T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 174)

 

Chơi chữ

Phụ là vợ, phu là chồng, vì chồng vợ phải đi phu.
Ngã là ta, nhĩ là mày, tại mày nên ta mới ngã.

Giai thoại về câu đối này: “Anh học trò trốn đi phu, quan bắt vợ anh ta đi thay, rồi đọc vế trên, bảo nếu đối lại hay, sẽ miễn phu cho cả hai người, và anh nọ đã đối như vậy; dù vế đối lại rất ngông, nhưng quan cũng giữ lời mà tha cho”.

(Câu đối chơi chữ theo cách cùng nghĩa – Triều Nguyễn)

 

Bia ngoại truyện (3)

Năm 1977, Brasseries-Glacières d’Indochine  đổi tên thành Brasseries-Glacières Internationales cho phù hợp với tình thế địa dư đã thay đổi với tầm hoạt động bao gồm nhiều châu lục và quay trở lại thị trường Việt Nam vào năm 1991, xây dựng nhà máy đầu tiên tại Tiền Giang và sau đó mở rộng ra Đà Nẵng. Khách hàng trung thành của G.B.I. chào đón và ủng hộ nồng nhiệt. Năm 1997, công ty Foster của Úc đã mua lại toàn bộ cơ sở của B.G.I., cùng Công Ty Bia Tiền Giang, Công Ty Bia Ðà Nẵng  tiếp tục sản xuất la de Con Cọp (tên mới là Larue Export) mà cái tên thân yêu ấy vốn đã từng nằm mãi trong tâm thức của hơn 25 triệu con dân miền Nam trước 1975. Bia Larue Export nhãn hiệu Con Cọp xuất cảng sang một số nước Á châu và mẫu chai nhãn vẫn giữ dáng vẻ như xưa.

(Nhậu – Phan Hạnh)

 

Chữ và nghĩa (7)

Tục ngữ là sản phẩm của quá khứ. Vì vậy, khi dạy tục ngữ, tất phải đối mặt với những từ ngữ cổ hết sức xa lạ với học sinh. Giới biên soạn sách giáo khoa e dè như thế kể cũng phải, vì khó lòng có thể né tránh được những những trở ngại về ngữ pháp  đến độ từng gây lúng túng cho không ít các nhà học giả danh tiếng. Ðể dễ hình dung những gì vừa nêu đó, chúng tôi xin đưa ra một vài dẫn chứng chưa đúng lắm về cấu trúc cú pháp của tục ngữ.

Bằng chứng là nếu diễn giải câu Ăn lúc đói, nói lúc say được diễn giải như là “Lúc đói ăn cảm thấy ngon, lúc say thường nói rất hay”. v.v. và v.v. Trong khi nghĩa đích thực của câu này là: “Ăn là việc mà ai cũng hay làm lúc đang đói; nói là việc mà ai cũng hay làm lúc đang ngà ngà say rượu”.
(Tạp chí Ngôn ngữ  – Nguyễn Đức Dương)

 

Chữ nghĩa làng văn

“ăn cháo đá bát” /miền Trung và Nam là vô ơn bạc nghĩa.

Trường hợp này thì miền Bắc nói “ăn cháo đái bát”.

Nhưng thử hỏi có ai dám ăn tô cháo người ta cho ăn mà ngay sau đó dám ngang nhiên vén, mở, hay tụt quần /váy mà  đái vào đó không?

Hỏi tức là trả lời !

(Những câu chuyện Việt ngữ – Nguyễn Hy Vọng)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Lá húng di dân (2)

Vì thổ nhưỡng hay thế nào chả rõ mà húng cây tại Sài-Gòn không thấy bầy ê hề ngoài chợ như “húng quế”, thứ rau thơm rẻ tiền hơn; thế là quế bèn rơi tõm vào bát phở truyền thống.  Chưa kể thêm, những xe bò khô và bò bía (giọng Tầu lơ lớ thành pò pía) cũng khai thác triệt để loại rau thơm phổ thông này trên đồng vốn còm.  Thét rồi húng cây thất sủng, người ta đã lôi béng hương vị húng quế theo mọi nẻo tha hương.

Theo cuộc di dân, rau húng ấy chuyên trị phở Bắc; lấy thơm lấy tho từ thiên nhiên quyện vào hương bò chín sốt sồn sột làm nức vòm hầu khách ăn. Kể từ ngày ông vải nhà ta hớn hở lấy đấy làm gia vị thứ tư không thể thiếu sau đồng riềng, tí mẻ, và mắm tôm.  Thực khách trân trọng vặt từng lá một mà sơi kèm thịt con cầy hương (chồn).

