T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 178)

clip_image002

Chữ nghĩa làng văn

Tú Xương có câu thơ

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Câu thơ ngắn gọn đã phản ánh không gian, địa điểm và công việc làm ăn của bà Tú. “mom sông”. Mom sông là một nơi chênh vênh, ba bề là nước, nó gợi lên sự nguy hiểm, bất trắc, vốn không phải là nơi dành để buôn bán bình thường. Bởi vậy hơn ai hết, ông hiểu rõ mục đích của nỗi vất vả đó nơi người vợ:

Nuôi đủ năm con với một chồng

(Thơ thương vợ của Tú Xương – Vũ Thanh)

 

Cái đôn

Người mà tôi hỏi là ông Lý Văn Hùng, người Quảng Đông ở Chợ Lớn. Ông nầy chỉ là thầy giáo Tàu thôi, nhưng ông đã viết vài quyển sách về lịch sử cận đại của miền Nam bằng chữ Tàu, và ông ta dạy Quan Thoại và văn hóa Trung Quốc ở Văn khoa Đại học ta, nên tôi nghĩ rằng chắc ông ta cũng không dở lắm.

Ông Lý Văn Hùng hỏi tôi:

– Tiên sinh có biết danh từ “cái đôn” của Việt Nam, nguồn gốc nó là gì hay không ?

– Không, đó là tiếng Việt Nam cổ, khó biết nguồn gốc lắm. Thí dụ, cái nhà thì là cái nhà, chớ còn làm sao mà biết nguồn gốc của danh từ nhà được !

Họ Lý lại cười mà rằng:

– Đôn là tiếng Tàu đó, chớ không phải là tiếng Việt đâu. Các nhà nho Việt Nam đọc sai tiếng tàu, nhưng dân chúng Việt Nam thì lại đọc đúng là đôn, nên chẳng còn ai biết đôn do đâu mà ra nữa. Đôn là tiếng Tàu ngõa cổ đăng mà ra.

Ngõa cổ đăng là gì ?

– Xem chữ viết đây thì hiểu ngay.

Ông Hùng nói rồi, lấy bút máy ra viết ngay ba chữ ngõa cổ đăng. Cổ là cái trống. Đăng là gì thì tôi không biết, chỉ thấy chữ ấy được viết bằng chữ đăng với bộ Thổ (?) thì tôi đọc là đăng vậy thôi. Tôi hỏi:

– Đăng là cái gì ?

– Là cái ghế ngồi. Hồi đời xưa, nước tôi chưa biết chế tạo ghế gỗ thì chế tạo bằng đất nung, tức bằng ngõa vậy, chứ đâu phải là bằng ngói. Ngói quá mỏng, ngồi lên đó, ghế sẽ gẫy còn gì. Cái chữ nầy, Quan Thoại đọc là tôn, dân chúng Việt Nam nói là đôn là chỉ nói sai có một chút xíu thôi. Chính các nhà nho Việt Nam mới là đọc sai quá nhiều là đăng. Đó, tiên sinh đã thấy hay chưa là ngõa đâu có phải mang có một nghĩa là ngói. Ngõa là đất nung ấy chớ, tức gạch cũng là ngõa.

(Học lại chữ Tàu – Bình Nguyên Lộc)

Chữ nghĩa làng văn

Đọc mà như lênh đênh bơi trên bờ ảo. Ảo của vật, ảo của ý. Ảo của ảo. Tất cả đều loáng thoáng, mơ hồ, chợt có chợt không. Gợi nên cái mỏng tang của không gian, của thời gian, và của cả…Hơi chữ nghe có vẻ chắc. Nhưng xem ra đầy nghi hoặc!

Những mảng mênh mông, người viết tiếc không thể đưa thêm nhiều hơn nữa! Cũng là những con chữ đó – những ký hiệu – ai cũng có thể viết, có thể sắp xuôi, sắp ngược theo ý, ấy thế mà, mỗi cách hành văn lại có một lối sắp xếp khác nhau, đưa đến những cấu trúc khác nhau và toát ra hơi chữ khác nhau. Nhiều bất ngờ khiến cho khi đọc tưởng mình lạc vào một vùng đất nguyên sinh như chưa từng biết đến bao giờ.

Chữ, lạ thật!

(Hơi chữ – Trần Doãn Nho)

 

Sẩy

Sẩy ; lỡ, lìa đàn

(sẩy đàn tan nghé)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Chữ nghĩa làng văn

Kỳ trước Nguyễn Tuân được nêu ra, xin đề cập với Xuân Diệu có những câu thơ thế này:
Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm
Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu
Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều.
(‘Xuân không mùa’)
“Vài ba sương mỏng thắm” là thế nào? Rồi lại còn “năm bảy sắc yêu yêu”, sắc yêu yêu là cái sắc ra làm sao? là cái sắc quái quỉ gì vậy? Đó là một từ ngữ, một lối nói riêng của vùng Hà Tĩnh hay Bình Định chăng? Chắc không phải thế đâu. Đang ngon trớn, đang nói dồn nói dập, thi sĩ cứ phóng bừa tới vậy thôi. Thành thử nhiều lúc chữ xô đẩy chữ, lời chen lấn lời. Bất kể từ ngữ ông dùng có chính xác hay không chính xác.

