T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Tấn Hải: NGƯỜI BẠN BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG

Thử Thách – Tranh: Mai Tâm

Tôi cầm thư Hòa, và thật chậm, rọc mép thư, đọc từng dòng chữ một. Nhiều năm rồi, tôi mới được thư anh. Hàng tem in ở góc với con số hơn tám ngàn đồng Việt Nam, tôi biết đây là một hy sinh lớn; anh không nhiều tiền. Anh thuộc loại người xông xáo làm đủ mọi chuyện để kiếm sống và nuôi gia đình, nhưng định mệnh thường phá vỡ mọi mưu tính của anh và cứ buộc anh ngồi nhà đọc sách.

“Trời đã định sẵn Hòa phải làm người trí thức thì phải thua thôi. Cứ bình tĩnh ngồi nhà đọc sách đi, may ra, tới một ngày học được phép chỉ sách hóa tiền thì được.” Tôi thường nói vậy sau mỗi lần anh dẹp một việc làm nào đó.

“Vợ mình may đâu đủ sống. Rồi làm sao… Phải chi độc thân như Hưng.”

Tôi biết anh không có khả năng sống được trong bất kỳ thế giới nào, vì anh quá ngây thơ, và vì không một xã hội nào, nhất là xã hội cộng sản, cần tới lòng trẻ dại đó.

*

Bì thư xanh xanh đỏ đỏ, giấy xơ cứng, loại này hình như chỉ còn một nơi duy nhất trên thế giới sản xuất. Giấy thư kiểu học trò, vàng màu tái sinh nhiều lần. Anh viết hỏi thăm tôi đủ chuyện. Tôi đoán cũng là hỏi cho có thôi, vì Hòa có thể biết qua các em tôi còn ở Sài Gòn. Thư chẳng văn chương gì hết, anh và tôi không thích viết kiểu văn chương. Cách nhiều năm rồi, một lần tôi gửi anh năm mươi đô la. Anh viết vài dòng cảm ơn, chỉ vài dòng thôi, và cuối thư dặn dò lúc nào có tiền cứ gửi thêm. Từ đó tới giờ, tôi lờ đi. Bởi vì tôi không mấy khi nhiều tiền, và khi có thì lại không biết giữ, kiểu này anh đã biết quá rõ.

Lần anh bỏ chỗ chợ Gò Vấp, dọn đồ nghề làm và sửa giày dép về chợ Tân Phú, tôi đã băn khoăn tự hỏi, không biết chỗ sau nữa của anh sẽ ở đâu. Dù vậy, tôi cũng ngồi hết một ngày để tiễn đưa, kiểu chúng tôi nói, khu chợ Gò Vấp, nơi anh gần một năm bày thùng đồ nghề sửa giày. Chỉ ngồi thôi, Hòa nói, ngồi nhìn cuộc đời chung quanh, trước mắt mình, chờ giao hết giày người ta đặt sửa, hôm nay lấy, rồi mai về nơi khác làm ăn, cũng vui rồi. Kiểu anh nói có khi hơi lắp, tôi ghi nhận, đi kèm với gọng kính dày trên mắt thế kia thì làm ăn cái gì. Ừ, thì cũng vui, tôi ậm ừ và kiếm chuyện tào lao để nói.

Chuyện tào lao của chúng tôi thì thật nhiều. Nói về nhóm nghiên cứu của chúng tôi năm xưa, về những ngày còn đi học, về sách vở, về những người bạn còn ngồi tù, về Thiền, về Công giáo thần bí, và đủ thứ chuyện. Tôi đoán là thư anh không nói về những chuyện đó. Không ai gửi thư qua Mỹ chỉ để nhắc lại những kỷ niệm, có lẽ chỉ trừ những tình nhân.

*

Dòng tái bút, anh cho biết cần tôi gửi các sách tiếng Anh hoặc Pháp về các khuynh hướng Công giáo thần bí để anh nghiên cứu viết lách — tôi còn nhớ, trước kia khi còn ở trường, anh làm luận án Cao học dưới sự bảo trợ của linh mục Nguyễn Khắc Dương.

Vậy là nghề làm giày của anh đi đời rồi. Không biết sau chỗ ngồi ở chợ Tân Phú có phải dời tới chỗ nào khác không. Tay anh vụng về thế kia thì khách nào chịu cho nổi. Còn lũ bạn có thương thì thỉnh thoảng mang vài đôi dép da tới nhờ anh vá hoặc dán lại thôi. Bây giờ lại nghiên cứu hay dịch thuật những thứ này thì làm sao sống được. Không rõ anh muốn vào nghề xuất bản, hay là viết cho Giáo Hội Công Giáo. Các nhà thờ có bao giờ chơi rộng rãi với anh không, tôi cũng thắc mắc về điểm này lắm, vì kinh nghiệm sống chết với Phật giáo của tôi chỉ dạy cách sống bằng thiền định chứ không bằng cơm áo. Vậy còn người vợ với năm đứa con, thu nhập với nghề may, biết có mở tiệm được chưa, không thấy anh nhắc trong thư.

