T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Quán chữ

      

     Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau – Tranh: Thanh Châu

  Khươm mươi niên trước, ngồi trên “xe con” về nơi chôn nhau cắt rốn Thái Bình. Tôi dòm quán xá hai bên đường, đậu vào mắt ngộ chữ tôi là nhăm bảng hiệu bìa “các-tông”, chữ sơn đen nguệch ngọac: “Phở cơm” hay “Phở móng bò”.

Thế nhưng gợi nhớ tôi bài văn về phở ở Sài Gòn:

“…Ngày đó, bà Dậu luôn ân cần với những khách quen thuộc, đặc biệt thực khách vốn là văn nhân nghệ sĩ. Biết cha đẻ tiểu thuyết “Loan Mắt Nhung”, nhà văn Nguyễn Thụy Long mỗi khi ăn phở ưa trộn thêm chén cơm nguội khi tô phở đã vơi, bà Dậu tự động mang chén cơm nguội, kèm thêm chén nước lèo cho nhà văn ăn khỏe này…”.

Với chữ là nghiã, rị mọ Đại Nam quốc âm tự vị của Paulus Hùynh Tịnh Của (1895), hay Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) chắc chưa có…phở móng bò. Thôi thì đành theo chân cụ Đinh Hùng trong một cõi đi về Thu ơi ! Đánh thức hồn ma dậy – Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu  để hỏi…cụ Nguyễn Tuân.

***

Vào Sài Gòn, gặp một ngày không có mây sao có mưa, trong khi con tì con vị tôi đang đánh thức hồn ma dậy là phở thì va vào mắt cái bảng hiệu “Phở xào Bắc Hải” trên đường Nguyễn Du. Hòm hõm  thế nào chả biết nữa, ngộ chữ tôi lại dón chuyện đến cụ Ngộ Không qua Phở thiên biên ký sự đã tam sao thất bản với “Phở xào Nghi Xuân ở phố Mã Vũ nay là phố Hàng Quạt…”. Thế là ngộ chữ tôi bèn bước và quán. Quán đông. Nói cho ngay quán đông vì bé bằng cái lỗ mũi chứ không to đùng như quán xá ở đất tạm dung. Quán xá đây chỉ có mươi bàn mộc, ghế đẩu. Bất chợt có ông khách nhìn quanh tìm chỗ. Chỉ riêng bàn tôi còn dư một chỗ. Cậu “phục vụ” nhòm tôi ra ý dò hỏi. Mới gọi đĩa phở áp chảo 20 ngàn ăn no mà chưa được…ăn. Tôi dòm ông khách: tóc muối tiêu, muối nhiều hơn tiêu như tôi vậy. Ý đồ tôi là tuổi thọ khách khỏang ngũ tuần tri thiên mệnh, nếu ngồi đồng trong chốc lát cũng chả…chết chóc gì. Bèn gật.

Khách gật gù, nhếch mép cười như không muốn cười và buông thõng hai chữ “Cám ơn” rồi kéo ghế…lừng khừng ngồi xuống. Bỗng không ngộ chữ tôi ngộ ra: Một là người Bắc thiếu vắng hai chữ “cám ơn”, từ lâu hai chữ này là tử ngữ của người Hà Nội. Hai là qua khuôn mặt phong trần quán có góc cạnh bươn trải, thêm nữa với cung cách ngồi “lừng khừng” theo quán tính như không muốn…ngồi, khách có phong cách kiêu bạc của lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ, một đời người u uất nỗi chơ vơ, đời người kiêu bạc không dung hồn giản dị, thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ. Nên tôi đóan chừng khách ắt là kẻ sĩ Bắc Hà hóa kiếp là Bắc kỳ 54 mươi niên trước như tôi đây.

Khách ghé bến hoang sơ, liếc thực đơn. Tiếp, buông trôi một mảng chữ:

“Cho tôi một đĩa chữ xào dòn”.

