T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Chuồn chuồn đi đón cơn mưa

Chia tay cuối đường – Tranh: Thanh Châu

        Bằng vào tuổi lá vàng, lá xanh, ông lập thân tối…“dạ” thị văn chương với khổ nạn bài vở gửi lên mạng có chung một dòng sinh mệnh lá rơi hàng xóm, lá bay sang…bay mất tiêu. Ấy vậy mà có một lần vàng bay mấy lá năm già nửa bay tới tận Hà Nội để gã và ông có túc duyên trước là bạn chữ nghĩa, sau là bạn hồ trường. Qua điện thư, gã “lỳ một lam”, ông cũng…làm một ly. Đầu năm gã gãi ngứa ông, khi nào phiêu lãng quên mình lãng du tới kiếm gã ở quán thịt rừng để nhậu văn chương. Vì vậy ông tính chuyện về thăm quê nhà một chuyến. Đủng đỏang thế nào bỗng gã…tuyệt tình cốc. Tạm hiểu là không rằng không nói gã bốc hơi theo bia bọt bay vào…hư không.

Về tới Hà Nội, ông chắt bóp nên gặp gã trước đã cho phải đạo cái vạ văn chương, sau đến tửu phùng tri kỷ thiên bôi tửu. Mò ra ngoại ô, ông tìm nơi chốn gã hay ngồi đồng ở quán treo bảng hiệu: Đặc sản lợn rừng Trò Trám. Vừa thò đầu vào cửa, ông gặp người phục vụ miệng lúng búng: “Dà, trời sắp mưa”. Ghim vào đầu ông: Một là người có khuôn mặt rất Nam kỳ sáng nắng chiều mưa. Hai là cái ô dựng ở cạnh cửa, báo cho ông biết…trời không mưa thì nắng. Ba là tên quán: “Trò Trám” như một kỳ cổ, nhưng ấy là chuyện sau. Chuyện bây giờ ông khẽ khọt với người đôi chút về…khúc ruột nối dài là ông đây, ông tới để gặp gã bạn chữ nghĩa vẫn ngồi ăn vạ ở nơi chốn này. Người phục vụ làm như hiểu ra: “Dà” thêm một tiếng nữa rồi bỏ đi một nước.

Người không quên bỏ lại khúc ruột nối dài ngồi với cái bàn và…cái ao.

Ông quét mắt ra ngoài ao bất chợt bắt gặp một đàn chuồn chuồn bay là là trên mặt nước. Mới xa nhà mấy ngày vậy mà ông đã cô lý, cô liêu với câu đồng dao chuồn chuồn bay thấp thời mưa, bay cao… Tiếp, ông vắn hai dài một từ chuồn chuồn đi đón cơn mưa mà ông hết huyễn hoặc là “ai” đi tìm “ai”…Tới huyễn tưởng cá đâu đớp động dưới chân bèo để ông hoài cố cựu về người xưa cảnh cũ nào đâu tá nên ông đâm ra…buồn. Đã từ lâu với ông có mưa là buồn, mưa nhiều càng buồn không để đâu cho hết…Nếu như có một khuôn mặt hỗn mang nháo nhác lướt qua hao hao giống người vợ khuất núi đều gợi nỗi buồn lùng nhùng trong ông.

 Bất chợt có tiếng kẽo kẹt của cánh cửa, ông đảo mắt về cuối quán. Từ trong nhà bước ra là một thiếu phụ có dáng dấp hanh hao…nửa đàn bà, nửa con gái. Anh phục vụ đang rì rầm với cô. Cô hóng mắt về phía ông khẽ gật đầu chào.

Chỉ cái gật đầu chào không thôi, với bệnh từ ám, ông huyễn tưởng đến “cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Để xua đuổi những huyễn tưởng ấy đi, như thiền sư lễnh đễnh với mây trời vì chẳng có gì xảy ra trong cõi nhân sinh phù thế này, ông moi trong túi xách ra quyển Ngày tháng ngao du của Bùi Giáng và để đó. Cớ sự gì ông mang cuốn sách…”có trọng lượng” này theo? Số là hồi này ở trong nước có cao trào mang công án thiền vào quán nhậu. Thảng như nhà văn ngòai nước nào đấy ra quán nhậu gặp nhà phê bình văn học Hà Nội tra vấn chữ nghĩa: “Bài viết của anh nội dung chẳng nói được điều gì”. Đáp: “Nói bị ba mươi hèo, không nói cũng ba mươi hèo”. Bị hỏi tiếp: “Ba mươi hèo ở đâu ra nhiều thế?” Ông nhà văn đáp: “Vậy là ông không đọc công án thiền rồi!”. Thế là nhà phê bình văn học…ngọng..

Ông dấu mặt xuống bàn với người Bùi Giáng, nhưng mắt ông không tha thứ đôi chân thon dài đang thong thả bước về phía ông. Cô gọn gàng trong chiếc váy ngắn mầu hạt dẻ để lộ đôi chân thon mảnh đang thả xuôi theo những bước đi. Tha nhân cho rằng, cũng là cục thịt dư thừa nhô ra của đàn bà, con gái được đàn ông, con trai xanh xao thao thiết nhất chả là bộ ngực thây lẩy mà là…cái mông. Riêng ông, dính liền với cái mông là đôi chân ẩn tàng một nơi chốn hỗn mang. Một người đẹp phải có đôi chân có hồn, có phách đan vào nhau qua những bước đi có âm hưởng. Những bước chân có âm điệu, cấu thành hợp âm “trưởng” phải thế, “thứ” phải vậy. Và…cái chân đi guốc đang “cốp, cốp” bước thảnh thơi vào đầu ông làm ông nhức đầu không phải là ít.

