T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Đức Nhì: NHẬN XÉT NGẮN VỀ MỘT SỐ ĐỊNH NGHĨA THƠ

 Nến – Tranh: Mai Tâm

 

MẤY ĐIỂM TỰA  

Bài viết này được dựa trên mấy điểm căn bản sau đây:

1/ Đặc Tính Của Định Nghĩa

 Định nghĩa – tùy tác giả hoặc tự điển – có 2, 3 hoặc 4 đặc tính. Trong bài viết này – bàn về thơ – tôi chỉ chọn đặc tính nói đến tính phổ quát của thơ.

Theo Phan Ngọc, “định nghĩa” có 2 đặc tính trong đó tính phổ quát của định nghĩa thơ được phát biểu như sau:

Có giá trị phổ quát, tức là áp dụng cho mọi hiện tượng gọi là thơ trên trái đất này, bất chấp ngôn ngữ, thời gian, tập quán, trường phái. (Thơ Là Gì?, Talawas 02/09/2002)

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=883&rb=0101

Tôi hiểu tính phổ quát của thơ hơi khác. Cái hơi khác này nằm ở hai chữ “thời gian”. Tôi cho rằng định nghĩa thơ không phải bất biến mà ít nhất, có thay đổi theo thời gian. Mỗi khi biên giới thơ mở cửa để đón cư dân mới, định nghĩa thơ cũng phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. (Tập quán, trường phái sẽ bàn đến trong khung cảnh thích hợp)

2/ Một Định Nghĩa Thơ Đơn Giản Nhưng Có Tính Phổ Quát Cao

Khi tôi còn ở Trung Học, định nghĩa thơ có thể ghi lại đại ý như sau: “Thơ là thể loại văn học có vần diễn tả một tâm trạng, cảm xúc hay một ý tưởng cao đẹp.”

Sau này được thay đổi thành:

“Thơ là thể loại văn học có vần và (hoặc) nhịp điệu để diễn tả một tâm trạng, cảm xúc hay một ý tưởng.”

Cho đến thời điểm này, đây là định nghĩa thơ tương đối có tính phổ quát cao; ngoài thơ truyền thống, Thơ Mới, còn có thể áp dụng cho cả những loại thơ vần biến thể hoặc không vần như thơ tự do, thơ văn xuôi.

Riêng thơ văn xuôi, đang trong tình trạng thử nghiệm, nhưng theo tôi, kết quả không được khả quan lắm.

3/ Mục Đích Tối Hậu Của Thơ.

 Đã là người, ngoại trừ những bậc tu hành đạt đạo, ai cũng Xạo.

a/ Dối Trá Đời Thường:

Nói để lừa dối người khác với mục đích kiếm lợi cho mình – vật chất, quyền hành, tình cảm, uy tín, danh vọng.

b/ Dối Trá Vì Bị Vô Thức Điều Khiển

Nếu không bị lôi kéo vào dối trá đời thường thì cũng rất ít người tránh khỏi bàn tay lông lá của vô thức.

“Có những điều không thể nói ra

cho dù chúng ta

có yêu nhau đến thế nào chăng nữa

mấy ngàn ngày

và có thể mấy vạn ngày bốc lửa

chuyện anh

chuyện em

vẫn ẩn chứa bí mật của mỗi người

 

Có những góc tối ở trong hồn

không bao giờ chia sẻ

chẳng phải vì niềm tin không vẹn vẽ

mà vì đó là căn phòng bí mật

chẳng nên mở bao giờ.”

(Trần Hạ Vy, Căn Phòng Bí Mật) (1)

Vật chứa trong căn phòng bí mật chính là vô thức. Tác giả bài thơ khuyên người đời tránh, đừng đụng chạm đến căn phòng bí mật để việc hội nhập với xã hội lịch sự văn minh được suôn sẻ, không bị trở ngại.

Người ta thường nói “giận quá mất khôn”. Khi giận quá, không kiểm soát được lý trí, căn phòng bí mật bị “bật mí”, thường lỡ lời, nói ra những điều không nên nói – những điều mà nếu lý trí còn hiện diện, sẽ chuyển lệnh của vô thức, đóng kín căn phòng bí mật, không cho nói. Lý do: Chúng sẽ gây mất lòng, hoặc bộc lộ những điều cần che dấu, có hại cho người nói.

