T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: Viết ngắn giữa mùa COVI (11)-CÓ NHỮNG CHIỀU…

Bóng ngả chiều xưa – Tranh: Thanh Châu

 

Những chiều chưa tắt nắng, không dưng bỗng thấy buồn, một nỗi buồn nhè nhẹ như khói như sương, mà sao lòng vẫn cứ thấy nao nao.

Đó là chiều “trên đường về nhớ đầy” “ngỡ lòng mình là rừng/ ngỡ hồn mình là mây” của Hồ Dzếnh.

Là, “chiều xanh không thấy bóng Ba Vì” của Quang Dũng.

Là, chiều tím, “tím cả chiều hoang biền biệt” của Hữu Loan.

Hóa ra, chiều vàng, chiều xanh, chiều tím, chiều nào cũng đều “nhớ đầy” cả! Kẻ nhớ nhà châm điếu thuốc, người nhớ đôi mắt người Sơn Tây, người nữa nhớ người vợ “ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới”.

Tôi không là thi sĩ, nhưng cũng có một buổi chiều không màu, “chiều nhớ thương ai, người em tóc dài”.

Gọi “người em” bởi vì nàng có lẽ nhỏ tuổi hơn tôi. Lại kêu “ai” trổng không vì chẳng biết tên họ nàng là gì. Chỉ biết mẹ nàng có quen biết mẹ tôi. Mẹ nàng giàu, (mẹ tôi thì nghèo) vợ một ông hào lý, nên thường được gọi là bà xã T…Một hôm tình cờ, cùng đi chung với nàng và mẹ nàng một đoạn đường khoảng sáu bảy cây số gì đó. Tôi từ Quy Nhơn đi học về, nàng theo mẹ đi chợ Bình Định, còn gọi là chợ Gò Chàm. Khi lội qua một con mương nhỏ, cả hai mẹ con nàng đều phải xắn quần lên quá gối.

Chỉ có vậy thôi mà nhớ đến tận hôm nay, tức là hơn 60 năm. Nhớ, không phải vì đôi chân trắng của nàng mà vì mái tóc, một mái tóc dài kiểu Evelyne của Kiệt Tấn, nhưng đen chứ không vàng.

Khác hẳn với con gái thời ấy, không hiểu sao nàng không kẹp tóc mà lại xỏa ngang lưng bồng bềnh, nên khi qua cánh đồng rộng, nàng đi trước tôi theo sau, gió thổi tóc nàng bay bay, khiến tôi nhiều lúc cầu trời cho tóc nàng chạm vào mặt mình, nhưng trời không chịu nghe!

Suốt một đoạn đường quanh co khá dài, khi men theo những hàng tre kẽo kẹt, khi ngang qua cánh đồng vừa mới gặt, tôi và nàng chưa hề nói với nhau một lời. Dù tôi vẫn cầu trời cho bà cụ vấp ngã (xin lỗi cụ), hay kêu mỏi chân để tôi có cơ hội (ngàn vàng) dắt cụ đi, nếu cần thì làm Lục Vân Tiên cõng cụ, nhưng trời vẫn hại tôi, nên cụ cứ thong dong rảo bước, đường xa thì mặc đường xa!

Sau đó, tôi có tương tư chút đỉnh, còn nàng thì tỉnh bơ đi lấy chồng, tôi cũng chẳng có cơn cớ gì để mà “đưa em sang sông”. Nhưng từ ấy, tôi bắt đầu yêu những mái tóc dài, rất không yêu tóc demi garcon như Nguyễn Tất Nhiên.

“Những chiều không có em, hay chiều một mình qua phố”,(thời chưa bị người em tại gia quản lý), cứ đi tới đi lui đi qua đi lại, mòn vẹt cả đôi giày, buồn thì có buồn nhưng không “rầu”. Vả chăng, nhờ có những buổi chiều dài “cà nhỗng chống xâm lăng” như thế, nếu không thì cuộc đời chắc buồn đến “bã” xác ra rồi!

Những buổi chiều trên bến Phú Văn Lâu, con  sông Hương đã đẹp lại càng đẹp hơn bởi những mái tóc thề của nữ sinh Đồng Khánh. Đó là nét đẹp của tóc vừa chấm ngang vai, của áo trắng, quần trắng và nón lá trắng, lá mỏng đến nỗi soi thấy những câu thơ lót trong đó, nên còn gọi là nón bài thơ. Hoàng Trúc Ly trong một lần nằm mơ đã thấy “con gái bay nhiều quá/ những cánh tay mềm như cánh chim”. Đúng là giấc mơ của thi sĩ, còn đẹp hơn cả người thực, cảnh thực.

