T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ann Kirschner: Bố ơi, Bố có bầu cho ông Trump nữa không?

Nhà văn Ann Kirschner

Ảnh (Kirschner.org)

 

Newsweek

Tác giả: Ann Kirschner

Dịch giả: T.Vấn

Giới thiệu:

[Trong lịch sử chưa tới 300 năm lập quốc của mình, nước Mỹ đã nổi bật lên trong bối cảnh chính trị thế giới với tư cách là một quốc gia dân chủ, tự do số một toàn cầu. Sự tồn tại đáng ngưỡng mộ của hình thức lưỡng đảng, một đảng cầm quyền và một đảng đối lập, bất kể phe Dân Chủ hay Cộng Hòa nắm quyền,  họ chỉ có một mục đích là cùng nhau đưa nước Mỹ đến vị trí cường quốc khiến cả thế giới kiêng nể, cảm phục. Gần 300 năm nay, với sự thành công của nước Mỹ, hai đảng (thay phiên nhau) cầm quyền và đối lập đã chứng minh rằng một trong những ưu điểm của nền dân chủ Mỹ là sự tồn tại song song những khác biệt về chính trị xã hội và về nhiều vấn đề gai góc khác.

Ai cũng biết, những khác biệt về chính kiến trong xã hội Mỹ vốn trước đây là chuyện bình thường, luôn giữ vai trò tích cực trong công cuộc xây dựng đất nước, nhưng trong thời đại của Donald Trump chúng đã trở nên gay gắt, khốc liệt đến độ không còn sự tương nhượng như truyền thống dân chủ tốt đẹp của một đất nước vốn từng là mơ ước của nhiều dân tộc khác trên thế giới. Những khác biệt ấy không ngừng lại ở các buổi mạn đàm chính trị trên truyền thanh truyền hình, các talk show, các phương tiện truyền thông đại chúng, các mạng giao lưu xã hội; chúng còn len lỏi vào tận bàn ăn mỗi gia đình, mỗi buổi tụ họp thân hữu vốn trước đây không bao giờ nói đến chính trị; nếu có, cũng chỉ thoáng qua. Và kết qủa sau những va chạm “chính kiến” ấy là bạn bè trở thành kẻ thù, vợ chồng đưa nhau ra tòa ly dị, anh chị em thẳng tiếng từ nhau, cha con nhiều khi cáu kỉnh xung đột lẫn nhau.

Câu chuyện có thật dưới đây được nhà văn Ann Kirschner kể lại về những xung khắc giữa bà với người cha (nay đã quá cố) mà nguyên nhân chính là sự xuất hiện của Donald Trump trong đời sống chính trị nước Mỹ. Câu chuyện có thể là một điển hình cho những xung đột gia đình trong thời đại Donald Trump. Và tôi tin rằng chúng không chỉ xẩy ra trong những gia đình người Mỹ lâu đời, những gia đình di dân cũ (như gia đình nhà văn Kirschner), mà còn ở những gia đình di dân mới chỉ vài thế hệ (trong đó không thể loại trừ những gia đình di dân gốc Việt). Người dịch.]

Bố ơi, Bố có bầu cho ông Trump nữa không?

Bố thương yêu,

Con nhớ hôm đó là ngày lễ Nghiêm Phụ. Chỉ còn hơn 100 ngày sau đó là tới kỳ bầu cử tổng thống (2016). Đêm bầu cử, con và bố cùng ở trong một căn nhà, cùng theo dõi tin tức về bầu cử, nhưng khác phòng, khác kênh truyền hình. Bố reo mừng, còn con thì rấm rứt khóc.

Bây giờ đây, chỉ vài năm sau thôi, chúng ta bị bó rọ trong nhà giữa trận đại dịch sát nhân và cơn suy thoái kinh tế trầm trọng. Đường phố khắp nơi trên nước Mỹ tràn ngập những cuộc biểu tình chống kỳ thị chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát. Những ngày tháng đen tối như thế này thực sự rất cần đến một người lãnh đạo tài giỏi. Con không biết, liệu rồi bố sẽ bỏ phiếu bầu Trump một lần nữa hay không?

Buồn thay, con chỉ có thể tưởng tượng ra câu trả lời của bố mà thôi.