Thật ra, chính những lời nói ra trong lúc “giận quá mất khôn” đó mới là những lời 100% chân thật.

Thi sĩ cũng vậy. Cũng Xạo và cũng có những lúc “giận quá mất khôn”. Đó là lúc cao hứng, nổi điên, cảm xúc sôi lên phủ mờ lý trí.

Nhưng đưa những điều muốn nói ra trong lúc nổi điên đó vào thơ không dễ dàng như người đời gặp lúc “giận quá mất khôn”. Thi sĩ phải biết chọn thể thơ “nhất khí liền mạch” (không phân mảnh, đứt đoạn), chọn cách gieo vần vừa độ ngọt để tứ thơ và cảm xúc quyện vào nhau, sóng sau dồn sóng trước, chảy thành dòng liên tục – càng mạnh càng tốt. Bởi chỉ cần ngừng chảy một chút thôi là cơn điên sẽ hạ, lý trí sẽ xuất hiện, căn phòng bí mật sẽ đóng cửa, chữ Xạo sẽ tự động bước vào bài thơ.

Sự Chân Thật (viết hoa) trong thơ cực hiếm; thi sĩ muốn đưa “tiếng lòng chân thật” của mình vào thơ phải có 2 điều kiện: Một, tâm đang ở trạng thái nổi điên và hai, chọn được thể thơ thích hợp.

Bài thơ nói lên “tiếng lòng chân thật” của thi sĩ sẽ bước vào Bến Bờ Thi Ca vì đã đạt được mục đích cao cả nhất của thơ.

MỘT SỐ ĐỊNH NGHĨA THƠ VÀ NHẬN XÉT

 1/ Định Nghĩ Thơ Của Nguyễn Đình Thi:

“Làm thơ, ấy là dùng lời và những dấu hiệu thay cho lời nói, – tức là chữ – để thể hiện một trạng thái tâm lý đang rung chuyển mạnh mẽ khác thường.”

(Mấy ý nghĩ về thơ, Nguyễn Đình Thi, Talawas, dòng 20)

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=911&rb=0101

 

NHẬN XÉT:

Định nghĩa này có 2 điểm cần bàn tới:

a/ Không đề cập tới vần và nhịp điệu; thiếu chúng tác phẩm sẽ thành văn. Tuy nhiên, cũng có thể ông cố ý quên để nhấn mạnh tầm quan trọng của cảm xúc – “trạng thái tâm lý rung chuyển mạnh mẽ khác thường”.

b/ Không phải thi sĩ nào khi làm thơ cũng ở trong “trạng thái tâm lý rung chuyển mạnh mẽ khác thường”. Nếu ở trong trạng thái ấy thì làm thơ sẽ nhiều cảm xúc hơn (có thể có cảm xúc tầng 3), sẽ hay hơn. Nhưng đó không phải là điều kiện cần thiết để tác phẩm được mang danh hiệu thơ.

Có những bài thơ khô khốc, hầu như chỉ toàn lý trí, thi sĩ sáng tác trong lúc “tỉnh queo”, nhưng “cái tôi riêng tư” đã có mặt trong khung cảnh bài thơ và đã lên tiếng (trong một câu thơ nào đó).

Thí dụ:

A Word Is Dead 

A word is dead
When it is said,
Some say.

I say it just
Begins to live
That day.

Dịch thoát:

Có người cho rằng

Một chữ khi được nói (viết) ra

Là đã chết

Tôi nói

Nó chỉ bắt đầu sống

Từ hôm đó

Hai chữ “tôi nói” chứng tỏ tác giả đã có mặt trong cảnh thơ và đã lên tiếng. Tác phẩm khô khốc, được thi sĩ viết ra trong lúc tỉnh queo, nhưng vẫn là thơ.

Định nghĩa của Nguyễn Đình Thi sẽ tước mất danh hiệu thơ một cách oan uổng của rất nhiều bài thơ như thế.

