T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Tấn Hải: NÚI SÔNG CÓ MẤY NGẢ TÌNH

Bến Bình Yên – Tranh: Mai Tâm

Mặc dù anh tôi được người ta gọi là Đại Đức Nguyên Ân từ nhiều năm nay, tôi vẫn giữ thói quen gọi anh với tên Thi như ngày xưa. Anh có họ với tôi từ một đời nào đó mà cả hai đều không biết chính xác. Hình như chị họ của bà nội tôi là bà ngoại của anh. Và hai bà có họ với nhau thế nào thì cũng chẳng ai nhớ. Nhà tôi lại không có gia phả không phải là điều quan trọng như đối với những gia đình Khổng giáo. Thực sự, chúng tôi vẫn tin rằng những người đã từng gặp nhau một lần nào đó trong đời chắc chắn đã từng có họ hàng gì đó với nhau trong những kiếp về trước. Hoặc nếu không nữa thì điều đó cũng không hại gì. Có lần, tôi hỏi anh về việc có nên đổi cách xưng hô không. Anh trả lời với nụ cười luôn luôn trên môi trông thơ trẻ và dịu dàng như búp sen thương được vẽ trên tay Phật Thích Ca truyền tâm ấn cho tổ Ca Diệp.

– Cứ việc gọi anh bằng tên thôi. Chúng ta đã từng mang hàng triệu triệu tên. Thì thêm hay bớt một tên không phải là điều để suy nghỉ. Đừng sợ anh buồn về điều đó. Khi anh đi ra đường, một đứa trẻ cuối đầu xuống thưa Đại Đức Nguyên Án, anh có nên hãnh diện và vui vẻ không. Còn nếu nó lấy đá ném và gọi anh là thằng này thằng nọ, anh có nên buồn không. Tại sao một đứa trẻ lại có thể ban phát cho mình niềm vui và nỗi buồn được nhỉ. Ôi, cái tên, có gì đâu là đáng nhớ. Đôi khi. bất chợt, anh cũng đã quên bẵng mất tên mình nữa đấy.

Anh đi tu từ khoảng cuối thập niên 60, ngay sau khi lấy xong Cử Nhân Triết Đông. Mọi người đều ngạc nhiên vì lúc bấy giờ văn bằng đó thật là hiếm. Thế mà anh lại chui lên một ngôi chùa sắp đổ nát tận đâu đó ở Bình Dương để xuất gia. Một lần lên chùa thăm anh, tôi nhìn thấy những vết nứt rạn trên tường được trét xi măng một cách vụn về, vài đường nứt trên những viên gạch Tàu đã lõm xuống vì bước chân tín đồ, tôi đã chỉ cho anh.

– Tại sao chùa không làm mới lại tất cả, anh nhỉ?

Anh trả lời với nụ cười v à những tia mắt sáng trong, với cả sự ngây thơ không còn ở tuổi anh nữa:

– Vị Tổ thành lập chùa đã di chúc rằng không được phép sửa chùa, ngay đến cả thay một viên ngói cho đến ngày đất nước được hoàn toàn hòa bình.

– Em thấy ngôi chùa đã quá xưa. Sợ là có lúc gẫy mất một, hai cái cột thì nguy hiểm lắm.

– Chùa chỉ có hai người, ông thầy và anh thôi. Thế thì có gì là nguy hiểm. Tuy nhiên với thời gian thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Chính con người mình cũng đang bị tàn phá thì dăm ba viên ngói bể hay vài đường nứt trên gạch có đáng gì để bận tâm.

Lúc bấy giờ, tôi chỉ là một tên con trai mới lớn nên chẳng hề quan tâm nhiều tới cuộc đời hay giáo lý. Việc anh đi tu, với tôi, cũng tự nhiên như ăn như thở.