Hơ! Chắc đây là món mới. Hay là ngộ chữ  tôi nghe lầm. Cậu phục vụ nghiêng đầu, mắt ngạc nhiên. Khách lập lại câu nói. Lần này thong thả từng chữ một. “Cho-tôi-một-đĩa-chữ-xào-dòn”. Cậu phục vụ hỏi nhỏ: “Đĩa gì ạ” – “Cho tôi một đĩa chữ xào dòn”. Câu nói được lập lại với đầy vẻ trang trọng. “Bác nói gì cơ”, câu hỏi của cậu phục vụ kèm theo cái cau mày mang nhiều nét ngạc nhiên hơn là khó chịu. “Cho. Tôi. Một. Đĩa. Chữ. Xào. Dòn.” Ông khách dằn từng chữ (với từng dấu chấm). Xong tao đọan trần ai khoai củ này, ông nhỏ nhẹ hơn: “Tôi nói tiếng Việt chứ có nói tiếng Ma-rốc đâu”. Cậu hầu bàn chỉ vào thực đơn trên mặt bàn: “Món số mấy trong thực đơn vậy bác?”
Ông khách lắc đầu, mặt đầy ngao ngán. “Tôi biết mà, thực đơn của cậu làm quái gì có món chữ xào dòn”. Và ông Bắc kỳ 54 thở ra như tiếng thở dài.

“Thôi, cho tôi tô phở tái chần với hành chần vậy”.

Cậu phục vụ vừa quay đi, ông gọi giật trở lại:

“Tái chần với hành chần. Chứ không phải…tái trần, hành trần”.

Tôi ngồi với đĩa phở áp chảo khô nay làm như…khô hơn vì ông khách nhìn tôi, cười. Nụ cười khô và lạnh. Buổi sáng bỗng dưng trở nên bí hiểm bởi câu nói “tái tê” của ông và nụ cười khô lạnh ấy. Tôi cười. Tôi chỉ có thể cười, bởi đã lỡ ngậm một miệng đầy bánh phở. Ông nhìn quanh. Hai mắt dừng lại ở mấy món ăn kèm theo hình ảnh với chữ nghĩa “khuyến mãi” treo trên tường như phở xào dòn, xào mềm, phở áp chảo khô, áp chảo nước. Ông lậu bậu, “Món gì cũng có, chỉ…món chữ là không tìm đâu ra”.

Tôi gắp miếng tim gan như gắp cả Hà Nội và Sài Gòn bỏ vào miệng và gọ gạy: Món chữ. Lạ đấy chứ. Chưa bao giờ nghe. Mà còn là món chữ xào dòn. Chắc chưa ai nghe thấy bao giờ. Sau cùng, với nho táo bất sĩ hạ vấn là không mất sĩ diện gì mà không hỏi. Bèn hỏi: “Có phải bác nói chữ không bác?” – “Chữ gì?”, ông khách hỏi, mắt lơ là nhìn tôi bằng nửa con mắt rùa. “Món chữ xào dòn ban nãy bác gọi ấy”. Ông khách à lên một tiếng rõ to: “Món chữ xào dòn ấy à! Ai mà chả biết”.
Đợi tôi nuốt hết chữ nghĩa của ông và tim gan vào bao tử và tống táng những trầm kha xuống dạ dầy, ông khách cười hậc một cái: “Món chữ. Chữ bác học đó. Chữ bác dùng để viết chữ đó”. Thấy ngộ chữ tôi ngẫn ngẫn như thằng phải gió, ông cười dín: “Chữ đó mà. Bác nhận ra chưa. Tôi muốn món chữ ấy xào dòn mà không ở đâu có”. Bây giờ thì tôi tạm hiểu. Nhưng ngộ chữ tôi vẫn ngẫn ngẫn người ra ngẫm nguội. Một đĩa chữ xào dòn. Làm cách nào để xào dòn những con chữ. “Thiên hạ bây giờ không dùng tới chữ nữa rồi”, ông tiếp. “Con người phải ăn mới sống được. Mà thức ăn thì có cơm, phở, bún, bánh mì, hủ tíu, bánh bao, bánh chưng, bánh ít, bánh…nhiều, đủ thứ; còn món ăn tinh thần là chữ. Nhưng bác để ý mà xem. Tìm đỏ con mắt cũng chẳng gặp được một người yêu chữ nghĩa. Vậy mà người ta vẫn sống được, cũng lạ”.

