T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Châu Thạch: GIỚI THIỆU TẬP HỒI KÝ “CHUYỆN ĐỜI TÔI” CỦA NGUYỄN THỊ NGỌC DIỆP

         

     Chắc chắc, rất ít người biết đến bút hiệu nầy vì tác giả không phải là một nhà văn chuyên nghiệp. Chắc chắn, rất ít người biết đến tác phẩm nầy vì tác giả chỉ in 100 quyển dành để tặng cho những người yêu mến mình. Thế nhưng, nếu ai đọc được tập hồi ký nầy thì nước mắt sẽ rơi, rơi vì nhiều cảm xúc:

Thứ nhất:

– Cảm xúc vì một đời người luôn chịu những nỗi đắng cay.
– Cảm xúc vì một thời cuộc đã qua trong máu lửa và trong đau thương.

Thứ hai:
-Cảm xúc vì một nhân vật có thật trong hồi ký đã vượt qua mọi chông gai của đời để lớn lên trong tri thức, trong nhân cách của mình, như một bông hoa đẹp nở trên vùng sỏi đá.
– Cảm xúc vì phẫn nộ trước những con người gian ác, rung động trước những tâm hồn nhân đạo. Tất cả đều có thật, diễn ra trong tập hồi ký như một hoạt cảnh trường đời hấp dẫn và lý thú.

Tâp hồi ký dài gần 500 trang, gồm có 5 chương và phần kết, 68 tiêu đề, nhà thơ Lang Trương viết lời tựa:

Chương I: Sinh Ra Từ Gốc Rạ Quê Nghèo.

Nguyễn Thị Ngọc Diệp kể lại tuổi thơ của mình. 13 tuổi, con Bê còn ở truồng, không có áo quần để mặc, tắm mưa, kéo mo cau, mút cà rem , không đi học nên không biết chữ và lớn dần, vô tư với một mối tình rất tự nhiên của Tám Nho, một thanh niên mộc mạc chất phác. Thế rồi, một tháng mười thương đau đến, cha chết, chị chết, chiến tranh lan tràn trên quê hương, đẩy con người đi vào địa ngục trần gian.

Chương II: Xa Quê Tìm Con Chữ.

Bỏ quê hương cho Tám Nho đứng ngóng theo dưới rặng tre đầu làng, không hứa hẹn gì với người đơn phương e ấp yêu mình, đi đến xứ “đất đỏ mưa bùn” An Hòa, Quảng Nam. Tìm việc trong một bệnh viện Việt Đức. Học tiếng nước Đức, học chữ nước Đức trước khi học chữ nước mình. Từ một nhân viên tạp dịch quê mùa, không biết chữ, tôi luyện trở thành một y tá giỏi, tốt nghiệp ngay trên xứ người.

Chương III: Biến Cố Cuộc Đời.

Sau ngày đất nước thống nhất, chịu chung số phận của phe thua cuộc, bị nghi ngờ, bị mất việc, buôn chùng bán chạy, vượt biên bị bắt và tù tội. Ra tù, không nơi nương tựa, không có chỗ ở, hứng chịu liên miên những điều tồi tệ của con người và của thể chế trước khi qua được nước Đức để định cư.

Chương IV: Nước Đức Trong Tôi.

Kể lại những lần đến Đức, ân nghĩa của nước Đức, của người Đức, cùng sự nhạy bén, phấn đấu không mệt mỏi của tác giả để đạt được những thành quả khó tin là có thật trong cuộc đời.

Chương V: Ân Nghĩa người Dưng.

Kể lại những ân nhân, những nghĩa cử đầy nhân bản của những con người, kể cả hai phía, đã đem đến cho tác giả niềm an ủi vô biên.

Phần Kết Của Hồi Ký:

Tác gỉả tâm sự những điều sâu thẳm trong lòng mình, những tình cảm chan chứa đối với cha mẹ, thân nhân, con cháu, bạn bè và những thương yêu, buồn giận, những điều được điều mất mà tác giả đã trải qua, như con thuyền cứ trôi hoài qua bão tố, dầu hôm nay đang sống trên một đất nước văn minh và giàu có.

Phần kết của bài viết nầy:

Nhận định Chuyện Đời Tôi, nhà thơ Lang Trương đã viết: “Chuyện Đời Tôi của Nguyễn Thị Ngọc Diệp là những trang đời đẫm nước mắt nhưng không hề bi lụy mà tràn ngập tính nhân văn. Người đọc không tìm thấy lòng thù hận mà chỉ thấy tình yêu trải dài trong suốt quyển hồi ký. Chị viết đơn giản, mộc mạc như lời tâm tình, thủ thỉ trò chuyện với chính mình. Phong cách hành văn theo lối tự sự đó đã lay động trái tim bạn đọc. Những gì chân thành xuất phát từ trái tim rất dễ kết nối những trái tim”.

Đúng vậy, tôi đã thấy những nhà trí thức, những nhà thơ, nhà văn sau khi đọc Chuyện Đời Tôi thì nói hoài nói mãi những lời khen ngợi. Tôi đã thấy những bà nội trợ rất ít đọc sách, ôm Chuyện Đời Tôi đọc suốt đêm, rồi sáng hôm sau, kể lại cho chồng con nghe một cách thích thú. Tôi cũng đã thấy những Việt kiều tuổi trẻ, lớn lên sau 1975, đọc Chuyện Đời Tôi và rơi nước mắt.

Vậy tôi nghĩ, không cần nói thêm điều gì nữa cho bài viết thêm dài. Nếu một ngày nào đó, hồi ký Chuyện Đời Tôi của Nguyễn Thị Ngọc Diệp đoạt một giải thưởng lớn thì tôi cũng không ngạc nhiên mấy, vì nó xứng đáng được như vậy!
Châu Thạch

 

 

Bài Mới Nhất
Search