T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Tôi Là Người Việt Nam

 

Mới đây khi nghe ông Nguyễn Ngọc Ngạn xưng mình là người Canada trên một băng nhạc mà ông thường làm MC, tôi biết thế nào cũng có lời bàn ra tán vào, cụ thể đã có bài viết của một tác giả trên một diễn đàn hải ngoại. Những điều tác giả viết thì cũng đều mang thiện ý chỉ e là cách xưng hô như vậy có thể tác động đến suy nghĩ của giới trẻ, đặc biệt là các cháu thiếu nhi về cội nguồn gốc rễ của người Việt mình chăng. Có một điểm oan cho ông Ngạn là với tư cách một nhà văn không phải ông chỉ viết ‘chuyện ma’ mà dòng văn học hải ngoại (có thời ông đã làm chủ tịch Hội) theo tôi nghĩ cần xếp ông vào vị trí cây bút rất đáng trân trọng. Tác phẩm ‘Nước Đục’, ‘Xóm Đạo’ cùng nhiều truyện ngắn truyện dài của ông đã được bày trong các thư viện Mỹ có đông độc giả người Việt lui tới, kể cả thư viện gần ngay nhà tôi. Mấy lúc sau này ông viết mang tính thương mại nhiều hơn và hình như bản thân ông không nhiệt tình cho lắm trong việc mưu tìm một chỗ đứng trong văn học Việt, mà niềm say mê trớ trêu thay lại chuyển sang vai trò người hướng dẫn chương trình của các trung tâm băng nhạc hay đại nhạc hội tại hải ngoại, mà nét dí dỏm và lời bình văn vẻ đã đưa ông trở thành khuôn mặt được nhiều người trong cũng như ngoài nước biết mặt biết tên.

Trở lại việc xưng hô thế nào cho ‘phải phép’, xét cho cùng khi phải xa quê hương, bỏ nơi chôn rau cắt rốn ra sống ở hải ngoại mỗi người có những động cơ khác nhau. Người đi dạng này, người kia diện nọ, người vì hoàn cảnh người vì miếng ăn, người thù chế độ mà ra đi, kẻ thích xứ lạ mà đi tới, người vì mở rộng tầm nhìn, nâng cao kiến thức, người vì lợi nhuận cơ hội làm ăn, cứ kể thì nó vô chừng. Nhưng mọi người đều tìm được mẫu số chung, dù có năm châu bốn biển rải rác tứ phương nhưng ‘cội nguồn vẫn giữ, giống nòi chẳng quên’. Chính đây mới là cốt lõi của vấn đề. Cái ‘căn cước’ (identity) của con người không phải chỉ dựa trên cái tên, cái nơi sanh, ngày sanh thể hiện qua tờ khai sinh, qua tấm hộ chiếu mà nó còn liên hệ đến huyết thống, màu da, di sản văn hóa, xứ sở cội nguồn, ngôn ngữ tổ tiên. Cho nên nếu cái căn cước có thể thay tên đổi họ, có thể mang quốc tịch này quốc tịch kia, có thể khi ở xứ này mai xứ khác, nhưng có hai cái được kể là thiêng liêng mà chính bản thân mỗi người không có quyền chọn lựa từ lúc mới sinh ra đời là cha mẹ quê hương. Có người nói cha mẹ không đổi được vì phải có cha có mẹ mới có mình, nhưng quê hương ta vẫn có quyền lựa chọn. Chẳng thế mà thiếu gì trường hợp khi hội nhập rồi thấy an cư lạc nghiệp nên đành ‘xin nhận nơi này làm quê hương’. Dù sao hai chữ quê hương vẫn chỉ là ‘quê hương thứ hai’, một nơi chốn được kể là ‘tạm thay’ (substitution) như xứ sở tạm dung, chứ không thể hiểu là ‘thế cho’ (replacement) khi nói đến quê hương bản quán.