Anh là đệ tử đời thứ 36 hay một con số khoảng đó của dòng Lâm Tế chánh tông. Thực sự, nếu anh có là đệ tử đời thứ nhất hay thứ một ngàn, tôi cũng chẳng hiểu gì về chuyện đó. Tôi đã tin một cách đơn sơ vào mệnh lệnh bí mật đó của vị Tổ. Hẳn là nếu đêm nay đất nước mình bỗng nhiên hòa bình thì ngay sáng mai ngôi chùa đã biến hình thành nguy nga hơn, rực rỡ hơn do 108 vị La Hán lăng xăng kéo về dựng lại. Có thể là nhưng viên gạch Tàu lõm xuống kia sẽ trở thành những phiến ngọc xanh được mái vuông vắn để làm mát lạnh những lòng bàn chân người đến. Hay là những cành mai trồng quanh chùa cũng  nở rộ khắp hoa sen. Tại sao lại không được nhỉ. Tuy nhiên anh không ưa nói tới phép lạ. Khi anh biết có những đêm tôi ngủ ở chùa đã cố gắng chống cự với giấc ngủ trẻ thơ rình rập xem 108 vị La Hán cạy lên những viên gạch Tàu để thay bằng những phiến ngọc xanh, anh chỉ cười dịu dàng:

– Các Tổ thường gọi những phép lạ như vậy chỉ là những trò múa may của chồn rừng. Phép lạ lớn lao nhất chính là khi nào chồn rừng biến thành sư tử thôi. Khi đó em sẽ thấy rằng mình với người thực sự không hề cách nhau tới một sợi tóc.

Vài năm sau tôi mới hiểu hết những thuật ngữ nhà Thiền như chồn rừng và sư tử. Chồn rừng và sư tử chỉ là hai mặt của một tâm hồn. Anh không ưa giải thích hay lý luận nhiều. Có khi anh nói một câu bí mật, để rồi một năm sau hay nhiều năm sau anh mới giải thích.

– Vấn đề của một thiền sư không phải là tu từ chồn rừng trở thành sư tử, mà phải nhìn thấy ngay tức khắc mình đã là sư tử con rồi. Sư tử con thì chỉ cần một năm, hai năm là thành vua sư tử. Chứ còn chồn rừng thì biết tới bao giờ mới thành sư tử.

Có những lần sau buổi công phu sớm, chúng tôi thường ngồi hầu trà bên vị Thầy của anh để nghe pháp. Bàn kê ngay cửa sổ nhìn xuống chân đồi, cây xanh vươn lên giữa những vùng sương mù. Ba tách trà đệm đưa lên lên những sợi khói mỏng thoảng giữa những làn hương từ các bàn thờ ngấm vào da thịt hơi thở chúng tôi. Giọng miền Trung của Thầy nghe uy nghiêm và thân mật vang lên giữa buổi sớm lặng tăm, ấm như tiếng gõ mõ chậm rãi nửa đêm.

– Thầy biết là những người mới tập Thiền dễ mê Thiền lắm. Cuộc sống vốn đã đầy rẫy những mê hoặc tại sao mê thêm một thứ nữa nhỉ. Nhiều người lại bước vào tà Thiền quay cuồng với việc xuất hồn lên  các cõi trời hay chuyển pháp luân thở hít này nọ. Thế là lầm lạc biết tới bao giờ mới ra. Họ không hề biết rằng tất cả các cõi Trời, cõi Phật, khắp cả thế giới mười phương đều đã sẵn trong tâm này.

Có đêm đang khi trằn trọc dỗ giấc ngủ, tôi bất chợt thấy thầy tới tốc mùng anh Thi và bảo anh xả Thiền để ngủ:

– Tại sao mình đang sống trong một thế giới này lại tạo thêm một thế giới nữa trong mùng làm gì. Không bao giờ có chuyện con chồn nhờ ngồi mà thành sư tử.

Sáng ra, anh có giải thích cho tôi là Thầy đang cấm anh ngồi Thiền một tháng. Nhưng anh không thể nào không ngồi Thiền được. Sự bình an có được đó không phải hàng ngày đều tìm được. Nhưng hễ đêm nào anh mò dậy ngồi dù là vào lúc hai giờ sáng, ông Thầy cũng thức đúng vào lúc ấy để mời anh ra nói chuyện. Có một lần Thầy đã nổi giận với anh, nhưng tại sao sư lại nổi giận được nhỉ.

