T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khải Triều: Cơn Ôn Dịch Coronavirus Vũ Hán 2019 Và Tâm Tư Con Người

Cõi người ta – Tranh: Thanh Châu

Cơn đại dịch Coronavirus Vũ Hán xảy ra từ cuối tháng 12/2019 cho tới nay, cuối tháng 3/2020 là hơn 3 tháng. Thời gian này chưa phải là quá dài, nhưng những gì con người trên hai trăm quốc gia đã và đang còn phải chịu đựng thì thật là khủng khiếp, nó kinh hoàng hơn cả những trận chiến tranh đã xảy ra, ít là trong thế kỷ XX. Chiến tranh lớn hay nhỏ, dân chúng còn biết phải chạy về hướng nào không có đau thương và chết chóc, còn con Coronavirus Vũ Hán 2019 hiện nay, không ai biết nó sẽ xuất hiện ở đâu và ở người nào để mà tránh. Tuy nhiên, qua 3 tháng kinh hoàng, thế giới đã có những dấu hiệu, những nhận thức về quyền sống của con người, về giá trị nhân bản của con người, bất kể họ thuộc về đất nước nào, quốc gia nào; hoặc bất kể thể chế chính trị hay tôn giáo nào. Bởi vì quyền sống của con người bắt nguồn từ Thiên Chúa, từ Trời cao. Những kẻ nào sinh ra từ bụi đất, nắm quyền từ bụi  đất thì thuộc về đất và hủy diệt những giá trị từ trời cao, như quyền sống con người, giá trị làm người của con người.Vì những quyền này chống lại những áp bức, những bất công do những luật lệ khắt khe bởi những kẻ cầm quyền vô đạo. Cơn đại dịch Coronavirus 2019, còn khiến một thành phần không nhỏ người Việt Nam, ở trong hay ngoài nước, suy nghĩ về tương lai gần của đất nước mình, quê hương mình: đã quá lâu rồi, Việt Nam lệ thuộc Tàu cộng, 50 năm hay 60 năm và hơn nữa ! Bây giờ, qua cơn ôn dịch có tên Coronavirus Vũ Hán 2019, thế giới với cả hơn hai trăm quốc gia đã và đang rùng mình vì sự tác hại đến mạng sống của con người vì nó, thì liệu tập đoàn lãnh chúa Ba Đình có dám xóa bỏ bàn cờ chủ-tớ đang chơi với Bắc Kinh hiện nay không? Hay họ vẫn trơ mặt gian, lòng đầy nham hiểm, không che giấu được lòng tham, không bỏ được miếng đỉnh chung béo bở là tiếp tục duy trì và bằng mọi thủ đoạn gian trá bảo vệ thể chế đã mục ruỗng rồi, để ngồi lại ở cái ghế đầy tớ ngoan ngoãn hiện tại của mình !?

Trong khoảng thời gian hơn ba tháng nay, khi cơn dịch Coronavirus đã lan ra trên 200 quốc gia, ở bình diện công khai, tức là các mạng truyền thông xã hội, chúng tôi mới chỉ thấy có hai người tố cáo với thế giới về sự nguy hiểm của con Coronavirus bùng nổ từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc ở Trung Quốc. Người thứ nhất là bác sĩ Lý Văn Lượng qua bài thơ Tuyệt mệnh của ông. Ông đã chết vì Coronavirus sau những báo động về tình hình trầm trọng này, nhưng báo động của ông đã không được tiếp nhận. Gần đây, có dư luận còn nói đến 6,7 người khác nữa cũng đã báo động về dịch bệnh này, nhưng chúng tôi không được biết chứng từ của họ. Người thứ hai lên tiếng tố cáo tình hình đen tối ở Vũ Hán là một phụ nữ trung niên. Người phụ nữ Trung Quốc này sống tại Vũ Hán, đã tố giác các phương tiện truyền thông nhà nước cứ tô hồng một thực trạng đen tối tại địa phương. Bà nói với một giọng và cử chỉ uất ức, như sau (xin trích dẫn):

