T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Doanh: Giới Thiệu “KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI” của HƯƠNG NGẠN ĐÀO TỬ ĐÀM DUY TẠO

Thúy Vân – Thúy Kiều (Nguồn ảnh: Khoahoc.net)

Phạm Doanh xin giới thiệu đến mọi người một công trình nghiên cứu văn học có tầm vóc cao về Truyện Kiều của cụ HƯƠNG NGẠN ĐÀO TỬ ĐÀM DUY TẠO trước tác năm 1986 do (Thứ nam) Giáo Sư Đàm Trung Pháp hiệu đính và phổ biến năm 2020 trên diễn đàn Tập San Việt Học

http://viethocjournal.com/category/kim-van-kieu-dinh-giai/kim-van-kieu-dinh-giai-kim-van-kieu-dinh-giai/

 

Trích lời mở đầu của GS Đàm Trung Pháp:

Trong những ngày đầu buồn tẻ tại Toronto và Montréal cụ Đàm Duy Tạo mải mê đọc lại từng câu thơ trong cuốn Truyện Thúy Kiều (do hai cụ Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo). Cuốn sách ấy chính cụ đã gửi làm quà cho thứ nam Đàm Trung Phán khi đang du học tại Úc Đại Lợi, nay được “tặng lại” cho cụ! Để giải sầu, cụ bỏ ra nhiều thì giờ để hoàn tất vào năm 1986 (lúc cụ 90 tuổi) một công trình văn học sâu sắc cuối đời, quá mức tưởng tượng của các con cháu cụ. Đó là cuốn di cảo 579 trang tựa đề KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI của Hương Ngạn Đào Tử Đàm Duy Tạo. Lý do sự ra đời của di cảo này được cụ thổ lộ trong phần mở đầu cuốn sách: “Các bản Truyện Kiều ở nước Việt Nam ta bây giờ có nhiều chữ lệch lạc khác nhau, và nhiều chữ ý nghĩa mập mờ, khiến các nhà chú giải không nhất trí.” 

Xin đọc từ Chương 1 theo link dưới đây

http://viethocjournal.com/2020/06/kim-van-kieu-dinh-giai-chuong-01/

 

Trích lời phi lộ của cụ Đàm Duy Tạo:

Dưới đây tôi xin kể vài chữ thật hay đã bị người sao chép sai lầm thành ra chữ vô nghĩa, vì hai chữ gần giống nhau:

(1) Chữ “ủm [黯]” lầm ra “điểm [點]” ở câu 367. “Một tường tuyết ủm [黯] sương che” tả cảnh Kim Kiều nhìn ngóng nhau mãi mà chẳng thấy nhau như bị tuyết sương phủ kín. Có bản Kiều in lầm ra là “Một tường tuyết điểm [點] sương che”. Rồi có mấy nhà xuất bản sau thấy chữ “điểm” vô nghĩa, mới đổi bừa ra là “Một tường tuyết chở sương che” hay là “Một tường tuyết đón sương che”. Chữ “đón” cũng gần vô nghĩa như chữ “điểm”, cả chữ “trở” cũng gần vô nghĩa như vậy; người ta chỉ nói “cách trở” hay “ngăn trở” mới có nghĩa, chớ không bao giờ nói riêng lẻ một chữ “trở” bao giờ; và người ta cũng chỉ nói “che chở” chớ không bao giờ nói “trở che” hay “che trở.”

Chữ “điểm[點]” tuy vô nghĩa thật, nhưng còn giữ chút “di tích” nguyên văn cho ta lấy nó làm bằng cứ mà suy đoán ra chữ “ủm [黯]” là nguyên văn, vì [黯] Hán văn là “ảm,” chữ nôm mượn làm “ủm.”

(2) Chữ “lựa [攄]” lầm ra “lừa [驢]” ở câu 3072. “Khuôn thiêng lựa [攄] lọc đã đành có nơi” là lời Thúy Vân khuyên Kiều lại lấy Kim Trọng, ý nói: Trước kia Kiều đã hẹn lấy chàng, rồi gặp gia biến phải bỏ ra đi, nay bỗng lại được gặp nhau, đó thật là ông trời đã lựa chọn kỹ càng hai người lấy nhau thật xứng đáng, nên nay lại cho được kết duyên. Chữ lựa lọc nghĩa là kén lựa rất tinh tế. câu này lời thật hay, ý thật đúng như vậy, thế mà vì lỗi người chép lầm hay người khắc in sai “lựa [攄]” ra “lừa [驢]” rồi lại người phiên âm không biết nghĩa cứ theo chữ lầm mà dịch bừa ra “Khuôn thiêng lừa lọc …” thành vô nghĩa; lại có bản dám đổi hẳn ra là “Khuôn thiêng lừa đảo…” nữa thật đã quá vô nghĩa, lại quá hỗn sược với cả trời nữa!