Trong tang lễ của bố có sự hiện diện của một toán quân nhân danh dự. Vốn hãnh diện là một cựu chiến binh từ thời đệ nhị thế chiến, hẳn cha cảm thấy rất hài lòng khi chứng kiến một viên sĩ quan trẻ trung, mặt mũi sáng sủa bước đến trước mặt con, giơ tay trang trọng chào rồi trao cho con lá cờ dùng phủ quan tài Bố được gấp lại đúng khuôn phép – nhân danh tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump. Con muốn giữ vẻ mặt thản nhiên lạnh lùng khi đưa tay nhận lá cờ, nhưng đứa con gái của con – người lo lắng thu xếp mọi việc cho tang lễ – đã thúc tay vào mạng sườn con nhắc nhở.

Thực ra, trường hợp Trump chỉ là một sự đối đầu cuối cùng trong cuộc chiến tranh lạnh giữa bố và con, nó có gốc rễ từ những gì xẩy ra hồi thập niên 1960s khi chúng ta bị đẩy về hai đối cực một cục diện chính trị. Dưới mắt bố, con là một cô bé đầu óc ngớ ngẩn, một tín đồ xã hội chủ nghĩa ngây thơ đến tội nghiệp, một nhà hoạt động nữ quyền hùng hổ và là một loại người không tin có thượng đế. Còn với con, bố là hình ảnh của một chiến binh già nua hay quạu cọ mà cái nhìn về thế giới bên ngoài đã bị khắc khổ hóa bởi những khó khăn trong đời sống, bởi cảnh tàn sát người Do Thái của Đức quốc xã trong những năm chiến tranh.

Khi bố không còn có thể chăm sóc cho mẹ được nữa, con và chồng con quyết định đưa bố mẹ về ở chung trong căn hộ rộng lớn mua từ hồi mà cả hai vợ chồng con đi làm đủ để cho phép mua được một căn nhà nhiều phòng trong khu đất phía Tây thành phố Manhattan. Những căn phòng dành cho 3 đứa con của chúng con nay không còn đứa nào ở. Lúc ấy, bố 92 tuổi, còn mẹ đã 90.

Khó mà bảo rằng nhà mình là một điển hình của nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà. Bố nói với khách đến thăm rằng con đã bắt cóc bố từ một khu nhà ngoại ô đầy ắp chim chóc hoa cỏ cây cành và những người láng giềng mộ đạo đem về “trồng lại” trên những đường phố hỗn loạn, ồn ào, hôi hám của thành phố New York. Khi tự đảm nhận công việc chăm sóc bố mẹ, con cũng biết rằng mình đã mở của rước vào nhà những thứ “ism” (chủ thuyết): kỳ thị chủng tộc, phân biệt nam nữ, thành kiến với người đồng tính, tính bài ngoại, lý thuyết sáng tạo linh hồn.

Dù vậy, khi đặt mọi sự việc chung với nhau, chúng ta đã sống với nhau thật tốt đẹp, vì con và bố cùng có chung một tình yêu bao la dành cho mẹ.

Trong suốt khoảng thời gian gần 4 năm bố con mình sống chung, hầu như ngày nào bố cũng đến Central Park (Công viên Trung ương). Những khách bộ dành dắt chó đi dạo đều dừng lại đưa tay chào bố khi họ nhìn thấy chiếc mũ có phù hiệu cựu binh thế chiến thứ 2 bố đội trên đầu. Có hôm con vừa ra khỏi subway (xe điện ngầm) thì gặp bố chống gậy đi tới. Lúc nào bố cũng có cùng một câu chào hỏi: “Con gái yêu! Hôm nay làm việc thế nào?”.

Cũng có khi con thật là bất hiếu. Bố đã phải kiên nhẫn ngồi tại bàn ăn sáng chờ cho đến khi máy tự động thu xong chương trình Morning Joe (1) mỗi buổi sáng trước khi bố có thể chuyển qua kênh của Fox. Lẽ ra con có thể làm khác để bố không phải ngồi chờ.

Cũng có khi bố thật ương ngạnh. Con đi công tác xa trở về nhà thấy mấy bức tranh treo trên lối đi giữa các phòng bị thay đổi lung tung. Lẽ ra bố có thể hỏi con chứ.

Cũng có khi bố con mình đã không ngăn được sự việc vượt quá giới hạn. Năm 2017 bắt đầu với buổi lễ nhậm chức Tổng thống của Trump và cuộc tuần hành biểu dương của phụ nữ rồi kết thúc với những lời buộc tội hùng hồn chắc nịch về những hành vi xâm phạm tính dục, sờ mó, rình rập, xúc phạm của gã đàn ông háo sắc đối với phụ nữ. Khi những lời tố cáo ngày càng được nhiều phụ nữ trưng ra, bố bảo: “nó có bằng lòng thì người ta mới dám chứ!” (it takes two to tango).