Bát phở tái của ông khách ra tới. Mùi hồi ngào ngạt bốc lên, khiến tôi tự hỏi mình tại sao lại gọi món phở áp chảo “biến tấu” nhạt nhẽo thế này. “Bác có ý nghĩ thật hay,” tôi nói. “Món chữ xào dòn. Giả dụ như chữ mà xào dòn được chắc ăn ngon lắm”.

Nghe thủng rồi, ông nhành mồm ra rằng thành ngữ ta có vô số chữ liên quan tới “ăn”: “ăn không”, tiếng miền Nam cùng nghĩa với “ăn vã” của tiếng miền Bắc, chỉ ăn món ngon, không thèm ăn cơm, v…v… Khi đi chung với “ngồi rồi”, thành “ăn không ngồi rồi”, có nghĩa rỗi việc, vô tích sự. “Ăn xổi”, với từ xổi là qua loa, tàm tạm như cà pháo muối xổi. Như bác biết đấy, tiếng Bắc mình với ỷ mạnh là người lớn, người Bắc nói “bắt nạt”, người Nam kêu “ăn hiếp”. Còn ăn bậy ăn bạ như “ăn hôi”, “ăn quịt” chỉ có nước…”ăn tát”. Với ăn bạc đi với “ăn gian” chắc như bắp luộc là…”ăn đòn”, thưa bác.

Riêng “ăn tàn” (che đóm ăn tàn) gần gũi với “ăn mót”, các cụ ta xưa ta có câu:

Muốn ăn cơm ngon, lấy con nhà đi mót
Muốn ăn canh ngọt, lấy con nhà bắt cua

Xong, ông triết lý củ khoai tận cùng của “ăn” là…ăn xôi nghe kèn.

Từ muốn ăn canh ngọt, lấy con nhà bắt cua, ông vắt qua chuyện đầu cua tai ếch

Năm 1954, người ta nói đến cuộc di cư người, thật ra còn có cuộc di cư chữ nghĩa nữa. Người đi, chữ cũng đi theo. Chữ nghĩa miền Bắc cũng lềnh kềnh, lếch thếch nối đuôi nhau lên tầu há mồm như bác và tôi. Chuyến đi gian nan của người di cư của bác và tôi thế nào thì chữ nghĩa cũng vậy. Chữ ở lại, chữ ra đi, chữ nào còn, chữ nào mất. Chữ được di cư vào miền Nam, chở đi rồi, bao nhiêu chữ đã rơi rụng, vung vãi dọc đường. Bao nhiêu chữ đã sống còn sau khi đã hội nhập với chữ bản địa.

Phải đợi đến sau ngày 30 tháng tư 1975, người ta mới có thể biết được sự còn mất này một phần nhờ so sánh chữ nghĩa giữa hai miền. Hình như cũng ít ai để ý đến cái mất, cái còn của chữ nghĩa sau năm 54.

Chữ mòn theo thời gian, vì cho là dù không có cuộc di cư, chữ nghĩa cũng cách này cách khác bị sói mòn. Sự mất còn này trước hết là do sự sói mòn của thời gian. Chữ nghĩa như một vật dùng nhiều lần thì mòn. Như con dao băm mãi cũng cùn đi. Tất cả những ngữ nghĩa trên chỉ ra một điều: Thời gian và sự đi lập lại có thể làm sói mòn chữ nghĩa. Nói như thế thì chữ mòn hay nghĩa mòn. Vậy thì tôi hỏi bác chứ…chứ cái nào mòn trước, cái nào mòn sau. Một chữ có thể có nhiều nghĩa, tùy theo vị trí của nó trong câu nên nghĩa dễ bị mòn hơn chữ, thưa bác. Chẳng hạn, chỉ hai chữ cái và con nhưng nghĩa thì lúc thế này, lúc thế nọ.

