T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: Hồng Nhan

Hồng Nhan – Tranh: Diễm Hạ

Tôi gặp lại Nhã Hương trong bữa tiệc đính hôn của con trai chị  Thương, bạn  đồng nghiệp lâu năm của tôi.

Ngày đó, tôi và Nhã  Hương cùng học Anh văn ở Hội Việt Mỹ. Tôi là “dân Trưng Vương” còn  Nhã Hương là  “dân Gia Long”.  Ngay buổi học đầu tiên tôi đã bị cuốn hút bởi nét đẹp thanh khiết của Nhã Hương, nhất là đôi mắt. Ðôi mắt đen láy, thoang thoáng nét u buồn, khiến người đối diện càng nhìn, càng mê mẩn. Vì thế, tôi và đám bạn cùng lớp không chút ngạc nhiên khi thấy có hằng hà cây si trồng dài dài trên lối đi của Nhã Hương. Có những chiếc máy ảnh đã len lén đưa lên, bấm vội hình ảnh  cô nữ  sinh xinh đẹp trong tà áo trắng e ấp, với dáng dấp  mảnh khảnh, dịu dàng  và mái tóc dài nửa lưng, bồng bềnh như mây trời.

Cây si bền bĩ nhất là Phong. Thỉnh thoảng, anh chàng mới xuất hiện, nhưng lúc nào cũng với chiếc mũ nâu, và bộ quân phục hoa rừng. Nếu Nhã Hương là một hình ảnh một dáng kiều thướt tha, quyến rũ, để bọn con trai si mê theo đuổi, thì với chúng tôi, Phong cũng là mẫu người hùng, đáng được đưa lên ngôi thần tượng. Hai mươi sáu tuổi, Phong đã là thiếu tá của binh chủng Biệt động quân hào hùng. Dáng dấp cao lớn, oai dũng, cùng khuôn mặt tuấn tú với nước da nâu dòn phong trần của Phong, đã làm xao xuyến biết bao thiếu nữ đang bước vào ngưỡng cửa tình yêu.

Tình yêu chân thành của Phong dành cho Nhã Hương, tất cả bạn bè đều nhìn thấy -thấy để mơ ước- nhưng  Nhã  Hương vẫn chưa thật sự quan tâm,  vì cô nàng đang ôm ấp hoài bão hoàn tất chương trình đại học. Khoảng thời gian ấy, tình hình chiến sự chưa sôi động lắm, nhưng là một quân nhân tác chiến, muốn về thành phố không phải là chuyện dễ dàng. Vừa liều lĩnh, vì những chuyến đi phép  “bất hợp pháp”, vừa nguy hiểm, vì con đường từ tỉnh lẻ dẫn về thành phố thường bị gài mìn. Nhưng tất cả những khó khăn đó không cản ngăn được tình yêu nồng nàng mà Phong đã dành cho Nhã Hương.

Khổ nhục kế đó thật sự đã làm rung động trái tim cô nữ sinh Gia Long xinh xắn, mỹ miều. Vừa xong năm thứ nhất đại học Văn Khoa, Nhã Hương bước chân lên xe hoa về nhà chồng, bỏ lại sau lưng mơ ước tốt nghiệp đại học sư phạm, để trở thành giáo sư môn Sử Ðịa là môn mà Nhã Hương yêu thích nhất.

 

***

Nhã Hương vừa vui mừng, vừa ngạc nhiên khi nghe tôi  gọi tên.

-Nhã Hương. Phải  “Nhã Hương Gia Long” không?

Sự ngỡ ngàng hiện trên đôi mắt đẹp đang chớp nhẹ. Tôi đứng yên,  mỉm cười. Ở lứa tuổi năm mươi, Nhã Hương vẫn nổi bật giữa đám đông phụ nữ, dù trong đó có nhiều cô gái trẻ đẹp. Phải vài phút sau Hương mới che miệng, bật lên tiếng kêu:

-Ngọc. “Bội Ngọc Trưng Vương” ?

Chúng tôi chạy đến, ôm chầm lấy nhau thật chặt. Lúc buông nhau ra, mắt đứa nào cũng nhòa lệ. Rồi… trong lúc mọi người xúm xít lấy thức ăn, tôi và Nhã Hương kéo nhau ra góc vườn, ngồi bên chiếc bàn con, kể lể bao chuyện  thăng trầm trong suốt ba mươi năm dâu bể. Tôi kéo tay Nhã Hương, xăm soi hai bàn tay với những ngón thon dài như búp măng.

