T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 183)

 

clip_image002

Đế và vua

Xưa nay chúng ta vẫn thường gọi “hoàng đế” là “vua”, từ vua trong tiếng Việt vừa chỉ quốc vương, vừa chỉ hoàng đế.

Thực ra cách gọi này không chính xác vì hai từ này có thứ bậc khác nhau vì hoàng đế có quyền phong cho người khác làm quốc vương nhưng ngược lại, quốc vương thì không.

Người đầu tiên xưng đế đầu tiên ở nước ta là Lý Bí và người cuối cùng là Bảo Đại.

(Tiến tình văn hóa Việt Nam – Nguyễn Khắc Thuần)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ngọng thường xuất phát từ (địa) phương ngữ, thổ ngữ có nghĩa là chỉ chi phối, chỉ có ảnh hưởng giới hạn trong một miền, vùng, địa phương nào đó. Điểm đặc biệt đáng lưu ý là “phát âm khác biệt theo vùng” và “ngọng,” xét cho kỹ, là hai vấn đề khác nhau. Nói ngọng là đặc thù của địa phương, là chuyện bình thường. Không phải bất cứ ai sống trong một vùng có người nói ngọng thì họ cũng đương nhiên phải nói ngọng. Những ghi chép sau đây chỉ có tính cách tượng trưng điển hình, không phải là tuyệt đối.

Vùng Bình Định Qui Nhơn phát âm nguyên âm “a, ă, e, ê, iê:”
“Nem boa bửa không tém một bửa”
(đọc số phone là 537-0817)

(Văn hoá ngọng – Trần Văn Giang)

Chữ và nghĩa

Rất nhiều từ ngữ mà chúng ta cho là của người trong nước sau 75, thực ra là của Việt Nam trước đó. Vậy tiếng nào là tiếng của người Việt trước hay sau 75?

Cảnh báo – “cảnh báovà “báo động” được dùng ở cả hai miền. Thí dụ Miền Nam: Việt-Pháp Từ điển Ðào Ðăng Vỹ viết: “Cảnh báo” : signaler, avertir. Tân Ðại Tự điển Việt Anh Nguyễn Văn Tạo: “Cảnh báo: alarm.” Chính xác hơn, cảnh báo là báo trước nguy cơ có thể tới để đề phòng; báo động là báo khi nguy cơ bắt đầu xảy ra để tránh thoát,

(Tâm Thanh – Chiêu hồi ngôn ngữ)

Chữ nghiã lơ mơ lỗ mỗ

Có con gà trống hoa mơ
Nó đi đạp mái bạc phơ cả đầu
Bạc thì bạc có sao đâu
Nếu không đạp mái sống lâu làm gì?

Giai thoại làng văn xóm chữ

Thế Lữ tên thật là Nguyễn Đình Lễ, cũng là Nguyễn Thứ Lễ.

Thứ Lễ nói lái thành Thế Lữ: Người khách phiêu du trên trần thế.

Ông dùng bút hiệu Lê Ta, vì Lễ = Lê ngã, Ngã chữ nho là “ta”.

Đôi khi ông lấy tên Lê Tây để đùa.

Có một câu đối dùng bốn tên của ông, chưa ai đối được, đó là:

Thế Lữ mừng xuân hai thứ lễ
Một quả
lê tây, một quả lê ta.

Thế Lữ ở Thái Hà Ấp, Hà Nội. Lớn lên ở Lạng Sơn, là nơi rừng núi âm u, nhiều sắc dân miền núi, nhiều chuyện ma rùng rợn, người lớn. 1929 lên Hà Nội lần thứ nhất, vào học trường Mỹ Thuật, được một năm rồi bỏ, vì ý muốn viết văn. Thế Lữ viết Một cuộc báo thù ghê gớm, Tiếng hú hồn của mụ Ké, Tiếng nói thầm của người chết do những xúc động khi ở Lạng Sơn. Ra cuốn sách đầu tiên Một chuyện báo thù, ký tên Nguyễn Thế Lữ, rồi cuốn truyện ngắn thứ hai Tiếng Hú Hồn. Về Hải Phòng, nhớ lại chuyến đi thăm chùa Hang ở Đồ Sơn, viết Vàng và Máu.

clip_image004

Cũng năm đó, Phong Hoá của nhóm Nguyễn Tường Tam ra đời, Thế Lữ có cảm tình ngay với tờ báo có phương hướng rõ ràng này, muốn hợp tác.

