T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 182)

Chữ nghĩa làng văn

Có thể dựa vào câu Thuốc Bách tính, đóm diêm (bao diêm), điếu ống… để đoán.

Diêm là tiếng Bắc (trong Nam gọi là quẹtNgoài Bắc có diêm từ bao giờ?

Có từ ngày :

Em là con gái nhà Diêm
Đến tháng lĩnh tiền được bốn đồng hai
Một đồng em để cho giai
Hai đồng cho mẹ, đồng hai ăn quà.

(Ca dao ngạn ngữ Hà Nội)

Nhà Diêm là nhà máy làm diêm (Manufacture d’allumettes) của Pháp tại Hà Nội,nằm tại địa điểm nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo sau này. Diêm và bao diêm chỉ có sau khi Pháp đặt nền bảo hộ Bắc kỳ (1884).

(Cái chày cái cối – Nguyễn Dư)

 

Chữ quốc ngữ

Từ điển khác với Tự điển. Tự điển mỗi điều chỉ có một chữ, mà từ điển mỗi điều phải từ hai chữ sắp lên đến sáu bảy chữ. ấy là vì chữ ‘‘Từ” (辭) khác với chữ “Tự” (字). ‘‘Từ” nghĩa là lời, ‘‘Tự” nghĩa là chữ, hiệp nhiều chữ lại mới thành lời.

(Phan Khôi, Ngự sử văn đàn – Hoàng Yến Lưu)

 

Nguồn gốc tộc Việt (3)

Thuyết thứ hai

– Thuyết thứ hai dựa vào những xương sọ, tổng số xương sọ được dùng làm đối tượng nghiên cứu còn giữ lại được cho đến nay là 70 cái, chia làm hai bảng:

Bảng thứ nhất gồm 38 sọ được coi là thuộc thời đại Đồ Đá Mới, do các học giả người Pháp tìm ra (29/38) và cho rằng họ thuộc các chủng tộc Malanesian, Indonesian, Australoid hay Nam Á.

Bảng thứ hai gồm 32 sọ, phần lớn, ngược lại, do các học giả Việt Nam tìm thấy (22/27) trong những năm gần đây sau khi họ cho lập Viện Khảo Cổ (từ 1960). Những sọ này được coi là thuộc thời đại Đồng-Sắt nghĩa là vào khoảng 1000 năm trước Công Nguyên đến vài ba trăm năm sau Công Nguyên, đa số thuộc chủng tộc Mongoloid.

Hai bảng xương sọ này đã là nguyên nhân sinh ra những giả thuyết về nguồn gốc người Việt khác với những giả thuyết dựa vào văn bản kể trên. Tuy nhiên kết luận của các tác giả này cũng có những khác biệt đáng kể: có người cho nguồn gốc người Việt như vậy là quá trình Mongoloid hóa các sắc dân Hắc chủng (Trần Quốc Vượng & Hà Văn Tấn – Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam – Hà Nội 1963). Có người cho đành là đã có sự Mongoloid hóa hình thành nguồn gốc người Việt nhưng sự da vàng hóa này không nhất thiết được hiểu là Hán hóa mà là Mường hóa, Tày Thái hóa (Phạm Huy Thông, KCH 1&2 – 1983). Có người đi xa hơn cho nguồn gốc dân tộc Việt Nam là sự hòa đồng của các dân có nguồn gốc bản địa (Nguyễn Đình Khoa – Các dân tộc ở miền Bắc Việt Nam – Hà Nội 1976). Riêng Nguyễn Khắc Ngữ, tuy không khác các tác giả trên bao nhiêu, nhưng ông hiểu Mongoloid là giống Mông Cổ (Mongol) ở phía Bắc nước Trung Hoa, nên kết luận của ông đương nhiên phải cho nguồn gốc người Việt trước hết là các giống Malanesian, Indonesian, Australoid từ các hải đảo Thái Bình Dương vào. Dần dần những sắc dân này bị Mongoloid hóa mà ông khẳng định là Hán hóa từ phương Bắc xuống, hình thành nên tổ tiên người Việt (trang 88, sđd).

(Nguồn: Cung Đình Thanh)

 

Nói lái trong câu đố

Cũng như ca dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố cũng là một hình thái của Văn học dân gian. Những câu đố nói lái thường hay bị tròng tréo chữ nghiã mà đôi khi không đáp được, thí dụ:

Khoan mũi, khoan lái, khoan lai
Bò la, bò liệt đố ai biết gì? (củ khoai lang)

Hít vào, hít ra, hít một là gì ? (hột mít)

Cái gì ở cạnh bờ sông,
Cái mui thì nát cái cong thì còn ? (con còng)

(Nguyễn Văn Hiếu – Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam)

 

Ai là ai?