Miệng lưỡi sành sỏi xưa kia thường đoan chắc rằng nem công chả phượng trên thế gian này quả hữu danh vô thực so với món thịt cầy nhất hạng kỳ mục, đáng độ tiến dâng thượng đế.  Phải cái giống chồn hoang láu lỉnh nhanh thoăn thoắt, chẳng dại ngồi ì ra để người trói gô về cạo lông.  Ngó quanh ngó quẩn mãi các cụ mình mới ngộ ra miếng ăn từ cái con… vưu vật trời cho, không những hội đủ thiên tính ngon sơi của nhà cầy lại vừa dễ bắt, dễ nuôi, và đẻ khỏe.

Mấy ông Bắc kỳ buột miệng gọi thứ rau quế này là “húng chó”.

(Bá ngọ nhà mày: B-G)

 

Quặm

 Quặm: cong về phía dưới

(mặt nó quặm xuống – lông quặm)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Chữ nghĩa làng văn

Cũng giống như Thơ Bút tre hiện nay, từ văn phong thơ “Bút Tre thật” dân gian đã sáng tác cả trăm, ngàn câu thơ “Bút Tre mới”…Thơ nôm Hồ Xuân Hương đi vào cuộc sống dân Việt Nam ta đã ngót 200 năm với bản in sớm nhất là “Xuân Hương di cảo” in năm 1914; các bản khắc ván “Xuân Hương thi tập” in năm 1921và 1923. Thời điểm xuất hiện”Xuân Hương thi tập” là thời vua Minh Mạng (1820-1840)

Bản chép tay “Quốc Văn Tùng Ký” soạn vào thời Tự Đức đến đầu Duy Tân; các bản chép tay “Xuân Hương thi sao”, “Tạp thảo tập”, “Quế Sơn thi tập”, “Xuân Hương thi vịnh”, “Liệt truyện thi ngâm” và “Lĩnh Nam quần hiền văn thi văn diễn âm tập”.

Vậy bài nào là chính gốc thơ Hồ Xuân Hương trong số 213 bài đang được lưu hành khá rộng rãi? Sau hơn 40 năm nghiền ngẫm…Ông Kiều Thu Hoạch, một chuyên gia về chữ Nôm đã công bố cuốn “Thơ Nôm Hồ Xuân Hương”, sau khi dịch nghĩa, dịch thơ, chú giải, chú thích đã loại trừ được một số bài thơ bị gán cho bà chúa thơ Nôm như các bài: “Đánh cờ người”, “Tát nước”, “Cái nợ chồng con”, “Đánh đu”, “Bà đanh”, “Đồng tiền hoẻn”, “Ông Cử Võ”, v…v…. thì chỉ còn với 84 bàii.

(Nguồn Nguyễn Khôi)

 

Giai thoại làng văn xóm chữ

Văn Cao còn nhớ buổi chia tay Nguyễn Thi. Bữa đó, ông rủ Nguyễn Thi ra phố. Ông muốn mời bạn ăn một bát phở bò. Văn thời đó nghèo xơ xác, trong túi chỉ đủ tiền cho một bát phở thôi. Chả lẽ chỉ bạn ăn, còn mình thì ngồi suông ngắm bạn? Hình như cũng hiểu được nỗi băn khoăn của Văn Cao, Nguyễn Thi bảo ông chỉ thèm khoai lang luộc thôi. Trời, tưởng gì, chứ khoai lang thì rẻ lắm. Số tiền trong túi Văn Cao đủ để hai ông ăn no khoai lang.

Thế là họ ngồi sụp xuống bên đường, làm một đĩa khoai mật.
(Nguyên Ngọc – Trần Đăng Khoa)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Theo “Tự điển tiếng Viêt dành cho học sinh” ở Hà Nội (Vũ Chất):

Nắn bóp: nắn và bóp

 

Chữ nghĩa làng văn (4)

 Đặc biệt câu đối loại chơi chữ rất cầu kỳ, oái oăm do tận dụng những chữ đồng âm khác nghĩa, đảo từ, đảo ngữ, nói lái, … nên càng khó đối hơn. Thí dụ:

– Lối đồng âm khác nghĩa như vế ra của vua Duy Tân dùng vừa nghĩa vừa chữ kèm nhau:

Đi chi đường đạo sợ cụ (chi là đi, đạo là đường, cụ là sợ)

Nguyễn Hữu Bài đã đối rất tài tình:

Không vô trong nội nhớ hoài (vô là không, nội là trong, hoài là nhớ)

– Lối đảo từ, đảo ngữ như vế ra trong cuộc thi do báo Trung Bắc (hai nhà nho ưa chơi chữ là Nguyễn Đỗ Mục và Dương Bá Trạc chủ trương bộ biên tập) khởi xướng:

Vợ cả vợ hai, hai vợ cùng là vợ cả.

