T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 181)

clip_image002

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Con mèo, con chó có lông
Cây tre có mắt, nồi đồng có tai.

Nếu mắt ở đây là mắt thấy. Ẩn ngữ để ám chỉ chuyện đời không thể giấu diếm. Không có gì bí hiểm vì cụm chữ “nồi đồng phải có…tai”. Vì cây tre có…mắt.

(Ca dao qua văn bản – Ngu Yên)

Sách báo trong nước sau 75

Chu Văn Sơn phát giác ra rằng nhà nghiên cứu văn học miền Bắc Đỗ Lai Thúy đã “đạo văn” với cuốn “Con mắt thơ”.. Đỗ Lai Thúy đã gần như chép nguyên văn “Nhạc tính thơ” của của Lê Huy Oanh trong tạp chí Văn Học xuất bản tại Sài Gòn ngày 20-11-1974. “Nhạc tính thơ” được đổi tên là “Tiếng không lời”.

Không những thế “Con mắt thơ” còn mượn ý và lời của những nhà văn miền Nam như Đào Trường Phúc, Phan Kim Thịnh, Huỳnh Phan Anh..v..v..Và đừng quên rằng Đỗ Lai Thúy là nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng ở miền Bắc. Đồng thời họ còn xử dụng các công trình biên khảo của Đỗ Trọng Huề (Ca trù), Phạm Cao Dương nhưng không ghi xuất sứ, tựa đề bị thay tên.

Năm 2002, nhà xuất bản Văn Học Hà Nội in lậu tập truyện ma của Nguyễn Ngọc Ngạn và đổi tên tác giả là …Nguyễn Ngọc.

(Mặc Giao – Văn hóa Việt Nam)

Những cái cũ & xưa nhất của Saigon

Nhà thờ cổ nhất

clip_image004

Nhà thờ Chợ Quán tọa lạc tại số 20 Trần Bình Trọng, P.2, Q.5 xây dựng từ năm 1674 là nhà thờ cổ nhất tại Sài Gòn và cổ nhất ở miền Nam. Ngôi thánh đường nằm ở vị trí trung tâm, có kiến trúc kiểu phương Tây, lợp ngói đỏ, có thể chứa khoảng 1000 người. Ngoài việc sinh hoạt tôn giáo, Họ đạo Chợ Quán tích cực tham gia công tác xã hội giúp đỡ người nghèo. Trải qua hơn 3 thế kỷ Nhà thờ Chợ Quán đã được trùng tu nhiều lần. Hiện nay, nơi đây có phòng khám và phát thuốc từ thiện dưới quyền quản lý của Hội Chữ thập đỏ Quận 5.

Địa danh miền Nam (1)

Dòng lịch sử luôn biến chuyển, nên các địa danh cũng thay đổi không ngừng. Đọc sử xưa, nay hỏi lại không ai biết ở đó là đâu cả. Như Hà Nội khi xưa có tên Đại La, Đông Đô, Thăng Long…

Miền Nam Việt Nam là đất mới có từ 300 năm, nên địa danh rất phức tạp có những nguồn gốc khác nhau. Lúc đầu các di dân Việt Nam đi tiên phuông mở mang đất nước phần đông là người bình dân, ít học. Đến xứ lạ, người thưa, tiếng nói khác, khó đọc, khó hiểu nên cái gì thấy trước mắt là đặt tên. Như ở địa thế cao (gò, giồng), đất trũng (vũng), cây cối, thú vật (chim, cá…), mục đích cho dễ nhớ, dễ gọi.

Ở lâu quen dần, mọc gốc mọc rễ, có chánh quyền đặt ra qui chế làng thôn do những người biết chữ đặt tên địa danh mới có nghĩa đẹp. Và nhất là lấy tên những nhân vật có công với làng với nước mà đặt. Dĩ nhiên cũng có nhiều địa danh vay mượn tiếng địa phương để dịch theo nghĩa hoặc nói trại ra.

Các địa danh có tên người thì nhiều hơn hết để ghi ơn những người có công với đất nước như: kinh Thoại Hà, kinh Vĩnh Tế, cù lao ông Chưởng…Ngay những người có chức quyền cũng có tên: kinh Tổng đốc Lộc, kinh Đội Xáng Cường, kinh ông Hóng…

Những địa danh có nghĩa tiếng Miên hay do tiếng Miên đọc trại ra cũng rất nhiều: Cà Mau (nước đen), Sa Đéc (chợ sắt), Sóc Trăng…

(Một thoáng về địa danh đất Việt – Trần Khánh)

Văn học cổ (3)

Truyện của Việt Nam ngày xưa được viết theo thể lục bát. Khúc ngâm viết theo thể song thất lục bát. Hai thể này không có trong văn chương Tàu. Đó cũng là một hình thức độc lập của ta.
Về Ngâm, trong văn học cổ Việt Nam, chúng ta có nhiều khúc ngâm nhưng nổi tiếng và phổ biến nhất là Chinh Phụ Ngâm khúc và Cung Oán Ngâm khúc.