Để tránh hệ lụy những bước chân tha hóa vong thân đang len lỏi trong đầu, ông tảng lờ bằng cách cắm cúi vật lộn chữ nghĩa qua đoạn văn của Bùi Giáng:

“…Bay lơ lửng loanh quanh, ấy là con chuồn chuồn. Bay mà cũng như không bay, ấy là con chuồn chuồn. Khiến người ta nhớ nhung mà chẳng rõ nhớ nhung cái gì, ấy là con chuồn chuồn. Hiện diện gần gũi mà xa vắng như trong lớp mù sương, ấy là con chuồn chuồn. Vô khả vô bất khả, ấy là con chuồn chuồn. Mang vô lượng A tăng tì kiếp về trong mỗi sát na, ấy là con chuồn chuồn. Có tức là không, không tức là có, có tức là…có-chẳng-có, không tức là…không-chẳng-không, ấy là con chuồn chuồn…”.

Bất giác ngước mắt lên khỏang không, trời hom hom, mây đùn lên ngang ngang một màu xám chì tẻ ngắt, đất trời trùng hẳn xuống, gió thổi mây xoắn tít. Mưa bắt đầu xập xoài, sấm chớp nhùng nhoằng. Mưa lộp bộp lên lá chuối tươi tớp. Mưa lâm thâm. Những hạt mưa rơi bung lên những chiếc bong bóng vừa hình thành đã vỡ tan trên mặt ao, mặt đường, một số dạt sang hai bên cuốn trôi theo dòng nước. Mặt mũi ông héo don những lềnh bềnh đang bơi trong một ngày trống vắng.

Bong bóng mưa khiến ông nghĩ đến số phận, đến những mong manh, những tạm thời. Mưa giăng màn màn làm ông tong tả bao năm rồi, nhiều lần, trong giấc mơ ông gặp một người đàn bà không rõ nét. Lần nào người đàn bà ấy cũng nhìn ông làm như có chuyện gì muốn nói rồi tan biến vào bóng đêm. Ông cứ chờ đợi người đàn bà ấy, và chờ đợi cái gì đó nhưng chỉ thấy hụt hẫng. Nếu có, chỉ là cảm giác tò he tẻ nhạt, cảm giác bong bóng không sắc, không vị, không mùi như đang ở ngòai kia. Nó hiện diện gần gũi mà xa vắng, khiến ông nhớ rang nhớ rức mà chẳng biết nhớ nhung gì.

Cô đến gần ông hơn, ngắm mưa hong hanh, nhuôm nhuôm vậy đấy, nhưng mắt ông từ chân bò từ từ lên và bấu lên người cô. Ông nhận ra: Cô có dáng dấp chẳng có gì rõ nét, như đẹp hoặc xấu, trắng hay đen. Trái lại chính vì chẳng có gì rõ nét, nhạt nhạt, lại hiện hữu trong ông. Như cái bong bóng không sắc không vị, không mùi. Khiến ông hình tượng đến con tò he vô hình, vô tướng đi cạnh bờ ao vào lúc trời mưa và dưới ao phập phồng những chiếc bong bóng.

Gần hơn nữa, giờ ông mới dòm thấy đôi mắt lúng liếng. Cô đến cạnh bàn, miệng như nở hoa, lắc lắc cái đầu và hỏi:

– Anh giai là…

– Là bạn…

– Bạn ông anh em thì anh giai vừa cho chồng em hay rồi. Em hỏi tên cơ?

– Là Ngộ Không…Phí…

Bất thình lình cô gào toáng lên:

– Ối giời ơi. Anh…không ngộ hở?

Hốt nhiên cô nhòm mặt ông và dòm dỏ:

– Gớm chửa! Bây giờ mới thấy mặt!

Thế là cô ngồi xuống, cô đúng là mắn chuyện như ông anh cô dẻo mồm về ông với cô qua một, hai bài viết “vàng bay mấy lá năm già nửa” nào đó. Tiếp đến là tâm tư, tâm thái được xả ra từ đầu môi chót lưỡi. Cô dĩu môi. Cô ngúc ngắc đầu, tóc phất phơ bay. Cô nói bằng mắt, khóe mắt lúng liếng chông chênh. Cái cười như cá thia lia trên mặt ao nên có làn sóng lao xao như “cá đâu đớp động dưới chân bèo” muốn hớp hồn ông. Còn chuyện của ông chỉ bâng quơ xa gần. Xa với quê hương thứ hai ngã tư nào cũng có cây xăng, có nhà thờ, có Hamburger, có Pizza, gần thì ông…chưa biết nói gì. Còn cô thao tác về ông anh cô sáng say chiều xỉn đến ngày tay bắt chuồn chuồn, miệng ngáp ngáp ắt chả có cuộc tình nào ra hồn để vắt vai. Cô chẻ hoe trắng phớ:

– Nòi nhà cả đấy, anh giai.

“Nòi nhà cả đấy” là giống giuộc gì ông chả hiểu. Thế nên ông tha ma mộ địa về chồng con cô cho có chuyện vì nãy giờ nhì nhằng dăm câu nào có ra chuyện.

