T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 179)

https://eqhsih9ofx5.exactdn.com/2020/05/clip_image002-300x215.jpg?strip=all&lossy=1&ssl=1

Chữ nghĩa làng văn

Đào và kép

Sử thi có ghi đời Lý có cô ca sĩ là Đào Thị hát rất hay thường được vua ban thưởng. Hát ả đào cũng do đấy mà ra. Sau này bất cứ cô nào hát hay, người ta gọi là đào nương hay đào hát.

Còn đàn ông gọi là kép hát. Chữ “kép” từ chữ “giáp” mà ra.

Giáp là quản giáp, là nam diễn viên có tài, được giữ chức quản lý đoàn hát. Về sau dân gian gọi “kép cải lương” là vậy.

(Kỷ niệm sân khấu – Nguyễn Ngọc Ngạn)

Chữ quốc ngữ

Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Huỳnh Tịnh Của (1834-1907) dấy lên phong trào sáng tác bằng chữ quốc ngữ ở trong Nam. Phạm Quỳnh (1892-1945), Nguyễn văn Vĩnh (1882-1936), Trần Trọng Kim (1883-1963).. thúc đẩy việc dùng quốc ngữ để xây dựng nền văn học mới ở miền Bắc. Tuy nhiên, trong tình trạng khi trào lưu báo chí, sáng tác, biên khảo.. rộ nở trong nhưng năm đầu thế kỷ XX, sử dụng thứ văn tự mới được chính thức dùng trên văn đàn, trên luận đàn khó tránh khỏi có nhiều sơ sót về cách viết, về chính tả, về từ ngữ và về cách đặt câu.

Độc giả tân học khi ấy có thể không thấu hiểu hết các từ gốc chữ Hán, độc giả cổ học chưa quen với những từ ngữ mới về khoa học, kinh tế. Muốn hoàn thiện chữ quốc ngữ cần tự điển nhưng tự điển của Huỳnh Tịnh Của (Đại nam quấc âm tự vị), Trương Vĩnh Ký (Grand Dictionnaire Annamite-Français -Đại tự điển An Nam-Pháp) mức phổ biến rất hạn chế và sau này Việt Nam Tự Điển của Hội Khai trí tiến đức (1931) cũng không ở trong tầm tay của người học chữ quốc ngữ vì số in có hạn , giá lại cao.

Giới trí thức buổi đầu có những cuộc tranh luận về cách viết chữ quốc ngữ, nào chính tả, nào cách sử dụng từ ngữ sao cho chính xác và dễ phổ cập. Chẳng hạn cuộc bút chiến giữa Phạm Quỳnh và Nguyễn Háo Vĩnh, v…v,,,.

(Phan Khôi, Ngự sử văn đàn – Hoàng Yến Lưu)

 

Chữ và nghĩa

 Rất nhiều từ ngữ mà chúng ta cho là của người trong nước sau 75, thực ra là của Việt Nam trước đó. Vậy tiếng nào là tiếng của người Việt trước hay sau 75?

Xác tín là tin chắc , “chính xác” là đúng y, hai chữ không liên quan gì tới nhau, và được dùng đề huề ở cả hai miền (thậm chí có thể Miền Nam dùng “xác tín” nhiều hơn Miền Bắc)

(Tâm Thanh – Chiêu hồi ngôn ngữ)

 

Thôi, xao

“Thôi” là “đẩy”. “Xao” là “gõ”.

Giả Đảo là một nhà sư giỏi thơ đời Đường. Một hôm trăng sáng, sư cưỡi lừa đến thăm người bạn tên Hàn Dũ. Cảnh thanh vắng, chim đậu trên cây bên bến nước, bóng người chiếu xuống mặt đầm, sư tức cảnh làm thơ:

Điểu túc tri biên thọ

Tăng thôi (xao) nguyệt hạ môn

Tạm dịch là “Chim đỗ cây bến nước – Sư đẩy (gõ) cửa dưới trăng”. Giả Đảo ngâm đi ngâm lại thấy chữ “thôi” không ổn đổi lại “xao”. Nhưng cũng không vưa ý. ông đọc “thôi” rồi “xao”. Hết “xao” lại “thôi”. Ông tức quá, đứng trước cửa nhà bạn đưa tay đẩy (thôi) rồi gõ (xao) cửa nhà bạn năm, bẩy lần như người điên mà vẫn không nghĩ ra. Vừa lúc Hàn Dũ bước ra biết chuyện nên nói: “Nên dùng chữ “xao” (gõ) thì hay hơn”.