(3) Chữ “lờ [濾]” chép lầm ra là “làn [瀾]” ở câu: “Lờ [濾] thu thủy, nhợt xuân sơn [曀 春 山] / hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.” Hai câu lục bát này dùng bốn chữ so sánh: lờ, nhợt, ghen, hờn, để tả vẻ đẹp của Kiều: vẻ trong sáng đôi mắt thì làm lờ được màu trong hồ nước lặng mùa thu; vẻ đẹp tươi của đôi lông mày thì làm nhợt được vẻ tươi đẹp mặt cỏ núi mùa xuân; màu thắm hồng đôi má làm cho hoa thua phải ghen, màu xanh rờn lông mày làm cho liễu phải hờn tức. Hai câu lục bát này ý thật hay, vẻ đẹp thanh tú của nàng hơn cả bên cảnh thanh tú của trời đất, lời thật luyện và đăng đối tề chỉnh, liên tiếp với nhau. Hai vế câu sáu chữ này dịch từ câu chữ Hán [眼 光 秋 氺 眉 淡 春 山 = nhãn quang thu thủy mi đạm xuân sơn = mắt sáng hơn là nước mùa thu, lông mày làm nhợt được màu núi mùa xuân]; câu nguyên văn diễn: lờ thu thủy, nhợt xuân sơn, là rất đúng. Rồi lại thêm một người tái bản sau nữa đổi luôn cả chữ nhợt [曀] ra làm nét [涅] thành ra câu này là “làn thu thủy, nét xuân sơn” nghe êm tai, nên mọi người nghe quen tai, cho là phải, nhưng suy nghĩ cho kỹ thì thật là lệch lạc vô nghĩa, đã không thành câu, lại thiếu ý tả vẻ đẹp, mà lại không lưu loát liền mạch với câu 8 chữ dưới. Còn chứng cớ chữ “lờ” rất đúng là bản Kiều nôm Cụ Nghè Vũ Trinh [武 桢] xuất bản còn để nguyên chữ nhợt [曀] để đối với chữ lờ viết sai ra “làn.”

[ĐÀM DUY TẠO]

Chương 1-3 là phần Tham luận tổng quát. Bắt đầu từ chương 4 là phần biên khảo từng câu chi tiết.

Mỗi chương (4-33, câu 1-3254) có 6 phần sau đây:

1 – Phần chính văn.

2 – Phần đính chính và xác định.

3 – Phần chú giải và dẫn điển.

4 – Phần diễn giải ra văn xuôi.

5 – Phần nêu ra những chữ hay câu có ý móc nối hay có ý thở than hoặc mỉa mai đời.

6 – Đôi khi có thêm phần mấy lời nhận xét phanh phui thâm ý tác giả ký thác tâm tình.

Trong khuôn khổ bài giới thiệu này và để khơi động sự chú ý của bạn đọc về tính cách đáng đọc Phạm Doanh xin phép trích dẫn phần 1 và 2 cho từ câu 1 đến câu 120. (những chữ do Phạm Doanh  in đậm trong các câu là những chữ mà cụ Đàm Duy Tạo cho là có ngộ nhận, sai sót trong những bản khác)

  1. Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

  1. Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy đà đau đớn lòng.

  1. Mai cốt cách, tuyết tinh thần,

Mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười.

  1. Vân xem trang trọng khác vời,

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.

  1. Hoa cười ngọc thốt đoan trang,

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.

  1. Kiều càng sắc sảo, mặn mà,

So bề tài, sắc, lại là phần hơn.

  1. Lờ thu thủy, nhợt xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

  1. Một, hai nghiêng nước nghiêng thành,

Sắc rành đòi một, tài rành họa hai.