Vế đối sau đây gọi là trúng cách:

Con nuôi con đẻ, đẻ con há cậy con nuôi.

(chữ nuôi sau cùng được hai nghĩa trạng từ và động từ như vế ra).

– Lối nói lái như vế ra và vế đối sau:

Mài kéo cắt đuôi mèo cái.

Lòn cưa cứa cổ lừa con.

(Khuyết danh – Tiếng Việt lý thú)

 

Chùa Bích Câu

 Chùa Bích Câu sát Quốc Tử Giám ở phố Sinh Từ, xưa có truyện Bích Câu kỳ ngộ với Tú Uyên gặp Giáng Kiều ở đây.

Bích Câu là tên tự, chữ Hán là Ngọc Hồ tự, tên Nôm là chùa Bà Ngô. Tương truyền, chùa do một bà họ Ngô dựng lên, nhưng cũng có tích kể, người xây chùa là một bà có chồng người nước Ngô (tức Tàu thời Tam Quốc). Hiện nay chưa rõ tích nào đúng.
(Nguồn: Diệp Hiền)

 

Chữ nhẫn

 Từ những kinh nghiệm của thực tế cuộc sống mà người Hán đã sáng tạo ra cách viết chữ “nhẫn”.  Chữ nhẫn là chữ đao (con dao) ở trên và chữ tâm (con tim) ở dưới.

Lưỡi dao ấy ở ngay trên tâm, và nếu như gặp chuyện mà không biết nhẫn nhịn thì tránh sao khỏi đau đớn, có nhẫn nhịn mới chuyển nguy thành yên, bại thành thắng, dữ thành lành…

Đúng vậy, chẳng phải ngẫu nhiên mà chữ nhẫn lại có bộ đao phía trên như biểu hiện của những nỗi thống khổ sâu sắc như dao nhọn, chúng có thể khía vào trong tâm trí, trong con tim ta, làm cho ta đau đớn, tủi nhục và khó chịu.

Nhẫn, chính là thể hiện bản chất của con người. Khổng Tử xưa đã nói: “Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu” (việc nhỏ mà không nhẫn được, thì việc lớn ắt sẽ hỏng).

Vì thế mà người ta đã tốn rất nhiều giấy mực để viết về nó để treo trên tường trong nhà.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ngày xưa…ngày nay…

Ngày xưa ăn chả ăn nem,
Ngày nay ngao ngán chẳng thèm liếc qua.

 

Chữ nghĩa làng văn (4)

Ảo thanh?

 Qua đoạn vỹ thanh Tám nhịp tuần du của tập thơ Về Kinh Bắc, Hoàng Cầm cho biết: “Những bài thơ như vậy thường là không theo một ý nghĩ nào định trước. Ở những trường hợp ấy, tôi không hề cấu tứ, nghĩ ngợi gì về câu, chữ, không theo một luật nào của thi pháp về thanh điệu, ngữ điệu gì gì hết. Tôi chỉ tuân theo nhịp rung động của toàn thân, cả tâm hồn và thể chất, khí chất. Đặc biệt, riêng có bài thơ Lá diêu bông, duy nhất một bài này là những lời văng vẳng bên tai, từ đầu chí cuối, quá nửa đêm mùa rét 1959, trên giường ngủ, trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn ngủ 6 oát, bên cạnh người vợ đang ngủ ngon và các con những giường bên đang ngủ say (…). Giọng nữ vẫn đọc, không vội vàng mà cũng không quá chậm, và tôi ghi lia lịa trong bóng tối mờ. Đến lúc giọng nữ im hẳn, lòng tôi nhẹ bẫng, một lát sau tôi ngủ thiếp đi. Sớm hôm sau nhìn lại thì có chỗ rõ, đọc được, nhiều chỗ dòng nọ đè lên dòng kia, chữ nọ như xoá mất chữ khác. Phải mất gần nửa tiếng đồng hồ, tôi mới tách được ra theo thứ tự đúng như những lời người nữ kỳ diệu nào đó đã đọc cho tôi viết nửa đêm qua. Bài Lá diêu bôngra đời như vậy, nói có người không tin, nhưng tôi nghĩ bây giờ khoa tâm thần học, vô thức luận, tâm linh học có thể lý giải được hiện tượng đó một cách rất khoa học. Vậy nên, cái lá diêu bông là cái lá gì, ở đâu, nào tôi có biết. Thần linh đọc diêu bông, tôi chép diêu bông, thế thôi”.

