T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Hữu: Cung Tích Biền, giấc mộng rỗng không

Ben Goosens image for CTB article

“Feeling of emptiness”, Ben Goossens

 

 

“Viết, với tôi, là vừa giải cứu vừa tự hủy” (5)
(Cung Tích Biền)

 

“Truyện Cung Tích Biền rất… không nên đọc,” một bạn văn của tôi nói thế.

“Sao vậy?” tôi hỏi. “Truyện… kinh dị, không nên đọc ban đêm?”

“Ban đêm ban ngày gì cũng không nên đọc,” người bạn nói. “Truyện không mở cho người ta một exit nào cả, mọi cánh cửa đều đóng chặt, kín bưng, tối om. Truyện làm cho con người ta bi quan, chán sống thì… đọc làm gì!”

Tôi ngẫm nghĩ, thấy người bạn nói không phải là không đúng. Có điều, lời khuyên ấy có hơi… muộn màng vì tôi chẳng may đã trót đọc Cung Tích Biền (CTB) từ những ngày xa xưa, và gần đây nữa. Quả có đúng như anh bạn nói, truyện CTB tựa như bức tranh ảm đạm, u tịch, không ai muốn treo ở trong nhà mình. Cây cọ CTB vẽ lên những mảng tối, những màu sắc lạnh và buồn. Những nhân vật, những con người trong truyện CTB chết mà không nhắm mắt, không “siêu thoát” được.

Nói thế có hơi quá chăng? Tôi chắc những ai “trót” đọc CTB có thể chia sẻ ít nhiều. Và những ai chưa từng đọc ông cũng nên đọc thử một lần cho biết (chắc chắn không phải là cách người ta vẫn nói để quảng cáo một cuốn sách).

1. Những cột mốc thời cuộc

Thành thực mà nói, tôi không thích truyện CTB lắm. Không thích, nhưng vẫn đọc. Đọc rồi, vẫn… không thích. Đúng là truyện CTB không mở cho người ta một lối thoát nào, không có chút ánh sáng le lói nào ở cuối đường hầm. Những cánh cửa vẫn cứ đóng im ỉm, vẫn cứ tối mù tối mịt. Như buổi hoàng hôn của một thế giới đang lụi tàn. Như con tàu đang từ từ chìm dần, chìm dần giữa biển khơi mênh mông, mịt mùng, không một ai cứu vớt.

CTB đến với người đọc từ ít truyện ngắn đăng rải rác trên ít tạp chí ở miền Nam trước năm 1975. Theo sự “đánh giá” của riêng tôi vào thời ấy, ông là một trong những tác giả viết truyện về chiến tranh hay nhất. Có vẻ CTB được người đọc biết đến qua các truyện ngắn hơn là truyện dài, và phạm vi bài này cũng chỉ đề cập đến truyện ngắn CTB.

Tôi ít có dịp nào đọc ông sau năm 1975, ngoại trừ một vài truyện tình cờ gặp được đâu đó trên những trang mạng. Bút pháp, văn phong không thay đổi bao nhiêu mặc dầu có vẻ như “khó đọc” hơn vì những ẩn dụ, ẩn tàng, ẩn mật… Điều này có thể hiểu được, và tôi cho đấy cũng là một trong những cách chọn lựa của nhà văn còn ở lại trong nước như ông (để còn có thể tiếp tục viết). Người đọc CTB thuở trước vẫn nhận ra ông, nhận ra văn CTB, tuy có phần sắc hơn, lạnh hơn và “độc” hơn.

Truyện CTB là những truyện viết về một thế giới không có trái tim, hoặc nếu có, chỉ có ở lớp người cùng khổ, lớp người không được sống cho ra con người. Truyện của ông đọc muốn ứa nước mắt, muốn khóc mà không khóc được, nước mắt như hóa thành giọt lệ khô.

Truyện CTB chiếu rọi xuống những nấc thang cuối trong xã hội loài người. Ông chịu khó sục sạo, len lỏi đến tận cùng những ngóc ngách, hẻm hốc của đời sống. Ông chịu khó lần mò đến những con hẻm lầy lội, những ngõ vắng tối tăm, những số phận đen đủi, những mảnh đời khuất lấp mà tia nắng mặt trời chẳng bao giờ soi rọi đến.

“Mỗi truyện của tôi thường gắn với một cột mốc thời cuộc,” (1) CTB cho biết như vậy, và kể ra ít cái tên truyện ngắn, truyện dài. Tôi đã chọn ra trong số ấy hai truyện ngắn tiêu biểu cho hai “cột mốc” đặc biệt, và qua hai truyện ấy cũng phác qua đôi nét về văn chương CTB. Gọi là “tiêu biểu” với cái nghĩa là hai truyện ngắn của hai thời kỳ trước và sau năm 1975–một được viết trong chiến tranh và một được viết sau chiến tranh–và là những truyện ngắn được nhiều người biết đến, nhiều người tìm đọc. Tất nhiên, chỉ qua một vài truyện thì cũng khó mà có được cái nhìn thấu đáo về văn và người, nhất là khi nhà văn vẫn đang viết, và những truyện của ông càng về sau càng có vẻ “mới”, càng có thêm nhiều điều để nói.

Truyện thứ nhất, “Ngoại ô, Dĩ An, và linh hồn tôi”, được CTB viết khoảng cuối năm 1965, đánh dấu thời điểm từng đoàn quân ngoại nhập “đổ bộ” lên Đà Nẵng và các trại lính viễn chinh mọc lên khắp miền Nam. Truyện thứ hai, “Thằng bắt quỷ” (1991), được viết ra nhiều năm sau ngày chiến tranh kết thúc và miền Nam thay tên đổi chủ. Truyện đầu CTB viết năm ông 28 tuổi, truyện sau năm ông 54 tuổi. Khoảng cách thời gian giữa hai truyện ngắn, hay khoảng cách giữa hai “cột mốc thời cuộc” ấy, là hai mươi sáu năm.

Hai truyện đều được thuật lại qua lời kể của nhân vật chính xưng “tôi”, xoay quanh số phận hai cô gái cùng độ tuổi đôi mươi. Có khác một chút, “tôi” trong truyện đầu là nhân vật nữ; “tôi” trong truyện sau là nhân vật nam, có thể là tác giả CTB. Số phận hai cô gái, nói là số phận của một dân tộc thì hơi quá, nhưng ít nhiều phản ảnh thực trạng đất nước và thân phận người dân Việt khốn khổ của hai thời kỳ: những năm dài chinh chiến điêu linh, và những năm sau “ngày tàn chinh chiến”.

 

1.1. Ngoại ô một khung trời buồn

Truyện đầu tiên (không phải là truyện đầu tay) được nhà văn ký bút hiệu Cung Tích Biền là “Ngoại ô, Dĩ An và linh hồn tôi”, đăng trong tuần báo Nghệ Thuật ở Saigon, số tháng 3/1966. Bối cảnh của truyện, được CTB cho biết:

“Năm 1965 Quân đội Mỹ đã có mặt ở Đà Nẵng, các trại lính viễn chinh đã hình thành khắp miền Nam, tôi viết truyện ngắn ‘Ngoại ô, Dĩ An, và linh hồn tôi’. Không gian truyện là Đà Nẵng, với cảng, với biển, với núi Sơn Trà, nhưng nhân vật nữ mang tên Dĩ An, một địa danh ở Bình Dương.(1)

Tại sao “không gian truyện là Đà Nẵng” nhưng nhân vật nữ lại mang tên “một địa danh ở Bình Dương”?

“Đến sự khổ đau cũng phải có tên gọi,” Dĩ An nói với em gái. “Người ta đã tìm ra chị nơi cái xóm Dĩ An hèn mọn. Người ta thay nhau ngủ với chị, xem chị như mảnh đất có hoa màu và cần phải đặt tên cho nó.”

Tên truyện đã buồn, câu chuyện càng buồn hơn. Không khí truyện lạnh tanh, như người ta vẫn lạnh lùng bắn giết nhau trong chiến tranh, và vẫn dẫm đạp lên nhau mà sống, vẫn dửng dưng trước những nỗi đau của đồng loại trong thời bình.

Nơi Dĩ An cư ngụ là một khu xóm lao động ở “một ngoại ô đầy bùn lầy và dấu chân bò” (2). Bố mẹ cô phải lao động hết sức cực nhọc để kiếm từng đồng bạc nhỏ nuôi sống cả gia đình.

Cha tôi thường đẩy xe về nhà khoảng mười giờ đêm. Mẹ tôi về nhà khuya hơn với đôi chân mỏi mệt và gánh chè có khi mười một giờ đêm bán chưa hết. Một đêm trời mưa lớn, các em tôi đã ngủ yên, mẹ tôi vẫn còn đi giữa đường phố. Hôm sau về nhà mẹ đau nặng.

Thế nhưng, đấy chưa phải là thảm họa. Thảm họa đến từ nơi khác.

Rồi chiến tranh mỗi ngày một lan rộng. Thành phố mở cửa đón những đoàn quân nước bạn.

Chiến tranh như cơn lốc ập đến. Ngoại ô ấy bỗng choàng thức giấc. Tất cả đều xáo trộn, đảo lộn, đổi thay đến toàn diện.

Sáng hôm đó chuyến tàu đầu tiên rẽ sóng chạy vào. Những người lính viễn chinh lên bờ mang theo tấm thân lực lưỡng, những thèm muốn và tiền bạc… Tiền bạc tràn ngập. Đô la đắp lên thành phố khô cằn này. Ngoại ô tôi chìm trong giấc ngủ bỗng thức giấc xao xuyến.

Ngoại ô của Dĩ An, như bao nhiêu ngoại ô và thành thị khác, cũng chìm nổi theo dòng định mệnh của đất nước.

Ngoại ô tôi bắt đầu có những chàng Mỹ trắng Mỹ đen lùng lội tìm của lạ. Linh cảm cho tôi biết ngoại ô này cũng theo thân phận của đất nước. Mọi nếp sống sẽ đổi thay. Mọi tâm hồn sẽ bị lung lay trước sự lung lạc của vật chất.

Ngoại ô “vươn lên một cách học đòi, quê mùa giả tạo. Những chiếc jupe chật, những chiếc áo dài lòe loẹt, những chiếc dù sặc sỡ thấp thoáng trong các con hẻm xưa kia đàn bò lội qua” (2). Cái quận lỵ nghèo nàn, nhỏ bé, hiền lành ấy bỗng thoát xác chỉ trong một ngày một đêm. Cô nữ sinh trung học xinh đẹp và hiền lành ấy cũng thoát xác.

Dĩ An, cô gái mới lớn ấy, có một tình yêu, một người tình để nhớ để thương.

Một hôm Lân từ Pleiku về thăm chị Dĩ An. Tình yêu nở ra mãnh liệt. Hôm lên đường đáo nhận đơn vị anh mang theo niềm vui chị Dĩ An đã nhận lời làm vợ chưa cưới của anh.