Một phong cách, nó quan trọng là thế.

(Võ Phiến – Văn phong, nhân cách)

 

Nấu bia

Để nấu một lít bia, ta cần :

Nước (95 %), 20 gr lúa mạch, 1gr hoa houblon

(một chiếc hoa thôi) và bột nổi (levure).

1/ Làm mạch: Hãy ngâm lúa mạch (orge – hobbs) trong ba ngày. Xong nấu xào (brasser) trong nước nóng. Lấy lúa ra và để lúa lên mầm trong vòng 8 ngày. Những mầm ấy mới cho ta những chất enzymes, biến thành mạch (Ta tạm gọi là mạch nha)

2/ Nấu xào: Nghiền mạch và trộn với nước : gọi là brassin, vì phải khuấy đều không cho lóng xuống. Đun nóng lên để chất amidon trong mạch biến thành đường nhờ những enzymes. Lọc kỹ. Đó là bã rượu (moût)

3/ Bỏ hoa Houblon: Sau khi đun sôi bã vào khoản nửa giờ, bỏ hoa houblon vào.

4/ Cất: Cất là để cho lên men (fermentation). Để nguội, và bỏ bột nổi vào.

Đường sẽ biến thành rượu. Để lóng xuống 8 ngày.

5/ Vào chai: Lọc bia cho vào chai để vứt bỏ chất men.

(Phan Văn Song)

 

Bình vôi

clip_image003

 

Miền bắc Việt, cũng như miền trung có tục thờ cây cối. Dưới gốc cây to, cổ thụ người ta thường đặt những bình vôi sứt mẻ đã dùng chứa vôi ăn trầu. Đấy là một đồ dùng để ăn trầu khi nào bể vỡ người ta không vứt đi mà người ta phải đặt vào một gốc cây. Đặt bình vôi vào dưới gốc cây không phải để cúng cây, Bình vôi là cái gì chứa một quyền năng thần bí có quan hệ mật thiết đến vận mệnh của gia đình, cho nên người ta thường gọi là “Ông” bình vôi. Nếu vôi bám vào nơi miệng bình thành bờ thì gia đình làm ăn thịnh vượng, còn trái lại là điềm gở, xấu. Bởi thế nên khi có bình vôi sứt mẻ, người ta đặt dưới gốc cây vì gốc cổ thụ là nơi đặc biệt tụ khí (mana), tức là khí thiêng. Do đấy mà về sau có tục thờ cây.

(Tục thờ cây ở Việt Nam – Nguyễn Đăng Thục)

Giai thoại làng văn xóm chữ

Có một giai thoại về Nguyễn Khuyến như sau: Làng Cổ Ngựa có ngôi đền thờ thánh mẫu thu hút khá nhiều người đến lễ bái. Nhằm kiếm chác đám người mê tín, hào lý trong làng xuất quỹ xây lại đền to hơn, đẹp hơn.

Biết rõ ý đồ này, cụ Nguyễn Khuyến gửi đôi câu đối xuống cúng thánh, mừng làng:
Mỹ nhân như ngọc, hành vũ, hành Phong, anh linh mạc trắc (Nghĩa là: Người đẹp như ngọc, làm gió, làm mưa, thiêng không lường hết).
Tế thế kỳ âm, hộ dân hộ quốc, thượng lại vô cùng (Nghĩa là: Âm đức cứu đời, giúp dân, giúp nước, ơn đội vô cùng).
Lời ca ngợi thánh mẫu thật sự nghiêm túc chăng? Ngày xưa viết không có dấu phẩy ngăn cách các từ, và mấy ông chức sắc đã tái mặt khi đọc lại:
– Mỹ nhân như ngọc hành…
– Tế thế kỳ âm hộ…

(Hiện tượng mơ hồ và văn học trào phúng – Nguyễn Đức Dân)

 

Đồng dao, đồng diêu (2)

Một bài đồng dao về cuộc sống luẩn quẩn loanh quanh trong xóm ngoài làng là Ông Ninh Ông Nang được Lê Thương phổ nhạc:

Ông Nỉnh ông Ninh/ ông ra đầu đình/ ông gặp ông Nảng ông Nang
Ông Nảng ông Nang/ ông ra đầu làng/ ông gặp ông Nỉnh ông Ninh
Nang Ninh đầu đình/ và Ninh Nang đầu làng
Nang Ninh làng đình/ rồi Ninh Nang đình làng
Nang Ninh làng đình Nang Ninh/ Ninh Nang đình làngNang Ninh
Nang Ninh làng đình Ninh …

(Trần thị LaiHồng – Đồng dao và trò chơi trẻ con)

 

Nguồn gốc tộc Việt (6)

Người vượn

Ông tổ của thuyết “tiến hoá” chỉ có thể lý luận được bằng lý thuyết chứ chưa chứng minh được bằng khoa học về câu hỏi: làm thế nào mà người vượn (Homo-Erectus) lại có thể biến thành người hiện đại (Homo-Sapiens) như chúng ta ngày nay?