“Thôi xao” trong thơ phú ngày nay chỉ…“chọn chữ làm thơ”.

 (Nguyễn Tử Quang – Điển hay tích lạ)

 

Săng

Săng: cây, gỗ

(săng, quan tài bằng gỗ)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Gia thoại làng văn xóm chữ

Phan Khôi – Trần Trọng Kim

Đầu năm 1930, Trần Trọng Kim cho xuất bản cuốn I của Bộ Nho Giáo của ông, trình bày khá cặn kẽ về thân thế, sự nghiệp và học thuyết Khổng Tử cùng trường phái nho giáo. Phan Khôi đã đọc Nho giáo của Trần Trọng Kim rất kỹ lưỡng và trên Phụ Nữ tân văn số 54, ngày 29-5-1930, sau khi ca ngợi công lao của Trần Trọng Kim, đã công kích ông này lầm lẫn Khổng Học với Tống Nho.

Trần Trọng Kim đã theo rõi công việc làm của Phan Khôi và để tâm suy nghĩ về những lời lẽ công kích của ông. Chính vì vậy mà Trần Trọng Kim đã lên tiếng trả lời Phan Khôi nơi bài ” Mấy lời bàn với Phan tiên sinh về Khổng giáo ” (P.N.T.V. số 60, 10-7-1930). Trong bài này, Trần Trọng Kim có chịu là Phan Khôi có lý ở nhiều điểm, nhưng không trả lời đúng vào cái điểm mà Phan Khôi đã công kích ông.

Có lẽ vì vậy mà trên Phụ Nữ tân văn số 62, 24-7-1930, trong bài ” Cảnh cáo các nhà học phiệt “, cho dù mục đích là để tấn công Phạm Quỳnh, Phan Khôi cũng vẫn trách khéo cả Trần Trọng Kim như là cố ý lẩn tránh vấn đề.

Vấn đề Phan Khôi nêu ra năm 1930, và đến năm 1932, khi cho tái bản Nho giáo, Trần Trọng Kim đã cho sửa chữa, thì Ngô Tất Tố lại khơi lại để công kích Trần Trọng Kim năm 1940.

Cuộc tranh luận này cho ta thấy hai nhà học giả họ Phan và họ Trần đã có thái độ trí thức rất đáng phục. Chính thái độ trí thức ấy đã giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề triết học bấy lâu bị thiên hạ hiểu rất mu mơ.

(Phê bình văn học thế hệ 1932 – Thanh Lãng)

 

La De…ngoại truyện (4)

Bia Trắng Bière Blanche. Bia trắng không nấu với toàn lúa mạch, thường được thêm lúa mì để làm trắng Bia. Rất thơm vì có bỏ thêm Ngò Gai – Coriandre, và vỏ trái cây.

Món Ăn hạp: đồ biển, cá hong khói hay cá nướng.

(Phan Văn Song)

 