Ai ơi! Còn nhớ ai không?
Trời mưa, một mảnh áo bông che đầu.
Vì ai, ai có biết đâu!
Áo bông ai ướt? Khăn đầu ai khô?
Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ,
Kẻ về khóc trúc Thương Ngô một mình.
Non non nước nước tình tình,
Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ

 Ai đây là một tiểu thư đất Nam Định, tục danh Cõn, con gái út của tiến sĩ Vũ Công Độ (1). Nhóm thực hiện sách Tú Xương – tác phẩm, giai thoại bao gồm Nguyễn Văn Huyền (chủ biên), Đỗ Huy Vinh, Mai Anh Tuấn căn cứ vào lời thuật của một số bô lão ở Vị Xuyên mà ghi chép: “Khi còn trẻ, hai người đã yêu thương nhau, nhưng gia đình ông Nghè không thuận. Cô Cõn phải lấy chồng ở xã Mai Xá (nay thuộc ngoại thành Nam Định), tên là Hai Đích. Năm 23 tuổi, chồng chết, cô trở về Nam Định, ở vậy, nuôi con.

Ông Tú cũng đã lấy vợ, trái tim vẫn lưu luyến mối tình xưa, nhưng không vượt quá khuôn khổ. Bài thơ này làm nhằm một đêm nhà thơ si tình, lượn qua nhà người tình cũ, gặp mưa, phải lấy vạt áo bông che đầu, càng thổn thức khôn nguôi”.

Xin nêu thêm một số chi tiết thú vị. Mặc dù goá bụa lúc còn quá trẻ, lại xinh xắn khéo giỏi, nàng Cõn được nhiều người ve vãn, song quả phụ cương quyết giữ lòng trung trinh thờ chồng và nuôi con, bởi thế khi nàng 50 tuổi đã được vua Khải Định ban tặng 4 chữ Tiết hạnh khả phong. Quả phụ Hai Đích, tức nàng Cõn, chỉ có một mụn con gái mang họ tên Hoàng Thị Sính. Sính lớn lên, kết hôn với quan huyện Vũ Thiện Thuật, sinh hạ nhà thơ Vũ Hoàng Chương (1916 – 1976).

(1) Vũ Công Độ (1805 – ?): Người làng Vị Hoàng, tổng Đông Mặc, huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định; nay là phường Vị Hoàng, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định. Vốn là giám sinh trường Quốc Tử Giám. 28 tuổi, đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Minh Mạng XIII, tức năm 1832. Bia đá còn lưu danh tại di tích Văn Thánh / Văn Miếu ở Huế. Làm quan đến chức Thái bộc tự khanh quyền Bố chánh Thái Nguyên.

(Phanxipăng – Giải ảo tình khúc áo bông)

 

Sá: tính đến, quản đến

(sá gì chuyện ấy)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Gia thoại làng văn xóm chữ
Thần Siêu Thánh Quát

Thời bấy giờ có ông Nguyễn Văn Siêu nổi tiếng là hay chữ. Được biết ông Siêu dạy học ở Hà Nội, ông Cao Bá Quát từ Bắc Ninh sang Hà Nội đến trường của ông Siêu dạy để nghe giảng bài.

Ông Quát tới nơi, đứng cửa sổ dòm vào, thấy một ông đồ khoảng 25, 26 tuổi, ngồi trên một cái chõng cũ siêu vẹo, học trò thì ngồi lê la dưới đất, chứng tỏ là một lớp học nghèo. Thầy đồ Siêu nhìn thấy một anh chàng trẻ tuổi chừng mười lăm, mười sáu, thơ thẩn đứng ngoài cửa sổ nhìn vào, thầy đồ hỏi:
– Anh đi đâu mà đứng ở đây?
Ông Quát trả lời:
– Tôi là học trò đi qua trường thấy thầy giảng văn muốn xin thầy cho vào nhập học.

Ông Siêu muốn thử tài học nên ra câu đối:
– Tiên sinh tọa tịch thượng, cót chi két, két chi cót, cót cót két két.
(ông thầy ngồi trên chõng, (kêu) cót két, két cót, cót cót két két).
Ông Quát đối lại ngay:
– Tiểu tử nhập đình trung, thẩn chi thơ, thơ chi thẩn, thẩn thẩn thơ thơ (trò vào sân trường, (đi) thẩn thơ, thơ thẩn, thẩn thẩn thơ thơ.
Nguyễn văn Siêu nghe vế đối tài tình rất phục, mời vào trong ngồi, hỏi tên tuổi và lai lịch mới biết là Cao Bá Quát ở Bắc Ninh, là người mà ông đã nghe tiếng đồn là thần đồng. Về sau hai người đi lại thăm nhau luôn và trở thành đôi bạn thân thiết mặc dầu tuổi tác chênh lệch, rồi hai ông nổi tiếng khắp nơi, được người đời khen tặng là “thần Siêu thánh Quát”.