2/ Emily Dickinson:

“If I read a book and it makes my whole body so cold no fire can ever warm me,

I know that is poetry. If I feel physically as if the top of my head were taken off,

I know that is poetry. These are the only ways I know it. Is there any other way”

“Nếu đọc một cuốn sách làm cho tôi cảm thấy toàn thân giá lạnh mà không một ngọn lửa nào có thể sưởi ấm, tôi biết đó là thơ. Nếu tôi cảm thấy như thể chính đỉnh đầu mình bị cắt rời, tôi cũng biết đó là thơ. Đó là cách duy nhất để tôi biết những điều này. Liệu còn cách nào khác nữa không?”

Emily Dickinson’s Definition of Poetry

https://www.wisdomportal.com/Poems/DickinsonDefinitionPoetry.html

NHẬN XÉT:

Thế giới thơ đâu phải toàn những thi sĩ tài năng thượng thặng, làm ra toàn những bài thơ tạo được cảm xúc mạnh mẽ ghê gớm như Emily Dickinson mong đợi. Những bài thơ hạng khá hoặc “thường thường bậc trung” bộ không đáng gọi là thơ hay sao? Chẳng lẽ bà muốn nhổ và vứt hết những cây thơ ấy ra khỏi vườn thơ của nhân loại? Như thế, vườn thơ còn được loe ngoe mấy cây? Và thế giới thơ còn được mấy thi sĩ?

Đúng là một định nghĩa đầy tính kiêu căng, coi thường cả “làng thơ”.

3/ Dylan Thomas:

Poetry is what makes me laugh or cry or yawn, what makes my toenails twinkle, what makes me do this or that or nothing.

“Thơ là những gì làm tôi cười, khóc hay ngáp, những gì làm cho các móng chân của tôi lấp lánh, làm tôi muốn làm điều này, điều nọ hoặc chẳng làm gì cả.

https://quotefancy.com/quote/970172/Dylan-Thomas-If-you-want-a-definition-of-poetry-say-Poetry-is-what-makes-me-laugh-or-cry

NHẬN XÉT:

Chắc là Dylan Thomas muốn nói đến những bài thơ thành công. Vì chỉ có những bài thơ thành công – mà phải thành công vượt bực – mới tạo được “ép phê” đến như vậy cho độc giả. Nhưng còn những bài thơ chưa được thành công đến mức đó thì sao? Chẳng lẽ chúng không được gọi là thơ?

Cả Emily Dickinson và Dylan Thomas – qua định nghĩa thơ của mình – chỉ muốn nói đến những bài thơ “đặc biệt”, và vì thế, đã vứt tính phổ quát của định nghĩa thơ vào sọt rác.

4/ Robert Frost:

“Poetry is when an emotion has found its thought and the thought has found words.”

Thơ ra đời khi cảm xúc đã tìm thấy ý tưởng và ý tưởng đã tìm ra con chữ để diễn đạt chúng

https://www.brainyquote.com/quotes/robert_frost_107263

Tôi thích định nghĩa thơ này của Robert Frost. Nó cũng nói đến “dùng ngôn ngữ để diễn đạt cảm xúc và ý tưởng” giống định nghĩa tôi lấy làm chuẩn (ở phần đầu) để so sánh, nhưng cách nói văn hoa và bay bướm hơn. Ông không nhắc đến vần và nhịp điệu chắc là để làm nổi bật cái “cốt tủy” của thơ là cảm xúc.

5/ Kahlil Gibran

 Poetry is a deal of joy and pain and wonder, with a dash of the dictionary

“Thơ là thỏa thuận giữa niềm vui, nỗi đau và băn khoăn, với một dấu gạch ngang của từ điển”.

https://poemshape.wordpress.com/2013/05/12/on-a-definition-of-poetry/

Kahlil Gibran cho rằng thơ là tâm trạng, cảm xúc được diễn tả bằng ngôn ngữ (con chữ). Định nghĩa này gần giống với định nghĩa của Robert Frost, đề cao cảm xúc nhưng không nói đến vần, nhịp điệu.

6/ Salvatore Quasimodo:

 Poetry is the revelation of a feeling that the poet believes to be interior and personal which the reader recognizes as his own.

“Thơ là sự mặc khải rằng thi sĩ tin cảm xúc nội tâm của cá nhân mình được độc giả nhận là ‘tiếng lòng’ của họ”.

https://www.brainyquote.com/quotes/salvatore_quasimodo_161837

NHẬN XÉT:

Ông thi sĩ này quá quan tâm đến “tiếng lòng của độc giả”và việc tìm “người đồng cảm”. Mà lại nghĩ đến chúng trước khi làm thơ mới đáng sợ.