Trong một phiêu hốt bất chợt, cô hục hặc:

– Con cháu tập kết đấy. Nhưng cùn lắm ông anh.

Mặt cô hâm hâm, miệng cô gọ gạy:

– Đúng là cái nợ đồng lần, em nói điêu, ông anh cứ vả vào miệng em.

Bất giác dòm ra ngòai rõ ra mưa bóng mây, mưa đấy tạnh ngay đấy, bầu trời thoắt đổi thành mầu hoa mướp, hoa bí mênh mang. Chuồn chuồn vỡ tổ đổ ra. Ông hóng mặt tới cặp chuồn chuồn đang…”cõng” nhau. Trong ông bị ám ảnh với chuồn chuồn “cấu” đuôi nhau nên ông lẫm đẫm chuyện một nắng hai mưa:

– Chuồn chuồn đi đón cơn mưa sao lắm vậy.

– Giống như lễ hội Trò Trám. Bình thường thôi.

Được thể ông bày vẽ chữ nghĩa:

– Lễ hội là giao hòa giữa trời và đất, giữa cỏ cây và muôn loài, giữa người và người, giữa nam và nữ. Ông bà mình vẫn thường nói ngày xưa trai gái đi xem lễ hội, nhất là tuồng chèo là để…đóng tuồng chim chuột, sờ soạng nhau ấy mà.

Rõ ra năm ngày bảy tật của ông là tật khoe chữ, nên ông lụi đụi  …

“Lễ hội Trò Trám” ở rừng Trám vùng Lâm Thao, Phú Thọ. Mỗi năm tại miếu Trò, đến đêm củ mật dân làng túm lại dự lễ cầu xin cho mùa màng năm tới. Ông Từ lấy cái Nõ của đàn ông đâm vào cái Nường của đàn bà 3 lần, mỗi lần hô tướng lên: Linh tinh tình phộc, linh tinh tình phộc, linh tinh tình phộc. Đúng nửa đêm, tắt hết đèn đóm, con trai, con gái không cần quen biết chạy túa ra đồng. Từng cặp, kể cả ông già bà cả chui vào bụi rậm hay nằm thẳng cẳng ở giữa đồng…linh tinh tình phộc cho đã điếu.

Đôi mắt lúng liếng lườm ông:

– Ông anh ăn nói hay nhể! Chỉ ngoéo chuyện ấy cho bằng được. Chuyện không bình thường đây!

Miệng ông tắt ứ, mắt ông ve ve ra ngoài song cửa, chuồn chuồn vỡ tổ ở đâu ra bay khắp mặt ao. Chúng bay lượn, nhào lên, lộn xuống, con đực, con cái cong mình nối đuôi nhau giao hoan trên không trung, có đôi bay ngang mặt nước. Xong, chúng rời nhau, con này bay…đứng một chỗ, con kia đậu ở cái cột hàng rào. Bỗng khi không câu nói của cô “Nòi nhà cả đấy, anh giai” về gã bạn chữ nghiã chui vào đầu ông ngọ nguậy. Bèn hỏi cho ra nhẽ. Cô nhành mồm ra: “Anh em vào Sài Gòn làm văn rồi”. Ông chưa kịp há mồm hỏi tiếp, cô nhong nhóng mắt theo mấy con chuồn chuồn… Đột nhiên quay lại ngầy ngật với ông chẳng đâu vào đâu:

– Em không phải là con chuồn chuồn, xong chuyện là đậu cọc rào mà ngủ, em cần một cái tổ hẳn hoi.

Nghe lỗm bỗm chưa kịp hiểu gì, cô đã ngoặt ngoẹo:

– Mai đóng cửa tiệm, chồng em đi vắng, anh đến em làm bún chả Hà Nội anh xơi.

Giời ạ! Cái đầu ông cứ rối tinh rối mù lên…

Về khách sạn, ông dều người với câu: “Em không phải là con chuồn chuồn”, dám cô lẫn đẫn chuồn chuồn khi vui thì đậu, khi buồn thì bay lắm ạ! Trong đầu củ chuối ông mọc măng ra câu thần chú của người Bùi Giáng: “Vô khả vô bất khả, ấy là con chuồn chuồn. Mang vô lượng A tăng tì kiếp về trong mỗi sát na, ấy là con chuồn chuồn”. Ông mài óc nghĩ không ra hết vô khả vô bất khả đến vô lượng A tăng tì kiếp lại là con chuồn chuồn mới điên người. Từng ấy chuyện rối rít trong ông, nhưng ông hấm húi sao không là thịt lợn rừng Trò Trám mà là…bún chả Hà Nội. Trước khi chìm vào giấc mộng đời, ông ớ ra cả ngày chả có gì nhét vào bụng. Mặc dù ông đã nhắc khéo cô ở đất tạm dung của ông: Ngã tư nào cũng có…Hamburger với Pizza. Thề trước bóng đèn, ông không đói mà lại no kềnh vì lúc này trong bụng ông chỉ có…cô thôi.