– Khi ngươi ngồi thì ngươi là Phật, thế khi ngươi xả Thiền thì ngươi là ma à?

Khi ngươi  ngồi thì ngươi ở trong định, thế khi ngươi xả Thiền thì ngươi lại rối loạn à? Ngươi phải xem ta như một người Thầy thuốc, lúc nào cho thuốc thì uống. Trong trường hợp của ngươi thì ngưng ngồi Thiền là uống thuốc đấy.

Tôi không hiểu nhiều về những lời nói của vị Thầy lắm. Với tôi đó là những bài toán khó hơn nghìn lần những bài toán tích phân. Và tôi chưa có tham vọng lấy văn bằng Cử Nhân Khoa Toán do vị Thầy đó cấp.

Sau năm 75, cuộc sống trong chùa khó khăn hơn. Chùa ở xa hẳn thị trấn nên tín đồ tới thật ít. Đất của chùa chỉ là những mảnh chó gặm cũng gẫy răng. Những đám cúng, đám lễ dần dần vốn đã đơn giản lại càng đơn giản hơn. Hộ khẩu anh lại ở Sài Gòn, nên việc cư trú lại càng rắc rối. Khi trận đói năm 76-77 xảy ra, Thầy phải gửi anh về nhà. Nhưng anh lại cố gắng lưu vong từ ngôi chùa này đến ngôi chùa kia ở ngoại ô Sài Gòn. Mọi người đều tôn trọng anh vì tìm được một vị sư nghiêm cẩn và học cao như anh cũng hơi khó. Lúc bấy giờ tôi không được gặp nhiều lắm, vì những bận rộn của việc kiếm sống và lu bu với bạn bè. Những tin tức về anh, tôi nhận được đều từ gia đình của tôi thật là ít ỏi. Cả anh và tôi đều không trọng phép xã giao theo kiểu riêng của mỗi người nên việc gặp nhau cũng không là điều cần thiết. Cuối cùng anh về ỡ một ngôi chùa trên đường ra Vũng Tàu. Riêng tôi, bất cứ lúc nào rãnh rỗi, tôi đều tìm sách kinh để tìm hiểu về Thiền, sợ là mình có thể chết hoặc vào tù trước khi bước vào ngôi nhà không cửa đó. Những lần anh về thăm gia đình, tôi đều tìm anh để nói chuyện về đạo pháp và dân tộc.

– Trong con người em luôn luôn có một sức mạnh thúc đẩy em đi tu, nhưng tình hình thế này mà tu thế nào được. Lòng em cứ như lửa cháy khi nhìn thấy hàng loạt người dân vô tội kéo nhau vào tù. Người em cứ như điên lên khi nhìn thấy hàng nghìn người ngủ lê lết ngoài hè phố Sài Gòn. Làm thế nào họ sống được nhỉ giữa thời buổi này, nếu không phải ăn cắp, bán dâm, ăn xin… giữa lúc không có một mẫu giất cho phép họ là công dân Việt Nam. Anh thử nhìn những đứa con nít không được phép tới trường kia đang cởi truồng chạy lông nhông dưới những gầm cầu nước đen xỉn, chúng nó không phải là em mình à, con mình à. Nếu biết được cuộc đời sẽ như thế này, hẳn là chúng nó đã xin được đừng xin ra đời thì hơn.

– Không phải bây giờ mới có khổ đâu, mà hình như từ muôn kiếp rồi vậy. Anh thực sự không nghĩ đi tu là việc cần thiết đâu em. Rồi sẽ tới một lúc em thấy những cảnh khổ đó cũng chỉ là một thoáng giấc mơ hiện lên trong giấc ngủ đêm qua. Rồi sẽ tới một lúc em thấy ngay cả những việc nghiêm chỉnh nhất như làm cách mạng, như đi tu thực sự cũng chỉ là một thoáng mây bay qua đi trong tâm hồn em. Vấn đề là giấc mơ kia qua đi và thóang mây kia tan đi, cái gì còn lại trong em. Thấy được cái đó chính là Thiền.