“Mọi chuyện đã xảy ra là theo bài bản của nhà nước. Tuy nhiên chỉ có công dân bình thường phải chịu khổ vì nạn dịch này. Có tiền chúng ta cũng chẳng mua được thuốc men, cũng chẳng có chỗ trong nhà thương. Các bạn Hương Cảng, tôi ủng hộ nền độc lập của các bạn. Tôi cũng ủng hộ nền độc lập của Đài Loan, Tây Tạng và Hương Cảng, tôi ủng hộ nền độc lập của các bạn. Những hành vi gian ác của ĐCSTQ, một chế độ tham nhũng, một xã hội gian ác. Chẳng một ai có thể phát biểu tự do. Chẳng một ai. Ai dám nói lên sự thật thì liền bị công an bắt bớ, bị tước mất tự do, giam cầm và đưa ra tòa xét xử. Nếu chúng ra phán quyết 10 năm hay 20 năm tù, thì phán quyết đó đã được quyết định rồi. Cả các luật sư cũng thành vô dụng. Tất cả các luật sư ngay thẳng đều bị bọn cầm quyền bắt giữ. Dù muốn nói sự thật, họ cũng không nói được vì sự gian ác thống trị mọi nơi. Tôi muốn nói với các bạn những điều này, một người hy sinh, hai người hy sinh. Đó là sự hy sinh cần thiết cho một cuộc cách mạng. Tôi sẽ hy sinh, tố giác và đánh thức mọi người. Vì cha mẹ tôi, gia đình tôi,vì cuộc sống tự do của chúng ta. Tôi biết là nguy hiểm khi tố giác. Nhưng tôi hết chịu nổi rồi. Tôi không thể! Chẳng có giường bệnh, chẳng có thuốc men, tất cả tin tức trên TV đều là lời nói dối. Tôi chứng kiến sự đau khổ và rên xiết của các công dân bình thường. Tôi đang gióng lên tiếng nói. Tôi nói cho tôi, cho các công dân Vũ Hán, cho dân tộc Trung Hoa. Chúng làm chuyện này chỉ vì tiền. Trong xã hội gian ác này, tôi không thể cứ câm mồm được nữa. Tôi thực sự nổi điên lên (bà gào to giận dữ và khóc). Ai cũng ngại lên tiếng. Nhưng tôi đứng dậy và gióng lên tiếng nói. Chúng ta phải phản kháng. Hỡi các công dân đồng bào tôi, chúng ta không thể tiếp tục bị lừa. Tôi không thể cứ tiếp tục sống thế này. Chúng ta phải lên tiếng cho thế hệ tương lai”(Headlines Nhìn từ Vatican ngày 21-03-2020).

Kể từ khi cơn dịch từ Vũ Hán lan sang Việt Nam, nhiều gia đình băn khoăn và lo lắng nhất chính là con cái của họ còn ở tuổi đi học. Ở thành phố Hồ Chí Minh việc đóng cửa trường học lúng ta lúng túng, vì nhà cầm quyền không muốn để lộ tình hình xấu bởi con Coronavirus đang gây ra cho xã hội. Cho nên họ vẫn muốn cho thiên hạ thấy Việt Nam rất “yên bình”. Tuy vậy, rồi họ cũng có quyết định đưa ra:  các trường mầm non, học sinh tiểu học, cơ sở và phổ thông trung học, lớp 10 và 11 nghi, còn lớp 12 thì đi học kể từ ngày 9/3, vì học sinh lớp này có cuộc thi tốt nghiệp phổ thông cuối năm học. Sinh viên các trường đại học cũng đi học vào ngày này. Nhưng, có một điều trắc ẩn mang tính phân biệt đối xử. Đó là Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục cho học viên, sinh viên của minh nghỉ học đến hết tháng 3/2020 để phòng chống dịch bệnh, trong khi cán bộ viên chức, người lao động tại các đơn vị trực thuộc học viện vẫn làm việc bình thường (theo báo Tuổi Trẻ ngày 3/3/2020 trang 6). Như trên đã nói, học sinh lớp 12 và sinh viên các trường đại học đi học lại từ ngày 9/3/2020. Tuy nhiên trong ngày 8/3, học sinh lớp 12 và sinh viên được thông báo là tiếp tục nghỉ học. Như vậy, người ta biết sự nguy hiểm cho học sinh, biết cơn dịch nguy hiểm và khó lường của nó là thế nào. Có muốn giấu đi cũng không thể che đậy mãi sự thật.Nhưng khi nói ra tình hình nguy cấp cho toàn xã hội, thì nhà nước lại hô hào người dân đóng góp cho việc phòng chống dịch bệnh.