Mối tình ấy sớm nở tối tàn.

Nhưng một tuần sau thì Lân tử trận trong một cuộc hành quân lớn. Thi hài anh Lân được chở về thành phố tràn ngập cuộc vui của gái điếm và du đãng.

Lân chết, Dĩ An như cũng chết theo. Và Dĩ An “bắt đầu lập cái vạch nối giữa sự thất vọng cùng những cuộc trác táng”. (2)

Rồi cái chết của ông bố theo sau cái chết của người tình. Những bất hạnh, tai ương lần lượt phủ trùm lên số phận nghiệt ngã của một dân tộc, phủ trùm lên số kiếp không may của mỗi con người. Hai chị em Dĩ An bằng mọi cách phải kiếm được đồng tiền để cưu mang mẹ già và để lũ em thơ dại còn được cắp sách đến trường.

“Chị Liêm (tên cũ chị Dĩ An), em phải xin việc làm thôi.”

“Thôi đi em, chị lớn để chị lo.”

“Để chị lo”, đó là bước ngoặt đầu tiên cho cuộc “đổi đời” của Dĩ An.

Chị Dĩ An thì không có bằng cấp. Với cái chứng chỉ đệ Tứ chị chỉ được làm ở sở Mỹ nhờ một người quen bảo lãnh. Nội cái việc bảo lãnh cũng phải trả một giá quá đắt rồi. Thằng khốn nạn nói bóng gió nhưng chị Dĩ An thừa hiểu một cách cay đắng rằng: cho nó ngủ một đêm.

Đó là lần “trả giá” đầu tiên, và còn những lần tiếp theo, tiếp theo sau đó nữa. Dĩ An đã trở thành cô gái bán phấn buôn hương tự lúc nào.

Nhiều chàng trai đã ôm chị tôi trong lòng, họ hôn chị sau đêm hành quân về…

Dĩ An đã buông thả hoàn toàn, cô không còn gì để giữ gìn nữa. Cô đã “tiêu phá đời mình”, đã “trôi chơi vơi trong dòng băng rã cuồn cuộn…” (2)

“Chị bán linh hồn chị rồi,” Dĩ An nói với em gái. Cô bán linh hồn bằng “những tờ giấy trăm sột soạt trao nhau trong phòng tối” (2). Cô đã bán linh hồn cho quỷ dữ, hay đúng hơn, cho con quái vật chiến tranh.

Không phải chỉ Dĩ An mất linh hồn mà “ngoại ô tôi bây giờ cũng mất linh hồn như chị”. (2)

Thành phố này đối với chị là một nghĩa trang. Chị thường ra sân ga nhìn những toa tàu nằm chết trong đường… Chị đến bãi biển ngồi thầm lặng. Hoàng hôn xuống buồn.

Đằng sau mảnh linh hồn chết ấy là một tâm hồn bão nổi, một tâm hồn nổi loạn. Cô gái hai mươi tuổi mà như đã già dặn, đã “dạn dày sương gió” và “nhiều kinh nghiệm tác chiến”, nói như ngôn ngữ chiến tranh thời ấy.

“Chị thích đi ngược chiều gió”, cô em gái của Dĩ An nói về người chị mình như vậy.

Sau cùng là “tiếng cười điên loạn” của Dĩ An, của bao nhiêu Dĩ An khác, và của bầy quỷ dữ chiến tranh.

Dĩ An, nhân vật nữ ấy, mang thân phận của một quê hương rách nát vì bị chiến tranh tàn phá và hủy hoại đến tận gốc rễ. Có rất nhiều “Dĩ An” như thế, có rất nhiều “khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên” như thế, và có rất nhiều “ngoại ô”, nhiều “khung trời buồn” như thế trong thời buổi chinh chiến điêu linh.

Chiều nay tôi âm thầm đạp xe đến cổng một hotel mà cuộc đời chị ném sâu trong đó. Hoàng hôn xuống thành phố. Trên từng lầu thứ ba đèn sáng qua các ô cửa. Chị Dĩ An tôi trên đó. Tiếng cười điên loạn trên đó…

Ôi, ngoại ô một khung trời buồn.

CTB hạ một câu như vậy. Đấy là câu kết của truyện, nghe như là một câu thơ buồn hay như tiếng thở dài thật nhẹ.

“Ngoại ô, Dĩ An, và linh hồn tôi” là bức tranh tang thương của một đất nước tang thương thời ly loạn.

 

1.2. “Em ra đi nơi này vẫn thế”

Câu kết của “Ngoại ô Dĩ An” như một câu thơ buồn thì câu kết trong truyện “Thằng bắt quỷ” của CTB lại là một câu hát quen thuộc.

Em ra đi nơi này vẫn thế…

Câu kết nào nghe cũng buồn, cũng ngậm ngùi như tiếng thở dài.

“Em” ở đây là Trinh, nhân vật nữ chính trong truyện. Trinh chết đi, “nơi này vẫn thế”, cái Xóm Nhà Ma, nơi trú ngụ của cô, vẫn thế, cái đất nước này vẫn thế. “Vẫn thế” có nghĩa là vẫn không hề đổi thay, vẫn y chang trước sao sau vậy. Dòng đời vẫn thản nhiên trôi đi, như dòng sông vẫn lặng lờ trôi, chỉ khác là không có Trinh mà thôi.

Bao nhiêu cô Trinh đã ra đi, bao nhiêu người đã ra đi (đã bỏ nước mà đi hay đã đi về bên kia thế giới) thì “nơi này vẫn thế”, vẫn ngày lại ngày diễn ra những tấn tuồng như thế, vẫn “một ngày như mọi ngày”, nói văn vẻ là vẫn “muôn đời muôn kiếp không phai”.

“Thằng bắt quỷ” nói về những chuyện diễn ra trong khu “Xóm Nhà Ma, nơi tụ hội của đám lưu dân sống vô gia cư, chết vô địa táng” (3), và số phận cay nghiệt, tình cảnh cùng quẫn của những con người sống trong khu xóm ấy.

Thằng Bắt Quỷ là ai? Sao gọi là “bắt quỷ”? “Có lẽ quỷ nó siêu đẳng,” CTB nói, “ngang với chỗ vô vi, nên người ta gọi ghép ‘quỷ thần’. Quỷ là chỗ vô ngôn tướng, thế mà có người lại đi bắt quỷ được.” (3)

Nghe đâu Thằng Bắt Quỷ ngày trước “đậu cử nhân Triết, từng vào chùa tu”. (3) Thằng Bắt Quỷ nhất định phải là tay cao thủ thuộc dạng tinh ma quỷ quái và nội công thâm hậu tới cỡ nào mới dám ra tay “bắt quỷ”, chẳng hạn như có khả năng sáng chế nhiều trò “quỷ thuật”, nói theo ngôn ngữ thời thượng là có “kỹ năng tư duy sáng tạo”.

– Anh làm cái trò gì vậy anh Bắt Quỷ?

– Anh làm ăn.

– Nói chi kỳ vậy, nói lại nghe.

Bắt Quỷ giảng giải:

– Công việc này anh đang làm ăn phát đạt, nếu được phép anh có thể lập hẳn một Công-Ty-Ăn-Mày. Có thể tạm gọi là AMACO.

Trinh lại tưởng Bắt Quỷ nói giỡn, nên tủm tỉm cười.

– Cười cái gì? Bộ đi ăn mày là nhục lắm sao? Là vui sướng lắm sao? Ăn mày khi đã là một cái nghề thì không là ăn mày nữa. Này, có bông băng, ruột heo, thuốc đỏ. Muốn ăn mày sáng mai lại đây anh hoá trang cho. Em muốn giả đui giả cùi, câm điếc cũng được. Anh có nhiều đệ tử, sáng hoá trang xong, vào thành phố ăn xin. Tùy nghệ thuật xin xỏ, chiều về mỗi đứa nộp cho anh ba nghìn đồng. Đó là thời giá hôm nay, mai mốt có thể tăng lên…

Ngoài Thằng Bắt Quỷ, chuyên trị nghề “bắt quỷ”, những người khác trong truyện đều bị “quỷ bắt”.

Như ông Chiêu, người bị quỷ tha ma bắt, hóa thành “quỷ”, chuyên rình rập hút máu, bắt linh hồn những kẻ xấu số khác. Bộ mặt của ông Chiêu, bộ mặt giả nhân giả nghĩa, làm ra vẻ trí thức, nghệ sĩ (thực chất là một “con chồn tinh quái”), là một trong những bộ mặt tiêu biểu trong cái “xứ động vật” (4) ấy.

Như Trinh, người bị ma đưa lối quỷ dẫn đường, “cũng liều nhắm mắt, đưa chân” để biểu diễn một màn triển lãm thân xác theo lời dỗ ngon dỗ ngọt của quỷ.

Như Liệng, chị của Trinh, phải đi bán máu để kiếm chút tiền thuốc thang cho đứa con tám tháng tuổi. Hay như đứa con trai lớn của Liệng, chém người, giựt xe để “kiếm tiền” về cho mẹ.

– Mẹ yên chí, con sẽ làm rất nhiều tiền.

– Sẽ làm gì mà nhiều tiền, con?

– Tiếp tục ăn trộm.

Thằng nhỏ nói là làm. Mùng năm Tết hắn chém người ở xa lộ, giựt xe. Lại vào tù. “Dù sao hắn vẫn có chỗ êm ấm hơn ở Xóm Nhà Ma,” Trinh tự nghĩ.

“Cùng tắc biến, biến tắc thông”, Kinh Dịch đã dạy như vậy. Trong cảnh cùng quẫn, mọi chuyện đều có thể xảy ra một cách bình thản, tự nhiên.

Nhân vật chính xưng “tôi”, người thuật chuyện, để cho các nhân vật của mình hoặc đi “bắt quỷ”, hoặc bị “quỷ bắt”, riết rồi cũng thành ra bị… quỷ ám. Đôi lúc ta nghe tiếng nói của CTB cất lên, có lúc là lời của Thằng Bắt Quỷ, có khi là lời của Trinh. Ông để cho những nhân vật ấy phát ngôn thay cho mình.

Lời Thằng Bắt Quỷ:

– Nghệ thuật phải thật sự phát khởi từ tấm lòng, cho dù u tàng thảm đát, dù sự thật đó toát ra từ bùn đen hay rượu đỏ.

Lời Trinh:

– Là thực hay là ảnh, tôi vẫn là tôi, vẫn phải làm cái điều ngoài ý muốn. Người ta có thể thấy trăng đáy nước đẹp hơn trăng đỉnh trời, nhưng nội dung cái nhìn ấy chính là sự man trá, tự trang trí ảo tưởng cho mình.