Hồi còn tuổi thanh xuân tôi thường nghe câu nói “Theo tình tình phớt, phớt tình tình theo” nhưng cũng không để ý lắm. Đến tuổi này nghĩ lại thấy cũng nhiều phần đúng. Những nàng mình thích, bỏ công đeo đuổi, ra sức “ga lăng”, nịnh đầm hết mức thì thường bị phớt lờ. Những cô mình không để ý đến, đối xử như bạn bè bình thường thì có khi lại quấn quýt như tình nhân.

Một thằng bạn giải thích: “Lúc mày ra sức nịnh để lấy lòng Ả thì trông mày ‘yếu’ và bệ rạc lắm, nhân cách rơi xuống gần tới thắt lưng quần. Nhưng lúc coi Ả bình thường như bao cô gái khác thì mày hành xử tự nhiên, phong thái trông rất khác, nhân cách được nâng cao hẳn lên. Có lẽ vì thế mà có sức hấp dẫn hơn chăng.”

Với thơ cũng vậy. Đành rằng làm thơ ai cũng muốn tâm tình của mình được nhiều người đồng cảm. Nhưng những câu thơ, bài thơ nịnh, dù nịnh thật khéo đi nữa, nghe cũng rất chán – chán thơ và mất cảm tình với tác giả.

Làm thơ, theo tôi, hãy cứ bộc lộ hết tâm trạng, cảm xúc chân thật bằng kỹ thuật thơ của mình. Nếu kỹ thuật thơ của mình khá, sẽ có người đồng cảm. Đồng cảm ở đây thường còn kèm theo sự mến mộ và nể phục.

7/ Phan Ngọc

“Thơ là cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức ngôn ngữ này”.

(Các Quan Niệm Thơ, Mai Bá Ấn, Bích Khê)

http://www.bichkhe.org/home.php?cat_id=147&id=251

NHẬN XÉT:

a/ Hai chữ “quái đản” đi quá xa và đã “lạc đường”. Nói vậy thì các thể thơ truyền thống không phải là thơ sao? Nếu chỉ có một vài người làm thơ có cách “tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản” thì “quái đản” còn có nghĩa là “quái đản”, nhưng nếu thơ ai cũng “quái đản” thì “quái đản” đâu còn là “quái đản” nữa.

Không biết ông Phan Ngọc nghĩ sao về thơ Lục Bát? Nó là thể thơ “trẻ mãi không già” nhưng lại rất hiền lành và giản dị, chẳng có gì “quái đản” cả.

b/ Hơn nữa, làm thơ mà để hết tâm trí vào “người tiếp nhận” trong khi cảm xúc của chính mình – cái tôi đích thực – lại lờ tít thì loại thơ ấy sẽ dễ kết bạn với “lời khóc, tiếng ới hỡi, ơi hời” của những người thương vay khóc mướn ở đám ma.

8/ Nguyễn Hưng Quốc:

“Thơ là cảm xúc đi tìm một đồng cảm.”

NHẬN XÉT:

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc thấy sự quan trọng của cảm xúc trong thơ nên ông đã cho nó độc quyền đại diện trong định nghĩa thơ của mình và “lờ tít” những bộ phận khác của thơ. Làm thế, cái hay thì đã rõ ràng. Cái không hay là nhóm chữ “cảm xúc đi tìm một đồng cảm” có thể dẫn độc giả đi nhầm vào nhà một loại hình nghệ thuật khác.

Mặc dù cũng nói đến “đi tìm một đồng cảm” nhưng theo tôi, Nguyễn Hưng Quốc không cổ vũ cho trường phái “Làm thơ để khơi gợi cảm xúc (nơi người đọc)” như Salvatore  Quasimodo. Lý do: Cảm xúc trong định nghĩa thơ của ông là cảm xúc từ bài thơ đã hoàn tất chứ không phải cảm xúc từ ý định của tác giả trước lúc làm thơ.

9/ William Wordsworth 

Poetry is the spontaneous overflow of powerful feelings: it takes its origin from emotion recollected in tranquility.’