Sau khoảng một tháng vắng mặt, ông TBT kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trở lại, thì ngày 25-3-2020, bản tin  của Chính phủ Việt Nam  đã tuyên bố: đất nước chính thức bước vào “thời chiến”, các cơ sở kinh doanh dịch vụ tạm đình chỉ hoạt động từ 28-3 đến 15-4-2020; Tòa Tổng giám mục Sài Gòn thông báo dừng các thánh lễ có giáo dân tham dự kể từ ngày 26-3-2020; sau đó các giáo phận trên toàn quốc cũng dừng việc cử hành thánh lễ có giáo dân tham dự, theo chỉ thị của nhà nước. Mặt khác, nhiều người dân tại Tp HCM lo mua đồ tích trữ cho tuần “sống chậm”. Tại bến xe miền Đông, người người mang đồ đạc, cả xe gắn máy về quê tránh dịch trước ngày 28-3-2020. Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh ban bố 12 việc cần làm ngay trong “14 ngày vàng” chống dịch Covid-19, như:Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng. Mấy ngày sau, chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc bồi thêm một mệnh lệnh nữa, gọi là “Cách ly toàn xã hội” trong 15 ngày, kể từ 01.4 đến 15.4.2020. tức là gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh.Ngoài mục đích phòng dịch, những việc này khiến người ta nghĩ đến việc phòng bị như thể sắp có một cuộc thay đổi thể chế, nhiều bất trắc. Những biện pháp như thế có lẽ chỉ dưới tình trạng thiết quân luật. Chúng tôi nói thế để liên hệ đến tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đã bước sang giai đoạn thứ hai có nhiều bất trắc cho dân chúng, đặc biệt người dân sống tại các thành phố lớn, như Thành phố HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Người ta thấy đây là những trạng thái khác lạ của chính quyền đối chiếu với tình hình thời gian đầu viruscorona 2019 xuất hiện. Lúc đó, tình hình từ Hà Nội đến Tp.HCM có vẻ “bình yên”, mặc dù lòng người dân đã xôn xao, đứng ngồi không yên. Người ta thắc mắc, tại sao chính phủ Việt Nam phải mở cửa khẩu Tân Thanh ở biên giới phía Bắc theo yêu cầu của Bắc Kinh, để hàng ngàn người Trung Quốc ồ ạt tràn vào VN không cần hộ chiếu! Những người này có ai sống ở thành phố Vũ Hán, nơi là cái ổ dịch bùng phát đầu tiên?

Cùng lúc với biện pháp “Cách ly toàn xã hội”, theo tin từ Bộ ngoại giao, từ 0 giờ ngày 1.4, toàn bộ hoạt động qua lại biên giới Lào, Campuchia với người sẽ tạm dừng, kể cả đường mòn, lối mở. Đây là một trong những giải pháp để chống Covid-19.

Còn biên giới phía Bắc giáp ranh Trung Quốc? Không có tên ở bản tin trên đây, như thế có nghĩa cửa biên giới với Trung Quốc vẫn mở rộng để đón dân Tàu Cộng sang “chung sống hòa bình” với dân Việt Nam !?