Kể ra thì một cô gái thơ ngây, học hết lớp đệ Tứ (tương đương lớp 9 bậc trung học) như Trinh thì khó mà có thể phát biểu những lời trên.

Ở “Thằng bắt quỷ” bộc lộ đầy đủ mọi tính cách của con người, thể hiện đầy đủ những “đặc trưng” của “con người mới” trong một xã hội mới: lạnh lùng, luồn lách, mánh mung, điếm đàng. Tất cả, để có thể sinh tồn, tự vệ, và… vươn lên trong “xứ động vật”. (4)

Trinh, cô gái có tâm hồn trinh trắng như tên cô vậy, không được trang bị những “đặc trưng” ấy, không hội nhập được vào cái xã hội mới ấy. Cô đứng chơ vơ giữa dòng đời ngược xuôi điên đảo, như những dòng xe gắn máy cuồn cuộn, luồn lách, rượt đuổi nhau, bóp kèn inh ỏi, chạy hỗn loạn trên đường phố. Không có chỗ đứng nào cho Trinh trong xứ sở gồm những con người mới tiên tiến ấy. Hoặc lừa người, hoặc bị người lừa, không có sự lựa chọn nào khác. Không thể đứng ở giữa, lưng chừng, hoặc suy nghĩ đơn giản kiểu “tôi không làm gì ai thì không ai làm gì tôi”. Ở Trinh là một mảnh hồn bơ vơ không lối thoát trong một đất nước “đổi mới” thời hậu chiến.

Trinh thức tỉnh, nhận ra chân lý ấy khi bàng hoàng thấy rõ cái phần thân thể lồ lộ của mình trong tấm gương soi bị nứt một đường dài, rạch hình hài cô làm đôi. Cái lằn nứt ấy phân chia ranh giới giữa “thực và ảnh”, giữa thánh hóa và dung tục, “phía kia xem Trinh là một thần tượng, phía này muốn biến Trinh thành ăn mày. (3) Cái lằn nứt ấy ném trả Trinh về với hiện thực rỗng không.

CTB không cho biết vì sao mà Trinh chết, vì hổ thẹn, nhục nhã, vì đi tìm một lối thoát cuối cùng, hay vì lý do nào khác. Chỉ nghe ông nói, “Cô Trinh chết giữa sức ép một bên là Nghệ thuật vị nghệ thuật Cởi Truồng, bên kia là Nghệ thuật vị nhân sinh Ăn Mày.(5)

Dẫu sao cái chết của Trinh, cách này hay cách khác–như kết thúc một tấn thảm kịch–là điều tất yếu không tránh khỏi. Trinh chết là phải thôi. Để cô Trinh chết đi thì dễ chịu hơn là kéo dài một cuộc sống không ra sống, đã vậy lại còn bị bủa vây bởi lũ quỷ ác ôn lúc nào cũng chực “bắt” cô.

Đọc “Thằng bắt quỷ”, thấy CTB “quỷ quái” thật, nhân vật Thằng Bắt Quỷ có khi là chính ông không chừng. Như vậy thì ông phải đóng hai vai, người kể chuyện và người chuyên trị “bắt quỷ”. CTB nhập vai Thằng Bắt Quỷ, hay Thằng Bắt Quỷ nhập vào CTB.

“Thằng bắt quỷ” là bức tranh bao phủ bởi bầu khí lạnh lẽo, thê lương như Xóm Nhà Ma, như “những vũng nước bên mồ mả phản chiếu ánh trăng non loang loáng” (3).

 

1.3. Không có tấm bảng exit nào

Hai cô gái–nhân vật ở hai truyện–tuy ở hai thời điểm lịch sử khác nhau, trong và sau chiến tranh, đều là nạn nhân của những tấn bi kịch diễn ra trên đất nước mình. Truyện trước là thảm kịch về sự phá sản những giá trị luân lý, đạo đức của một nền văn hóa truyền thống. Truyện sau là thảm kịch về sự quản lý, điều hành đất nước tồi tệ của những người chủ mới sau chiến tranh.

Cả hai cô gái đều ở tuổi đôi mươi, tuổi của những năm tháng vẫn được gọi là “tươi đẹp nhất của một đời người”. Từ Dĩ An đến Trinh là một chiều dài lịch sử gần ba mươi năm. Trinh lớn lên khi chiến tranh đã kết thúc, khi đất nước đã sạch bóng quân ngoại nhập. “Rồi ba mươi năm sau…”, sân khấu chuyển đổi phông màn, chuyển đổi không gian, thời gian, và nhân vật cũng chuyển đổi từ Dĩ An sang Trinh, như trong một vở tuồng cải lương hay vở trường kịch.

Trong lúc Dĩ An như “một bầu trời đầy giông bão” (2), Trinh lại khác. Sống giữa những bủa vây của giông bão cuộc đời, cô vẫn là cô gái hiền lành, trinh trắng như cái tên của cô.

Dĩ An bỏ học đi làm đĩ để nuôi ba em đi học, cha già mẹ yếu; nàng sa đoạ cùng số phận ngoại ô của nàng; sau cùng, tiếng cười chiều tà trong một building đầy gái, hoang loạn, rượu và lính Mỹ. (1)

Trinh không làm đĩ như Dĩ An, cô chỉ “làm nghệ thuật cởi quần áo” (như cách nói của người dẫn dắt cô đi vào con đường ấy), nhưng cô vẫn bị công an bắt với tội danh là gái bán dâm. Cô không biết rằng “làm nghệ thuật” kiểu ấy hay “làm đĩ” cũng không khác nhau bao nhiêu.

Dĩ An có một tình yêu thoáng chốc, Trinh chỉ có tình thương yêu của người chị nghèo khổ, của Thằng Bắt Quỷ và của đám “lưu nhân giang hồ”.

Trong “Ngoại ô, Dĩ An, và linh hồn tôi” không nói đến quỷ như trong “Thằng bắt quỷ”, nhưng có con quỷ chiến tranh còn dữ dằn, kinh khiếp gấp nhiều lần những dạng quỷ thần khác, đã nuốt chửng bao nhiêu sinh linh như là Lân, đã bắt đi bao nhiêu linh hồn như là Dĩ An.

Dĩ An và Trinh đều cùng một thân phận bị đọa đày, đều cùng hứng chịu những cay nghiệt của cuộc sống. Nhiều Dĩ An, nhiều Trinh như thế vẫn đang sống lây lất, vất vưởng ở trong nước, vẫn đang phải đánh đổi thân xác mình để “cải thiện” kinh tế gia đình. Dĩ An và Trinh có khi chỉ là một. Trinh có khi là hóa thân của Dĩ An. Nói khác đi, “Thằng bắt quỷ” là “Ngoại ô, Dĩ An, và linh hồn tôi” nối dài.

Đọc “Ngoại ô, Dĩ An, và linh hồn tôi” cũng như “Thằng bắt quỷ”, thấy lòng buồn rười rượi, thấy đời buồn như những “mộ bia bằng đá ong đen” trong Xóm Nhà Ma, thấy muốn bật ra tiếng khóc rồi cười khan, muốn ngửa mặt lên trời mà than rằng “Tại sao thân phận nào cũng dai dẳng những đau khổ triền miên, cũng vướng lầy nợ nần trả trọn đời không hết.” (2)

“Thực tại là một giấc mơ kinh hoàng” (2), câu nói ấy của Bích Ty, em gái Dĩ An, quả có đúng cho cả hai truyện.

Đời sống như một bãi tha ma u tịch, mịt mờ âm khí của những linh hồn vật vờ, không siêu thoát được. Không khí chết chóc, ngột ngạt, khó thở ấy đè nặng lên hầu hết  những truyện của CTB, đặc biệt ở phần kết của truyện, mang đậm dấu ấn CTB. Thử đọc vài câu kết ở một vài truyện khác:

Cớ sao tôi cứ ngồi mong trong bao tháng ngày, mọi người lưu lạc hãy còn đâu đó trên cõi đời? Có bao người trong đáy sâu vực đau, bên bờ nỗi chết… Chao ơi, tôi vẫn mong một ly rượu sau những tháng ngày thù hận, chia phôi. (“Hình như còn đâu đó”)

Vẫn là chờ mong và chờ mong. Biết đến bao giờ!?…

Vợ tôi ôm Bi và vuốt mặt. Chao ôi, như một con người chờ đợi một kẻ thân yêu đang phiêu bạt đâu đó, phải quay về vuốt mặt mới chịu vĩnh viễn Ra Đi.

Bi từ từ nhắm mắt. Nắng cuối đông vàng tênh. (“Giác hồn”)

Có khi là những câu hỏi và câu hỏi chẳng bao giờ có lời giải đáp.

Chao ôi tại sao có những có những thứ hào quang chỉ nên đứng xa mà nhìn, không hề cầm nắm được trong lòng tay? Tại sao lại có một chốn lưu đày dành cho cái đẹp cùng ước mơ?” (Rừng đom đóm)

Quả đúng như lời anh bạn tôi nói, tôi không tìm thấy tấm bảng exit nào ở cuối đường, trong những truyện của CTB.

 

2. Bản tin thời sự và những tấn bi kịch

Ngày trước tôi có anh bạn, vốn không hứng thú gì lắm đề tài âm nhạc, nghe bạn bè bình phẩm về nhạc Trịnh Công Sơn, anh cũng lừng khừng góp chuyện:

“Nhạc Trịnh Công Sơn là nhạc thời sự.”

“Ý ông muốn nói ‘nhạc thời trang’?” tôi hỏi.

“Không, thời sự. Nhạc thời sự.”

Thấy tôi có vẻ chậm hiểu, anh ta bèn giải thích:

“Thì nghe là biết thôi. Này nhé, ‘Một ngày mùa đông / trên con đường mòn / một chiếc xe tang / trái mìn nổ chậm / người chết hai lần / thịt da nát tan…’ Không phải thời sự là gì?”

Cứ theo cách nói của anh bạn tôi thì những câu hát ấy rất gần với một bản tin thời sự rút ngắn.

Văn CTB, hiểu theo cách ấy, không chừng cũng có thể gọi là “văn thời sự”, như là một bản tin hay bài tường thuật của một phóng viên.

Một chiếc khăn tay nhỏ một đô la. Một cuốc xe ngắn một đô la. Nói được một tiếng ‘Hello’, chỉ được con đường tới xóm bình khang một đô la. Tiền bạc tràn ngập.(2)

Viết bản tin hay bài tường thuật thì chỉ là ghi lại những gì mắt thấy tai nghe, có sao ghi vậy, không có ý kiến này nọ, không tả tình tả cảnh chi nhiều. Chuyện như thế nào thì cứ tái hiện lên trang giấy như thế ấy, như thể cuộc sống như thế nào thì cứ bày ra như vậy. CTB làm công việc “tường thuật” bằng óc quan sát tinh tế và bằng cái nhìn sắc bén, không bỏ sót chi tiết nào, kể cả những góc cạnh sần sùi, thô nhám nhất, như là ống kính đặc tả chân dung của nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Phía sau ống kính ấy là vẻ mặt tỉnh queo, là đôi mắt ráo hoảnh, là trái tim chai cứng cảm xúc.

