân đứa con gái đang cúi gập người xuống thật lễ phép bằng nụ cười âu yếm. Nhìn theo dáng dấp cao gầy, mong manh như sắp ngã theo cơn gió lao xao hàng cây trước ngõ của Hà Phương, tôi cảm thấy nao nao lòng. Bước đến kệ sách ở góc phòng, tôi với tay lấy tập thơ của thi sĩ Hoàng Anh Tuấn do anh Hà gửi tặng khá lâu. Không biêt vô tình hay hữu ý mà lại có bốn tờ giấy kẹp vào giữa quyển sách. Tôi bồi hồi đọc lại từng trang đầy nghịt những dòng chữ xiêu vẹo, không hàng lối.

* CHÚA NHẬT 6 THÁNG 8

Buổi chiều, nằm đọc sách trong lúc vợ quét dọn. Những lời chửi bới con phí phạm nổi lên. Vẫn đọc tiếp vì chưa thấy bà ta nói đến mình. Bỗng dung, tiếng  rày la đứa con  gái lại nổi to hơn:

-Bố của mấy đứa bạn mày là kỹ sư, bác sĩ  thì nó phí phạm là đúng rồi. Bố của mày xách dép cho bác sĩ cũng không đáng mà bày đặt hoang phí, cứ làm như con nhà giàu. Làm chết xác ra không đủ ăn, còn bày đặt đọc sách với vở.

Quyển sách đang đọc được gấp lại ngay. Thôi đi ra ngoài vườn nhổ cỏ có lẽ yên thân hơn. Buổi tối, mình tần ngần nói với con gái.

-Con thấy mẹ nhục mạ bố như vậy đó. Không thể sống nổi. Bố phải đi khỏi nhà để được yên thân.

-Bố ơi, con lạy bố.  Bố gắng chờ con lên đại học, rồi cả hai bố con mình cùng đi.

Im lặng mà nước mắt muốn trào ra.

 

* THỨ BA 18  THÁNG 8

Buổi cơm tối, trên bàn ăn bỗng dưng mình cao hứng, phê bình một tuyển tập truyện ngắn vừa đọc. Vậy mà không hiểu tại sao bà ta lại nổi giận. Cơn giận “vô cớ”  tự nhiên bùng lên. Những lời mỉa mai lạnh lùng, cay độc được tuôn ra để làm nhục thằng chồng vô tích sự:

– Ông tưởng, ông giỏi lắm hay sao mà đi phê bình, chê bai người ta . Ông giỏi quá mà không nuôi nổi vợ con. Rõ cái thùng rỗng kêu to.

Mình thầm nuốt cơn giận để nghĩ  “Ô hay! người đàn bà này là vợ hay là kẻ thù của mình đây?”.  Ðầu óc như muốn vỡ tung ra. Cố thở thật sâu để nén cho cơn giận không được bùng ra.

 

* THỨ SÁU 26  THÁNG 9

Tháng cuối cùng lãnh tiền thất nghiệp. Không còn ba trăm năm mươi đô la một tuần nữa, mà chỉ còn khoảng hai trăm năm mươi đôla với việc làm mới. Bão tố xảy ra ngay:

-Ông tưởng ông kiếm được nhiều tiền lắm hả? Không nuôi nổi vợ con mà không biết nhục. Ðồ bất tài.

Mình im lặng nuốt cơn giận vào lòng. Nói với đứa con gái lớn:

-Cuối tuần bố sẽ dọn đi.

-Bố đi đâu? Ai đưa em đi học?

Im lặng để suy nghĩ.

 

* THỨ HAI NGÀY 10 THÁNG 10

Ðứa con gái lớn đãi cả gia đình đi ăn ở nhà hàng để mừng sinh nhật bố.  Mình thấy vui và cảm động. Sau bữa ăn, góp chuyện để lấy lòng  cho cả nhà vui vẻ:

-Tuần sau, lãnh lương bố sẽ mời cả nhà đi ăn nhà hàng buffet vừa mới khai trương nhé.

Không ngờ đó là một câu nói mở đầu cho một trận bão. Bà bảo mình nghèo kiết xác mà học làm sang, rồi tiếp theo đó, không biết bao nhiêu lời nói, chê bai, rẻ rúng. Bà đem mình so sánh hết người này, đến người nọ. Tóm lại, mình không bằng ai cả, chỉ đáng xách dép cho người này, xách giày cho người kia. Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau này cho một người chồng như mình. Tức nước thì cũng phải có lúc vỡ bờ, mình sẵng giọng:

-Nhìn chung quanh xem có ai đối xử với chồng như bà không? thằng Khang tệ bạc như vậy mà vợ nó vẫn nể trọng, không ăn nói hồ đồ như bà. Vợ con người ta vậy đó, còn bà tự xét lại  xem bà có quá đáng không?

-Tôi không có gì cần phải xét. Còn ông thì sao, ông chỉ là thằng đàn ông đi nói xấu vợ.