– Thực sự là em không dám giết người. Em sợ việc đó. Ngay đến một con kiến, em cũng không dám đạp lên. Nhưng thử nhìn xem. Trong khi những cuộc tàn sát đang diễn ra khắp nơi trên nước mình, từ nhà tù cho tới hè phố, từ công khai cho đến âm thầm. Tất cả các ngôi trường đều dạy cho trẻ con thích thú và thành thạo những cách hành hạ người khác từ thể xác đến tinh thần. Làm thế nào em có thể ngồi bình yên được. Hôm trước em có làm mấy câu thơ:

Sao hẹn tu từ muôn kiếp trước

Còn trói tay vào lụy núi sông

Em tin là Tổ cũng quan tâm nhiều đến dân tộc, nên mới liên hệ thay ngói trên chùa với ngày hòa bình của dân tộc.

– Đó là một điều bí mật mà chúng ta chưa hiểu hết được. Anh nhớ có lần Thầy kể rằng, Tổ tiết lộ sẽ có rất nhiều hóa thân của các vị A-la-hán đến Việt Nam để làm Phật Sự…

– Và chúng ta phải chờ tới bao giờ? Chờ tới khi những viên ngói trên chùa tan thành bụi?

Anh không ưa lý luận nhiều. Và tôi cũng không dám thấy cần phải lôi kéo anh. Điều này hoàn toàn không cần thiết. Lôi kéo một vị Phật vào một cuộc chiến tranh cũng có nghĩa là lôi kéo thêm nhiều rắc rối không thể giải quyết.

– Điều đó phải chăng chúng ta không cần phải làm điều gì cả?

Và dù tôi có chất vấn thế nào đi nữa, anh cũng luôn luôn trả lời với nụ cười dịu dàng:

– Em phải thấy Tánh đã. Rồi muốn gì thì làm. Nếu không thấy Tánh thì làm gì cũng sai lầm, dù em cứu sống hàng triệu người, đem hạnh phúc cho hàng tỷ người, điều đó cũng vô ích.

– Trời ơi làm thế nào em có thể thấy ngay trong đời này chứ. Làm sao có thể ngồi Thiền để chờ thấy Tánh, giữa lúc bao nhiêu đứa con nít đang bươi những đống rác để tìm một mẩu bánh.

– Người ta không cần ngồi Thiền để thấy Tánh. Hai việc đó rõ ràng khác nhau. Vấn đề chỉ ở chỗ – anh trầm giọng xuống chậm rải một cách nghiêm cẩn – Làm thế nào để thấy tất cả các Tướng đều không có Tướng, thì là thấy Tánh.

Ngôi chùa mới anh ở nằm trên đường đi Vũng Tàu nên cũng được khá nhiều tín đồ vãn cảnh. Có một ít đất trồng đậu và lúa bên kia con lạch nhỏ sau chùa nên cuộc sống các chư Tăng cũng không vất vả lắm. Trong những thời gian về sau, tôi có dịp thường xuyên đi Vũng Tàu do một số việc, lần nào cũng ghé thăm anh. Có những bụi trúc nhỏ giữa sân rộng của chùa và những hàng cây khuynh diệp cao vút rũ những tua áo xanh vi vu trong gió. Những mái tôn ẩn dưới tàng cây vẫn dấu trong vẻ đơn sơ sự trang nghiêm. Chiếc cầu gỗ nhỏ ngang qua lạch đưa tới những đám lúa xanh rì còn là nơi dân chúng đi sâu vào tận trong rừng để lấy củi. Dưới con lạch đó là những bông sen vươn thẳng lên cao giữa những tàng lá rộng rãi bên mặt nước.