Văn phong CTB “thủng thà thủng thỉnh” như câu kết trong một truyện ngắn của ông, “Lịch sử từ lâu nhường bước cho một đám sinh vật bốn chân thủng thỉnh đi qua.” (“Thừa dư”). Chuyện đâu còn đó, cứ từ tốn, không đi đâu mà vội mà vàng, ngay cả khi ông mô tả những cảnh chết chóc, những nỗi thống khổ:

Người mẹ ra đi hơn một giờ sau thì thằng Cu Nhỏ tắt thở. (3)

Câu văn bình thản, như nói về chiếc bong bóng bị nổ, chiếc bánh xe xẹp lốp, hay con chó nhỏ bị xe cán. CTB như người có máu lạnh, vô cảm (nhưng người đọc ông thì lại quá mẫn cảm).

Văn CTB là giọng văn cay nghiệt (chữ ông hay dùng), cay nghiệt với cuộc sống, cay nghiệt với chính mình và cay nghiệt với độc giả nữa. Văn ông thời chiến đã sắc, đã lạnh, thời hậu chiến càng sắc, càng lạnh hơn.

Đọc CTB, như nhấm nháp từng ngụm café đắng nghét. Văn ông gọn ghẽ, cô đọng như những giọt café đặc quẹo nơi xứ sở ông đang sống. CTB tiết kiệm từng lời, dè sẻn từng chữ. Ông không chịu “thừa, dư” (4) một chữ, không phí phạm thì giờ để tả tình tả cảnh dông dài. Những câu, chữ ngắn, gọn, đến không thể ngắn, gọn hơn.

Lớp-Bơ vẫn đến mỗi tối. Lớp-Bơ cỡ người cao lớn. Ông đeo kính cận, tóc quăn, khuôn mặt đẹp, trông thông minh. Lớp-Bơ yêu thương chị, muốn cưới chị mang về Hoa kỳ. Dĩ An từ chối. (2)

Đôi lúc thật ngắn, thật gọn như một bức điện tín.

– Ông là kẻ bệnh hoạn. Thôi, chia tay. (3) Hoặc:

Linh hồn tôi đã lạnh. (2)

Một câu thơ khác của CTB. Câu thơ nghe “lạnh” và buồn.

Văn chương CTB, trên hết, vẫn là ý tưởng hơn là bút pháp, văn phong. Chữ nghĩa của ông chỉ để tải những ý tưởng. Ông không phải là “nhà văn” của những câu văn hoa mỹ, bóng bẩy, hoặc giàu âm điệu, lên bổng xuống trầm. Ông không “hành văn” theo nghĩa ấy. Văn ông ngồn ngộn, ăm ắp những ý tưởng. Nhà văn ở nơi ông là “nhà suy tưởng” (thinker).

“Tôi thường nghĩ tới công việc của một nhà điêu khắc,” (6) CTB từng nói về kỹ thuật viết truyện ngắn. Với lưỡi dao bén ngót của nhà điêu khắc, với những nét khắc, chạm chắc nịch, ông đã khắc họa nên những nhân vật như Dĩ An, như Trinh, như ông Chiêu, như Thằng Bắt Quỷ…, như đã khắc những câu văn, những ý tưởng thật sắc nét.

Văn CTB như những vết khắc bén, ngọt, vừa đủ sâu, chắc tay, không quá đà.

Trong quán cà phê. Đèn vừa đủ sáng. Nhạc nhẹ.

Một ly cà phê đen. Một bao thuốc lá hiệu Con Mèo. Một ly sữa đá. Cô gái ngại ngùng cầm cái thìa khuấy lanh canh, có lần suýt đổ ly sữa. Người đàn ông rít thuốc. Một hồi chuông chiều từ đâu vọng lại… (3)

Người đọc dễ nghĩ rằng đoạn văn trên là lời dẫn nhập của một màn kịch nào, và hiểu theo nghĩa nào đó thì cũng đúng thôi. Đấy là một đoạn trong truyện “Thằng bắt quỷ”. CTB viết văn như viết kịch. Câu cú thật ngắn, thật gọn, không thừa không thiếu, không hoa lá cành. “Kịch” là các vai diễn cứ diễn, bằng lời nói, bằng nét mặt, bằng dáng điệu, cử chỉ, và bằng khoảng trống im lặng. Mọi hoạt cảnh cứ tuần tự diễn ra trên sân khấu.

Thử đọc qua một vài đoạn trong những “kịch bản” của CTB. Sân khấu chuyển sang màn khác, cảnh khác. Có khi là những bày biện, thiết trí trên sàn diễn:

Mãi mười giờ sáng vẫn chưa thấy Trinh tới. Chiêu khắc khoải mong đợi, đi đi lại lại, rít thuốc liên hồi. Căn phòng hôm nay được bày biện lại gọn ghẽ, mỹ thuật hơn. Lọ hoa được thay mới. Rượu đã được đựng trong chiếc bình đựng rượu cổ. Tấm gương soi chân dung được đặt ở xéo xéo góc phòng, trước có một chiếc ghế cao, phủ ở thành ghế là chiếc khăn lớn màu hồng. (3)

Có khi là diễn tiến những động tác, những lời đối thoại của các vai kịch:

Mưa lạnh. Chiều lên. Cô gái bước chậm bên vệ đường, tránh những làn nước bắn ra từ lòng đường, mỗi lần xe qua. Người đàn ông đi theo sau cô. Cô dừng lại ở trạm xe buýt. Người đàn ông cũng tới đó, đứng cạnh cô. Trong lúc chờ xe, người đàn ông gợi chuyện. Ông nói:

– Chào cô.

– Vâng, chào ông. (3)

“Thằng bắt quỷ” đúng là một vở kịch trên sân khấu cuộc đời, gồm các phân đoạn, phân cảnh có lớp có lang, có các vai chính vai phụ với những tính cách khác biệt. Mỗi vai kịch hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, bộc lộ rõ nét tính cách nhân vật. Tất cả, hiện ra trước mắt người đọc một sân khấu, một không gian kịch, những diễn viên và những tình tiết gay cấn.

Viết kịch thì không đưa tình cảm của người viết vào, không có ý kiến, không có lời bàn chi chi cả. Những diễn biến và cách dàn trải trong truyện CTB rất gần với những hoạt cảnh sân khấu. Rất hiếm khi ông phân tích cặn kẽ tâm lý tình cảm hoặc đào sâu suy nghĩ của nhân vật. Lâu lâu ta mới nghe ông tả tình tả cảnh chút chút như để thêm ít phông màn cho vở kịch.

Ngọn đèn pha trên núi Sơn Trà vàng vọt cô đơn. Đêm tối đã bắt đầu trong vùng biển. Gió ngọt xua trên bãi cát vắng. (2)

Trăng hạ tuần cheo leo, tỏa ánh sáng vàng vọt xuống hàng mù u, trên những ngọn khô, lạnh lẽo nơi những bãi cỏ may tóc mộ… Có tiếng chim đêm đâu đó. (3)

Thỉnh thoảng tác giả kịch bản cũng nổi hứng nhảy lên sàn diễn để diễn chung với các nhân vật của mình. Việc này đôi lúc khá mạo hiểm, mất mạng như chơi, như có lần ông suýt bị các vai diễn của mình giết chết.

– Ai hỏi con Trinh đó? Có phải thằng Chiêu thì giết nó đi.

Tôi rợn người, lùi lại. Chỉ một loáng, quanh tôi đầy người. Có những mũi dao lòi ra, những cây gậy chực có dịp để phang.

Văn “kịch” là văn ngắn, thật ngắn, thật cô đọng.

Ngay lúc đó có tiếng gõ cửa. Nhà chức trách xuất hiện. Nói:

– Cô làm người bán dâm. Cô bị bắt. Ông mua dâm đi theo chúng tôi. (3)

“Nhà chức trách” là vai phụ, có thể là tay công an phường, chỉ xuất hiện một vài phút, chỉ nói một câu ngắn, nhưng đã đốn ngã cuộc đời Trinh, như một cú “knock-out” thật ngoạn mục ở hiệp chót, ném Trinh xuống hố sâu của thảm kịch, dẫn đến cái chết của cô gái thơ ngây vừa tròn hai mươi tuổi, và đặt dấu chấm hết cho câu chuyện.

Vở kịch kết thúc bằng cảnh Mậu đui chậm rãi cầm lấy cây đàn, dạo vài nốt nhạc, đằng hắng lấy giọng, hát “Em ra đi nơi này vẫn thế…” Màn từ từ hạ trong tiếng hát nghêu ngao và tiếng đàn guitar phừng phừng…

Truyện CTB, là những bi hài kịch thời đại, là những tấn tuồng dở khóc dở cười. Trong cái “bi” phẫn đến tột cùng vẫn có pha trộn chất “hài” chua cay và thâm thúy.

Không ngạc nhiên biết CTB có máu mê kịch nghệ và từng viết kịch, dựng kịch, diễn kịch từ thuở còn ngồi ghế nhà trường. Bằng thủ pháp cao tay của một nhà biên kịch, ông đã “biên tập” những tấn tuồng, hầu hết là những tấn bi kịch diễn ra trong đời thường. Đôi lúc, khá hiếm hoi, ông cũng dựng những vở hài kịch cười ra nước mắt, “Hình như còn đâu đó” (4) hay “Thừa dư” (4) chẳng hạn.

Buổi trình diễn có một màn khá độc đáo, mang chủ đề: “Anh em một nhà, chúng ta cùng tiến bước,” do Dư và Thừa thủ diễn.

Dư và Thừa, không ai dùng nạng, cùng dìu nhau lên sân khấu. Hai anh ghép lại thành một, tạo ra một hình nhân đủ cả hai chân nhưng bên trên có hai thân hình, hai cái đầu; đó là chưa kể những chi tiết lặt vặt như bốn con mắt, hai cái miệng, hai quả tim, hai bộ não, bốn cái hòn… Người nào chủ trương mỗi con người chỉ nên có mỗi cái đầu thì rất khó chịu về hình tượng lắp ghép đa nguyên này.

Thân hình kép đó bước đi trên sân khấu rất dịu dàng, rất nhịp nhàng. Kinh ngạc hơn cho đám khán giả khi Dư đánh đàn guitare, Thừa thổi khẩu cầm hòa điệu bài The Longest Day. Ngày dài nhất của Normandie đã qua, nhưng trong âm nhạc, cái nhịp điệu trần gian, ngày dài nhất vẫn còn. (“Thừa dư”)

Người đọc CTB khoái trá vì được ông nói thay, nói hộ những ẩn ức bị dồn nén lâu ngày, nói nôm na là “gãi đúng chỗ ngứa”. Văn “kịch” của CTB phơi bày một đời sống kịch cọt, giả trá và những con người giả hình.