Thơ tự trào ra khi cảm xúc dâng cao; nó bắt nguồn từ sự hồi tưởng trong yên tĩnh.

https://www.brainyquote.com/quotes/william_wordsworth_390135

NHẬN XÉT:

Định nghĩa thơ của William Woedsworth có hai phần:

a/ Thơ tự trào ra khi cảm xúc dâng cao: Phần này hết mực đề cao cảm xúc trong thơ – cảm xúc dâng cao thơ sẽ trào ra. Có lẽ quá chú tâm đến cảm xúc nên William Wordsworth không đề cập đến các phương tiện thẩm mỹ khác của thơ.

b/ Nó bắt nguồn từ sự hồi tưởng trong yên tĩnh: Nhưng bù lại, ở phần hai này ông đã nhắc đến thời điểm phát sinh cảm xúc để làm thơ. Điểm này rất nhiều người yêu thơ hiểu lầm.

Khi đối diện với một cảnh đời nào đó, hỷ nộ ái ố sẽ phát sinh, nhưng thường thì thơ không trào ra ngay lúc đó được. Cảnh đời và cảm xúc phát sinh từ nó sẽ tìm một chỗ sâu kín trong tâm hồn thi sĩ để trú ẩn. Một lúc nào đó (có thể một ngày, một tuần, vài tháng hay vài năm sau) có một cái gì đó khơi gợi, cảnh đời và cảm xúc đang trú ẩn đó sẽ bật dậy làm tâm hồn thi sĩ nổi sóng.

Nếu “sóng” đủ mạnh thi sĩ sẽ hồi tưởng những gì đã xảy ra, dùng kỹ thuật thơ của mình ghi lại.

10/ Trần Dần

“Thơ cổ lai đặt ở tứ lạ, lời hay, hình ảnh đẹp, âm điệu ru hồn. Tôi giản dị đồng nhất thơ vào chữ”. (Trần Dần).

(Tìm Hiểu Một Quan Niệm Nghệ Thuật Về Ngôn Từ Trong Thơ Việt Đương Đại, Trần Ngọc Hiếu)

https://www.facebook.com/LyLuanVanHocVietNam/posts/1263723310401861/

NHẬN XÉT:

Đây là một phát biểu tương đương với định nghĩa.

Thơ, bên cạnh chữ, hình ảnh, âm điệu, nhịp điệu, các biện pháp tu từ … còn có tứ, thế trận chữ nghĩa. Ngoài ra còn phải kể đến tâm thế của thi sĩ lúc làm thơ. Hứng càng cao, xúc động càng mãnh liệt thì càng nhiều cảm xúc tầng 3 – thứ cảm xúc cho người đọc cảm giác “đã” nhất, sướng nhất. Chữ chỉ là một trong nhiều phương tiện thẩm mỹ của bài thơ.

Nếu chỉ “đồng nhất thơ vào chữ” thì ông thi sĩ mà tôi rất mến mộ – về lý thuyết – chỉ mới đề cập đến cái đuôi của con voi thơ.

Tôi không hiểu sao một thi sĩ tài năng như Trần Dần mà lại đưa ra một định nghĩa thơ phiến diện như vậy.

11/ Samuel Taylor Coleridge

 Poetry: the best words in the best order.

Tho: Chữ hay nhất trong thứ tự hợp lý nhất.

https://poemshape.wordpress.com/2013/05/12/on-a-definition-of-poetry/

NHẬN XÉT:

Định nghĩa của Samuel Taylor Coleridge chỉ đề cập đến 2 trong số các “phương tiện thẩm mỹ” của thơ: Ngôn ngữ thơ và thế trận. Vần, nhịp điệu, các biện pháp tu từ, và đặc biệt, cảm xúc không được nhắc đến. Tuy đỡ hơn Trần Dần, định nghĩa này cũng chỉ là một cái nhìn phiến diện về thơ.

12/ Không Biết Tên Tác Giả

“Poetry is a faithful secretary of hearts”

Thơ là thư ký trung thành của trái tim.

NHẬN XÉT:

Định nghĩa này, nói khác đi, cho rằng thơ là tiếng lòng chân thật của thi sĩ.

