T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 185)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Trong tiếng Việt, có những từ ngữ hoặc địa danh nếu có người hỏi nguồn gốc của những từ ngữ ấy từ đâu thì chúng ta đành bó tay; chẳng hạn trong một bài ca dao:

Nước không chưn sao kêu nước đứng?

Cá không giò sao gọi cá leo?

Ghe không tay sao kêu ghe vạch?

Bánh không cẳng sao gọi bánh bò?…

(Lê Trung Hoa – Hiện tượng tĩnh lược trong ngôn ngữ)

 

Chữ và nghĩa (4)

Tục ngữ là sản phẩm của quá khứ. Vì vậy, khi dạy tục ngữ, tất phải đối mặt với những từ ngữ cổ hết sức xa lạ với học sinh. Giới biên soạn sách giáo khoa e dè như thế kể cũng phải, vì khó lòng có thể né tránh được những những trở ngại về ngữ pháp  đến độ từng gây lúng túng cho không ít các nhà học giả danh tiếng. Ðể dễ hình dung những gì vừa nêu đó, chúng tôi xin đưa ra một vài dẫn chứng chưa đúng lắm về cấu trúc cú pháp của tục ngữ.

Do lầm tưởng rắn mai cũng như rắn hổ trong câu Rắn mai tại lỗ; rắn hổ về nhà là “chủ ngữ”, (CN) còn tại lỗ cũng như về nhà là “vị ngữ” [VN] của câu và mối quan hệ về nghĩa giữa CN với VN là mối quan hệ giữa “Người hành động” với “Hành động”, cuốn Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam  đã diễn giải câu trên thành: “(Mai là mai gầm, hổ là hổ mang). Nhận xét cho rằng rắn mai gầm thường ở trong hang; còn rắn hổ mang thì thường ra ngoài”.

Tiếc thay, lời diễn giải ấy lại chẳng hề ăn nhập chút nào với vốn kinh nghiệm sống còn mà dân bắt rắn chuyên nghiệp đã tích luỹ được: “Hễ bị rắn mai gầm cắn thì nạn nhân có thể chết ngay tại lỗ ; hễ bị rắn hổ mang cắn thì nạn nhân có thể lê về tới nhà mới tắt thở.”
(Tạp chí Ngôn ngữ  – Nguyễn Đức Dương)

Triết lý củ khoai 

Lúc bé tưởng hạnh phúc là điều gì đó xa xôi lắm, giờ mới biết hạnh phúc chỉ đơn giản là những thứ bình dị xung quanh ta, có chăng là mình đã không nhận thấy.

Đôi đũa

 Chiếc đũa tre là vật dùng hàng ngày trong mâm cơm của người Việt, nó gắn bó cuộc sống con người từ lúc sống cho đến lúc xuôi tay trở về cát bụi. Có thể nói đôi đũa để và cơm và gắp thức ăn có phong vị văn hoá Việt và còn tạo ra cả những ứng xử mang tính nhân văn.

Như người Bắc thường dùng đôi đũa cả thay cho nêm, hoặc thìa để xới cơm. Xới cơm, không được xới cao hơn mặt bát, vì như thế sẽ bị ngầm chê trách là ăn tham. Xới cơm, không được để cơm vương vãi khắp nơi, vì như thế là mất thẩm mỹ, phí phạm. Tóm lại, chỉ mỗi việc dùng đôi đũa cả để xới cơm, cũng đã lộ ra rất nhiều nhiêu khê.

Khi ăn cơm, người Bắc thường có thói quen so đũa đều, rồi chia từng đôi đũa cho người khác. Nếu ai vô tình nhận được đôi đũa lệch thường có cảm nghĩ như mình bị người khác xem thường. Một số người thường trở đũa để gắp thức ăn, đầu đũa để và cơm, và có thói quen dùng đôi đũa đập đập vào bát ngầm báo hiệu cho chủ nhà là muốn gì đó. Hoặc giả có thói quen khi ăn xong thường chập hai cây đũa lại làm một, và quẹt ngang miệng như một kiểu lau mồm.