Chiều ngày 30 tháng 1, tại cuộc họp phòng, chống dịch viruscorona gây ra do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, trả lời ý kiến về việc đóng cửa biên giới, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: “Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa nhưng phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương”.(Theo RFA 04-02-2020)

Vì vậy dư luận cho rằng Việt Nam đã mất chủ quyền!

Những biện pháp trên là để đối phó với tình hình xấu có thể xảy ra mà chính quyền Cộng sản Hà Nội đã trù liệu. Họ cũng tính đến việc số nạn nhân của con Coronavirus-19 chết quá nhiều, nên Sở Tài Nguyên và Môi Trường thuộc Thành phố Hồ Chí Minh đã ra một văn bản số 2285/STNMT-CTR ngày 26 tháng 3 năm 2020, về hoạt động hỏa táng ứng phó với tình hình phòng chống dịch Covid-19. Bản văn được ghi là KHẨN, gửi cho các công ty:

  • Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố;
  • Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Điền Phúc Thành;
  • Công ty Cổ phần Đầu tư Long Cơ.

Ngay những dòng chữ đầu của văn bản này viết:

“Căn cứ tình hình hiện nay trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố, để ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong tình hình dịch bệnh, đặc biệt với tình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virus Covid-19 có thể tử vong…”

Nhóm chữ in đậm là do chúng tôi, NV, nhấn mạnh. Như vậy, ông tài nguyên và môi trường của thành phố Hồ Chí Minh muốn áp dụng theo Tàu Cộng ở thành phố Vũ Hán! Các mạng xã hội đã mạnh mẽ chỉ trích ông tài nguyên môi trường này, là quá tàn bạo, cho vào lò thiêu cả những người còn sống! Ông phải xin lỗi. Nhưng chữ nghĩa đã nói ra, thì dù có xin lỗi bao nhiêu lần, vẫn còn đó. Mặt khác có mạng xã hội lại cho rằng, ông tài nguyên và môi trường của thành phố Hồ Chí Minh không đủ thẩm quyền để “tự ý” làm cái văn bản quái gở này một mình. Phải lần lên cao hơn nữa…Quả thật người ta coi rẻ mạng sống con người quá, đến nỗi không biết rằng hỏa thiêu cả những bệnh nhân nặng là tội giết người !!! Chỉ có Satan mới tàn bạo trên mạng sống của con người như vậy !

 

Những biểu hiện tôn giáo và tâm tư con người

trước nạn dịch Coronavirus Vũ Hán-2019

 

Với tình hình rất xấu bởi cơn ôn dịch Coronavirus Vũ Hán-2019, chúng tôi nhận ra rằng, nhiều hay ít tùy từng người, khi con người đối mặt với cái chết, con người nhận được những cánh cửa mở về tâm linh. Nói cách khác, con người nhận được mạc khải từ trên cao, những ánh sáng này, đưa con người vượt lên những sợ hãi, những lo âu, và trong phút giây, mắt tâm linh con người mở ra. Họ sẽ thấu cảm từ trong đau khổ, từ trong nguy cấp những điều giúp con người có niềm tin và vững vàng trong mọi điều bất trắc có thể xảy ra. Chúng tôi không nói về những người dễ bị tổn thương, những người tuyệt vọng trước những tình cảnh bi đát như đường cùng. Dưới đây, chúng tôi nêu ra ba trường hợp có thể giúp cho mình tìm được sự bình an trong nội tâm trong khi cơn ôn dịch Coronavirus Vũ Hán-2019 vẫn đang tiếp tục gây đau thương cho hàng trăm ngàn con người trên toàn thế giới.

Đó là những biểu hiện của tôn giáo, những tình cảm của những người vô gia cư gửi về những nạn nhân của dịch bệnh Vũ Hán và cuối cùng là những chia sẻ của ông Bill Gates về gia đình, về bản ngã con người trong lúc dịch Coronavirus đang gây đau thương và sợ hãi cho con người.

