T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

“Kiếp hoa” – nét son của Hà Nội ngày tháng cũ

TTXVA Biên tập

(Nguồn: cauchuyenvanhocnghethuat/vhnt-66)

“Kiếp hoa” là một trong những bộ phim có âm thanh đầu tiên hoàn toàn do người Việt Nam sản xuất (trước đó cũng có rất nhiều phim truyện hoặc do người Pháp hoặc do người Việt thực hiện với tài tử – cảnh trí Việt Nam, song thời lượng thường rất ngắn và chất lượng nội dung cũng kém). Được quay tại Hà Nội năm 1953 và trình chiếu trên toàn quốc năm 1954, bộ phim “Kiếp hoa” là sự kiện vô tiền khoáng hậu lúc bấy giờ, đồng thời gây nên làn sóng ái mộ trên khắp ba miền – điều mà trước đó chỉ dành cho phim ảnh nhập cảng từ ngoại quốc

 

Tờ rơi qủang cáo phim Kiếp hoa 1 

“Kiếp hoa” vốn chỉ là một dự án phim mang tính gia đình, bởi thời đó chưa có nhà làm phim chuyên nghiệp. Để chuẩn bị cho sự ra đời của tác phẩm điện ảnh do chính mình chỉ đạo sản xuất, ông bầu Long (tức Trần Viết Long, nghệ danh Trần Lang, trưởng đoàn hát Kim Chung) đã tổ chức một cuộc thi sáng tác truyện phim và chọn ra kịch bản tâm đắc “Kiếp hoa” từ 300 tác phẩm ứng thí.

Các tài tử của bầu Long ban ngày thì đóng phim, đến chập tối lại phải lên sâu khấu diễn cải lương. Ngoại cảnh “Kiếp hoa” được quay tại Hà Nội, nhưng nội cảnh thì phải sang Hồng Kông quay. Vì thế, cứ vài ngày, tiền bán vé cải lương lại được ông bầu Long gom lại và đổi thành dollar Hồng Kông để lo kinh phí quay phim tại Hồng Kông. Đạo diễn và nhà quay phim đều là người Hồng Kông. Nội cảnh nhà nhân vật nam chính được sắp đặt y hệt nội thất tự gia của ông bầu Long đang ở lúc đó – nơi ngày nay là số 84 phố Nguyễn Du (Hà Nội); sau khi bộ phim gặt hái doanh thu lớn, ông bầu Long đã mua hẳn tòa biệt thự từng được thuê để quay phim đó. Phim quay gấp nhằm cạnh tranh với bộ phim “Bến cũ” cũng đang sản xuất tại Sài Gòn, kết quả là “Kiếp hoa” ra rạp trước “Bến cũ” gần một tháng. Theo lời tài tử Tiêu Lang (em ruột của bà Kim Chung), “Bến cũ” tuy là phim màu nhưng chỉ là phim 16 ly quay bằng máy cầm tay, nên độ chuyên nghiệp vẫn kém phim 35 ly “Kiếp hoa”.

Truyện phim “Kiếp hoa” mô tả số phận nổi trôi của hai chị em Ngọc Lan – Ngọc Thủy với những tình tiết vô cùng éo le, gai góc; bối cảnh phim là giai đoạn trong và sau cuộc tản cư kháng Pháp của người dân Hà Nội. Ngọc Thủy nhí nhảnh, hồn nhiên bên cạnh người chị đa đoan mà bạc mệnh. Đảm nhiệm vai Ngọc Lan là nữ tài tử Kim Chung (phu nhân của ông bầu Trần Viết Long), nữ tài tử Kim Xuân (em dâu của bà Kim Chung) đóng vai Ngọc Thủy; nhân vật nam chính – Thiện – do tài tử Trần Quang Tứ thủ diễn (chủ yếu do ông có chiều cao tương xứng với nữ tài tử Kim Chung, bởi ông vốn là một thương gia buôn gạo ở phố Hàng Chiếu chứ không phải diễn viên chuyên nghiệp).

Để tăng phần hấp dẫn cho “Kiếp hoa”, các nhà làm phim đã mượn giai điệu của một số ca khúc đang nổi tiếng bấy giờ làm nhạc nền: Giai điệu “Dư âm” (Nguyễn Văn Tý) làm nền cho cối cảnh đô thị; cảnh trí thôn dã thì có “Làng tôi” (Chung Quân); cảnh ly loạn có “Giọt mưa thu” (Đặng Thế Phong); ca khúc “Cây đàn bỏ quên” (Phạm Duy) được một nhân vật nam nghêu ngao hát ở quán cà phê để tán tỉnh mỹ nữ. Ca khúc “Làng tôi” đã làm nên danh tiếng của nhạc sĩ Chung Quân (lúc đó mới 16 tuổi) khi vượt lên nhiều ca khúc khác trong cuộc thi chọn nhạc nền cho phim.

 

Ông bầu Trần Viết Long và phu nhân Kim Chung trong ngày khai chiếu phim “Kiếp hoa” tại rạp Đại Nam, 1953.