Người ta nhận ra được, phía sau nhà văn CTB, nhà viết kịch; hơn thế nữa, nhà đạo diễn kịch “tầm cỡ”. Truyện CTB, vì thế, đầy kịch tính.

 

3. Nhà văn quỷ tha ma bắt

 

CTB 2

 

Không chỉ khuyên không nên đọc CTB, anh bạn tôi còn gọi CTB là “nhà văn quỷ ám”.

“Nếu không ‘quỷ ám’ thì cũng là ‘quỷ tha ma bắt’,” anh ta nói.

Đúng, sai thế nào, chắc là phải hỏi qua ý kiến của những ai từng đọc CTB. Giả sử có ai đó đề nghị người đọc, chỉ trong một hoặc hai chữ, cho nhận xét về truyện CTB, tôi chắc sẽ nhận được những câu trả lời khá thú vị, chẳng hạn (thứ tự ABC…):

– Ác / Bạo / Bịnh / Cay / Diễu / Đểu / Điên / Lạ / Lạnh / Liều / Ngầu / Sắc / Sâu / Thâm / Thẳng / Thực / Tinh / Tục.

– Ảm đạm / Ẩn ức / Bi quan / Bí hiểm / Chết chóc / Cô đọng / Dằn vặt / Dữ dội / Dửng dưng / Quỷ quái / Tàng tàng / Tiếu lâm / Tối tăm / Trần trụi.

Một câu hỏi khác, “Cho biết cảm tưởng sau khi đọc CTB?” Câu trả lời có thể là:

– Đã / Đau / Độc / Ghê / Hận / Kinh / Khiếp / Mệt / Oải / Quạu / Thảm / Tội / Tức.

– Bàng hoàng / Chán đời / Đau xót / Khó thở / Khốn nạn / Ngậm ngùi / Ngán ngẩm / Nhức nhối / Nổi nóng / Rã rời / Rùng rợn / Thê lương / Thương tâm / Tội tình / Trống rỗng.

Đấy là trả lời ngắn. Còn trả lời dài (nói theo lối CTB, có “trả lời ngắn” và “trả lời dài” cho một câu hỏi), có thể là:

– Đọc CTB, thấy khó chịu, thấy tức ngực, thấy cảm giác nặng nề như có khối đá đè lên ngực.

– Đọc CTB, thấy đời chó má, thấy muốn nguyền rủa, thấy muốn chửi thề.

– Đọc CTB, thấy ngao ngán, thấy bần thần, thấy bải hoải tay chân.

– Đọc CTB, thấy tê dại, thấy nổi da gà, thấy tim co thắt.

– Đọc CTB, thấy cay mắt, thấy cười ra nước mắt.

– Đọc CTB, thấy… hết muốn đọc.

Tất cả, trộn lẫn vào nhau, cho ra cảm xúc của người đọc văn chương CTB.

Truyện CTB đôi lúc đọc thấy khó hiểu vì là những chuyện… liêu trai tân thời.

Thế giới trong truyện CTB là thế giới hắt hiu, mờ mờ nhân ảnh. Truyện CTB như chìm đắm trong một không gian ảm đạm, như bao phủ bởi một màn sương âm u. Cây cọ CTB có xu hướng nghiêng về những màu sắc tối như tím thẫm, xám ngoét, đỏ bầm… như màu của xác chết, hay “màu hoàng hôn ráng chiều đỏ máu”. (1)

Thế giới trong truyện CTB là thế giới băng đảng của âm binh. Truyện CTB ngai ngái, lung lung (chữ của CTB) mùi âm khí. Hầu như truyện nào của ông cũng chập chờn bóng dáng quỷ thần, cũng lẩn khuất lũ quỷ vô hình vô tướng. Có khi người hóa thành quỷ, có khi quỷ giả dạng người. Quỷ và người chung sống với nhau. Bầy ngạ quỷ ác ôn, nhảy nhót, múa may chờn vờn bên cạnh những người sống, vây quanh những xác chết.

Truyện CTB là truyện “xác chết loạn giang hồ”. Hầu như không truyện nào mà không có thây ma, xác chết. Có truyện không phải một mà có đến mấy xác chết. Có xác chết người Cha già được tô màu, phấn son kỹ lưỡng, đặt nằm trong lồng kính như trong “Nhạc điệu của bầy ong”. Có xác chết người Mẹ già trong hang đá lạnh lẽo nơi hoang đảo như trong “Qua sông”. Có xác chết nhão nhoẹt của người vợ chết trôi trong “Kẻ ngoại lai”. Có xác chết nằm dưới mồ được bươi bới lên để xem cho rõ mặt mày như trong “Nghiệp chưa hề an nghỉ”. Có xác chết đi rồi sống lại, lồm cồm ngồi dậy trong quan tài như trong “Dị mộng”. Có xác người cha được đứa con lạnh lùng vung mã tấu chặt đầu sau khi ban “lệnh hành quyết” như trong “Bạch hóa”. Có xác người vợ được người chồng phanh da xẻ thịt, tháo rời từng bộ phận, “chọc cho hết huyết trong người” như trong “Xứ động vật vào ngôi”. Có xác bị đám đông xúm lại đập hội đồng thành đống thịt tơi tả bầy nhầy như trong “Xứ động vật mưa hồng”…

Hiếm có nhà văn nào “giết” nhân vật của mình nhiều như CTB, giết không chùn tay, không thương tiếc. Không thiếu kiểu giết chóc nào trong truyện CTB, từ những pha thanh toán đẫm máu giữa những tay anh chị trong chốn giang hồ đến những pha bắn giết lạnh lùng, tàn bạo như những tay sát thủ trong phim gangster.

Gấu Chúa thọc thẳng lưỡi dao vào cần cổ Đại ca, ngoáy mạnh một cái, kỹ thuật dứt khí quản cổ gà khi cắt tiết, là xong. Ngoẻo. Hắn đặt cái dao nằm cạnh Đại ca. Cởi áo khoác đắp lên thi hài kẻ đã bị chính hắn thịt. (“Đêm hoang tưởng”)

Bỗng ông sĩ quan viễn chinh xuất hiện ngay bậc cửa. Cô gái thả người chú ra, và nói:

“Chồng cháu đó. Anh không biết nói tiếng Việt.”

Giọng cô khá nhẹ nhàng, thân ái. Nhưng liền đó, người viễn chinh nhấc ngang mũi súng, khuôn mặt lạnh lùng. Và, một loạt đạn nổ giòn. Nổ thẳng vào người cô gái và người chú già nua… (“Kẻ ngoại lai”)

Có những cảnh giết chóc được mô tả cặn kẽ đến từng chi tiết như là phim kinh dị.

Bây giờ người đàn ông khởi đầu cuộc tháo rời một con người. Ông ta phập một ngọn dao thẳng, nhanh, vào ngực, nạn nhân gục ngay… Người đàn ông vừa cười vừa cắt khoanh vòng cái cần cổ người phụ nữ ốm nhỏ, trắng màu da thiếu máu. Những ống thực quản khí quản chòi lòi… Ông làm rất chậm, bình thản như anh thợ sửa xe rã từng phần chiếc xe trước khi làm máy…

Mỗi phần người được đặt mỗi nơi trong phòng. Ông gói một vài vật thịt nhỏ như các ngón tay, hai đầu núm vú, hai con mắt, đặt trong cái tủ gỗ trước đó bọn chợ trời chê không mua, vì tủ đã hư mục…


Trên nền nhà là chừng vài chục cái bao nhỏ, loại vải bố. Người đàn ông bỏ mỗi phần người vào mỗi bao. Bao có hai cánh tay. Bao đựng cái đầu. Bao vú ngực – hai núm vú đã ủ trong tủ. Bao lườn bụng phèo ruột. Hai bắp vế được cắt rời khỏi cẳng chân. Cẳng chân trái và bắp vế phải nằm chung một bao, và ngược lại.
(“Xứ động vật vào ngôi”)

Chết đủ kiểu. Chết lành, chết dữ. Chết đẹp, chết bạo. Chết từ tốn, chết trở tay không kịp. Chết tàn khốc, chết độc địa, chết ngang tàng, chết không giống ai. Có xác chết buồn bã, có xác chết tươi tỉnh. Có người lấy chết làm vui, có kẻ enjoy những “bữa tiệc máu”.

Chết là nỗi ám ảnh hay là một triết lý? Thử nghe CTB “tản mạn” về cái chết:

Sống nơi này Sống cách nào cũng là một cách Chết. (“Xứ động vật vào ngôi”)

Chết là “món quà tặng không phát lần thứ hai”. (5)

Trong một chế độ mà người Sống nơi này phải im re như gỗ đá thì chế độ ấy phải nhận hậu quả từ đồng loạt những cái Chết phát biểu. (5)

Chết, như thế, là một cách phát biểu. Người sống “không lên tiếng được thì nhờ cái Chết lên tiếng”. (5)

Người chết là vậy, người sống trong truyện CTB cũng chẳng khá gì hơn, cũng chỉ là những xác chết chưa chôn, cũng sống dở chết dở, sống không ra sống, chết không ra chết, như những Dĩ An, những Trinh…

Từ những nghiền ngẫm về cái chết cho đến việc thể hiện những cảnh giết chóc ngoạn mục,

CTB “có khả năng” bị ma nhập, quỷ ám chứ không phải chơi.

Không “quỷ ám” mà lại dựng truyện ông Chiêu chịu chi để dụ dỗ Trinh “bày hàng” (gọi là “làm nghệ thuật cởi quần áo”), lại còn bày đặt tán tụng “cô là hình bóng của cứu rỗi”, là thánh nữ, là thần tượng (“thần tượng” mà đói nhăn răng, suýt phải đi ăn mày, phải đi bán trôn để nuôi miệng). Ông Chiêu là một dạng quỷ sứ đội lốt thầy tu, là con người giả trá, đểu cáng, bệnh hoạn, nhưng làm ra tuồng nhân nghĩa, trí thức, hào phóng.

Không “quỷ ám” mà phát ngôn khơi khơi thế này:

– Một nước có thể có hai anh hùng nhưng trong nhà hai chị em không nên làm đĩ cả hai mày hiểu chưa? (2)

Ít thấy ai ví von kiểu ấy, người hùng và ma cô, đĩ điếm.

Không “quỷ ám” mà hạ bút viết những câu đối thoại như thế này:

– Tao “ăn” cái nước rửa của người mày đây Trinh ơi. (3)

– Tớ biết trong cái tô cháo tanh loãng này có máu kinh nguyệt của đàn bà. Ta đang nhâm nhi kinh nguyệt. (“Xứ động vật vào ngôi”)

CTB trộn lẫn, nhào nặn thanh khiết với tục tằn (như cuộc sống luôn luôn có hai mặt).