 

Về mặt tôn giáo

Chúng tôi đã không thể cầm được nước mắt khi nhìn thấy trong lòng một nhà thờ ở Italia, có 2,3 dẫy quan tài, từ trên xuống dưới, quàn xác những người đã chết vì cơn đại dịch, vì chưa được hỏa táng; một linh mục cầu nguyện và đi từ trên xuống xông hương cho họ, chỉ có một người đàn ông theo giúp ngài. Có lẽ các lò hỏa thiêu đã không còn chỗ. Khi các nhà thờ phải dừng lại tất cả các nghi lễ tôn giáo, và như vậy các linh mục làm lễ mỗi ngày mà không có giáo dân tham dự, thì tại một nhà thờ ở Ý, vị linh mục ở đó có sáng kiến là, ông lấy các hình của giáo dân trong xứ, phóng to lên, dán vào một tấm bìa cứng, đặt những tấm hình này ở mỗi chiếc ghế trong nhà thờ. Vị linh mục này nói, mỗi khi cử hành thánh lễ mà không có giáo dân tham dự, ông cảm thấy rất buồn, nhưng khi có các hình giáo dân được đặt ở mỗi ghế, nhìn xuống thấy vậy, ông thấy như có giáo dân thực sự hiện diện vậy. Một sáng kiến khác là, vì linh mục không thể ngồi ở tòa giải tội và giáo dân cũng không thể đến đó xưng tội như thường lệ, nên có linh mục ra ngoài sân nhà thờ ngồi ở ghế đá, giáo dân nào xưng tội thì lái xe đi qua chỗ ngài ngồi để xưng tội, người xưng tội vẫn ngồi yên trên xe.

Trong thời gian này, tại Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có lẽ là người rất vất  vả để duy trì sự hiện diện của ngài thường xuyên trong Hội Thánh, vì ngài không thể trực tiếp gặp gỡ đám đông như thường lệ được. Cho nên tôi thường thấy ngài ra khỏi phòng nghỉ của mình, đi bộ với một vị giáo sĩ mặc áo chùng thâm, còn ngài thì vẫn bộ chùng trắng thường lệ, đến cầu nguyện với Đức Bà Cả, ở đường Corso, Roma; ngài cũng đến cầu nguyện trước cây thánh giá bên trong nhà thờ San Marcello. Các học giả xem đây là hiện thực nhất Roma. Cây thánh giá đã sống còn sau một trận hỏa hoạn ngày 23-5-1519 khi một vụ hỏa hoạn thiêu hủy hoàn toàn nhà thờ trong đêm. Sáng hôm sau dưới mắt của nhiều người Roma đến đây, họ nhìn cảnh tượng tang thương: ngôi đền thờ bị hủy hoại nhưng trong đám tro tàn còn âm ỉ cháy, cây thánh giá của bàn thờ còn nguyên vẹn, dưới chân vẫn còn ngọn đèn dầu nhỏ cháy.Cây thánh giá này đã cứu Roma khỏi nạn dịch hạch và Đức Gioan-Phaolô II đã ôm hôn trong một sự kiện nổi bật đánh dấu Ngày Tha thứ năm 2000.(Theo Marta An Nguyễn dịch).

Đức Phanxicô đã cho tháo rời cây thánh giá này ở nhà thờ San Marcello al Corso để đưa đến Quảng trường Thánh Phêrô. Trong buổi cầu nguyện, Đức Phanxicô đã đọc lúc 6 giờ chiều ngày 27-3-2020 (0 giờ sáng giờ VN ngày thứ bảy 28-3-2020, để xin chấm dứt đại dịch coronavirus.

Ở quan điểm tôn giáo, việc dừng các nghi lễ có đông giáo dân tham dự đã thúc đẩy người tín hữu có đức tin đi vào chiều sâu sống đạo. Không được tham dự thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa qua Bí tích Thánh Thể, thì họ sẽ Rước lễ thiêng liêng, bằng cách lòng trí họ sẽ hướng về Nhà tạm tại các nhà thờ, có Mình Thánh Chúa, để xin Chúa Giêsu đến với họ và gia đình họ. Lại nữa vì không có thánh lễ cộng đồng, nhưng nhà thờ mở cửa thì họ vẫn có thể bước vào bên trong mà cầu nguyện riêng với Chúa và lần hạt Mân Côi.

