T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Khánh Long: NHỮNG MẨU CHUYỆN TRONG NURSING HOME

Hoa Hồng – Tranh: Mai Tâm

Tòa nhà nuôi người già nằm trên một con đường nhỏ, yên tĩnh và ngay ngã ba của một con đường khác chạy đến. Có ba người Việt trong tòa nhà ấy. Một là cô y tá tên Hạnh, hai là Bác Huấn và ba là Bác Thuận. Cô Hạnh nói khi trước có một bác người Việt nữa nhưng bác đã mất hồi năm ngoái.

Nhóm tình nguyện đến đây hai tuần một lần. Môt thứ bẩy để trình diễn văn nghệ và thứ bẩy kia thì tổ chức chơi bingo cho các cụ ông, cụ bà. Nhóm tình nguyện là những người Trung Hoa thuộc một tổ chức thiện nguyện hoạt động quốc tế có văn phòng trung ương ở Đài Loan. Một chị bạn đã từng sống ở nước ta, rời Việt Nam khoảng thời gian năm 1979, là thành viên, rủ tôi tham gia. Chuyện gì thì từ chối chứ công tác thiện nguyện thì sẵn sàng khi tôi thu xếp được thời gian.

Từ ngòai cửa bước vào, phòng Bác Huấn nằm ở dãy của các ông phía bên phải. Ở chung phòng với Bác Huấn là một ông người Phillipine còn nhanh nhẹn, hoạt bát lắm. Phòng Bác Thuận nằm ở dãy phòng của các bà phía bên trái thì chỉ có một mình bác nằm. Tuần này tôi không gặp Bác Thuận, cô Hạnh nói bác ấy tối hôm qua lên cơn mệt, khó thở phải đưa đi bệnh viện. Tôi ghé phòng Bác Huấn, đỡ bác ngồi lên xe lăn rồi đẩy ra phòng ăn, nơi nhóm đang bày biện dụng cụ chuẩn bị trình diễn văn nghệ. Nói là đỡ chứ ông già cố tự làm một mình, tôi chỉ giữ cái xe lăn và vịn hờ vào nách tay trái của bác. Các cụ được dặn là cố tự thân vận động hay không muốn bị xem là đã vô dụng? Thấy mặt tôi là bác biết có buổi sinh hoạt. Xem đã nhiều lần nhưng ít nhất bác cũng sẽ được vận động một chút, được giải khuây một giờ đồng hồ với âm nhạc hay tiếng kêu số của trò chơi và tiếng reo bingo của đám thiện nguyện viên khi có một bác nào đó thắng trong lượt kêu. Không khí trong nhà bớt tĩnh mịch. Không phải nhìn thấy ai khi nói cũng rất nhẹ giọng, khi đi thật khẽ khàng. Quên đi hình ảnh ở ngay ngã tư lối vào, những ông bà già ngồi xe lăn, yên lặng, yếu ớt, mắt lờ đờ nhìn qua nhìn lại. Có người quá yếu không nhìn được những bóng người di chuyển quanh quất, nằm vẹo đầu ngủ gục. Ngày và đêm lờ đờ trôi là những giờ phút dài dằng dặc khi nằm suốt trên chiếc giường trong một góc phòng, sự cô đơn sẽ hủy hoại tấm thân già nua và sẽ nhanh chóng đưa họ về cõi tịch diệt. Các nhóm tình nguyện viên cố mang lại chút sinh khí trong ánh mắt cho các cụ. Cả nhóm, nhiều người tuổi cũng đã trung niên như tôi, tóc đã hoa râm, khi đến với các cụ thì chăm sóc với tình thương của con cái và làm trò như những đứa trẻ cho các cụ vui. Ngoài nhóm tình nguyện này còn có nhóm tình nguyện viên người Việt gồm các cô thợ làm nails và làm tóc. Những tuần xen kẽ các cô làm nails đến chăm sóc móng tay móng chân; các cô làm tóc đến cắt tóc cho các cụ. Có cụ bà người Korean đòi được make up, các cô cũng trang điểm cho, đánh phấn, kẻ lông mày, thoa son . . . khiến bà cụ linh hoạt tươi tỉnh lên hẳn.