Như đã nói ở phần đầu, trong tổng số thơ của nhân loại có đến hơn 99% không ít thì nhiều có tính Xạo. Những bài thơ mà thi sĩ cho phép độc giả giao tiếp với mình bằng Tiếng Người Chân Thật (viết hoa) cực hiếm. Định nghĩa này đã nhổ bỏ hầu hết thơ của nhân loại ra khỏi vườn thơ. Như thế rất oan uổng và bất công cho những bài thơ, dù chưa đạt được mục đích tối hậu của thơ, cũng tặng người yêu thơ những rung động, xao xuyến làm tươi mát tâm hồn.

13/ Joseph Roux

“Poetry is truth in its Sunday clothes.”

Thơ là sự thật trong bộ quần áo Chủ Nhật của nó
https://www.brainyquote.com/quotes/joseph_roux_395933

NHẬN XÉT:

Định nghĩa thơ này có hai phần:

a/ “Thơ là sự thật”: Như đã nói ở định nghĩa số 12 (Không Biết Tên Tác giả), “thơ là sự thật” cực hiếm. Chỉ đòi hỏi ở phần a/ này đã loại bỏ tuyệt đại đa số thơ của nhân loại.

b/ “Trong bộ quần áo Chủ nhật của nó”: Ở Âu Mỹ, sáng Chủ Nhật tín đồ đạo Tin Lành, Thiên Chúa Giáo đều ăn mặc đặc biệt chỉnh tề, đẹp đẽ để đi nhà thờ. Với thơ có nghĩa là ngôn ngữ thơ phải đẹp, lịch sự, trang trọng … Nói thế lại loại bỏ những bài thơ có ngôn ngữ bình dân, đời thường (chẳng hạn thơ Nguyễn Bính)

Kiếm được một bài “thơ là sự thật” đã mỏi mắt, lại còn đòi ngôn ngữ đẹp, cao sang, đầy tính văn chương nữa thì làm khó thi sĩ quá.

Định nghĩa thơ số 12 “Thơ là thư ký trung thành của trái tim” đã không tôn trọng tính phổ quát của “định nghĩa”. Định nghĩa thơ của Joseph Roux, về điểm này, còn tệ hại hơn nhiều

KẾT LUẬN:

 Định Nghĩa Thơ Bằng Thơ

Để kết luận tôi xin giới thiệu thi phẩm Làm Thơ – một định nghĩa thơ bằng thơ – của Lê Đạt.

LÀM THƠ

Đêm khuya

Bóng đầu anh

Hằn trên trang sách nhỏ

Như bóng hàng cây quặn gió

Lắng xuống mặt đường

 

Giông bão mênh mông

Anh nhìn tổ quốc

Đất nước đêm nay trĩu đầu ngọn bút

Hàng vạn vần thơ mang nặng tình người

 

Anh nghe tiếng đất trời

Xao động lùm cây ngọn cỏ

Như người hiệu thính viên

Đêm không ngủ

Ghi những lời cuộc sống

điện về

 

Những tiếng nặng nề

Những tiếng cục cằn uất ức

Những tiếng căm thù chua chát

Những tiếng yêu thương…

Lê Đạt

(Thơ Đến Từ Đâu, Nguyễn Đức Tùng, tr. 118)

 

NHẬN XÉT:

Vâng,

Những tiếng nặng nề

Những tiếng cục cằn uất ức

Những tiếng căm thù chua chát

Những tiếng yêu thương…

là những hỷ nộ ái ố ai lạc dục, là thất tình, lục dục của người đời; cảm xúc trong thơ phát sinh từ đó. Nội dung của bài thơ chỉ nói đến ngôn ngữ và cảm xúc. Tác giả không đề cập đến – bằng lời – vần, nhịp điệu và những phương tiện thẩm mỹ khác của thơ. Nhưng khi độc giả đọc bài thơ – dù đọc thầm hay lớn tiếng – sẽ thấy tất cả những thứ ấy hiển hiện một cách sinh động trong tâm hồn mình.

Tôi không dám cho rằng đây là định nghĩa thơ hay nhất. Nhưng nếu bảo đây là định nghĩa thơ dễ hiểu, dễ cảm, mới lạ và rất có duyên, thì với tôi, chắc không sai.

Texas 26 tháng 5 năm 2020

PHẠM ĐỨC NHÌ

nhidpham@gmail.com

 

CHÚ THÍCH:

1/

http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2017/06/ung-truoc-can-phong-bi-mat-cua-tran-ha.html

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search