(Nguyễn Thanh Hải – Văn hóa đũa trong mâm cơm người Việt)

Phún

 Phún: mới mọc, mới đầm ra

(cỏ mọc lún phún, mưa lún phún)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Thần hoàng (7)

 Theo nhà học giả Nguyễn Văn Tố, thì khởi đầu đình chỉ là cơ ngơi để dân làng hội họp, là nơi dành để treo những sắc lịnh và huấn dụ của nhà vua…
Để thờ phụng Thần hoàng, nhiều làng lập miếu thờ. Rồi theo lệ ngày sóc (mùng 1) và ngày vọng (ngày rằm) dân làng đến miếu để làm lễ Vấn (theo nghĩa kính viếng). Miếu này còn gọi là “nghè”, nơi gìn giữ sắc thần. Ngày tế lễ, dân làng rước sắc thần từ miếu đến đình để cử hành việc tế lễ, sau đó đưa trở về miếu.
Để đơn giản hóa, sau nhiều làng chỉ xây một cái đình lớn, phía ngoài làm nơi hội họp (đình), phía trong là miếu…

(Thần Thành hoàng – Bùi Thụy Đào Nguyên)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Theo “Tự điển tiếng Viêt dành cho học sinh” ở Hà Nội (Vũ Chất):

Trai gái: trai và gái

 Tiếng Việt tiếng Pháp

 Hiện tại, trong vốn từ của Việt Nam, ngoài là từ gốc Hán còn khoảng 200 từ là từ của gốc Pháp. Các từ này còn đang sử dụng đâu đó, nhiều khi miệng nói, tay viết ra nhưng không biết câu ấy có tiếng Pháp trong đó, như:

– Thằng đó chuyên lấy le để cua đào, nhưng con nhỏ kia lại hay làm reo.

Một câu như vậy đã 3 chữ Pháp: “le”, “cua”“reo”.

 (Nguyễn Đức Tuấn – Đặc san Phù Sa Sông Cửu)

 

Giai thoại nhà chùa (2)

Xưa có hai cụ bà đi quyên góp dân làng thập phương về để sửa chùa thờ Phật. Một hôm vào nhà bà cụ ở xóm xa mong được gia đình phát tâm công đức. Bà cụ chủ nhà tiến cung xong khuyên hai bà đi nơi khác vì gia đình có đứa con trai bất trị hễ ai đến nhà không vừa ý là nó giết ngay. Mưa sâm tối trời hai bà cụ cứ nằng nặc xin ở lại, biết không sao đươc bà chủ dấu hai người vào trong buồng. Đêm về người con trai ngửi thấy có hơi người lạ tra khảo mẹ, buộc hai bà cụ phải ra trình diện. Hai bà cụ kể sự tình công việc xin toàn dân tiến cúng sửa chùa ai có sao nên vậy, một đồng cũng quý, một nén cũng thơm, cốt là ở tấm lòng. Nghe câu cốt là ở tấm lòng, anh con trai lấy dao rạch ngay bụng mình lôi ra một thúng ruột để tiến cúng bắt hai bà đội về chùa.

Hai bà đội thúng ruột đi đường đàn quạ đánh hơi danh nhau sà xuống công lên ngọn cây đa. Ruột người tiến cúng vắt vẻo dài thườn thượt như cây phướn ở chùa mà người ta cho làm để ghi nhớ tấm lòng của người cúng Phật.

Đó là sự tích cây phướn trong chùa.

(Đông Ngọc Hoa – Vài sự tích xưa)

 

Trích…“Tập làm văn”

Đề: Tả buổi chào cờ đầu tuần
Sáng thứ hai tuần nào cũng vậy, trường em lại tổ chức chào cờ. Đầu tiên là thầy hiệu phó phụ trách lao động lên mắng mỏ một tí. Sau đó đến lượt thầy hiệu trưởng lên mắng. Khi thầy hiệu trưởng mắng, cái cục ở cổ thầy cứ chạy đi, chạy lại.

Giai thoại làng văn xóm chữ

Tuy là người hay bắt bẻ, đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, Tự Đức cũng phải công nhận đúng là: “hàng hàng châu ngọc lời lời gấm thêu”; nhưng sau đó, chẳng hiểu do suy diễn hay do sự xúc bẩy của đám bồi thần, Tự Đức bỗng dưng đùng đùng nổi giận: “Nếu Tố Như (tên tự của Nguyễn Du) mà còn sống, phải nọc nằm xuống đánh cho 30 roi!”