“Văn chương tôi là văn chương kinh nguyệt. Một loại máu đi ra từ cơ thể Mẹ… Văn chương kinh nguyệt là thứ văn chương cam uất, hóa mình tẩy rửa, để sau đó cưu mang tinh hoa truyền đời qua trứng. (5)

Văn chương kinh nguyệt ấy cũng tràn vào những dòng thơ CTB. Đôi lúc ngẫu hứng CTB quay ra làm thơ. Từ những câu lục bát mượt mà…

Từ hôm Em đến Tiền Đường

nước thiên thu, vẫn một dòng buồn tênh (Nhớ Kiều)

đến những câu thơ ngai ngái, lung lung “mùi của gió mùa” (4).

Trời đang mưa,

có bao giờ mưa kinh nguyệt.

Nhưng tiếng đàn bờ cỏ lối thơ

đã rẩy màu

Kinh và Nguyệt (“Xứ động vật vào ngôi”)

CTB viết khỏe, viết bạo, viết cực nhanh, viết như bị quỷ ám. “Ngồi vào trước máy chữ–bây giờ là máy vi tính–hít thở mạnh, là nhập hồn. Mỗi lần tôi nhập hồn bên máy vi tính thì coi như tôi ‘chết’ rồi,” (1) ông nói.

CTB viết như cào rách mặt giấy, viết như ném những cảm xúc bừng bừng lên trang chữ, như người họa sĩ ném tới tấp những tảng màu lên khung bố, như người nhạc sĩ nện thình thình những nắm tay lên bàn phím dương cầm, như người võ sĩ nện bình bịch những nắm đấm căm hờn lên bao cát.

Đọc CTB riết có khi bị quỷ ám lúc nào không hay.

 

3.1. “Ai tỉnh, ai điên” (7)

Một trong những thủ pháp của nhà văn có bản lãnh là cách xây dựng nhân vật truyện. Nhân vật phải “sống”; hơn thế nữa, phải “sống” trong người đọc về lâu về dài. Ở CTB, mỗi nhân vật là mỗi nhân dáng, mỗi tính cách khác biệt, không trùng lắp, vai nào ra vai nấy, từ vai chính đến các vai phụ. Vai chính thì không phải bàn, vì không “sống” được thì truyện cũng không sống nổi. Vai phụ của CTB xuất hiện khi cần thiết, đúng lúc, đúng chỗ. Xong, biến đi, nhường chỗ cho vai khác.

Như vai Lâm, em trai của Dĩ An trong “Ngoại ô, Dĩ An, và linh hồn tôi”:

Lâm từ quân trường viết thư về bảo tôi tìm cách giết chị Dĩ An đi. Tôi đọc thư bằng nước mắt.

Cũng vai Lâm:

– Chị Bích Ty ạ, Dĩ An mà chết đi chắc chúng ta phải ân hận suốt đời.

Tôi nghe câu nói của Lâm như nghe điệu buồn vô tận.

Cũng lại vai Lâm:

– Em van chị, đừng làm em buồn.

Nói xong Lâm quay mặt đi, giấu những giọt nước mắt lăn trên má. Ðứa em ngang tàng của tôi hôm nay trở về chứng kiến sự tang tóc của gia đình.

Rồi Lâm lên đường. Người lính trẻ tìm cuộc hành trình riêng cho mình.

Chàng thanh niên ấy lầm lũi đi vào cuộc chiến mang theo nỗi đau của quê hương rách nát hòa lẫn nỗi đau của riêng mình.

Hoặc như vai Mậu Đui (đui, nhưng “sáng mắt sáng lòng” gấp nhiều lần những kẻ có hai mắt mà như đui) trong “Thằng bắt quỷ”. Mậu Đui chỉ xuất hiện ở màn cuối bi hài kịch, ôm đàn cất cao tiếng hát trong đêm thanh vắng dưới “vầng trăng mọc cheo leo” (3), khi sương khuya ướt đẫm nhà mồ, bên ngôi mộ của Trinh và giữa đám cái bang đệ tử của Thằng Bắt Quỷ.

Đọc CTB, lắm khi bắt được những chi tiết khá thú vị. Có khi là cái nhìn sắc bén và giác quan tinh tế của nhà văn, như trong “Thằng bắt quỷ”:

“Đến trong tia nắng cũng mang một tiếng thở dài (3)

“Chiêu như một bóng quạ lớn xăm xăm đi tới” (3)

Có nhiều “quạ” như thế trong truyện CTB. Quạ rình rập chực bắt gà con ngây thơ như Trinh.

“Trinh ngồi sau yên xe, nghe mùi tóc của Chiêu như mùi một bụi tre già (3)

Cái “mùi một bụi tre già” ấy phả ra từ cơ thể một người đàn ông luống tuổi, nhiều phần không phải là mùi dễ chịu.

Có khi là những chữ và nghĩa mới mẻ đến lạ lùng, như cách gọi của CTB, “những vì sao lạ trong ngôn ngữ” (6). “Những vì sao lạ” khi ẩn khi hiện, tìm thấy rải rác trong bất cứ truyện nào. Cũng “Thằng bắt quỷ”:

“Vầng trăng mọc cheo leo

“Những suy nghĩ nát vụn

“Bầu trời đầy mây khô và đen, như ung bướu lang thang

“Tất cả toát ra một tiếng sét hoang đường

“Phải chăng nhật nguyệt phai màu, âm dương thượng hạ bất phân

“Trước mặt Trinh, Bắt Quỷ là một đấng Thần-Linh-Xuống-Cấp

“Nghệ thuật phải thật sự phát khởi từ tấm lòng, cho dù u tàng thảm đát

“Phút giây ngắn ngủi đó trở thành miên trường”…

Chữ “miên trường” của “trung niên thy sỹ” Bùi Giáng không dễ hiểu chút nào nên ít ai dám xài, CTB thì… chơi luôn. Nhà văn có vẻ chịu cái điên và “thơ điên” của Bùi Giáng.

“Điên chơi cho bớt điên đầu

Điên đầu cho bớt điên rầu rĩ chơi”

“Điên chơi” chứ không điên thiệt. Điên để giải phóng đầu óc. Người điên, ta cũng điên.

“Gặp người tôi tưởng người điên

Gặp tôi tôi tưởng tôi điên như người”

CTB không dấu vẻ ngưỡng phục Bùi Giáng. “Sức điên, sức rong chơi, sức đọc, sức làm việc của Bùi Giáng là vô cùng tận,” ông nói. “Bùi Giáng giàu ngôn ngữ như cát bãi biển. Mỗi chữ lại ẩn tàng nhiều mặt biểu hiện, đa dung mạo, đa nội lực.” (8) Ông gọi Bùi Giáng là “Tề thiên ngôn ngữ”.

Chữ nghĩa CTB đôi lúc cũng “lốc cốc tiên sinh” không khác chi văn chương Bùi Giáng.

“Không có mấu chốt nào cả khi cái Mới phủ nhận ngay cái Chưa-qua. Không hề có cái Đứng-yên, trong văn chương nghệ thuật, khi bao tư trào lưu chảy nổi lửa sóng cuồng cổ điển hiện đại tiền hậu tân cựu nội ngoại tâm diện được mau chóng nhận diện tức tốc hình thành tức tốc ảnh hưởng phủ trùm rồi chớp nhoáng chui vào cửa hầm quá khứ.” (1)

CTB, ông có “điên” không? Tôi nghĩ là không (hoặc nếu có điên, tôi chắc ông phải điên kiểu khác chứ không như Bùi Giáng). Ông tỉnh táo hơn ai hết. Tỉnh như sáo. Phải hết sức tỉnh táo mới viết được tỉnh rụi, tỉnh queo như thế.

Ông không điên đâu, mặc dầu nơi ông đang sống ai cũng dễ “dở điên dở khùng”, và khó mà biết được đích xác ai sáng ai mù, “ai tỉnh ai điên” (7). Nhiều lắm, đôi lúc ông chỉ “điên chơi cho bớt điên đầu” thôi.

“Tôi có một kho tàng sống qua mấy thời kỳ. Chỗ giáp ranh của thực hư, chính tà. Nửa tỉnh nửa điên.” (1)

Ông “điên chơi” mà rất “tỉnh”. Ông chỉ “điên” nếu không viết xuống được những gì dồn nén, chật cứng ở trong đầu.

“Không viết thì tôi điên. Tôi viết nhiều, viết mịt mùng. Tôi phải có chỗ mà trải ra chớ.” (1)

Cái chỗ nhà văn “trải ra” ấy làm nên cõi văn chương “mịt mùng” CTB. Trong đó, là những nhào lộn của chữ và nghĩa, là những pha trộn giữa điên và tỉnh, giữa hư và thực, tựa như đời sống ấy, những tình tiết ấy, những nhân vật ấy vừa có thật lại vừa không có thật. Bước vào cõi văn chương ấy là bước vào thế giới kỳ bí, chưa hề có dấu chân người, như thực như mơ, như ngọn đèn hắt hiu leo lét, như ánh nến lung linh chập chờn.

CTB viết văn như người làm trò quỷ thuật.

Đọc CTB riết cũng muốn “điên đầu” chứ không phải chơi.

 

3.2. Chuyện tiếu lâm Cung Tích Biền

Lịch sử từ lâu nhường bước cho một đám sinh vật bốn chân thủng thỉnh đi qua. (“Thừa dư”) (4)

Đọc “sinh vật bốn chân” thì còn ngờ ngợ, nhưng đọc tới “thủng thỉnh đi qua” thì không còn chỗ nào ngờ vực nữa.

CTB có máu khôi hài lạnh. Ông viết truyện như người kể chuyện tiếu lâm thời đại, những chuyện tiếu lâm siêu thực. Ai muốn hiểu sao thì hiểu. Ai hiểu thì cười, ai không hiểu thì không cười. Ai cười thì cười, mặt mũi ông vẫn lạnh như tiền.

Đọc truyện CTB cần đọc kỹ, thật kỹ, để “bắt” được, hay để “phát hiện” (từ ngữ ở trong nước) những chuyện “tiếu lâm” ẩn tàng trong mỗi truyện. Có khi cả cái truyện là câu chuyện tiếu lâm thời đại.

Đọc truyện CTB là luôn phải “đề cao cảnh giác”. “Ý đồ” gì đây? Có gì lấp lửng, chập chờn, ẩn nấp giữa những trang chữ, những hàng chữ. Truyện CTB cần đọc “between the lines” hoặc “behind the lines”, cần đọc ngược, đọc xuôi, cần đào xới, lật tung các câu, chữ lên để lục soát kỹ càng xem có gì lẩn khuất phía sau những ngôn từ ấy.