Thế thì tại sao có người dù da vàng mũi tẹt, dù ăn uống hàng ngày vẫn phải có nước mắm nước tương, vẫn thèm nghe giọng hò câu hát quê hương mà vẫn cứ xưng ‘tôi là người Mỹ’, ‘tôi là người Canada’, v.v… ở cái chốn hiện diện toàn là đồng hương đồng xứ, ở cái nơi mà chả cần phải dùng ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng mẹ đẻ, rồi lại nằm trong bối cảnh của một chương trình mang chủ đề chỉ nhằm quảng bá cho nhạc Việt, kịch Việt, diễn hát bằng lời Việt thông qua các nghệ sĩ diễn viên cũng người Việt? Tất nhiên người dẫn chương trình vẫn là trách nhiệm chính, một khi nói hớ ra điều gì khó mà cải chính phân bua. Trường hợp MC Nguyễn ngọc Ngạn, tôi không hẳn đồng ý cho rằng xưng hô như vậy có tác động đến suy nghĩ của giới trẻ về cội nguồn dân tộc(?), mà điều tôi băn khoăn là khi nào, nơi nào chúng ta cần xưng cho đúng cho phù hợp với cái ngữ cảnh (context) và nội dung (content) mà những người trong cuộc đều hiểu và thông cảm. Giả dụ nếu ông Ngạn nói, ‘tôi là người Canada’ rồi ông thêm hai chữ ‘gốc Việt’ thì chẳng ai nỡ bắt bẻ. Xa hơn nếu ta nói, ‘tôi là một công dân Mỹ’ thì tự nó không cần và không thể thêm cái đuôi. Cũng không thể trước một cộng đồng bạn tại một xứ sở ta đang sống lại đi xưng, ‘tôi là người Việt nam’, giả thử nơi ấy là xứ Úc thì không còn cách xưng hô nào hơn, ‘tôi là người Úc gốc Việt’.

Ngày nay ở những đất nước đa chủng, người ta có chiều hướng muốn nhận diện và trân trọng cội nguồn của những người di dân mới đến lập cư lập nghiệp, thậm chí trong các thống kê dân số, trong các lý lịch cá nhân, trong các cuộc họp mặt xã giao, việc cung cấp các dữ kiện mang tính chất chủng tộc, ngôn ngữ là điều không thể thiếu, và khi được tiếp cận chẳng ai thấy mất lòng khi có người hỏi ông, bà, anh, chị từ đâu tới? kể cả chính những người được hỏi đã hội nhập và trở thành công dân sở tại. Chẳng nói đâu xa ngay khi được bầu làm tổng thống Mỹ, ông Obama về lý lịch dù là sanh tại Mỹ vẫn được kể là vị ‘tổng thống Mỹ gốc Phi châu’ đầu tiên vào Nhà Trắng. Cái đuôi ‘gốc Phi châu’ vẫn là cái nhân tố cấu trúc cho căn cước của ông. Có điều ông rất tự hào về điều này và mới đây trong cuộc thăm viếng Ghana, một xứ Phi châu nằm ven bờ Đại tây dương, ông đã hãnh diện nói, ‘trong tôi có dòng máu Phi châu’.

Kết thúc bài viết nhân tiện xin kể một chuyện vui vui nhưng có thật về cụm từ “Tôi là người Việt nam” mà nhân chứng là người thân trong gia đình tôi. Chuyện xảy ra khoảng năm 1992, hai đứa cháu tôi vừa đám cưới xong rủ nhau đi tuần trăng mật tại một xứ nằm trong vùng vịnh Caribbean (Trung Mỹ). Cảnh ở đây vô cùng đẹp, dân thì tương đối nghèo, nhưng đa phần chất phác, hiếu khách. Thằng cháu rể dẫn vợ vào một quán nước bên đường gần bãi biển. Thấy cặp tình nhân này là người gốc Á, ông chủ tiệm mới hỏi thêm gốc gác. Thằng cháu tôi mau miệng xưng ngay, ‘Tôi là người Việt nam’. Nét mặt người chủ quán trở nên rạng rỡ, ôm chầm lấy thằng cháu và la lên, ‘Lạy Chúa, lần đầu tiên tôi gặp một người Việt nam, một dân tộc anh hùng đã đánh thắng Mỹ!’ Khi mừng vui như vậy, ông vẫn tưởng thằng cháu tôi từ Việt nam sang, nhưng rất tiếc lại quá thật thà tỏ lộ cho ông biết vợ chồng nó từ…Mỹ tới. Rồi thực tình kể lể chuyện vượt biên vì không sống nổi với những người Cộng sản sau khi thắng Mỹ. Chẳng nói thì cũng đoán được tâm trạng ông chủ quán. Ông như trái banh xì hơi vì nhận lầm đối tượng. Hai vợ chồng vốn nhậy cảm xin phép giã từ để cho ông đỡ phần ngỡ ngàng hụt hẫng. Khi kể lại cho tôi nghe chuyện này, tôi có trách thằng cháu đã quá vô tình, sao không đóng trọn vở kịch để mang lại cho ông già niềm vui trọn vẹn khi ngàn năm một thuở mới được gặp một dân tộc ‘anh hùng’ bằng xương bằng thịt.

Đỗ Xuân Tê

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search