Chiều trên Cửu Long giang với “sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”, mà trời thì “bảng lảng bóng hoàng hôn”, cho ta một nỗi buồn vô tận, dù không biết buồn gì. Thế rồi, trên chiếc thuyền mỏng mảnh như lá tre, dáng một cô gái ngã rạp mình lên mái chèo, giống như một con cá từ dưới sông phóng mình lên, phải nói là không hình tượng nào mềm mại hơn, xinh đẹp hơn. Và cho dù không ưa ca cải lương, tôi vẫn muốn rụng tim khi nghe cô cất lên câu hò lục tỉnh, thật dài, thật lênh đênh cùng sông nước mênh mông.

Cũng có những chiều vui vui. Như chiều trên những thửa ruộng vừa bừa xong còn nghe mùi bùn. Những thợ cấy toàn là nữ, ai cũng tóc đen, mắt đen, quần áo đen, chỉ có nón trắng, và vì cùng cúi xuống nên nhìn từ xa chỉ thấy những chiếc nón sắp nghiêng nghiêng thành một hàng dài trên mặt ruộng phẳng như gương. Trong gió chiều hây hây, tiếng đệm hế hò hê bay cao vút, nghe thanh thoát làm sao, trẻ trung làm sao dù người thợ cả có khi già đến 60 tuổi!

Những chiều “gánh/ gánh gánh/ gánh thóc về” của Phạm Duy, nghe rộn rã tươi vui như những tiếng cười dòn tan của nông phu lúc được mùa.

Còn “chiều chủ nhật buồn, nằm trong căn gác đìu hiu, …trời mưa trời mưa không dứt…” của Trịnh Công Sơn, thì đúng là quá buồn.

Nhưng giả như có một chiều buồn nẫu ruột như thế mà không một lời hẹn trước, em bỗng đến thăm anh, thì ơn phước làm sao, kỳ diệu làm sao! Em không sợ lấm gót chân, không sợ ướt trái tim, đội cả mưa và gió đến thăm anh…yêu như thế là đã hết mình rồi, cần gì phải “đêm khuya thân gái dặm trường” như nàng Kiều.

Nhưng nếu bảo rằng, chỉ đến thăm không thôi là chưa “đủ”, chưa “tới bến”, thì coi chừng, em có thể “trao  duyên nhầm tướng cướp”!

Lại có những chiều cứ như trong xi nê, đó lúc chiều về “bà già lí le ông già” dắt ông ra bờ sông (mà không sợ rớt xuống sông ướt cái quần nilon), nói với con cháu: tụi bay cứ việc vui chơi thoải mái, khỏi lo chi ba má, và tụi nhỏ thì reo lên: thiệt hả ba, thiệt hả má? thế là cả nhà cùng vui!

Xem ra những cặp đôi bè bạn mà tôi có hân hạnh quen biết, các bà đều “lí le” cả. Bà thì giữa rừng xe cộ đầy khói bụi vẫn lái xe chở ông đi thăm bạn già (không bạn gái đâu nhé) vì mắt ông yếu; bà thì từ bên Mỹ vẫn bay qua nửa vòng trái đất, theo canh chừng vì sợ về Việt Nam ông có thể bị (sa) ngã!

Lí le, là làm ra vẻ khỏe hơn, mạnh hơn, nhưng thực ra các bà cũng đã xìu xìu (chưa đến nỗi ễnh ễnh), chẳng qua là cố lên vậy thôi. Thương là thương ở chỗ đó, tình nghĩa phu thê cũng là ở chỗ đó, chỗ “lí le” ấy mà.

Bồ Tùng Linh có kể (phịa) một chuyện rất ngộ. Có một cụ ông vừa chết còn để nằm đó chưa tẩm liệm, bỗng cụ ngồi dậy. Hỏi sao, cụ bảo chết để vợ sống một mình tội quá, con cháu nó thế này thế khác, nên quay về rủ vợ cùng chết. Cả nhà vừa sợ vừa buồn cười, nhưng cụ ông gắt, bảo vợ phải nằm bên cạnh. Cực chẳng đã bà cụ phải làm theo, thế là cả hai ông bà cùng “đi” một lượt!

Hay đấy chứ, nhưng tôi chẳng dám đâu, bà nhà tôi hãy còn ham vui lắm.

Thôi, buồn ơi, chào mi!

Khuất Đẩu

Viết giữa mùa ôn dịch

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search