Cái cách lý giải sự việc như của bố đã khiến con như bước vào một thế giới khác đầy sự đau đớn. Với vấn đề như sách nhiễu tình dục, sự giận dữ của con có thể đi từ zero cho đến tốc độ 100 dặm một giờ trong tích tắc. Như nhiều phụ nữ khác, con cũng có câu chuyện bị sách nhiễu riêng của mình và con cũng đã từng kể lại cho bố nghe về chúng,

Bố thôi không nói về chuyện ấy nữa. Lần đầu tiên con thấy bố băn khoăn mất tự tin như chiếc bóng đèn khi sáng khi chớp. Phản xạ bực tức của bố đối với những kẻ buộc tội (tổng thống D. Trump) đã bị cảm thức một người cha, một người ông, một ông cố kềm giữ.

Rồi kế đến là vụ Charlottesville (2). Nhiều năm trước, tại buổi lễ tốt nghiệp đại học của đứa con gái của con, cả gia đình mình cùng đi thăm khu vực trường đại học Virginia, và con nhớ đến mẹ, một người sống sót sau cuộc thảm sát Holocaust, đã xúc động đến chảy nước mắt khi chứng kiến mối dây quan hệ của gia đình mình với trường đại học Mỹ tiêu biểu này. Sau biến cố Charlottesville, một lần nữa con nhận thấy bố ra chiều băn khoăn. Không thể nào lầm lẫn những âm thanh chói chang phát ra từ những khẩu hiệu Đức quốc xã nhức mắt, và cũng không thể nào không chú ý đến sự kết án yếu ớt đến từ tòa Bạch ốc.

Bố thấy đấy, không phải chính trị, thậm chí cũng không phải chính bản thân Trump đã khiến con trở nên điên khùng như vậy, mà là bởi vì cái cách ông ta ngồi xổm lên mọi giá trị mà con hằng trân trọng. Đôi khi, không hề có cái gọi là hai bên. Con cố gắng giữ cho mình thật bình tĩnh, miệng lẩm nhẩm shalom bayit, một câu Hebrew (tiếng Do Thái cổ) có nghĩa là “bình an trong căn nhà”, như một câu thần chú nhằm trấn an thần kinh của mình trong khi bố tìm cách gạt qua một bên mọi cuộc tấn công phát xuất từ D.C.

Những cuộc biểu tình phản kháng của người da đen có thể dẫn đưa chúng ta đến mấp mé một trận chiến khốc liệt cuối cùng (Armageddon). Cái người đã từng cật vấn con về nỗi đau buồn của con trước cái chết vì bị ám sát của mục sư King (lãnh tụ phong trào bất bạo động đòi quyền bình đẳng chủng tộc bị ám sát chết ngày 4-4-1968)  đã không hề biết đau buồn trước cái chết của George Floyd (bị cảnh sát đè cổ đến chết vì ngạt thở ngày 25-5-2020), trái lại, còn chế giễu những hỗn loạn gây chấn động mang tầm cỡ quốc gia vì sự bất bình đẳng chủng tộc. Cảnh cướp bóc xảy ra trong các cửa hàng buôn bán ở thành phố New York hẳn sẽ gợi lại những hồi ức buồn thảm của cuộc nổi dậy ở Harlem năm 1968 (3). Năm đó, từ cửa sổ lầu 3 của tòa nhà, bà nội con chứng kiến cửa tiệm bán quần áo đàn ông của ông nội bị cướp phá và đốt cháy rụi.

Nhưng bố ơi, bố ơi, ngày nay mọi việc đã khác rồi. Tiếng kêu phản kháng ngày càng trở nên thôi thúc hơn. Con tưởng tượng bố đang co mình lại trước dàn đồng ca của những tên tuổi đáng kính trọng trong hàng ngũ các quân nhân Hoa Kỳ (4). Không một người có thực tài nào có thể làm việc cho Trump, có nghĩa là họ không thể làm việc cho chúng ta, nhân dân Hoa Kỳ. Bố ngưỡng mộ ông ta vì theo bố, ông ta là một người hùng (strong man), không phải loại vớ vẩn, loại tối ngày khư khư phải ăn nói làm sao cho  “đúng chính sách” (political correctness).

Giờ này đây, Bố hãy nhìn lại ông ta và xác nhận xem liệu ông ta có phải là một người lãnh đạo mà chúng ta cần đến vào thời điểm của những hỗn loạn trong nước và sự phức tạp toàn cầu đã đến mức không thể chịu đựng thêm được nữa – vì chính ông ta đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái?