Một khán giả từng có dịp xem “Kiếp hoa” ngay khi bộ phim mới trình diện công chúng – ông Mai Văn Minh, nay đã ở tuổi bát tuần – cho biết: “Ngày đó, ‘Kiếp hoa’ thực sự là một sự kiện nghệ thuật đình đám của đất Thăng Long. Tôi vẫn nhớ cảm giác choáng ngợp khi nhìn thấy người ta quảng bá bộ phim này bằng cách thuê nguyên một máy bay trực thăng rải các tờ bướm quảng cáo quanh hồ Gươm. Trong những lần chiếu đầu tiên, bao giờ rạp cũng đông kín người. Nghe nói tiền bán vé thu được sau một thời gian công chiếu đã giúp ông bầu sắm được một ngôi biệt thự sang trọng”. Thực vậy, các tài liệu nghiên cứu về lịch sử điện ảnh Việt Nam đều thừa nhận, “Kiếp hoa” được xem là phim nội địa đầu tiên hay nhất, doanh thu hơn 10 triệu đồng (vào thời điểm 1954 là một con số khổng lồ) khiến đoàn Kim Chung có nội lực để phát triển trong rất nhiều năm về sau (đoàn Kim Chung là gánh hát cải lương lớn nhất trong suốt thời Việt Nam Cộng hòa). Bộ phim “Kiếp hoa” ra đời trong thời hoàng kim của nghệ thuật cải lương, trong khi điện ảnh vẫn còn rất xa lạ với đại chúng; trong phim, hẳn bất cứ ai cũng thấy cách dàn dựng còn nặng tính ước lệ, lối diễn xuất cũng như kỹ thuật hóa trang chưa thoát khỏi ảnh hưởng của ca kịch – song so với mặt bằng chung của điện ảnh thế giới đương thời thì thực trạng như vậy không hề tệ. Tác giả Ngành Mai nhận định: “Vào thời ấy, sau thất bại về kỹ thuật của hai phim ‘Trận phong ba’ và ‘Cánh đồng ma’ của Đàm Quang Thiện quay năm 1930, ‘Kiếp hoa’ ra mắt như một cuốn phim đầu tay hoàn hảo về kỹ thuật và khá điêu luyện về diễn xuất”.

Ở Hà Nội, suốt tháng 10 năm 1953, “Kiếp hoa” chiếu một lúc tại rạp Đại Nam (phố Huế) và Bắc Đô (Hàng Giấy), chênh nhau nửa giờ. Cứ xong một cuộn ở rạp này, lại có người chạy xe Mobilet mang sang rạp kia chiếu tiếp. Ở Sài Gòn, phim cũng chiếu cùng lúc hai rạp Nam Quang và Nam Việt. Theo ông Tiêu Lang, nghề đầu cơ vé xem phim ở Việt Nam bắt đầu từ phim này. Tiền bán vé “Kiếp hoa” cũng giúp ông bầu Long có thể đầu tư phát triển tới 7 đoàn Kim Chung đi diễn khắp miền Nam về sau.

Bà Kim Xuân hồi tưởng, thay vì trả thù lao cho em dâu (chồng của bà Kim Xuân là tài tử Tiêu Lang), bầu Long mua tặng bà chiếc nhẫn kim cương 1 carat. Sau này, bà bán chiếc nhẫn được 5 triệu đồng, phụ vào số tiền 13 triệu mua căn nhà số 46 phố Bát Đàn mà vợ chồng bà đang ở bây giờ.

Ông Tiêu Lang kể: “Mới đầu, anh chị tôi hợp tác với bà Ái Liên thành đoàn Kim Chung – Ái Liên. Có nghề rồi, anh chị tôi mới tách riêng”. Cũng theo ông Tiêu Lang, ông bầu Long xuất thân từ một gia đình điền chủ, sở hữu hàng ngàn mẫu thượng đẳng điền ở tỉnh Vĩnh Yên cũ (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc), có đồn điền Văn Lãng ở huyện Bình Xuyên (thuộc tỉnh Phúc Yên cũ, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Đoàn Ái Liên không lâu sau cũng đầu tư sản xuất các phim “Nghệ thuật và hạnh phúc” và “Phạm Công – Cúc Hoa”, những ít được công chúng biết đến.

Tờ rơi qủang cáo phim Kiếp hoa 2

 

Trước thành công vượt bậc của bộ phim “Kiếp hoa”, ông bầu Long đã lên kế hoạch chuyển thể tiểu thuyết “Trống mái” của nhà văn Khái Hưng thành phim. Thế nhưng, dự án này chỉ mới ở khâu tuyển lựa tài tử thì phải kết thúc vì vấp phải những biến cố chính trị sau Hiệp định Genève. Phần lớn thành viên đoàn hát Kim Chung vội vã di cư xuống Nam phần vĩ tuyến 17 (ông Tiêu Lang và phu nhân vẫn ở lại Hà Nội), từ đó về sau đoàn hát này chỉ chuyên tâm phát triển cải lương và không thực hiện thêm bất cứ dự án điện ảnh nào nữa. Tại miền Nam, phim “Kiếp hoa” được chiếu đi chiếu lại nhiều lần với đối tượng khán giả chính là những người Bắc di cư còn nặng lòng hoài cổ và tưởng nhớ cố đô đã ở bên kia giới tuyến, lần cuối cùng “Kiếp hoa” xuất hiện là năm 1974.

Suốt nhiều thập niên, tưởng chừng “Kiếp hoa” đã vĩnh viễn mất tích khỏi làng giải trí Việt Nam, may thay trước khi từ trần (2008) nữ danh ca Kim Chung đã gửi tặng Viện Lưu trữ phim Việt Nam 8 cuộn băng gốc của bộ phim “Kiếp hoa”. Các chuyên viên kỹ thuật của cơ quan này đã bắt tay ngay vào việc phục chế bộ phim và hoàn tất vào năm 2012. Bản phim lưu hành trên các kệ đĩa và mạng xã hội hiện nay chính là bản phim đã qua công đoạn phục chế, với độ phân giải cao hơn bản gốc, đồng thời các vết ố và đoạn âm thanh bị rè đã được khắc phục.

Phim Kiếp Hoa

(Phim dài 1 giờ 46 phút)

YouTube Video

 

 

Bài Mới Nhất
Search