T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Tấn Hải: THIỆN DUYÊN TRONG ĐỜI

Trên đỉnh – Tranh: Mai Tâm

Không niệm bất thiện nào dám nghĩ tới, không lời bất thiện nào dám thốt ra, không việc bất thiện nào dám hành xử, và luôn luôn gắng tìm các thiện duyên để cứu mình và lợi người. Bất kể mọi bất toàn của mình, tôi vẫn tự nhắc nhở phải sống cẩn trọng như thế, bởi vì tôi tin sâu vào nhân quả, và đã quá sợ hình ảnh luân hồi bất tuyệt trong vô minh. Nơi đây tôi muốn kể lại chuyện một đứa em gái tôi bị câm và khù khờ, mà dì Trang của tôi tin đó là kiếp sau của người chị có tên là dì Dậu. Đây là chuyện thật, là một phần những chuyện đã làm cho tôi thâm tín nhân quả, và khi đọc kinh sách đã lập tức tin ngay vào luật cận tử nghiệp. Đó cũng là lý do sau này tôi tin vào Tịnh Độ khi pháp môn này yêu cầu người tu phải Niệm Phật liên tục và chuẩn bị cho giây phút cận tử.

Dì Dậu chết năm 18 tuổi, lúc đó là năm 1949, khi mới lấy chồng có vài tháng. Tôi chưa từng biết mặt dì Dậu, vì tôi sinh năm 1952, và được nghe kể về dì là qua dì Trang và dì Điểm. Má tôi là chị cả, nên phải gánh vác nuôi cả 3 em gái là 3 người dì của tôi, khi bà ngoại tôi từ trần.

Dì Trang có cho tôi xem một tấm ảnh đen trắng, trong đó bà ngoại ngồi và chung quanh là má tôi và các dì tôi. Trông ai cũng đẹp. Không phải tôi thiên vị, nhưng thật sự trong mắt tôi là thế. Khi xem ảnh, tôi vẫn băn khoăn hỏi thầm rằng bây giờ những người đã từ trần trong ảnh đang ở đâu và có tìm được thiện duyên nào để tu học hay chưa…

Dì Trang kể rằng chồng dì Dậu có tên là ông Dến. Dì Dậu thực ra là thương một người tên Quang, nhưng người này đã biến mất và được nói là đi theo kháng chiến sau khi để lại cho dì Dậu 3 tập thơ nắn nót chữ viết tay, trong đó hầu hết là thơ của những người nổi tiếng thời tiền chiến như Tản Đà, Thế Lữ, Huy Cận…

Dì Trang kể rằng dì Dậu chết vì bệnh cảm thương hàn kéo dài suốt cả tháng sau khi thăm mộ mẹ, tức mộ bà ngoại tôi. Má tôi lúc đó khoảng 26 hay 27 tuổi, và ba tôi làm ở ga xe lửa Biên Hòa. Dì Trang tôi lúc đó mới 14 tuổi, và dì Điểm đương nhiên là nhỏ hơn vì là út. Cả nhà đang ở trong Cư Xá Hỏa Xa Biên Hòa. Dì Trang kể lúc đó ông trưởng ga Biên Hòa là ông Huỳnh.

Bà ngoại tôi giỏi nghề nuôi tằm dệt tơ, và dạy được nghề này cho má tôi. Má tôi lại là người khéo tay, nên thường dệt lụa may áo dài cho các em để mặc trong các dịp cần làm đẹp. Sau này vào Sài Gòn, nhà ở gần xóm Chuồng Bò trên đường sau này gọi là đường Nguyễn Thông nối dài, má tôi tự biến nhà thành lớp để trở thành cô giáo dạy cho tôi và mấy đứa nhỏ trong xóm các lớp thấp bậc tiểu học, vì trường thì xa mấy cây số, phải đi bộ qua mấy chặng tre hay ao rau muống bên đường. Tới khi tôi vào tiểu học thì má mới dẹp bỏ lớp tự biên tự diễn này. Tôi đã nhớ lúc đó là má tôi viết chữ nét rất đẹp, và vẽ cũng đẹp. Khi tôi vào trung học có nghe má tôi kể là má học vẽ từ một thầy vẽ truyền thần trên phố khi cả nhà còn ở Nha Trang và được học cách làm các khuôn ca-rô để vẽ từ tấm ảnh nhỏ thành tấm tranh lớn.

Dì Trang kể rằng dì Dậu khi bị cảm thương hàn thì người chăm sóc trực tiếp là má tôi. Chuyện gì má tôi cũng một tay lo hết, vì hai dì Trang và Điểm còn bận đi học hàng ngày. Có lần dì Dậu đòi uống nước xá xị, thì được các em mua xá xị về cho uống. Sau này lại hối hận vì nghe nói uống xá xị sẽ làm cảm thương hàn nặng hơn. Dì Trang kể lại là dì Trang còn nhớ chính xác dì Dậu kết hôn ngày 20-4-1949, và chết ngày 20-7-1949.

