T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Đức Nhì: MỘT KIỂU TRÍCH DẪN KHÔNG MINH BẠCH

Gã biết chữ – Tranh: Thanh Châu

Được tin anh Trần Danh San mất, vì hoàn cảnh, tôi không thể từ Texas bay về Cali dự đám tang của anh được. Là chỗ thân tình (cùng viết cho tờ báo Hợp Đoàn ở Trại Trừng Giới A20) nên tôi có bài viết Nén Nhang Cho Một Anh Hùng để khóc một người anh, một người bạn mà tôi quý mến.

Bài viết của tôi có hai đoạn sau:

Sau khi cùng luật sư Triệu Bá Thiệp soạn thảo bản “Tuyên Ngôn Nhân Quyền Cho Những Người Việt Nam Khốn Cùng”, cả hai đã hẹn nhau đem loa phóng thanh đến Vương Cung Thánh Đường trịnh trọng tuyên bố trước bàn dân thiên hạ rồi tươi cười bước lên xe công an, đến số 4 Phan Đăng Lưu…ngồi tù. Kinh Kha còn có 1, 2 phần hy vọng chứ Trần Danh San thì chuyện vào tù là chắc như đinh đóng cột; mười phần thì vào tù hết cả 11. Kinh Kha và Trần Danh San đều đáng gọi là anh hùng; tuy cái giá mà Trần Danh San phải trả để được gọi là anh hùng nhẹ hơn, nhưng cái anh hùng của Trần Danh San lãng mạn hơn, đẹp hơn, nhân bản hơn và dễ thương hơn nhiều.

…………………………………………………………………………………….

 

Tết Nhâm Tuất 1982, tôi đã nghe lời 3 thằng điên: Vũ Mạnh Dũng, Hải Bầu, Ngọc Đen chơi 5 buổi văn nghệ chống bạo quyền cộng sản, sau này được anh em gọi là Những Tiếng Hát Bừng Sáng A20. Ngay khi buổi chơi đầu tiên ở nhà 3 kết thúc, anh San đã chờ mọi người giải tán hết, đến trước mặt tôi nói “Anh Nhì! Tôi xin phép anh được dành trọn một chương trong quyển sách mới của tôi viết về những gì các anh đã làm ngày hôm nay.” Rồi rất tình cảm, anh nhỏ nhẹ nói tiếp: “Phải cho thế hệ sau biết để các em, các cháu có thêm nghị lực, dũng khí đi tiếp con đường chúng ta đi.” Lời khích lệ của anh đã cho chúng tôi thêm can đảm để chơi 4 buổi văn nghệ kế tiếp.

https://t-van.net/?p=15232

Sau đó ít lâu, trong bài viết Một Bông Hồng Cho Giới Luật Sư ông Chu Tất Tiến đã gom hai đoạn trong bài viết của tôi thành một như sau:

Bạn đồng tù với Trần Danh San, tác giả Phạm Đức Nhì cho biết thêm:

“Sau khi cùng luật sư Triệu Bá Thiệp soạn thảo bản ‘Tuyên Ngôn Nhân Quyền Cho Những Người Việt Nam Khốn Cùng’, cả hai đã hẹn nhau đem loa phóng thanh đến Vương Cung Thánh Đường trịnh trọng tuyên bố trước bàn dân thiên hạ rồi tươi cười bước lên xe công an, đến số 4 Phan Đăng Lưu…ngồi tù… anh nhỏ nhẹ nói: “Phải cho thế hệ sau biết để các em, các cháu có thêm nghị lực, dũng khí đi tiếp con đường chúng ta đi.”

https://ethongluan.org/index.php/doc-bai-luu-tru/736-mo-t-bong-hoa-ho-ng-cho-gio-i-lua-t-su-tu-ng-nang-ti-n

Trích dẫn kiểu “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia” như vậy ông Chu Tất Tiến đã chơi không công bằng, không sòng phẳng với những bạn tù của tôi – những người sẵn sàng chấp nhận đòn thù, cùm kẹp, có khi cả cái chết, để cất lên Những Tiếng Hát Bừng Sáng A20 năm đó.

Đây không phải là lỗi kỹ thuật. Vì với trình độ viết lách của ông Chu Tất Tiến ông thừa hiểu trích dẫn như thế là nhập nhằng nhưng ông cứ làm để tăng sức nặng cho bài viết của mình. Ông đã khéo léo móc túi những người bạn tù của tôi, moi hết từng đồng bạc lẻ rồi nhét vào túi anh Trần Danh San. Nhưng trong lúc chỉ nghĩ đến mình ông không biết rằng túi anh San cũng “rủng rỉnh xu hào” chứ đâu đến nỗi phải chứa những đồng bạc lẻ không minh bạch của ông.

Đem tài năng và uy tín văn chương của mình để chơi cái tiểu xảo ấy liệu có bõ công không nhỉ?

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 

Bài Mới Nhất
Search