 

Đền thánh Mẫu

Lại trong “Thượng kinh ký sự” của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, có kể chuyện trên đường từ Thanh Hóa đến Thăng Long vào năm 1781:

“Buổi chiều đến nghỉ ở trạm xá Kim Khê (gọi là quán Me). Quan Văn thư làm lễ, vào yết kiến trong miếu của xã ấy, bày ra một tiệc hát và mời tôi cùng dự.  Bấy giờ thánh Mẫu đang nhập vào Cô Đồng. Cô ta đang ngồi lắc lư và đang nói. Có người bảo tôi:

– Thánh Mẫu linh thiêng lắm, báo ứng không sai điều nào. Cụ lần này lên kinh có muốn cầu gì thì lại mà cầu.

Tôi nói:

– Có mong được gì thì mới cầu chứ! Lòng tôi đã không mong được gì, vậy cầu để làm gì?

Cô Đồng nghe nói mỉm cười. Quan Văn Thư nhìn tôi cười khanh khách. Nửa đêm tiệc tan mọi người về trạm nghỉ.

(Rút trong Thượng Kinh Ký Sự – Phan Võ dịch, Văn Hóa xuất bản)

 

Ông Maurice Durand còn trích dẫn một đoạn văn của Travernier đăng trong Tạp chí Đông Dương 1909, trang 50 (Revue Indochinoise) nói về Bà Cốt ở thời nhà Lê như sau:

“Bà phù thủy mà người Bắc Việt đến hỏi han gọi là Bà cốt…”.

Tục lên đồng có thể có từ thời nhà Trần vì giai thoại Bà chúa Liễu Hạnh có từ thời này.

(Tục lên đồng với triết lý lên đồng – Nguyễn Đăng Thục)

 

Bia ngoại truyện (5)

Hai thiên niên kỷ sau đó, Babylon sống trong cùng một khu vực đã hoàn thiện ít nhất 20 loại bia cất khác nhau. Pha nấu bia được coi là một nghề cao cấp được trọng vọng trong xã hội và hầu như là độc quyền của phụ nữ, vì nữ giới cũng chuyên môn trong việc xay ngũ cốc và làm bánh mì. Các sử gia tin rằng bia phổ biến rất rộng rãi trong mọi tầng lớp dân chúng trong tất cả các nền văn minh ban sơ của nhân loại vì ngũ cốc đã có sẵn và quá trình lên men tương đối khá dễ dàng. Nó cũng được xem như là một nguồn dinh dưỡng quan trọng và thường dùng thay cho phát lương. Thí dụ như những người nô lệ xây dựng các Đại Kim Tự Tháp ở Ai Cập được trả một phần lương bằng bia.

Người cổ Ai Cập đã nhận ra giá trị của bia rượu từ lâu. Các hũ đựng bia được chôn theo các Pharaoh đi về thế giới bên kia, cùng với các thực phẩm khác, vàng bạc và các đồ dâng cúng vô giá được đặt trong ngôi mộ của họ.

(Nhậu – Phan Hạnh)

 

Giai thoại làng văn (5)

Có thể thấy điều này qua một ví dụ khá tiêu biểu: Bài thơ “Cho một nhà văn nằm xuống” viết nhân cái chết của nhà văn Nguyên Hồng của Trần Mạnh Hảo (1982) bị phê phán kịch liệt. Võ Văn Kiệt, lúc ấy là Bí thư thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh, cho gọi Trần Mạnh Hảo đến gặp. Trần Mạnh Hảo rất sợ. Thế nhưng cảm giác sợ hãi ấy tiêu tan ngay khi ông nghe câu nói đầu tiên của Võ Văn Kiệt: “Hảo à! Đù má… Mày làm cái gì mà dữ vậy?”. Trần Mạnh Hảo giải thích: “Anh phải hiểu rằng tính cách người Nam Bộ là thế. Sống với nhau trong cơ quan hay lúc sinh hoạt thường hay dùng câu ĐM kèm theo. Thân tình mới có câu ĐM. Còn đã gọi nhau bằng đồng chí là ‘có chuyện’. Nghe được lời mắng của anh Sáu (Võ Văn Kiệt) lại có kèm ĐM, tôi biết ngay là ‘thoát’.

” Chuyện này được thuật lại trong bài “Much Ado About Nothing” của Phạm Xuân Nguyên trên Talawas.

(Nguyễn Hưng Quốc – Hiện tượng phản-ngôn ngữ ở Việt Nam)

 

Hát đồng dao (1)

 Đồng dao là thơ ca dân gian truyền miệng của trẻ em. Đồng dao bao gồm nhiều loại: các bài hát, lời hát trong các trò chơi dân gian, Thí dụ như:

Kéo cưa lừa xẻ
Ông thợ nào khỏe
Thì ăn cơm vua
Ông thợ nào thua
Về bú tí mẹ.

Hoặc giả như:

Xúc xắc xúc xẻ
Nhà nào còn đèn còn lửa
Mở cửa cho anh em chúng tôi vào?
Bước lên giường cao
Thấy đôi rồng thấp
Bước xuống giường thấp
Thấy đôi rồng chầu…

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search