Cả nhóm chia nhau đến từng phòng, gọi tên các cụ, nắm tay, nói ra nghe ca hát, chơi bingo rồi đỡ các cụ ngồi dậy, cho ngồi vào xe rồi đẩy đi. Các nhân viên home nhìn chúng tôi tươi cười. Họ rất vui khi có các đoàn thiện nguyện đến. Bao giờ buổi sinh hoạt cũng bắt đầu bằng những lời hỏi thăm, sau đó là những phút vận động. Ba người tiến lên phía trước. Một người hô và tất cả làm mẫu để các cụ làm theo. Cả nhóm còn lại đứng bên cạnh giúp các cụ vận động: giơ tay lên, hạ tay xuống, co duỗi cánh tay, lắc cổ tay, nắm tay lại, mở tay ra, chỉ chỉ tay, vỗ tay, vỗ lên đầu, vỗ lên vai . . . những cánh tay yếu ớt làm theo. Chúng tôi uốn éo vặn vẹo rồi vỗ tay khen ngợi khi các cụ làm đúng. Xong phút vận động, chúng tôi lại đi hỏi thăm từng người. Tôi vừa ra dấu vừa hỏi Bác Huấn có ăn được không, ăn mấy chén cơm, ngủ được không, mấy giờ ngủ, mấy giờ dậy rồi bóp tay, bóp vai cho bác. Ông già gật gật ra dấu trả lời tôi rồi vỗ vỗ vào phía sau một bên vai như cho biết chỗ đó làm ông đau nhức. Tôi xoa bóp chỗ đau nhiều hơn, ông lim dim tỏ vẻ dễ chịu. Lần đầu gặp bác, tôi hỏi bác là người Việt hả, bác mỉm cười gật đầu. Tôi hỏi bác tên gì, bác chỉ vào miệng ra dấu không nói được nhưng kéo tay tôi chỉ lên mảnh giấy ghi tên bác dán trên cửa: Huan Tran. Tôi lại hỏi bác tên là Huấn hay Huân, đồng thời lấy mảnh giấy trong túi ra viết tên bác lên đấy, bác chỉ vào chữ Huấn. Tôi hỏi chị bạn vì sao bác Huấn không nói được, chị nói bác bị mất tiếng nói sau một cuộc phẫu thuật họng. Mất tiếng nói chỉ còn nghe nhưng gương mặt bác đầy ắp sự bình thản. Bác hay gật đầu nhè nhẹ và cười mỉm. Hôm nay, bác Huấn thắng bingo được mấy lần, tiền thắng được mang đến trao cho bác. Tiền là những tờ giấy in xanh, đỏ, vàng với những hoa văn xung quanh và con số 1 to ở ngay giữa. Bác để chúng trước mặt, xong buổi chơi bác xếp lại ngay ngắn rồi cất hết vào túi áo. Bác chỉ tay ra phía cửa ra hiệu cho tôi đẩy xe về phòng.

Hôm khác, tôi hỏi bác có đọc sách không? Bác gật đầu. Cuối buổi sinh hoạt, đẩy xe cho bác về phòng, bác níu tay tôi lại rồi nhoài người về phía giường lấy cuốn sách đưa tôi xem. Cuốn sách viết về thiên văn học. Tôi hỏi bác thích đọc loại sách này hả. Bác gật đầu. Hỏi bác có thích đọc tiểu thuyết không. Bác quơ tay lắc đầu tỏ ý không thích rồi chỉ ngón tay, gõ gõ vào thái dương, ngụ ý đọc tiểu thuyết nhức đầu lắm (!). Tôi nắm tay bác rồi chào ra về, hẹn lần sau sẽ đến. Bác gật đầu cười mỉm. Cả đoạn đường về tôi không thoát được ý nghĩ ông già tìm thấy điều ưng ý gì trong cuốn thiên văn học. Một vì sao và một đời người. Lý do gì bác vào nursing home? Từ góc nằm của mình bác có thấy ngôi sao bổn mệnh của mình? Có chăng là ngôi sao cô đơn trong những đêm dài cuối đời trên xứ người.

*****

Gặp nhau ở parking, chào mọi người trong nhóm, tôi bước qua lớp cửa kính thứ nhất, xịt nước sát trùng vào lòng bàn tay rồi xoa đều khắp bàn tay, cổ tay rồi bước qua lớp cửa kiếng thứ nhì. Tôi đi vội về phía phòng bác Thuận. Bác đang nằm quay mặt vào vách tường. Cô y tá Hạnh đang dọn dẹp, thấy tôi, cô cười chào rồi gọi bác Thuận:

–                     Bác dậy rồi ra xem văn nghệ.