(Phạm Thảo Nguyên – Bếp Núc của Tự Lực Văn Đoàn)

Tàu

Tàu: chuồng nuôi súc vật

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Họ các triều đại

Đa số người Viêt mang một họ trong số 16 dòng họ đã từng cai trị lẫy lừng trong lịch sử.Theo thứ tự niên đại, đó là những họ Thục, Trưng, Triệu, Mai, Khúc, Lý, Phùng, Kiều, Ngô, Đinh, Lê, Trần, Hồ, Mạc, Trịnh và Nguyễn.

Riêng họ Nguyễn, còn là họ triều đại quân chủ cuối cùng, có thêm một lý do khác khiến họ này trở nên thông dụng: Đời Trần Thái Tông (1232), sau khi đã đoạt ngôi nhà Lý, Trần Thủ Độ lấy lý do tổ nhà Trần tên Ly, đã bắt tất cả những người họ Lý là họ dòng vua vừa bị hoán vị, lẫn dân gian, phải đổi làm họ Nguyễn.

Con cháu nhà Mạc từ khi rút về Cao Bằng, đã đổi ra nhiều họ khác nhau, trong số có họ Nguyễn: Mạc Cảnh Vinh đổi thành Nguyễn Hữu Vinh.

(Tên họ người Việt – Nguyễn Vy Khanh)

Đếch

Từ điển Alexandre de Rhodes có hầu hết các từ chửi thề tục tĩu của ngày nay. Như:

Đếch: cơ quan sinh dục.

Vì vậy tạm cho là từ “đếch” là tiếng Việt cổ. Có thể khẳng định rằng trong cuộc sống hàng ngày, các cụ ngày xưa có chửi thề. Tuy nhiên, thơ nôm của Nguyễn Trãi (1380-1442) và Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) không có chửi thề. Vào khoảng cuối thời vua Lê chúa Trịnh (cuối thế kỉ 18) chửi thề mới bắt đầu xuất hiện trong thơ văn nôm.

Nguyễn Công Trứ buông lời Đùa sư, chửi rủa Thế tình bạc bẽo:

– Thuộc ba mươi sáu đường kinh, chẳng thần thánh phật tiên song khác tục
Hay tám vạn tư mặc kệ, không quân thần phụ tử, đếch ra người.

(Chửi thề, văng tục ! – Nguyễn Dư)

Trường sở

Trong thời kỳ phôi thai, Pháp thiết lập vài trường nòng cốt cho hệ thống giáo dục phổ thông là các trường trung học Le Myre de Vilers ở Mỹ Tho (1879) (1), trường Quốc Học Huế (1896), trường trung học Bảo Hộ (Collège du Protectorat) tức trường Bưởi Hà Nội (1908) (2).  Ba trường này khi mới mở chỉ có bậc tiểu học, mấy chục năm sau mới giảng dạy đến các bậc cao hơn.  Riêng chỉ có 2 trường Quốc Học Huế và trường Bưởi sau này có đến bậc Tú Tài.
Song song với hệ thống giáo dục phổ thông Pháp-Việt, Pháp thiết lập 3 trường hoàn toàn như ở Pháp dành riêng cho con cái người Pháp ở Việt Nam và con cái những người Việt thân Pháp.  Đó là các trường Chasseloup Laubat (3) ở Sài Gòn (1874), trường Albert Sarraut ở Hà Nội (1918) và trường Yersin ở Đà Lạt (1935).  Cả 3 trường này lúc đầu cũng được hình thành từ bậc tiểu học trước rồi sau mới có đến bậc Tú Tài.

(1) Sau này là trường Nguyễn Đình Chiểu.
(2) Bưởi là tên làng Thụy Khê gần Hà Nội, là tiền thân của trường Chu Văn An ngày nay.

(3) Dưới thời Đệ Nhất VNCH đổi thành J. J. Rousseau, nay là trường Lê Quý Đôn.

(Nền giáo dục VN dưới thời Pháp thuộc – Trần Bích San)

Nhớ món ngon Sài Gòn

Hủ tíu Thanh Xuân

(hay Mỹ Tho)

Thường thì hủ tíu có bánh mềm, chỉ riêng hủ tíu Thanh Xuân hay Mỹ Tho thì thêm bánh dai, nấu khô hay nước, tùy theo ý thích của khách. Chỉ nhìn dĩa rau dọn lên trước thì cũng thấy bắt mắt: giá, hẹ, rau cần tàu, tần ô và vài cọng xà lách. Thêm vào đó, mùi nước lèo xông lên như đập vào khứu giác thực khách làm cho bụng cứ gào thét…

(Hồi ức một đời người – Nguyễn Ngọc Chinh)

Những tờ báo quốc ngữ đầu tiên (1)

Tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên

clip_image006

Gia Định báo có khổ giấy

25x32cm, giá 0,97 đồng/tờ,

phát hành vào thứ 3 hàng tuần.