Phải đưa thư này cho thằng Tường coi, tôi nghĩ vậy. Tường là bạn học cùng làm báo với Hòa và tôi từ ngày đi học. Dòng họ tên này làm lớn chức ở Vatican, có thể hắn cũng nhận được một thư tương tự. Và nếu vậy thì tôi cũng nhẹ phần trách nhiệm. Trước giờ tôi cũng gửi nhiều sách Phật giáo vào nước, có lẽ Hòa biết và đó là lý do anh muốn tôi tìm sách Công giáo cho anh. Nhưng dính nhiều quá lại rắc rối, và không chắc gì những bản dịch của anh có thể phổ biến được.

.

Khi Hòa về ở Tân Phú, thỉnh thoảng tôi cũng ghé thăm. Ngôi nhà anh ở, nơi vợ anh đặt bàn máy may và một góc là nơi anh đặt bàn sửa giày, không đủ chỗ cho mấy đứa con đùa nghịch. Bất tiện nữa, lại không gần chợ. Vậy thì làm sao làm ăn, tôi hỏi ngay lần đầu tới đây thăm. Hòa dẹp những đôi giày cũ sang bên, phủi tay cho đám bụi đen rơi khắp người và đứng dậy kéo tôi ra quán cà phê bên kia đường. Vợ Hòa chỉ ngẩng đầu lên, mỉm cười chào tôi rồi lại cúi người xuống bàn máy, chân đạp liên tục những đường chỉ. Hòa đưa tay sửa gọng kính cho ngay ngắn, nói giọng lắp bắp, thì cũng phải làm ăn chứ, không thì chết.

Quán cà phê bên kia đường thật vắng. Buổi trưa nắng gay gắt. Chúng tôi ngồi chỉ là cho có chỗ nói chuyện. Lúc đó anh hỏi tôi về tình hình Phật giáo và dòng Thiền của Thầy tôi. Tôi kể là anh tôi vừa bị trục xuất khỏi chùa và đang lang thang tìm một trú xứ mới ở miền Đông. Tôi lại nói về ông Bồ Đề Đạt Ma, Lâm Tế và Sư Ông của tôi — những điều anh cứ tò mò. Và anh lại kể về dòng Tiểu Huynh Tiểu Muội của Công giáo thiết lập ở sa mạc thế nào — cũng là những điều tôi thích nghe. Tôi nói, phải chi đất nước bình yên, tụi mình kiếm sách vở đọc đầy đủ về mấy chuyện này nhỉ. Lúc bấy giờ, sách vở ở Sài Gòn không có gì để đọc. Chúng tôi chia sẻ cho nhau những kiến thức bằng trí nhớ giới hạn của chúng tôi. Anh hỏi về cuốn sách bí mật ở ngôi chùa Thầy tôi. Tôi nói, đi làm ruộng cũng ngất ngư rồi, thứ nữa ông Thầy bảo tôi cần ngưng đọc sách nhiều năm. Vậy thì chán chết, anh cười. Tiếng cười cũng lắp bắp như kiểu nói. Tôi bảo, sống thôi cũng đã rồi. Ừ, anh gật gù, cũng đã rồi. Mà phải sống cho thật đã, đó mới là Thiền, tôi giải thích thêm…

.

Nhà Tường ở Westminster, ngay giữa khu trung tâm của người Việt. Tôi bước lên lầu hai, đập đập cánh cửa căn chung cư của hắn. Tường mở cửa cho tôi vào. Đứa con hắn chỉa khẩu súng nhựa vào tôi, miệng bắn pằng pằng. Tôi đưa tay lên trời ra dáng đầu hàng, bắn nhẹ thôi, không chú lăn ra chết giờ. Đứa nhỏ vẫn chưa nói sõi, cười cười hạ mũi súng xuống.

Tường hỏi tôi có gì lạ không. Tôi bảo chẳng có gì, chỉ trừ thư của Hòa mới gửi sang, Tường đọc đi. Hắn hỏi tôi ăn cơm không. Tôi đáp không. Ba năm nay, hắn thất nghiệp và ăn bám vợ, nhưng cứ thấy mặt tôi là hỏi ăn cơm không, như dường tôi đói kinh niên. Tôi ngồi nhìn nắng ngoài cửa sổ và nghĩ tới những trưa nắng quê nhà, và tới Hòa.