Chúng tôi tin chắc rằng, những người giáo dân cũng như nhiều thành phần khác trong xã hội có chiều kích rộng và sâu, họ sẽ không thu hẹp mối quan hệ với người thân thuộc và bạn hữu, mặc dù họ không được ra ngoài để gặp gỡ, bắt tay hay rủ nhau vào một quán cà phê để có thể ngồi tại đó cả giờ đồng hồ nói chuyện trên trời dưới đất, chuyện xa gần. Nhưng họ vẫn liên lạc với nhau, hỏi thăm sức khỏe của nhau qua chiếc điện thoại nhỏ bé cầm trong lòng bàn tay. Cũng với chiếc điện thoại này, họ có thể trao đổi qua lại những bản tin vui, buồn và những hình ảnh sống động về tình hình ở nơi này hay nơi khác trên toàn thế giới ngay tức thì khi một sự việc bất thường xảy ra.

Là người tín hữu Công giáo, chúng tôi còn có thể “dự” thánh lễ trực tuyến, do linh mục cử hành, hay một Giám mục, một Tổng Giám mục cử hành lễ Chúa nhật và các ngày trong tuần. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng cử hành, như:

Trong thánh lễ sáng ngày 26/3/2020, tại nhà nguyện thánh Marta ở Vatican, Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi các tín hữu cầu nguyện để nhiều người vượt thắng sợ hãi trong thời điểm đại dịch hiện nay.

Ngài nghĩ đến những người không có việc làm nhất định, lo lắng không biết làm sao để có lương thực cho con cái và thấy nạn đói đang đến. Ngài nói đến nỗi sợ hãi của bao nhiêu người phục vụ xã hội, trong lúc này, đang giúp đỡ xã hội tiến bước và có thể bị lây bệnh. Và cả những sợ hãi của chúng ta: mỗi người biết đâu là sợ hãi của mình. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta tiếp tục tin tưởng và có tinh thần bao dung, chiến thắng các thứ sợ hãi”.

Và một thánh lễ khác:

Lúc 7 giờ sáng Chúa nhật, ngày 29/3/2020 vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ trực tuyến tại nhà nguyện thánh Marta và có hàng trăm ngàn người tham dự lễ này qua các phương tiện truyền thông.

Trong lời dẫn nhập đầu thánh lễ, Đức Thánh cha nói: “Tôi nghĩ đến bao nhiêu người đang khóc: những người bị cô lập, bị cách ly, những người già cô độc, những người đang điều trị ở nhà thương, các cha mẹ thấy rằng vì không có lương, nên không có lương thực cho con cái. Chúng ta hãy thành tâm đồng hành với họ. Chúng ta cũng hãy cùng khóc một chút với Chúa cho toàn dân của Ngài.”

Qua những chia sẻ này của Đức Phanxicô, tôi thấy mình cũng đang đồng hành với những người đang đi trên những con đường đau khổ, con đường mà Giêsu Nazaret xưa đã đi.

Cơn ôn dịch Coronavirus Vũ Hán 2019 mặc dù đã và đang còn gieo rắc bao nỗi đau thương cho hàng triệu con người trên hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chưa kể trên mấy du thuyền cũng có cả chục, cả trăm du khách lây nhiễm con virus này. Tuy nhiên, chúng tôi đã ghi nhận những tâm tư và trắc ẩn, kể cả nước mắt của vị đứng đầu Giáo Hội Công Giáo tại La Mã, là Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã biểu hiện nỗi lòng mình qua những việc làm mang tính tôn giáo thuần khiết trên đây. Chúng tôi chuyển những tâm tư của ngài vào bài viết thô lậu này, chỉ nhằm mục đích là Giáo hội luôn đồng hành với con người trên toàn thế giới, không phân biệt tôn giáo, xu hướng xã hội và chính trị.