Thật ra, thể ngâm có thể coi tương đương với thể Tùy bút ngày nay. Thể này không lệ thuộc vào thời gian câu chuyện xảy ra. Vả lại, trong Chinh Phụ Ngâm, người ta không nói tới một nàng chinh phụ duy nhất nào mà nói chung tâm sự của tất cả những người đàn bà có chồng đi chinh chiến. Vậy, có người có con nhỏ còn “măng sữa” thì cũng có người có con đã lớn để phải “Rèn con đèn sách, thiếp làm phụ thân”. Vả lại, việc nghi ngờ lòng chung thủy của người chinh phụ không những là oan uổng mà còn quá đáng. Người ta chưa thể quên tục ngữ Việt Nam đã có câu “Ba năm bú mớm” để nói tới cái công trời bể của người mẹ trong việc dưỡng dục con cái.

Khúc Chinh Phụ Ngâm bằng chữ nôm là bản dịễn nôm Chinh Phụ Ngâm chữ Hán của Đặng Trần Côn. Hiện nay, người ta chưa biết chắc ai là dịch giả, bà Đoàn Thị Điểm hay ông Phan Huy Ích. Bản chữ Hán của Đặng Trần Côn là một tác phẩm đăc biệt, rất công phu. Ông đã mượn một số ý và hình ảnh trong thơ cổ, có khi mượn cả những câu thơ của người xưa (như thơ Lý Bạch đời Đường) để tạo nên khúc ngâm này (dài 483 câu).

Khi nói đến tính cách vay mượn trong văn học cổ Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc tới những tác phẩm “hoàn toàn độc lập” của các nhà Nho xưa. Ngoài những truyện cổ được xếp vào loại bình dân chưa tìm ra tác giả, như: Trinh Thử, Trê Cóc, Lục súc tranh công… chúng ta cũng phải kể đến các truyện thuộc loại vừa bác học vừa bình dân, như: Bích Câu Kỳ Ngộ của Vũ Quốc Trân, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Đó là những tác phẩm không dựa vào truyện Tàu, do sự sáng tạo của chính các tác giả.

(Văn học cổ VN – Tạ Quang Khôi)

Ghép chữ Nôm (3)

Tài hơn nữa, ta đem một chữ rất thường dùng ghép với một chữ khác để cấu-tạo thành không biết bao nhiêu chữ kép với những nghĩa đầy lý thú:
Như một chữ “ăn” đem ghép thành: ăn ảnh, ăn bám, ăn bận, ăn bẩn, ăn bòn, ăn bốc, ăn bớt, ăn cắp, ăn có, ăn cỗ, ăn cơm, ăn cưới, ăn cướp, ăn cháo, ăn chay, ăn chạy, ăn chắc, ăn chận, ăn chẹt, ăn chịu, ăn chơi, ăn chùa, ăn chực, ăn dè, ăn đêm, ăn đòn, ăn đút, ăn đứt, ăn gian, ăn giỗ, ăn hại, ăn hàng, ăn hiếp, ăn kiêng, ăn khao, ăn khem, ăn khín, ăn khớp, ăn lãi, ăn lạt, ăn lận, ăn lời, ăn lương, ăn lường, ăn mày, ăn mặc, ăn mặn, ăn mót, ăn mừng, ăn nằm, ăn nói, ăn ngủ, ăn nhậu, ăn nhín, ăn nhịp, ăn nhờ, ăn ở, ăn quịt, ăn rơ, ăn sương, ăn tạp, ăn Tết, ăn tiệc, ăn tiền, ăn thề, ăn thua, ăn trộm, ăn trớt, ăn uống, ăn vạ, ăn vã, ăn vặt, ăn vận, ăn vụng, ăn xài, ăn xén, ăn xin, ăn xổi, ăn ý…

(Tiếng Việt hồn Việt – Lê Thương)

Nhân Văn – Giai Phẩm (3)

Trăm hoa đua nở

Ngày 25 tháng 5 năm 1956, cục trưởng cục Tuyên huấn của Đảng Cộng sản Trung Quốc là Lục Định nhất triệu tập các nhà khoa học, xã hội học, các văn nghệ sĩ đến viện Hoài Nhân đường ở Bắc Kinh để đọc cho họ nghe một bài diễn văn nhan đề là “Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh”. Họ Lục nói rằng hai câu tám chữ đó là ông Mao đã trích ở cổ văn ra và giao cho ông công tác giải thích.