Tường cầm thư Hòa trầm ngâm, sao vậy được, hẳn là Hòa nó làm việc cho một tờ báo quốc doanh nào đấy. Tôi im lặng hồi lâu. Tôi cũng đoán được câu hỏi như vậy. Tường không biết là lòng tôi vui biết bao nhiêu khi thấy Hòa xin những cuốn sách như vậy. Còn hơn là xin những cuốn sách về kinh tế thị trường với quản trị tài chánh. Nhưng tôi đã cố ý tránh nghĩ tới việc Hòa đang làm cho một cơ quan nào đấy về xuất bản hoặc in ấn.

“Hòa xin sách đó. Tường kiếm được không? Mình không có tiền mua sách.”

Mặt Tường quạu lại, cái sẹo trên mi mắt đỏ lên.

“Mình đoán được chỗ nó đang làm việc rồi.”

“Tường thư qua Pháp hỏi ông anh Tường coi gửi các loại sách Công giáo cho hắn được không. Về Therèse de Lisieux, về dòng Tiểu Huynh Tiểu Muội, hay về Gabriel Marcel cũng được. Nói chung cái gì cũng được.”

“Nhưng thời buổi này thì viết làm gì?”

Tôi biết Tường bị tổn thương nhiều. Hắn nghĩ là nhóm chúng tôi lúc nào cũng phải ngon lành, nghĩa là không bao giờ quỵ lụy nhà nước. Nhưng thư Hòa có nói gì đâu. Tôi cũng không thích ở nơi chốn bình an mà bàn về những nơi hung hiểm. Tôi cầm thư Hòa nhét vào túi, gấp vội vã.

Tường nói, không gửi gì hết, tuyệt nhiên không gửi gì hết. Tôi bảo, Tường không gửi thì rồi mình cũng sẽ gửi, nhưng sao lại quạu như vậy.

“Thằng Hiệp nó lang thang ngoài đường đâu cần làm gì đâu. Hiệp là chuyên gia về thần học Ky Tô, bao nhiêu ông cha gọi làm việc mà nhất định không làm.”

Tôi không nói gì về chuyện đó nữa, hắn có quyền nói về bất cứ điều gì. Tôi hỏi Tường về chuyện ông anh hắn. Hắn lại hỏi tôi về vận động của Phật giáo. Chúng tôi nói dăm ba chuyện. Tôi ngáp rồi đứng dậy. Đứa con Tường lại chỉa súng nhựa vào tôi, miệng pằng pằng. Tôi lại đưa tay giả đầu hàng, bảo Tường là tôi lúc nào cũng sợ súng, thành phản xạ rồi. Khi tôi xuống đường, nắng rực rỡ và cháy bỏng. Tôi thọc tay vào túi để kiểm xem thư Hòa có nằm đó không. Lưỡi tôi tự nhiên có vị đắng.

.

Từ chợ Gò Vấp, nơi Hòa đặt bàn may vá giày dép, cách nhà anh cũng năm, bảy cây số. Có những chiều tôi ngồi bên anh cả ngày, đùa giỡn, chờ tới khi chiều xuống, anh dẹp hàng rồi cùng đạp xe về nhà anh ăn cơm. Tấm bạt che nắng được chăng vụng về bên lề đường. Tôi cứ bảo, chẳng ngay ngắn gì hết, cứ thụng thụng xuống làm phiền khách qua lại, làm sao người ta tin là những đường chỉ của Hòa có thể thẳng được. Trước mặt là ngôi chợ ồn ào, tường vôi cũ, kiến trúc thời Pháp. Cũng không dễ làm ăn vào lúc đó, cả nước đều đang đói rách, và chính quyền thì cứ nằm mơ tới thiên đường.

Nhà anh ở giữa một khu tràn ngập gái giang hồ. Tác phong trí thức của anh, đôi kính dày, nói lắp bắp thường là những điều khó hiểu, không có vẻ thích nghi chi ở vùng này. Anh được hàng xóm nể trọng nhờ vào nghề giáo trước 75 của anh, dạy Triết cho một trường Trung học ở tận Phan Thiết. Đôi khi tôi cũng đùa anh, cái xóm này có mùi gì lạ ha, lần đó giữa khi chúng tôi về nhà anh ăn cơm. Anh hỏi, mũi hích hích, mùi gì kìa. Tôi bảo, mùi của những cuộc làm tình chứ gì nữa. Hòa cười chịu đựng, rồi phải kiếm cách dọn đi, để con nít ở đây hư hết. Tôi biết tìm được một nơi ở khác cũng là một nan đề giữa thời buổi này. Tôi đã bảo, tôi ngại đi vào đây một mình vì cứ bị mấy cô níu áo hoài, mặt mũi tôi lại có vẻ nhà quê, như dường dễ dụ dỗ mới khổ.