 

Và về tâm tư con người

Những người vô gia cư ở Madrid – hiện cư ngụ trong ngôi nhà do Caritas giáo phận điều hành – đã viết thư động viên các bệnh nhân nhiễm virus corona tại 6 bệnh viện trong khu vực.

Một trong những lá thư đó viết: “Cuộc sống đặt chúng ta vào những tình huống khó khăn. Nhưng bạn chỉ cần giữ bình tĩnh và đừng mất niềm tin, luôn luôn cuối đường hầm tối tăm sẽ xuất hiện ánh sáng rực rỡ, và mặc dù có vẻ như chúng ta đang chưa thể tìm thấy một lối ra, nhưng vẫn luôn có một giải pháp. Chúa có thể làm được mọi sự.”

Theo ban Caritas giáo phận Madrid, những người vô gia cư đã thể hiện sự đồng cảm với nỗi cô đơn và sợ hãi của các bệnh nhân, họ gửi những lời an ủi đến cho những hoàn cảnh khó khăn mà nhiều người trong số họ cũng đã từng trải qua.(Theo WTGPSG ngày 29-3-2020)

Còn ông Bill Gates thì đã bầy tỏ quan điểm của mình ở khía cạnh gia đình, bản ngã mỗi người và cuối cùng là cái nhìn tích cực của ông về Cơn ôn dịch Coronavirus này. Xin dẫn:

“Nó đang nhắc nhở chúng ta về cuộc sống gia đình và gia đình quan trọng như thế nào và chúng ta đã bỏ bê điều này đến mức nào. Nó buộc chúng ta trở lại nhà của chúng ta để có thể xây dựng lại và củng cố đơn vị gia đình của chúng ta.

– Đó là nhắc nhở chúng ta kiểm soát bản ngã của mình. Nó đang nhắc nhở chúng ta rằng cho dù chúng ta nghĩ chúng ta vĩ đại đến mức nào, hay chúng ta nghĩ chúng ta tuyệt vời đến thế nào, thì vẫn có một loại virus có thể khiến thế giới của chúng ta đứng yên.
– Nó đang nhắc nhở chúng ta rằng sức mạnh của sự tự do nằm trong tay chúng ta. Chúng ta có thể chọn hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ, cho đi, giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau hoặc chúng ta có thể chọn ích kỷ, tích trữ, chỉ chăm sóc duy chỉ cho bản thân. Thật vậy, đó là những khó khăn làm nổi bật màu sắc thực sự của chúng ta hiện nay.

Trong khi nhiều người coi virus Corona / Covid-19 là một thảm họa lớn, tôi thích xem nó như là một sửa chữa tuyệt vời. Nó được gửi để nhắc nhở chúng ta về những bài học quan trọng mà chúng ta dường như đã quên và chúng ta có học được chúng hay không.” (BTTH ngày 28-3-2020)

Chúng tôi xin tiếp vài lời với ông Bill Gates về gia đình. Nhận xét của ông thật chính xác. Đức Maria đã nói với con người qua 3 trẻ chăn chiên ở Fatima, một nơi hẻo lánh của Bồ Đào Nha năm 1917. Ngày đó nạn Cộng sản còn manh nha thôi. Nhưng Đức Maria đã nói rằng các con hãy ăn năn, cải thiện đời sống, lần hạt Mân Côi. Nếu không, con rồng đỏ sẽ lan tràn khắp thế giới. Và quả thật, chế độ Cộng sản, tức con rồng đỏ, đã xuất đầu lộ diện. Con người không nghe lời Đức Maria, gia đình thay vì là “tổ ấm” thì trở thành địa ngục. Nạn phá thai, ly dị và nay, một số quốc gia đã hợp thức hóa “hôn nhân đồng tính”. Đó là hành vi chống lại Thiên Chúa! Chúng tôi hợp ý với ông Bill Gates: “Xin trở về với gia đình”, xin xóa bỏ “hôn nhân đồng tính”, xin bảo vệ sự sống từ lúc con người còn trong dạ mẹ. Hãy đặt gia đình vào vị trí “Trận Chiến Quyết Định”.

