T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyên Lạc: GIỠN CHƠI CÙNG CHỮ NGHĨA – VẠN TUẾ HỒNG QUẦN

Tranh Bùi Xuân Phái

LỜI NÓI ĐẦU

Trước hết, tác giả bài viết xin được ghi ra đây vài ý chủ quan:

– Tiếng nói, chữ viết rất quan trọng, mất nó, chúng ta sẽ bị đồng hóa và mất nước.

– Chữ viết chắt lọc từ tiếng nói. Văn và nhất là thơ là tinh túy của chữ. Nên cẩn trọng với CHỮ NGHĨA, phải dùng một cách chính xác. Hãy dùng nó để truyền bá cái đẹp, cái hay, phục vụ nhân sinh. Đừng dùng nó như công cụ hạ thấp người khác, phổ biến điều xấu xa, giả dối. Đừng “hòa quá nhiều nước lã vào mực ” như Goethe đã nói: “Modern poets mix too much water with their ink ” Nghĩa là thi nhân phải LƯƠNG THIỆN.

– Chữ nghĩa quan trọng lắm, nó có thể làm chết hoặc làm tiêu tan sự nghiệp và tài sản con người. Hãy nhớ lại vụ án Minh sử triều Thanh – đã làm tiêu mạng biết bao nho sĩ Minh mà Kim Dung đã viết trong phần nhập của bộ truyện Lộc Đỉnh Ký. Vụ án của Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc (giết ba họ) – do sự ganh ghét, đố kỵ của đám tiểu nhân đắc chí, trong đó có một phần từ văn nạn. Vụ sửa đổi chữ bài phú “Đồng Tước đài” của Tào Thực – đưa đến việc thua trận Xích Bích của Tào Tháo.

– Chủ ý của tác giả trong loạt bài “Giỡn Chơi Cùng Chữ Nghĩa”này chỉ mong đem đến vài nụ cười cho người, góp vui cho đời, nghĩa là “phục vụ nhân sinh” đúng theo tiêu chí nói trên. Nếu có gì ngoài chủ ý, xin các bạn thông cảm và bỏ quá cho.

Lời nói đầu này dành cho toàn tập tiếu luận “Giỡn Chơi Cùng Chữ Nghĩa”.

Giờ mời các bạn bước vào “sân vui”:

BÀI THƠ VUI: VẠN TUẾ HỒNG QUẦN

“Hồng quân với khách hồng quần

Đã xoay đến thế còn vần cha tha” – Nguyễn Du

.

Đèn màu soi mộng xuân thì

Em đem phơi cái nhu mì em ra

Thế mà anh chỉ nghe ca

Anh đành quên cái mả cha nhu mì – Nguyên Lạc

Dẫn nhập:

Bắt đầu bằng hai câu thơ:

“Chỉ yêu tiếng hát thanh trong

Không yêu những chuyện đục lòng người thơ” – CT

Vào bài:

*

Rằng xưa có kẻ mần thơ

Chỉ yêu tiếng hát không sờ lung tung

“Biển đông con cá nó vẫy vùng”

Sờ em không được nổi khùng vần thơ

.

Rằng nay có kẻ dại khờ

Chỉ yêu tiếng hát chẳng rờ giai nhân

Trên đời sao lắm kẻ đần

Quên đi nhan sắc lo mần thơ thôi

.

Bắc thang lên vấn ông Trời

Nghe xong trợn mắt: – Lạ đời vậy ta?

Nói xong Trời hét: – Đâu nà

Thiên Lôi xuống búa chết cha thằng này!

Ngu chi ngu dữ vậy bây?

Hoa mà không hái có hoài của không?

*

Trăm năm trong cõi hồng trần

Nếu không nhan sắc đời còn chi đây?

Thi nhân đâu phải là “gay”(+)

Chỉ yêu tiếng hát … Hát hoài chán không?

.

Làm thơ không có “quần hồng”

Thì sao tạo được những vần đắm say?

Làm sao viết được thơ hay?

Nếu không nhan sắc thơ rồi chán thôi

.

Nhu mì em lộ ra mời

Thôi đừng giả bộ thơ ngây nhà chùa

“Sư mà còn bị bỏ bùa

Các cô yếm thắm có chừa ai đâu”?(1)

.

Lo chi cho nó mọc râu

Hát hò gì cũng bằng đâu nhu mì

Đèn màu soi mộng xuân thì

Em đem phơi cái nhu mì em ra

“Trăm năm trong cõi người ta”

“Thuyền quyên ứ hự” ai mà không ham?(2)

.

Tung hô vạn tuế “quần hồng”

Thiên thu các “Mẫu” như ông “Bán Dùi” (3)

Nhớ ông nhớ lắm ông ui

Nhớ “Hoa Ngõ Hạnh” ông vui năm nào (4)

.

“Thưa em đời mộng dạt dào

Tình yêu vô tận yêu đào vô biên

Kể từ tao ngộ đầu tiên

Kim Cương vô tận, thuyền quyên vô cùng” (5)

.

Kết:

.

Biển đông con cá vẫy vùng

Mần thơ tránh quậy không khùng cũng điên

.

“Bây giờ tôi rất có quyền

Hỏi ông trời: – Chớ thuyền quyên là gì?

Mà nhân gian nhớ li bì

Từ thiên thu tới tám kỳ càn khôn

Trời rằng:  – Ngươi rất có quyền

Hỏi như rứa đó… nhưng…

– Nhưng sao?

– Nhưng ta không đủ thẩm quyền đáp đâu” (6)

.

Nguyên Lạc

…………….

Ghi chú:

(+) Gays: người đồng tính nam còn được gọi là pê đê (bắt nguồn từ từ tiếng Pháp pédérastie, tiếng Anh: homosexual person)

(1) Ba cô đội gạo lên chùa/ Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư/ Sư về, sư ốm tương tư/ Ốm lăn ốm lốc nên sư trọc đầu – Khuyết danh

(2) Giang sơn một gánh giữa đồng/ Thuyền quyên “ứ hự”, anh hùng nhớ chăng? – Nguyễn Công Trứ

(3) Bán Dùi/ Giùi là nói lái của tên Bùi Giáng. Ông thường gọi các người nữ/ giai nhân/ quần hồng là mẫu: Mẫu hậu, mẫu thân. Thí dụ Kim Cương, Hà Thanh, Marilyn Monroe, Brigitte Bardot – hiện thân của cái đẹp trần gian tục lụy và Ni cô Trí Hải (Phùng Khánh), Nam Phương Hoàng Hậu – tượng trưng cho vẻ đẹp thoát tục.

(4) Hoa Ngõ Hạnh, Bùi Giáng dịch W. Shakespeare

(5) Mẫu Thân Kim Cương – Bùi Giáng

(6) Ông Trời Chịu Thua – Bùi Gáng

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search