Khoảng năm 81, tôi có làm được một bài lục bát đề tặng Thiền Sư. Buổi chiều đó ghé thăm anh nhân một chuyến từ Vũng Tàu về Sài Gòn. Ánh nắng chiều vàng xen qua những kẽ lá lung linh trên mặt đất như những cánh hoa vàng ẩn hiện kết hợp rồi tan. Những chiếc lá khô xào xạc dưới những bước chân, rạn vỡ những hồn cây cỏ cuốn lăn theo gió chiều. Tôi gặp anh đang tiếp bốn cô thiếu nữ trong phòng khách. Hình như anh Tri khách Tăng thì phải. Bốn người con gái ăn mặc đơn giản như những người con gái tỉnh lẻ. Họ có một vẻ đẹp tinh khiết và ngây thơ mà tôi không dám nhìn quá lâu vào mắt họ, sợ là quá sỗ sàng. Nhưng trên những vầng trán đó vẫn thoang thoảng nét ưu tư của những người lương thiện và có học giữa thời buổi này. Họ đứng lên xin phép ra về. Anh giải thích với tôi.

– Đó là bốn chị em đang sống ở Long Thành. Họ vẫn thường đi xe đạp qua mấy cây số để đến thăm chùa. Hai cô lớn đang đi dạy ở một trường cấp hai, cấp ba nào đó.

– Hay quá nhỉ. Em vẫn có thói quen nhìn thấy ai cũng đẹp. Khi em đang bước vào đây cứ ngỡ như đang bước ngược trở về một chuyện thần tiên nào đó.

Anh vẫn cười dịu dàng trước đứa em nghịch ngợm:

– Ngay khi anh vào chùa, họ đã đến thăm anh. Họ là những người con gái như được lựa chọn cho thế kỷ này. Một thời gian sau, khi đã tin cậy vào anh – dĩ nhiên là có những vị sư không đáng tin cậy, họ không nói nhưng anh biết – mấy cô mới nói cho anh biết là họ đang gìn giữ những sinh hoạt bí mật của gia đình Phật Tử ở Long Thành mặc dù lệnh giải tán tán của nhà nước đã có từ năm 1975. Hoàn toàn tự động đấy nhé, không một hướng dẫn của một Thầy nào cả. Họ giữ được tất cả những cơ sở của gia đình Phật Tử ở đó. Họ tổ chức thiếu nhi theo từng đội vài em và tự huấn luyện cán bộ lấy. Vậy mà gần 6 năm rồi đấy.

– Thế thí sinh hoạt làm sao giữa thời buổi này?

– Chỉ thuần túy tôn giáo thôi. Không một chút chính trị nào cả. Và hoàn toàn không giống những hình thức sinh hoạt trước kia. Không có một bài ca nào. Nhưng bù lại là những trò chơi hết sức thông minh và hứng thú để lôi cuốn thanh niên. Thí dụ như chủ nhật vừa rồi là trò “Thiện Tài đồng tử qua 54 thành học đạo Bồ Tát” kéo dài 7 giờ sáng tới 6 giờ chiều cho năm người học trò lớn của họ. Họ phải đạp xe qua bốn chùa. Anh chẳng biết họ làm gì ở ba chùa kia nhưng ở đây thì họ tìm 10 lời nguyện khác nhau trong 10 quyển kinh khác nhau, làm bốn câu lục bát trong khi dùng cơm trưa với các ni cô, và lấy cớ vào rừng phụ lấy củi cho chùa họ phải tìm mỗi người năm loại hoa cúng Phật. Tất cả đều phải làm trong thời gian ngắn nhất. Phần thưỏng chỉ là một huy hiệu hoa sen bằng đồng từ thời nào đó.

– Em tin rằng chiếc hoa sen đó đã chuyển từ tay Phật trên hội Linh Sơn qua tay các Tổ rồi đến tay họ đấy. Thực sự chính họ đã thực sự trở thành những hoa sen để trang nghiêm cho thế giới này.

– Và anh chỉ có việc duy nhất là giảng Kinh cho bốn người chủ chốt đó.

