T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Duy: Tuyển tập Dân ca – Bài 3: Cây Trúc Xinh

“Cây Trúc Xinh” – Dân ca do Phạm Duy sưu tập.

Trình bày: Hoàng Oanh

Đọc Thêm:

Giới thiệu Dân ca quan họ Bắc Ninh

Trong dòng văn hoá và nghệ thuật âm nhạc dân gian chảy từ ngàn xưa, giữa sự đa dạng và đa diện của các dòng dân ca: chèo của Thái Bình, Nam Ðịnh, chèo tàu của Hà Tây, hát dặm Nghệ An, Hà Tĩnh, ca trù ca Huế, dân ca Nam bộ…vẫn lấp lánh một dòng dân ca riêng biệt, đặc sắc và độc đáo, tựa như:

“Cây trúc xinh tang tình là cây trúc mọc…
Chị Hai xinh chị Hai đứng một mình vẫn xinh”
Ðó là dân ca Quan họ vùng Kinh Bắc – Bắc Ninh.
Quan họ vừa như một làn điệu hội tụ “khí chất” của rất nhiều làn điệu dân ca. Cái trong sáng, rộn ràng của chèo. Cái thổn thức, mặn mà của hát dặm. Cái khoan nhịp, sâu lắng của ca trù. Cái khoẻ khoắn, hồn nhiên của dân ca Nam bộ. Nhưng trên hết, Quan họ mang “khí chất” của chính Quan họ, là hồn của xứ sở Quan họ, là “đặc sản” tinh thần của Kinh Bắc-Bắc Ninh.

Nằm kề cận với thủ đô, có diện tích nhỏ nhất nước, với sáu huyện, thị, nhưng khát vọng trí tuệ, khát vọng sống, khát vọng khẳng định mình của Kinh Bắc chẳng nhỏ tý nào. Sách cổ của người xưa từng ngưỡng mộ: “Kinh Bắc nổi tiếng văn nhã”. Ðất Kinh Bắc là nơi kết tụ của tài hoa các làng nghề: làng tranh Ðông Hồ, Làng giấy Ðống Cao, làng chạm khắc Phù Khê, làng đồng Ðại Bái, làng buôn Phù Lưu…Là đất của hàng nghìn di tích lịch sử, danh thắng của các đình, đền, chùa nổi tiếng. Người Kinh Bắc thông minh, tinh tế. ở bất cứ thời đại lịch sử nào Kinh Bắc cũng hiến cho đời không ít những danh nhân, nhân tài, kẻ sĩ, các bậc hiền tài…Các cộng đồng làng Kinh Bắc từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, gắn kết với nhau trong tình làng nghĩa xóm, trong lao động cần cù, trong khát vọng yêu thương, vượt lên thiên tai, địch hoạ, vượt lên gian khó, “thương người như thể thương thân”, “tứ hải giao tình, bốn biển một nhà” như lời dân ca Quan họ. Chính cái khát vọng sống của người Kinh Bắc, đất Kinh Bắc đã hoá thân thành những làn điệu Quan họ kỳ diệu “lời thì giao duyên, tình thì anh em “, vừa thực, vừa mơ, vừa giải bày, vừa khúc chiết ,vừa tình tự ,vừa sâu sắc …Các làng Quan họ cũng được hình thành, quần tụ thành vùng Quan họ, hầu hết nằm ở Bắc Ninh, mà theo các nghệ nhân, từng có tới 49 làng quan họ. Và như sông Cầu không bao giờ cạn, mạch sống của khúc nhạc, lời ca Quan họ cũng không khi nào nhạt phai dù đã trải qua bao đời người và bao nhiêu biến động thời thế. Ðến bây giờ Hội làng Quan họ vẫn là nguồn cảm hứng mùa xuân bất tận của xứ Kinh Bắc. Các Hội làng gắn bó đặc biệt với hát Quan họ, không thể nào có Hội làng trên mảnh đất Bắc Ninh mà thiếu vắng sắc màu và âm thanh Quan họ. Những hội hè này trải dài từ mùng 4 Tết âm lịch đến 28-3 âm lịch. Ðặc sắc nhất vẫn là Hội Lim ở huyện Tiên Sơn. Vào những ngày hội, nam thanh nữ tú các nơi đổ về, trẩy hội tưng bừng, để được nghe các liền anh, liền chị xiêm y mớ bảy mớ ba, hát đối đáp, hát canh, hát hội, hát mừng…

(Công ty nghệ thuật Vũ Nam Media)

Bài Mới Nhất
Search