T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Từ khẩu hiệu đến bịnh sùng bái lãnh tụ

(Nguồn: báo Tiếng Dân)

Nhã Duy

Khẩu hiệu và lời hiệu triệu đầu tiên khá nổi tiếng của chủ nghĩa cộng sản có thể kể đến là câu “Vô sản thế giới, hãy đoàn kết lại” (Workers of the world, unite!) của Marx và Angels xuất hiện trong Tuyên Ngôn Cộng Sản vào năm 1848.

Kể từ đó, cộng sản thế giới đã tận dụng tối đa khẩu hiệu (slogan) và bích chương (poster) như một phương tiện kích động dân chúng đi theo mình trong các cuộc đấu tranh cho đến việc tuyên truyền và quảng bá chế độ sau khi nắm quyền.

Các quốc gia cộng sản xem tuyên truyền là phương tiện tối quan trọng trong các cuộc cách mạng, để dẫn dắt số đông thấy có lý do và “lý tưởng” để đi theo. Từ phim ảnh, âm nhạc, văn chương, thi ca… đến mọi hoạt động xã hội. Trong đó dễ thấy và tiện dụng nhất là khẩu hiệu và bích chương.

Từ chính sách cho đến mọi vấn đề chính trị xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục và hơn hết, là để tung hô lãnh tụ, nền văn hóa khẩu hiệu tại các quốc gia cộng sản rất được coi trọng. Nó là cuộc chiến tranh tâm lý tinh vi và quan trọng trong nhiều giai đoạn khác nhau để dẫn dắt người dân đi theo đảng, tin vào chính quyền, sùng bái lãnh tụ. Bất kể Nga, Tàu, hay Việt Nam, Bắc Hàn.

Một trong những khẩu hiệu tuyên truyền ở VN. Ảnh trên mạng

“Văn hoá khẩu hiệu” và bịnh sùng bái lãnh tụ xem ra đã không còn nhiều tác dụng ở thế kỷ 21 này. Thậm chí khi bị lạm dụng ngây ngô, nó gây cười cho người dân. Ngoại trừ Bắc Hàn bị cô lập với thế giới, phần lớn người dân các quốc gia cộng sản cũng đã khôn hơn, tiếp cận vô số thông tin, không dễ dàng bị phỉnh dụ bởi trò tuyên truyền hay khẩu hiệu đơn giản.

Tuy nhiên, vẫn còn một số người đã bị lậm sâu tâm lý này, nên chuyển sang sùng bái… lãnh tụ nước ngoài, như không ít dân Việt Nam hiện nay vậy. Nói theo nguyên lý của định luật bảo toàn năng lượng, nó không tự mất đi mà chỉ chuyển từ … nước này sang nước khác. Chuyển từ Việt Nam sang nước Mỹ, chẳng hạn.

Kể từ ông Trump lên nắm quyền, người ta thấy một trò tuyên truyền và khẩu hiệu rềnh rang như các nước cộng sản xảy ngay ra tại Mỹ. Trump và tòa Bạch Ốc thường đưa nhiều khẩu hiệu, đại loại như “Tường cao thì cướp giảm” (Build a wall, crime will fall), “Giúp nông phu có thêm tiền xu” (Make our Farmers Great Again), “Việc làm chứ không phải bọn xàm” (Jobs not Mobs) hay “Hẹn là tới, hứa là làm” (Promises Made, Promises Kept)…

***

Theo dõi các cuộc họp báo về dịch bịnh Covid-19 trong tòa Bạch Ốc những ngày gần đây, có thể thấy, người ta hết chiếu phim ca ngợi “lãnh tụ” rồi treo khẩu hiệu kể chuyện “thành tích” dù dân chúng bị lây nhiễm, chết chóc hàng ngày. Ngoại trừ các chuyên gia y tế luôn thẳng lưng, nói lời bộc trực, còn thuộc hạ lên phát biểu là một hai cứ luôn mở đầu y như rằng, “cảm ơn ngài tổng thống vĩ đại”, “dưới sự dẫn dắt tuyệt vời của tổng thống”, “không có ngài tổng thống chúng ta không thể”…

Chức vô địch gần đây chẳng ai qua được Ronny Jackson – bác sĩ riêng của Trump, là người từng tuyên bố, nếu Trump kiêng cữ (đừng ăn hamburger) thì “có thể sống đến … 200 tuổi, nhờ có ‘gen trời’ do Chúa tạo ra”. Lạy Chúa tôi! Xem hay đọc tin cứ ngỡ Tố Hữu tái thế vào làm trong Nhà Trắng, hay dân Mỹ đang sống ở bên Tàu, Bắc Hàn…

Khẩu hiệu tuyên truyền của Trump trong một cuộc họp báo. Ảnh trên: “Mỹ dẫn đầu thế giới về xét nghiệm”. Ảnh dưới: Cư dân mạng thêm vào, sự thật là “Mỹ dẫn đầu thế giới về số tử vong và ca nhiễm”. Nguồn: FB

“Cầm chuông” thì “chúng ta đi mang theo quê… một cục”, dùng đủ tính từ đã được học khi còn ở trong nước, từng dùng để ngợi ca “bác và đảng” ở thế kỷ trước sang cho Donald Trump hiện nay. Nào là “vĩ đại”, “thiên tài”, Chúa chọn”, “bác ái”, “yêu nước”, “thương dân”….

Nhiều người còn treo hình Trump lên Facebook, lắm kẻ viết “nhìn ông xanh xao mà muốn khóc“. Có người cầu… “được chết thay cho mạng sống của ngài“. Trong nước thì vô số “nhà” đăng đàn, sống chết bảo vệ lãnh tụ … ngoại nhập. Cứ như một cơn đại dịch tâm thần lây nhiễm số đông.

Bịnh tâm thần ngoài yếu tố môi trường, còn có yếu tố di truyền. Rủi thay là nó không chỉ đến từ gia đình mà nay còn được phát hiện là có thể lây nhiễm từ lãnh tụ đến lắm con bịnh nặng. Hoặc cũng có thể do họ uống ký-ninh hay thuốc tẩy quá nhiều chăng?

Câu chuyện khẩu hiệu, sùng bái lãnh tụ ngỡ đã mất đi hay chỉ còn sót lại tại dăm nước cộng sản biệt lập, nay lại xuất hiện ngay trên nước Mỹ và Việt Nam trong thế kỷ 21 này. Xem ra cũng đáng “quan ngại” về dân trí chứ chẳng chơi.

Bài Mới Nhất
Search