-Hương vẫn như ngày xưa. Lúc nào cũng đẹp và quyến rũ.

-Ðừng xạo quá nhỏ “bội thực” ơi! (biệt danh của tôi thời đi học).  Hơn ba mươi năm rồi làm sao như xưa được?

-Dĩ nhiên là không còn trẻ, nhưng vẫn là Nhã Hương “quyến rũ trên từng sợi tóc” như thuở nào. Ông Phong dạo này ra sao? Có còn hào hùng và đẹp trai như xưa không?

Ánh mắt reo vui của Nhã Hương chợt chìm xuống. Im lặng một lúc lâu, Hương nói trong tiếng thở dài -dù rất nhẹ, nhưng giấu được nỗi buồn vấn vương trong đó.

-Phong đã qua đời cách đây năm năm rồi!.

Tôi bối rối:

-Ồ!…  tội nghiệp mấy ông “lính ngụy” của mình quá. Bao nhiêu năm bị hành hạ trong trại tù… làm sao chịu nổi. Nhã Hương qua đây bao lâu rồi?

-Mình đi từ 1976.

-Vượt biên hả? Hương đi một mình hay cả hai vợ chồng?

Hương thả ánh mắt chạy dài theo những giọt nắng chiều sắp tắt trên những phiến lá lung linh.

-Không…  mình và Phong chia tay nhau từ cuối năm 1974.

Tôi thảng thốt kêu lên:

-Thật hả? sao vậy Hương?

Giọng Hương trầm xuống, như đang trôi về vùng quá khứ xa xôi.

-Nhớ lại hồi xưa, mấy đứa mình còn cắp sách đến trường thật vô tư và hồn nhiên phải không Ngọc? Ðâu ai biết được tương lai của mình ngày sau sẽ ra sao. Nhã Hương là đứa lập gia đình sớm nhất, nhưng cũng tan vỡ sớm nhất. Mình đã có những ngày tháng thật buồn khổ. Có lúc, chỉ ao ước ngủ một giấc thật dài để lãng quên đời. Ngọc thì sao? còn Bảo Tâm và Linh Lan nữa.

-Ba đứa tụi này đều có gia đình sau  Hương khoảng năm sáu năm. Tâm hiện đang ở Úc, còn Linh Lan thì ở Hoà Lan. Ðứa nào con cái cũng lớn và đang học đại học. Nhã Hương…  mình thật bất ngờ khi nghe chuyện gia đình của Hương. Ngày xưa anh Phong yêu Hương biết bao nhiêu, sao hạnh phúc lại ngắn ngủi vậy. Có thể kể cho mình nghe không?

 

***

Sau những ngày phép ngắn ngủi ở thành phố để tổ chức lễ cưới, Phong trở về đơn vị, còn Nhã Hương ở lại Saigon với gia đình chồng. Vừa buồn vì xa chồng, vừa sợ sệt vì về làm dâu trong một gia đình xa lạ, Nhã Hương nhớ bạn bè cũ kinh khủng, nhưng không dám đến gặp thường xuyên, vì được mẹ dặn dò phải cố gắng chu toàn bổn phận dâu con. Nhiều lúc quá nhớ thương chồng, Nhã Hương ngỏ ý được theo Phong đến nơi anh đóng quân, nhưng lần nào Phong cũng  từ chối  bằng câu nói quen thuộc:

-Bây giờ, anh đang ở đơn vị tác chiến, nên không có chỗ ở nhất định, làm sao em theo anh được. Ráng chờ thêm một năm nữa. Một ông khóa đàn anh của anh có hứa, sẽ tìm chỗ cho anh về tiểu khu. Lúc đó, dù em không chịu, anh cũng bắt cóc em theo anh.

Con số một năm đã nhân lên đến ba lần mà Phong vẫn biền biệt. Cứ xong một chuyến hành quân, Phong lại bay về với Nhã Hương. Tình yêu trong xa cách là tình yêu nồng nàn vô kể. Niềm hạnh phúc tuyệt vời của những ngày tay trong tay, mắt trong mắt, cũng tạm bù đắp cho sự cô đơn của Nhã Hương trong những ngày tháng đợi chờ sự ổn định của Phong. Những ngày Phong trở về, Nhã Hương chẳng khác  nào bà hoàng hậu không ngai. Phong nuông chìu, trân quý Nhã Hương như chưa từng có người vợ nào được trân quý như thế. Nhất là khi Nhã Hương sinh bé Phi Phi. Phong về ở hẳn với Hương nửa tháng, chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ, nấu từng nồi thuốc xông, giã từng chén nghệ, giặt từng cái áo, cái quần, bất kể sự ngăn cản của Nhã Hương.  Hương no nê trong niềm hạnh phúc ngập tràn để tin rằng mình là “một viên ngọc quý giá nhất trên cõi đời này mà anh phải luôn nâng niu, gìn giữ” như những lời tình lãng mạn của Phong trong những cánh thư gửi về từ đơn vị xa xôi.