 

Đính chính và xác định

Câu 4: Chữ “đà” ở câu này, nhiều bản in là “mà”; chỉ có vài bản in là “đà.” Xét ra chữ “đà” có lẽ đúng hơn, vì nó tiếp nghĩa với chữ “một cuộc” ở câu trên, làm cho lời than đau đớn thêm, thấm thía sâu rộng; mới trải có một cuộc bể dâu, mà những điều trông thấy “đà” làm cho tác giả đau đớn lòng, thì từ xưa đến nay, lại từ nay về sau, còn có bao nhiêu cuộc bể dâu nữa? Nêu để chữ “mà” thì hai câu lục bát này không khẩn thiết với nhau.

Câu 18: Nhóm chữ “mỗi người mỗi vẻ” ở câu này nhiều bản Kiều quốc ngữ in lầm ra “mỗi người một vẻ”; lại có bản in lầm là “một người một vẻ.” Tất cả đều nghe không êm thuận tự nhiên bằng “mỗi người mỗi vẻ” để đi với “mười phân vẹn mười”, vì 2 chữ mỗi đi với 2 chữ mười nghe lưu loát tự nhiên hơn.

Câu 25: “Lờ thu thủy, nhợt xuân sơn” là diễn theo ý nghĩa câu chữ Hán [眼 光 秋 氺 眉 淡 春 山] = nhỡn quang thu thủy mi đạm xuân sơn = mắt trong sáng hơn nước trong lặng mùa thu, lông mày tươi đẹp hơn núi cỏ xanh tươi mùa xuân. Hai câu lục bát này tả vẻ đẹp của Kiều bằng 4 cách so sánh: (1) mắt thì trong sáng làm lờ được nước mùa thu, (2) lông mày thì tươi đẹp làm nhợt được vẻ tươi đẹp núi mùa xuân đầy cỏ non xanh tươi, (3) đôi má hồng thì làm hoa phải ghen vì thua màu đỏ thắm, và (4) đôi lông mày thì làm cho liễu phải hờn vì kém màu xanh đẹp. Nghĩa rõ ràng là thế, mà các bản Kiều quốc ngữ và phần nhiều các bản Kiều nôm đều in lầm ra thành “Làn thu thủy, nét xuân sơn [瀾 秋 氺 涅 春 山]”!

Câu 28: “Sắc rành đòi một, tài rành họa hai” các bản quốc ngữ đều in là “Sắc đành đòi một, tài đành họa hai” nghe thật tối nghĩa. Vậy xin xác định là “Sắc rành đòi một tài rành họa hai” cho rõ nghĩa hơn. Trong bản Kiều chữ Nôm, có nhiều chữ [火+亭] rành khắc lầm ra [停] đành như thế.

CÂU 39 ĐẾN CÂU 132

“Vui hội đạp thanh, viếng mồ vô chủ”

  1. Ngày xuân con én đưa thoi,

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

  1. Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trang điểm một vài bông hoa.

  1. Thanh minh trong tiết tháng ba,

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.

  1. Gần xa nô nức yến anh,

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.

  1. Dập dìu tài tử, giai nhân,

Ngựa xe như nước, áo quần như chen.

  1. Ngổn ngang gò đống kéo lên,

Thoi vàng bỏ rác tro tiền dấy bay.

  1. Đã không duyên trước chăng mà,

Thì chi chút ước gọi là duyên sau.

  1. Sắm xanh nếp tử xe châu,

Bụi hồng một nấm mặc dầu cỏ hoa.

  1. Trải bao thỏ lặn ác tà,

Ấy mồ vô chủ, ai mà viếng thăm!”

  1. Lòng đâu sẵn mối thương tâm,

Thoạt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa.

  1. “Đau đớn thay phận đàn bà!

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

  1. Phũ phàng chi bấy hoá công,

Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha.

  1. Sống làm vợ sấp người ta,

Hại thay thác xuống làm ma không chồng.

  1. Nào người phượng chạ loan chung,

Nào người tích lục tham hồng là ai?

  1. Đã không kẻ đoái người hoài,

Sẵn đây ta thắp một vài nén hương.

  1. Gọi là gặp gỡ giữa đường,

Họa là người dưới suối vàng biết cho.”

  1. Lầm rầm khấn khứa nhỏ to,

Sụp ngồi đặt cỏ trước mồ bước ra.

  1. Một vùng cỏ áy bóng tà,

Gió hiu hiu thổi một vài bông lau.

  1. Rút trâm sẵn giắt mái đầu,

Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần.

  1. Lại càng mê mẩn tâm thần

Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra.