(Phanxipăng – Diêu bông rụng xuống lòng sông Đuống)

 

Thiếu văn hóa

Trong quan hệ hàng ngày với tập thể cán bộ, sinh viên, Hoàng Ngọc Hiến rất hồn nhiên, chân thật, dễ tính, nên được anh em mến. Nhưng hình như anh có máu phiến loạn, thích gây sự với lãnh đạo. Hồi những năm 60 của thế kỷ trước, tôi nhớ Phạm Văn Đồng có viết một bài về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bài ấy, người khác có thể coi là thường, không hay hoặc chưa đúng chỗ này chỗ khác. Nhưng Hoàng Ngọc Hiến nói:

“Phạm Văn Đồng viết bài ấy là thiếu văn hoá”.

 (Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

 

Hiện tượng phản ngôn ngữ (1)

Hiện tượng phản-ngôn ngữ, vốn xuất hiện và phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc, trong vài thập niên trở lại đây, có nhiều hình thức khác nhau.

Nhớ, lần đầu tiên tôi về Việt Nam là vào cuối năm 1996. Lần ấy, tôi ở Việt Nam đến bốn tuần. Một trong những ấn tượng sâu đậm nhất còn lại trong tôi là những thay đổi trong tiếng Việt. Có nhiều từ mới và nhiều cách nói mới tôi chỉ mới nghe lần đầu. Ví dụ, trà Lipton được gọi là “trà giật giật”; cái robinet loại mới, có cần nhấc lên nhấc xuống (thay vì vặn theo chiều kim đồng hồ) trong bồn rửa mặt được gọi là “cái gật gù”; ăn cơm vỉa hè được gọi là “cơm bụi”; khuôn mặt trầm ngâm được mô tả là “rất tâm trạng”; hoàn cảnh khó khăn được xem là “rất hoàn cảnh”; thịt beefsteak được gọi là “bò né”. Sau này, đọc báo trong nước, tôi gặp vô số các từ mới khác, như: “đại gia”, “thiếu gia” (3), “chân dài”, “chảnh” (kênh kiệu) (4), “bèo” (rẻ mạt), “khủng” (lớn); “tám” (tán gẫu); “buôn dưa lê” (lê la, nhiều chuyện), “chém gió” (tán chuyện), “gà tóc nâu” (bạn gái), “xe ôm” (bạn trai), “máu khô” (tiền bạc), “con nghẽo” (xe máy), v…v…

Trong các từ mới ấy, có từ hay có từ dở, tuy nhiên, tất cả đều bình thường. Ngôn ngữ lúc nào cũng gắn liền với cuộc sống. Cuộc sống thay đổi, ngôn ngữ thay đổi theo. Những sản phẩm mới, hiện tượng mới và tâm thức mới dẫn đến sự ra đời của các từ mới. Ở đâu cũng vậy. Tất cả các từ điển lớn trên thế giới đều có thói quen cập nhật các từ mới hàng năm. Có năm số từ mới ấy lên đến cả hàng ngàn. ViệtNam không phải và không thể là một ngoại lệ. Đối diện với những từ mới ấy, có hai điều nên tránh: một, xem đó là những từ ngớ ngẩn rồi phủ nhận tuốt luốt; và hai, xem đó là từ…Việt Cộng và tìm cách chối bỏ chúng.

Tuy nhiên, điều tôi chú ý nhất không phải là sự xuất hiện của các từ mới hay các tiếng lóng mới ấy. Mà là những cách nói mới, rất lạ tai, thậm chí, quái gở, phổ biến khắp nơi, ngay cả trong giới trí thức và văn nghệ sĩ tiếng tăm, đặc biệt ở Hà Nội .

(Nguyễn Hưng Quốc – Hiện tượng phản-ngôn ngữ ở Việt Nam)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search