Bác Thuận làu bàu:

–                     Mệt lắm! Không xem!

Cô Hạnh như không để ý:

–                     Bác ngồi dậy, cháu chải tóc cho.

Rồi cô đỡ bà cụ dậy, lấy lược chải tóc, mái tóc lơ thơ chỉ dài chấm vai. Bác Thuận vẫn làu bàu điều gì trong miệng nhưng để yên cho cô làm.

–                     Xong rồi, trông xinh chưa? Giờ thay quần áo đẹp nhé.

Miệng nói tay cô đỡ bác dậy rồi dìu đi sang phòng tắm ở góc đối diện, cô nói:

–                     Cố cho bác đi dù chỉ một đoạn ngắn anh ạ, chỉ có ra ngoài thì mới ngồi xe.

–                     Các cụ vận động được một chút cũng tốt. – Tôi trả lời đồng thời bước tránh ra ngoài cửa.

–                     Người già hay tủi thân nên họ ngại tiếp xúc, chỉ thích nằm.

Khi cô Hạnh cho bác Thuận ngồi vào chiếc xe lăn thì tôi quay vào và đẩy xe, bánh xe lăn chầm chậm ra hành lang hướng về phòng sinh hoạt. Đi ngang qua các phòng, những ông bà già người các nước khác đang nằm hoặc ngồi, họ không tham dự vào những buồi như thế này của những người châu Á. Một người phụ nữ tóc bạc trắng ngồi cô độc trong chiếc xe lăn ở phía cuối hành lang, nơi ấy có thiết kế một khu vườn nhỏ với những tảng đá và bụi hoa, qua lớp kính là những bụi cây làm thành hàng rào cho home, xa hơn nữa là mảnh vườn căn nhà dân cư kế bên và xa nữa là con đường dẫn về phố thị. Có phải bà đang hướng về phía căn nhà xưa của mình và trí óc đang tìm về kỷ niệm?

Bác Thuận bingo được nhiều lần. Dần dần Bác phấn khích lên khi thắng hoặc suýt thắng, bác kêu to lên hoặc đập tay xuống mặt bàn. Bác Huấn vẫn mỉm cười điềm đạm. Hai người già đồng hương không nhìn nhau và cũng không bày tỏ cử chỉ gì khi gặp nhau hay ngồi cùng bàn như thế này. Chúng tôi đứng ở từng bàn và giúp các cụ đặt những miếng tròn bằng nhựa mà xanh, đỏ, vàng vào những con số được kêu. Khi một bác thắng, chúng tôi lại reo lên cho họ vui và một người cầm những tờ tiền đến cho họ. Một anh nhân viên của home đẩy chiếc xe tới, nhìn vào danh sách rồi lấy những ly nhỏ trong đựng các viên thuốc dành riêng cho những cụ đã đến giờ uống thuốc. Anh đưa ly thuốc và ly nước lọc, một vài cụ tự tay uống thuốc được và một vài cụ chúng tôi phải giúp, anh nhân viên cười và nói lời cám ơn, nếu không anh phải đến từng phòng. Những nhân viên làm việc ở những nơi như thế này cần có sự kiên nhẫn, giàu tình thương, có sức chịu đựng giỏi và sự lạc quan.

Xong buổi sinh hoạt, chúng tôi đưa các cụ trở về phòng. Tôi giữ chiếc xe, bác Huấn chõi tay đứng dậy và bước đến giường nằm. Ông người Phi Luật Tân lên tiếng chào rồi cầm chiếc remote chỉnh băng tần trên chiếc TV, hai tay tôi nắm tay bác Huấn rồi lấy bàn tay trái vỗ vỗ lên bàn tay của bác ra hiệu chào. Bàn tay của bác ấm, nhưng làn da không còn mềm mại và hơi khô, tôi chợt nghĩ đến bàn tay của cha mình, những bàn tay đã làm lụng cả một đời vì gia đình và con cái. Bác nhìn tôi mỉm cười gật đầu chào lại. Tôi nói: “Hẹn gặp bác tuần sau nhé.” Bác cười và gật đầu. Bác dịch người vào phía trong và chuẩn bị nằm. Tôi rất muốn trò chuyện cho bác đỡ buồn nhưng phải cần nhiều thời gian hơn để tạo sự thân mật mà hoạt động của chúng tôi chỉ được dành cho có một ít giờ trong mỗi tuần mà thôi.