Tôi lấy ra bài thơ làm tặng anh cách đó mấy ngày. Trước giờ anh vẫn có thói quen thích đọc thơ của tôi. Anh đọc khe khẽ:

Nắng vào rừng trúc đã thưa

Gặp anh như gió nghìn xưa nhẹ về

Niết bàn có mấy ngã chia

Ngã xuôi phố chợ ngã về gác Kinh

Núi sông có mấy ngã tình

Nghìn hoa sen nở bất bình trong thơ

– Em cũng biết là mỗi một lời viết ra đều gây thêm nghiệp lực trùng trùng. Nhưng chẳng biết làm sao cả.

Anh nhìn vào mắt tôi và cười:

– Dù sao đi nữa thì niệm cũng đã khởi rồi. Nhưng tại sao em không vào ngay chỗ không Niết bàn cũng không sinh tử. Cửa để vào cửa Thiền là vô phân biệt đấy.

– Em thực sự không biết được là em có sống được với tâm vô phân biệt chưa, bây giờ em chỉ biết là em đang quan tâm tới việc thay ngói cho chùa Thầy.

– Em sẽ bước vào được vũ trụ của tâm vô phân biệt ngay khi nào với chính đôi mắt trần này em thấy được, mặc dù mình đã sinh ra hằng triệu kiếp và đã chết đi hàng triệu kiếp, thực sự mình vẫn chưa từng sinh ra bao giờ và cũng chưa từng chết đi bao giờ. Mình vẫn làm tất cả mọi việc trên đời nhưng không hề thấy có người đang làm, có việc được làm là lúc bấy giờ thì khổ đau chỉ còn là tiếng thở dài đêm qua…

Chúng tôi chỉ nói chuyện về kinh sách với nhau kể về tin tức những người bạn chung của hai chúng tôi. Những người bạn xưa ở cùng Nhóm Nghiên Cứu văn học với tôi và bây giờ đã trở thành những nhà thơ mới của vỉa hè, những người bây giờ đã gửi sinh mệnh của họ vào trong từng câu thơ. Và mỗi một dòng thơ đọc lên là mỗi một bước gần thêm vào nhà tù.

– Nhiều khi em cảm thấy cuộc sống hết sức là kinh hoàng. Chẳng biết làm sao cả. Em không dám nghĩ tới việc lấy vợ trong xã hội này. Sinh con bây giờ, mình sẽ có tội với con của mình.

– Em có bao giờ dám nghĩ tới việc phát nguyện như thế này không: “Nguyện cho tôi đời đời kiếp kiếp đi khắp các địa ngục của mười phương để đưa tất cả chúng sinh trở về nơi giải thoát.”

Tôi kinh ngạc nhìn anh. Điều bày hẳn là quá sức tôi, vì ngay cả việc nghĩ thoáng qua lần thứ nhì chưa chắc gì tôi đã dám nghĩ đến. Vả lại tôi đã từng ở tù và bây giờ cũng chưa rời được cơn sợ hãi. Thì nói gì tới địa ngục…

Hai tháng sau gia đình anh tin cho tôi biết là anh đang ở tù. Lúc bấy giờ tu sĩ bị tù rất thường. Nếu có một vị nào chưa vào tù thì mới là điều đáng nhạc nhiên. Ngày rằm sắp tới sẽ làm lễ cầu an cho dân tộc và cũng là riêng cho anh. Nhưng tôi, tôi đang nghĩ đến sự an nguy của các đội viên ngây thơ, bé nhỏ của gia đình Phật tử Long Thành. Gần hơn nữa là sự an nguy của bốn người thiếu nữ đang đi chân trần trong lửa đỏ ngất trời để thấy chính thịt da của mình cháy tan thành bụi phấn để trang nghiêm cõi Phật.

Tôi nhớ lại hôm trước anh có nói với tôi về một lời nguyện. Anh có bao giờ phát nguyện như vậy chưa? Xin đời đời kiếp kiếp đi khắp các địa ngục mười phương để đưa tất cả các chúng sinh trở về nơi giải thoát. Tôi nhớ lại trên khuôn mặt của anh chưa từng có một vẻ gì là gần gũi với khổ đau. Tại sao anh lại có thể gặp tai nạn mà được nhỉ.

