T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

TÔI KỲ THỊ

47c4c5d0-df6c-4676-9b8c-fc2506742c70-fotolia_198845933_subscription_monthly_m

(Nguồn: Da Màu)

Tiểu Thư


Ngày xưa, xưa lắm, lúc tôi dễ có ấn tượng và dễ choáng ngợp vì ấn tượng, tôi đọc, và nhớ đến bây giờ, ấn tượng của đề tựa “Tôi nhìn tôi trên vách” (nhà văn Túy Hồng). Phải nói ngay rằng chữ “đọc” tôi dùng thu hẹp trong ý “đọc đề tựa” vì tôi hoàn toàn không nhớ mình đã đọc truyện cùng tên hay chưa và nếu đã đọc thì câu truyện ấy như thế nào. Nếu phải đoán, có lẽ là truyện của một phụ nữ băn khoăn giữa những đòi hỏi của cuộc sống và xã hội (lấy chồng, sinh con) và những đòi hỏi của chính mình (tự do, độc lập, tình yêu…). Nếu phải trả lời câu hỏi: tại sao đề tựa ấy lại gây ấn tượng mạnh, tôi sẽ nói ngay tôi không biết. Nghe nó “hay” lắm, thế thôi.

Ngày xưa ấy, lúc tôi cũng dễ có ảo tưởng và dễ hết lòng tin ảo tưởng, tôi nghĩ mình không có tính kỳ thị. Lớn lên trong một gia đình gốc Bắc di cư (1954), từ nhỏ tôi đã biết đến những kỳ thị của người Bắc (trong gia đình tôi) đối với người Trung, người Nam. Lớn lên chút nữa, tôi biết đến (một vài) kỳ thị của người Nam, người Trung đối với người Bắc. Gần tuổi có thể bầu phiếu, tôi đã xác định cho mình, hoặc biện minh với người (Việt Nam) khác vị thế trung lập của mình: Tôi gốc Bắc, sinh ở miền Nam, lớn lên ở miền Trung, người ba miền hẳn hòi đó nghe.

Tự tin rằng mình không có tính kỳ thị, tự tin hình ảnh “không kỳ thị” phản chiếu khi tôi nhìn tôi trong gương mỗi ngày, tôi nghĩ mình đôi khi bị kỳ thị. Cô bạn miền Nam tóc suông dài thắt bím mặc áo bà ba lụa quần sa tanh đen đi học có lần tuyên bố “xôi vò mà không có nước dừa thì không phải là xôi vò”. Bạn trai người Trung bảo tôi phải gặp “cha” (cố) để nói chuyện theo đạo (Thiên Chúa) nếu muốn tình cảm giữa hai chúng tôi có triển vọng hơn. Hóa ra kỳ thị có thể “bánh ít đi, bánh quy lại”, nhưng không kỳ thị hoàn toàn không phải là thuốc ngừa giúp tránh bị kỳ thị.

Hóa ra tôi cũng không phải là không kỳ thị. Lúc đã đi làm việc, một ngày kia không hiểu vì sao tôi đặt câu hỏi rằng nếu tôi phải đi ngang một ngõ hẻm vắng ngắt trong đêm tối, và nếu có một người hiện ra trong ngõ, người nào sẽ khiến tôi sợ hơn, người da trắng, da đen, da nâu hay da vàng? Tôi không trả lời, hay đúng ra không dám nhận lấy câu trả lời của chính mình, câu trả lời xóa đi ảo tưởng “mình không kỳ thị”. Nếu rạch ròi hơn nữa, phải hỏi: đàn ông hay phụ nữ sẽ khiến tôi sợ hơn, với câu trả lời khá rõ ràng và rõ ràng kỳ thị.

Đó là một trong những khoảnh khắc “tôi nhìn tôi trên vách”, theo định nghĩa của riêng tôi. Khoảnh khắc tôi nhìn thấy chiếc bóng của mình, không tô điểm, trần trụi và đen tối, luôn có vẻ lẩn lút nhưng vẫn theo sát bên tôi không rời. Tôi có thể giả vờ không thấy, thậm chí cho rằng nó không có “mặt”, nhưng nó vẫn là một phần không thể chối bỏ của con người tôi, thường không ai nhìn thấy nhưng có thể bất ngờ lộ ra như ruột gan phèo phổi lúc cơ thể bị banh mở vì thương tích hay con dao của bác sĩ giải phẫu. Hỡi ôi, trước nay con mắt tôi chỉ nhìn thấy bóng của người ta vì chưa nhìn đến chính mình đấy thôi.

Đã lỡ nhìn thấy chiếc bóng kỳ thị, tôi chọn phản ứng thường tình là cố biện minh cho nó. Cái nhãn hiệu kỳ thị thì ai cũng muốn tránh xa, nên khi nó là “mình” thì đương nhiên ai cũng muốn phân trần giải thích. Khổ cho tôi là kỳ thị chẳng có căn bản lý luận khoa học nào cả. Có thể khoa bút sổ toẹt ngay mức nguy cơ xếp loại theo giới tính và màu da trong giả thuyết “đi đêm một mình” của tôi vì mức đoán mò của nó, hoặc chính xác hơn là nó dựa trên một thứ cảm tính chính tôi cũng không biết là gì và từ đâu ra. Nhưng khoan, khoa học ngày nay có giả thuyết rằng thứ gọi là linh tính, cảm tính, trực giác hay thứ gì đại loại thực sự có căn cứ, cho dù những căn cứ ấy tự bản thân chúng không vững chắc hoặc đủ lý lẽ. Chẳng hạn tâm lý/thành kiến “chim sợ cành cong”, một kinh nghiệm xấu có thể trở thành sự e dè, và kỳ thị. Hoặc không phải là kinh nghiệm của bản thân nhưng là chuyện “nghe nói” mà mức độ tin được lại dựa trên những cảm tính khác, kinh nghiệm khác. Nói chung vẫn là không thực sự có căn cứ nhìn theo khoa học thực nghiệm và chứng minh. Hơn nữa, chính khoa học cũng chỉ là một thứ có thể bị bóp méo và trở thành công cụ cho thành kiến/kỳ thị, vì khoa học nói rộng ra vẫn là tổng thể những kinh nghiệm, giả thuyết được chấp nhận là “sự thực” của loài người. Thế nhưng, bản năng/khả năng học hỏi kinh nghiệm (của mình) hay kinh nghiệm của người khác (có thể gọi là kiến thức) là một bản năng sinh tồn quan trọng và một trong những lý do chính chúng ta có được thế giới vật chất ngày nay.

Lâu lắm sau khi tìm cách biện minh (như ở trên) đến toát mồ hôi mà vẫn không thuyết phục được chính mình, khi tôi đã có đủ thời gian suy ngẫm (không phải tính bằng ngày hay tháng mà bằng năm), tôi kết luận là tôi thực có nhiều thành kiến/kỳ thị và chúng là một phần của con người tôi, chiếc bóng đôi khi tôi (tình cờ) nhìn thấy. Tôi không còn muốn biện minh, tôi chỉ hy vọng nhận thức về chiếc bóng của mình sẽ giúp tôi hiểu mình hiểu người nhiều hơn, và hiểu biết này, tuy vẫn hạn hẹp và nhiều thành kiến/kỳ thị, sẽ giúp tôi ít giật mình hơn khi “nhìn tôi trên vách”.

7/20

Tiểu Thư

Bài Mới Nhất
Search