Nắng chiều xiên xiên rọi qua hàng cây ngoài parking làm chói mắt khi tôi bước ra xe. Đường phố cuối tuần yên tĩnh. Căn nhà cũng chìm vào sự yên tĩnh nơi phía trong ấy có những mảnh đời đang đi dần vào sự an nghỉ cuối đời cô tịch.

0o0o0

Tôi vào phòng hỏi thăm sức khỏe rồi trò chuyện với bác Thuận. Với cung cách nói chuyện lễ phép của người miền bắc khi xưa, giọng bác rất dịu dàng.

–                     Hôm trước bác đau làm sao? Bác sĩ nói gì với bác ?

–                     Tôi khó thở ông ạ! Bác sĩ bảo tôi chưa chết được đâu.

–                     Cháu thấy bác còn khỏe mạnh lắm. – Tôi cười.

–                     Thì bác sĩ bảo thế nhưng hôm ấy không thở được, tôi tưởng chết đến nơi rồi. . . nằm một đêm rồi cho về.

–                     Bác có mấy người con? Có vào thăm bác không?

–                     Đứa con gái lấy chồng ở xa, thằng con trai ở ngay đây nhưng vợ chồng chúng nó phải đi làm. Con chúng nó còn bé thì tôi lại không trông nom chúng được, thế là nó đưa tôi vào đây.

–                     Bác có buồn không?

–                     Ban đầu tôi có buồn nhưng lại nghĩ ở nhà thì chẳng có ai trông nom cho mình. Cháu nó cũng chẳng muốn đưa tôi vào đây đâu . .

–                     Ở đây họ chăm sóc có tốt không?

–                     Tốt . . . chỉ tội buồn . . .

–                     Anh ấy có vào thăm bác không?

–                     Thỉnh thoảng nó có đưa con vào thăm . . . – Bác đưa tay vào phía dưới chiếc gối và lấy ra xấp giấy, giở bên trong lấy ra một bức ảnh rồi đưa cho tôi xem – . . . Cháu tôi đây ông.

–                     Xinh quá!

–                     Vâng, chúng rất xinh. Tôi nhớ chúng lắm, tôi nhìn ảnh chúng suốt . . .

–                     Bác trai cũng mất rồi phải không?

–                     Sang đây được 10 năm thì ông ấy bệnh . . . rồi mất.

–                     Bác ở Sàigòn?

–                     Vâng ạ! ở quận 10.

–                     Chỗ nào vậy bác?

–                     Chỗ giáo xứ Bắc Hà đường Lý Thái Tổ.

–                     Ồ! Cháu biết nơi ấy. Cháu biết bác Vinh bán phở, hàng phở chỉ bán buổi tối ngay bờ tường của nhà thờ.

–                     Tôi biết bà ấy, bà Vinh ấy . . . chúng tôi là bạn. – Bác Thuận kể lể: “Ông ạ! Ngày xưa, phía bên kia là trại lính, ông nhà tôi là lính bên ấy đấy. Làm lính nhưng ông ấy không phải đi đánh trận, lại ở gần nhà, thế là phúc đức lắm. Còn tôi đi bán trái cây, tôi không có vựa hàng gì đâu, tôi gánh đi bán ấy mà. Mà trái cây tôi lựa toàn thứ ngon, gánh đến tận nhà bán, người ta thích lắm và bán được giá. . .

–                     Hai bác vượt biên?

–                     Vâng . . . gian khổ biết bao . . . – Bác Thuận yên lặng như tưởng nhớ lại quãng thời gian ấy. Tôi nói:

–                     Bác nằm xuống rồi ngủ đi nhé. Tuần sau cháu sẽ vào thăm.

–                     Vâng, cám ơn ông. Ông về.

Bác Thuận nằm im lặng, ánh mắt nhìn rơi vào khoảng không trên trần. Căn phòng mờ tối và tôi nhẹ bước ra hành lang yên vắng.

0o0o0

Chia tay nhau ngoài cổng, chị bạn nói:

–                     Anh Long, tháng sau mình sẽ xuống downtown phát thực phẩm và quà cho mấy người homeless. Anh tham dự nhé.

–                     Có chứ! Gọi báo trước cho tôi một hai hôm nghe chị.

Tháng sau là lập thu.

 

Lê Khánh Long

Ngày của Mẹ, May 12th, 2019.

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search