Lúc đó là năm 1949, tới lúc phải lên xe ra bệnh viện Biên Hòa để khám nghiệm tiếp, trước lúc đi, theo dì Trang kể lại cho tôi, dì Dậu như linh cảm trước sắp chết nên đòi lấy bộ áo lụa do má tôi dệt ra mặc. Khi ra cửa, dì Dậu nói với má tôi trước mặt các dì tôi, “Dù sống hay chết, em cũng sẽ trả ơn chị suốt đời”. Khi nói xong, bước vào xe vừa ngồi xuống, dì Dậu chết ngay lúc đó. Không ngờ, câu nói vào lúc cận tử đã dẫn dì Dậu tới một kiếp mới, để vài năm sau đầu thai làm con của má tôi, tức là làm một đứa em gái của tôi, theo lời dì Trang kể.

Đứa em gái đó của tôi có tên là Danh, ở nhà gọi là Chút. Tôi là Hải, tới các em theo thứ tự là Nhàn, Danh, Vân, Hòa đều là gái, rồi tới trai út là Hưng.

Dì Trang giải thích rằng má tôi sanh Chút (tức Danh) ra năm 1955, tức năm Mùi, càng lớn khuôn mặt càng giống y hệt dì Dậu. Chút bị câm, trong vốn sử dụng chỉ có vài chục từ ngữ, mà phát âm cũng không chính xác nữa. Hiền lành, nhưng tính ngang, chỉ nghe lời duy có má tôi, không chịu nghe lời ai hết.

Dì Trang kể là chỉ nhìn hình dáng đi đứng nằm ngồi của Chút là thấy ngay dì Dậu. Dì Trang kể là dì tự nhủ, “Bà Dậu đầu thai rồi đó, cũng may là bệnh kinh phong nhẹ thôi, không quấy rầy ai”

Khi má tôi bệnh, nằm nhiều ngày, một tay Chút chăm sóc hết mọi chuyện, kể cả chuyện thay áo quần hay tắm rửa cho má tôi. Tuy Chút chỉ nói được ú ớ và vài chữ đơn giản, nhưng mà làm hết mọi chuyện. Má tôi bắt đầu bệnh năm 1968, năm đó dì Điểm vừa theo chồng sang Hoa Kỳ rồi, còn dì Trang trờ thành quả phụ một tay nuôi 7 đứa con. Má tôi lúc đầu chỉ xuất huyết, khi nhập viện xét nghiệm được biết là ung thư tử cung. Bệnh dai dẳng, làm rất đau đớn, tới năm 1977 thì má tôi chết.

Chuyện nhỏ Chút chỉ nghe lời má tôi thì là thấy rõ. Lúc đó cả nhà ở Sài Gòn rồi, ba thì đi xe lửa có khi nhiều ngày, dễ dàng thấy là ảnh hưởng của má phải là rất lớn. Thí dụ, má tôi nói sáng ngủ dậy phải rửa ly chén đi, thì nhỏ Chút mới sáng dậy lập tức xuống bếp rửa liền. Chỗ này cũng nên giải thích thêm, vì tôi với Nhàn sáng dậy phải đi học, nên Chút ở nhà phải lo chuyện linh tinh trong nhà.

Tính của Chút cũng ưa gây gỗ, có lẽ tủi thân vì tự biết bị câm và lâu lâu giựt kinh phong. Ngay cả tôi là anh cả cũng bị gây là thường. Nhưng Chút luôn luôn im lặng trước mặt má tôi, nhẫn nhịn đủ thứ. Dì Trang cứ nói, dì Dậu đó. Bây giờ là năm 2007, cả dì Trang, tôi, Nhàn và Vân đều ở Quận Cam (Hoa Kỳ) nhiều năm rồi, dì Trang vẫn cứ kể về dì Dậu tái sanh làm em tôi như thế. Còn dì Điểm hiện ở xa ngàn dặm, tận tiểu bang Virginia.

Đó cũng là một nhân duyên làm dì Trang tin sâu vào pháp môn Niệm Phật để sửa soạn cho giây phút cận tử. Ngay từ khi còn ở Việt Nam, dì Trang đã làm mọi thiện duyên, hỗ trợ nhiều Phật sự, giúp đỡ chùa và quý tăng ni, mà bây giờ nhiều chùa đã trở thành các trại nuôi trẻ mồ côi. Tôi lúc này thường viết và dịch kinh sách với bút hiệu là Cư Sĩ Nguyên Giác, lúc nào cũng sống trong niềm thâm tín nhân quả và tâm nguyện Bồ Tát.

Viết những dòng chữ này vào các ngày cuối năm 2007, tôi xin gửi lời cầu nguyện cho mọi người đều tin sâu vào nhân quả, đều biết sợ điều dữ và biết ưa làm điều lành, đều tìm các thiện duyên trong đời để cứu mình, lợi người, và sẽ không bao giờ lìa xa tâm nguyện Bồ Tát.

Phan Tấn Hải

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

 

Bài Mới Nhất
Search