.

Hôm trước khi tôi vượt biên, Hòa vào Chợ Lớn rủ tôi lang thang dạo phố. Chúng tôi đi bộ trên các phố Nguyễn Trãi, Tổng Đốc Phương, Đồng Khánh. Tôi vẫn thích gọi đường phố bằng các tên cũ. Giữa cảnh tiêu điều của thời sau các trận đánh tư sản, Chợ Lớn vẫn âm thầm, kiên nhẫn gượng dậy trong những cách riêng. Nhà tôi trên lầu hai của một quãng phố Đồng Khánh.

Khi qua trước sân Tinh Võ, nhìn những tiệm sách cũ của Tàu, tôi nói với Hòa là ước mơ của tôi thật đơn giản, khi về già tôi sẽ làm chủ một tiệm sách cũ để sống qua ngày. Còn gì nữa nhỉ, tôi cắn môi suy nghĩ thêm khi chợt thấy ý nghĩ đó có vẻ hơi khiêm tốn, ừa chủ yếu phải là đọc sách và tụng kinh, còn có tiền thì đi lang thang thế giới chẳng hạn. Ừ quên, tôi còn muốn sau này sẽ dịch thật nhiều sách của Krishnamurti ra tiếng Việt; tôi nói, đó là Thiền đó. Hòa chẳng nói gì nhiều, chỉ trầm ngâm thỉnh thoảng cười. Hôm đó, sau khi đi tới mỏi nhừ chân, chúng tôi lại về lấy xe đạp đi thêm. Tôi theo Hòa tới tận một lò da và keo gần nghĩa địa Quảng Đông, để anh mua thêm mớ đồ nghề làm việc. Khi nhìn anh đứng lắp bắp mặc cả từng đồng một với tay Ba Tàu chủ lò, trong căn nhà tôn nóng đổ mồ hôi, về những tấm da cắt sẵn và các hũ keo vá giày, tôi nghĩ sau này mình sẽ gửi tiền về cho Hòa làm ăn đàng hoàng.

Nhiều năm sau, tôi vẫn chưa gửi được cho anh quá năm mươi đô la. Và bây giờ thì anh hỏi tôi những quyển sách nước ngoài viết về Ky Tô thần bí. Không biết rồi Hòa sẽ làm gì với những thứ này. Có bao giờ, như trước kia tôi từng nói với Hòa, anh cần phải học phép chỉ sách hóa tiền. Nhưng cả anh và tôi, dù biết giá trị đồng tiền, vẫn chưa bao giờ bỏ hết tâm lực vào việc này.

.

Còn phải kiếm cách gửi nữa chứ, tôi nghĩ, cứ theo đường Bưu điện nhiều phần là mất. Tôi nhìn lên tủ sách của tôi, cũng vài trăm cuốn nhưng không có quyển nào Hòa cần. Vậy là cuối tuần phải đi lùng sục ở những tiệm sách cũ. Có bao giờ Hòa đang nói chuyện với những thanh niên về đam mê của anh, tại sao Ky Tô thần bí chẳng hạn, cũng như một thời tôi đi khắp nơi để nói, nghe và tranh luận về Thiền.

Tôi suy nghĩ xem mình có thể nhờ thêm người bạn nào lo cho Hòa. Sau Tường thì tôi không thể nghĩ tới ai. Đã có những người bạn hiện không bao giờ đọc sách nữa, và cũng không bao giờ cần biết chuyện gì đang xảy ra ở quê nhà. Tôi hiểu Hòa, và tôi tin Hòa, mặc cho bây giờ anh đang làm gì và ở đâu. Nơi đó, ở quê nhà bên kia bờ đại dương, người ta đang lấn nhau từng dòng chữ một, và đang trấn áp nhau từng tư tưởng một. Nơi đó, Hòa đang cúi đầu trên những trang sách, hoặc đang viết lên những dòng chữ cẩn trọng cho tôn giáo của anh.

Ngoài trời, tiếng mưa bắt đầu đập vào cửa sổ và gió ào ạt xô vào phòng. Tôi đứng dậy, vặn lại kính cửa sổ. Gió hắt mạnh vào mặt tôi. Trên lưỡi, tôi vẫn còn thấy vị đắng buổi chiều chưa qua.

Phan Tấn Hải

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

 

Bài Mới Nhất
Search