Đền Công chúa Liễu Hạnh

Đời Hậu Lê (1557) ở huyện Vụ Bản, thuộc tỉnh Nam Định ngày nay, có một gia đình nhà họ Lê. Phu nhân Lê Thái Công mang thai gần đến kỳ sinh nở, mắc phải bệnh suy nhược, không có thuốc men nào chữa khỏi. Một hôm, có một vị đạo sĩ đến ra mắt, xin chữa bệnh cho phu nhân. Trước bàn thờ, người đạo sĩ này đọc mấy câu thần chú, rồi vứt chiếc buá ngọc xuống đất. Ông Lê Thái Công bỗng ngã ra bất tỉnh, rồi thấy mình được đưa lên Thiên Đình. Tại đây, ông thấy Công Chuá Quỳnh Nương lỡ tay làm rơi chén ngọc, bị đày ải xuống trần gian. Khi Thái Công tỉnh dậy, thì hay tin là phu nhân vừa hạ sinh được một cô con gái. Thái Công sung sướng đặt tên con là Giáng Tiên. Lớn lên kết duyên cùng Đào Lang. Ba năm sau, vào ngày mồng 3 tháng 3, Giáng Tiên đột ngột từ trần. Người ta nói nàng là tiên trở về thượng giới. Tuy nhiên, Ngọc Hoàng thấy nàng chưa hết hạn đi đày, bắt nàng phải trở xuống thế gian. Lần này, nàng xuất hiện dưới lốt một vị nữ thần, đi theo là 2 ngọc nữ Quế Nương và Thị Nương. Theo lệnh thiên đình, 3 vị tiên nữ đã hiện xuống giữa ban ngày ở vùng Phố Cát, tỉnh Thanh Hoá. Trong thời gian còn ở Thanh Hoá, Công Chuá Liễu Hạnh đã ngao du khắp nơi, nhất là ở Lạng Sơn. Nàng thường hay lui tới các thắng cảnh ở Kinh Đô. Có lần, nàng đã giả dạng làm một cô hàng bán rượu ở Hồ Tây, để hoạ thơ với danh sĩ Phùng Khắc Khoan. Sau khi Liễu Hạnh về trời, hai tiên nữ Quế Nương và Thị Nương thường đứng ra làm trung gian cho dân chúng cầu xin đến Công Chúa. Dân gian tin tưởng Bà Chuá Liễu, lập đền thờ bà khá trọng thể ở Phủ Giầy, Nam Định, nơi nàng đầu thai. Dân cũng lập đền thờ Bà Chuá Liễu ở Phố Cát và Đền Sòng tại Thanh Hoá, nơi nàng xuống trần lần thứ hai.
Tại Hà Nội, có Đền Sùng Sơn ở đường Hàng Bột, thờ phượng bà Chuá Liễu.

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ngày xưa…ngày nay…

Ngày xưa sức mạnh như trâu,
Ngày nay uể oải ngồi đâu ngáp ruồi.

Nguồn gốc tộc Việt (4)

Mongoloid

Trước khi minh định cho thực rõ người Mongoloid từ đâu mà sinh ra, ta cần xác định lại từ Mongoloid trong khảo cổ học không có nghĩa là người Mông Cổ của nước Mongol, cũng như Malanesian không có nghĩa là người Mã Lai, Indonesian không hẳn phải là người Nam Dương.

Giản dị là khi có những tộc người này nhân loại chưa có quy chế quốc gia, tất nhiên cũng chưa có các nước Mongol, Indonesia, Malaysia … Gia dĩ, khởi thủy nhân loại chỉ coi như gồm ba đại tộc: Mongoloid là đại tộc da vàng ở Á Châu gồm hai loại: Bắc Mongoloid ở từ Ngoại Mông về phía Bắc và Nam Mongoloid ở toàn cõi đại lục Á Châu; Europoid, đại chủng da trắng ở Âu Châu; và Négro – Australoid, đại chủng da đen ở Phi Châu và các đảo Nam Thái Bình Dương.

Việc tìm thấy sọ loại Mongoloid thời Đồ Đồng có ít hơn thời Đồ Đá là do một lý do khác sẽ được làm sáng tỏ trong phần dưới đây chứ không phải vì lý do người Mongoloid đã từ phương Bắc di cư đến như trước kia đã hiểu. Hãy lấy một thí dụ: chỉ có một địa điểm Hang Nậm Tum thuộc tỉnh Sơn La vùng Tây Bắc, trong thời tiền sử người ta đã thấy có hai lớp người đến cư trú để lại nhiều công cụ, nhiều ngôi mộ, nhiều di tích khiến người ta biết được hai lớp người tại đây cách nhau khá xa: lớp đầu thuộc văn hóa Sơn Vi (Hòa Bình I, khoảng hơn 20.000 năm trước Công Nguyên), lớp sau thuộc hậu kỳ đá mới bắt đầu thời kỳ kim khí (khoảng từ 1000 năm trước Công Nguyên trở lại). Giữa hai lớp này có một khoảng cách chứng tỏ không có con người sinh sống tại đây đến mười mấy ngàn năm (Võ Quý, KCH 1&2 – 1990, trang 25).