Đọc truyện CTB là tập trung tư tưởng để tham dự vào trò chơi “đố vui để học”. Nhà văn “dziết dzậy mà hong phải dzậy”. Người đọc tự đặt ra những câu hỏi và tự tìm ra câu trả lời.

Đọc truyện CTB là đọc đi rồi đọc lại. Đọc một lần chưa “thấy” thì đọc lần thứ hai, thứ ba… sẽ thấy hiện ra lần lần, rồi… bật ra tràng cười sảng khoái vì câu “chuyện ‘tếu lâm’ CTB”.

Tôi đã và vẫn đang đọc truyện CTB theo lối ấy. Đọc một lần, cười mỉm mỉm, rồi để đó. Lúc rảnh rảnh, buồn buồn, đọc lại. Mỗi lần đọc lại, “phát hiện” thêm điểm sáng bất ngờ, cười sằng sặc. Truyện CTB làm như lúc nào cũng “mới”.

Ngày xưa tôi từng “chấm” CTB là một trong những tác giả viết truyện thời chiến hay nhất, ngày nay lại phải thêm rằng, “truyện thời bình” của CTB ít có ai viết hay hơn. Truyện CTB là bức tranh hí họa phản ánh rõ nét “hiện tình đất nước”. Phải gọi CTB là nhà kể chuyện tiếu lâm có đẳng cấp. Những chuyện khôi hài đen của CTB thường là “chuyện cấm cười”. Thử đọc bất kỳ một “truyện ngắn tự chọn” nào của CTB cũng thấy được cái phong cách tiếu lâm rất “Cung Tích Biền” ấy. “Rừng đom đóm” chẳng hạn. Chuyện kể một anh chồng thuê người sơn phết, tô son điểm phấn cho cái xác chết của vợ mình, và đòi phải chơi toàn “màu hồng”. Môi hồng, má hồng, móng tay móng chân tất cả đều phải tô hồng.

– Đẹp đẽ gì khi đã nằm thẳng cẳng trong quan tài!

Người đưa ra câu bình phẩm ấy nhận được lời giải thích:

– Vua Chúa vẫn thường kẻ mắt vẽ mày cho người thân yêu trước khi tẩm liệm. Họ muốn người chết nằm đó để người sống nhờ oai linh.

Chưa hết, anh chồng trong truyện ấy có một biệt tài: giả lé.

Mạnh có một kỹ năng kỳ lạ là đột ngột trợn ngược con mắt, tức thì đảo cái lòng đen vào mí mắt. Lúc ấy một mắt của Mạnh chỉ toàn lòng trắng, trông dễ sợ. Mạnh có thể lé-tự-do như thế hằng giờ… Ở chốn đấu tranh, thực tình người ta rất sợ anh lé. Có thể rõ ràng anh ta đang nhìn thẳng vào mặt bạn nhưng lại đối thoại với kẻ khác. Nghĩa là anh ta rất thực tình để cống hiến một sự dối trá.

“Rất thực tình để cống hiến một sự dối trá” (nghĩa là “dối trá một cách thành thực”), có lời nào chính xác hơn? Chưa hết, CTB kể tiếp:

Tôi tìm tới Mạnh học “giả lé”… Suốt một tuần lễ, theo lời chỉ giáo của Mạnh, trước tấm gương soi, tôi trợn trừng sưng cả mắt, vẹo cả đầu, sái quai hàm, cứng đơ cần cổ mà không tài nào lé được như Mạnh. Tôi than phiền. Mạnh nói: “Như vậy là cậu chưa định thần được. Trước tiên cậu phải lé-tư-tưởng, sau mới lé-thể-chất. Không hiểu biện chứng là tư tưởng chỉ đạo hành động à?”…

Tôi hiểu, ngoài tính ác, cái gian, Mạnh còn giàu ảo tưởng. Đúng hơn, Mạnh chế ngự người khác bằng cách thánh hóa những điều ngu dốt của mình; dần dà Mạnh quen với sự lộn ngược đó.

“Chế ngự người khác bằng cách thánh hóa những điều ngu dốt của mình”, còn lời nào chính xác hơn? Vẫn chưa hết, CTB lại kể tiếp:

Con cái Mạnh rất kháu khỉnh, nhưng lạ thay, một trong ba cháu – Hà Yên – có một đôi mắt làm sao ấy. Lúc chào, một con mắt Hà Yên nhìn thẳng vào tôi, còn con mắt kia rõ ràng là nhìn ra hiên ngoài. Độ nhìn hai mắt ánh lên khác nhau; một con rất thực rành đời, còn thị lực con kia mơ màng, như mơ nghĩ một tiền kiếp nào đó. Vì vậy mà khuôn mặt trẻ thơ của cháu dường như có sự phân ly giữa ảo và thật, cơn mơ hoang vật vờ đang trôi nổi trên một tương lai sẽ tới.

Tôi suy nghĩ mãi về khuôn mặt Hà Yên. Thế đó, một đời cha lấy-giả-làm-thật; một đời con có cái thật đó mà mãi mãi khó hoàn chỉnh. Lộng giả thành chân.

“Lấy-giả-làm-thật”, “lộng giả thành chân”, chẳng biết đâu là thực là ảo, là thiện là ác. Vẫn chưa hết, cũng anh chồng ấy đóng vai ông bố giáo dục con cái:

Mạnh phán: “… Tao rộng lòng tặng luôn chúng mày cả một bầu khí quyển. Tao có bắt buộc chúng mày phải thở hít theo kiểu nào đâu. Tha hồ thở. Nhưng sống thì phải ở dưới quyền tao.” Nghĩa là Mạnh tặng những thứ rỗng không nhưng rất đắt chỉ ở chỗ trừu tượng đó.

“Tha hồ thở”, cũng tựa như tự do… lé. Cái quyền tự do quý báu mà anh chồng được thừa hưởng trong một đất nước tự-do-hạnh-phúc là tự do lé. Anh chàng tha hồ triển lãm quyền tự do phơi phới của mình cho bà con cô bác thưởng ngoạn mà không hề bị ngăn cấm. Đấy cũng là những thời khắc hiếm hoi mà anh ta có thể enjoy quyền làm người của mình.

Người đọc sẽ tự đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi “đố vui để học”: “Anh chồng ấy là ai?”, “Đứa con ấy là ai?”, “Cái xác chết ấy của ai?” và sau hết, “Cái tên truyện ấy mang ý nghĩa gì?” (người ra câu đố có thể cho cái hint để mách nước: “Người ta hay nói ‘đom đóm…’ làm sao?”… “Đúng rồi! ‘Đom đóm lập lòe’”).

Có vẻ CTB luôn muốn khai phá, muốn tìm kiếm những thử nghiệm mới mẻ trong cách viết. Thế giới trong truyện CTB ngày càng thâm u như khu rừng nhiệt đới. Tôi không chắc những truyện của ông về sau này (với những huyền hóa, huyền hoặc, những ẩn ngữ, ẩn dụ, ẩn tàng, ẩn mật… mà không chắc là ai cũng giải mã được) có “hút” độc giả bằng những truyện ngày trước. Nếu ngày trước Võ Hồng–một trong những nhà văn viết truyện ngắn hay nhất ở miền Nam–nói rằng ông rất chịu văn CTB, thì ngày nay Vũ Hạnh, ông thầy dạy mấy-giờ-Việt-văn của CTB lại nói khác, “Cái thằng sĩ quan Ngụy này dựng hình tượng ẩn dụ phủ nhận hiện thực quang vinh, để chống Đảng ta.” (5) Phê phán cái tên truyện “Vỡ hoang trước bình minh” của CTB, thầy giáo Vũ Hạnh châm biếm, “Cung Tích Biền là một hoàng hôn, một chút hơi tàn phản động của văn học ngụy quân ngụy quyền rơi sót, chứ bình minh nỗi gì.” (5)

(Cái gì chứ gọi CTB là “một hoàng hôn” thì tôi hoàn toàn “nhất trí”. CTB, trong buổi hoàng hôn của đời người, ông đã mày mò để hoàn thành những kiệt tác, những bức họa nhuốm “màu hoàng hôn ráng chiều đỏ máu” (1), vẽ ra buổi hoàng hôn của một thế giới đang lụi tàn).

Không rõ nguồn cơn nào khiến ông nhà văn tỏ ra hằn học với CTB đến thế (trong lúc môn sinh CTB thì vẫn một mực tôn kính ông thầy, “Dù nửa chữ, tôi vẫn luôn gọi ông là Thầy” (5)), chả nhẽ chỉ vì cái bút lực của tay “học trò” mấy-giờ-Việt-văn ngày nào nay đã đạt mức cao diệu đến “bóp kèn qua mặt” cả ông thầy. Tôi tin là CTB ít nhiều đã “vận dụng một cách sáng tạo” thủ pháp văn chương của tác giả “Bút máu”; hơn thế nữa, lại còn đi xa hơn, táo bạo hơn, độc địa hơn (như một phương cách “dĩ độc trị độc” và “gậy ông đập lưng ông”) qua những câu chuyện tiếu lâm thời đại ấy.

Người đọc tìm đến văn chương CTB một phần cũng do bị hấp dẫn bởi nghệ thuật trào lộng đến cười ra nước mắt của ông.

 

4. Văn chương thời thế và giấc mộng rỗng không

CTB ở lại trong nước, có khi mà lại hay. Ra nước ngoài, biết ông có còn sung sức hoặc còn hứng thú để mà “hành nghiệp” hay lại cũng đến như phần lớn các nhà văn quen tên ngày trước, ở nhà thì còn viết này nọ, ra ngoài là chịu thua, chẳng viết lách gì được, hoặc có viết cũng chẳng “đọc” được.

Nhiều truyện ngày trước đọc thấy hay, nay đọc lại không thấy hay nữa hoặc kém hay (vì thời thế đã khác, hoặc vì quan niệm về thẩm mỹ, về giá trị văn học đã khác, hoặc vì trình độ thưởng ngoạn của người đọc đã được “nâng cấp”). Thời gian luôn là thử thách, là thước đo cho tác phẩm nghệ thuật.

Những sách, truyện của các tác giả tên tuổi ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 bị cấm đoán hoặc tái bản rất hạn chế ở trong nước, giá dụ bây giờ được phép lưu hành, trừ một số ít, tôi không chắc sẽ được nhiều người tìm đọc, cũng vì thời thế đã thay đổi và lòng người cũng đổi thay. Người đọc bây giờ đọc những cái khác, những tác phẩm ấy không còn hợp thời nữa.

Những tác phẩm “sống chỉ một lần” ấy tạm gọi là “văn chương thời thế”.