Thế là ông vác xác đến. Tới nơi đã thấy cô ngồi đợi ở cái bàn bên cạnh cửa sổ, tách cà phê đợi sẵn. Ngồi xuống trước mặt cô, ngoài kia gió liu riu lạnh…ông óc ách cô mặc cái áo phong phanh, tiết kiệm vải vóc thế này nhỡ trúng gió thì…vừa lúc cô nhoài người lấy cái phích chế nước nóng vào cái phin. Mảng áo ngực có hơi thảnh thơi, trễ nải, có hơi thoáng đãng, mát mẻ. Mắt ông quán chiếu vào nghiệp chướng sở cuồng và va vào mặt ông là cái nốt ruồi son lẩn khuất giữa khe rãnh trắng như ngó cần trông cứ rối cả mắt. Với ông, mắt như mắt thầy bói thì đàn bà, con gái có nốt ruồi son ở ngực là người có sao đào hoa, hồng loan chiếu mệnh nên tình cảm dư thừa, ẩm ướt hơn ai hết. Lúc nãy ông quán chiếu đôi chân thon mảnh cô thả xuôi theo những bước đi, những bước chân có âm điệu, cấu thành hợp âm “trưởng” phải thế, “thứ” phải vậy. Vì vậy mệnh khắc số với những sao quái quỷ như thiên riêu, thiên hình, tam thai, hay…“tam toạng” ám quẻ. Thế nên đôi chân cô in dấu số phận, dấu vết số phận lấm tấm như lệ ứa, đôi chân biết khóc, luôn dầm trong nước, “ướt” nửa đời người…

Đợi ông nhấp ngụm cà phê, cô vào chuyện cô muốn…ly dị chồng. Ông muốn nhẩy nhổm lên vì ông vừa thầy bói sờ voi sao đúng thế. Thế nên cô có đào hồng, đào hoa chiếu mệnh…qua đôi chân ẩm ướt, thêm cụ Nguyễn Du nhẩy bổ vào với tri thiên mệnh cũng đúng luôn. I xì như chuyện theo cô kể: Cô gặp anh người nước Nam kỳ từ tuổi mới lớn, yêu rồi lấy. Lấy rồi thấy chả làm sao cả nên chuyện vợ chồng đâm ra…chả ra làm sao. Cứ như bị giời đày vậy! Lúc này hai vợ chồng cô ly thân, mỗi người một phòng hồn ai nấy giữ. Chuyện rấm rẳn giữa cô và ông chỉ có thế.

Thế nhưng ông thấy in hịt chuyện người tình cũ một thời một thưở của ông.

Đúng là số ruồi, số là ông có người tình Bắc kỳ cùng tên với cô: Chỉ khác một nhẽ thay vì rước anh người Nam lại nhè anh người Trung mang về,…về rồi lúng túng với nhau như gà mắc tóc với…“mô, tê, răng, rứa”. Ông hiểu ra cô và người tình cũ của ông, cả hai mảnh đời cứ nhạt nhẽo dần theo nửa đêm về sáng cùng chuyện đàn ông với đàn bà như canh bí chiều đông. Ông xoi xói như thầy bói múc canh đàn bà con gái như vậy không ai gối tay đợi hết tối, không ai nằm đợi hết sáng.

Bỗng có cơn gió thốc vào quán xá, cánh cửa quán he hé mở…

Ông hé mở với cô chuyện trâu ta ăn cỏ đồng ta, đồng ta hết cỏ ăn ra đồng người…của chính ông. Theo cơn gió lùa, theo cánh cửa đong đưa, ông đẩy đưa cô về người tình cũ trước là…bạn văn, sau là…bạn tình. Những chuyện từ lâu ông nhốt vào cũi ký ức như chó hóc xương, nay ông nhấm nháp từng mẩu một với cô: Chuyện là qua một bài viết rồi quen nhau. Người tình chữ nghĩa đã có chồng, rất nhạy cảm trước mọi hoàn cảnh và mơ mộng trong tình yêu nên âm ỉ với ông: “Có khi chung thủy chỉ là một cố gắng tuyệt vọng”. Người tình chữ nghĩa là một người đàn bà có tâm hồn và biết…ngoại tình nên xoay xỏa: “Ngoại tình là yêu một lần nữa mà không cần phải cố gắng“. Rồi ậm ừ với ông: “Nếu gian díu với đàn ông có vợ là tội lỗi thì đó là một thứ tội lỗi đầy quyến rũ”. Sau vài năm mặn nồng, vào một ngày ít nắng nhiều mây, không cần cố gắng lắm, người tình bỏ đi, để ông nhôm nhoang trong hoang lạnh qua mấy mùa thu chết cho đến lúc này đây ông gặp cô nơi quán vắng bên đường.

Chiều về trống vắng đến rỗng rễnh, ông dàng dênh ngày ấy ông cũng bằng tuổi cô bây giờ, nếu không níu kéo ngày trời tháng Bụt sao cho ngắn lại, thời gian được thể trôi nhanh theo. Ngày tháng cứ trôi đi, trôi đi mãi tới một nơi…vô sở đắc, vô sở trụ. Cô hay ông cứ đi, đi mãi mà chẳng biết mình đi đâu! Tìm gì giữa dòng đời xuôi ngược trong buổi tan tầm. Tìm hoài chỉ thấy lạc lõng giữa lòng phố thị ngựa xe như mắc cửi. Cô hay ông như con ruồi sa lưới nhện, giãy giụa mãi chỉ thế thôi. Thế nên lăn tăn làm gì cho mệt, phải dền dứ chứ, nếu không có mà toi. Nếu cô vướng mắc với quãng đời còn lại đường ai nấy đi, cô sẽ đi lại lối mòn xưa cũ rồi tậm tịt cả đời. Gặp lúc mây chiều gió sớm, cô hãy tìm cho mình một lối riêng, rất riêng, ngay trong cái chung. Tưởng lặng mà động, ấy là thiền quán. Dựa cửa thiền môn, ông ới Bùi Giáng ra dẫn chứng: “Có là…có-chẳng-có, không là…không-chẳng-không: Ấy là con chuồn chuồn”.