Thêm một điều may mắn  nữa là Nhã  Hương có được bà má chồng rất hiểu biết và thông cảm. Bà thương yêu con dâu như con gái ruột, không chút ganh tỵ, nề hà khi thấy con trai mình cưng vợ như trứng mỏng. Chính vì thế mà Nhã Hương sống rất thoải mái từ vật chất đến tinh thần.

Khi bé Phi Phi được hai tuổi, một buổi tối, má chồng nói với Nhã Hương:

-Ngày mai, con mang bé Phi Phi sang bà ngoại. Hai má con mình đi thăm Phong một chuyến.

Nhã Hương hơi bất ngờ, dù rằng đó là điều Hương rất mong muốn. Từ ngày Phong chuyển về đơn vị mới đến giờ cũng gần cả năm, nhưng mỗi lần Nhã Hương ngỏ ý đến thăm, Phong đều thoái thác. Anh nói rằng đường xá xa xôi, con còn nhỏ dại và tình hình an ninh không được tốt đẹp.

-Thật hả má? mà có chuyện gì không?

Má chồng bóp nhẹ bờ vai của Nhã Hương:

-Thì lâu lâu má muốn dành cho vợ chồng con một sự ngạc nhiên vậy mà. Sáng mai mình đi sớm, nên chiều nay con đem bé Phi Phi qua bên bà ngoại rồi ngủ bên đó. Khoảng bốn giờ sáng, chú Năm tài xế  sẽ đưa má qua đón con. Hai má con mình đi sớm cho rộng thì giờ.

Ngày hôm sau, khoảng mười một giờ trưa, Nhã Hương và má chồng đã có mặt tại Bộ Chỉ Huy tiểu khu B.X  -là đơn vị sau cùng mà Phong được chuyển về sau khi bị thương trên chiến trường Hạ Lào-  Sau khi tự giới thiệu, má chồng xin được gặp Phong, nhưng người lính  trực cổng cho biết Phong không có mặt nơi đó và gọi điện thoại vào văn phòng. Vài phút sau, một anh Trung sĩ trẻ tuổi bước ra trịnh trọng thưa:

-Thưa bác, Thiếu tá không có ở đây.

-Cậu có biết Phong đi đâu không và làm sao để gặp?

-Dạ, Thiếu Tá đã về nhà “bà”!

Câu trả lời của người Trung sĩ, khiến Nhã Hương thoáng chút thắc mắc, nhưng chưa kịp hỏi thêm thì má chồng đã vội vàng xin địa chỉ của Phong rồi kéo Nhã Hương ra ngoài.

Bước chầm chầm ra xe, má chồng ngập ngừng hỏi:

-Con có biết vì sao hôm nay má đưa con xuống đây không?

Nhã Hương lắc đầu ngơ ngác:

-Ðáng lẽ, má nói cho con nghe chuyện này từ  tối hôm qua hoặc là sáng sớm này, nhưng cứ ngần ngại mãi… vì sợ con buồn…

Rất nhanh, Nhã Hương bỗng nhớ lại câu trả lời của người Trung sĩ  -Thiếu Tá đã về nhà “bà”-  nên run giọng hỏi:

-Má … có phải anh Phong…?

Nhìn ánh mắt hoang mang  của cô con dâu, má chồng ôn tồn  nói:

-Má nghe chuyện lăng nhăng của thằng Phong, nên đưa con xuống đây. Con hãy bình tĩnh và nhớ một điều, cho dù thế nào, má cũng ở bên cạnh con và chỉ có con là con dâu của má.

Nắm bàn tay lạnh ngắt của Nhã Hương, má chồng dặn dò:

-Tới nhà thằng Phong, con đừng nói gì hết, mọi chuyện để má lo. Cố gắng… càng giữ bình tĩnh, càng tốt.

Nhã Hương vừa bước lên xe, vừa đưa tay lau nước mắt. Má chồng kéo nhẹ đầu Nhã Hương tựa vào vai mình, ngọt ngào nói:

-Lau nước mắt đi con. Phải bình tĩnh mới được, đừng để người khác thấy yếu điểm của mình.