-Tôi không nói xấu ai hết, tôi chỉ nói sự thật. Nếu bà nghĩ rằng sự thật đó là xấu, thì đóng cửa phòng lại mà tu tâm dưỡng tánh để mai này khỏi sa hỏa ngục.

Bà ta rít lên:

-Người tự xét là ông. Ông chỉ là thằng đàn ông bất tài, hèn hạ, không làm được tích sự gì để nuôi vợ, nuôi con….

Và tiếp theo là biết bao lời khinh bỉ đến tàn nhẫn, mình khổ sở ôm đầu:

-Thế này thì sống với nhau làm sao được nữa.

-Không sống được thì đi. Cút đi. Ðừng tưởng rằng kiếm nhiều được tiền. Có vài trăm bạc một tuần mà tưởng lớn. Không biết nhục.

Thôi, cần phải đi ra ngoài để tránh bực mình, tránh cả chuyện xô xát đáng tiếc mà biết là không tránh khỏi, vì sự nhịn nhục có giới hạn của nó. Ngủ tạm ngoài nhà xe đêm nay. Nhưng sàn gạch cứng, làm đau lưng, cả đêm cứ lăn tới, lăn lui không  nằm  yên được. Nửa đêm, lạnh quá tính trở vào nhà. Cửa đã khóa chặt rồi.

Buổi chiều hôm sau than thở với con gái.

-Thôi, con cho bố đi. Bố sẽ về hằng ngày chở con đi học.

-Không, không, cố lên bố ơi. Con sắp lên đại học rồi.

-Con thương bố. Bố không thể chịu đựng thêm được nữa. Ðêm qua con đã thấy tất cả.

-Ðêm qua con cũng không ngủ được.

Yên lặng mà trong lòng tràn đầy niềm thương cảm đứa con gái chưa đầy mười sáu tuổi mà khuôn mặt đã hằn nét suy tư. Nhưng cứ nhớ đến những lời lăng nhục lại thấy sôi gan. Tự nhiên, như trong ý nghĩ vuột ra lời nói với con:

-Ðể cho Bố đi. Bố không đi đâu xa. Khi nào con cần, cứ gọi, bố sẽ tới ngay.

Ðứa con gái nhìn mình, những giọt nước mắt lăn dài trên má, giọng nói chìm xuống như tiếng tức tửi thầm, làm trái tim mình muốn ngưng đập.

-Bố có thể vì con mà hy sinh thêm một chút không hở bố?

Im lặng, thở dài. Ừ! thì bố sẽ vì con mà tiếp tục nhịn nhục, tiếp tục chịu đựng những lời miệt khinh, ác độc. Bố sẽ cố gắng sống như một người đàn ông không hề có  tự ái và lòng tự trọng để ở lại đây. Mình ôm con vào lòng rồi đưa tay sờ vào khuôn mặt xem da mặt đã dày thêm bao nhiêu nữa. Con ơi! bố sẽ vì con mà thua hết cả cuộc đời (*).

Không biết, nếu đọc được những hàng chữ này, Hà Phương có hiểu được tận cùng nỗi đau -ngày xưa- của bố, để cảm thông mà không phản đối và giận hờn khi bố quyết định tái hôn với người đàn bà khác, sau sáu năm làm người đàn ông góa vợ, sống quạnh hiu, đơn độc trong căn nhà cũ, nơi Hà Phương chào đời, lớn lên và rời khỏi, để đi đến ngôi trường đại học xa xôi, hoàn tất học trình nó đang theo đuổi.

Tôi nhớ đôi mắt long lanh ngấn lệ của đứa con gái khi tôi cầm tay, vuốt nhẹ làn da mát lạnh, phẳng phiu
“Rồi con sẽ có chồng, có con, có một mái ấm gia đình. Còn bố con thì sẽ đơn độc, một mình, một thân với tuổi già cô quạnh. Bố đã hy sinh gần hết cuộc đời cho chị em con. Bởi thế, bác mong con hãy thương bố và chấp nhận, để bố con được vui.