Kết

Kể từ lúc cơn ôn dịch Coronavirus Vũ Hán 2019 bùng phát cho tới ngày 02-04-2020, là ngày bài này được viết xong, theo dõi tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới, chúng tôi ghi nhận một vài con số được coi là sát với thực tế của những quốc gia chúng tôi nói đến dưới đây, còn những nơi khác tình hình diễn biến phức tạp và không thực tế về các con số công bố. Trong những quốc gia có những số liệu sát thực tế ở đấy, ngoài tình hình toàn thế giới và Việt Nam, chúng tôi cũng chi ghi chép được khoảng 10 quốc gia mà thôi. Đó là:

Trước hết, có một linh mục ở bang New York qua đời; hơn 60 linh mục ở Ý và 6 Nữ tu trong một Tu viện đã tử vong, các Nữ tu còn lại cũng đã bị lây nhiễm nặng.

Trong khi, trên toàn thế giới cũng trong thời gian này, có hơn 940.000 ca lây nhiễm, có 47.232 ca tử vong, số người bệnh được phục hồi là 194.227

Hoa Kỳ: có 215.000 người lây nhiễm, 5100 người chết

Ý: có 110.574 người lây nhiễm, 13.155 người chết

Tây Ban Nha: có 104.118 người lây nhiễm, 9387 người chết

Đức: có 77.981 người lây nhiễm, 931 người chết.

Pháp: 56.989 ca lây nhiễm, 4032 người chết

Anh: có 29.474 ca lây nhiễm, 2352 người chết

Nhật: có 2384 ca lây nhiễm

Malaysia: có 2908 ca lây nhiễm. 45 người chết

Indonesia: có 1677 ca lây nhiễm, 157 người chết

Việt Nam: có 222 ca nhiễm. Ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, đã được kiểm soát, theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội.

Những con số này còn thay đổi nhiều bao lâu dịch bệnh chưa được dập tắt. Tuy nhiên, với thời gian chúng tôi ghi lại, những số liệu trên đây, một phần nào đã nói lên tình hình nghiêm trọng, hãi hùng và khủng khiếp. Nếu một lúc nào đó, các nhà khoa học về vi trùng học “khám phá” ra tác nhân đã gây nên tình hình này, thì công bằng mà nói, tác nhân ấy cũng phải trả lẽ công bằng cho nhân loại mà thôi.

Cho đến nay, Trung Quốc chỉ báo cáo 3298 người chết vì Coronavirus-2019, trong khi tờ tạp chí Tài Tân (Caixin) cho biết một hàng người dài khoảng 200m đợi bên ngoài Nhà tang có tên là Hán khẩu có hàng ngàn chiếc bình đã được dỡ xuống từ một chiếc xe tải và xếp chồng lên nhau bên trong Nhà tang. Một “Phòng tang lễ” khác ở Võ Xương (Wu Chang, một khu phố Vũ Hán) đã có thông báo là các thành viên trong gia đình có thể đến nhận bình tro từ ngày 23.3 cho đến lễ Thanh Minh. Họ sẽ phân phối 500 bình mỗi ngày. Điều này có nghĩa là có khoảng 6500 bình tro ở đây mà thôi. Một phóng viên của tờ Tài Tân cho biết các lò hỏa táng đã làm việc 19 giờ mỗi ngày trong tháng Hai. (Theo Trần Mạnh Trác-VietCatholic News, ngày 28-3-2020). Như vậy, đâu chỉ có 3298 người, hoặc 6500 người chết ở Vũ Hán!

 

KHẢI TRIỀU

(Ngày 02-04-2020)

 

©T.Vấn 2020

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
 

 

Bài Mới Nhất
Search