Có sức mạnh nào giữa lời nguyện kia và hoàn cảnh này không . Anh Thi – tôi bất chợt gọi anh và nói thầm – thế là xong, những gì phải xảy ra đều đã xảy ra. Bây giờ thì anh hãy tin rằng, lịch sử nửa phần thế kỷ trước là của họ và lịch sử nửa phần thế kỷ sau có lẽ sẽ là của chúng ta. Nhưng sao lại ta với người nhỉ. Hình như một lần anh từng nói, ta với người không hề sai biệt.

Vào ngày rằm đó, tôi từ Vũng Tàu ghé vào chùa dự lễ cầu an. Lúc bấy giờ, lễ đã gần chấm dứt. Mọi người đứng đầy trong chánh điện. Tôi thấy mẹ anh và vài người em đứng ở hàng đầu. Lời kinh tụng hòa vào nhau giữa tiếng mõ trầm trầm, trầm trầm như lời của các vị Phật tử muôn đời được lặp đi lặp lại. Vị sư bạn anh Thi đang quỳ ở nơi chủ lễ. Những lời kinh cao lên và chìm xuống quyện trong mùi hương trầm lơ lững giữa không gian rồi tan đi theo từng ngọn gió nhẹ. Ở những hàng giữa là bốn chị em kia và thêm chừng mười thanh niên, thiếu nữ nữa, tất cả đều mặc tràng xanh. Những hình dáng gầy, thanh mảnh như những cánh hoa thường được ép vào những trang kinh để giữ thơm cho chữ. Và bây giờ thì khi lịch sử cần đến, những cánh hoa ấy đã rời những bộ sách trang nghiêm kia để giữ thơm cho đời. Trong mắt tôi, những thiếu nữ và những cậu bé kia chính là những Nga Mi nữ hiệp, chỉ còn thiếu những thanh kiếm đeo choàng sau lưng áo tràng thôi.

Khi buổi lễ chấm dứt, tôi đến chào vị sư, mẹ anh Thi, các em của anh và những người tôi quen. Người chị lớn trong bốn chị em bước đến gần tôi:

– Thưa anh, thầy Nguyễn Ân có vài lời nhắn với anh.

Chúng tôi bước ra sân, đứng bên một bụi trúc. Người con gái mở sách lấy ra một tờ giấy quyến vàng ố đưa cho tôi và nói:

– Trong lần thăm nuôi vừa rồi, tôi đại diện chùa đây đi thăm, thầy có gởi được tờ này ra cho anh.

Tôi nhìn người thiếu nữ trang nghiêm đó:

– Gặp được cô ở đây, tôi an tâm vô cùng. Thầy Ân có nói chuyện với tôi về các cô. Và  tôi thực sự lo ngại về những chuyện xảy ra ở đây.

– Chúng tôi phải bất động hai tuần để chờ những tai họa dây chuyền, nhưng chẳng có gì cả. Và riêng bốn chị em chúng tôi cũng hết sức lo ngại cho anh vì chúng tôi biết rằng anh có làm một số thơ phổ biến hạn chế.

Tôi mở tờ giấy quyển gấp tư kia ra, những hàng chữ bằng bút chì của anh Thi viết vội ngã nghiêng hiện ra:

“Gởi nhà thi sĩ nhỏ của anh,

Đừng lo gì cho anh. Hãy quan tâm đến việc thay ngói cho chùa”.

Tôi gấp lại cho vào túi và nói với người chưởng môn trẻ của các Nga Mi nữ hiệp:

– Thực sự nào ai biết được. Niết bàn hay sinh tử, đường nào rồi cũng vô nhà tù. Cảm ơn cô nhé.

– Bây giờ anh hãy về đi, ở đây đang có một số người không tốt.

– Chúc các cô bình an.

– Vâng, cảm ơn anh. Chúng tôi cũng chúc anh bình an. Đó là những lời chúc cần thiết nhất giữa những giai đoạn này.