Nhìn nụ cười gượng gạo và những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má phúng phính, dễ thương của Hà Phương, tôi không biết nói gì thêm, dù rất muốn kể lại câu chuyện đã tình cờ nghe được trên đài phát thanh, cách đây sáu năm trong chương trình giải đáp tâm tình. Qua làn sóng, tiếng nói của người phụ nữ như đứt quãng trong nghẹn ngào:” Mẹ em mất đã hai năm, nhưng nỗi ân hận trong lòng em mãi mãi còn đó. Ngày trước, vì lòng ích kỷ em đã ngăn cản mẹ bước thêm bước nữa với người đàn ông rất yêu thương bà. Lúc ấy, em đã lập gia đình, nên không còn gần gũi, gắn bó với mẹ như ngày xưa còn bé, nhưng vì thể diện, vì sợ mất mặt với bên chồng, em đã quyết liệt phản đối chuyện tình cảm của mẹ. Em sợ người ta nói, mẹ già rồi mà còn bày đặt yêu đương. Và, vì thương con, mẹ em đã hy sinh tình yêu của mẹ, để rồi những năm tháng sau đó mẹ em đã sống lặng lẽ, cô độc, buồn bã cho đến ngày rời khỏi cuộc đời. Khi mẹ nằm trên giường bệnh, em vì quá bận  bịu với hai con nhỏ, nên không cận kề săn sóc mẹ như ngày trước đã có lần huênh hoang lớn tiếng ‘Mẹ có biết mẹ đã gần sáu mươi tuổi rồi không? Mẹ làm như vậy không sợ người ta chê cười sao? Bộ mẹ nghĩ, con không lo cho mẹ được sao mà mẹ phải lấy chồng?’. Khi mẹ mất, em mới biết em mắc phải một lỗi lầm to lớn, bởi vì em không thể bù đắp khoảng tình cảm trống vắng cho mẹ được. Em vô cùng hối hận và muốn chia xẻ với thính giả niềm tâm sự u uẩn này, để mong rằng đừng ai vướng phải sự sai lầm như em”.

Hà Phương ạ! Ước gì con nghe được câu chuyện này để suy nghĩ lại. Bác biết, bây giờ con rất buồn và chắc bố con cũng buồn không kém.

Bác cũng vậy. Ngày hôm nay. Một ngày mới của bác… bỗng dưng buồn!!!

 

***

-Bà đó hả?

-Mấy ngày nay đi đâu mất biệt, gọi điện thoại không ai trả lời. Hai ông bà đi hưởng tuần trăng mật hả?

Một khoảng im lặng rất lâu. Chờ mãi không nghe tiếng cười khúc khích quen thuộc của Sương, tôi hỏi khẽ:

-Có chuyện gì hả?

-Tôi không còn ở nhà cũ.

-Ủa! hai ông bà mua nhà mới rồi sao? Ngon vậy ta.

-Không, chỉ có mình tôi dọn ra. Ổng với ba đứa nhỏ vẫn còn ở đó.

Giọng tôi gần như thảng thốt:

-Sao vậy?

Giọng nói bên kia đầu dây rất thản nhiên -hay cố tình làm ra vẻ thản nhiên, tôi không biết.

-Ừ! như vậy… để cho cha con họ được sống thoải mái, chứ sự có mặt của tôi, nhiều khi chỉ gây phiền phức cho người ta. Tôi đâu ngờ, sự quan tâm, lo lắng của mình lấy mất tự do của người khác. Lòng tốt của tôi bỗng trở thành xấu xa dưới mắt chồng con. Đau quá bà ơi!

-Bây giờ Sương ra sao?

-Tôi cảm thấy bình an hơn bao giờ hết. Không thấy chuyện trái ý thì khỏi phải nói. Không nói thì tránh được khẩu nghiệp. Nghĩ vậy nên lòng tôi rất nhẹ nhàng.

Nhẹ nhàng mà sao giọng nói của Sương nghèn nghẹn. Nhẹ nhàng mà sao trong lời nói có pha chút đắng cay:

-Lạ thật, tôi muốn uốn nắn con để nó trở thành người tốt, nhưng hễ rầy la mỗi khi nó sai trái, hoặc dạy dỗ nó phải ngăn nắp, kỹ lưỡng thì bị trách móc “má khó quá, ai chịu nổi”. Cha con họ bày biện khắp nơi. Chín lần, tôi làm thinh dọn dẹp, không thấy ai nói lời cám ơn. Chỉ một lần chịu không thấu phải lên tiếng, thì bị kết án là suốt ngày càm ràm, đinh tai nhức óc. Thật tình.. tôi chẳng biết làm thế nào cho đúng. Hằng ngày, cứ phải đối diện với những điều gai mắt, nói ra thì mang tiếng lắm lời, không nói thì bực bội riết cũng sinh bệnh. Nếu không đi mà tiếp tục ở lại thì… Một là mù. Hai là câm. Còn ba là gia đình sẽ trở thành địa ngục trần gian với những trận cãi vã không ngừng. Bà là người ngoài, thử nhận xét một cách khách quan xem tôi đúng hay sai?

Có thể, câu trả lời của tôi vào thời điểm này sẽ trở thành con dao hai lưỡi, nên đành “ba phải”:

-Người ta nói “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Tôi không dám có ý kiến, chỉ biết cầu nguyện cho Sương tâm thân an lạc.

-…

-Thôi để Sương nghỉ ngơi, hôm nào mình gặp nhau nha.

Buông điện thoại, lòng tôi bỗng xốn xang.

Lại thêm một ngày… bỗng dưng buồn!!!

Ngân Bình

 

(*) Nhật ký của BTN –Ngân Hà

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

 

Bài Mới Nhất
Search