Họ Lục nói rằng:

Nếu không có nhiều môn phái, nhiều chủ trương thì văn nghệ không thể trở nên phong phú được.”

Vừa mới nói ra, họ Lục lại vội vàng khép lại:

Hai nghìn năm về trước, trong thời Xuân Thu và Chiến Quốc, Trung Quốc có nhiều học phái khác nhau. Hồi đó các học phái đều tự ý phát triển, không phục tòng một hệ thống tư tưởng nào cả, nhưng ngày nay… chính quyền của nhân dân đã thành lập và vững mạnh thì sự tranh luận của bách gia ngày nay phải nằm trong khuôn khổ một chương trình chung.”

Nói về những tương quan giữa văn học và chính trị họ Lục cũng tuyên bố nước đôi như sau:

Cần phải đề cao sự tự do tranh luận và bênh vực ý kiến trong mọi ngành học thuật nhưng đồng thời cũng không nên lẫn lộn những cuộc tranh luận xây dựng trong nội bộ Đảng với những cuộc tranh đấu để tiêu diệt những phần tử phản động… Có hai lối phê bình: Phê bình kẻ thù và phê bình những đồng chí phạm sai lầm. Phê bình kẻ thù là đập cho nó một truỳ vỡ sọ chết tươi, còn phê bình một một đồng chí phạm sai lầm là lấy khoan hồng đưa dần họ về với chính nghĩa.”

(Trăm hoa đua nở trên đất Bắc – Mạc Đình giới thiệu)

Tiếng Việt không đơn giản

Hỏi: “Sắc không, không sắc…”

Hôm qua đi chùa, một vị sư giảng có câu: “Sắc không không sắc sắc thị không”, nghĩa là gì vậy? Xưa nay chỉ nghe câu “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”, phải chăng nghĩa là phàm vật chỉ có sắc tướng đều là vật tạm, phải có một ngày hư nát? Chỉ đoán mò vậy thôi, không biết có đúng không?

Đáp: Không hiểu!

Hỏi: hai chữ “Sắc Không, Không Sắc” người tu thường lẫn lộn nói rằng “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”. Vậy thì điểm khác biệt giữa 2 câu này là gì?

Đáp: Không thông!

(Nguồn ĐatViet.com)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Vào khoảng năm 1945, ông Hồ và cụ Phan Khôi ghé viếng đền thờ Đức Trần Hưng Đạo. Theo như cụ Phan Khôi thuật lại thì ông Hồ hỏi cụ giữa ông và Trần Hưng Đạo ai hơn ai? Sau đó ông Hồ làm bài “Viếng đền Kiếp Bạc” như sau:

Suy ra tôi bác cũng anh hùng

Sau trước cùng chung giữ núi sông

Bác đuổi giặc Nguyên thanh kiếm bạc

Tôi xua quân Pháp ngọn cờ hồng

Bác đưa dân tộc qua nô lệ

Tôi dẫn năm châu đến đại đồng

Bác có khôn thiêng cười một tiếng

Giùm tôi kháng chiến sớm thành công

(Lê Thương – Những bài thơ…)

Chữ nghĩa trên mạng

Dưới đây là lời rao kết bạn đọc được trên internet:

Thanh niên 28 tuổi, người Nam bộ, độc thân, vui tính, khỏe mạnh, không rượu chè chích chóac, hơi lãng mạn, có khả năng chăm sóc bản thân và người khác phái, ăn ngủ luôn luôn đúng giờ giấc, Muốn làm quen với bạn gái dịu hiền, đẹp, có lòng vị tha…

Ai mến xin thư về (kèm tem) Nguyễn Văn Hai, khu tù chung thân, phòng C, trại K, khám Chí Hòa.

Chữ Hán, chữ Nho

Văn phạm Hán ngữ, hoặc Anh ngữ đòi hỏi tĩnh từ đi trước danh từ. Không ai viết “year new” hoặc “niên tân” mà phải viết “new year, tân niên”. Thế mà hằng ngày trên sách báo vẫn đầy dẫy những chữ như “Kinh thánh, điểm yếu’“ thay vì “Thánh Kinh và yếu điểm” mà không ngờ rằng “điểm yếu” khi nó là hai từ có gốc dân gian thì có nghĩa là “chỗ thua kém”: khác hẳn với “yếu điểm” có nghĩa là vị trí quan trọng, nhất là khi bàn về quân sự.

(Mạn đàm về Hán Việt trong Việt ngữ – Trần Văn Kiệm)

Câu đối

Mấy bạn nhậu thường hay nói chữ: “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu” cũng đừng vội tưởng họ sính nho, thật ra họ đùa “rượu gặp tri kỷ có trời mới biểu thôi” (thiên: trời, bôi thiểu: biểu thôi).

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search