T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

NGUYỄN HÀN CHUNG: VỚI THÁP BẰNG AN


Bến bình yên – Tranh: Mai Tâm

 

 

Người người hoan ca Mỹ Sơn quần tháp rêu phong
trơ trọi một mình em, một tháp
mấy ai biết
muốn trả cái giá bằng an
bao thân thế sa mưa
bụi vùi, rêu lấp

Ta có mấy rượu đâu
mà tiếc đau những cặn giọt thừa
những cộng cỏ trước sân khát khao đòi sáng
dưới cỏ có dế, giun chán vạn rẻo đời sinh, ly, tụ, tán.
có khi thèm trơ trọi giống hai ta!

Một là người không có lương tâm hai là bậc vĩ nhân
mới dám gọi tháp già
trước huyền hoặc vô cùng ẩn ngữ
không ai trước khi sinh ra đã biết chọn cho mình một bằng an quê xứ
phúc phận đời ta sinh quán cùng em
cớ gì đêm nay không dốc cho sụp đổ hết ưu phiền
bắt đôi nghê đá khuân bàn tiếp rượu

Kính nể tháp không dám lộng ngôn xưng hô mạo muội
chỉ dám mê nhìn thấp thoáng bóng Linga
trong vô tận thời gian
những điệu kèn phương nam thăm thẳm âm ba
đôi mắt cội nhiệm màu gốc tháp

Bấy lâu uống rượu thời gian mà không biết nhắp
lạc giữa sắc rêu những kẽ gạch không hồ
mơ màng nghe giọt bụi rêu khô…
ta quay quắt một mình nâng… một tháp

Một chén nữa thôi rót yêu tràn tan, hợp
ném buồn đau rách rưới phía chân mày
tháp không già thì ta cứ trẻ hây
cái thuở ranh hoang cứ lăm le đòi trèo lên đỉnh tháp

Rượu có chát, rót Thu Bồn ra, dốc tiếp.

Nguyễn Hàn Chung

 

Đọc thêm:

(Lời Bình của SẤU MÃ)

Có thể nhận thấy điều gì về cốt cách người thơ được thể hiện qua đây? – Biết kính sợ, biết nâng niu, biết giễu cười và biết… ngạo. Có gì mâu thuẫn giữa kính sợ và ngạo? Không, không mâu thuẫn. Kính sợ là kính sợ cái “huyền hoặc vô cùng ẩn ngữ”, để biết vặn nhỏ lời, và “không dám lộng ngôn”. Còn ngạo là sự bộc lộ thái độ tự nhiên của người luôn tự ý thức, đồng thời hiểu rõ các giá trị đời sống, hiểu rõ cái giá phải trả cho sự bằng an và nỗi cô đơn “trơ trọi một mình em, một tháp”. Ngạo, ngoài ra, là biểu hiện thường thấy ở những cuộc dốc lòng với kẻ tri âm. Lúc đó, chỉ “hai ta” là tồn tại duy nhất có ý nghĩa, dù một trong hai có thể chỉ hiện lên trong tâm tưởng…

Đọc thơ thấy người, thấy một thời, thấy cả một vùng xứ sở, tuy xa xôi mà luôn gần gũi. Rất nhiều nỗi đời xoắn xuýt quấn quanh hình tượng chính: tháp Bằng An. Hiền huynh, em thích nhiều câu, như thích nhất khổ này: “Ta có mấy rượu đâu/ mà tiếc đau những cặn giọt thừa/ những cộng cỏ trước sân khát khao đòi sáng/ dưới cỏ có dế, giun chán vạn rẻo đời sinh, ly, tụ, tán/ có khi thèm trơ trọi giống hai ta!”. Như vừa được gặp trực tiếp đúng một người từ lâu mình quý trọng.
9/9/2020

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search