Khi chiếc xe dừng trước căn nhà xinh xắn nơi góc phố, Má chồng dặn chú tài xế chờ, rồi cùng Nhã Hương đến gõ cửa.

Người phụ nữ hiện ra sau cánh cửa sấp sỉ tuổi Nhã Hương, nhan sắc trung bình, nhưng thân hình thật gợi cảm với làn da nâu khỏe mạnh. Má chồng đảo nhanh cặp mắt dò xét, khiến người đàn bà hơi khó chịu khi lặp lại câu hỏi lần thứ hai:

-Xin lỗi Bác tìm ai?

-Có thằng Phong ở đây không?

Cô gái lùi lại phía sau, giọng lúng túng:

-Dạ không!! xin lỗi bác là…

-Tôi là má thằng Phong!

Quay sang Nhã Hương, má chồng tiếp lời:

-Ðây là em gái thằng Phong.

-Dạ con … mời má vào nhà. Mời em…

Má chồng nghiêm mặt, nói bằng giọng lạnh nhạt:

-Cô cứ gọi tôi là Bác được rồi. Thằng Phong đâu?

-Dạ, ảnh đi công chuyện với người bạn, chắc phải chiều mới về….

Nhã Hương ngồi đó, mắt mở to, nhìn trừng trừng vào người đàn bà đang ngọt ngào săn đón má chồng mà lòng đau nhói. Cô ta không có vẻ gì là rụt rè, sợ sệt, trái lại rất hoạt bát, tự tin. Không biết cái tổ ấm xinh xắn này đã dựng lên bao lâu, mà hình ảnh tình tứ của hai người được treo khắp phòng khách. Tấm ảnh nào cũng đều có nụ cười hạnh phúc và vòng tay âu yếm. Trái tim Nhã Hương như vỡ tan. Phong ơi! bao lời yêu thương trong những cánh thư nhung nhớ anh thường xuyên gửi về cho em là giả hay thật? Tình yêu nào anh dành cho em, tình yêu nào anh dành cho người đàn bà được những người thuộc hạ của anh trịnh trọng gọi bằng “bà”?  Nỗi đau tràn đến làm cho Nhã Hương như muốn ngất đi, khiến Hương phải đưa tay bấu chặt thành ghế. Sợ con dâu không đủ bản lãnh để đối diện với hoàn cảnh trớ trêu này, nên má chồng Hương đứng dậy -sau khi đã dò biết được một số điều bà muốn biết về mối liên hệ giữa Phong và người đàn bà này.

-Chắc tôi không chờ được. Thằng Phong có về nhờ cô nói lại, có má và em gái nó xuống thăm.

Nhã Hương gần như bất động trên suốt khoảng đường trở về Saigon. Má chồng hết vuốt tóc, lại lau mặt cho Nhã Hương.

-Má bảo đảm với con, ngày mai thằng Phong sẽ bay về Saigon và chắc chắn nó sẽ bỏ con nhỏ này… Con cũng đừng buồn, thời buổi này, đàn bà con gái táo tợn lắm, biết người ta có vợ cũng quyết nhào vô bắt xác. Là vợ, mình cũng nên thông cảm, đừng quá chấp nhất chuyện qua đường của chồng. Vợ cái, con cột, nó sẽ không bao giờ bỏ bê con. Như má hồi xưa vậy, ba thằng Phong bồ bịch hết cô này, tới cô kia, má bắt ghen riết rồi cũng chán, nên thả lỏng luôn. Vậy mà…  như con thấy đó, ổng đi chơi đã rồi cũng quay về với vợ, với con.

Nhã Hương nhắm nghiền đôi mắt, lòng tự hỏi lòng, mình có đủ kiên nhẫn để cam chịu cảnh bất công này không? Mình có đủ bao dung và quảng đại để ngồi yên một nơi nào đó, vò võ ôm con, chờ chồng quay trở lại sau khi đã chán chê cái trò ong bướm không? Không! chắc chắn là không. Muôn ngàn lần không!!!