  1. Lại càng ủ dột nét hoa,

Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài.

  1. Vân rằng: “Chị cũng nực cười,

Khéo dư nước mắt khóc người bâng quơ.”

  1. Rằng: “Hồng nhan tự nghìn xưa,

Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu?

  1. Nỗi niềm tưởng đến mà đau,

Thấy người nằm đó biết sau thế nào?”

  1. Quan rằng: “Chị nói hay sao,

Một lời là một vận vào khó nghe.

  1. Ở đây âm khí nặng nề,

Bóng chiều đã ngả dậm về còn xa.”

  1. Kiều rằng: “Những đấng tài hoa,

Thác là thể phách, còn là tinh anh,

  1. Dễ hay tình lại gặp tình,

Chờ xem ắt thấy hiển linh bây giờ.”

  1. Một lời nói chửa kịp thưa,

Phút đâu ngọn gió cuốn cờ đến ngay.

 

Đính chính và xác định

Câu 42: Động từ “trang điểm” ở câu này, các bản quốc ngữ đều in là “trắng điểm.” Đó là theo một bản in nôm của một nhân vật theo tây học sửa lầm chữ trang [装] ra chữ trắng (chữ nôm này viết bằng cách gắn thêm chữ bạch [白] trên nóc chữ trang [壯]) cho khắc xuất bản, rồi lại được một ông văn sĩ tây nào đó khen chữ “trắng điểm” thật hay (sự việc này xảy ra trong khoảng 1900-1912). Thế rồi các nhà xuất bản Kiều quốc ngữ, không nghĩ phải trái, cứ ùa theo lời khen của nhà văn sĩ tây mà in câu này thành “Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.” Cũng nên nhắc đến một giai thoại về Tể tướng Bùi Độ đời nhà Đường. Ông Độ có khu vườn cỏ rộng mênh mông tít thẳm, về mùa xuân cỏ non xanh rì phẳng một lượt, khách xem khen mãi. Ông chỉ lũ dê trắng và bảo khách: “Vườn này đẹp thế là nhờ các chú này trang điểm cho khu vườn đẹp thêm.” Chữ “trắng điểm” nghe thật ngô nghê không đúng với lời văn tiếng Việt; vả lại nói “hoa lê” là đã đủ ý trắng rồi, cần gì phải nói trắng nữa cho thừa? Các bản cũ dùng ý hoa lê trang điểm cho cảnh vườn, ý mới hay.

Câu 48: Nhóm chữ áo quần như chen lấy điển ở câu chữ nho tả cảnh xem hội: [士 女 櫛 比 = sĩ nữ chất tị = con trai con gái chen nhau như răng lược]. Chữ áo hàm ý con trai, và chữ quần hàm ý con gái. Có bản in là “áo quần như nen” thật là gượng gạo và vô nghĩa.

Câu 50: “Thoi vàng bỏ rác, tro tiền dấy bay” = Nhóm đi tảo mộ nào cũng mang theo những bó vàng mã cuốn thành thỏi xổ tung ra rác cả đường để cúng những cô hồn, ma quỷ. Họ cũng đốt những tập giấy in tiền cúng trước mồ tổ tiên, gây ra những tro tàn bốc lên bay theo gió. Bốn chữ “tro tiền dấy bay” nghĩa là thế (dấy = bốc lên). Ngổn ngang gò đống kéo lên / thoi vàng bỏ rác, tro tiền dấy bay” lấy ý ở bài thơ thanh minh của thi sĩ Cao Cúc Khanh: [南 北 山 頭 多 墓 田 = nam, bắc sơn đầu đa mộ điền = ở đầu núi bắc và nam có nhiều khu ruộng đầy mồ mả] – [清 明 祭 掃 各 紛 然 = thanh minh tế tảo các phân nhiên = đến ngày lễ thanh minh, mọi người nhộn nhịp đến tảo mộ cúng tế một lượt]  [紙 灰 飛 作 白 蝴 蝶 = chỉ hôi phi tác bạch hồ điệp =