Một là trong con có…cái, dễ hiểu một cách khó hiểu vừa phải thì con nào có vú, bốn chân, có con cái, con đực như con chó cái, con bò đực. Con nào thuộc cầm vũ, hai chân, có con mái, con trống, như chim mái, gà trống. Ấy thế mà con người cũng có hai chân, cũng thuộc dạng “cầm vũ” lại không có…thằng trống, con mái. Nhưng thằng trống này mà bị thiến thì lại thành…cái. Vì…lại cái ấy mà, thưa bác.

Hai là cũng là con, như con với cái, con dại cái mang. Hai chữ cái và con còn đi với hình tượng nữa: Thảng như cái gì có chân mà không có đầu là…cái ghế. Con gì có đầu mà không có chân là…con chim. Khó hiểu mà dễ hiểu là thế đó.

Đến đây ông góp nhóp: “Vì vậy tôi bịa tạc ra món chữ xào dòn là thế”. Thế thì như bác biết đấy: cụ Lê Đạt với “chữ là nghĩa”, còn cụ Trần Dần xào nấu chữ trong bài thơ Thằng thịt của cụ: “tôi là một cột thịt lực đực, vũm vĩm, đưa đảy, thồn thỗn ao thịt, nun nút, nún xút”. Những lực đực, vũm vĩm…e khó bề gặp được trong tự điển, thưa bác. Xưa nay, trong quá trình tiến hóa của chữ có bao nhiêu chữ xấu số tàn rụi, rồi mất tích? Tử ngữ la liệt. Trong khi ấy, có bao nhiêu chữ của chúng ta dùng đã mấy nghìn năm vẫn còn mới mẻ, táo bạo, vẫn còn sức sống. Mang trên đầu mấy nghìn tuổi thọ mà vẫn sinh động, vẫn mắn con, sinh nở tới tấp những đứa trẻ kháu khỉnh, vũm vĩm.

Ông đụng đũa đụng bát. “Tôi tìm lung tung trống kèn khắp nơi, mà chẳng ma nào biết làm món ấy. Món chữ thông thường người ta không thèm ăn nữa thì tôi đành đi tìm món chữ xào lăn, chữ xào dòn, chữ nấu chao, chữ luộc, chữ hấp… may ra người ta ăn thấy ngon, thấy lạ, sẽ trở về với chữ nghĩa”. Tôi nhe răng cười trừ với kháck. Ông đây tôi chắc mẩm là một người yêu chữ nghĩa. Biết đâu ông cũng là người viết chữ như cụ Ngộ Không mà tôi không quen biết cả hai. Vì cả hai đều viết chữ một cách khó hiểu vừa phải. Đang muốn…hiểu chết liền thì bỗng ông búi bấn: “Chắc ông biết Ray Bradbury chứ nhể”. Tôi ớ ra. Ông lễnh đễnh: “Tay này nói đúng. Chẳng cần phải đốt sách mới hủy diệt được một nền văn hóa, chỉ cần làm cho người ta thôi đọc sách là đủ.”

Ông nói, đôi đũa vẫn chọc sâu vào bát phở tái.

Nói cho ngay ngộ chữ tôi ớ ra vì cũng lân la quen biết với Bradbury qua ông lang Tây với bài viết Con đường sách Sài Gòn và chuyện đốt sách. Chuyện là người làm văn hóa trong nước dựng lên con đường sách Nguyễn Văn Bình. Tiện tay họ dựng tấm bảng giữa chợ sách có hàng chữ: “Không cần phải đốt sách để phá huỷ một nền văn hoá. Chỉ cần buộc người ta…” Và họ ghi chú: Tác giả câu nói ấy là của….Gandhi. (sic) – (thay vì Bradbury).

