T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Qua chuyến phà xưa

 

Bến phà Âu Lâu

California, mùa Tạ ơn 2005…Báo chí Việt ngữ hải ngoại nhất loạt tường thuật trận bão số 7 gần như lớn nhất từ trước đến nay đổ vào các tỉnh châu thổ sông Hồng. Sau khi tàn phá hai tỉnh Nam định và Ninh bình, bão chuyển hướng đâm thẳng vào Yên Bái. Lũ lụt quét sạch phía hữu ngạn sông Hồng từ bến phà Âu Lâu đổ xuống hạ nguồn…

*

Địa danh Âu Lâu làm tôi nhớ lại Yên Bái, mùa hè 1976 mà các anh em tù cải tạo chúng tôi được xe lửa chuyển lên đây đều phải qua chuyến phà này trước khi được phân phối kẻ ở lại Yên Bái, người đi tiếp Lai châu, Sơn la, Nghĩa lộ nằm dọc hai bên sườn dãy Hoàng liên sơn, nơi có ngọn núi cao nhất Đông dương Fan-si-pan. Bến Âu Lâu nằm ngay cạnh thị xã Yên Bái, ai lên mạn ngược đều biết địa danh này. Từ 1954, khi dân Hà-nội cũ bị chế độ mới đẩy đi kinh tế mới, bến Âu Lâu là nơi một đi không trở lại. Số phận anh em chúng tôi cũng sẽ ‘không trở lại’ nếu không có cuộc chiến biên giới nổ ra giữa Trung cộng và Việt nam ba năm sau ngày chuyển ra miền đất heo hút này.

*

Cứ theo bản tin thì vùng bến phà này đang chịu cơn thiên tai tàn phá nặng nề. Cùng chung số phận với các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, thiệt hại về người và của ngoài khả năng cứu trợ của địa phương. Chính quyền Hà nội phải kêu gọi quốc tế yểm trợ, đặc biệt là kêu gọi tấm lòng hào hiệp của đồng bào hải ngoại, những người mà trước đây họ gọi là những kẻ ‘bỏ nước ra đi’.

Người Việt ở quận Cam, nơi gia đình tôi ở phong trào quyên góp rất mạnh, thậm chí nhiều vị hàng ngày rất hăng hái cho việc đấu tranh vì nhân quyền, tự do và dân chủ cho Việt nam, nay cũng quay sang hô hào cứu trợ hết mình. Thế mới biết người Việt mình không thể bỏ nhau, cho nên các ông cộng sản biết quân ta yếu về mặt này nên hễ có chuyện là họ dùng ‘khúc ruột ngàn dặm’ để o bế mấy ông bà bỏ nuớc ra đi trước đây, kể cả đám cựu tù chúng tôi một thời đã là nạn nhân của chế độ.

Tôi có ông anh bà chị kết nghĩa tuy đã về hưu dành dụm không có nhiều, nhưng về mặt gây quĩ và huy động con cháu cho vụ cứu trợ này lại rất hiệu quả. Lúc này ở Mỹ đang là mùa Thanksgiving, không khí gia đình bạn bè xum họp khá là nhộn nhịp, nên rất tiện cho việc quyên góp. Gia đình anh chị có 9 người con, có vợ có chồng nhân đôi là 18, các cháu ở tuổi đi làm nhân 3 là 27, cộng chung gần tròn 50. Mỗi đứa trung bình đóng góp 100 là đã có năm nghìn đô.

Cứ theo lối tính nhẩm của bà chị tôi thì đổ đồng là như vậy. Nhưng thực tế hai cô con gái có tiệm nails đã tự nguyện đóng góp một nửa số tiền này. Anh chị lại có quan hệ rộng rãi, bạn bè biết anh chị về cứu trợ nên nhờ chuyển dùm góp lại đâu được hai ngàn. Một nhà chùa dưới Santa Ana vốn tin anh chị, sau khi quyên góp của đệ tử được trên ba ngàn cũng nhờ mang về làm công quả. Vị chi là mười ngàn đô, tối thiểu cũng giúp được cả trăm gia đình. Khâu ăn ở, di chuyển anh chị tôi bao.