 Nguyên nhân sự nổi giận này là do câu: “Thì con người ấy ai cầu làm chi” (đoạn Kiều nói với Kim Trọng về chữ “hạnh”, một trong tứ đức của người con gái, khi Kiều tìm sang với Kim Trọng, trong dịp Vương ông, Vương bà và hai em về bên ngoại ăn mừng sinh nhật) đã được ngắt thành: “Thì / con người ấy / ai cầu làm chi” và được hiểu theo nghĩa: “Một con người như Tự Đức thì chẳng ai cầu làm gì!” (vì tên huý của Tự Đức là Nguyễn Phúc Thì).

Như vậy là tác giả đã mắc vào tội vừa phạm huý, vừa phạm thượng! Chẳng hiểu trong chuyện này, Tự Đức nói thật hay nói đùa, chứ quy tội “vừa phạm huý lại vừa phạm thượng” (với mình) cho một tác phẩm được viết ra từ lúc mình còn chưa đẻ (Nguyễn Du mất năm 1820, Tự Đức sinh năm 1829) thì quả là… thậm vô lý, nếu không muốn nói là buồn cười! Mà không hiểu sao một ông vua nổi tiếng hay chữ lại cũng là người sáng tác như Tự Đức, lại hay ỷ lại vào quyền hành để đòi đánh văn nghệ sĩ đến thế!

Chữ nghĩa làng văn (2)

 Câu đối là những câu văn đi đôi với nhau thế nào cho ý, chữ và luật bằng trắc cân xứng với nhau. Một đôi câu đối thì mỗi câu là một vế: vế trên, vế dưới; nếu do một người nghĩ ra và một người đáp lại thì gọi là: vế ra (xuất), vế đối.

 Về loại: hai chữ phải cùng loại (danh từ, động từ, trạng từ, …) mới đối nhau, ngoài ra thực tự phải đối với thực tự, hư tự đối hư tự, chữ nho đối chữ nho:

. . . . .

Chôn chặt văn chương ba thước đất,

Tung hê hồ thỉ bốn phương trời.

   Khóc Ông Phủ Vĩnh Tường (Hồ Xuân Hương)

(Khuyết danh – Tiếng Việt lý thú)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Người Hà Đông chuyển âm “n” là “l” nên nồi niếu đọc là lồi liêu.

Người Hà Nam, Phủ Lý chuyển âm “tr” là “ch” nên giá trị đọc là giá chị, tranh chấp thành chanh chấp.

Người Kim Sơn (Thái Bình” chuyển âm “tr” là “t”, và “l” à “n” như:

con trâu trắng thành con tâu tắng, làm lụng là nàm nụng.

(VN có một nền văn minh sông nước – Nguyễn Hưng Quốc)

 

Chữ và nghĩa

 Biện pháp tu từ hay tu từ pháp. Từ dùng trong nước, ra ngoài nước. Trong Nam, xưa, được gọi “mỹ từ pháp”. Nhưng “tu từ” là một từ có trong tự điển được xuất bản tại miền Nam trước 1975.

Cả hai từ đều hay. Dù sao, xét về mặt cấu tạo từ pháp, từ “tu từ pháp”, với nghĩa là “phương pháp làm đẹp từ ngữ”, có vẻ hợp lý hơn là cấu tạo “mỹ từ pháp”. “Mỹ” là một tính từ; “mỹ từ” là “từ đẹp”. Vậy, “phương pháp từ đẹp” là gì? Có phải nó là hiểu ngầm của “phương pháp (làm cho) từ (ngữ) đẹp hơn/lên”, hoặc “phương pháp làm đẹp từ ngữ”. Nếu thế, ta lại sẽ trở về với ý nghĩa của “tu từ pháp”, trong đó, “tu” là một động từ, có nghĩa là “sửa lại”, “sửa sang cho tốt đẹp hơn”, như “tu kỷ” là “sửa mình”.