Trong thành phố của con, bố đã được nhiều người biết tới và hâm mộ. Hôm nào bố phải ở trong nhà vì đau nhức mình mẩy, những người hàng xóm sẽ thắc mắc bố đâu rồi, đã lâu tôi không gặp cụ? Bố là thành viên cao tuổi nhất của họ đạo Do Thái Chính thống và được mọi người yêu mến, kính trọng. Bố có nhớ anh chàng say rượu đã mang cho bố quà nhân ngày lễ chiến thắng Purim (5) không? Anh ta nhìn quanh khắp lượt khu nhà mình ở với vẻ ngưỡng mộ rồi hỏi con: “chị sống với bố mẹ chị ở đây bao lâu rồi?”. Nhiều người đã đến gặp bố để xin bố chúc phúc cho họ. Bố rất thích thú với điều đó, và trấn an con rằng lời cầu nguyện đã có kết quả: Chúa đã lắng nghe lời chúc phúc cho Donald Trump.

Con tin rằng lần bầu cử này bố đã đứng bên ngoài, không thể bầu cho Biden, cũng không thể xác tín 4 năm nữa cho Trump. Liệu cái dấu hiệu chớp tắt của sự băn khoăn trong mắt bố sau vụ Charlottesville xẩy ra có trở nên đủ mạnh để khiến bố có một quyết định đảo ngược hoàn toàn so với 4 năm trước đây? Cũng có thể. Nhưng với tình trạng hiện nay thì khó có câu trả lời xác quyết. Sau nhiều tháng cách ly ở nhà, sau những tranh luận liên quan đến những giới hạn của việc ngăn ngừa Covid-19, thì việc tốt nhất là giữ bố ở nhà cho an toàn. Và nếu bố vẫn muốn bỏ phiếu thì chỉ còn cách bầu qua việc gởi phiếu bằng đường bưu điện, như bố trước đây đã từng làm. Giả như việc bầu phiếu bằng thư được cho phép bởi vị tổng thống của bố.

Trong trí tưởng tượng của con, bố con mình đang cùng đi về phía công viên và cả hai bố con mình cùng đeo khẩu trang. Trước khi con tiếp tục đi về hướng trạm xe điện ngầm, con ngoảnh đầu nhìn lại và quan sát bố đang bước vào công viên Trung Ương. Bố vẫn còn đeo khẩu trang (6) . . . ít nhất là cho đến khi bố biến mất khỏi tầm mắt con.

Ann Kirschner

Ann Kirschner là nhà văn, tác giả “Sala’s gift – My mother’s Holocaust story” và các tác phẩm giá trị khác, giáo sư trường đại học New York, một số đại học Mỹ khác và nhiều họat động đa dạng trong lĩnh vực giáo dục.

Bài viết dưới đây xuất hiện trên tạp chí Newsweek ngày 21-06-2020.:

Dad, did Trump Lose Your Vote?

 

Chú Thích

(Các chú thích trong bài là của người dịch)

(1)Morning Joe: Một chương trình Talk Show hàng ngày trên kênh truyền hình MSNBC do cặp vợ chồng Joe Scarborough và Mika Brzezinski phụ trách. Joe Scarborough là cựu dân biểu của đảng Cộng hòa ở Florida, nhưng đã chuyển sang cử tri độc lập từ năm 2017. Vợ ông, Mika Brzezinski là con gái của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Zbigniew Brzezinski. Ông Zbigniew Brzezinski là tác giả của cuốn sách nổi tiếng: Thất bại lớn – Sự ra đời và cái chết của CNCS trong thế kỷ XX.

(2)Trong 2 ngày 11 và 12 tháng 8 năm 2017, tại thành phố Charlottesville, tiểu bang Virginia đã chứng kiến một cuộc tụ họp của những người cực hữu, những người chủ trương siêu chủng tộc da trắng, những người tân phát-xít, tân quốc xã v…v..

Như trong bất cứ cuộc biểu tình, tụ họp nào ở nước Mỹ, luôn luôn có những nhóm phản biểu tình với chủ trương, quan niệm chính trị, xã hội khác với nhóm biểu tình. Ở thành phố Charlottesville, sang ngày thứ hai (August 12) của cuộc biểu tình do cánh hữu chủ trương, cảnh sát của thành phố được lệnh Thống đốc Tiểu bang tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh trật tự công cộng, cùng lúc với sự xuất hiện của các nhóm phản biểu tình. Đến giữa buổi trưa, một người tự nhận mình là thuộc nhóm siêu chủng tộc da trắng lái xe đâm thẳng vào nhóm phản biểu tình đang tụ tập cách đó khoảng nửa dặm, làm một phụ nữ thiệt mạng là cô Heather Heyer, là nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc và nhiều người khác bị thương.. Tổng thống Trump sau đó có lên án những nhóm người biểu tình cánh hữu nhưng ông vẫn kết luận rằng cả hai bên (biểu tình và chống biểu tình) đều có những người tốt. Những người không đồng ý với Trump cho rằng phát biểu như thế là bênh vực và khuyến khích những người và những hoạt động kỳ thị chủng tộc, phát xít và quốc xã.