 

***

Ðúng như lời quả quyết của má chồng, Phong  đã trở về  nhà vào lúc nửa khuya, bất chấp bao hiểm nguy rình rập trên quãng đường tối đen, dài thăm thẳm. Hơn ai hết, Phong đoán được hậu quả khốc liệt của một bí mật vừa bị vén màn. Nhã Hương rất hiền lành, nhưng cũng rất kiên quyết. Ngày xưa, khi yêu nhau, Nhã Hương đã từng nói  “Em yêu  anh  bằng cả trái tim và  cả cuộc đời mình. Em có thể vì  anh mà hy sinh tất cả, nhưng  ngược lại em  sẽ không bao giờ tha thứ cho sự phản bội”.

Phong bước vào phòng lúc Nhã Hương đang ngồi bất động bên bàn viết, dưới ánh đèn vàng vọt hắt ra từ chiếc  đèn ngủ, với đôi mắt sưng húp và chiếc mũi đỏ ửng. Phong khép nhẹ cánh cửa phòng ngủ rồi đứng yên nơi đó. Cả một khoảng lặng  -tê tái  cho Hương và nặng nề cho Phong- bao trùm khắp căn phòng.  Anh rón rén từng bước nhẹ, rồi quỳ xuống trước mắt Nhã Hương. Bàn tay đưa lên mấy lượt, nhưng không dám nắm lấy bàn tay thon nhỏ đang run rẩy, lạnh buốt. Cuối cùng, chỉ có một câu nói ngắn ngủi vang lên khẽ khàng:

-Anh xin lỗi.

-!!!

-Anh muôn ngàn lần xin lỗi em.

-!!!

-Anh biết anh đã làm chuyện có lỗi đối với em. Anh đã sai. Em muốn anh làm gì, anh cũng sẽ làm tất cả để đền bù lại lỗi lầm của anh…

-!!!

-Nhã Hương, em nói đi, một câu gì cũng được. Chửi mắng anh, sĩ vả anh  cũng được, nhưng đừng im lặng như thế.

Nhã Hương nhìn Phong. Nhìn thật lâu vào khuôn mặt của người đàn ông mà Nhã Hương đã từng gọi là chồng. Nhưng sao giờ đây trong lòng Hương chỉ là cái cảm giác trống hoắc, nếu không muốn nói là vô cảm. Người đàn ông của mình đây sao?  Người đàn ông đã từng ôm ấp và yêu thương mình với lời thì thầm ngọt ngào “suốt đời này anh chỉ yêu một mình em thôi”. Yêu em? vậy còn người đàn bà đó thì sao hở Phong? Vòng tay nào anh dành cho em. Vòng tay nào anh dành cho người ta?  Rồi những quấn quít, những mê đắm nhiệt cuồng. Có cái nào là của riêng em không? hay anh đã san sẻ đồng đều cho cả hai, như  san  sẻ  ly bia, cái bánh để em  nghe lòng mình dấy lên cái  cảm giác  vừa đớn đau, vừa gớm ghiếc.

Nhã Hương bước vào phòng tắm, khóa trái cửa lại. Mặc cho tiếng Phong đang réo gọi hối hả, Nhã Hương gục mặt vào cánh tay khóc nấc lên.

 

***

Phong phải trở về đơn vị ngay ngày hôm sau. Nét đau khổ trên khuôn mặt bơ phờ  của Phong đã làm Nhã Hương xốn xang không ít, nhưng những tấm ảnh tình tứ nơi căn nhà bé nhỏ đó như những mũi dao nhọn xoáy vào trái tim Nhã Hương. Biết bao đêm, nơi căn phòng quạnh quẽ, trống vắng này, có người vợ trẻ mang tên Nhã Hương, ôm gối  thao thức nhớ thương  chồng, thì cũng vào giờ đó, có người đàn bà khác đang ngất ngây hạnh phúc bên cạnh chồng mình. Chỉ chừng đó suy nghĩ,  chỉ chừng đó hình dung cũng đủ làm nát lòng Nhã Hương và cũng đủ để  Hương nghĩ đến hai chữ  “ly dị”.  Bởi vì, còn nỗi đau nào cho người vợ hơn nỗi đau bị chồng phản bội, nhất là trong lúc mình đặt tất cả lòng tin vào  người chồng  mình hết dạ yêu thương. Ðối với Nhã Hương, trong tình yêu không có sự chia sẻ. Một là có nó với sự thủy chung như nhất. Hai là mất nó vĩnh viễn, để trái tim đau chỉ một lần sước máu.

Những ngày sau đó Nhã Hương ngã bệnh, vì không vượt qua được cơn sốc quá lớn. Hương bỏ ăn, bỏ ngủ. Chỉ trong một tuần lễ, cả người Hương gầy rộc, hốc hác. Ðôi mắt đẹp lại càng  thêm u uẩn, vì những giọt lệ lúc nào cũng chực chờ trên mi.