tro tiền giấy theo gió bay lên trông giống như đàn bướm trắng] – [淚 血 染 成 紅 杜 鵑 = lệ huyết nhiễm thành hồng đỗ quyên = những giọt nước mắt như máu rỏ xuống nhuộm thành màu đỏ hoa đỗ quyên]. Vì chữ bỏ [କ] (= chữ khứ [去] ghép vào với chữ bổ [補]) hình thù khó khắc và in nhòe, có bản đổi thành [捕] (= chữ thủ [扌] ghép vào với chữ bố [甫]) cho dễ khắc. Nhưng người phiên âm đầu tiên không luận ra chữ [扌] (thủ) bên chữ [甫] (bố) là gì, mới đọc lầm ra bõ, cho rằng vàng thỏi ở làng Bõ (?) làm, rồi lại đổi chữ dấy [罈] (= chữ khởi [起] ghép vào với chữ duệ [曳]) thành chữ giấy [絏] để đối với chữ bõ cho chỉnh, rõ thật vô nghĩa đến nực cười.

Câu 76: Thì chi chút ước gọi là duyên sau = Kiếp này đã vô duyên với nhau, thì xin chôn cất tử tế để làm duyên ước hẹn kiếp sau. Có bản in là “chút đỉnh” e rằng ý nghĩa không được thiết thực như “chút ước.”

Câu 78: Bụi hồng một nấm mặc dầu cỏ hoa = Chôn thành một ngôi mộ tử tế ở bên con đường cái lớn lúc nào cũng xe ngựa rầm rộ tung bụi đỏ lên, rồi trồng hoa cỏ trang điểm cho đẹp, rồi từ biệt nhờ khách qua đường trông nom. Câu này tả cảnh thật là thê thảm – một nấm mồ hoang nằm ngay giữa đám bụi hồng mà quanh năm chẳng ai thèm ngó đến. Thế mà nhiều bản in đổi chữ ‘bụi hồng” ra “vùi nông” nói là theo hai chữ “thiển thổ [淺土]” ở cuốn Thanh Tâm Tài Nhân. Đổi thế là có hai điều lầm: (1) Thiển thổ là đất nông, chôn tạm, không có long mạch, chứ đâu phải “vùi nông”; (2) Người khách đã sắm nếp tử xe châu chôn cất long trọng, hẹn ước kiếp sau, thì sao lại vùi nông cho xong một cách khinh bạc như vậy?

Câu 82: Chữ thoát [脱] có ba âm: thoát, thoắt, thoạt. Chữ đó thấy ở câu 82 phải phiên âm là thoạt mới đúng nghĩa = thoạt mới nghe, Kiều đã thương tâm rồi. Phiên âm nó là thoắt thì thật lầm.

Câu 87: Sống làm vợ sấp người ta – Chữ “sấp” ở câu này nghĩa là gái thanh lâu lúc sống, bất cứ ai đến đều phải làm vợ người ta cả. Nhiều bản nôm viết chữ này là [插] (Hán = sáp, nôm = sấp), chứ không viết là [泣] (Hán = khấp, nôm = khắp). Để chữ “khắp” thật là sai, vì làm vợ khắp cả mọi người thế nào được.

Câu 92: Sẵn đây ta thắp một vài nén hương – Chữ “thắp” trong câu này cả các bản nôm hay quốc ngữ đều in không giống nhau: hoặc là “thắp”, là “kiếm”, hay là “đắp.” Nay xin xác nhận “thắp” là đúng, vì “đắp” thì vô nghĩa hẳn đi rồi. Còn “kiếm” thì tuy có nghĩa, nhưng đã sẵn đây rồi, thì e kiếm là thừa.

Câu 102: Lại càng đứng sững tần ngần chẳng ra – Chữ “đứng sững” nhiều bản quốc ngữ in là “đứng lặng”, không đúng nghĩa bằng bản nôm của cụ nghè Vũ Trinh in là đứng “sững [爽]”. Hơn nữa, đứng sững là như đứng mê đi vì thương cảm quá; còn đứng lặng chỉ là đứng im thôi, đầu óc vẫn tỉnh. Chữ “đứng sững” mới thật khẩn thiết với chữ “tần ngần.”

Câu 120: Những bản in ngọn gió cuốn cờ đúng hơn những bản in trận gió cuốn cờ vì đây chỉ là một luồng gió lốc coi như hồn ma hiện ra, chứ không phải là một trận gió có nhiều cơn liên tiếp.

Mời các bạn vào thăm Tập San Việt Học để đọc Kim Vân Kiều dưới ánh sáng mới.

http://viethocjournal.com/2020/06/kim-van-kieu-dinh-giai-chuong-01/

 

Phạm Doanh

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search