Hay nói khác đi chan tương đổ mẻ với không-chẳng-không và có-chẳng-có. Vừa tĩnh vừa động: ấy là…ngoại tình. Ông mở, đóng thêm ngoại tình là cái thú đau thương, nhức nhối và ngứa ngáy nào có khác gì bệnh…giời bò. Ông nhởn nha như không có cô trong cõi tục lụy: “Ngoại tình là yêu một lần nữa mà không cần phải cố gắng“

Nghe thoáng đãng một hồi xong, cô cám cảnh trong một trời hoang vắng:

– Lạy Chúa tôi! Mà em đâu có ai.

Ông như như xẩm vớ được gậy:

– Trước sau rồi cũng gặp.

Ông đưa cô vào hạ…Ông kể lể với cô những giấc mơ của ông về một người đàn bà, thỉnh thoảng có mặt với ông vào những khi nửa đêm về sáng. Ngồi lá vông chổng mông lá trốc, cô mõ thảm chuông sầu cô cũng vậy, đã bao đêm rồi, nhiều lần, trong giấc mơ cô cũng gặp một người đàn ông đến rồi đi. Hoang vắng giữa chiều hôm, chồm qua bàn một chút, ông chăm chút nắm tay cô. Ấp ủ trong bàn tay, ông rù rì: Vậy đừng chùn chân không muốn bước, vẫn phải tiếp tục đi nữa, đi cho đến khi hóa thân thành cát bụi. Tay ông ve vuốt tay cô. Ông tiếp tục nỗi trăn trở khôn nguôi của cô nhỏ bé và hữu hạn, trong khi tình yêu quá mênh mang, vô hạn. Ông quấy quả với cô hãy để hồn đi hoang về một nơi chốn chỉ có…cái giường mà một nhà văn Tây phương nào đó đã cho rằng: “Trên giường, người ta thành thật với nhau nhất”.

Ông bắt gặp cô vừa thở hắt ra…

***

Cô cáo lỗi vào nhà. I xì như hồi nãy nhân bảo như thần bảo, cô mặc áo tiết kiệm vải vóc như thế nhỡ hắt hơi sổ mũi thì sao…Sao trăng chưa thấy, chỉ thấy quán đóng cửa không có khách, ông thu mình đợi một cơn mưa bất chợt để được nghe tiếng mưa rơi tí tách như hôm qua. Đúng lúc có tiếng nhạc ở trong vọng ra từ mưa vẫn hay mưa cho đời biển động, làm sao em biết bia đá không đau, đến ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau. Dòng nhạc đưa ông vào cõi vắng với đời người miệt mài đi theo thời gian kiếm tìm điều mình khát vọng. Tìm, tìm hoài, tìm mãi. Và chợt một chiều tóc trắng như vôi. Bừng giấc đời. Ông bỗng thấy mình chưa tìm được gì ngay cả chính mình.

Cái đầu ông vừa thả rong đến đây, cũng vừa lúc cô bước ra. Cô để rơi nụ cười chúm chím lên môi ông khi cô nhẹ nhàng đặt hộp bơ “Bretel” lên bàn, ngồi sát cạnh ông. Và nghiêng nghiêng dựa vào người ông. Chiều tối lọ mặt người, ông lại thầm mưa rơi, có lẽ ông chưa gặp được mưa nên cảm thấy trống trải. Quán xá vẫn chưa đỏ đèn, mây vẫn bay, bóng chiều vẫn trôi đi. Thoáng như có tiếng ễnh ương, chẫu chuộc ì ọp đâu đây mời gọi mưa vẫn hay mưa cho đời biển động Tiếng ì ọp như tiếng chuông tỉnh thức…Vì ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau, theo quán tính ông ôm cô. Môi ông dính vào môi cô ẩm ướt…Tay ông xoa nhè nhẹ lên bờ ngực có nốt ruồi son. Những ngón tay ông đang len lén tìm về một bờ mê bến ngộ. Mặt cô như lá chuối hơ lửa. Bàn tay ông len lỏi vào trong khoảng áo hững hờ, buông thả của cô.

Mặt cô đờ đẫn. Cô nhắm mắt lại…Cô rên nhè nhẹ.

Chiều lên cao, gần chạm vào mặt đêm. Bỗng không âm vọng động đậy một công án có tên Vô môn quan mà ông ăn sổi ở thì: “Thiền không có cửa”. Một người như ông muốn đi qua “cửa không” phải làm gì bây giờ…Thế là tay ông được thể thong dong lạc nẻo đường trần như một phù lãng nhân và lần mò tới chốn…không. Ông tìm được cõi hư vô, vô thường có những xào xạc ở một nơi chốn hỗn mang u u minh minh. Và ông coi chốn vô cùng, vô ngã đó như cõi ngu lạc trường của riêng mình.