Chỉ tiếc những xương cốt để lại toàn là những mảnh sọ, những răng nanh, xương cẳng tay, ngón tay không nguyên vẹn khiến người ta khó đoán biết chủ nhân hang động này trước kia thuộc chủng tộc nào?

(Nguồn: Cung Đình Thanh)

 

Hát đồng dao (2)

Đồng dao là thơ ca dân gian truyền miệng của trẻ em. Đồng dao bao gồm nhiều loại: các bài hát, lời hát trong các trò chơi dân gian. Hoặc giả các bài hát vui vui, các bài đồng dao kiểu nối vòng… Thí dụ như:

Kỳ nhông là ông kỳ đà
Kỳ đà là cha cắc ké
Cắc ké là mẹ kỳ nhông
Kỳ nhông …

Hay:

Chim ri là dì sáo sậu
Sáo sậu là cậu sáo đen
Sáo đen là em tu hú
Tu hú là chú bồ các
Bồ các là bác chim ri
Chim ri …

 

Nhớ món ngon Sài Gòn

Phở Turc

Nhưng rồi cũng qua đi cái thời ăn để mà sống, người ta bỗng nhớ đến thời… sống để mà ăn ở Sài Gòn hoa lệ ngày nào. Theo tôi, một trong những món ngon đó phải kể đến phở. Mặc dù phở có xuất xứ từ miền Bắc nhưng phở Sài Gòn thường ăn kèm với giá, ngò gai, húng quế vẫn ngon hơn phở Hà Nội thiếu hẳn các loại rau thơm mà lại không có giá.

Sài Gòn 1954, lúc người Bắc mới vào Nam, những tiệm Phở Bắc hãy còn đếm được trên đầu ngón tay. Đó là mấy tiệm Phở Thịnh đường Gia Long, Phở Turc đường Turc, Phở Minh đường Pasteur và Phở 79 ở đường Frère Louis (sau này đổi tên thành đường Võ Tánh

Vào đến Sài Gòn ngày xưa có con đường tên Turc (Thổ Nhĩ Kỳ), một đầu là đường Tự Do (Catinat), đầu kia là đường Hai Bà Trưng (Paul Blanchy). Tiệm Phở Bắc được bán trong khuôn viên nhà thờ Hồi Giáo này, nên có tên là Phở Turc.

(Hồi ức một đời người – Nguyễn Ngọc Chính)

 

“Nhập gia vấn húy”

Vua Minh Mạng nhà Nguyễn có 142 người con. Để tránh rắc rối cho đời sau, ông có sáng kiến làm một bài thơ 20 chữ (Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh… Thế Thuỵ Quốc Gia Xương), mỗi chữ sẽ được dùng làm tên đệm cho một thế hệ con trai. Chỉ những người có tên đệm kiểu này mới thuộc dòng chính thống, mới có thể được lên làm vua.

Sẵn hứng, vua làm thêm 10 bài thơ khác cho 10 anh em của vua. Được vài đời, có người cách tân, dùng luôn chữ đệm thay cho họ. Từ đây, xảy ra trường hợp cha con mang họ khác nhau.
Thí dụ ông Ưng A, đặt tên con là Bửu B. Con Bửu B sẽ có tên là Vĩnh C v.v… Người Việt có người hiểu, người không hiểu. Như:
Vua Duy Tân (Nguyễn Phước Vĩnh San) bị thực dân Pháp đày sang đảo Réunion. Ông lấy vợ người Pháp. Con trai ông là Georges Vĩnh San. Vĩnh San được dùng làm họ.

Lịch sử Việt Nam tới chữ Vĩnh của bài thơ của Minh Mạng thì bị đứt đoạn (Bảo Đại tên là Nguyễn Phước Vĩnh Thuỵ).

(Nguyễn Dữ – Người đâu tên họ là gì?)

 

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search