Một tháng sau tôi đến thăm Thầy ở Bình Dương để từ giã trước khi bước vào một cuộc vượt biên. Thầy đã biết tin về anh Thi ngay sau khi chuyện đó xảy ra từ bà mẹ của anh. Tôi không biết có viên ngói nào đã bể chưa, nhưng vách tường của chùa đã có nhiều vết nứt như màng nhện. Những sợi tóc ngắn của Thầy đã mọc lởm chởm trắng xóa. Buổi sáng, sau buổi công phu sớm, chúng tôi vẫn giữ thói quen uống trà chờ những tia nắng đầu tiên của mặt trời.

Và nói về người học trò của Thầy đang ở trong những song sắt. Tôi kể về những dòng chữ anh Thi nhắn ra.

– Thưa Thầy, ở trong xã hội này không ai có thể biết được chuyện gì năm phút nữa sẽ xảy ra cho mình.

– Cho phải thâm tín vào luật nhân quả. Những gì mình buộc thì chỉ có mình cởi được thôi. Thầy tin rằng Nguyên Ân đã có đủ vững vàng để có thể tự liệu lấy một mình. Cho dù có đổ về mười ngàn trận bão một lúc đi nữa, thầy hy vọng rằng tâm hồn Nguyên Ân cũng sẽ bình lặng như mặt hồ. Vấn đề quan trọng nhất của Ân không phải là bước vào một nhà tù hay 10 nhà tù, mà là phải nhìn cho tới khi mây tan đi để thấy được mặt trăng tròn vằng vặc.

– Thưa Thầy, mặc dù rồi con sẽ rời nước ra đi, nhưng con vẫn tin rằng con sẽ về được Việt Nam trong thời gian gần.

– Thế thì con đi để làm gì?

– Thưa Thầy, con đi lo việc thay ngói cho chùa.

– Con đừng bao giờ nghĩ rằng con đang làm một việc gì đó tốt đẹp cho một người hoặc nhiều người. Con cứ làm tất cả mọi việc trong trần gian, hy sinh cả chính sinh mệnh mình, cho tất cả những gì mình có, nhưng phải thấy rằng không hề có người đang cho và cũng không hề có vật nào cho.

– Thưa Thầy, thế nào để bước vào ngay được cửa của Thiền?

– Chỉ cần con đứng lại và buông xả hết thế là xong. Con phải thấy mình là đại dương chứ không phải là bọt nước. Phải sống như đại dương. Sống như bọt nước thì còn phân biệt giữa bọt nước này với bọt nước kia, chứ còn đại dương thì vô phân biệt…

Tôi trở về Sài Gòn giữa nắng chiều và lời nói của Thầy. Đây không phải là lần cuối tôi lên chùa. Thực sự tôi đã từng lên chùa từ muôn triệu kiếp và sẽ còn lên chùa mãi mãi. Tôi nhủ thầm: “Anh Thi, em tin rằng anh luôn vẫn bình an. Hãy chờ xem em làm việc. Em không phải là một thằng tồi. Kính thưa Thiền sư tóc trắng của anh và của em, Thầy thực sự là một người phù thủy già đã ngồi trên những đỉnh núi Bình Dương từ hằng triệu kiếp, đang đưa mắt nhìn những cậu bé con len lỏi giữa những cánh rừng đồng bằng tìm đường lên đỉnh núi. Hỡi người phù thủy tóc trắng đã biến những chồn hoang thành sư tử, đã thổi tan đi những đám mây để lũ bé con nhìn được trăng lên vằng vặc, đã đưa dài tay xuống quậy nước sông Đồng Nai thành sữa ngọt. Con đang đi giữa những cơn mộng trần gian, làm tất cả những việc phải làm trong mộng mà không hề thấy có ai đang làm cả. Bọt nước rồi sẽ tan đi, tất cả chỉ còn là đại dương”.

Phan Tấn Hải

(Trích: Cậu Bé và Hoa Mai)

 

 

 

©T.Vấn 2020

 

Bài Mới Nhất
Search