T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyên Lạc: NGUYỆT MƠ/CHIỀU CHIỀU LẠI NHỚ CHIỀU CHIỀU/TÌM CHI QUÁ KHỨ?

Trăng sông quê – Tranh (sơn dầu): Mai Tâm

 

NGUYỆT MƠ

.
Hôm nay xuống phố tìm người
Thấy không? Không thấy! Đâu rồi dáng thân?
Thấy không? Chỉ thấy người dưng
Thấy không? Không thấy! Sáng rằm trăng nao?
.
Thôi tôi trở lại đồi cao
Ngắm mây lũng thấp ngắm màu ráng pha
Ngắm dòng suối biếc trong veo
Ngắm trăng giỡn nước thông reo gió hòa
Sóng trăng nhung mượt lụa là
Thấy em nguyệt rạng bao la khôn cùng
.
Thì ra tình vẫn mông lung
Làm sao tìm thấy ở vùng phố đông?
Phố đông phố của người dưng
Trời cao biển thấp trập trùng trăng soi
.
Nguyệt em vẫn mãi trong tôi
Tìm nơi phố thị
Muôn đời huyễn mong
Hiểu lòng nhân thế
Chắc không?
Núi cao lũng thấp thôi cùng nguyệt mơ

 

CHIỀU CHIỀU LẠI NHỚ CHIỀU CHIỀU

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”
.
“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người áo trắng khăn điều vắt vai”
.
“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người yếm trắng dải điều thắt lưng”

(ca dao)
.

*
“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều”
Nhớ người thiếu nữ yêu kiều áo bông
Áo bông gió thổi hở hông
Thẹn thùng khép áo bóp cong tim này
Ngất ngây như ngấm rượu say
Cám ơn làn gió ép ai hông đầy
.
Đoạn trường dâu bể ai hay
Bạo cuồng bão dữ thổi bay phận người!
Chiều nay một bóng bên trời
Vời trông cố lý nhớ người áo bông
.
Gió còn thổi áo em không?
Em còn có nhớ mắt trông một người?
Một người giờ đã xa xôi
Xa. xa. xa lắm. một đời lưu vong
Mỗi chiều vẫn mãi vời trông
Nhớ người thiếu nữ hở hông yêu kiều
.
“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều”
Nhớ người thiếu nữ yêu kiều áo bông
Áo bông còn nhớ anh không?
Hồn người lữ khách hở hông chiều chiều

 

 

TIẾNG CHIỀU 2

Lũng chiều. Cô lữ. Bóng sầu riêng
Gió lạnh người ơi lạnh khắp miền
Tiếng chiều … Mắt đỏ tà dương thẫm
Tám sải hồng chung động nỗi niềm!

 

TÌM CHI QUÁ KHỨ?

Một thời ảo vọng thanh xuân
Tìm chi quá khứ. bâng khuâng nỗi lòng?
Bể dâu đời đó buồn không?
Cố nhân đâu nữa? Phù vân cuộc tình!
.
Thì thôi. hạt lệ nhân sinh
Thì thôi. nhân thế câu kinh vô thường
.
Nguyễn Lạc

 

 

 

©T.Vấn 2020

 

 

Bài Mới Nhất
Search