Nhiễu sự là ông đang cỏ hoa lạc lối đây…

– Em…

– Dạ…

Trong cõi vô cùng, vô ngã, một chiều trên bến nước, đúng ra là trong quán xá, ông đã ngã vào tay cô. Ông học theo cô, ông trộm cho là chuyện…bình thường thôi.

– Khiếp! Ngượng chết đi được!

Có tiếng cười rinh rích như chuột rúc trong cót thóc…

– Này này…Nỡm vừa chứ, cái tay bậy bạ.

Tiếng rúc rích tịt mít.

– Há mồm ra cho hôn tí…

– Ư…ư…Nghẹt thở em! Ư…ư…

Âm vọng “cửa không” là tiếng kẽo kẹt của cánh cửa…phòng ngủ. Ông trở về với thực tại đang nằm với em gái thằng bạn chữ nghĩa. “Vì ở trên giường, người ta thành thật với nhau nhất” nên ông hành ngôn hành tỏi rất ư hàn lâm:

– Anh hôn em bằng cái hôn của hàng ngàn năm văn học đấy.

– Xời ạ! Em chỉ nghe mùi thuốc lá!

Có tiếng trở mình…

– Môi em mềm như…bún.

– Chứ còn gì nữa, môi xịn đấy.

Tiếng cười tắt lịm, chỉ còn tiếng ư hử:

– Tại sao hôn lại phải nhắm mắt, hở anh.

– ?!?!?!

Vô ngôn, vô thanh là tiếng thở đứt quãng, lẫn với tiếng hừ…hừ…âm ỉ.

Nằm trên giường, ông bòn mót ngắm thân thể cô kỹ hơn. Cô không có dáng đẹp một cách…điêu đứng, nhưng mình mẩy đầy…ứ hự. Cô là một thứ trái cấm nở muộn, nó chín vào cuối mùa, cuối mùa lãng mạn. Của những mệnh phụ, của những tà dương. Ông buồn môi ngứa miệng những bản lai diện mục lãng nhách ấy với cô. Cô háy mắt cười ông chỉ rách chuyện là không ai bằng. Rách chuyện đây theo chữ nghĩa bọn trẻ thành phố hôm nay là…“iu”. Nên ông đồng bái quê mùa nói “iu” cô như khỉ yêu cây, như chày yêu cối. Hay đôi môi cô ngọt như nước mắm nhĩ. Hoặc ông cảm khái cô đẹp mong manh như miếng mỡ gầu. Ông bấm bụng nói thật vì rằng da thịt cô có…mùi bơ. Nó ngầy ngậy beo béo như bơ Bretel, lại hơi khét khét như mùi tóc cháy, mùi cháy của thịt nướng Hà Nội. Nó mang vẻ hoang dại, hoang dã hương đồng cỏ nội khiến nó mê hoặc ông, làm ông yêu cô…thậm tệ. Cô ôm chặt lấy ông thủ thỉ đúng Bắc kỳ đặc có khác, khác hẳn anh chồng Nam kỳ của cô, chuyện bình thường thôi.

Chuyện không bình thường vừa lúc anh chồng đi về gõ “cạch cạch” vào “vô môn quan” với “thiền không có cửa” nhưng có cánh cửa…đóng chặt. Cô nói chõ ra:

– Ba có cần gì không. Hôm nay có xôi chè giỗ bố đấy.

Cô xì xầm vào tai ông:

– Anh đừng…”cà cuống”, chúng em thỏa thuận với nhau rồi. Nắng không ưa, mưa không chịu, không ai được đâm sầm vào đời tư của nhau!.

Ông tự hỏi sao cô gọi chồng là “Ba” mà không là… “anh Ba”. Hết “ba” đến…“bố” làm ông lộn tùng phèo cả lên. Ngỡ là “bố” cô về nên xúyt chút nữa ông nhảy bổ xuống giường vắt chân lên cổ chạy bán sống bán chết. Ăn ngay nói thật…thật ra ông hơi hãi tí vì cô có hơi đanh đá tí ti. Ấy thế mà vì “nhất thanh nhì tướng”, khối anh Nam kỳ mê gái Bắc kỳ như điếu đổ vì giọng Bắc kỳ đặc, vì cái trán dô bướng bỉnh để chưa thấy quan tài chưa đổ lệ mà nho táo là “bất kiến quan tài bất hạ lệ”. Khôn nhà dại chợ, mấy anh Bắc kỳ vì “nhất tướng nhì thanh” với con mắt sắc như dao cau hay ngực tấn công mông phòng thủ mà…chết nửa đời người. Bỗng có tiếng…:

– Tui muốn hỏi mấy giờ rồi.

– Hở? Đừng giở hơi giở hám.

– Nhè nhẹ cho tui ngủ.

– Dào! Nói lạ nhẩy.

Vừa lúc con mắt có đuôi của cô cười tít với ông:

– Nói nhỏ thôi nhá…Tốt nhất là không nói gì…Cần gì phải nói, phải không anh.

Đến đây, ông nho nhe “bất khả ngôn truyền” là ông cũng không nói ra được vì ông chả hơn gì mấy anh Bắc kỳ, Nam kỳ ở trên, vì “trường túc bất tri lao”, vì nốt ruồi son ở ngực của cô nên ông cũng ngất ngư con tàu đi. Với cỏ hoa lạc lối, ông dò dẫm kiểu tìm hiểu dấm dớ bờ bụi gái miền ngược…ngang ngược như thế nào ở đất Lâm Thao, Phú Thọ. Nhưng là Bắc kỳ sống ở miền Nam, nên ông có sao nói vậy, có gì nói thế:

– Mình…mình…linh tinh tình phộc nha.