Truyện CTB trước 1975, nếu có được tái bản, ngoài những tác phẩm cùng chung số phận, tôi tin là ít truyện trong số ấy vẫn còn người đọc, và đọc lại vẫn thấy “thấm”. Hơn thế nữa, ông có cái lợi thế hơn các nhà văn “cũ” ở miền Nam là vẫn còn viết được và vẫn có độc giả. Người “chịu” văn ông, sẽ quay lại tìm đọc những gì ông viết ngày trước để xem… ông viết cái gì(?). Không rõ ông còn viết được tới khi nào, có điều hiếm thấy nhà văn miền Nam nào kẹt lại ở trong nước còn viết được ngon lành như ông.

CTB không phải là tác giả có số lượng đông đảo người đọc. Có người thích đọc ông; có người không thích đọc, vì… mệt óc. Có người thích truyện này, có người thích truyện khác. Được cái là ông có một đối tượng độc giả nhất định và chọn lọc. Những ai thích đọc ông ngày trước, ngày nay vẫn muốn tìm đọc ông. Số lượng độc giả này đến nay không mất đi, trong lúc ông lại có thêm lớp độc giả mới. Chỉ hiềm một nỗi, những tác phẩm của CTB có vẻ như không được phổ biến rộng rãi, và thường xuất hiện ở dạng “bán chính thức” vì lý do này lý do khác. Và dường như ông cũng chẳng bận tâm lắm về điều này.

“Đúng, tôi là một nhà văn Độc Lập. Nói cho chính xác tôi tự cô lập bằng cách sống ẩn mình, và thành tâm đoạn tuyệt những mối quan hệ không cần thiết, trong hòa đồng xã hội. Tôi chú mục giữ cái vị thế cô đơn để trọn vẹn cuộc Hành Nghiệp.” Những lời giải bày ấy đọc thấy trong loạt bài phỏng vấn “CTB nói chuyện với Đặng Thơ Thơ (5)

Cái “Nghiệp” (chắc là nghiệp… chướng) ấy chắc phải khá nặng chứ không phải chơi.

“Từ trước 1975, tôi không gia nhập hội Văn Bút của Việt Nam Cộng Hòa… Sau 1975, tôi chưa hề là hội viên bất cứ hội nhà văn nào từ địa phương đến trung ương, mặc ù có lúc tôi được vận động để vào Hội.” (5) CTB hơn một lần giải thích về chuyện “độc lập” và “tự cô lập” của ông (nhà văn không giống ai, và… không ai giống).“Sống ẩn mình” và “tự cô lập” giữa trùng trùng vây bủa của cuộc sống cay nghiệt, đấy là cách thế mà ông chọn lựa để sống, để tồn tại và để có thể tiếp tục viết. Liệu cái “vị thế cô đơn” ấy có giúp ông đi trọn đường trần của “cuộc Hành Nghiệp”?

Đã có người hỏi nhà văn:

Anh viết văn bằng gì?”

Nhà văn cẩn trọng và trầm tĩnh. Vì câu hỏi, trong suy nghĩ của nhà văn, nó không gợi ra hình tượng của viết và mực, của máy đánh chữ, hay cái laptop. Không phải là Viết, mà là tra vấn cái Viết Văn. Không là cái phương tiện hành động mà truy tìm cái uyên nguyên, cái ngẫu nhĩ tương phùng giữa mộng và thực. Nên câu trả lời sẽ có khi treo móc vào khoảng trống. Nhà văn nói:

– Bằng thế giới ảo.”

– Vậy hôm nay là ngày mồng tám Tết, có bọn trẻ nhỏ áo mới đùa vui, có cơn mưa Xuân đổ ở xa xa kia ngoài khung cửa kia, có là ảo?”

– Nơi mỗi tâm thức. Có thể đó là cái có thực trong một Xứ Sở luôn Mùa Đông. (“Mùa xuân có mơ bay”)

“Thế giới ảo” là thế giới chưa bao giờ có thực, hay chập chờn giữa mộng và thực. Viết văn bằng thế giới ảo là chuyện không tưởng, là viết vào khoảng trống, là phù phiếm và vô nghĩa, như lời đối đáp giữa nhà văn và Thằng Bắt Quỷ:

– Anh viết truyện làm chi? Đăng đâu? Nghĩa lý gì chỗ vẽ rắn thêm chân khi thế gian đang biến thành nước thành lửa cả rồi.

Nhà văn trả lời:

– Ta muốn biến Nước – Lửa thành Lời.”

“Biến Nước – Lửa thành Lời”, nghe như chuyện phù phép, mộng mị. Cuộc hành nghiệp (hay “hành hiệp”) của người cầm bút CTB có vẻ không dễ dàng chút nào.

Bắt Quỷ cười, nói:

-Tao ỉa vào bất cứ gì gọi là ngôn với ngữ. Thấy sóng đó không? Hữu âm vô ngôn, vậy mà nó muôn đời.”

Quả là vậy. Có ngôn với ngữ nào bằng tiếng sóng, tiếng gió… Sóng rì rào đến muôn-thuở-muôn-đời-muôn-kiếp-không-phai. CTB, không phải là ông cũng đã hơn một lần “mặc áo Lặng Thinh” đó sao? Đối thoại với Thằng Bắt Quỷ là đối thoại với chính mình. CTB đã làm cuộc đối thoại với chính ông, để tìm được nỗi… rỗng không.

“Đôi khi văn chương tôi là Trống Rỗng,” ông nói, “một cái Lỗ Đen ‘thiếu khả năng nhận ánh sáng’, nên chẳng có gì để rọi soi.” (5)

CTB có vẻ yêu cái “rỗng”. Ông hay nói “rỗng”. Bao thuốc lá rỗng, cái bụng rỗng, con mắt rỗng, bao tử rỗng, trái tim rỗng… Có rất nhiều rỗng và rỗng trong truyện CTB.

Nàng nhặt trái tim ra. Nhìn. Than thở:

– Rỗng Không hà. Khô cả máu. (“Âm bản 3”)

Xã hội bao trùm con một bầu đặc sệt những mùi. Rỗng và lạnh ớn. (“Nhạc điệu của bầy ong”)

Rỗng là sao? Sao gọi là rỗng? Rỗng là lỗ hổng, như cái bình rỗng ruột, như cái đầu rỗng tuếch, như cái hộp rỗng không, như chiếc quan tài rỗng.

Rỗng là giả, là ảo, là nhảm nhí, là vớ vẩn.

Rỗng là trống không, là trơ trụi, là vô nghĩa.

Chiến tranh có rỗng không? Rỗng chứ. Vì… vô nghĩa. Bao nhiêu là sinh linh, bao nhiêu là xương máu đã đổ ra oan uổng cho những chủ nghĩa, những khẩu hiệu rỗng tuếch.

Hòa bình có rỗng không? Rỗng chứ. Vì hòa bình là chuẩn bị chiến tranh, mà chiến tranh thì… rỗng. Rỗng như “Hòa bình nàng tình rỗng” (7). Hòa bình, hay độc lập, hay tự do, hay hạnh phúc, thảy đều rỗng, thảy đều là hàng giả, hàng nhái, là xác chữ, là những mỹ từ rỗng ruột, là “cái ‘giẻ rách’ được gọi là lý tưởng”, nói như CTB. Tất cả đều rỗng, rỗng, rỗng. Còn gì nữa đâu mà không rỗng, cả “thế gian đang biến thành nước thành lửa cả rồi”.

CTB là vậy. Đầy tràn hay rỗng không cũng là ông. Tiếu lâm hay kịch cọt cũng là ông. Văn vẻ hay tục tằn cũng là ông. Bắt quỷ hay quỷ tha ma bắt cũng là ông. Cũng chỉ là một người, CTB.

Có người gọi ông là nhà văn phản kháng. Tôi không thấy ông phản kháng phản tỉnh ồn ào chi cả. Có người gọi ông là chứng nhân của thời đại. Nhà văn nào, xét cho cùng, lại chẳng là nhân chứng cho cái thời đại mình đang sống, lại chẳng muốn “chụp” bằng được những bức ảnh trung thực và sắc nét phô bày cái thời đại ấy.

CTB, ông chỉ muốn “biến Nước – Lửa thành Lời”.

CTB, ông đã bao lần “chạm mặt một ảo ảnh”. Ông đã bao lần đặt câu hỏi “Đâu là bến bờ của niềm hy vọng?” như đặt dấu chấm hết cho truyện ngắn ấy, “Dị mộng”. Ông biết mình đang đứng nơi đâu, trên những bến bờ nào. Bên này bờ trống không, bên kia bờ có gì? Những bến bờ mênh mông, bát ngát, chập chùng.

CTB, cho dù ông có muốn viết như thế nào, ẩn dụ hay “bạch hóa” (7), đồng sàng hay “dị mộng” (4), thiếu đủ hay “thừa dư” (4), cho dù ông có muốn tô vẽ, sơn phết màu mè như thế nào (màu hồng, màu huyết dụ…, hay màu gì gì khác) cho cái “xứ động vật” của ông, thì nơi ấy vẫn không hề đổi thay, vẫn ngàn-năm-mây-bay, vẫn muôn-đời-muôn-kiếp-không-phai. Rồi mai kia mốt nọ, dẫu ông có âm thầm lặng lẽ nhắm mắt xuôi tay từ biệt thế gian này thì cái điệp khúc ấy vẫn cứ vang vọng hoài, “Anh ra đi nơi này vẫn thế…”, và tôi chắc rằng ông cũng chẳng mang theo được gì, ngoài nỗi trống rỗng mênh mông đến vô cùng tận.

Như ông đã để một vai kịch trong “Thằng bắt quỷ” phát ngôn thay cho mình:

“Tôi hòa tan cùng giấc mộng rỗng không”.

 

Lê Hữu

 

______________________________________
Ghi Chú
(1) Cung Tích Biền trả lời phỏng vấn, “Đành lòng sống trong phòng Đợi của lịch sử”, Lý Đợi thực hiện,www.talawas.org, 1/2/2007
(2) Ngoại ô, Dĩ An, và linh hồn tôi, truyện ngắn Cung Tích Biền
(3) Thằng bắt quỷ, truyện ngắn Cung Tích Biền
(4) Tên một truyện ngắn sau năm 1975 của Cung Tích Biền
(5) Cung Tích Biền trả lời phỏng vấn, “Cung Tích Biền nói chuyện với Đặng Thơ Thơ”, Đặng Thơ Thơ thực hiện, www.damau.org, 24-27/03/2008
(6) Cung Tích Biền nói về truyện ngắn, “Những truyện ngắn hay nhất trên quê hương chúng ta”, Nxb Sóng, Saigon, 1973
(7) Tên truyện trước năm 1975 của Cung Tích Biền
(8) Cung Tích Biền,Bùi Giáng, nhà thơ của ngày tháng ngao du”, Tạp chí Hợp Lưu, Calif. 12/98 & 1/99

 

 

Bài Mới Nhất
Search