Hán-Việt Tự -Điển của Nguyễn Văn Khôn định nghĩa “tu từ” là “sửa sang, trau chuốt văn chương cho trôi chảy, gọn gàng và sáng sủa”; còn Hán-Việt Từ-Điển của Đào Duy Anh thì định nghĩa “tu từ” là “sửa sang văn từ cho hay”. Cả hai quyển sách này, dù không có từ “tu từ pháp” nhưng đều lại có từ “tu từ học”. Quyển đầu định nghĩa “tu từ học” là “môn học nghiên cứu cách viết văn cho trôi chảy, gọn gàng và sáng sủa”; quyển sau định nghĩa là “môn học nghiên cứu các phép tắc để trau dồi từ cú cho hay “. Cả hai sách này không có những mục từ “mỹ từ” và “mỹ từ pháp”.

(Bùi Vĩnh Phúc – Trên đường bay của chữ)

 

Chữ nghĩa làng văn (1)

 Bách khoa toàn thư mở Wikipedia :

“Hữu Loan chưa xuất bản tập thơ nào”.

Cũng theo datviet.com

“Trên thực tế, Hữu Loan là nhà thơ nổi tiếng duy nhất

cả đời không in một tập thơ nào”.

(Phanxipăng – Hữu Loan ly kỳ & độc đáo)

 

Cả vú lấp miệng em

Bà mẹ, khi nghe trẻ khóc, không cần dỗ dành, vỗ về, gì cả mà lập tức dùng bầu vú sữa để lấp miệng đứa bé. Nhờ được bú tí mẹ, đứa trẻ không còn khóc nữa. Cái hiện tượng bình thường mà chúng ta vẫn gặp, vẫn thấy hàng ngày được dân gian biến thành câu cả vú lấp miệng em để chỉ thế mạnh của mình để chèn ép, lấn át kẻ khác.

Ở trong thành ngữ này, riêng từ “cả”  hơi khó hiểu. Nhiều người đã hiểu cả trong cả vú lấp miệng em chỉ gộp, chỉ tổng thể với nghĩa là “tất cả, toàn bộ”, như trong cả nhà, cả con gà…Nhưng cách hiểu này là không chính xác. Thực ra, cả trong thành ngữ này có ý nghĩa là “to, lớn”, như nghĩa của cả trong đũa cả, cả lưng rộng háng, cả hơi lớn tiếng

La De…ngoại truyện (1)

 Bia hơi được thương mại đến tận gia đình. Những thùng bia hơi với hệ thống bơm hơi đang được đưa đến tận gia đình. Không còn bắt buộc dắt nhau ra quán nhậu bia hơi, để thưởng thức các hương vị “bia tươi” với bọt mềm dịu trong miệng, đưa tay chùi đôi mép vướng bọt. Ngày nay đem một thùng bia hơi và dụng cụ về nhà, rủ vài bạn bè về, tìm cái thú vui của hương vị, thưởng thức cả vị giác và cả thính giác nữa.. tiếng pxììì kéo dài khi bia xủi bọt.

Trở về la de. ngày nay với kỹ thuật mới bia hơi bán trong thùng sắt có thể giữ được 6 tháng. Còn bia chai giữ được một năm. Chả bù vào những năm 1970 ở Sàigòn chúng tôi chỉ bán bia hơi cho những quán nào bảo đảm bán hết thùng bia trong 24 giờ. Sau đó đổi thùng mới, súc hệ thống hơi và vòi, mà phải để nhơn viên BGI làm, mới bảo đảm, vì chúng tôi, hãng BGI bảo đảm hương vị của bia. Vì thế ở Sàigòn lúc bấy giờ rất ít quán có bia hơi.

Quý bạn chắc còn nhớ quán bán Bia Bock ở Chợ cũ đường Hàm Nghi cạnh Ty Ngân Khố không? Chiều chiều ra đấy làm vài ly Bock, ăn một hai hột vịt lộn, hay bò bía hết xẩy.

(Phan Văn Song)

Nhân văn giai phẩm (1)

Trong cuộc truy sát Nhân văn-Giai phẩm, ít ra chúng ta biết: Người “vạch trần bộ mặt thật” “trụy lạc phản động” của Trần Dần là nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Người hô hào cả nước “phải chặn lại không cho Trương Tửu được tự do truyền bá những tư tưởng phản động, những tác phong đồi bại” là nhà phê bình Hoài Thanh, cũng chính là người xác định tính chất “xuyên tạc”, “vu khống”, “phản động” bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần.

(Phạm Thị Hoài – Cú giãy cuối cùng của nền phê bình chỉnh huấn)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search