– Hứ! Chỉ…linh tinh.

– Em là gái miếu Trò mà.

– Ai bảo vậy. Chỉ nói điêu.

Tiếp đến, ông mụ người trong âu yếm. Sau đấy cũng không quên hỏi mắc mớ gì cô lại “cảm” sĩ phu Bắc hà là ông quá thể vậy. Cô cười ron rón:

– Đàn ông phải như anh cơ.

– Như anh là sao?

Rôi chả hiểu sao mặt cô trùng xuống và vẽo vọt:

– Anh giai xá cho nhá. Nói thật đây có hơi buồn vì anh giai có hơi…già tí.

Ăn chay nói dối không bằng ăn mặn nói thật, ông có hơi…buồn thật. Chả là đang lêu bêu ở cái tuổi lá vàng lá xanh, ông hóa sinh, hóa ngộ mới chỉ là rạng đông của tuổi già. Nên ông hoang tưởng mới…nhập cuộc, mới…dấn thân, vì vậy lòng dạ ông cứ dàn dạt thắt lại lúc đó sẽ ra sao?. Ấy vậy mà tình sau cơn mưa cuối mùa lẵng nhẵng đến với ông…Ông ngay thòng thõng rằng người ta đến với nhau vì hụt hẫng, thiếu vắng, để ông ngúc ngắc như Từ Thức lạc nẻo đường trần với mọi sự đều khác lạ…Cân đo đong đếm với thời gian được thể ngủng ngoẳng co quắp lại, tuổi tác cứ lững thững trôi đi, trôi đi mãi tới một nơi có cái giường… Để níu kéo ông…nhập cuộc, ông bám víu bằng cách…dấn thân với cô thêm một lần nữa. Ông tan trọn vẹn vào cô, vào đêm giữa ban ngày. Ông đang chơi vơi…trong căn phòng nhá nhem tối, như mầu hoa mướp, hoa bí trễ tràng rười rượi. Ông đang như Lưu Nguyễn nhập thiên thai….

Trái nắng trở trời gì chả biết nữa, bỗng dưng ông tương một câu thối hoăng là mắc chứng gì ông Từ ở miêu Trò lại hô lên ba lần…linh tinh tình phộc. Nằm ở dưới, ôm ông khít khịt, cô… đau chân há miệng:

– Rõ dơ! Anh cứ ngoéo em vào…”chuyện ấy” cho bằng được. Mệt muốn chết!

Khi không cô hỏi ông:

– Tại sao gọi là con chuồn chuồn?

– Có thể mây mưa xong, mỗi con…”chuồn” đi một ngả. Con đậu cọc rào, con đậu bụi cây mà ngủ…rồi lại đợi cơn mưa sau.

– Thành ngữ “Đi tìm tổ con chuồn chuồn” là thế ư?

– Chúng có đôi, nhưng không có tổ.

– Chả nhẽ anh với em lại giống con chuồn chuồn!

Trong khi ấy đầu óc ông lang thang với mây trời “chuồn chuồn có cánh thì bay, có thằng kẻ trộm bắt mày đi tu”. Ông theo cánh chuồn chuồn bay về cánh đồng miếu Trò, những ông già bà cả…tu hú trong bụi rậm và họ búi bấn thế nào vào đêm củ mật tối như hủ nút? Ấy là chưa kể trong bụi rậm tòan gai góc với rắn rết, cóc nhái kêu ồm ộp! Tạm hiểu những truyền thuyết của các cụ ta xưa với tam sao thất bản chỉ…bịa thôi. Không thật như nhà văn Henry Miller với câu nói thời nay: “Cái giường không phải để ngủ. Mà là để nói chuyện. Vì ở trên giường, người ta thành thật với nhau nhất”.

Và chuyện có thật khi này ông và cô đang nằm trên giường nói chuyện với…cái trần nhà. Ông nằm ngửa…nhìn đời và bắt gặp con thạch sùng bò trên trần nhà. Màu da nó vàng nâu ngà tiệp màu vôi. Nó đuổi theo con thạch sùng khác đang chạy dọc theo chiếc đèn “nê-ông”. Chiếc đèn gắn trên trần nhà lỏng le muốn rớt. Chiếc đèn “nê-ông” lâu ngày cũ kỹ, hom hem như ông vậy nên tắt, chớp, rồi chớp, tắt. Trong giây lát, ông thấy da ông tiệp vào da con thạch sùng. Ông dọ dẫm:

– Em thấy anh sao?

– Phải gió phải giăng gì đâu! Yêu đứt đuôi con thạch sùng chứ lị.

Cô chun mũi, lâm thâm:

– Úi giào! Yêu nhưng mà chán. Chán bỏ sừ đi ấy.

Vẫn lối nói chuyện lửng xửng, cô nhíu mày ú tìm:

– Khi nào em không yêu anh nữa, em sẽ nói với anh.

Ông đàm hoa lạc khứ:

– Bộ em không yêu anh à?

Cô bơ ngơ:

– Nghe thối inh!

Rồi cô thở ra như chết rồi:

– Nặng khiếp. Thôi anh xuống đi.

Ông trong cõi ngu lạc trường:

– Nếu em là con thạch sùng cái nằm dưới sướng chết đi được.