Cũng may là nhà nước cộng sản quá cần sự tiếp tay nên họ bằng lòng cho phép chuyển thẳng nguồn cứu trợ đến tay nạn nhân, khỏi qua trung gian xã huyện thường hay có chuyện bớt xén. Địa điểm cứu lụt được tôi gợi ý là khu bến phà Âu Lâu gần thị xã Yên Bái. Tuy chỉ ở đây thời gian không lâu, nhưng tôi hiểu cái rét vùng này nên có nhắc chị tôi tìm mua một số chăn mền và nên trao thẳng tiền mặt cho người thụ hưởng. Nhờ có vài thằng cháu ở Hà nội giúp sức nên chuyến đi ‘thành công’ ngoài dự kiến.

*

Sang lại Mỹ, qua câu chuyện thuật lại tôi được biết thị xã (nằm bên tả ngạNsông Hồng) bây giờ có đổi thay, dân tình có khá hơn. Khách du lịch ai muốn đi SaPa (điểm du lịch số 1 miền núi) phải qua Yên bái, nên tuyến đường lên Lào cai không còn heo hút như xưa. Nhưng vật đổi sao dời anh chị tôi bảo chú cứ xem cuốn video sẽ rõ.

Dù tôi chưa hỏi mà tình cờ lại được nghe là nhân ông bà vào thăm chính quyền xã để trình giấy tờ cứu trợ, viên chủ tịch rất đon đả khoe chuyện đã giúp việc lấy cốt các cựu tù tại chân ‘đồi cây khế’ (trong khu trại cũ ngày xưa tôi ở) nhưng thực chất là một dịch vụ làm ra tiền góp phần đáng kể cho ngân sách xã. Chính nhờ thân nhân, con cái của các gia đình H.O. có người thân chết trong tù sau đi định cư tại Mỹ đã quay về đây hốt cốt theo lời chỉ dẫn của một ông cựu tù bên Texas cùng sự quảng bá nhiệt tình của mấy ký giả hải ngoại bên Cali. Thế là nhiều ông bạn tôi nằm lại năm xưa cũng được đi Mỹ tuy hơi muộn màng nhưng phần nào giải tỏa nỗi ray rứt cho những người thân mong ngóng chồng cha cả mấy thập niên.

Phần tôi, xem được vài đoạn băng anh tôi mới quay, thì cảnh vật vùng đất này, ngày xưa chúng tôi gọi ‘vùng đất chim độc thoại’, có quá nhiều thay đổi. Phà xưa nay chỉ còn cái tên, một cầu dây đã được bắc qua sông, tuy bị bão đánh sập nhưng nghe nói sẽ phục hồi lại. Con đường từ phà nơi chúng tôi tập trung 50 người một toán lên xe để đi Sơn La, Nghĩa Lộ như câu chuyện nhà thơ Như Hoa đã kể, nay đã trải nhựa nới rộng hai bên, nhiều đoạn lúc mở đường và phát quang cũng có công tù chúng tôi ba muơi năm cũ. Nhớ lại chuyến đi bắt heo tại xã Việt Hồng giờ đây lũ lụt quét sạch, đến nỗi bãi phù sa dọc phà trải dài vào sâu trong thung cả chục cây số, nhiều hòn đá tảng nước lũ tải về nặng cả chục tấn giờ nằm trơ trên cánh đồng hoang. Xóm vắng và quán nước không tên coi như mất tiêu. Cảnh vật tiêu điều xơ xác đúng là lũ lụt thượng nguồn đổ về ác liệt đến độ xóm xưa nay đã trở thành bãi hoang.

*

Tuổi già dễ xúc động, mà ‘nỗi buồn như tóc bạc / cứ cắt lại dài ra’ (thơ Phan Khôi). Chạnh lòng tôi nhớ lại bà chủ quán nhân hậu và chuyến đi bắt heo của năm người tù biệt xứ năm xưa, kéo theo dòng hồi tưởng về vùng đất của loài chim ‘bắt cô trói cột’, làm nhạt dần bối cảnh của màn hình tôi đang xem.

Hình như mắt bị nhòa, tôi tắt máy, không muốn xem tiếp. Nhưng oái oăm thay, nhiều chuyện muốn quên mà lòng vẫn nhớ, đêm đó gần sáng tôi mới chợp mắt.

Đỗ xuân Tê

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search