Má chồng ân hận. Bà không ngờ Nhã Hương quá yếu đuối, không thể vượt qua  được những chông gai mà bà đã từng vượt qua.  Và bà cũng không ngờ, đứa con dâu hiền lành này lòng lại cứng như đá, nhất quyết không đọc những lá thư Phong tới tấp  gửi về, dù bà đã nhiều lần thuyết phục và nài nỉ.

Phong một lần nữa phải hối hả trở về nhà, dù tình hình chiến sự ngày càng sôi động. Nhã Hương rất muốn quên đi lỗi lầm của Phong, nhưng thật sự không dễ dàng như mong muốn. Cứ nhìn mặt Phong thì nỗi đau mà Nhã Hương cố kềm chế lại bật lên từng vết cứa, nên làm sao có thể tha thứ được. Không tha thứ được nên lòng Nhã Hương đầy ứ  những oán ghét, giận hờn. Vì  thế, Nhã Hương  đã thách thức  đặt điều kiện với Phong -dù đó không phải là điều Nhã Hương thật sự muốn- khi anh van xin Hương hãy bỏ qua chuyện cũ, để anh có dịp sửa chữa lỗi lầm.

-Ðược rồi, em sẽ xem như không hề có chuyện gì xảy ra. Nhưng từ bây giờ, để công bằng cho em… ngoài anh ra, em cũng có quyền tiếp nhận tình cảm của một người đàn ông khác, khi em cảm thấy buồn và cô đơn phải không?

Phong không thể trả lời được câu hỏi quá đắng cay và gai góc của người vợ xưa nay vốn rất hiền lành và đoan chính. Phong biết, lần này chính anh đã đào mồ để chôn mái ấm gia đình mà anh thật lòng trân quý.

 

***

Tôi nghiêng đầu ngắm thật kỹ cô bạn đã một thời rất thân thiết:

-Vậy mà ngày xưa mình cứ ngỡ Nhã Hương hiền lắm.

Nhã Hương đưa tay vén những sợi tóc hãy còn đen tuyền bay lòa xòa trên má.

-Mình có dữ với ai bao giờ đâu… nhưng có thể vì tình yêu mình dành cho Phong quá lớn. Người ta vẫn nói, yêu càng đậm thì hận càng sâu mà.

-Và cuối cùng Phong phải chấp nhận ly dị?

-Không! chuyện cứ nhùng nhằng mãi, vì mình còn thương kính và nể nang má chồng, nên không dám có thái độ quyết liệt. Nhưng riêng với Phong thì mình rất cứng rắn. Sau ngày đó, mình không cho phép Phong đụng đến mình. Mình biết điều đó làm anh đau khổ, nhưng mình cũng khổ đau không kém. Như đã nói, trong tình yêu mình rất ích kỷ và không có được lòng khoan dung. Chính Phong đã biết điều đó nhưng anh đã lựa chọn thì phải chấp nhận hậu quả thôi.

Ðến biến cố 75 thì Phong vào trại cải tạo, mình mang con gái về bên mẹ, theo anh Cả đi vượt biên. Tuy đã quyết tâm dứt khoát với Phong, nhưng mình vẫn gửi tiền về đều đặn để má chồng thăm nuôi anh. Ðến lúc Phong được thả ra, mình bảo lãnh anh sang đây và khi cuộc sống Phong tạm thời ổn định mình đã tiến hành thủ tục ly dị. Ai cũng trách mình nhẫn tâm, nhưng có ai nhìn thấy hết chiều sâu của nỗi khổ đau mình phải gánh chịu. Có lẽ duyên phần của hai đứa trời đã định như thế. Nếu có gượng ép nối lại tình xưa, thì chỉ cũng để làm khổ nhau mà thôi.

-Rồi Hương và Phong, ai lập gia đình trước?

Hương lắc đầu cười nhẹ:

-Cả hai đều trở thành kẻ độc thân… buồn!!! nhưng rồi cũng sẽ xong một kiếp người….

Bữa tiệc tàn, chúng tôi chia tay nhau trong lưu luyến. Tôi ra về mang theo hình ảnh của Nhã Hương, người đàn bà xinh đẹp và đáng yêu đã không thoát khỏi hai chữ bạc phận của một kiếp hồng nhan như người vẫn thường chép miệng xót thương “hồng nhan bạc phận” []

 

Ngân Bình

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

 

Bài Mới Nhất
Search