(3)Cuộc bạo động ở khu Harlem – khu cư dân của người Mỹ gốc châu Phi lớn nhất thành phố Manhattan, NY – năm  1968 được khơi mào từ cuộc ám sát mục sư da đen Martin Luther King tháng 4 năm 1968. Cuộc bạo động hứa hẹn sẽ có những cảnh đập phá, cướp bóc của những người tham dự, kể cả gây chết người nhưng nhờ sự khôn khéo của viên thị trưởng, ông ta đến gặp những người cầm đầu ngay tại nơi đám biểu tình tụ tập và ngỏ ý rất đau buồn trước cái chết của mục sư King. Nhờ vậy, không khí bạo động đã lắng xuống. Tuy nhiên, vẫn có một số cửa hàng và cơ sở thương mại ở Harlem và Brooklyn bị cướp phá và đốt cháy.

(4)Ở đây, tác giả ám chi sự kiện các cựu tướng lãnh quân đội Hoa Kỳ công khai lên tiếng chỉ trích tổng thống Donald Trump, một việc làm mà xưa nay ít xảy ra với vị tổng thống đương nhiệm. Khởi đầu từ việc cựu bộ trưởng quốc phòng của chính phủ Trump, tướng James Mattis, công khai chỉ trích Trump là người chỉ gây chia rẽ nước Mỹ, không đủ tư cách lãnh đạo. Kế đó là các cựu tướng lãnh như cựu ngoại trưởng Collin Powell, cựu Tham mưu trưởng tòa bạch ốc (của chính phủ Trump) tướng John Kelly, cựu tư lệnh NATO tướng TQLC John Allen và một loạt các tướng lãnh khác, tất cả đều cho biết họ sẽ không tín nhiệm Donald Trump thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa.

(5)Purim là tên một ngày lễ nhỏ theo đạo Do Thái để kỷ niệm việc phá vỡ một âm mưu của Haman nhằm sát hạt người Do Thái như đã được ghi lại trong kinh Esther.

(6)Ở đoạn cuối này, tác giả dùng hình ảnh đeo khẩu trang như một ẩn dụ. Hiện nay, với một số người, việc đeo khẩu trang hay không đeo khẩu trang là sự biểu lộ một thái độ chính trị, chứ không đơn thuần chỉ là việc ngăn chận sự lây nhiễm của Corona virus. Đeo khẩu trang là anti-Trump và không đeo là pro-Trump. Như chính ông Trump đã phát biểu chính xác là như thế. Tác giả tưởng tượng mình đã có một sự hòa giải với người cha quá cố khi bà đang cùng cha đi song đôi và cùng đeo khẩu trang (anti-Trump), bất kể, như bà viết “Bố vẫn còn đeo khẩu trang . . . ít nhất là cho đến khi bố biến mất khỏi tầm mắt con.”. Bi kịch xung đột chính kiến được/bị đẩy lên đến mức cha và con không ngần ngại lừa dối nhau. Thật chẳng may chúng ta đang phải sống trong một thời đoạn nhiễu nhương cùng tột. Rồi đây, vài tháng nữa, hay thậm chí 4 năm nữa, ông Trump sẽ biến mất khỏi sân khấu chính trị nước Mỹ. Hai đảng Dân Chủ, Cộng Hòa sẽ lại bị buộc phải làm việc chung với nhau để đưa nước Mỹ trở lại vị trí trước khi tổng thống Trump nhậm chức. Người dân Mỹ (trong đó có nhiều người trong chúng ta) sẽ lại bị buộc phải quên đi quá khứ mà sống đời sống của mình. Hy vọng, lúc ấy, những lớp bụi thời cuộc mù mịt một thời sẽ lắng xuống. Và cha con, vợ chồng, anh em, bằng hữu sẽ nhận ra mình đã bị cơn lốc quái đản ấy cuốn hút như thế nào. Chỉ sợ sẽ có những người ra đi trước khi tâm hồn được thanh thản. (T.Vấn)

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search