Thuyết chủ trương con người cũng như muôn loài trên trái đất đều từ một đơn bào phát sinh cách nay khoảng 1 tỷ rưỡi năm biến đổi sinh thành. Riêng ông tổ trực tiếp của loài người đều được các nhà nhân chủng cho là từ một giống người vượn đi thẳng bằng hai chân tên khoa học là Homo-Erectus biến hóa dần mà ra. Như ta đã biết dấu vết người vượn cho đến nay tìm được, xưa nhất là ở Đông Phi Châu. Người ta chia làm ba loại:

– cổ nhất thường được gọi là người Viễn Cổ (Proteo-anthropus) từ 1 triệu năm trở về trước (dấu chân người vượn homonid có thể cách đây đến 3 triệu rưỡi năm!).

– cổ thứ nhì thường được gọi là người Thái Cổ (Arche-anthropus) có từ 100.000 năm đến 1 triệu năm.

– cổ thứ ba được gọi là người Thượng Cổ (Paleo-anthropus) từ khoảng 40.000 năm đến hơn 100.000 năm trở về trước.

– sau hết là người Hiện Đại (Neo-anthropus) là mẫu hình nhân loại ngày nay tên khoa học là Homo- Sapiens-Sapien xuất hiện cùng một loạt ở nhiều nơi mà khảo cổ tìm thấy xương cốt cách đây trên dưới 40.000 năm. Hai trung tâm tìm thấy người Hiện Đại đầu tiên là Đông Nam Á (Hang Nia) và Tây Á.

(Nguồn: Cung Đình Thanh)

 

Giờ tí 1
Nửa đêm giờ tí canh ba

Vợ tôi con gái, đàn bà, nữ nhi

(ca dao)

Ban đêm chia ra làm 5 canh:

Canh một từ 8 đến 10 giờ (giờ tuất)

Canh hai từ 10 đến 12 giờ đêm (giờ hợi)

Canh ba từ 12 đến 2 giờ sáng (giờ tí)

Canh tư từ 2 đến 4 giờ (giờ sửu)

Canh năm từ 4 đến 6 giờ (giờ dần)

(Việt Nam anh hoa – Thái Văn Kiểm)

 

Lục bát dân gian (1)

Theo thống kê của nhiều nhà nghiên cứu văn học dân gian thì có đến trên 90% ca dao, dân ca là thể thơ lục bát. Cũng có thể xem ca dao dân ca chính là nơi “nằm nôi” của thể thơ Lục bát và ở cái tuổi “nằm nôi” này Lục bát có những đặc điểm rất riêng của nó. Có lẽ vì ra đời trong môi trường truyền miệng và lại đồng hành cùng với nhiều hình thức diễn xướng dân gian khác nên Lục bát dân gian có khá nhiều dạng thức biến thể. Đó là dấu tích của sự chưa định hình hay là sự tương tác qua lại lẫn nhau giữa thơ và các hình thức diễn xướng khác ?

Tuy đại bộ phân ca dao đã là trên 6 dưới 8 nhưng khả năng mở rộng dung lượng câu của lục bát dân gian còn khá lớn. Có những câu vẫn tồn tại ở cả hai dạng: nguyên dạng chúng là một cặp lục bát trên 6 dưới 8: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo / Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”; nhưng ở dạng biến thể, chúng lại thành một cặp lục bát trên 7 dưới 11 hoặc 13…:“Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo / Ngũ lục sông cũng lội thất bát (cửu thập lục)… đèo cũng qua”. Trong ca dao ta có thể tìm được khá nhiều những câu tương tự:

Anh tưởng nước giếng sâu anh nối sợi gầu dài
Nào ngờ nước giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây

(Nguồn: Đỗ Đình Tuân)

 

Nhớ món ngon Sài Gòn

Phở Cao Vân

Trên đường Mạc Đĩnh Chi (Massiges), gần bên hông Tòa Đại sứ Mỹ, còn có phở Cao Vân, dù tiệm phở này không nằm trên đường Trần Cao Vân (Larclause) cách đó không xa. Theo tôi, phở Cao Vân (25 Mạc Đĩnh Chi) chỉ thuộc loại ‘thường thường bậc trung’ nhưng được nhắc tới cùng với phở Minh vì Cao Vân cũng có một bài thơ ca tụng phở của thi sĩ Tú Mỡ được viết bằng sơn ngay trên tường.

Chủ của phở Cao Vân ngày nay là một ông cụ Bắc Kỳ hom hem theo năm tháng. Ông không còn đứng ra nấu phở nhưng chiều chiều thường ngồi nhậu lai rai với bằng hữu để hưởng nhàn!

(Hồi ức một đời người – Nguyễn Ngọc Chính)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search