T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyên Lạc: ĐỌC THƠ CỔ NHỚ NGƯỜI XƯA: NGUYỄN DU

Tượng đài nơi Khu lưu niệm Nguyễn Du ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (Photo: VietnamPlus)

 

THƠ TƯỞNG NIỆM NGUYỄN DU

Nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Tiên Điền Nguyễn Du (1820- 2020) tôi làm bài thơ tưởng niệm này:

TƯỞNG NIỆM NGUYỄN DU

“Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” *

 

*

Nến trầm đêm đọc người xưa

“Thập loài văn tế” xót xa hồn này

Tiên Điền thơ cổ kinh thay

Rợn hồn từng chữ từng lời oan khiên

.

“Còn chi ai quí ai hèn

Còn chi mà nói ai hiền ai ngu

Một phen thay đổi sơn hà

Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu” [1]

.

“Long thành cầm giả” khúc đau

Ngậm ngùi thơ cổ bể dâu cuộc đời

Sắc hương đệ nhất một thời

Ðàn cầm thánh thoát giờ rồi tàn phai [2]

.

Trăm năm thoáng chốc thở dài

Bồi hồi chuyện cũ thương ai mà buồn

Động lòng khói sóng Tiền Đường [3]

Thương Kiều phận bạc “Đoạn trường tân thanh”

.

Hai trăm năm đấng tài danh

Bài thơ tưởng niệm con dâng tặng người

Đất nước tôi dân tộc tôi

Nguyễn Du hai chữ rạng ngời Việt Nam

……………

* Không biết hơn ba trăm năm sau/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như?- Độc Tiểu Thanh ký- Nguyễn Du

[1] Câu thơ trong “Văn tế thập loại chúng sinh” – Nguyễn Du

[2] Quái để giai nhân nhan sắc suy/ Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng/ Khả liên đối diện bất tương tri – “Long thành cầm giả ca” – Nguyễn Du

[3] Thúy Kiều trầm mình trên sông Tiền Đường- Đoạn Trường Tân Thanh

Nguyên Lạc

 

BÀI THƠ TƯỞNG NIỆM CỦA LÂM THANH SƠN

Sẵn đây, tôi xin giới thiệu đến các bạn thêm bài thơ tưởng niệm Nguyễn Du của bạn Lâm Thanh Sơn, ở Hà Nội – một trong những người thuộc nhóm Tình Tự Dân Tộc chúng tôi, nhóm quyết chí giải oan cho đại thi hào Nguyễn Du – cụ bị “ai đó” kết án “đạo văn” Kim Vân Kiều Truyện của Tàu, “bê nguyên xi” truyện này dịch ra văn vần: Đoạn Trường Tân Thanh- Truyện Kiều. [*] (Link: Nhóm Tình Tự Dân Tộc)

Đây là bài thơ của tác giả Lâm Thanh Sơn:

NHỚ NGUYỄN DU

Kính Gởi Cụ Tiên Điền

(Nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du 1820- 2020).

Hai trăm năm đã trôi qua

Hoa tàn, trăng khuyết xót xa những chiều

Đâu Kim Trọng, đâu Thuý Kiều?

Ai làm tan những lời yêu đá vàng …

 

Giai nhân, tài tử bẽ bàng

Long thành nức nở tiếng đàn Cầm ca

Mấy triều đại ấy trôi qua

Ngai vàng, điện ngọc hoá ra bụi rồi

 

Chỉ còn lại bấy nhiêu lời

Giữa nhân gian với cuộc đời đảo điên

Nào ai vua sáng, tôi hiền

Triều sau, sóng trước triền miên cõi người

 

Anh hùng cũng đến thế thôi

Văn nhân, thy sỹ cũng đời bỏ đi

Bảng vàng, bia đá ra gì

Ngàn năm dầu dãi khắc ghi hận lòng

 

Lối người xưa phủ rêu phong

Một lời một vận vào vòng tai ương

Con nghe trong sóng Tiền Đường

Chiều nay ngào nghẹn đoạn trường tân thanh …!

 

LỜI KẾT

“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn” (Phạm Quỳnh)

Bài diễn thuyết về Truyện Kiều này được Phạm Quỳnh đọc nhân lễ kỷ niệm ngày giỗ Nguyễn Du vào ngày 8 tháng 12 năm 1924, tức ngày mồng 10 tháng 8 năm Giáp Tý do Hội Khai trí tiến đức của ông tổ chức.

Nhân đọc lại dòng thơ cổ làm rạng danh nước Việt, tôi đốt 3 nén hương trầm để tưởng nhớ đến người xưa, đến công ơn của tiền nhân: Đại thi hào Nguyễn Du, người đã đóng góp biết bao công sức cho nền văn học nước nhà.

Nguyên Lạc

……………

[*] Đổng Văn Thành – China cho rằng: “Nguyễn Du chẳng những chỉ mượn đề tài của tiểu thuyết Trung Quốc mà dường như bê nguyên xi […]. Nguyễn Du không có bất kỳ một sáng tạo mới nào, chỉ chuyển thuật khá trung thực nội dung tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân…” [ “Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng” GS. Đổng Văn Thành – Theo Phạm Tú Châu “So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam”]

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search