Cô, mắt tròn dấu hỏi, cười tẻ mím:

– Em là con thạch sùng cái nằm dưới…rơi cái bịch thì sao!

Cả hai lụng bụng nói chuyện với…cái trần nhà. Con thạch sùng bò xuống đến mép tường dừng lại. Hai con mắt nó, hai chấm đen, thao láo nhìn xuống chiếc giường có hai thân thể. Nhìn xuống đất có hai bộ quần áo nhầu nát vắt lên nhau. Ông vặc nó: “Bộ lạ lắm sao mà dòm?”. Như hiểu được tiếng người, nó bò ngược lên trần, đuổi theo con thạch sùng đơn côi. Cũng như nó, ông hiểu ra nó là…con thạch sùng đực.

Mắt không rời con thạch sùng đơn chiếc đang chạy trối chết, ông hỏi trống không:

– Nó về đâu em nhỉ?

Cô chao chát:

– Thì đấy, em đâu còn nơi nào trở về. Như con chuồn chuồn không có tổ.

Cô vẫn lảm mhảm với cái trần nhà:

– Giá chúng mình cứ mãi như thế này nhỉ. Em thích thế. Đừng ràng buộc. Em sợ những thứ ấy lắm! Em muốn gần anh, nhưng không muốn…lấy anh.

Ông cám cảnh:

– Em nói gì thế?.

– Anh đừng bắt em phải giải thích. Mệt lắm!

Tay cô tìm tay ông và nắm chặt:

– Bây giờ em đuối sức lắm rồi.

Cô quay sang ông, ôm chặt và hôn ông. Cô ôm riết lấy ông như sợ mất mát, thiếu vắng. Mắt cô ngời ngời, giọng thì thầm:

– Em cho anh…Chỉ mình anh thôi…

Cô vít đầu ông vào ông và hôn lấy hôn để.

***

Sáng ông dậy trễ, cô còn đang trong giấc nồng. Ra đến phòng ngoài, đến cái bàn cạnh cửa sổ có sẵn tách cà phê nhưng không có bơ “Bretel”. Anh phục vụ đang lui cui chế nước sôi vào cái phin. Thấy ông, anh nắc nỏm: “Dà, trời đang mưa”.

Nhấp ngụm cà phê nhạt hoen hóet như nước lã ao bèo, nghếch ra ngoài trời đang mưa. Những chiếc bong bóng vẫn đang trôi và đang vỡ. Ngớt mưa, lúc này lòng đường rối mù xe cộ, dòng người xuôi ngược trên đường hối hả như để bù lại thời gian trú mưa đã mất. Thì cũng như ông đang trú mưa ở đây đi tìm thời gian đánh mất. Trong khi chờ xe đến đón, lật giở trang 82 kinh thư Bùi Giáng, ông lâm râm tụng:

“…Tôi gạ gẫm con chuồn chuồn, đem phó thác thân xác trần gian của tôi cho con chuồn chuồn trên hai cánh mỏng bay đi rồi trở về đồng ruộng làm mục tử chăn trâu. Con trâu chạy lạc. Tôi chạy về bẩm báo với ni cô cho phép con chuồn chuồn của tôi cư lưu một thời gian. Ni cô đuổi tôi. Thì tôi ra bờ ao nằm ngủ giữa chiêm bao. Chiêm bao lãng đãng…Chuyện hợp tan, tan hợp, tình yêu buồn vui của con người cũng như bong bóng trên mặt nước nổi trôi”.

Mắt ông dời trang sách thả rong từng hạt mưa muộn màng rơi rớt, từng bọt nước bong bóng đang vật vờ trên mặt ao. Ông không phân biệt được cái nào vừa hiện ra đã tan biến ngay. Ông tự hỏi có bọt nước bong bóng nào giống chiếc nào? Mải mê theo dòng luân hồi của những bong bóng nước. Ông thầm cho ông và cô chỉ là bọt nước bong bóng như nhau. Mưa tạnh hẳn. Chuồn chuồn vỡ tổ đổ ra. Mưa phảy qua mùa, nhãng một chốc nắng hừng lên…Có hai con cõng nhau, bấu đuôi nhau hớp nắng, bốn cánh mỏng xanh xám thẳng căng. Xong chuyện, hai con rủ nhau bay mất…

Xe tới. Ông bước qua cửa. Trời xanh nao lòng, nắng vàng cũng ngẩn ngơ. Từng bước một thật chậm, ông muốn níu kéo ngày tháng ngắn lại. Ông cảm nhận những viên sỏi lăn mòn theo những bước chân, vết lăn, …vết lăn trầm. Đám mây trắng khật khừ mãi mới lững thững bước qua được bên kia đường. Qua bụi cây có hai con chuồn chuồn cánh mỏng xanh xám đang ngủ đợi cơn mưa sau…Ông gật đầu tắp lự hai con chuồn chuồn vẫn chưa có tổ. Ông vẫn tiếp tục đi, đi nữa, bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.

Cái cột hàng rào bên bờ ao đứng bất động chơ vơ, im tăm tắp.

Mặt trời rúc vào mây ngủ quên trong giấc miên du, ông bỏ đi tít mít. Đang đi ông nhơ nhớ cái gì ấy…Ông chợt nhớ ra để quên trên bàn quyển Ngày tháng ngao du.

   Thạch trúc gia trang

       Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search