Lịch sử báo chí Việt Nam bắt đầu với sự ra đời của Gia Định báo vào ngày 15/4/1865 tại Sài Gòn. Gia Định báo phát hành trong phạm vi vùng chiếm đóng của thực dân Pháp lúc đó là 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Ban đầu, Gia Định báo có mục đích chủ yếu là công cụ thông tin của người Pháp ở Đông Dương với tư cách là một tờ công báo chuyên đăng các công văn, nghị định, thông tư của chính quyền thực dân. Sau này, khi Trương Vĩnh Ký chính thức làm giám đốc, tờ báo mới được phát triển mục biên khảo, thơ văn, lịch sử…

Gia Định báo góp phần cổ động việc học chữ Quốc ngữ và lối học mới, mở đường cho các thể loại văn xuôi Việt Nam in bằng chữ quốc ngữ, đặt nền móng cho sự hình thành báo chí Việt Nam.

clip_image008

Đường D’Adran (Hồ Tùng Mậu ngày nay),

một trong những địa chỉ từng in tờ Gia Định báo

(SNg Paris – Một tài liệu hiếm)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Nhà cầu, cầu tiêu, đi cầu.

Khi xưa ở thôn quê miền Nam, người ta cất nhà cầu dọc mé sông, dẫn tới nhà cầu là cây cầu nhỏ, thường là cầu khỉ hay cầu ván. Vì vậy người ta gọi chỗ ỉa đái, cái chòi nho nhỏ đó là nhà cầu. Đi ỉa đi đái nói là đi cầu. Ở đồng ruộng thì người ta nói đi đồng.

Tới khoảng những năm 1950 tôi còn thấy dọc theo mé sông cầu Rạch Ông, cầu Nhị Thiên Đường và cầu Ba Li Cao trong Chợ Lớn còn có nhà cầu công cộng cất đưa ra sông. Ai có nhà cất sát mé sông thì có nhà cầu riêng. Ở Bào Sen, Chợ Quán lúc tôi còn nhỏ, hai xóm sau nhà ba má tui có cái bào. Ở đó cũng có một nhà cầu công cộng. Lúc đó vài gia đình có nhà cất dọc theo cái bào đó, còn nghèo không có cầu tiêu.

(Tiếng nói miền Nam văn hoá Lục tỉnh – Trịnh Quốc Thuận)

Chữ và nghĩa

Nông cổ mín đàm nghĩa là “uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn” là tờ báo tiếng Việt do Paul Canavaggio – một chủ đồn điền và thương gia người đảo Corse, hội viên Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ làm chủ nhiệm, chủ bút lần lượt là các ký giả Dũ Thúc Lương Khắc Ninh, Gilbert Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt.

Nông cổ mín đàm bàn về nông nghiệp và thương nghiệp, phát hành thứ năm hằng tuần tại Sài Gòn bằng chữ Quốc ngữ. Số 1 ra ngày 1 tháng 8 năm 1901. Một thời gian sau báo được xuất bản một tuần 3 kì. Sau khi phát hành số ra ngày 4 tháng 11 năm 1921 thì báo bị đình bản. Đây được coi là tờ báo kinh tế đầu tiên bằng chữ quốc ngữ.

Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý


Những người ở tù chung với Vũ Hoàng Chương tại khám Chí Hoà thời gian sau tháng 4 năm 1975 kể lại rằng trong nhà giam Cộng Sản, một lần, khi nhắc chuyện đường xá thay tên ở Sài Gòn, nhà thơ hàng đầu của văn học Việt Nam thế kỷ XX (bằng một giọng chắc là ngán ngẩm lắm), đã đọc hai câu này:
Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do
Ở Sài Gòn, đường Công Lý chạy song song với đường Pasteur ngang tòa án sau tháng 4 liền bị đổi thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Đường Tự Do (Catinat cũ) bị đặt tên mới là đường Đồng Khởi. Công Lý và Tự Do mất tiêu sau khi có Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Đồng Khởi.
Hai câu của Vũ Hoàng Chương ghép mấy cái tên đường cũ mới của Sài Gòn càng nghĩ càng thấy đúng.

(Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý – Bùi Bảo Trúc)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search