Làm như khách đồng cảm với ngộ chữ tôi nên tắp lự:

“Chúng ta rời bỏ quê hương tù ngục, mang theo một nền văn hóa đầy nhân bản. Người trong nước tìm mọi cách để hủy diệt nền văn hóa đó”. Khách nhìn tôi đăm đăm, nhưng giọng nói thì rì rầm như trôi dạt vào một cõi đời khác, xa xôi, hoang lạnh. “Một trong những cách làm của họ là tịch thu và đốt sách. Bây giờ, dường như họ ly thân rồi ly dị với chữ. Chữ trở thành những vật thể xa lạ với con người. Không tiếp nhận món ăn tinh thần thì đời sống tinh thần sẽ teo tóp lại rồi biến mất thôi, bác có nhận ra điều đó không”. Khách ngừng nói, nhìn ra ngoài cửa sổ có trời xanh, mây tím, nắng vàng…

Bỗng không cảm hòai những điều đang nhũn não người khách lạ. Khi không tôi rọ mồm vào với chuyện: “Nhưng nếu thịt bò có bò nướng, bò thui, bò kho, bò tái, bò bảy món thì chữ nghĩa hoặc văn chương của họ cũng có thơ, truyện ngắn, truyện dài, biên khảo, tùy bút, phiếm…chứ” – “Bác đúng”, ông lấy đôi đũa khều miếng thịt bò tái chần (chứ chả phải…tái trần) và óc bóc: “Nhưng họ có thể ăn hết món bò này đến món bò kia của bác, nhưng họ chả đếm xỉa đến chữ nghĩa qua thơ, truyện, tùy bút gì hết”. Cứ thế, dù chưa biết tên nhau, hai ông già ngũ thập tri thiên mệnh chúng tôi đỡ gạt vung vít như hai tay kiếm sĩ lụt nghề, song đấu bằng hai thanh kiếm gỗ. Chúng tôi đánh lộn với chữ nghĩa quên cả ăn, đến lúc bát phở của ông đã nguội ngắt, bánh chương lềnh bềnh, mỡ nguội đóng váng. Quán có khách chờ bàn trống. Người khách lạ nhìn tôi dò hỏi. Tôi dòm bát phở về chiều như người kỹ nữ về già ở bến Tầm Dương. Số là Bạch Cư Dị và người kỹ nữ đâu có quen biết nhau từ trước. Tôi với người khách lạ cũng vậy: Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân – Tương phùng hà tất hà tương thất với cùng một lứa bên trời lận đận lọ sẵn quen nhau nên ngộ chữ tôi xem ông như bạn vong niên.
Bởi chưng ngộ chữ tôi chắc mẩm mai này về đến đất tạm dung mang tâm trạng của một kẻ táo bón kinh niên với chữ nghĩa, thể nào ngộ chữ tôi cũng sa đà với bài tạp văn: Bên lề phố sách với chuyện văn chương ba thước đất từ Hà Nội vào Sài Gòn.

Bèn ngả lưng ra sau ghế dựa để có những giây phút yên sĩ phi lý thuần, để đi tìm chữ, bỗng dưng tôi cảm thấy trống vắng chơi vơi vì mình đang ngồi trên…cái ghế đẩu. Trong một cõi đi về qua Mai ThảoNhà văn Hà Nội-Sài Gòn bị giời xiềng vào chữ nghĩa như anh tù văn: “Viết chữ mà thiếu chữ Hán như ngồi ghế không có…chỗ dựa”.

Bèn dựa vào ông bạn vong niên…vừa mới quen, một người…lừng khừng nhìn đời bằng nửa con mắt rùa, tôi kéo ghế…lừng khừng đứng dậy nhìn ông và lực đực:

“Mai ta lêu bêu vào Chợ Lớn bắt món mì xào chữ chăng, thưa bác”.

“Ta” không trả lời, ngó lơ ra ngoài trời có một màu xanh…thao thiết. (*)

                                                                                         Thạch trúc thảo lư

                                                                                              Kỷ Hợi 2019

                                                                                  Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Nguồn: Khúc An, Nguyễn Đạt, Người Tân Định,

Võ Phiến, Đặng Trần Huân, Ngô Nguyên Dũng,

Ngô Thế Vinh, Lê Thiệp.

 

(*) chữ của Hồ Dzếnh

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search